Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Saturday, January 18, 2025

Tình bạn 61 năm - Huỳnh Thông Thái


Gần Tết, tôi mời Khương đến nhà hàng của khách sạn tôi đang ở để ăn sáng, rồi tôi chúc Tết Khương.    

Ăn sáng xong, tôi và Khương ra balcony của phòng tôi, để tâm sự nhắc lại chuyện 61 năm trước!

Lê Phước Khương là bồ tèo của tôi. Năm 1964 tôi ra trường phi công quan sát khoá L2, do Mỹ huấn luyện ở Nha Trang. Đơn vị đầu tiên của tôi là Phi Đoàn 114, thuộc Không Đoàn 62 Biên Trấn Pleiku. Mùa Thu 1964, tôi gặp Khương ở Phi Đoàn 114. Rồi hai đứa tôi gắn bó với nhau tới cuối 1965. Cuối 1965, tôi rời Phi Đoàn 114 đi Mỹ học lái máy bay khu trục A1.
  
Suốt thời gian 1964, 1965, tôi và Khương thường đi với nhau trong chiến trường thuộc Quân Đoàn II. Nhiều nhất gồm các tỉnh Kontum, Ban Mê Thuộc, Tuy Hoà và nhất là Qui Nhơn. Rất nhiều lần, máy bay chúng tôi bị trúng đạn địch, nhưng rồi như có đấng linh thiên phù hộ, chúng tôi vẫn còn sống đến ngày hôm nay. 

Năm 1975 Khương bị kẹt lại và bị tù trên 10 năm. Ra tù, Khương được đi Mỹ diện HO, nhưng Khương không đi, vì gia cảnh không vui. Rồi Trời, Phật thương, trong cảnh túng quẫn, Khương đẩy chiếc xe bằng kiếng nhỏ, đi bán đồ kỷ niệm vặt rẻ tiền, quanh chợ Sàigòn. Khương gặp một người Nga và người nầy hỏi Khương:
- Anh nói tiếng Anh được không?
- Được.
- Tôi là người Nga, về đây mua áo quần. Vài ngày nữa tôi sẽ về Nga. Anh có nhiệm vụ chuyển hàng từ Sàigòn về Nga cho tôi. Hàng của tôi là áo quần, được đựng trong container bằng sắt to lớn. Mỗi cái áo, cái quần, tôi cho anh mấy xu. Anh chịu làm không?
- Chịu.

Thế là có đấng linh thiên nào đó, nhìn thấy hoàn cảnh đau thương của Khương và cho Khương gặp người Nga nầy. Và từ đó, đời sống của Khương bốc lên. Khương mua được hai căn phố lầu, gần Q1 Sàigòn. 

Nghe chuyện gia đình của Khương, tôi buồn rã rượi. Nhưng rồi tôi nghe hồi kết có hậu của đời Khương. Tôi rất vui cho Khương. Làm tôi nhớ lại những năm 1964, 1965, lúc bây giờ hai đứa tôi chuẫn uý độc thân. Hai đứa tôi nói với nhau, tâm nguyện, thà hai đứa tôi chết chứ không giết lầm dân lành! Có thể đấng linh thiên nào đó, biết được tâm nguyện của hai đứa tôi, nên hai đứa tôi còn sống đến hôm nay, trong khoẻ mạnh!

Click Vào Đây - Xem tôi và Khương trong một lần suýt chết ở Ban Mê Thuộc 1965.  
./.
      

Thursday, January 9, 2025

Vĩnh Long Sông Nước Tình Em - Cẩm Loan

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Vĩnh Long Sông Nước Tình Em/Ca sĩ Cẩm Loan

Sunday, January 5, 2025

TẠM BIỆT HUẾ - LỮ DIỆU PHƯƠNG

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm TẠM BIỆT HUẾ/Ca sĩ LỮ DIỆU PHƯƠNG

Thursday, January 2, 2025

Đá banh chung kết ASEAN Cup 2024 ViệtNam VS Thái Lan.

Đá banh chung kết ASEAN Cup 2024 ViệtNam VS Thái Lan lượt đi, chơi tại ViệtNam và ViệtNam thắng 2-1. Trời đất! Bây giờ là 23:00 giờ ngày January 2. 2025, khu chợ Sàigòn rung động vì tiếng kèn xe và tiếng người la!  

Hình chụp từ khách sạn xuống đầu đường Hàm Nghi, gần kề chợ Sàigòn. 
Người dân Sàigòn "đi bão" mừng đá banh chiến thắng Thái Lan 2-1
 trong trận chung kết ASEAN Cup 2024, lượt đi.
./.

Metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu hoạt động.


Metro đầu tiên của Sàigòn ViệtNam dự trù gồm 4 tuyến như hình dưới đây. Tuyến 1 và Tuyến 3A đã bắt  đầu và kết thúc.  

