Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Wednesday, November 30, 2022

Hành Trình Di Cư Vĩ Đại Nhất Thế Giới.


Tình cờ tôi đọc tài liệu nầy trong mạng, rồi tôi đọc say mê. Trời! Trước khi mặt trời biến mất thì khoảng 10 tỷ tấn động vật tí hon từ dưới đáy biển trồi thẳng đứng lên mặt nước, chúng lượn lờ gần mặt nước suốt đêm để kiếm ăn. Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới đổ xuống biển, chúng đã trên đường quay trở lại thẳng đứng xuống đáy đại dương sâu thẳm. Sự hành trình nầy được gọi là "Sự di cư thẳng đứng thường nhật" (Diel vertical migration). Động lực nào cho chuyến đi đầy gian truân? Câu trả lời ngắn gọn: Kiếm ăn và tránh thành thức ăn. 

Thc vật phù du cũng di cư thẳng đứng. Trong tài liệu nầy quý vị cũng sẽ thấy thực vật phù du thay đổi "độ nổi" của chúng bằng cách rụng bớt chất béo hoặc tăng giảm kích thước, một số khác thì vẫy vẫy tiên mao (long roi), hành trình của chúng phức tạp hơn chúng ta tưởng. 

Thực vật phù du di chuyển ngược lại với động vật phù du: bơi lên khi ngập nắng và lặng xuống khi đêm về, có thể là để tiếp xúc tối đa với ánh sáng mặt trời và giảm rủi ro thành thức ăn của động vật phù du. Vậy là thực vật phù du cũng có tâm linh biết di cư tìm môi trường để sống và biết né tránh, sợ chết!

Thực vật có tâm linh. Điều nầy tôi thường nghe quý Thầy giảng trong Chùa. Ngoài đời thì tôi nghe "nhất phá lâm nhì đâm hà bá", nghĩa là tội lớn nhất là đốn cây phá rừng và ti thứ nhì là đánh lưới cá. 
Tôi cũng có đọc một tài liệu trong mạng, rằng nhà bác học dùng điện tử để đo cảm xúc của một cây. Khi nhà bác học nói cố tình cho cây nghe, rằng ông sẽ chặt bỏ nó, tức thì điện tử báo cảm xúc lo sợ của cây. Một tài liệu khác, khi chủ nhà tâng tiu trồng một cây, rồi chủ nhà chết đi và cây cũng buồn héo hon chết theo! tth 

Hoàng hôn và bình minh lần lượt nối đuôi nhau từ đông sang tây, đi qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, rồi qua Nam Đại Dương và Đại Tây Dương. 

Cùng với sự chuyển dịch đêm - ngày đó, những động vật biển tí hon khắp thế giới lần lượt thực hiện cùng hành trình "di cư" vĩ đại nhất thế giới: bơi lên vào ban đêm, rồi rút lui khi trời sáng.

Hành trình bơi lên vào ban đêm rồi rút lui khi trời sáng - Ảnh 1.


Ngay trước khi mặt trời biến mất, khoảng 10 tỉ tấn động vật phù du dưới biển, như nhuyễn thể hay ấu trùng cá - nhiều loài nhỏ bé hơn một hạt gạo, sẽ lại bắt đầu hành trình hướng lên mặt nước.

Chúng lượn lờ gần bề mặt nước suốt đêm. Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới đổ xuống biển, chúng đã trên đường quay trở lại đáy đại dương sâu thẳm. 



Đối với một ấu trùng cá dài độ nửa phân, việc xuất hành từ độ sâu 300m tương đương việc một người bơi hơn 80 cây số… chỉ trong một giờ đồng hồ. Dẫu vậy, có không ít loài phù du thuộc về độ sâu hơn 900m.

Chúng phải đi qua các môi trường nước hoàn toàn khác nhau. Ở độ sâu 300m chẳng hạn, nhiệt độ nước biển vào khoảng 3,9oC, thấp hơn (nên lạnh hơn) bề mặt khoảng 11oC, chưa kể áp suất nước lớn gấp 30 lần.

Vậy động lực nào cho chuyến đi gian truân? Câu trả lời ngắn gọn: kiếm ăn và tránh trở thành thức ăn. Vào ban ngày, động vật phù du mong manh cần ẩn náu ở độ sâu tăm tối để tránh những kẻ săn mồi như mực và cá. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, chúng lao ngay đến bữa tối: thực vật phù du sống gần mặt nước.

Hành trình bơi lên vào ban đêm rồi rút lui khi trời sáng - Ảnh 4.

Quá trình này gắn liền với những diễn biến trên bầu trời. Chẳng hạn vào mùa đông ở vùng cực, khi mặt trời vắng mặt trong nhiều tuần liền, một số động vật phù du có thể điều chỉnh việc di cư theo chu kỳ của Mặt trăng. Thậm chí hiện tượng nhật thực ngắn ngủi cũng có thể bị xem là tín hiệu để chúng bắt đầu trồi lên mặt nước.

Động vật phù du ở độ sâu hơn 300m - nơi cường độ ánh sáng chỉ bằng 0,012% so với bề mặt - có thể dịch chuyển hướng lên một quãng 60m mỗi khi có đám mây bay ngang qua làm thay đổi lượng ánh sáng chiếu xuống biển, theo Deborah Steinberg tại Viện Khoa học biển Virginia (Mỹ).

Trong đôi mắt trần trụi của con người, sự thay đổi ánh sáng đó không thể cảm nhận rõ ràng, nhưng động vật phù du cảm nhận được những thay đổi rất tinh tế của ánh sáng dù ở sâu dưới biển. 

"Từ góc nhìn của chúng tôi trên tàu, mỗi ngày của chuyến đi đều u ám, xám xịt và mưa lất phất" - Steinberg và các đồng nghiệp viết trong bài báo năm 2021.

Các phương tiện tự hành mới, với camera và thiết bị thu thập hiện đại, mang lại những góc nhìn mới về quá trình di cư của động vật phù du. Kelly J. Benoit-Bird của Viện Nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey (MBARI) và Mark Moline của ĐH Delaware (Mỹ) đã gửi một phương tiện tự hành xuống độ sâu hơn 300m ngoài khơi miền nam California. 

Bằng kỹ thuật sóng âm (sonar), họ phát hiện động vật phù du được tổ chức thành từng cụm rõ ràng, phân định chặt chẽ theo loài và di cư cùng nhau theo những "làn đường" được canh thời gian cẩn thận.

Hành trình bơi lên vào ban đêm rồi rút lui khi trời sáng - Ảnh 6.

Vào năm 2016, Kai Wirtz, một giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Helmholtz-Zentrum Hereon (Đức), đang tìm hiểu sự phân bố của các loài thực vật biển phù du thì gặp phải một chuyện khó hiểu. 

