Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Tuesday, December 24, 2024

Monday, December 23, 2024

Merry Christmas 2024 and Happy New Year 2025


]

Kính chúc Quý Anh Chị KQ63D và gia đình, cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần,
Mùa Giáng Sinh vui v, Năm Mới sức khoẻ, may mắn và thịnh vượng.

KQ63D Huỳnh Thông Thái 

Wednesday, December 18, 2024

Kẻ Ở Miền Xa - Trang Hạ

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Kẻ Ở Miền Xa/Ca sĩ Trang Hạ

Sunday, December 15, 2024

Giải nghệ tennis - Huỳnh Thông Thái

Về Sàigòn năm nay, tôi chơi tennis ở Tao Đàn và tôi bị té, bị bầm mông trái và may mắn tôi không bị thương nặng. Lần té nầy làm tôi thức tỉnh.Vì bao nhiêu năm nay, bạn bè thân khuyên tôi đừng chơi tennis nữa! Nhưng tôi cứ lì không nghe ai, quên mất mình là U90. 

Nhưng lần té nầy thì khác rồi, tôi nghĩ vong linh bà xả tôi cảnh cáo "thôi nhe anh!" và tôi đành phải nghe lời bà xả. Tôi cho túi tennis, vợt tennis ... và tôi tuyên bố giải nghệ tennis. 

Giải nghệ tennis rồi tôi làm gì cho hết thì giờ! Ăn uống nhưng không nhậu. Đó là cách giết thì giờ của tôi bây giờ. Có dịp là tôi mời bạn bè thân đi ăn uống đùa giỡn, thế thôi!  

Vợ chồng KQ63D Vương Văn Ngọ.

Tôi và Ngọ ở balcony phòng tôi.
Khách sạn tôi ở, có nhà hàng, tôi mời vợ chồng Ngọ đến ăn bò sốt vang, ăn với bánh mì. 

KQ63D Trần Minh Bạch tại balcony phòng tôi.
Bạch mới về Sàigòn từ Canada. Tôi mời Bạch đi ăn cơm VN ở nhà hàng Minh Đức.

KQ66 Cẩn và tôi.
Cẩn là bồ tèo của tôi về Sàigòn từ Houston. Cẩn là phi công của phi đoàn VIP 314. Năm 1975 tôi và Cẩn ở trại tị nạn ở Guam trước khi vô Cali. 

Vách nhà tắm cá nhân nam của trại tị nạn nầy, có khoảng trống cách mặt đất khoảng 1M. Nếu đứng tắm thì an toàn 100%. Nhưng tôi không để ý, nên tôi ngồi xuống chùi rửa chân. Thằng Cẩn và mọi người thấy "nguyên con", nhưng thằng Cẩn không la lên cho tôi biết. Nó đợi tôi về phòng rồi nó mới la toáng lên cho cả phòng nghe. Tôi quê quá và làm mặt lì nói "chạy bỏ quê hương, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ hết rồi thì thân nầy còn giữ làm gì nữa, cho luôn!" 

Phòng tắm tập thể nữ của trại tị nạn Guam là một cái lều vải rộng lớn, có thể chứa 30, 40 bà. Mỗi lều tắm thì có một anh lính Mỹ đứng canh bên ngoài. Bà xả tôi nói, cứ thỉnh thoảng anh lính nầy thò đầu vô lều, làm bộ thăm hỏi coi nước nóng có đủ ấm không! Mỗi lần như vậy, mấy chục bà trần truồng như nhộng, la toáng lên. Rồi, mấy bà đông quá, la thì cho có la, có đáng gì đâu! Tâm trạng mấy bà cũng giống như tôi!    

Tôi đãi phái đoàn bún chả Hà Nội.
Từ phải vô: Vợ chồng anh Lợi bạn của Cẩn, Vợ chồng Đức. Đức là em chị Cẩn.

Từ trái vô: Vợ chồng Cẩn, Tố Mai em chị Cẩn về từ Mỹ, chị kế Tố Mai ở VN.
Từ phải vô: Thái, anh chị Lợi bạn của Cẩn về từ Houston,


Từ phải vô: Thái, anh Tấn & chị Đào chủ hotel tôi ở, vợ chồng Khải con trai anh Tấn,
Bảo manager của anh Tấn.
Gia đình anh chị Tấn qua Mỹ từ 1975 và về ViệtNam làm ăn. Ngày ông Trump thắng cử Tổng Thống Mỹ, anh Tấn mời tôi đi nhà hàng ăn beef steak để ăn mừng. Tôi đãi lại gia đình anh Tấn ăn heo sữa quay, để ăn mừng ông Trump thắng cử./. 

Saturday, December 14, 2024

CHIỀU TÂY ĐÔ - Quỳnh Như

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm CHIỀU TÂY ĐÔ/Ca sĩ Quỳnh Như

Tuesday, December 10, 2024

CHUNG KẾT ĐƠN - Giải Vô Địch Teqball Thế Giới 2024 Tại Sàigòn.