Ga trước Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Ga sau
Bắt đầu · Kết thúcL1 Tuyến 1
Hướng đi Bến xe Suối Tiên
Hướng đi Thủ Thiêm
L2 Tuyến 2
Hướng đi Củ Chi
Bắt đầu · Kết thúcL3A Tuyến 3A
Hướng đi Tân Kiên
Hướng đi Thạnh Xuân
L4 Tuyến 4

Tuyến 1 Metro đầu tiên từ Bến Thành đi Suối Tiên đã bắt đầu hoạt động vào ngày Chủ Nhật December 22, 2024. Từ December 22, 2024 đến ngày January 20, 2025, Metro nầy sẽ miễn phí cho mọi người. Ngày đầu tiên December 22, 2024 Metro bắt đầu chạy, vì khách sạn tôi đang ở trên đường Lê Thánh Tôn ngay cửa Bắc chợ Sàigòn, cách cửa hầm xuống ga Bến Thành khoảng 50M, tôi đứng trên khách sạn nhìn xuống, thấy người sắp hàng đi Metro dài mịt mù. Tôi nhìn chóng mặt, không dám đi. Sáng ngày hôm sau Thứ Hai, ai nấy bận đi làm, ga Metro vắng hoe. Thế là tôi đi Metro từ Bến Thành đến Suối Tiên thăm KQ63A Nguyễn Kiễm. Kiễm ở Suối Tiên.    

Từ Bến Thành đến Suối Tiên có tất cả 14 ga, gồm 3 ga dưới hầm là Ga Bến Thành, Nhà Hát Thành Phố, Ba Son và 11 ga trên cao là Ga Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên.

Đường hầm để đi vô lên ga hoặc đi ra khỏi ga metro. 

Ga metro.

Thái.

Vợ chồng Kiễm lên metro tiễn tôi về lại Bến Thành.
Thanh niên, thiếu nữ ViệtNam quá lịch sự, thấy vợ chồng Kiễm và tôi bước vô metro, họ đứng dậy nhường ghế cho chúng tôi! Hành xử của họ làm tôi tưởng tôi đang trong nước Mỹ. Tôi vui quá. 

Ga Suối Tiên là ga chót, bước ra khỏi ga nầy là bến xe Miền Đông sát kế bên.
Từ ga Suối Tiên, quay lại ga Đại Học Quốc Gia, là metro hướng về Bến Thành.


./.

Áo Lụa

 ÁO LỤA




ÁO LỤA

(Thân tặng anh H. V. Thịnh để nhớ hồi nhỏ anh em mình ở làng Quý Hiệp quận
 Bến Cát tỉnh Bình Dương.  Và tặng quý bạn nào hồi nhỏ cũng nghèo như thế)
- Đoàn Dự -

Hình Minh Họa

Cô gái, có lẽ là người giúp việc, lễ phép mời chàng ngồi vào chiếc bàn rộng có hai hàng ghế sang trọng xếp gọn ghẽ gần bộ xa lông. Trên bàn, một chiếc bình bằng pha lê đặt ở giữa tấm vải lót trắng tinh với những đường viền đăng-ten.

Quỳnh vốn thích hoa huệ, chàng gặp lại đây những cành hoa tươi với những bông hoa trắng muốt mang theo hương thơm thoang thoảng.

- Thưa mời ông ngồi chơi, mợ tôi ra bây giờ.

- Vâng, được, không sao.

Cô ta bật quạt trần rồi vào bên trong chuẩn bị nước trà đem ra mời khách.

Còn lại một mình, Quỳnh đưa mắt nhìn chung quanh. Căn phòng của ngôi biệt thự nho nhỏ bày biện rất đơn giản: vài bức tranh thủy mặc lồng kính, một bộ đồ gỗ gồm hai chiếc muỗng, một chiếc nĩa dài khoảng một thước, làm bằng gỗ quý, treo trên tường.

Ngoài sân, một đôi chim công thơ thẩn kiếm ăn. Chúng đi bên nhau, thỉnh thoảng lại dừng lại mổ những đám rêu mọc dưới chân một chậu cây kiểng. Trên ngọn cây nhãn đang bắt đầu trổ bông, có tiếng chim sâu lích rích tìm mồi, một hình ảnh khá lạ Quỳnh rất ít gặp trong cảnh tấp nập của thành phố Sài Gòn đông đúc hiện tại.

Chủ nhà ra. Đó là một thiếu phụ đã đứng tuổi, rất đẹp, nước da trắng, mặc chiếc áo lụa màu nguyệt bạch, gương mặt trông rất quen. “Quái, hình như mình đã gặp bà này ở đâu rồi nhỉ?”.

Quỳnh vội vàng đứng dậy. Thiếu phụ giơ tay, vẻ lịch sự:

- Xin mời ông ngồi!

- Vâng ạ.

Người làm công bưng nước trà ra. Chủ nhà đỡ lấy, đặt trước mặt chàng:

- Mời ông dùng nước!

- Vâng ạ.

Quỳnh không uống ngay, chàng lựa lời vào đề:

- Thưa bà, tôi được bạn bè ở các nước ngoài cho biết tranh của bà ở bên ấy bán được lắm, họ cho tôi địa chỉ của bà.

Hoạ sĩ mỉm cười:

- Nước nào vậy ông?

- Dạ thưa Pháp, Mỹ, Canada...

- Thì ra tại các nước bên đó. Chắc lại Tiệc ly, Vinh quy, Vu quy, Hội chùa Hương?

