Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Sunday, August 31, 2014

Tình Hờ, Kiếp Nào Có Yêu Nhau - Diễm Liên, Nguyên Khang


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Tình Hờ, Kiếp Nào Có Yêu Nhau/Ca sĩ Diễm Liên, Nguyên Khang


Thy & Chinh, Thông thăm mấy dì ở Dallas



Thy và gia đình bay từ San Diego về Dallas để thăm mấy dì, đúng lúc Thông đang làm việc ở Dallas.
Mùa nầy là mùa Iphone mới sắp phát hành, Chinh hết sức bận rộn và về Dallas Chinh phải làm việc qua mạng, vậy mà gia đình Thy cũng cố tranh thủ về thăm mấy dì vì dì Liên sắp về lại Việt Nam. Các con Thy & Chinh, Thông đã hành xử làm tôi hết sức vui.
Từ trái: Kira, Aiden, Thông, Thy, dì Tuyết, dì Liên, dì Sương ngồi.
Kira cao gần bằng Thông luôn!   

Tuesday, August 26, 2014

Tham quan Mũi Cà Mau - Chị Bảy


Nhiều lần tôi định đi tham quan Mũi Cà Mau nhưng tôi cứ chần chờ vì ngại đi một mình không vui. Rồi lần nầy tôi vừa về đến Việt Nam, ông chủ hotel rủ tôi tham quan Cà Mau, thế là tôi như đang buồn ngũ mà gặp chiếu manh.

Chúng tôi bốn người gồm tôi, ông chủ hotel, hai anh bạn của ông chủ hotel, Việt Kiều về từ California và Pennsylvania ở Mỹ. Chúng tôi thuê xe bảy chổ, theo lộ trình chúng tôi khởi hành từ Sàigòn, trực chỉ Rạch Giá và ở Rạch Giá hai đêm. Rời Rạch Giá chúng tôi đi Cà Mau, tham quan Cà Mau xong chúng tôi về Hà Tiên ngũ đêm. Rời Hà Tiên chúng tôi ghé tham quan Chùa Dơi ở Sóc Trăng trước khi về Sàigòn.

Tham quan Rạch Giá. Rạch Giá không xa lạ với tôi, trước 1975 tôi thường đáp máy bay ở đây và 2012 tôi cũng đã thuê xe đi tham quan Châu Đốc, Hả Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên. Rạch Giá là quê của anh Việt Kiều Pennsylvania.

Chúng tôi khởi hành từ Sàigòn lúc gần trưa và đến Rạch Giá thì trời sụp tối. Đến Rạch Giá chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng xong, anh Việt Kiều Pennsylvania về với gia đình, còn lại chúng tôi check-in hotel.


Ăn tối trong nhà hàng Gió Biển ở Rạch Giá. 
Từ trái Hoàng ở Pennsylvania, anh Minh chủ hotel tôi ở, Thái, anh Cung ở California, Hùng tài xế.  

Ăn sáng ở Rạch Giá.
Từ trái: Hoàng, Minh, Thái, anh Khôi điêu khắc gia, cháu anh Khôi, Cung. Anh Khôi là đại gia ở Rạch Giá và quen với Hoàng. 

Ăn sáng ở Rạch Giá xong, chúng tôi cho tài xế lái xe chạy quanh thành phố Rạch Giá để Hoàng giới thiệu. Hoàng lớn lên ở Rạch Giá và anh vượt biển 1991 tại Rạch Giá. 

Theo Hoàng, ngày xưa gia đình nào ở Rạch Giá cũng đều có người vượt biển, vì vượt biển rất dễ dàng, không cần tiền, chỉ cần biết có tàu sắp vượt biển thì liều mạng nhảy xuống tàu, chủ tàu không dám la vì sợ bị bể, công an tóm cả tàu! Vượt biển ở Rạch Giá quá dễ, tàu chỉ cần đi qua Hà Tiên là ra khỏi biên giới Việt Nam rồi! 

Rạch Giá được nổi tiếng là nhờ đang sở hữu một khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Khu đô thị nầy được lấn ra Vịnh Thái Lan trên 500m và dài trên 7km, tạo dựng được 450 mẩu ta, bố trí chỗ ở cho 64000 dân.

Nhờ gia đình nào cũng có Việt Kiều nên khu phố Rạch Giá bây giờ mở mang, ăn chơi nhộn nhịp! Trời! Đêm tối ở khu phố lấn biển, tôi thấy các quán ca hát, quán cà phê cao cấp tràn ngập du khách ăn chơi, bất kể ngày thường hay cuối tuần. Gái Rạch Giá thì đẹp và lanh như chim Cắt (Falcon)!
     