Đây là lần đầu tôi thấy trò chơi Teqball nầy. Trò chơi nầy xuất phát từ Hungary năm 2014. Giải chung kết nầy được tổ chức ở phố đi bộ đường Nguyễn Huệ Sàigòn. Tình cờ tôi đi ăn trên đường Nguyễn Huệ, may mắn tôi thấy họ đang tranh đấu.  

Click Vào Đây - CHUNG KẾT ĐƠN - Giải Vô Địch Teqball Thế Giới 2024 Tại Sàigòn.


Cách cắt trái cây

 Click vào video để xem cách cắt trái cây.


 

Monday, December 9, 2024

Thơm…miếng đi! - Nguyễn Tiến Cường


Đọc chuyện nầy, gợi lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm. Nhà tôi cũng ở đường Nguyễn Minh Chiếu, nhưng nhà tôi ở đầu đường gần Lăng Cha Cả. Rồi Không Đoàn 62 Chiến Thuật Nha Trang, năm 1964-1965 Phi Đoàn 114 của tôi thuộc Không Đoàn nầy. Rạp hát Tân Tân và quán cơm Thanh Đạm Nha Trang, quá quen thuộc và biết bao nhiêu kỷ niệm cho tôi. Rồi 1967, sau khi tôi rời phi đoàn khu trục 514 Biên Hoà, tôi về phi đoàn 716 Tân Sơn Nhất bay U6 cho Sở Liên Lạc, Nha Kỹ Thuật, phòng 7 Tổng Tham Mưu.... ./.tth      

Tranh Đinh Trường Chinh

Truyện ngắn Nguyễn Tiến Cường: Thơm…miếng đi! 

Phú Nhuận 1966.

Căn nhà tôi ở nằm trên đường Nguyễn Minh Chiếu đâm ra đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Từ nhà tôi đi bộ ra đường Võ Di Nguy hay chợ Lò Đúc chỉ mất vài phút.

Thập niên 60, xã Phú Nhuận thật bình yên, Việt Cộng chưa pháo kích, đặt chất nổ, ném lựu đạn phá hoại nếp sống an lành của người dân như sau này. Khu phố gia đình tôi cư ngụ vào những buổi chiều hè khá yên ắng. Cứ khoảng từ 2 đến 6 giờ chiều, tiếng rao của những gánh hàng rong bán đủ thứ vang lanh lảnh trải dài theo khu phố.

Sài gòn thời gian đó có rất nhiều món ăn vặt làm “say đắm” lòng người. Từ bò bía, phá lấu, chí ma phù (chè mè đen), lục tào xá (chè đậu xanh đánh) đến đậu hũ nước đường, đậu phụng rang húng lìu, dưa hấu, thơm (dứa) cắt thành miếng…Cho dù là “nam nhi chi chí” tôi vẫn là một “tín đồ” ăn vặt, nói theo ngôn ngữ thời thượng là “cuồng”, mê ăn vặt như MAGA mê Trump. Ngày nào cũng phải có “ăn dặm”, không bò bía thì cơm rượu, không chí ma phù thì đậu hũ nước đường đệm vào giữa 2 bữa cơm trưa, chiều.

Trong tất cả các món ăn vặt của Sài Gòn thời đó, có một món để lại trong ký úc của tôi nhiều kỷ niệm nhất. Đó là món dứa, còn gọi là thơm. Trái thơm được gọt vỏ, lóc hết các mắt, cắt thành miếng theo chiều dài trái thơm, dầy khoảng 3cm, xiên bằng một cây nhỏ, bán cho khách ăn giải khát. Tuy nhiên đó không phải là lý do khiến trái thơm ghi lại trong tôi những kỷ niệm êm đềm.

Năm đó tôi 16 tuổi, học đệ nhị. Tuổi 16 nhưng tôi đã cao 1,73m, lại thường xuyên luyện tập Tae Kwon Do nên có bề ngoài cao lớn như một thanh niên ngoài 20 dù mặt…vẫn búng ra sữa. Một buổi chiều giao mùa, xuân sang hè, khoảng 4 giờ, đang học bài, tôi nghe tiếng rao: “Thơm miếng đây! Dưa hấu đây!”. Tiếng rao trong trẻo – tôi đoán là của một cô gái – kéo tôi ra khỏi cơn nhức đầu vì một bài toán hóc búa. 

Tôi đứng dậy đi ra cửa, nhìn chung quanh, thấy một cô gái đang đi xéo bên kia lề đường, dáng người thanh, cao, mặc áo bà ba tím, quần lãnh đen, đội nón lá, gánh hai cái rổ, trên là 2 cái mẹt đựng thơm và dưa hấu đã gọt vỏ, cắt thành nhiều miếng xếp gọn gàng trên những tấm lá chuối, phủ bằng một miếng nylon. Tôi vẫy tay gọi:

-Chị ơi!