- Dạ vâng.

- Tôi vẽ như một cái máy. Bên Pháp còn đỡ, bên Mỹ và Canada họ đua nhau mua, nhà này có nhà khác cũng phải có, treo trong phòng khách cho oai. Hầu hết họ đăt toàn các tranh lụa khổ lớn, chiều dài thước sáu, thước tám, thậm chí tới hai thước hai, hai thước tư và cùng một loại như nhau, Tiệc ly, Vinh quy, Vu quy, Hội chùa Hương...; vẽ khác họ không bằng lòng.

Giá cả tôi cũng tính theo công thức: bức một thước sáu kể cả công bồi lẫn ống nhôm gởi ra nước ngoài giá một cây sáu, tức cỡ hơn bảy trăm đô; bức thước tám giá một cây tám, bức hai thước hai giá hai cây hai, cứ thế mà tính, ba tuần được lấy, trả bằng tiền Việt cũng được. Nghe nói tiền khung gỗ ở bển mỗi bức cỡ năm trăm đô, nếu khung gỗ quý lại càng mắc hơn.

Quỳnh im lặng suy nghĩ. Hoạ sĩ nói tiếp:

- Nghệ sĩ thì phải sáng tạo, đàng nầy tôi không được phép sáng tạo, cứ vẽ y chang những bức như vậy, chẳng ra sao cả. Hình như người ta chỉ cần cái tên, chữ ký và con dấu của tôi đóng dưới bức tranh, không cần tác phẩm. Nhiều lúc những ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu óc, tôi thèm muốn để chút ít thì giờ sáng tác nhưng bận quá. Bây giờ tôi phải hẹn tới năm tuần, giá vẫn giữ nguyên như cũ. Chắc ông cũng đặt Tiệc ly, Vu quy, Vinh quy gì đó đặng gởi qua bển?

- Thưa không.

Hoạ sĩ ngạc nhiên. Chàng bưng tách nước:

- Thưa mời bà dùng nước!

- Dạ, mời ông!

Mùi trà thơm thơm, nhè nhẹ. “Kỳ lạ, mình đã gặp loại trà này ở đâu rồi nhỉ? Hoa sói không phải hoa sói, hoa lài không phải hoa lài, hương sen không hẳn hương sen”.

- Thưa bà cho phép tôi hút thuốc? Tại tôi có tật hút thuốc mỗi khi nói chuyện.

- Dạ được, ông cứ tự nhiên.

Hoạ sĩ với tay lấy chiếc gạt tàn ở phía mặt bàn xa-lông trong khi chàng bật lửa.

- Thưa bà tôi đã được coi tấm thiệp “Trong trắng” của bà do bạn bè ở bên ấy gửi về nên tìm tới đây.

- Có, tôi có biết. Người ta in ra thành thiệp bán tại các nước phương Tây, dùng trong các dịp lễ Giáng sinh, Đám cưới, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch v.v…, dịp nào cũng được.

- Theo tôi thấy, có thể coi đó là một tác phẩm bà vẽ hoàn toàn theo cảm hứng. Tôi hết sức khâm phục nên hỏi địa chỉ, tìm tới đây để nhờ bà vẽ cho một bức theo lời tôi đề nghị.

- Bức tranh đó thế nào?

- Một pho tượng khoả thân, nho nhỏ, cao khoảng ba tấc hoặc ba tấc rưỡi, mô tả một cô gái rất trẻ, rất đẹp, vừa mới tắm xong, đang ngồi quỳ trên một tảng đá, chiếc khăn tắm vắt ngang qua đùi, mặt hơi ngửa lên, đưa hai tay lên vuốt tóc.

- Ông định vẽ để gởi ra nước ngoài?

- Thưa không, tôi vẽ cho tôi, cho các kỷ niệm của tôi. Bà cứ vẽ đi vẽ lại nhiều lượt cho đến khi nào bà vừa ý, tôi vừa ý, lúc ấy tôi sẽ đo kích thước, tạc nó thành một pho tượng bằng đá cẩm thạch.

- Ông là một nhà điêu khắc?

- Dạ không, từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng biết điêu khắc bao giờ cả mà cũng không hề biết về nghệ thuật hội hoạ, vì vậy tôi phải nhờ bà.

- Tạc tượng đâu phải chuyện dễ? Ông chưa hề biết điêu khắc.

- Tôi làm được. Quyết chí thì phải làm được miễn sao có kế hoạch và có đầu óc kiên nhẫn. Hồi nọ tôi ra ngoài Bắc, bất ngờ mua được ở ngoài đó một khối đá nho nhỏ cao khoảng bốn tấc, trắng muốt như sữa do người ta đào được. Không ai hiểu đá gì nhưng tôi biết đó là một trong các loại đá cẩm thạch rất quý. Họ bán khá mắc, tôi mua. Từ đó đến nay tôi vẫn mơ ước tạc được một pho tượng.