Sự tuần hoàn của nước biển sẽ không thể cung cấp đủ lượng ni tơ và phốt pho từ các tầng nước bên dưới để nuôi dưỡng lớp sinh vật khổng lồ (bao gồm những thực vật tí hon) ở bề mặt.

Trước đó, các nhà khoa học đã biết rằng nhiều loài thực vật phù du có thể dịch chuyển: một số loài có thể thay đổi "độ nổi" của chúng bằng cách "rụng bớt" chất béo hoặc tăng giảm kích thước, một số khác thì vẫy vẫy tiên mao (lông roi).

Bên cạnh đó, họ cũng biết rằng: phần trên cùng của đại dương tuy dồi dào ánh sáng mặt trời nhưng ít dưỡng chất, còn phần đáy tuy không đủ sáng sủa cho sinh vật quang hợp nhưng cất giữ nhiều dinh dưỡng. 

Vì thế, không có lý do gì mà thực vật biển lại không tận dụng khả năng di động đã tiến hóa của chúng để đi đi lại lại giữa hai không gian. Wirtz cho rằng "không còn lời giải thích dễ dàng nào khác" cách suy luận này.


Vị này ước tính rằng có đến một nửa số loài thực vật phù du ngoài đại dương có thể thường xuyên di cư theo phương thẳng đứng, lộ trình dài khoảng vài mét đến 30m, nhằm hấp thụ cả chất dinh dưỡng bên dưới và năng lượng mặt trời bên trên. 

Những sinh vật thủy sinh siêu nhỏ này có thể mất vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần cho chuyến đi. Một số có thể sinh sản dọc đường, do đó nhường cho lớp con cháu hoàn thành sứ mệnh.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm không chỉ xác nhận rằng thực vật biển có thể di chuyển theo phương thẳng đứng, mà còn cho thấy hành vi của chúng phức tạp hơn chúng ta tưởng.

Một nhóm thuộc ĐH bang Washington (Mỹ) đã tái tạo ngày và đêm của đại dương trong các bể nước mặn cao gần 2m. Họ quan sát thấy nhóm giáp xác chân chèo đói meo bơi lên vào ban đêm và lặn xuống vào ban ngày.

Cùng lúc đó, thực vật phù du di chuyển ngược lại: bơi lên khi ngập nắng và lặn xuống khi đêm về, có thể là để tiếp xúc tối đa với ánh sáng mặt trời và giảm rủi ro trở thành thức ăn của động vật phù du.


Các công nghệ mới đang cho phép chúng ta nhìn rõ hơn diễn biến chi tiết của DVM, từ đó tiến gần đến các câu hỏi lớn liên quan đến mạng lưới thức ăn dưới biển, cân bằng carbon và bản chất của sự sống.

Tại MBARI, Kakani Katija đang bổ sung máy ảnh 3D hiện đại và thuật toán thị giác vào các phương tiện tự hành để chúng có thể theo dõi sự chuyển dịch của những sinh vật cụ thể trong nhiều giờ.


Các nhóm khác thì sử dụng vệ tinh ngoài không gian - có thể quan sát mật độ các loài phù du đi ăn đêm mà không cần can thiệp vào dòng nước, tức là tránh được việc xáo trộn hành vi của những sinh vật rất bé nhỏ. 

Để xác định loài nào đang di chuyển khi nào và ở đâu, người ta lần theo dấu vết di truyền, như ADN môi trường, mặc dù đa số chúng có vòng đời chớp nhoáng.

Giới nghiên cứu cùng đồng ý rằng điều cần thiết nhất là một mạng lưới giám sát đại dương toàn cầu để có thể theo dõi các quá trình DVM ngày này qua ngày khác, để kịp tìm thấy câu trả lời đầy đủ trước khi con người tàn phá đại dương.

Ví dụ, hoạt động đánh bắt quy mô lớn, thường chỉ diễn ra ở lớp nước bề mặt, gần đây được tăng cường bằng các tàu giã cào làm xáo trộn đáy biển.

Các vùng chết và vùng "oxy tối thiểu" trong lòng đại dương đang ngày càng mở rộng, xua đuổi động vật phù du ra khỏi môi trường sống ban ngày của chúng. Và biến đổi khí hậu đang làm giảm sự pha trộn của các tầng nước biển giữa lòng đại dương bao la, vì vậy có ít dưỡng chất hơn cho thực vật phù du.


Thực vật phù du giảm nghĩa là động vật phù du di cư cũng sẽ có ít thức ăn hơn. Tất cả chuyện này đang đặt áp lực lên vai các nhà nghiên cứu. Benoit-Bird nói: "Tôi cảm thấy như thể chúng tôi đang chạy đua với đồng hồ".

Trong thời gian chờ đợi bí mật được bật mí, Mặt trời vẫn sẽ tiếp tục lặn và mọc. Cùng với nó, vô số loài sinh vật của đại dương đi theo bóng tối và ánh sáng, lặng lẽ giữ gìn trạng thái cân bằng của các nguyên tố trên hành tinh.




Saturday, November 26, 2022

Hạ Buồn & Về Quê Ngoại - Hương Thuỷ

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Hạ Buồn & Về Quê Ngoại/Ca sĩ Hương Thuỷ

Tuesday, November 22, 2022

Chuyện ngắn Ở Hiền Gặp Lành - Bửu Uyển (QH 59-62)

