Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Tuesday, May 14, 2024

Xuân Quê - Lê Chiều Giang


Lê Chiều Giang: Xuân Quê

Chợ quê.

Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ…

Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.

Em mời tôi mua vé số, tôi mời em ngồi cùng với bữa ăn trưa. Khi chủ quán đặt lên chiếc bàn nhựa bữa ăn lề đường thịnh soạn, tôi đã chẳng nhìn thấy chút hân hoan nào trên gương mặt em. Chắc em còn bận tâm, sốt ruột với tập vé số chưa kịp bán hết. 

Nắng chiều gió sớm đã làm tóc em cháy khô với da mặt sần sượng. Tôi chưa hỏi tên, nhưng trên cánh tay trần tôi thấy khắc chữ Hoang, còn có vẽ thêm cả một lưỡi dao vụng về xấu xí. Hoang hay Hoàng? Em thích xăm nhưng chắc không tiền nên tự vẽ, viết ra bằng mực thường, rất đậm. Giang hồ, bụi đời hay chỉ xăm mình nhằm dọa hù thiên hạ và tiện thể, để em tự vệ trước những hung dữ ghê gớm của đời? Tôi lặng lẽ nhìn em ăn uống vội vàng, có vẻ gì như em chỉ rình rình tẩu thoát khỏi nơi đây.

Sự im lặng của em với nét mặt rất ngầu, như mời gọi trí tò mò của tôi về đời sống chẳng biết gọi là gì của những gương mặt chợt già trước tuổi, những đứa trẻ bị quăng ra đời một cách ngang xương, đầy bất nhẫn.

Còn nguyên buổi chiều dài không biết đi đâu, tôi đề nghị theo em đi bán vé số. Tôi muốn mình hiểu ra thế nào là lang thang, là vất vả nhọc nhằn mà rất nhiều người như em đã từng bươn chải. Ngay lập tức em từ chối, vì sợ đi với tôi thì sẽ chẳng ai mua. “Sự thảm thương”. Món trang sức thời thượng không thể thiếu của đời sống trẻ thơ, em cần phải đeo mang nó một mình, và phải chỉ một mình em thôi.

Em đã chào tôi và bỏ đi rồi, nhưng chợt quay lại hẹn 5 giờ chiều em sẽ gặp lại tôi nơi đây.

Thú vị với lời hẹn của em, nhưng tôi tự hỏi, gặp lại em rồi tôi và em sẽ đi đâu, làm gì? Mời thêm bữa ăn tối thì chắc cũng lại chán và nhàn nhạt như trưa nay thôi. 

Mới 2 giờ chiều, chẳng biết đi đâu, tôi ngồi luôn tại chỗ, đợi em mà tôi uống hết những ly cafe, nước mía, sữa đậu nành, nước dừa và thêm cả rau má…

Em trễ khi trở lại, cười cười với vẻ mặt ít gượng gạo hơn. Em hỏi tôi có muốn theo về nhà Ngoại không?

Chẳng cần biết em mời tôi về đâu, nhưng nghe chữ “Ngoại”, tôi tưởng tượng ngay ra sự hiền lành, những chân chất dịu dàng của một tình thương yêu, đằm thắm. Từ nơi xa xôi, tôi một mình trở lại quê nhà, “Ngoại” biết đâu sẽ là người cho tôi tìm ra chút thú vị, những ngọt ngào của đôi ba ngày tết mà đã lâu lắm rồi tôi như đã lãng quên.

Bến xe miền Tây chiều 29 tết. Tôi và em đã vô cùng vất vả, phải mua chợ đen mới có trên tay 2 tấm vé đi chuyến xe đò cuối cùng về Bến Tre. 

Em rủ tôi về nhà em chơi tết mà đơn giản như em mời tôi mua mấy tấm vé số. Tôi theo em đi Bến Tre cũng dễ dàng như hăng hái chạy theo những chuyến xe bus khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm.