Thấy có người kêu, cô gái nhanh nhẹn đi tới. Tôi mở cửa hàng rào cho cô bước vào cái sân tráng xi măng trước nhà:

-Chị vào đây! Thơm chị bán bao nhiêu một miếng vậy?

Cô gái đặt gánh xuống sân xi măng, tháo nón lá ra, phẩy phẩy quạt, nhìn tôi trả lời: 

-5 đồng một miếng, dưa hấu cũng vậy, cậu!

Cặp mắt to, đen láy với hàng mi dài trên khuôn mặt trái xoan thanh nhã, mũi thẳng, cặp môi đỏ hồng, mái tóc đen dài, kẹp lại vắt sau lưng. Nét đẹp của cô khiến tôi ngây người ngắm. Không thấy tôi nói gì, cô mỉm cười, hỏi:

-Câu mua thơm hay dưa hấu? 

Đang ngẩn ngợ tự hỏi sao có người bán hàng rong đẹp vậy nên tôi giật mình, ngập ngừng:

-Dạ! Dạ! Chị…chị cho tôi…một miếng thơm…một miếng dưa hấu! 

Đội lại chiếc nón lá, lấy thơm, dưa hấu đặt trên miếng lá chuối nhỏ, trao cho tôi, nhận tiền xong cô gái quẩy gánh lên vai, đi ra cửa. Hai tay, tay cầm miếng dưa hấu, tay cầm miếng thơm, tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Ra tới ngoài đường, cô bất chợt quay lại nhìn tôi thật nhanh trước khi cất tiếng rao tiếp:

-Dưa hấu đây! Thơm miếng đây!

Tuổi 16 mới lớn, chưa có bạn gái, tôi chưa hiểu được cảm giác của bản thân khi bắt gặp ánh mắt quay lại nhìn mình của cô gái, chỉ thấy một điều gì đó bâng khuâng, nhẹ nhàng thoáng qua như một làn gió mát.

Hai ba ngày sau, khoảng 4 giờ chiều, khi nghe lại tiếng rao “dưa hấu đây, thơm miếng đây”, đang ngồi đọc sách ở bàn học, tôi gập sách lại, đi nhanh ra cửa tìm kiếm. Chẳng hiểu có ý gì không nhưng hôm đó cô vừa đi vừa rao hàng bên lề đường nhà tôi, thấy tôi, cô cười đon đả:

-Cậu mua thơm, dưa hấu chứ?

Tôi mở cửa cho cô bước vào trong:

-Dạ! Chị cho mỗi thứ một miếng!

Trong lúc cô đặt quang gánh xuống sàn xi măng, loay hoay ghim thơm, dưa hấu, tôi ngắm nhìn hai bàn tay cô. Những ngón tay thon, dài, trắng, thật đẹp khiến tôi tò mò:

-Chị có 2 bàn tay đẹp quá. Chắc chị bán hàng rong chưa lâu?

Cô không trả lời, ánh mắt chỉ hơi ngạc nhiên khi trao thơm, dưa hấu cho tôi. Đưa tiền cho cô, tôi ngập ngừng hỏi:

-Xin lỗi! Chị cho tôi biết tên được không?

-Sương! Ngọc Sương!

Nói xong, cô quẩy gánh lên vai đi ra. Tôi bước theo, nói nhỏ:

-Tôi tên Phúc! 

Ngọc Sương nói lí nhí điều gì đó tôi nghe không rõ.

Bặt đi cả tuần lễ, tôi không còn nghe tiếng rao của Ngọc Sương nữa nhưng thật lòng không bận tâm chuyện đó lắm. Ngày thi tú tài I gần kề, tôi cắm cúi vào việc học, không để ý nhiều chuyện chung quanh. Một buổi chiều trước ngày thi khoảng 1 tuần lễ, tôi lại nghe tiếng rao của Ngọc Sương khi đang ôn lại bài vở, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Bước nhanh ra cửa. tôi gọi chị:

-Ngọc Sương!

Vẫn chiếc áo bà ba tím, quần lãnh đen. Tôi hỏi khi Ngọc Sương đặt quai gánh lên sân:

-Mấy ngày nay sao không thấy chị đi bán qua đây?

Ngọc Sương cười, nụ cười thật tươi:

-Bán hàng rong phải đi khắp nơi chứ, lẩn quẩn ở đây sao bán hết hàng được? Bộ trông tôi lắm sao?Hôm nay câu ăn gì? Dưa hấu, thơm hay cả 2?

Chẳng hiểu sao, một ý nghĩ tinh nghịch xẹt qua đầu như một tia chớp, tôi cười, nói nhỏ:

-Bữa nay không ăn dưa hấu, chị cho…thơm miếng là đủ! 