 Ở Hiền Gặp Lành


Từ lúc còn học Trung học, tôi đã thích nghề dạy học, thích được tiếp xúc, gần gũi với các em học sinh. Nhưng số phận lại không cho tôi đậu vào trường Sư Phạm, mà lại đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh.
Sự yêu thích nghề dạy học cứ theo đuổi tôi, ngay cả khi tôi đã là một viên chức hành chánh. Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Sự yêu thích được dạy học đã thúc đẩy tôi làm đơn gởi đến Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên, sau khi được sự chấp thuận của Trung Tá Quận Trưởng. Ty Giáo Dục Thừa Thiên đã đồng hóa văn bằng Tốt Nghiệp Quốc Gia Hành Chánh của tôi với văn bằng Cử Nhân. Và họ sắp xếp cho tôi dạy Công Dân Giáo Dục lớp Đệ Tứ và Quốc Văn lớp Đệ Ngũ tại trường Trung Học Phú Lộc. Tôi thỏa mãn với ước nguyện của mình là được sống và sinh hoạt với các em học sinh tươi trẻ. Tôi chăm chỉ giảng dạy và rất thương mến các em. Số học sinh của tôi vào khoảng 5, 6 chục em, cả nam lẫn nữ. Trong số các nam sinh lớp Đệ Tứ, tôi mến em Liêm nhất. Em thông minh, tánh tình hiền hòa, các bạn trong lớp ai cũng mến em.
.
Một hôm, khi đi quan sát ở ấp Hòa Mậu, thuộc xã Lộc Trì, tình cờ tôi gặp em Liêm. Em sống chung với cha mẹ nơi đó và là đứa con duy nhất của gia đình. Liêm vui vẻ mời tôi ghé thăm gia đình em. Đây là một gia đình quá nghèo, nhà cửa rách nát, xiêu vẹo. Cha mẹ em trồng khoai sắn quanh nhà, và chỉ đi làm thuê, làm mướn cho những gia đình khá giả trong làng, chứ không có công việc làm ổn định. Tôi thành thật nói với Ông Sửu, cha của cháu Liêm: "Thưa bác, nếu bây giờ bác có chút ít tiền, bác làm gì để cải thiện cuộc sống của gia đình và nhất là giúp cho em Liêm được tiếp tục ăn học?"  Ông Sửu trầm ngâm một chút, rồi nói: "Thưa thầy, nếu tôi có ít tiền, tôi sẽ mua lại 2 sào ruộng ở gần nhà đây để canh tác, có thể sống được. Hai sào ruộng đó đã bị bỏ hoang từ mấy năm nay..."  Sau đó, tôi đã nhờ ông Xã Trưởng liên lạc với chủ ruộng, mua lại phần đất ấy, rồi giao cho gia đình ông Sửu canh tác.
Từ khi có hai sào ruộng để cày cấy, gia đình ông Sửu bắt đầu có cuộc sống tương đối đầy đủ, không còn thiếu thốn như trước nữa.
.
Vào một ngày Chúa Nhật, vợ chồng tôi đi thăm một trại chăn nuôi heo và gà của Thầy Tứ ở Nam Giao. Thấy những con heo, giống Durock, da màu vàng, vừa lạ mắt vừa dễ thương. Tôi bèn nghĩ đến gia đình em Liêm, nên mua 2 con heo con, một cái, một đực, mang biếu gia đình ông Sửu. Ông Bà mừng rỡ và chăm sóc kỹ lưỡng lắm, nên heo chóng lớn. Chỉ chín, mười tháng sau, ông Sửu khoe là heo đã gần 100kí. Ông Sửu gầy giống cho heo đẻ. Lứa đầu tiên, heo đẻ được 7 con. Trong làng chưa ai có giống heo này, nên nhiều người hỏi mua, ông không bán. Nhưng sau thấy được giá, ông bán bớt 5 con, còn để lại 2 con tiếp tục nuôi gầy giống. Riêng con heo đực, bà con trong làng xin phối giống, ông cũng thu được khá nhiều tiền.
.
Trong những ngày gần Tết Đinh Mùi, khi vào lớp học, tôi thấy nhiều em học sinh đã mặc áo quần mới. Nhưng em Liêm vẫn mặc áo quần bình thường như mọi ngày.
Nhân dịp cuối tuần, vợ chồng chúng tôi qua chợ Đông Ba mua cho Liêm một bộ áo quần mới, áo "sơ mi" trắng, quần dài màu xanh đậm. Hôm sau, tôi đem bộ áo quần mới này tặng cho Liêm. Em mặc vừa vặn, nét mặt vui mừng, hớn hở. Ông Sửu cảm động nói: "Cháu Liêm năm nay đã 15 tuổi, đây là lần đầu tiên cháu có một bộ áo quần mới nhân dịp Tết sắp đến, không biết nói gì cho hết để cám ơn ông bà Phó."
Mấy tháng sau, vào một buổi trưa, ông Sửu đến tìm tôi ở quận, mặt mày buồn bã, ngơ ngác. Ông nhìn trước, nhìn sau, thấy không có ai, ông ghé sát vào tai tôi và xúc động nói: "Ông Phó ơi, thằng Liêm bị "giải phóng" bắt đi mất rồi, họ nói họ chiêu mộ thằng Liêm làm du kích chứ không có ý làm hại gì nó đâu !"  Tôi sững sờ, thương cháu Liêm, và thương ông Sửu quá vì ông chỉ có một đứa con mà thôi. Tôi miễn cưỡng an ủi ông Sửu: "Bác yên lòng, bác sống thật thà, chất phác, chắc Trời sẽ thương đến cháu Liêm mà phù hộ cho cháu"
Khoảng năm 1968, 1969 và 1970, chính phủ giúp cho các xã, ấp trùng tu, tái thiết lại những cơ sở dân dụng công cộng như đê điều, cầu cống, đường sá, đình làng v.v. Dân chúng xã Lộc Tụ (Quận Phú Lộc) đã lập dự án, xin trùng tu lại đình làng của xã, do đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh. Đơn xin của dân chúng xã Lộc Tụ đã được Hội Đồng Bình Định Và Phát Triển tỉnh Thừa Thiên chấp thuận, được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ ( USAID) tài trợ.
Với ngân khoản được cấp, và với quyết tâm xây dựng lại quê hương của dân chúng, đình làng xã Lộc Tụ đã được tái thìết, đẹp đẻ, uy nghi. Hội Đồng Xã quyết định tổ chức Lễ Khánh Thành đình làng mới một cách long trọng, với sự chủ tọa của Trung Tá Quận Trưởng. Nhưng Trung Tá Quận Trưởng đã ủy nhiệm tôi thay mặt cho ông trong buổi Lễ Khánh Thành đó.
Đến ngày, giờ đã được ấn định, tôi đi đến đình làng Thừa Lưu để làm nhiệm vụ. Đình làng nằm cách quốc lộ khoảng 500 mét. Khi xe của tôi dừng lại ở đầu con đường mòn dẫn vào đình làng, tôi thấy nhiều người đứng ở đó. Tôi nghĩ là họ đứng đón tôi như những lần trước. Nhưng khi tôi vừa bước xuống xe, thì hai vị bô lão đến nắm tay tôi và nghiêm nghị nói: "Ông Phó quay về quận ngay đi, ông không nên vào đây!"
Nhìn vẻ mặt bồn chồn, lo lắng của mọi người chung quanh, tôi hiểu, họ không muốn tôi đi vào đình làng. Hình như có vấn đề gì đó không tốt lành sẽ xảy đến cho tôi, nếu tôi đi vào đó.
Tôi vội vã lên xe quay về quận. Khi đến trụ sở xã Lộc Tụ, tôi vào văn phòng xã, sử dụng máy truyền tin của xã, liên lạc với Trung Tá Quận Trưởng, báo cáo sự việc vừa xảy ra.
Với kinh nghiệm, Trung Tá hiểu ngay có một sự việc gì đó không bình thường, có thể xảy ra ở đình làng. Ông lập tức điều động 2 trung đội địa phương quân cơ hữu của quận, một tiểu đội Cảnh sát Dã Chiến, phối hợp với một trung đội Nghĩa Quân của xã, mở cuộc hành quân bao vây khu vực đình làng Thừa Lưu. Lực lượng hành quân đã mau chóng bắt được 2 tên du kích và 3 kẻ lạ mặt tình nghi. An Ninh Quân Đội đã lấy khẩu cung và khai thác ngay 2 tên du kích. Kết quả được biết: Chúng âm mưu ám sát ngươì sẽ đến chủ tọa, cắt băng khánh thành đình làng, bằng cách bố trí 2 khẩu thượng liên, một khẩu đặt trên cây đa, một khẩu đặt trên nóc đình làng. Cả 2 khẩu thượng liên đó đều chĩa mũi vào vị trí vị chủ tọa sẽ đứng cắt băng khánh thành. Mật lệnh khai hỏa là một hồi chiêng trống từ đình làng vang lên. Trường hợp âm mưu này được thực hiện, thì vị chủ tọa cắt băng khánh thành không thể nào thoát chết được. Nếu tôi không được cảm tình của dân chúng ở đây, họ sẽ không cảnh giác, và ngăn cản tôi đâu, có lẽ ngày đó tôi đã chết ở đình làng Thừa Lưu rồi.