Đền thờ ông Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực người huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, khi quân Pháp bắn phá Trung Bộ, gia đình ông Trực dời vô huyện Bến Lức tỉnh Long An. Người dân Rạch Giá ai cũng biết đền thờ ông Nguyễn. Đến ngày cúng ông Nguyễn, người dân Rạch Giá tổ chức rất long trọng. 

Vốn là dân chài lưới, nằm trong hệ thống chống Pháp của Nguyễn Tri Phương và dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Ông Trực được nổi tiếng là nhờ chiến công đốt tàu L'Espérance của Pháp ngày 10 tháng 12 năm 1861 trên sông Nhựt Tảo thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bắt ở Phú Quốc và bị chém đầu tại chợ Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868, hưởng dương 30 tuổi. 

Tàu L'Espérance bị ông Nguyễn Trung Trực đốt trên sông Nhựt Tảo.
Tàu được để trên sông trước đền thờ ông Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.

Đại gia Khôi và cô tiếp viên nhà hàng Ao Sen.

Tham quan Rạch Giá xong, đến trưa đại gia Khôi mời phái đoàn ăn trưa ở nhà hàng Ao Sen.

Thái và ông chủ nhà hàng Ao Sen.

Từ trái: Cung, Minh, Khôi, Thái.

Tham quan Mũi Cà Mau. Sau hai đêm ngũ lại Rạch Giá, sáng sớm chúng tôi rời Rạch Giá đi Cà Mau. Trước 1975 không có đường từ Rạch Giá đi Cà Mau. Ngày xưa từ Rạch Giá muốn đi Cà Mau thì phải về Ngã Ba Lộ Tẻ gần Cần Thơ, rồi từ đó đi qua Sóc Trăng, Bạc Liêu để đến Cà Mau. Ngày nay có đường đi thẳng từ Rạch Giá xuyên qua rừng U Minh Thượng đến Cà Mau, đoạn đường nầy trên 100km ngắn hơn ngày xưa nhiều.

Rừng U Minh Thượng.
Họ đào con kênh xuyên qua rừng U Minh Thượng để lấy đất đắp con đường từ Rạch Giá đi Cà Mau.
Hầu hết dưới quê, bên cạnh con đường là con kênh, vì phải đào kênh lấy đất làm đường. Vậy là nhất cử lưỡng tiện, vừa có lối lưu thông đường xe vừa có lối lưu thông đường ghe. 

Phái đoàn cũng đóng góp với người làm đường bằng cách dừng xe tưới nước bảo trì cây xanh!

Chúng tôi cho tài xế lái xe trực chỉ huyện Năm Căn, chứ không ghé phố Cà Mau, vì mục đích chúng tôi là tham quan Mũi Cà Mau.

Mũi Cà Mau. Mũi Cà Mau còn có tên Mũi Bãi Bùng. Mũi Cà Mau hướng về phía Tây, thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Nhìn về hướng Bắc, bên trái Mũi Cà Mau là Vịnh Thái Lan, bên phải là Biển Đông.


Nhìn bản đồ thì Mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, vì Mũi Cà Mau hướng chênh chếch lên phía Tây Bắc. Điểm cực Nam trên đất liền tỉnh Cà Mau là xóm Rạch Tàu, xã Đất Mũi.

Chúng tôi thuê ca nô từ Năm Căn đi Mũi Cà Mau, 
ca nô chạy rất nhanh và mất 50 phút mới tới Mũi Cà Mau.

Sắp sửa xuống ca nô, tôi tình cờ gặp ông bắt cua từ ghe vừa lên bờ, thế là tôi hỏi mua cua.
Cua gạch Cà Mau thì số một, tôi mua luôn 4 con cua gạch, mỗi con nữa ký, giá 4 con cua là 400000 rồi tôi đem xuống nhà hàng ở Mũi Cà Mau cho họ hấp bia. 
Cua gạch 200000 một ký thì quá rẻ nếu so với Sàigòn. Ở đường Nguyễn Tri Phương Sàigòn, tôi ăn cua gạch với giá 500000/1ký. 

Ca nô chạy thật nhanh, gíó biển mát rượi, lòng tôi phơi phới như trai tơ! 

Người dân giăng lưới bắt cá bắt cua ngang qua cửa biển. 
Cửa biển sâu từ 20-40m.
Đây là cửa biển nên nước từ sông ra đầy phù sa, chính phù sa nầy đang bồi đắp cho Mũi Cà Mau.

Cửa biển ra Mũi Cà Mau, hai bên là cây Đước. 
Cây Đước (Mangrove) là loại cây mọc dưới nước mặn, nhờ cây Đước mà phù sa được giữ lại bồi đắp cho Mũi Cà Mau. Ở Tràm Chim Đồng Tháp mà tôi đã có dịp tham quan, nơi đây có cây Tràm mọc dưới nước ngọt, nhờ cây Tràm mà phù sa được giữ lại bồi đắp cho Đồng Tháp mỗi năm vào mùa nước lũ. Cây Đước được nung làm than thì số một. Cây Tràm được dùng đóng cừ thì số một.