Tôi thấy Ngọc Sương hơi đỏ mặt, có lẽ hiểu được ý nghĩ tinh quái trong đầu tôi nên chị mỉm cười, mắt long lanh, ngước lên nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi ngược lại:

-Dám không?

-Sao không? Cho là thơm liền!

Tưởng chỉ là lời nói đùa. Ai ngờ Ngọc Sương đặt 2 miếng dưa hấu, thơm trở lại cái mẹt, đứng lại gần tôi, nghiêng mặt qua một bên, nói nhỏ:

-Cho đó! Thơm miếng đi!

Tôi quay nhìn vào nhà, bố mẹ đi vắng, 2 đứa em ở trên lầu, nhìn ra đường không thấy ai, tôi bạo dạn đặt nhẹ môi lên má Ngọc Sương. Chỉ cái chạm nhẹ đó mà tôi rùng mình khi ngửi được mùi bồ kết thoang thoảng từ tóc Ngọc Sương toát ra. Dường như Ngọc Sương cũng vậy, chỉ thấy chị cười, mặt đỏ ửng rồi vội vã quẩy gánh lên vai đi ra, không trao thơm, dưa hấu cho tôi. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo, không còn nghe chị rao hàng tiếp. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Ngọc Sương ở Phú Nhuận.

Nha Trang 1972

Thời gia trôi qua như một sát-na. Sáu năm sau tôi trở thành pilot trực thăng, phi đoàn đóng ở Nha Trang, không đoàn 62 chiến thuật, Sư đoàn 2 Không Quân. Một buổi chiều thứ bẩy, không phải trực hành quân, tôi mặc thường phục, ra phố, lang thang đi dạo trên đường Độc Lập, con đường chính của thị xã. Lúc đang ngắm nhìn tấm hình quảng cáo phim Mặt Trời Đỏ (Red Sun) đang chiếu ở rạp Tân Tân – với 4 tài tử nổi danh Charles Bronson, Alain Delon, Toshiro Mifune, Ursula Andress trong các vai chính – tôi chợt nghe giọng một phụ nữ hỏi sau lưng:

-Phúc phải không?

Tôi ngạc nhiên quay lại. Một thiếu phụ xinh đẹp mặc áo dài tím, mái tóc đen dài được cột lại gọn ghẽ bằng một chiếc băng đô cũng màu tím, thả sau lưng. Không cần phải mất thời giờ lục lọi ký ức, tôi nhận ra ngay Ngọc Sương. Tôi kêu lên mừng rỡ:

-Ủa? Chị! Ngọc Sương! Làm gì ở Nha Trang này vậy?  Chị ra đây từ bao giờ? Sau lần Thơm Miếng Đi đó, tự nhiên chị mất tích.

Ngọc Sương không trả lời, chỉ mỉm cười, nheo mắt nhìn tôi:

-Phúc không có nhiều thay đổi, mặt vẫn… búng ra sữa, chỉ hơi có vẻ dầy dạn, trưởng thành hơn trước. Sương nhận ra Phúc từ bên kia đường. Có làm gì bây giờ không? Nếu không thì Sương mời Phúc đi ăn cơm chiều ở quán cơm Thanh Đạm, sẽ nói chuyện nhiều. 

Tôi nhìn đồng hộ, nhìn các xuất chiếu Red Sun, trả lời ngay:

-Phúc đang rảnh. Chị Sương dẫn Phúc đi đâu cũng được. Nhưng còn quá sớm để ăn cơm chiều. Hay mình vào Tân Tân coi phim Red Sun này đi, sắp bắt đầu phim. Để Phúc mua vé nha. 

Ngọc Sương chỉ cười không nói gì. Mua vé xong, tôi bạo dạn nắm tay Ngọc Sương khi vào rạp. Phim hay, lại cuối tuần nên rạp khá đông nhưng chúng tôi cũng tìm được ghế ngồi cạnh nhau. Phim sống động, khá căng thẳng, dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng tôi không chú tâm theo dõi lắm, chỉ thỉnh thoảng quay qua nhìn Ngọc Sương, đôi lúc ánh mắt chúng tôi chạm nhau, Ngọc Sương cười nhẹ. Làm sao chú tâm được khi thỉnh thoảng Ngọc Sương tựa đầu vào vai tôi, bóp nhẹ bàn tay vẫn nắm tay Ngọc Sương từ lúc vào rạp, không buông ra.

Bữa cơm chiều ở quán Thanh Đạm khá ngon với 3 món canh chua cá lóc, thịt kho tàu, rau muống xào. Suốt bữa ăn, Ngọc Sương không nói gì nhiều, chỉ hơi có vẻ trầm ngâm. Ăn xong, tôi rủ Ngọc Sương đến quán cà phê Chiều Tím ở đường Hoàng Tử Cảnh, uống cà phê, nghe nhạc. Đến lúc đó Ngọc Sương mới chậm rãi kể lại cuộc đời của nàng 6 năm qua.