.
Ngày 30 tháng 8 năm 1970, toàn quốc tổ chức bầu cử bán phần Thượng Viện. Cuối ngày, tôi có nhiệm vụ áp tải tất cả thùng phiếu của Quận Phú Lộc về Tòa Hành Chánh tỉnh để kiểm phiếu. Đoàn xe chở thùng phiếu gồm nhiều chiếc, một xe bọc thép (chạy bằng bánh cao su) dẫn đầu, kế đến là một xe GMC chở thùng phiếu, sau đó là 2 xe GMC chở Nghĩa Quân theo hộ tống. Khi đoàn xe đến một khoảng đồng trống gần xã Lộc Điền (truồi) thì bị VC phục kích. Chúng bắn cháy chiếc xe bọc thép dẫn đầu, nhưng bị các nghĩa quân phản ứng dữ dội, chúng phải rút lui, không kịp phá chiếc xe chở thùng phiếu. Tôi hoảng sợ, nhảy ra khỏi xe, rồi lăn xuống một cái rãnh cạn bên đường. Tôi nghĩ rằng càng xa chiếc xe chở thùng phiếu, thì càng an toàn, nên tôi bò vào những bụi rậm gần đó. Quá lo sợ, trời lại tối nên tôi không nhận ra được phương hướng nào nữa. Tôi cứ cắm đầu, cắm cổ bò. Khi tôi bò đến một khoảng đất có nhiều bụi gai, thì một tiếng nói vang lên, tuy nhỏ nhưng rõ ràng: "Ông Phó! ông Phó! dừng lại ngay, ông đi về hướng đó là chết, chúng nó bố trí dầy đặc ở đó." Phản ứng tự nhiên, tôi dừng lại, nhìn quanh xem ai đã nói với tôi câu đó. Nhưng tôi rụng rời kinh hãi khi một du kích xuất hiện, tay lăm lăm khẩu súng AK47. Anh ta lôi tôi xuống một hố cá nhân gần đó, rồi lễ phép nói : "Thưa thầy, em là Liêm đây, thầy đừng sợ, thầy cứ nằm dưới hố cá nhân này, ém đến sáng, khi nào có lính quận đến, rồi hãy ra. Em đi đây." Anh ta biến mất sau những bụi rậm.
.
Đang nằm dưới hố, bỗng tay tôi chạm vào một con vật gì lạnh ngắt. Tôi rùng mình sợ hãi, vì nghĩ rằng đó là một con rắn. Trong hoàn cảnh nầy mà bị rắn độc cắn, thì vô phương cứu chữa. Nhờ một chút ánh sáng le lói của mãnh trăng hạ tuần từ trên cao rọi xuống, tôi thấy đó là một con nhái chứ không phải con rắn. Tôi bắt con nhái, rồi nhẹ nhàng thả nó lên miệng hố. Tôi thì thầm với nó: "Nhái ơi, tau cứu mầy đấy nhé! đi về nhà đi, kẻo cha mẹ mầy trông!"
Tôi chợt nghĩ số phận của tôi, rồi sẽ ra sao đây. Tôi nhắm mắt lại và lâm râm cầu nguyện: "Lạy Chúa, lạy Mẹ, con xin phú thác mạng sống của con trong tay Chúa, trong tay Mẹ. Xin Chúa, xin Đức Mẹ che chở, phù hộ cho con!"  Tự nhiên tôi thấy bớt sợ hãi, và trong đầu óc tôi, bắt đầu nhen nhóm chút hy vọng.
Tôi nằm im dưới hố, nhưng câu nói của chú du kích mà tôi không nhìn rõ mặt, cứ văng vẳng bên tay tôi: "Thưa ông Phó, em là Liêm đây, thầy đừng sợ!". Liêm là ai trong hàng ngũ địch quân mà lại cứu tôi. Đầu óc tôi rối loạn . Quá mệt mõi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
.
Tôi giật mình thức giấc, mơ hồ nghe như có tiếng bước chân đi trên lá khô. Nhìn qua kẽ lá ngụy trang trên miệng hố, tôi thấy Đại Úy Thuật, Chi Khu Phó, mặc đồ trận, tay cầm khẩu M16, dẫn đầu một toán lính, đi hàng ngang, đang tiến về phía tôi. Tôi mừng rỡ, la thật lớn: "Đại Úy Thuật, tôi đây!" Đại Úy Thuật dừng lại, đứng im một lát rồi hô lớn: "Ai đó! lập lại đi!.." Tôi dùng hết sức mình, kêu lớn: "Đại úy Thuật, tôi đây, Phó Uyển đây!" Đại úy Thuật và một nghĩa quân đến kéo tôi từ dưới hố lên. Tôi không đi được, nên một anh nghĩa quân phải cõng tôì đi về hướng quốc lộ.
Đại Úy Thuật đã báo cáo sự việc với Trung Tá Quận trưởng, nên khi chúng tôi vừa ra đến quốc lộ, đã thấy Trung Tá Quận Trưởng đứng đón tôi ở đó. Ông ôm chầm lấy tôi và cảm động nói: "Chúc mừng ông Phó, tôi cứ nghĩ là ông Phó đã bị tụi nó bắt đi rồi!"
Trung Tá Quận trưởng cho xe đưa tôi lên nhà tôi ở Huế ngay. Bước vào nhà, tôi quá xúc động, ôm nhà tôi vào lòng, và chỉ nói được một tiếng "Em" khi nghĩ lại những sự việc đã xảy ra đêm hôm qua.
Ngay khi ấy, nhiều xe hơi dừng lại trước nhà tôi. Đại Tá Tỉnh Trưởng, Ông Phó Tỉnh Trưởng, nhiều vị Trưởng Ty và vài nhân viên tháp tùng Đại Tá, đến thăm tôi. Đại Tá thân mật nắm tay tôi và nói: "Chúc mừng ông Phó, thấy ông Phó trở về bình an, tôi mừng lắm! Tối hôm qua, khi nhận được tin chẳng lành, tôi đã điện thoại cho Cha Trinh ở Giáo Xứ Phú Cam, nhờ Cha dâng một Thánh Lễ, xin bình an cho ông Phó. Thật bất ngờ, sáng nay nghe tin ông Phó an toàn trở về, tôi vui mừng lắm!"
Mọi ngươì đến bắt tay chúc mừng tôi. Thì ra việc tôi mất tích đêm hôm qua, đã gây xúc động cho các giới chức tỉnh Thừa Thiên. Nay thấy tôi bình an trở về, ai cũng vui mừng. Nhưng không một ai biết lý do nào đã giúp tôi an toàn trở về.
Khi những vị khách đã ra về, nhà tôi đến bên tôi, ngạc nhiên hỏi : "Anh, có chuyện gì vậy?" Tôi vỗ vỗ vào vai nhà tôi và nói :"Anh sẽ kể cho em nghe, chuyện dài dòng lắm!"
.
Năm 1971, tôi được thuyên chuyển đi làm Phó Quận Hương Thủy. Cuối năm 1972, tôi được điều động ra làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Tháng 12 năm 1973, tôi lại được đổi vô làm việc ở tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) cho đến ngày mất nước. Tôi đi tù cải tạo cho đến 1982 mới được cho về.
.
Gia đình tôi đi dịnh cư ở Mỹ theo diện HO từ tháng 11/1992.
Năm 2008, được tin bà mẹ nuôi của tôi đau nặng. Bà đang ở Vỹ Dạ, Huế. Năm ấy bà đã gần 100 tuổi. Vợ chồng chúng tôi vội vã về thăm bà. Ngoài thuốc men đầy đủ, mỗi ngày nhà tôi nấu cháo, hầm súp cho bà thời. Thật vui mừng, vì chỉ mấy ngày sau, bệnh tình của bà mẹ nuôi của tôi đã thuyên giảm, ăn uống bình thường, nói cười vui vẻ.
Một hôm, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Cam Đường, bạn học cùng lớp với nhà tôi, mời chúng tôi xuống Cầu Hai chơi, nhân dịp làng tổ chức cúng vị Thần Hoàng của làng. Chị ấy cho biết là vui lắm, ở xa về mà gặp dịp nầy là hên lắm đó! Chúng tôi nhận lời mời của chị Cam Đường ngay, và hứa sẽ xuống Cầu Hai đúng ngày, giờ. Chúng tôi thuê một xe nhỏ để đi. Nhà tôi còn rủ thêm 2 người bạn nữa, cùng đi với chúng tôi.
Đã được báo trước, nên khi xe vừa đến chợ Cầu Hai , đã thấy chị Cam Đường đứng đón chúng tôi. Chị ấy dẫn chúng tôi đến đình làng Đông Lưu (Cầu Hai). Hôm nay là một ngày hội lớn của làng. Cờ đuôi nheo được treo khắp nơi. Dân làng hớn hở, tấp nập tụ tập ở đình làng.