Chàng dụi mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn:

- Kế hoạch của tôi là sẽ mua đất sét trắng có pha silicát trong nhà máy sứ Thiên Thanh, đem về làm thành một khối cũng cùng kích thước với khối cẩm thạch rồi đem phơi khô. Khởi đầu tôi tạc với khối đất sét đó, cứ làm đi làm lại nhiều lần sẽ quen tay, bao giờ có kinh nghiệm tôi sẽ bắt đầu với khối đá.

- Ông dự định làm trong bao lâu?

- Có thể một tháng, hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm, ba năm...; tôi chưa biết rõ nhưng ý tôi đã quyết là phải làm được.

Hoạ sĩ im lặng. Chàng nói tiếp:

- Tôi đã ra tận Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng quan sát người ta điêu khắc các bức tượng Đức Mẹ, Đức Phật, Ông thọ, Đứa trẻ chăn trâu, Người phụ nữ gánh hàng v.v... bằng loại đá hoa Ngũ Hành Sơn – marbre – dùng để xuất khẩu. Họ làm được thì tôi cũng làm được và tôi đã tìm kiếm, đặt tại các lò rèn một bộ đồ gồm năm mươi hai cây. Ở Bình Dương, gần Lái Thiêu đi lên thì họ tạc tượng bằng gỗ, bộ đồ có hăm nhăm cây, nước thép khác hơn.

- Ông làm nghề gì?

- Kỹ sư công nghiệp. Tôi đã lăn lộn nhiều trong cuộc sống, bây giờ muốn nghỉ ngơi ít lâu. Trong khi nghỉ ngơi như vậy tôi muốn sống cho riêng tôi, cho những kỷ niệm của tôi.

Những tiếng “cho những kỷ niệm của tôi...” khách nói rất nhỏ. Hoạ sĩ nhíu mày, tỏ vẻ thông cảm:

- Chắc lại hình ảnh về một mối tình nào đó rất lớn? Tôi hiểu ý ông nhưng tôi rất bận. Tiệc ly, Vinh quy, Vu quy, Hội chùa Hương..., người ta đặt nhiều lắm, tôi vẽ không kịp. Ông không trả nổi số tiền tôi gác mọi chuyện để vẽ cho ông đâu.

- Tôi trả được. Bà tính bao nhiêu tôi xin gửi đủ bấy nhiêu không nói một tiếng và tôi rất biết ơn bà.

- Thế còn người ta đặt hàng? Toàn người ở nước ngoài, ai cũng đòi tôi phải làm trước cho họ?

- Bà vẽ xen kẽ, ưu tiên cho tôi bởi vì tôi còn phải tạc tượng.

- Cũng được, để tôi suy nghĩ xem đã. Nhưng tôi hỏi thiệt ông điều nầy trước khi quyết định.

- Xin bà cứ hỏi.

- Ông tạc pho tượng đó làm gì? Ông không phải là một nhà điêu khắc trong khi tạc tượng đá quý rất khó. Những đường nét, dáng điệu... Nhứt là khi lấy mặt phẳng. Ông nên nhớ một pho tượng khoả thân luôn luôn có những mặt phẳng, ví dụ gò má, cánh tay, bộ ngực, cặp đùi..., tất cả đều là mặt phẳng. Ngoài ra đá quý không như đá đen, chỉ hơi sơ xuất là nó sẽ lộ hẳn ra. Đôi mắt cũng vậy, trông phải có hồn. Tạc tượng mà mắt như mắt “tượng” là hỏng, không chấp nhận được. Với những chiếc đục và chỉ có những chiếc đục cộng thêm giấy nhám cao cấp, ông phải tạo nên những mặt phẳng mịn màng giống như da người, thứ da của một cô gái nho nhỏ, trẻ.

- Tôi sẽ làm được. Nhất định là phải làm được. Tôi là kỹ sư.

- Nhưng ông chưa cho tôi biết ông bỏ công ra như vậy để làm gì? Không lẽ để... tặng nàng? Theo tôi hiểu, ông lớn tuổi rồi, có lẽ ngang với tuổi tôi, chúng ta nhìn đời bằng con mắt thực tế, không mơ mộng như hồi còn trẻ.

Khách nhíu mày, đặt tay lên trán. Lát sau chàng ngẩng lên, nét mặt rất buồn pha chút cương nghị:

- Tôi muốn chứng tỏ tài năng của mình bà ạ. Bên cạnh đó là một tình yêu lạ lùng, bất diệt. Bà có thể bớt chút thì giờ quý báu để nghe tôi kể lại một chút kỷ niệm khi cả hai chúng tôi đều còn nhỏ dại, lý do khiến tôi quyết tâm phải làm bằng được pho tượng mặc dầu tôi biết là rất khó khăn. Cái bóng điện ấy nó đã đâm nát lưng tôi, xuyên thấu da thịt tôi không biết hàng bao nhiêu mảnh. Tôi khóc, nàng khóc. Một thứ tình yêu khờ dại, đau đớn, xẻ da rách thịt...

Người nữ nghệ sĩ run giọng:

- Hồi nhỏ ông... ông... bị nàng làm cho đau đớn vì cái bóng điện?

- Vâng. Tôi chỉ xin bà ít phút thôi, không dám làm mất thì giờ của bà.