“-Tối hôm đó khi về nhà, nghĩ đến nụ hôn lên má mình của thằng con trai nhỏ hơn mình đâu khoảng 4-5 tuổi, Ngọc Sương thấy lòng xao xuyến. Sống ở Xóm Chùa, một xóm nghèo ở Tân Định gần trường trung học tư thục Văn Lang, Ngọc Sương biết mình đẹp nhưng gia đình nghèo, nàng có 2 đứa em, đứa 16, đứa 14 tuổi, mẹ chết sớm, cha làm thợ hồ lúc có việc, lúc không. Gia đình bốn miệng ăn, lương bố không đủ nuôi sống gia đình, Ngọc Sương quyết định bỏ học – khi đang theo năm thứ 2 luật khoa – đi bán hàng rong phụ giúp cha nuôi em. 

Cũng có vài chàng trai trong xóm để ý theo đuổi, tán tỉnh nhưng Ngọc Sương chẳng thấy rung động cho đến khi gặp Phúc, cậu bé nghịch ngợm – chắc bằng tuổi cậu em kế cùa nàng – xin thơm miếng đi. Chính nụ hôn đó khiến nàng hoang mang, nghĩ đến thân phận mình, sợ hãi tình yêu, nàng thôi không đi bán qua khu phố gần nhà Phúc. Sau đó ít lâu, Ngọc Sương xin được việc trong nhà máy sản xuất bia BGI nên không đi bán hàng rong nữa.

Năm 1970, Ngọc Sương lấy chồng, Tuấn, hơn nàng 2 tuổi, một sĩ quan của Sở Liên Lạc, Nha Kỹ Thuật, phòng 7 bộ Tổng Tham Mưu, chuyên nhẩy toán vào các mật khu của Việt Cộng do thám, thu lượm tin tức, tìm hiểu tình hình địch quân. Nàng lấy Tuấn chẳng vì yêu, chẳng qua thấy tuổi đã lớn, cần có gia đình, một nơi nương tựa để lo cho cha và 2 em. Thây Tuấn có vẻ chững chạc ăn nói nhỏ nhẹ, gia đình khá giả nên đồng ý qua lời giới thiệu của một người quen. 

Chỉ hơn một năm sau, 1971 Ngọc Sương được tin chồng mất tích trong một chuyến công tác nhẩy vào vùng địch trước khi mặt trận Hạ Lào khai diễn. Sau đó ít ngày, cha nàng qua đời vì bị nhồi máu cơ tim do lao lực quá nhiều, kiệt sức. Cùng một lúc chịu 2 cái tang, thấy 2 em đã lớn, có thể tự lo cho bản thân, Ngọc Sương bỏ Sài Gòn ra Nha Trang tìm quên theo lời khuyên của một người dì – có một sạp bán vải ở chợ Đầm. Biết may vá, Ngọc Sương phụ người dì (em họ của mẹ nàng) buôn bán ở sạp vải, nhận may, sửa quần áo kiếm thêm tiền giúp cho 2 em. Cuộc sống khá bình yên, đầy đủ cho đến lúc nhìn thấy tôi trước rạp hát Tân Tân”.

Kể xong, Ngọc Sương nhìn tôi mỉm cười, hỏi nhỏ:

-Đời Sương như vậy. Còn Phúc làm gì trong 6 năm qua? Giờ có còn muốn…thơm miếng nữa không?

Tôi cười nhẹ, nhấp một ngụm cà phê sữa, kể vắn tắt về mình. Sau khi đậu tú tài 2, học khóa học 1 năm, gia nhập không quân, trở thành phi công trực thăng…cho đến khi gặp lại nàng. Kể xong, tôi nắm tay Ngọc Sương, nâng niu ngắm rồi nghiêng đầu thì thầm:

-Phúc muốn thơm Sương nhiều miếng, không phải chỉ một miếng! Dân học luật hèn chi hai bàn tay đẹp quá, kể cả khi phải đi bán hàng rong.

Lúc đó đã gần 9 giờ tối, bàn chúng tôi ngồi nằm dưới một gốc cây lớn, quán chỉ giăng những ngọn đèn xanh đỏ nhỏ trên các tàng cây nên khung cảnh hơi tối. Ngoc Sương kéo ghế lại ngồi sát vào tôi:

-Thơm Sương miếng đi!

Tôi vòng tay qua vai Sương, kéo nhẹ nàng vào lòng, hôn lên má nàng.

Tháng chín năm 1973, tôi có lệnh thuyên chuyển vào phi đội 259E Rescue (cứu thương) ở phi trường Phan Rang. Tin nhận được lúc Ngọc Sương về Sài Gòn thăm 2 đứa em nên không gặp nàng trước khi theo phi đội vào Phan Rang. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ ngắn ngủi, tôi vẫn ra Nha Trang thăm nàng bằng chiếc Honda C50. Mấy lần tôi ngỏ ý hỏi cưới Sương, nàng từ chối với lý do không muốn trở thành góa phụ lần thứ hai.