***

Nhà Ngoại cách con lộ có bến xe chừng cây số. Đã 10 giờ đêm, dưới bóng mờ tối tăm mà em bước nhanh, bước rành rẽ qua từng bờ đê, thước đất.

 “Ngoại” nói vọng ra sân, khi em múc nước vã lên mặt: “Dzìa với ai đó bây?”

Tôi khom lưng theo em lần mò bước vô nhà, mái lá rũ xuống vách đất như một che chắn an toàn, tôi hít hà mùi ngai ngái ẩm của lá ướt. Tôi tự giới thiệu mình vì thiệt ra em có biết tôi là ai đâu? Chẳng nhìn rõ mặt nhau, nhưng qua giọng nói tôi đoán chắc bà là người nhân hậu, dễ mến. 

Tôi tự nhiên, Ngoại đơn sơ và em hiếu khách. Chúng tôi ngồi quanh mâm cơm trễ tràng dưới ngọn đèn điện chỉ sáng hơn bóng tối một chút.

Sáng 30 tết, tôi theo Ngoại ra vườn sau nhà cắt hết những buồng chuối ươm ươm chín, mấy trái đu đủ bóng vàng và cột chân con gà duy nhất bỏ vô chiếc giỏ lát cũ.

Chúng tôi cùng với mươi người quanh khu xóm của Ngoại bày hàng ra bán trong buổi chợ cuối năm. 

Chợ không có mái che. Mọi thứ đều được đặt trên những chiếc sạp siêu vẹo, chỏng chơ, ngang dọc không hàng lối. Những rau xanh, ớt tỏi hành ngò, rổ cà chua thắm đỏ hay những trái thơm mập mạp chưa kịp chín. Còn có cả nến và nhang đèn làm cho chợ thoáng một chút hương thơm. Chỉ có hàng thịt là lúc nào cũng có khách hàng vây quanh. Ồn ào nhất chắc là con heo bị trói, nằm bất mãn khi ủn ỉn, lúc la làng bên bầy vịt gà trong lồng đang chen lấn, đập vẫy xôn xao. 

Chợ còn được góp thêm một giàn dây chằng chéo, vắt treo những bộ quần áo mới, xanh, đỏ, trắng, vàng. Màu sắc trông đẹp như cờ quạt reo vui, đang phất phơ bay đùa trong gió. 

Tôi thấy yêu mến những lời gọi vói hỏi han, những câu nói khơi khơi bông đùa quanh chợ. Những kỳ kèo mắc rẻ, đôi khi còn ráng lườm nguýt, với chê bai…Vài em nhỏ sốt ruột đứng chờ Mẹ mau bán hết hàng, nũng nịu vòi vĩnh đòi mua quần áo mới. Những líu lo chân sáo, thêm đôi mắt sáng ngời với ướm ướm đo đo, khen đẹp hoặc chê rộng chật, không vừa…

Cái óng ả của buổi chợ cuối năm như lấn át hết những âu lo, những vội vã, dù ai cũng chỉ mong bán hàng xong còn chạy vội về nhà, sửa soạn mâm cơm đón Ông Bà.

Ngoại vui mừng vì chuối cúng, đu đủ và cả con gà đẹp mịn màng đã bán xong. Tôi không theo Ngoại về, tôi nấn ná trong khu chợ chẳng còn lại một ai, ngó nhìn cái hoang sơ, cái hắt hiu của buổi chợ tàn.