Hoạ sĩ nuốt nước miếng:

- Không sao, ông cứ việc kể, bao lâu cũng được, tôi rất muốn nghe.

Và bà bưng tách nước trà đưa lên mời khách, giọng thân mật:

- Nhưng ông dùng trà đi đã!

Khách không để ý, vẫn đắm chìm trong những ý nghĩ:

- Dạ được, bà để mặc tôi.

Lúc mới di cư tôi còn nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm, ở trại định cư Quý Hiệp cách Bến Cát tỉnh Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía Lai Khê, Lộc Ninh, Hớn Quản. Cả làng đều theo Công giáo, chỉ có một mình gia đình tôi là người bên lương nên mọi người gọi mẹ tôi là “nhà bà Lương”.

Trại có ngôi nhà thờ nằm ngay giữa làng, lợp tranh, vách đất. Cha xứ ở trên Bến Cát cùng lúc coi cả mấy trại định cư: Bến Cát, Rạch Bắp, Quý Hiệp I, Quý Hiệp II. Cha tên Phao-lồ Đàm Quang Quý nên đặt tên hai trại là “Quý” Hiệp I, “Quý” Hiệp II với ý nghĩa đồng tâm, hiệp lực. Mọi việc trong làng đã có ông trùm trông nom. Mỗi buổi tối, cỡ khoảng 7 giờ, ông đánh trống cái “thùng”, chờ mười lăm phút rồi xách roi mây đi lùng từng nhà, đứa trẻ nào lười chưa đến học kinh hay đang học mà ngủ gật thì ông giơ thẳng cánh quất đánh véo một cái vào mông, đau quắn đít. Tụi nó sợ lắm. Càng khóc ông càng đánh. Lơ là không thuộc ông cũng đánh. Cha mẹ rất bằng lòng, thường nói với nhau rằng ông trùm có dữ đòn thì chúng mới thuộc.

Tôi không bao giờ bị đánh. Bởi vì tôi là “gia đình nhà lương”, cha dặn mọi người phải đối xử tử tế, không được ép buộc. Hơn nữa tôi học rất mau, tuy ngồi ngoài cửa nhưng anh Hải con trai ông trùm chỉ đọc một lần là tôi thuộc ngay, không cần phải khảo.

Ban ngày, hễ hôm nào cha có công việc xuống trại, trông thấy chiếc ô tô hòm bít bùng màu đen giống như con cóc của cha từ ngoài đường nhựa rẽ vào trong làng, ông trùm đánh ba tiếng trống “thùng, thùng, thùng” thật lớn báo cho dân làng biết. Lúc cha đi thì đánh một hồi, gõ thêm ba tiếng “chát, chát, chát” vào cái tang trống. Người cha thấp lùn, bụng thật bự nhưng đi rất nhanh. Tính cha mau mắn, luôn luôn xuống làng hỏi thăm mọi chuyện và cha coi tất cả dân làng như người trong nhà. Hễ ai có điều gì cần trình, họ luôn luôn mở đầu bằng hai tiếng “Trình cha”.

Một buổi sáng, cũng như mọi chủ nhật khác, cha xuống làm lễ Misa cho giáo dân. Tôi đứng khoanh tay phía ngoài nhà thờ. Tôi là người ngoại đạo, dù đến sớm cũng đứng chung với những người thanh niên đến trễ ở phía bên ngoài, không bao giờ bước vào bên trong vì không hiểu mình có được quyền vào hay không. Ngoài ra, một lý do khác, nếu vào bên trong nhà thờ, được ngồi trên những mảnh gỗ đóng thay cho ghế, được quỳ trên những thanh gỗ đó nhưng phải bỏ tiền lễ vào những chiếc rổ nhỏ khi người ta đưa tới trước mặt mình, mà tôi thì không có tiền, gia đình tôi nghèo, tôi còn nhỏ tuổi, chẳng bao giờ có lấy được một hào trong túi để bỏ tiền lễ.

Hôm ấy, làm lễ xong, cha đi ra, mọi người đi theo. Đi ngang qua trước mặt tôi, trông thấy tôi đứng đấy, cha bỗng ngạc nhiên dừng lại, nhìn tôi chăm chăm:

- Quái, thằng bé này trông mặt mũi sáng sủa quá, con cái nhà ai ấy nhỉ?

Tôi vội vàng khoanh tay, cúi đầu chào cha. Ông trùm đỡ lời:

- Dạ thưa cha, nó là con nhà bà Lương.

- Lạ nhỉ, trông nó xinh xắn khác hẳn với trẻ con trong làng mình.

Rồi cha hỏi tôi:

- Con đã đi học gì chưa?

- Dạ, thưa bẩm cha...

- Nói trình cha, không nói bẩm cha!

- Dạ, thưa trình cha, con không đi học.

Cha rất ngạc nhiên:

- Sao vậy? Làng có trường, có lớp do anh Hải dạy kia mà?

- Thưa cha, ở trên Sài Gòn con đã bắt đầu lên lớp Đệ Lục trung học, ba con mất nên phải về đây. Dưới này anh Hải chỉ dạy những đứa mới biết đọc biết viết là cao nhất, con không đi học.