Chúng tôi vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng của Giang Đại Sãnh. Trước mặt chúng tôi là một bàn thờ lớn, hoa quả, hương đèn rực rỡ; một con heo quay vàng rộm, đặt trên một cái bàn ở trước bàn thờ. Vừa ngồi yên chỗ, một hồi chuông, trống bát nhã vang lên rộn rã, báo hiệu giờ hành lễ sắp đến. Một vị bô lão, mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, bước ra nói với bà con tham dự lễ Chạp đang ngồi trong đại sãnh: "Thưa quí vị quan khách, thưa quí bà con, hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành lễ " Chạp", kính ngày húy kỵ Ngài khai canh của vùng đất mà chúng ta đang sống. Với lòng thành kính và biết ơn, chúng ta sẽ cử hành những nghi lễ cổ truyền mà ông cha chúng ta đã truyền lại cho con cháu, để dâng lên Ngài khai canh. Trước khi cử hành các nghi lễ, chúng tôi xin giới thiệu một số quan khách đã đến tham dự ngày giỗ "Chạp" hôm nay. Chúng tôi xin giới thiệu Ông Phó Chủ Tịch Huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Lộc Trì, chúng tôi xin giới thiệu vị Đại diện Mặt Trận Tổ Quốc huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí Lê Văn Liêm, Chỉ huy quân sự xã Lộc Trì.."
Vừa nghe vị bô lão xướng tên Lê Văn Liêm, tôi sững sờ tự hỏi: "Đây có phải là em Liêm, học trò của tôi ngày trước không?". Vừa vui mừng, vừa phân vân, tôi đi đến trước mặt người đàn ông vừa đứng dậy chào bà con khi được xướng tên là Lê Văn Liêm. Đứng trước mặt anh ấy, dù đã 41 năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay đây là em Liêm, người học trò của tôi ngày xưa, mà tôi thương mến. Tôi cảm động nói với Liêm: "Em Liêm, em có nhận ra tôi không? Tôi là thầy Uyển đây" Chàng thanh niên sau một khoảnh khắc ngơ ngác, đã ôm chầm lấy tôi: "Ông Phó, ông Phó..."  Liêm nghẹn ngào, không nói thêm gì được nữa, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má..
Liêm quên mình đang đứng giữa đình làng, và có nhiều người hiện diện nơi đây, anh quay xuống hàng ghế kế cận và vui mừng gọi lớn: "Ba ! ông Phó đây nè!"
Một cụ già mặc áo dài đen, bịt khăn đóng, đứng bật dậy, chạy đến ôm chầm lấy tôi. Ông cảm động thì thầm bên tai tôi: "Ông Phó, ông còn sống, tạ ơn trời đất" Đôi mắt ông đỏ hoe..
Liêm nói với vị bô lão điều khiển chương trình: "Thưa bác Hương Cả, tình cờ hôm nay, chúng tôi gặp lại một người bà con thân thiết của gia đình, đã thất lạc gần 50 năm nay. Xin bác cho phép gia đình chúng tôi về nhà trong chốc lát, chúng tôi sẽ trở lại ngay."
Liêm và ông Sửu kéo tay tôi ra ngoài. Ông bà Sửu cứ nắm chặt tay tôi, như sợ tôi biến đi mất...
.
Nhà của ông bà Sửu bây giờ là một căn nhà gạch, lợp toles, không còn là một căn nhà lá lụp xụp như xưa nữa. Bước vào nhà, chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, bỗng ông bà Sửu và Liêm quì xuống trước mặt chúng tôi, rồi cùng cúi gập người, lạy 3 lạy, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi đỡ ông bà Sửu đứng dậy, và cảm động nói : "Hai bác làm gì vậy? Sao lại dành cho chúng tôi sự tôn kính quá to lớn như vậy? Chúng tôi có công lao gì để xứng đáng nhận đại lễ này?". Ông Sửu nói ngay: "3 lạy nầy cũng chưa xứng đáng với công ơn mà ông Phó đã dành cho gia đình tôi"  Ông chỉ ra đám ruộng ngoài xa, xanh mướt, mới trổ đòng đòng. Ông chỉ vào đàn heo đông đúc ở cuối vườn, ông chỉ vào căn nhà...và nói: " Tất cả của cải nầy là của ông Phó đã cho gia đình tôi."
Tôi thân mật cầm tay ông Sửu và nói: "Bác Sửu ơi, 2 sào ruộng và mấy con heo, có đáng gì so với ân huệ to lớn mà cháu Liêm đã dành cho tôi!". Liêm vội ngắt lời tôi: "Thưa thầy, chuyện xảy ra đêm hôm ấy, không một ai hay biết. Vậy em xin thầy hãy quên chuyện ấy đi, em cám ơn thầy!" Ông Sửu không biết chuyện gì, chỉ trố mắt nhìn tôi và Liêm. Rồi ông nói tiếp: "Năm 1971 nghe ông Phó đổi lên quận Hương Thủy, chúng tôi có lên đó tìm ông Phó. Nhưng ở quận Hương Thủy cho biết ông Phó đã đổi ra Quảng Trị. Chúng tôi lại ra Quảng Trị, mong gặp được ông Phó, nhưng lúc đó, ông Phó đã đổi vô tỉnh Phong Dinh-Cần Thơ, tận trong Nam... cho đến 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi không hề biết tin tức gì về ông Phó nữa! Từ đó, chúng tôi chỉ sống với kỷ niệm, với lòng biết ơn và thương nhớ ông Phó. Chúng tôi cứ nghĩ là ông Phó đã chết, nên cha con chúng tôi thiết lập một bàn thờ, để thờ ông Phó. Trên bàn thờ không có ảnh, không có bài vị, chỉ có hai chữ "Ông Phó" do cháu Liêm viết lên một tấm bìa cứng. Tuy đơn sơ như thế, nhưng mỗi ngày, vợ chồng, cha con chúng tôi đều thắp nhang lên bàn thờ để tưởng nhớ đến ông Phó."
Bà Sửu tiếp lời ông Sửu: "Thưa ông Phó, ngày hôm nay được gặp lại ân nhân của gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt gà, bắt vịt nuôi trong nhà để làm một bữa cơm thiết đãi ông bà Phó và các vị cùng đi. Ngày hạnh phúc hôm nay, chúng tôi đã trông chờ gần 50 năm rồi đó."
Nhưng một người bạn của nhà tôi, chị Như Quê nhắc nhở: "Anh chị Uyển ơi, chúng ta đã hẹn với các bạn ở Huế, trưa nay tụi mình sẽ dùng cơm với các bạn, mà bây giờ đã hơn 11 giờ rồi. Chúng ta nên xin phép hai bác Sửu, đi lên Huế kẻo các bạn chờ."
Tôi đành phải cáo lỗi với ông bà Sửu và cháu Liêm. Ông Sửu buồn buồn nói với chúng tôi: "Gặp lại ông bà, chúng tôi vui mừng khôn xiết, mà ông bà đã vội ra đi, biết khi nào mới gặp lại ông bà."  Tôi an ủi ông bà Sửu: "Vì chúng tôi đã hẹn trước với các bạn, chúng tôi phải có mặt ở Huế trưa nay. Chúng tôi sẽ về thăm hai bác và cháu Liêm."  Ông bà Sửu và cháu Liêm, bùi ngùi từ biệt chúng tôi.. Khi mọi người đã lên xe, chúng tôi vẫn thấy gia đình ông Sửu buồn bã nhìn theo.
Chiếc xe con chở chúng tôi đã chạy đều trên quốc lộ, hướng về Huế, bỗng chị Hồ Thị Hảo, một người bạn của nhà tôi, nói với mọi người trên xe: "Hôm nay, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện của anh Uyển và gia đình ông Sửu. Câu chuyện làm chúng tôi ngạc nhiên và xúc động lắm, nhất là đoạn kết, lại rất có hậu, làm chúng tôi nhớ đến vài câu ca dao, tục ngữ của quê hương mình, thật hay, thật đúng, như câu: "Trồng cây ngọt thì được ăn trái ngọt" hoặc câu: "Gieo nhân nào thì gặt quả ấy" hay câu: "Ở hiền thì gặp lành"...Xin chúc mừng anh chị./.