Không xa khu chợ nhỏ là bến đò lưa thưa. Băng qua con đường đất với những dấu chân in, nhưng không còn đò và cũng chẳng thấy bóng ai. Duy nhất trong chòi lá, một người đang loay hoay dọn dẹp ghế bàn bên bếp lửa còn nghi ngút khói. Ông chào mời tôi với giọng Tàu lơ lớ “Xây chừng?” và cũng chẳng cần đợi tôi nói câu gì, chiếc vợt đã được Ông nhanh nhẹn bỏ thêm cafe, nhúng, nấu trong chiếc bình đen màu khói bếp. “Xây chừng?”. Ôi, cách gọi của Cafe năm cũ, những quán xá đã mất tăm theo cùng với Sài Gòn mưa nắng, ngày xưa.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, lúc vừa biết cột tóc đuôi gà, những buổi sáng tinh sương ngày Chủ nhật, tôi được Ba chở trên chiếc xe đạp có chiếc chuông leng keng mà tôi vui tay hay bấm cho điếc tai, cho inh ỏi. Ba cho tôi theo ra Cafe Năm Dưỡng, quán gần khu chợ Bàn Cờ. Tôi chỉ được đứng chầu rìa, dựa lưng bên chiếc xe đạp, giữ xe và đợi Ba ngồi quán. Đứng chờ Ba mà mắt tôi lim dim hít hà hương cafe thơm ngát, có khi hết chỗ, Ba và nhiều khách phải ngồi chồm hổm, ngồi tràn lan ra cả lề đường. Khói thuốc bay mờ mịt, làm mắt tôi cay, nhưng lòng tôi reo vui với hoạt cảnh hay hay của những gương mặt quen thuộc tôi thấy hàng tuần…

Chiều nay, tôi đang nghẹn ngào với ly cafe bí tất đầu tiên trong đời tại một bến sông xa lạ. Ly xây chừng mà tôi nghe thơm suốt cả tuổi ấu thơ. Tôi nhâm nhi như để dành từng giọt cafe nhỏ, lặng lẽ nhìn dòng nước đưa đẩy những cánh lục bình trôi, xô dạt dưới ánh nắng vàng vọt của buổi chiều 30 tết. Nắng bay bay vật vờ theo gió xuân, quạt trên những lá dừa cao vút, lao xao như một lời chào chia tay năm cũ. 

***

Ngoại mặc áo bà ba vẫn còn nguyên nếp xếp, chiếc áo mà chắc chỉ để dành cho những ngày lễ lộc. Tôi hít hà mùi thơm băng phiến, theo Ngoại đi Chùa trong nắng sớm ngày mới của một đầu năm. Tôi và em khi rón rén, lúc vội vàng băng qua những đường nhỏ dọc theo con lộ chính hướng về nơi có ngôi chùa hoang liêu, cũ kỹ.

Nhìn nền đất đen bóng tôi cảm nhận ngay ra cái mát lạnh của đôi bàn chân không, chẳng ngại ngùng, tôi đi chân trần theo Ngoại bước vô Chánh điện. Nhang khói như làm ấm lại khung cảnh âm u, chỉ có chúng tôi, vị sư, mấy chú tiểu, và thêm vài ba thiên hạ. 

Tiếng mõ và lời kinh…Tôi đứng lặng lẽ nghe và dù không hiểu, câu kinh vẫn thoát ra sự thư thái an bình. Chúng tôi quỳ rất lâu khấn bái chờ cho đến giờ Ngọ, chờ khi tiếng chuông ngân. Chuông chùa, tiếng chuông dù âm u hay thẩm sâu hun hút, vẫn luôn là âm vang của sự an nhiên và niềm hy vọng.

Em hỏi tôi đã nguyện cầu gì? Tôi nói đùa: mong sang năm về lại Bến Tre thăm em và thăm Ngoại.

Thoáng chút ngại ngần ấp úng, nhưng rất thong thả, em nói với tôi về điều mơ ước. Về những gì em đã chăm chú nguyện cầu khi nghe tiếng chuông chùa đầu năm. Em kể với tôi, suốt mấy năm nay, lang thang bờ bụi trên Saigon, bán vé số chỉ là chuyện phụ. Chuyện chính yếu là vì “Mẹ”.

Em nhất quyết phải tìm cho ra Mẹ, tìm để được thở với hơi ấm trong vòng tay Mẹ, người bỗng dưng bỏ em ra đi, đã 4 năm rồi.