Cha giật mình, kinh ngạc:

- Con mới lớn bằng bây nhiêu mà đã học tới lớp Đệ Lục? Trường công hay trường tư?

- Dạ, thưa trường công. Hồi thi vào lớp Đệ Thất con đậu hạng nhì, trường công.

- Con còn giữ được giấy tờ không?

- Dạ còn, mẹ con giữ đủ. Con mới phải nghỉ học gần một năm nay.

Cha nhíu mày suy nghĩ:

- Thôi được, con học giỏi như vậy mà không đi học tiếp rất uổng. Cha phải đi có chút công việc, lát sẽ trở lại. Con về nói với mẹ là lát cỡ chừng mười giờ cha đến gặp mẹ. Nếu đồng ý, mẹ thu xếp sẵn quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân cho con, bỏ vào trong tay nải. Nói chuyện xong, cha sẽ giúp đỡ, đem con lên Bến Cát cho con đi học. Nhớ nhé, về nhà nói ngay với mẹ.

- Dạ, vâng ạ, con cám ơn cha.

Từ nhỏ tôi đi học rất sớm do anh và cha tôi dạy, lúc thi Tiểu học phải làm giấy xin miễn tuổi kèm theo học bạ và lời phê của ông Giám đốc Nha Tiểu học xác nhận học sinh đặc biệt, được đặc cách cho đi thi sớm. Cha tôi ở trại định cư, gửi tôi ở nhờ nhà người bác trên Sài Gòn để ăn đi học. Tôi còn một đứa em gái rất nhỏ. Cha tôi đi làm rừng, cưa gỗ, đốt than, bị con rắn cắn vào chân, làm độc rồi mất. Anh tôi cũng còn ít tuổi, làm tay trái, không đủ sức lo cho gia đình nên mẹ tôi phải lên xin phép nhà trường cho tôi nghỉ học, về trại định cư cho đỡ tốn kém.

Cả làng đồn um lên là tôi được cha đưa lên Bến Cát ăn học. Mẹ tôi mừng lắm, không biết kiếm ở đâu được mấy cây nhang, thắp lên, khấn vái trước bàn thờ cha tôi và thu xếp các thứ cho tôi.

Sự thực chẳng có gì nhiều, một chiếc quần ka ki rách mẹ tôi đã vá cẩn thận dùng để đi học hồi nọ, hai chiếc áo sơ mi cũ ngắn tay người ta phát cho học sinh nghèo ở lớp Đệ Thất; hai chiếc áo may-ô ba lỗ cũng do người ta phát; hai chiếc quần xà lỏn, một chiếc bàn chải đánh răng và chiếc khăn mặt. Ngay kem đánh răng tôi cũng chẳng có, thường đánh bằng muối, nếu “tiết kiệm” muối thì đánh bằng tro củi, cũng sạch. Ở nhà quê ít khi người ta đánh răng, sáng dậy chỉ súc miệng rồi khò khò trong cổ, nhổ toẹt vài lượt là được. Nhiều người lại không có cả khăn mặt nữa, chỉ múc nước giếng rửa bằng hai tay không rồi kéo vạt áo lên lau, vậy là xong.

Mẹ tôi nhét vào túi áo ngực của tôi một tờ giấy năm đồng, cài kim băng cẩn thận, dặn đi dặn lại:

- Phúc đức ông bà nên được cha thương tình giúp đỡ. Lên đấy ngoan ngoãn lễ phép thì ai cũng quý. Đây, mẹ cho năm đồng để dành, có gì cần thì xài. 

Tôi thương mẹ tôi lắm nên mở kim băng, trả lại cho mẹ:

- Con đâu có tiêu cái gì, mẹ giữ lấy mà xài.

- Không, mẹ có tiền rồi, con cứ yên tâm, đừng lo.

Vậy là tôi đi với cha, lần đầu tiên được ngồi lên chiếc xe con cóc do cha lái. Dân chúng đến xem đông lắm, nhiều người cúi sát tận cửa kính nhìn vào bên trong. Lúc xe chạy, mẹ tôi thẫn thờ nhìn theo. Tôi trông thấy chiếc áo trắng ngắn tay cũ kỹ của mẹ có một miếng vá rất lớn ở trên vai.

Nhà cha cũng lợp tranh, nền đất tối om nhưng vách đóng bằng ván, sơn màu xanh. Cụ cố năm nay chắc khoảng tám mươi tuổi, hai mắt đã lòa, đầu trọc, tóc mọc ngắn, đang ngồi trên giường bưng bát cơm nguội. Tôi chắp tay lạy cụ một lạy: “Con lạy cố ạ”. Cụ nghe tiếng nói, ngẩng lên, giương cặp mắt trắng đục nhìn tôi: “Đứa nào đấy?”.

- Trình cố thằng bé này học giỏi, con đem về đây định gửi nó vào trong quận cho nó đi học.

- Ừ, cha làm vậy là phải. Bảo nó lại gần đây.

Tôi thò đầu lại gần. Cụ sờ mặt, sờ mũi tôi:

- Ừ, chịu khó mà học con ạ. Tất cả là nhờ ơn Chúa. Ngày trước cố ông mất, nhà cố nghèo, cố nuôi cha cũng khó khăn lắm. Chúa cho là được.