Thursday, November 17, 2022

Lời Tình Viết Vội - Ngọc Diệu

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Lời Tình Viết Vội/Ca sĩ Ngọc Diệu

Monday, November 14, 2022

HẾT NỬA ĐƯỜNG YÊU - HOÀNG CHÂU

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm HẾT NỬA ĐƯỜNG YÊU/Ca sĩ HOÀNG CHÂU

Sunday, November 13, 2022

Tham quan Phú Quốc, Đà Lạt, Long Hải. Thái Huỳnh

 Tham quan Phú Quốc. 

Đây lần thứ 4 tôi đến Phú Quốc. Hai lần đầu, tôi đi một mình. Lần thứ 3, tôi tháp tùng BS Chi chủ hai bịnh viện ở Bình Dương. Lần thứ 4 nầy, tôi cũng tháp tùng BS Chi.

Vợ chồng Cúc & Hoà về từ Canada. Cúc là con gái của người chị thứ 3 của BS Chi. Cúc gọi BS Chi bằng dì ruột và gọi tôi bằng cậu họ. BS Chi đưa Cúc & Hoà đi chơi Phú Quốc, Đà Lạt và Long Hải. BS Chi rủ tôi tháp tùng cho vui.  

Tôi đang chờ lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Phi trường Phú Quốc.

Chúng tôi đến Phú Quốc thì đã quá trưa. Chúng tôi cho xe đi thẳng đến nhà hàng để ăn trưa.
Từ trái qua: chị Tài, BS Chi, BS Khôi, anh Tài, Thái.
Anh chị Tài là sui gia với BS Chi.
Hoà & Cúc ngồi đầu bàn.

Ăn trưa xong, BS Chi cho xe đưa phái đoàn về Premier Residences Phú Quốc để check-in, đây là một khu nghỉ dưỡng 5 sao. 

Buổi chiều đầu tiên ở Phú Quốc, tôi và vợ chồng BS Chi ra bãi biển của Premier Residences nằm thư giãn.

Chúng tôi tham quan sơ qua Premier Residences Phú Quốc.

Từ trái: BS Khôi, BS Chi, Cúc, Hoà, anh chị Tài.
Đêm đầu tiên ở Phú Quốc, tôi mời phái đoàn ra chợ đêm ăn hải sản cho vui. Chúng tôi vui lắm.