Tôi ngạc nhiên, tôi giật mình, nhưng không dám nói thêm điều gì, dù sáng qua tôi đã suýt tò mò hỏi thăm Ngoại về Ba Mẹ em… Suốt hai ngày dài bên em, giờ tôi mới hiểu em hơn một chút. Chỉ một chút thôi, nhưng đã cho tôi cái nhìn về em rất khác.

Hôm nay đi lễ chùa, em phải mặc chiếc áo dài tay. Em muốn che giấu đi những nét vẽ rằn ri, bặm trợn của một đứa trẻ ráng làm cho ra vẻ bụi đời.

Nhưng này em nhỏ. 

Dù lát nữa đây em có nhờ tôi vẽ lên cánh tay xanh xao ốm yếu của em, bên cạnh lưỡi dao xấu xí đó thêm một “Bàn tay máu”, thì tôi cũng vẫn ôm em, khóc cùng em, hôn lên mái tóc khét mùi nắng mưa và sẽ đi với em khắp Sài Gòn, Phú Lâm, Chợ Lớn.

Tôi và em sẽ đi theo tiếng vọng của chuông ngân, tiếng chuông vang xa như một lời cầu khẩn. Tiếng gọi réo rắt của em và tôi sẽ vang vọng, sẽ bay cao theo với gió xa vời tìm tới bên Mẹ, dù Mẹ em bây giờ có ở mãi tận nơi đâu…

Lê Chiều Giang
 

Thursday, May 9, 2024

Huế Ơi - Vân Khánh

 Click Vào Đây - Huế Ơi thơ của Trần Quốc Bảo/Ca sĩ Vân Khánh 

Sunday, May 5, 2024

CHỊ XINH - Ngọc Thảo


CHỊ XINH 
- Ngọc Thảo -


 Xinh- là tên chị. Nhưng tên và người vẫn thường chẳng giống nhau. Với chị lại càng không, thậm chí là trái ngược. Mặt chị méo mó, vênh vẩu như cái bánh đa mà mẹ chị vẫn bán cho người ta. Hai con mắt bé tí, chắc chỉ bằng hạt lạc lại còn bên to bên nhỏ nằm đờ đẫn trên cái sống mũi sần sùi những mụn là mụn. Hàm răng chìa ra, theo cái cách mà mấy thằng thanh niên xóm bên thường hay trêu chọc mỗi bận thấy bóng dáng của chị thì hàm răng ấy có thể dùng để ăn đu đủ mà chẳng cần thìa.