- Trình cố, vâng ạ.

Cha dặn tôi ở nhà ngồi chơi nói chuyện với cố rồi lái xe đi. Một lúc sau, cha về, bảo tôi đem gói quần áo lên xe theo cha.

- Con đem thằng bé này vào trong quận cố ạ. Con vừa mới nói chuyện rồi, ông bà quận rất bằng lòng.

- Ừ, tùy cha định liệu.

Chúng tôi đi vào dinh quận. Lúc cha lên xe về xong, ông quận hỏi kỹ mới biết là tôi đã bắt đầu học Đệ Lục trong khi ở Bến Cát lúc ấy mới chỉ có tới lớp Nhất là hết mức, học sinh muốn thi, học tiếp lên lớp Đệ Thất thì phải lên trên Thủ Dầu Một.

- Thôi được, cha đã có lời nói thì mi cứ ở lại đây, ngày mốt tao có việc lên tỉnh sẽ đem mi lên trển gởi cho ông bà bác sĩ anh chị của bả ở trển.

Tôi ở lại, ăn cơm dưới nhà bếp, ngủ tạm ở ngoài phòng khách. Hai hôm sau, ông quận chở bà quận và tôi bằng chiếc xe jeep, còn người tài xế thì lái chiếc xe màu xanh đi phía đằng trước. Hình như họ bắt được được một chiếc xe nhà màu xanh da trời rất đẹp không biết của ai bỏ ở trong rừng, hôm nay ông quận đem lên trên tỉnh giao nộp.

- Trong khi tôi ngồi nói chuyện với anh bác sĩ ở trên văn phòng thì mình đem thằng nhỏ nầy vô gặp chỉ trước xem sao. Cứ kêu là của cha xứ gởi tất nhiên ảnh chỉ phải bằng lòng. Dường như hồi chiều hôm qua cha đã lên trển gặp ảnh.

- Làm sao cha biết mình tính gởi nó lên anh chị bác sĩ?

- Biết. Tôi có nói chuyện. Cha kêu để ổng lên nói trước, nhận là người của ổng gởi.

- Được mà, cha hổng cần nói cũng được. Ở trển ảnh chỉ bồi bếp hà rầm, thêm một đứa nhỏ đâu có nhằm nhò gì.

Và bà cho tôi hai chục đồng:

- Nói ông bác sĩ can thiệp cho vô học tiếp lớp Đệ Thất, Đệ Lục gì đó trường công, đừng thèm học trường tư. Ráng học thiệt giỏi, bỏ qua cả mấy cô mấy cậu con của ổng bả đặng ổng bả sợ luôn!

- Bỏ qua sao nổi, mấy đứa đó nó lớn, học trường Tây trên Sài Gòn. Hoạ chăng nó bằng tuổi với con gì đó nhỏ nhứt đang học trường đầm.

- Con Mari.

- Ờ, con Mari.

Đoạn, ông quận cười:

- Bây bằng tuổi cổ hoặc nhỏ hơn chút đỉnh, ráng học thiệt giỏi, kỹ sư bác sĩ đặng lấy được cổ luôn tao kể làm tài. Cổ xinh lắm, mỗi tuần thường theo mấy anh về chơi.

Bà quận cũng cười, nói đùa:

- Sao, liệu được không mầy, Quỳnh? Phải mầy tên Quỳnh không mầy?

- Dạ, thưa bà con còn nhỏ, nhà con nghèo...

- Nghèo thì đâu đã sao? Cứ học thiệt giỏi, có bằng cấp lớn là người ta gả.

Vâng, gia đình tôi quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, và tôi cũng không hiểu học tới kỹ sư bác sĩ thì phải mất bao nhiêu năm, liệu có đủ sức hay không. Nhưng, với khái niệm đầu tiên do ông quận vô tình nói ra, tôi nghĩ rằng kỹ sư lớn lắm, sau này tôi sẽ phải trở thành một kỹ sư.

Tư thất của vị bác sĩ nằm trên một khu đất rộng và cao, có nhiều cây lớn, trông giống như một ngọn đồi. Bên trái là nhà, bên phải là phòng khám bệnh với những bãi cỏ luôn luôn cắt xén, rung rinh, sang trọng. Đằng trước có một con đường trải nhựa, lên dốc, vắng lặng đến nỗi mỗi buổi trưa người ta thường nghe thấy cả tiếng chim hót ở phía trên cao. Nếu đi hết con đường đó, xuống dốc, sẽ tới một con đường khác nằm ngang, rồi tới một con đường chạy dọc mé sông. Tôi đoán con sông này từ Lái Thiêu lên, rộng mênh mông.

Nhà riêng rất lớn. Từ ngôi nhà có bậc thềm cao bên trên, ngăn cách với dãy nhà ngang bên dưới của bồi bếp là một sân gạch khá rộng và một bể nước. Trên sân có hai mái “cầu kiều” cũng lợp ngói, nối liền nhà trên với nhà dưới, mưa không bị ướt. Phía dưới ”cầu kiều” bắc một chiếc võng bằng vải hoa.