Ngày thứ 2 ở Phú Quốc, buổi sáng chúng tôi lang thang trên bãi biển của Resort.

Đi lang thang trên bãi biển, quá trưa, chúng tôi tấp vô nhà hàng sát biển ăn trưa.

Sau khi chúng tôi tắm biển buổi sáng, buổi chiều chúng tôi lang thang trên bãi biển.
Bãi biển của Premier Residences Phú Quốc đẹp như bãi biển Đầm Trầu của Côn Đảo. Nước trong xanh. Tôi đứng nước lên tới cổ mà tôi thấy rõ ngón chân của tôi dưới biển. Mặt nước phẳng lì như nước hồ. 

Chúng tôi đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, sau đó chúng tôi trở về Saigòn.

Tham quan Đà Lạt. 

Ở Phú Quốc về Sàigòn được ba ngày thì chúng tôi đi Đà Lạt. Chúng tôi đi Đà Lạt bằng xe hơi nhà, do BS Khôi lái, gồm có BS Khôi, BS Chi, Cúc&Hoà và tôi.

Đà Lạt là quê hương của bà xả tôi. Từ trước Covid-19 tới bây giờ, tôi mới trở lại Đà Lạt, một dịp may cho tôi thăm viếng anh chị em của bà xả tôi. 

Nhà hàng Madagui.
Nhà hàng nầy trước Covid-19 lúc nà0 cũng tấp nập. Bây giờ tiêu điều chỉ có chúng tôi đến ăn!

Nhà hàng Madagui, nằm trên đường đi Bảo Lộc, thuộc Huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng. Đến nhà hàng Madagui, tôi thấy bảng quảng cáo "Sầu Riêng Đạ Huoai". Tôi muốn mua "Sầu Riêng Đạ Huoai", nhưng tiếc quá, hết mùa rồi! Ngày xưa lúc tôi còn nhỏ, tôi chỉ nghe Sầu Riêng Lái Liêu, bây giờ thì ôi thôi, sầu riêng Miền Tây Cái Mơn. Mỹ Tho..., rồi bây giờ thì Sầu Riêng Long Khánh, Lâm Đồng, Đạ Huoai... 

Trong chuyến đi nầy, khi xe đến Di Linh tôi mua được 4 trái Sầu Riêng Lâm Đồng, ngon ngọt và béo không thua Sầu Riêng Miền Tây. Sầu Riêng Lâm Đồng chỉ có 65 ngàn 1 kg. Tôi mua 4 trái với giá 516 ngàn và tôi cho luôn 520 ngàn. Chỉ cho thêm có 4 ngàn mà bà chủ bán sầu riêng mừng lăng xăng và khoe với BS Chi. Rồi BS Chi nói gì mà bà chủ tặng tôi thêm một trái sầu riêng nhỏ xíu nhưng là trái sầu riêng "tình nghĩa". Bà chủ hỏi tôi:

- Chừng nào anh trở về nhớ ghé em nhé!

Tôi thả "ong bướm":      

- Ngày 31 Tây anh trở về, em sửa soạn vali để anh rước dâu về "dinh" nghe.

Bà chủ nhìn tôi tình tứ! Bà chủ là người xứ không có xe đạp mà chỉ có xe "đợp", Quảng Ngãi! Rồi, tôi thất hứa và bà chủ thành "hòn vọng phu"! Vì chúng tôi đổi ý, đi từ Đức Trọng theo Quốc Lộ 28B về Phan Thiết và không qua Di Linh!

Quốc Lộ 28B còn được gọi là đường Lương Sơn - Đại Ninh. Đây là đèo mới nối liền Lâm Đồng- Bình Thuận. Đèo nầy được khởi công 2003 và hoàn thành 2008. 

Ngày 13 tháng 3, 2009 lúc 17g30 (một trùng hợp dễ sợ: Ngày 13 tháng 3, 2009 là ngày Thứ Sáu. Ngày 13 Thứ Sáu là ngày tối kỵ của người Mỹ) một chiếc xe du khách 30 chổ chở 24 du khách Nga và hai người Việt gồm hướng dẫn viên và tài xế đi tour trong ngày từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Khi quay về xe lao xuống vực sâu khoảng 150m. Có 9 người Nga và anh hướng dẫn viên chết, 14 người còn lại bị thương, trong số nầy có hai em bé đi du lịch cùng cha mẹ, bị sây sát nhẹ. 

Những người có mặt tại hiện trường kể lại, rằng trước khi người ta tìm thấy chổ chiếc xe du lịch nằm, có một nữ du khách may mắn văng ra khi xe rơi xuống vực. Người phụ nữ ngoài 30 tuổi, trong tình trạng tả tơi đã bò ngược từ vực sâu, nơi chiếc xe vướng giữa vực thẳm, lên mặt đường để cầu cứu. Nhưng bà không gặp ngay được sự trợ giúp khi vùng nầy thưa thớt người qua lại. Mãi cho đến khi một nhân viên của công trình thuỷ điện Đại Ninh, đi làm về đã dừng lại khi nghe tiếng kêu cứu yếu ớt của chị. Biết có tai nạn, anh nhân viên tức tốc gọi cho ban giám đốc nhà máy thuỷ điện Đại Ninh. 
Nhân viên nhà máy thuỷ điện dùng đèn pin lùng sục giữa màn đêm dày đặc, tìm vị trí xảy ra tai nạn. Họ sững sờ khi tìm thấy chiếc xe du lịch bất động giữa đèo rừng, văng vẳng tiếng rên la yếu ớt. Bốn chiếc xe của thuỷ điện Đại Ninh điều động gần 35 nhân viên từ Đức Trọng xuống, người dân từ xung quanh đặt nhà máy... lao vào cứu người. Cùng với nhân dân, lực lượng công an xã Phan Sơn cũng vào cuộc cứu hộ. Lúc bây giờ đã hơn 21g.

Đến 1g sáng ngày hôm sau, những thi thể lần lượt được đưa ra, các nạn nhân còn sống sót được hối hả đưa lên xe cứu thương điều nhanh từ Lâm Đồng xuống vượt đèo ngược lên trung tâm y tế Đức Trọng cách khoảng 70km.        

Sau khi bà xả mất, năm 2010 tôi về ViệtNam, tôi bao xe lên ĐàLạt thăm gia đình bà xả. Lúc trở về Sàigòn, tôi nói với anh tài xế, rằng tôi muốn về Phan Thiết. Anh tài xế nói, có con đèo mới đi từ Đức Trọng về Phan Thiết. Vì đèo mới nên vắng hoe và anh rất sợ bị cướp. Anh hỏi ý tôi và lúc bây giờ tôi chưa biết tai nạn mới xảy ra trước đó nên tôi nói "chơi luôn"! Lúc xe tôi trên đèo, tôi hơi teo vì vắng hoe. 