Chị Xinh không có lấy một chàng trai nào để mắt tới. Đến cả anh Thọt cuối xóm, một bên chân lê lê cũng chẳng bao giờ thèm hỏi chị một câu dẫu có gặp nhau. Chị Xinh ế chồng, từ bận có em dâu về nhà thêm chật chội, nên gia đình làm cho chị một gian nhà bé tí ở mảnh ruộng cuối làng.
Chẳng có gì đáng nói đâu nếu không có một ngày, người ta phát hiện ra chị có thai. Một người nào đó nhìn thấy chị dỡ ngói non ở góc bếp nhà hàng xóm để mà nhai rau ráu như người ta ăn thứ gì đó ngon lắm. Ôi chao, chị Xinh bỗng chốc trở thành tâm điểm của mọi câu chuyện người ta tám với nhau khắp nơi trong làng. Mẹ chị xấu hổ quá. Ông bà ra tận nơi bắt chị bỏ cái thai đi nhưng chị không đồng ý. Chị khóc, quỳ xuống xin bố mẹ cho chị được sinh con ra nhưng ông bà vẫn kiên quyết không đồng ý. Thế là từ mặt chị. Thế là chị Xinh chỉ có một mình, dù nhà chị có khối người vẫn chỉ ở giữa cái làng thôi.
Nhiều người cứ đoán già đoán non mãi xem chị có bầu với ai nhưng tuyệt không ai đoán được. Người thì đoán đó là lão quản thợ mà chị vẫn đi làm phụ hồ cho lão. Nhưng có người phản bác ngay “lão quản thợ đẹp trai, lại có tiền, đời nào ngó ngàng đến chị xấu thế kia”. Người lại đoán là chị đi xin đứa bé ở đâu cho nay mai có người đỡ đần lúc về già. Nhưng chẳng ai biết chị xin ai vì chị xấu thế, có ai lại nhận lời.
Thực ra thì chị Xinh cũng không biết ai là bố đứa bé. Người đàn ông ấy đến vào một cơn mưa tối tăm trời đất. Khi tất cả mọi người đang chúi trong nhà thì nhà chị có ai đó đang ở bên ngoài. Lấy hết can đảm, vừa kịp mở cửa ra thì một thân người lực lưỡng đổ ập xuống trước mặt chị. Quên cả hoảng hốt, chị vội vã kéo người đàn ông lạ hoắc ướt như chuột vào trong nhà. Anh ta mê man như không biết gì kể cả lúc chị cố kéo bộ quần áo ướt ra khỏi người anh rồi lau người cho anh bằng nước gừng ấm pha loãng. Đó là tất cả những gì chị biết. Cơn mưa tạnh dần cũng là lúc trời trở về khuya. Trong căn nhà lụp xụp, bộ quần áo đã hơ khô lửa được đặt bên cạnh người đàn ông đang nằm trên giường. Chị Xinh thì nép mình ở góc nhà, ngồi nhìn ra màn trời tối đen, hai tay cứ nắm chặt lấy nhau, hai bên má nóng ran. Dường như chị cảm thấy khó chịu quá, khó chịu đến mức vã mồ hôi giữa một đêm mát mẻ như thế. Chị lần mò ra cái đầu hồi nhà, có tấm liếp hờ che bên ngoài xả nước, dội ướt hết cả người. Có tiếng loạch xoạch bên nhà, hình như là anh ta đã tỉnh lại, chị Xinh như đứng chết trân đằng sau tấm liếp. Hình như có người mở cửa hồi nhà, chị Xinh luống cuống chân tay ngã dúi dụi khi vội mặc quần áo. Nhưng chị không ngã xuống đất, mà ngã vào một cánh tay rắn rỏi. Và rồi như có lửa đốt, khi những khát khao dồn nén trong cơ thể người phụ nữ quá lứa sôi như sóng cuộn, chị liều lĩnh ôm lấy người đàn ông lạ mặt mà thì thào hổn hển
- Xin anh hãy cho tôi một đứa con.
Sau giây phút trăn trối, dường như kịp định hình lại câu nói của chị, họ quấn vào nhau.