Giữa tháng 4.1975 Nha Trang thất thủ, rồi Phan Rang rơi vào tay địch, tôi mất liên lạc với Ngọc Sương từ đó. Khi ra tù cộng sản sau mấy năm “cải tạo” trở thành người “lương thiện”, tôi tìm đến địa chỉ Ngọc Sương ở Xóm Chùa, hai đứa em nàng không còn ở đó. Hàng xóm không ai biết Ngọc Sương dọn đi đâu.

San José, California 1998

Phi cơ đáp xuống phi trường San Francisco lúc 3 giờ chiều. Lấy hành lý, làm thủ tục nhập cảnh mất hơn tiếng đồng hồ, Nghĩa – bạn học cũ – đón tôi bằng chiếc Toyota Avalon. Chiều thứ sáu kẹt xe trên xa lộ 101, ngay cả trên Car Pool (đường dành riêng cho xe có từ 2 người trở lên), về tới San José gần 6 giờ, Nghĩa đoán tôi đói nên tắp luôn vào tiệm phở Kim Long ở Capitol Avenue:

-Mình đi ăn chiều luôn rồi về nhà nghỉ chứ? Tôi gật đầu.

Vừa bước vào quán, tôi hơi khựng lại khi nhìn thấy một người phụ nữ dáng thon thả mặc chiếc váy màu tím ngồi quay lưng ra ngoài với 2 người khác, mái tóc được bới cao, cột bằng một chiếc nơ cũng màu tím. Linh tính cho tôi biết đó là Ngọc Sương. Tôi vội nói với Nghĩa đang đứng chờ bàn:

-Chờ tao chút!

Làm như vô tình, tôi đi ngang qua cái bàn đó và quay nhìn lại đúng lúc người phụ nữ cũng nhìn lên. Hai chúng tôi gần như kêu tên nhau cùng lúc:

-Ngọc Sương!

-Phúc! 

Tôi xoay người lại, Ngọc Sương đứng lên, chúng tôi ôm lấy nhau trước những cặp mắt tò mò của nhiều thục khách trong tiệm. Ngọc Sương kéo tay tôi, chỉ chiếc ghế còn trống ở bàn, giọng mừng rỡ:

-Phúc ngồi đó đi! Đi một mình hay với ai? Đây là 2 đứa em của Sương! Nam và Ngọc Thủy.

Tôi chỉ Nghĩa đang đứng chờ:

-Đi với bạn! Anh ấy đứng kia kìa!

Tôi ngồi xuống chiếc ghế còn trống, Nam và Ngọc Thủy lịch sự chào tôi trong lúc Sương nhanh nhẹn đi tới chào Nghĩa, đon đả mời Nghĩa lại ngồi chung.

Niềm vui của cuộc tái ngộ bất ngờ với Ngọc Sương sau hơn 14 năm bặt tin nhau ở một nơi hoàn toàn xa lạ khiến sự mệt mỏi sau chuyến bay dài hơn 11 tiếng đồng hồ tan biến. Tôi ăn hết tô phở đặc biệt, uống hết chai bia Corona trong lúc Ngọc Sương liếng thoắng kể về những chuyện xẩy ra cho nàng từ khi Nha Trang thất thủ.

“-Như nhiều gia đình khác, khi Việt Cộng chưa vào tới thành phố, người dân Nha Trang đã ùn ùn bỏ chạy vào Sài Gòn. Sương cũng theo bà dì trở về Sài Gòn. Nàng quay lại Xóm Chùa ở với 2 đứa em nhưng không được lâu. Thời gian đầu hoang mang, không biết làm gì để sống, Ngọc Sương nhận may, sửa quần áo nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dân Sài Gòn còn đang hoảng loạn sau cuộc đổi đời, không mấy ai còn hứng thú với chuyện may mặc. 

Sau đợt đổi tiền đầu tiên tháng 09.1975, Ngọc Sương và 2 em rơi vào cảnh túng quẫn, 2 đứa em nàng mất việc ở nhà máy sản xuất bột ngọt Thiên Hương, 3 chị em phải bán dần những đồ đạc trong nhà để sống, Ngọc Sương quay trở lại với gánh hàng rong nhưng lần này đủ thứ, từ dưa hấu, thơm đến cóc, ổi ngâm cam thảo…

Đến lúc trong phường thành lập một tổ hợp may gia công để “tăng gia” sản xuất, Ngọc Sương phải bán đi chiếc nhẫn cưới kỷ niệm còn lại của nàng và Tuấn cùng chiếc vòng vàng của mẹ nàng để lại, mua một máy may, gia nhập tổ hợp để được ở lại thành phố không phải đi kinh tế mới. Ngọc Sương và hai đứa em được nhận gia công may cổ áo, ráp thân…, được mua gạo, nhu yếu phẩm hàng tháng. Đời sống tạm yện nhưng vất vả, thiếu thốn đến khi gặp được một người bạn học thân cũ ở Gia Long, gia đình giàu có tổ chức vượt biên. Nghe Ngọc Sương kể hoàn cảnh, người bạn đồng ý cho nàng và 2 em đi chung chuyến vượt biên, sang tới Mỹ sẽ trả nợ sau. Chuyến đi trót lọt, Ngọc Sương và 2 em chỉ ở trên đảo 9 tháng thì được qua Mỹ”.