Vậy là từ Đà Lạt ra biển, ngày xưa chỉ có đèo Sông Pha nối liền ĐàLạt - Phan Rang, bây giờ thêm đèo Đại Ninh nối liền Đức Trọng - Phan Thiết và đèo Khánh Lê nối liền ĐàLạt-Nha Trang.
Đèo Khánh Lê khi vừa xong, tôi cũng đã bao xe đi qua rồi, lúc bây giờ đèo mới làm xong, có một cục đá thật to khá tròn đường kính khoảng 2m, rớt từ núi xuống giữa đường, trông rất dễ sợ! May mà đèo mới, vắng xe nên không có xe nào bị trúng.

Đèo Khánh Lê nằm phía Bắc đèo Sông Pha. Đèo Đại Ninh nằm phía Nam đèo Sông Pha.       

Sắp đến phố Đà Lạt, BS Khôi lái xe thẳng vô khu Resort Lan Anh Dalat, hồ Tuyền Lâm. 

Đây là một villa ba tầng lầu với ba phòng ngũ mà chúng tôi ở.
              
BS Chi & BS Khôi.

Chi và Cúc.

Đứng trước villa nhìn xuống hồ Tuyền Lâm. 

Tình tứ trên sân thượng.

Ngày thứ nhì ở Đà Lạt, sáng sớm BS Khôi lái xe đưa phái đoàn đến nhà anh chị Nghĩa của bà xả tôi. Chúng tôi thăm viếng anh chị Nghĩa xong, rồi anh chị Nghĩa theo phái đoàn đến nhà của Ba Má bà xả tôi ngày xưa. 

Đây là phòng thờ của gia đình trên lầu.

Ngày xưa tôi và bà xả làm lễ cưới tại phòng thờ nầy. Ngày xưa, đây là một villa lầu và trên lầu có phòng thờ Phật. Hai bên bàn thờ Phật là hai bàn thờ vong. Bà xả tôi được thờ trong một bàn thờ vong nầy. 

Bây giờ villa nầy được chia ra làm hai theo chiều dọc, một nữa cho anh Nghĩa và nữa còn lại cho Chưỡng em út của bà xả. 

Phần của anh Nghĩa thì anh cho Minh, người con trai thứ 2. Minh đập phá và xây lại, trông rất đẹp. Phần của Chưỡng thì Chưỡng sửa lại và giữ phòng thờ, trông rất đẹp. Nói chung một villa bị cắt đôi theo chiều dọc, rồi sửa lại, khó mà ai biết được.  

Chưỡng cho con trai đầu, mở nhà hàng ở tầng dưới và sáng nay phái đoàn ăn sáng ở đây. Tầng trên có phòng thờ phía trước, phía sau trên và dưới lầu thì có phòng ngũ cộng thêm phòng ăn và nhà bếp của ngày xưa, nên rộng mênh mông. 

Tham quan chùa Linh Ẩn.  

Lên Đà Lạt lần nầy, BS Chi cho tôi tham quan Chùa Linh Ẩn, tôi thích quá. Chùa Linh Ẩn được toạ lạc tại Thị Trấn Nam Ban, Huyên Lâm Hà Tỉnh Lâm Đồng. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km, đi về hướng đèo Tà Nung.

Chùa Linh Ẩn

Tượng Phật Quan Âm.
Đây là tượng Phật Quan Âm đẹp nhất mà tôi thấy. Từ đầu đến chân tượng, từng chi tiết nhỏ như bông tai, tà áo... được làm tỉ mỉ đẹp tuyệt vời. Tôi cảm thấy may mắn được nhìn thấy tượng Mẹ Hiền Quan Thế Âm Bồ Tát nầy. Tiếc quá, phải chi còn bà xả, nhìn tượng nầy chắc bà xả tôi vui lắm. 
Tôi thấy có thùng công đức quyên góp để sơn Tượng Phật Quan Âm, tôi lật đật móc bóp cúng dường. Sơn Tượng Phật Quan Âm nầy là một kỳ công.

 
Bên trong Chánh Điện.

Tôi và BS Chi.

Bên trong tượng Phật Quan Âm có cầu thang để leo lên trên.

Tôi đứng trên đài sen của Tượng Phật Quan Âm.
Đài sen rộng mênh mông.

Đêm thứ 2 ở Đà Lạt, tôi mời phái đoàn ăn cơm ở nhà hàng với gia đình bà xả tôi.
Người ngồi bên trái tôi là anh Nghĩa của bà xả. Hai người ngồi đối diện tôi và anh Nghĩa là BS Khôi và BS Chi. Ngồi bên mặt tôi là Hoà, Cúc, chị Nghĩa. Người ngồi trong cùng bên trái là Phong, con trai đầu của anh Nghĩa về từ Texas. Bên tay phải Phong là Chưởng em út của bà xả tôi. 

Chúng tôi rời Đà Lạt xuống Đức Trọng đi qua đèo Đại Ninh để về Phan Thiết.
Từ đèo Đại Ninh quý vị sẽ thấy ống dẫn nước khổng lồ của đập Đa Nhim (nhìn hình trên). Ống nước nầy đổ xuống Phan Rang. Nếu xe chạy trên đèo Sông Pha, quý vị sẽ thấy ống nước nầy rất rõ. 

Xe chạy trên đèo Đại Ninh, chúng tôi dừng xe ở quán cóc bên đường để uống nước dừa tươi.
Quán cóc nầy rất gần nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, nơi mà đã cứu hộ chiếc xe du lịch chở du khách Nga bị rơì xuống vực thẳm, tôi nói ở trên. 
  
Nhà hàng Cây Bàng ở Phan Thiết.
Xe về đến Phan Thiết, tôi mời phái đoàn ăn ở nhà hàng Cây Bàng. Chúng tôi mê món Mực một nắng của nhà hàng nầy. Mỗi lần chúng tôi có dịp đi ngang Phan Thiết, tôi rủ BS Chi ghé đây ăn món Mực một nắng.  

BS Chi đang check-in Resort 5 sao Lan Rừng ở Long Hải.
Chương trình của chúng tôi là ở Long Hải 3 ngày 2 đêm. 

Resort Lan Rừng Long Hải.

Resort Lan Rừng Long Hải.

Resort Lan Rừng Long Hải phía sau.

Phái đoàn ăn cơm chiều ở Long Hải.

BS Chi & BS Khôi mời phái đoàn về Vũng Tàu ăn bánh khọt.

Ở Long Hải 3 ngày 2 đêm, chúng tôi về nhà. Phái đoàn về Bình Dương, riêng tôi thì tôi về khách sạn ở Q1 Sàigòn. Chuyến đi nầy quá vui và tôi được may mắn thăm viếng anh chị em của bà xả tôi ở Đà Lạt. Tôi vui lắm./.