Từ hôm ấy, chị Xinh chẳng gặp lại anh ta lần nào. Chị chỉ nhớ bên trên cặp lông mày bên mắt trái của anh ta có một cái sẹo khá dài. Đấy là ấn tượng duy nhất còn lại trong chị. Cái tin chị có bầu làm cho nhiều người phụ nữ đoán già đoán non khi họ không kiểm soát được những cuộc tình vụng trộm của chồng mình. Có người còn mò đến căn nhà lụp xụp của chị để mà thóc mách, dò xét. Có lần, chị vừa đi về đến nhà đã có hai mẹ con nhà ở xóm trên đứng chờ sẵn ở cổng. Thằng con nhẽ lớn bằng mẹ, hùng hổ xông đến định túm lấy chị mà đánh. Mấy người trước đến thì chị Xinh chỉ im lặng, nhưng lần này, khi thằng ranh con định giơ chân đạp vào chị thì chị đã né người, nhìn thẳng vào hai mẹ con họ mà dõng dạc
- Nếu hai người còn cố tình, tôi sẽ báo công an. Tôi không liên quan đến mấy người và cũng không biết con lợn của nhà mấy người là thằng nào. Đừng nghĩ bắt nạt nó quen.
Thế mà có tác dụng thật. Chỉ đến khi hai người bỏ đi rồi, chị Xinh mới ngồi thụp xuống khóc như mưa.
Ngày chị trở dạ, là một đêm không trăng không sao. Nhờ có bà hàng xóm đi qua nghe tiếng chị kêu khóc, không cầm lòng được đã gọi bà đỡ đến làm phước. Thằng cu khỏe mạnh ra đời trong những giọt nước mắt vui mừng lẫn tủi thân của chị.
Cái tin chị sinh con trai loan ra khắp làng. Lại những tiếng ì xèo nổi lên chỗ này, chỗ kia. Đôi ba người hiếu kỳ ngó mặt thằng bé khi nó được đôi tháng tuổi chị bế ra ngoài sân. Có ai đó, thỉnh thoảng thương tình, lừa lúc chị đi vắng để vào cửa nhà ít sữa trẻ con, thức ăn và ít đồ linh tinh khác. Nhưng chị chịu, không đoán ra được ai. Cũng kệ.
Thằng bé ngày một lớn lên. Cái tên Bảo Đức là chị Xinh đặt cho con. Lâu dần giữa gia đình và mẹ con chị không còn lạnh lùng như trước. Mẹ chị xót con nên thi thoảng vẫn chạy qua thăm cháu. Người ta cũng quên chuyện chị không chồng mà chửa nên ông bà cũng không còn phải nghĩ ngợi nhiều. Máu thịt vẫn là máu thịt. Chỉ có thằng bé mỗi ngày một lớn, mỗi ngày một nhanh trí. Thoắt cái Bảo Đức đi học lớp 10. Trường mới xa nhà hơn, nó phải đạp xe đạp mất mấy cây số. Ngày đầu tiên đến lớp, cô giáo chủ nhiệm điểm danh học sinh. Ngước cặp kính lên, cô gọi
- Lê Bảo Đức – mẹ là Lê Thị Xinh
Có tiếng xì xào dưới lớp
- Kìa, hai mẹ con cùng họ kìa chúng mày ơi
- Các em trật tự. Em Đức có đây không?
- Thưa cô có ạ.
- Nhà em ở bên làng Đông à?
- Vâng ạ.- Đức ngoan ngoãn trả lời, không để ý đến những ánh mắt của lũ bạn nhìn cậu tò mò.
Tiếng trống tan học vừa điểm, Đức dắt xe đạp ra cổng, đang định leo lên xe thì một chiếc xe đua trờ tới. Hai đứa học cùng lớp với Đức quay lại gào lên
- Đồ con hoang!
Giật mình, Đức nhìn theo thì chỉ thấy chiếc xe lao đi. Mặt Đức đỏ bừng. Còn mấy đứa thì xì xào chỉ trỏ. Đạp xe về Đức mong mãi mẹ nhưng lại không thấy. Tận đến quá trưa, chị Xinh mới lò dò đạp chiếc xe cọc cạch đến nhà
- Mẹ, bố con đâu?
Chị Xinh nghe con hỏi thì loạng choạng dựng xe hấp tấp hỏi lại
- Con…con vừa nói gì cơ?
- Con hỏi mẹ bố con đâu?
- Vào ăn cơm đi con.
Chị trốn tránh câu trả lời của thằng bé.
- Nếu mẹ không nói cho con biết thì con sẽ không đi học nữa?