Ca nô cặp bến Mũi Cà Mau.

Anh Minh mua vé tham quan Mũi Cà Mau.

Đường vô Mốc Mũi Cà Mau.

Đường vô Mốc Mũi Cà Mau, hai bên là cây Đước.
Cây Đước có rể chụp xuống xung quanh như cái nôm cá. 

Mốc Mũi Cà Mau.

Nhà hàng Thuỷ Tạ Mũi Cà Mau.

Tháp canh Mũi Cà Mau.

Chúng tôi ăn trưa trong quán xung quanh Mũi Cà Mau.
Chúng tôi nhờ quán hấp cua mà chúng tôi mua ở Năm Căn, cua gạch ngon thấu trời. Ngoài ra quán có món sò nướng mở hành, canh chua cá, tôm xào cải. 

Ăn trưa ở Mũi Cà Mau xong, chúng tôi là những người sau cùng rời Mũi Cà Mau lúc 15:30.

Ăn cua gạch Cà Mau, uống bia, tôi phê quá mở mắt hết lên! 
      
Chúng tôi rời Cà Mau lúc xế chiều và cho xe trực chỉ Bạc Liêu. Chúng tôi đến Bạc Liêu thì trời sụp tối. Chúng tôi check-in hotel và ngũ lại Bạc Liêu một đêm. Sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng ở nhà hàng Công Tử Bạc Liêu trước khi về Sàigòn. 

Nhà hàng Công Tử Bạc Liêu.

Đến Bạc Liêu, Hoàng bị bà con giữ lại, còn lại ba người chúng tôi rời Bạc Liêu và cho xe trực chỉ Chùa Dơi ở Sóc Trăng. 

Sóc Trăng thì tôi có quá nhiều kỹ niệm. Ngày xưa tôi thường đáp máy bay xuống Sóc Trăng mua thịt, mua dưa hấu ruột vàng.

Ngày xưa tôi suýt chết ở Sóc Trăng. Sáng hôm ấy tôi bay hành quân gần Sóc Trăng. Anh Thiếu Uý Khương trong phi đoàn tôi, là phi công C47 mới về nước. Khương là người Việt gốc Campuchia, quê ở Sóc Trăng. Anh xin theo tôi về Sóc Trăng thăm mẹ và tôi đồng ý.

Tôi bay hành quân xong, rồi Khương nói với tôi:

- Ông thầy làm ơn múc trên nhà tôi cho má tôi xem máy bay, vì má tôi chưa thấy máy bay.

Nhào múc máy bay là nghề của tôi từ lúc tôi bay L19 và A1. Vậy mà sáng hôm ấy như có đấng linh thiên phù hộ tôi, tôi nói:   

- Tôi mệt quá! Tôi bay sát nóc nhà và quẹo 45 độ cho má anh xem được không?

Khương đồng ý. Tôi bay sát nóc nhà và quẹo 45 độ. Má Khương ra sân vẫy tay chào Khương và hai mẹ con nhìn thấy nhau, Khương vui lắm. Tôi bay quần trên nóc nhà khoảng 5 vòng thì tôi đáp xuống phi trường Sóc Trăng.

Đáp xuống phi trường Sóc Trăng, xe đón tôi ra phố ăn trưa, còn Khương thì đón xe lam 3 bánh về quê thăm mẹ.

Lúc 14:00 chiều hôm ấy tôi cất cánh từ phi trường Sóc Trăng để về lại Sàigòn. Lên trời, tôi bảo Khương bay để tôi ngũ. Bay không lâu thì Khương đánh thức tôi dậy và nói:

- Ông thầy ơi, sao mà tôi không điều khiển máy bay được nữa!

Tôi cầm cần lái, trời! đặc công gỡ cần lái máy bay! Tôi tức giận toát mồ hôi!

Từ cần lái có dây cáp để điều khiển cánh máy bay. Dây cáp nầy dính vô cần lái nhờ con ốc to lớn. Thường thì con ốc to lớn được gắn vô cần lái và thọc từ trên xuống, rồi vặn con tán vô và xỏ dây thép vô lổ con ốc để khoá không cho con tán rớt ra.

Đặc công gắn con ốc to lớn ngược, xỏ từ dưới lên rồi gắn con tán hờ và không xỏ dây thép để khoá. Lên trời, máy bay run run và con tán rớt ra. Vì con ốc to lớn xỏ ngược từ dưới lên nên máy bay run run, con ốc rơi xuống dễ dàng và máy bay không còn cần lái! 