Kể Xong, Ngọc Sương mới hỏi:

-Phúc thì sao? Đi được vào tháng 4.75 hay ở lại tù cộng sản cho biết mùi đời? Giờ vợ, con thế nào? 

-Phúc kẹt lại, đi tù hơn 3 năm, ra tù sống lây lất ở chợ trời hơn 3 năm rồi vượt biên. Lênh đênh trên biển mấy ngày thì được tàu Cap Anamur của Tiến Sĩ Rupert Neudeck vớt nên định cư ở Đức. Lấy vợ rồi nhưng cũng ly dị rồi, không có con cũng chẳng có cái.

Ngọc Sương cười, ánh mắt long lanh:

-Vậy là độc thân tại chỗ? Phúc qua Mỹ du lịch hay làm gì? Tối nay ngủ đâu?

-Nghỉ phép 4 tuần, qua Mỹ thăm bạn bè, đi chơi đây đó! Phúc ở nhà anh Nghĩa!

Ngọc Sương ân cần:

-Phúc có thể ở nhà Sương, nếu muốn! Nhà Sương chỉ có 3 chị em.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, em trai Sương đã ra quầy trả tiền. Chúng tôi chia tay sau khi trao đổi địa chỉ nhà cũng như số điện thoại cầm tay của Nghĩa và Sương. Sương hẹn 9 giờ sáng hôm sau đến mời tội và Nghĩa đi ăn sáng.

Đêm hôm đó ở nhà Nghĩa, vừa mệt vừa vui, tôi ngủ một mạch đến 8 giờ sáng hôm sau. Đến 9 giờ, rồi 9:30g không thấy Ngọc Sương đến, tôi hơi bồn chồn, mượn điện thoại Nghĩa gọi cho Sương mấy lần không thấy trả lời.

Ngồi chờ tới 10 giờ, nóng ruột, tôi nhờ Nghĩa chở đến nhà Ngọc Sương theo địa chỉ nàng cho. Nhấn chuông mấy lần không có ai mở cửa, tôi và Nghĩa thất vọng quay về sau khi nhắn tin vào điện thoại của nàng.

Cả ngày hôm đó và chủ nhật hôm sau vẫn không thấy Ngọc Sương gọi lại hay trả lời tin nhắn, tôi thật sự hoang mang. Chiều chủ nhật tôi nhờ Nghĩa chở lại nhà Sương một lần nữa. Lần này nhấn chuông thì Nam, em trai Sương ra mở cửa. 

Thấy nét mặt buồn bã của Nam, tôi đoán có chuyện không lành xẩy ra. Nam cho biết, sáng thứ bẩy y hẹn với tôi, Ngọc Sương lái xe đến nhà Nghĩa, trên đường đi, đoạn ra xa lộ 681 thì bị tai nạn, một chiếc Toyota Tundra chạy quá nhanh tông vào xe nàng, đúng chỗ Ngọc Sương ngồi, chiếc Toyota Camry của Ngọc Sương bay vào lề, lăn đi mấy vòng. Ngọc Sương bị thương nặng, đang được giải phẫu, cấp cứu trong bệnh viện, không biết qua được không?

Nam xin số điện thoại của Nghĩa, hứa có tin gì mới về Ngọc Sương sẽ gọi cho tôi biết. Tôi và Nghĩa cám ơn Nam rồi đi về. Trên đường về, tôi kể lại cho Nghĩa chuyện tình của tôi và Ngọc Sương. Nghĩa lắng nghe nhưng chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi ái ngại. Về đến nhà, Nghĩa chỉ nói với tôi một câu:

-Trong sum họp đã có mầm ly biệt.

Ba ngày sau, Nam gọi điện thoại cho tôi, báo tin Ngọc Sương đã qua đời tại bệnh viện Bascom, San José vì thương tích ở đầu quá nặng không cứu được. Sự ra đi bất ngở của Ngọc Sương sau khi vừa gặp lại khiến cho tôi bị chấn động tâm lý nặng nề. Tôi như người mất hồn suốt quãng thời gian còn lại cho đến ngày về lại Đức. Nhiều đêm ngủ trằn trọc, nửa tỉnh nửa mê, tôi dường như vẫn nghe tiếng rao hàng của Ngọc Sương “Dưa hấu đây! Thơm miếng đây!”