Chị Xinh buông bát cơm, trân trối nhìn thằng bé. Nó còn quá nhỏ để hiểu được hết mọi chuyện nhưng biết làm thế nào với nó đây.
Cô giáo Mai cũng mới cùng gia đình chuyển đến đây vào đầu năm học, sau khi bố chồng cô qua đời. Mẹ chồng cô mất từ trước khi cô về đây làm dâu. Trước cổng, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều cây cảnh và một giàn hoa giấy rực rỡ, khiến ai cũng phải ngó nhìn
- Có ai ở nhà không?- Có tiếng người gọi
- Có đấy ạ. Ai hỏi gì thế ạ?
Cô Mai nhìn người phụ nữ xấu xí đứng trước mặt mình có chút tò mò
- Chị là?
- Thưa cô, tôi là phụ huynh em Bảo Đức. Tôi muốn nói chuyện với cô.
Cuộc nói chuyện của chị Xinh và cô Mai kéo dài rất lâu .Vừa nghe chị nói, cô Mai vừa chấm nước mắt. Hình như cô khóc. Chị Xinh ngạc nhiên nhìn cô giáo, không hiểu vì lí do gì mà cô mau nước mắt thế
- Chị…chị còn may mắn hơn tôi. Chị còn có thằng bé. Tôi …tôi 15 năm nay, không….không thể sinh con.
Hai người đàn bà lặng đi trong bóng chiều nhập nhoạng lan trên giàn hoa giấy. Dưới cái sân rộng rãi nhà cô Mai, một người phụ nữ xinh đẹp, khuôn mặt buồn rầu và một người phụ nữ xấu xí, hàm răng tưởng như cười, mà lại đang lau nước mắt.
Thằng Đức đến trường sau một đêm hai mẹ con không ngủ. Nó cứ ngồi trân trân ở cái bàn học cạnh giường mẹ đến lúc thiếp đi. Nhưng lúc nó tỉnh dậy, nó vội vã sắp sách vở đi học. Trong đầu còn văng vẳng lời mẹ nó “Mẹ đã hi sinh để có được con. Dù con có thiệt thòi với các bạn, nhưng con phải nhớ, mình được sinh ra trên đời này là sự may mắn của ông trời ban cho mẹ. Con phải học. Nếu chỉ vì bị bạn bè nói thế mà con nghỉ học, thì chả nhẽ, con trai mẹ lại kém cỏi thế?”
Một thằng bé luôn dẫn đầu lớp, chưa bao giờ bị bắt nạt suốt những năm cấp 1 cấp 2 chính là nó. Nó nhìn bát xôi sáng mẹ để trên bàn ăn, rồi bốc một miếng tướng vào miệng, vội vã đến trường.
- Ê, đồ con hoang!- Hai thằng hôm qua tiếp tục chạy đến cạnh nó gào toáng lên
- Các cậu bị điên à? Tớ sẽ mách cô giáo. Các cậu có siêu hãy học giỏi như thằng Đức xem sao.- Con bé lớp trưởng chạy từ đâu đến nói toáng lên.
- Nó có gì là giỏi?
- Học đi rồi khác biết.- lớp trưởng lại nói đầy quả quyết.
Đức nhìn hai thằng vừa gào lên, rồi cậu lại gần chúng nó, ánh mắt Đức giống như hình viên đạn, khiến hai thằng kia hơi sợ
- Tao không thích đánh nhau. Chúng mày có giỏi thì làm việc khác hơn đi. Năm nay đứa nào giỏi toán nhất lớp tao gọi bằng anh. Tao không có bố, nhưng tao tự hào là mẹ đã đẻ ra tao, chúng mày chẳng cần phải gào lên như thế. Có giỏi thì chứng minh chúng mày không phải con hoang mà giỏi hơn tao đi.
Hai thằng kia đứng trân trân nhìn theo Đức. Miệng á khẩu không nói được câu gì.
Học kì 1 kết thúc. Cái tên Bảo Đức được vinh danh trên sân khấu nhà trường. Cô Mai hạnh phúc nhìn thằng nhỏ cao ráo trắng trẻo lên bục nhận phần thưởng. Một thằng bé mạnh mẽ. Cô mừng thay cho chị Xinh. Nhưng rồi lại chợt nghĩ đến mình, mắt cô rơm rớm. Nếu như