Nếu tôi nhào múc trên nóc nhà Khương, thì tôi, Khương và anh Thượng Sĩ phòng 7 chết oan và tôi sẽ mang thêm cái tội vô tài mà đùa giỡn vì đâu có ai biết tôi bị gỡ cần lái! 

Tôi dùng "trim" để điều khiển máy bay. "Trim" thường được dùng để chỉnh cánh máy bay để phi công có thể buông tay ra khỏi cần lái mà máy bay vẫn bay thẳng. "Trim" điều khiển máy bay hết sức từ từ chậm chạp. Nếu máy bay bị gió thổi nhào đầu xuống thì "trim" không kéo máy bay lên kịp!

Tôi gọi về phi trường Tân Sơn Nhất báo máy bay tôi không còn cần lái và tôi sẽ vô đáp bằng "trim". Tôi yêu cầu cho tất cả máy bay tránh xa phi trường, vì nếu tôi bị gió máy bay khác thổi thì tôi chịu thua!

Tôi vô đáp bằng "trim" an toàn. Ông Trung Tá Hoè tư lệnh phó Sư Đoàn 5 Không Quân đón tôi tại bãi đậu phi đoàn. Ông nói: "Sao anh khéo tay vậy?" Tôi cười và ông cho tôi huy chương với cánh chim vàng. 

Chùa Dơi Sóc Trăng. Ngày xưa tôi biết Chùa Dơi Sóc Trăng có tràn ngập Dơi Quạ và đủ thứ chim to lớn như chim Diệc xám, Già Đãy...Tôi rủ Trung Tá Nguyễn Công Phước tuỳ viên của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đến đây bắn dơi và chim. Anh Phước học bay cùng khoá Cessna với tôi. Tôi dựa hơi anh Phước vì Tỉnh Trưởng Sóc Trăng cấm ngặt bắn chim và dơi trong chùa. Ai mà đụng tới dơi và chim trong chùa, là ông Sư méc ông Tỉnh Trưởng ngay.

Anh Phước đem cây súng dài 22 caliber có ống nhắm và ống hãm thanh. Viên đạn ra khỏi nòng súng thì êm re vì có ống hãm thanh, nhưng khi viên đạn trúng con dơi thì tiếng bóc vang lên rất lớn. Thế là ông sư nghe bóc...bóc... và ông ra rình bắt tại trận hai đứa tôi. Anh Phước cãi lại ông sư, rằng anh không bắn dơi mà anh tập bắn lên cây thôi. Ông sư giận bỏ đi vô, chúng tôi gôm vội một đống dơi và chim, rồi đi về.

Tôi mượn xe jeep của anh Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh ở phi trường Sóc Trăng. Tôi kể chuyện anh Phước cãi lộn với ông sư, anh Tiểu Đoàn Trưởng lo sợ ông sư ghi số xe và sẽ méc ông Tỉnh Trưởng. Nhưng tôi giới thiệu anh Phước là tuỳ viên của Tướng Kỳ để trấn an anh và dặn anh có rắc rối gì cho tôi biết để tôi gọi anh Phước.

Đem dơi về nhà, bà xả tôi sợ thất kinh và không dám đụng con dơi. Thế là tôi phải ra tay tự nấu cháo dơi ăn một mình, cũng ngon ra phết. Nhưng làm thịt con dơi thật không đơn giản vì trong nách con dơi có rất nhiều hạch, phải lấy hết hạch ra, nếu không thịt dơi sẽ hôi!

Chùa Dơi Sóc Trăng.

Click vào hình để xem hình lớn.
Đè key Ctrl và nhấp nhấp key + rồi nhìn kỹ chính giữa sẽ thấy dơi đeo trên cây.
Dơi bây giờ quá ít nếu so với ngày xưa! Và tôi không thấy chim!

Nói chung chung về tham quan Mũi Cà Mau. Tôi mơ ước được nhìn tận mắt Ải Nam Quan và Mũi Cà Mau trước khi chết. Tôi thoả mãn Mũi Cà Mau rồi, nhưng còn Ải Nam Quan.
  
Về miền Tây, từ Rạch Giá, Hà Tiên, Cà Mau, bờ biển các nơi nầy toàn là sình lầy, không tắm được, nhưng lòng tôi vui vui. Vì phù sa cứ bồi đắp những nơi nầy, để rồi nước Việt Nam thương yêu cứ lấn dần ra biển mà người Việt Nam không phải đổ máu để giành đất với ai, chỉ nằm ngữa nhịp đùi nhận đất trời cho. Người Việt Nam đã khổ quá nhiều rồi, hy vọng bây giờ là lúc người Việt Nam nhận lại quả tốt! tth   

Click Vào Đây - Để xem thêm hình, click vào hình để xem hình lớn.