Nguyễn Tiến Cường

Friday, December 6, 2024

Tham quan Nha Trang 2024 - Thái Huỳnh

Cô em chú bác, BS Huỳnh Thị Kim Chi, chủ hai bịnh viện ở Bình Dương, mua mấy villa resorts của Vinpearl để đầu tư. BS Chi mua villa resorts của Vinpearl từ Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Mỗi năm, BS Chi có 15 ngày để ở free. Nếu không ở thì BS Chi có thế bán rẻ cho ai đó, nếu không bán được thì mất.

Mấy năm nay, từ ngày vợ tôi mất 2009, năm 2010 tôi thường về Việt Nam ở dài hạn. Có năm tôi về Sàigòn 9 tháng, có năm 12 tháng và tôi ở khách sạn. Thấy tôi về ở Sàigòn dài hạn, BS Chi thường rủ tôi đi nghỉ dưỡng ở Vinpearl Resorts. 

Nghe nghỉ dưỡng ở Vinpearl Resorts, tôi mê lắm. Thường thì một villa resort có 3 phòng, mỗi phòng ở được 2 người. Giá mỗi villa cho 6 người khoảng 28 triệu VND/1 ngày, bao gồm 3 bữa ăn buffet một ngày, đi cáp treo hoặc tàu qua đảo và mọi vui chơi trên đảo như nhạc nước .... Ăn Buffet của Vinpearl Resort thì khỏi chê, nhất là hải sản nhiều mịt mù và ngon.   

Lâu nay tôi được ở villa resort, nhưng năm nay BS Chi nói sẽ ở Vinpearl Luxury, tôi giật mình. Vì tôi chưa nghe nói Vinpearl Luxury.

Vinpearl resort có 3 khu: Khu hotel rẻ nhất, giá dưới 2 triệu VND/1 đêm cho 2 người lớn, khu villa và khu luxury.

Vinpearl Luxury là một khu riêng trên đảo. Khu nầy không có villa, mà có nhà riêng. Mỗi nhà có hai tầng, tầng dưới là phòng khách có nhà cầu, tầng trên là phòng ngũ có nhà tắm, nhà cầu  và có balcony ngó ra biển. Mỗi nhà ở được 2 người. Khu luxury rất yên tịnh, không chung đụng với ai. Giá tiền cho ba nhà, 6 người ở là 48 triệu VND/1 ngày. Bao gồm 3 bữa ăn và mọi vui chơi. Nhà hàng ở khu luxury dạng không phải buffet, mà là dạng gọi menu (a la carte). Xe điện di chuyển cho khu luxury riêng biệt, không đi chung với ai.  

Từ phải qua trái: Mỹ em kế tôi về từ Germany, BS Khôi & BS Chi, Thái, BS Yến bạn BS Chi và chồng là anh Chính.

Khu hotel của Vinpearl Nha Trang.

Đây là 1 căn nhà của khu vinpearl luxury.

Đây là balcony của căn nhà vinpearl luxury.

Balcony của căn nhà vinpearl luxury ngó ra biển.

Phái đoàn check-in nhà hàng khu luxury khi mới đến.

Nhà hàng khu luxury.
Từ trái: Mỹ, Khôi, Chi, Thái, Chính, Yến.


Khôi&Chi

Bs Chi.

Anh chàng phi công nầy coi bộ lái chiếc máy bay A1 Skyraider dễ hơn là lái chiếc Cyclo!

Phái đoàn ăn trưa đầu tiên ở nhà hàng khu luxury.

Nơi ăn sáng của khu luxury.

Bs Chi & Khôi.
Bãi biển của vinpearl khu luxury. 

Từ trái vô: Luân, Chi, Khôi.
Từ phải vô: Thái, Mỹ, Yến, Chính.
KQ63D Phạm Đăng Luân là bồ tèo của tôi. Luân và vợ về từ Mỹ, mua condo và sống ở Nha Trang. Vợ Luân đi Sàigòn nên không có mặt. Nghe tôi ra Nha Trang, Luân đãi phái đoàn ở nhà hàng Đời. Luân kể chuyện tếu, phái đoàn cười đã luôn.  

Trúc Lâm Tịnh Viện.
Đây là lần đầu tiên tôi biết Vinpearl Nha Trang có chùa. Chùa nầy khá rộng lớn và khang trang.

Đường vô chùa khá xa và khang trang.

Tượng Phật Bà.

Chánh Điện.

Nhà hàng Tàu trong Vinpearl.
Đây là lần đầu tôi biết Vinpearl có nhà hàng Tàu.

Vì chúng tôi ở trong khu luxury, nên chúng tôi có thể ăn trong nhà hàng Tàu nếu chúng tôi muốn.

./.