- Cô! Con cảm ơn cô. Có được như thế này là nhờ cô đã giúp đỡ con.
Đức vừa nói vừa đưa bó hoa cho cô Mai.
- Đức! Con. Con là niềm tự hào của ta.
Thế mà nhanh thật. Đã là 15 năm.
Bác sĩ Bảo Đức là bác sĩ khoa ngoại giỏi của viện Tỉnh. Đang ngồi trong phòng làm việc, anh chợt nghe điện thoại của quen thuộc của cô giáo Mai.
- Đức..chú đang trên đường đến bệnh viện. Chú bị tai nạn.
Tiếng còi cứu thương réo lên, Đức nhanh chóng chạy đến phòng cấp cứu
- Mất máu nhiều quá. Phải truyền máu gấp.
Chồng cô Mai được lấy máu xét nghiệm . Nhóm máu của chú lại không còn. Bệnh viện phải tìm nguồn máu. Bác sĩ Đức yêu cầu lấy máu của mình để truyền cho bệnh nhân vì máu của anh cùng nhóm với của người bệnh.
Cuối cùng thì nguy hiểm cũng qua. Đức nhìn cô Mai lặng lẽ ngồi bón cháo cho chồng cô mà thương quá đỗi. Giá như cô có một đứa con thì tốt biết mấy. Đức được như hôm nay, cũng là nhờ cô đã dành cho anh nhiều sự quan tâm, hơn cả tình cảm của một cô giáo. Có lẽ, cô coi anh như con ruột của mình. Chồng cô cũng thật đáng ngưỡng mộ. Dù cô Mai chẳng sinh được con, chú vẫn một lòng thủy chung với cô. Có , lẽ, đó là điều may mắn của cô chăng .Anh trầm ngâm nhìn hai người lớn, lòng không khỏi buồn.
- Đức à. Mẹ đang ở ngoài cửa, mẹ đến thăm vợ chồng cô Mai.
Vội vã đỡ bớt túi xách lỉnh kỉnh của bà Xinh, Đức đưa bà vào phòng bệnh. Nhưng đi đến cửa phòng, thì bà Xinh chợt khựng lại đánh rơi cả cái nón đang cầm trên tay. Đức trân trân nhìn mẹ.
- Mẹ! Mẹ sao thế?
Cô Mai giật mình quay lại, cả chồng cô cũng thảng thốt khi nhìn thấy bà Xinh. Trên khuôn mặt chú ấy vết sẹo dài cứ giật giật liên tục.
- Hai người…hai người…
Đêm bệnh viện lặng lẽ, Đức không tài nào ngủ được. Anh chạy ra hành lang định đến phòng chồng cô Mai để xem tình hình thế nào. Chồng cô ở bệnh viện cũng đã gần một tuần. Vừa kịp bước chân đến gần cửa phòng, thì có tiếng chuông điện thoại
- Mẹ à? Sao mẹ gọi cho con muộn thế?
- Đức này- Tiếng bà Xinh thì thâm. Có một chuyện mẹ muốn nói với con, mẹ nhất định phải nói với con.
- Mẹ sao thế? Có gì đợi con về.
- Không, mẹ nói với cô Mai rồi, cô ấy rất vui. Con hãy nhận bố đi. Chồng cô Mai chính là bố của con. Người đàn ông được mẹ cứu chính là ông ấy. Mẹ xin lỗi con, cả mẹ và ông ấy đều không biết điều đó.
Đêm bệnh viện, vừa khiến con người ta thấy sự lo lắng khôn cùng. Lo lắng vì những sinh tử giữa ranh giới mong manh của cuộc đời. Nhưng những vì sao thì lúc nào cũng vậy, chỉ cần chúng xuất hiện, thì luôn luôn lấp lánh. Đôi khi, người ta vô tình gặp phải những khổ đau trong hạnh phúc đang diễn ra. Và một lúc nào đó, những điều bất ngờ, tốt đẹp hay xấu xa, vẫn cứ xảy đến với mỗi người.
Trước cửa phòng bệnh, cô giáo Mai đứng lặng lẽ, giọng cô rất khẽ
- Đức, bố đang đợi con đến. Cô cảm thấy cô thật may mắn khi người đó chính là con.

Ngọc Thảo
 

Thursday, May 2, 2024

Thương Nhớ Một Miền Quê - Hoàng Thu Hà

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Thương Nhớ Một Miền Quê/Ca sĩ Hoàng Thu Hà