Loại võng này tôi chưa từng trông thấy bao giờ cả. Lúc đầu tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại phí của, cắt các vải bông ra bện thành võng mặc dầu ngồi chắc êm lắm và trông rất đẹp. Sau tôi mới biết đó là những mụn vải ở các tiệm may, bỏ cũng uổng, các bà đan võng mua về, rọc ra bện thành võng thay sợi. Ông bác sĩ không bao giờ ngồi võng, chỉ có bà với cô Út thỉnh thoảng mới ngồi. Mát lắm và tất nhiên là êm lắm.

Tôi ngủ trong căn phòng nhỏ ở phía bên trái, chỗ cửa sổ lên. Phía tay mặt là phòng tắm và phòng vệ sinh dành cho gia đình ông bà. Bồi bếp dùng riêng, ở phía nhà sau bên dưới.

Vì đã cuối niên khóa, nhà trường xếp cho tôi học tạm lớp Đệ Thất, năm tới sẽ lên lớp Đệ Lục ngang sức với tôi. Vậy cũng phải, nếu vào Đệ Lục thì tôi bị hẫng vì lúc ở Sài Gòn tôi chỉ mới học Đệ Lục được hơn một tháng.

Bồi bếp người nào cũng có vợ con ở ngay trong biệt thự nên ăn cơm với gia đình, hàng tháng lãnh lương như mọi người khác. Chỉ riêng tôi là ăn cơm của ông bà bác sĩ.

Buổi sáng, trước khi bưng khay lên nhà trên, bác bếp để cho tôi nửa ổ bánh mì và hai trái chuối, hoặc cũng có khi một ly sữa thay cho chuối. Ăn xong, tôi chuẩn bị đi học. Trưa về, chờ ông bà ăn xong, bác bếp bưng mâm xuống, tôi đứng ăn một mình bên cạnh chiếc bàn ở dưới bếp. Tôi đứng, không ngồi mặc dầu bếp cũng có một chiếc ghế.

Tại vì tôi thấy ai đun nấu gì cũng đứng nên tôi bắt chước. Món gì ăn dư thì bà để riêng ra, dặn bác bếp khi bưng mâm xuống, tôi ăn những món bà đã vạch riêng để phần ở các góc dĩa. Cứ tôi ăn xong thì tới phiên mấy con chó: hai con chó Nhật, một con bẹc-giê. Bác bếp sẽ trộn cho chúng, chia ra làm ba phần để cách xa nhau mỗi con một nơi, xong bác bắt đầu thu dọn, đi rửa chén dĩa. Buổi tối cũng vậy.

Công việc hàng ngày của tôi những khi có mặt ở nhà là hễ có khách thì rót nước, bưng ra mời khách, và thỉnh thoảng, mỗi tuần một lần, dẫn mấy con chó ra sông tắm. Tôi bơi thì chúng cũng bơi. Tôi bơi giỏi hơn mấy con chó.

Ông bà bác sĩ là người Nam, cũng theo Công giáo nhưng không đọc kinh buổi tối. Mỗi sáng Chúa nhật bà chỉ bắt tôi đi lễ nhà thờ. Tôi vẫn tiếp tục đứng phía bên ngoài và không bao giờ nghĩ tới việc theo công giáo. Ngoại trừ... Vâng, ngoại trừ cô Mari bảo tôi theo đạo thì tôi theo ngay, nhưng tính cô đơn giản, không để ý tới việc đó. 

Mỗi tuần cô về một lần. Hình như ở trên Sài Gòn cô học trường đầm, ở trong nội trú. Cứ đến trưa Thứ Bảy thì người tài xế đem xe lên đón, sáng Thứ Hai lại chở đi sớm cho cô kịp giờ vào học. Có khi cậu Rọt, cậu Bôn, cậu Ri cũng cùng về nữa.

Tôi không hiểu tại sao ông bà bác sĩ là người Việt mà các con lại toàn tên Tây: “Rọt” tức George, “Bôn” tức Paul, còn “Ri” tức Henri, có lẽ quốc tịch Pháp. Họ lớn hơn tôi nhưng chơi với tôi rất thân, coi tôi nửa như đứa ở, nửa như đứa bạn.

Cái trò mà các cậu thích bày ra nhất là đi bẻ trộm bắp non. Bác Hai tài xế răng vàng cũng thích ăn trộm, lái xe tới những chỗ có các ruộng bắp thật vắng, đậu xe bên ngoài rồi các cậu xúi tôi với cô Mari vô bẻ trộm, đem về cả bọn nướng ăn với nhau, quết mỡ hành vô, ngon lắm.

Cô thường mặc chiếc áo lụa, nước da trắng, mái tóc dài kẹp một chiếc kẹp, đuôi tóc thả xuống ngang lưng: “Bắp hái trộm mới ngon, bắp mua hổng ngon”. “Tôi sợ lắm”. “Kệ, cứ hái, đừng sợ. Bất quá họ bắt được thì mình thường tiền, đã có chú Hai với mấy ảnh ở ngoải, lo gì!”.

Ấy vậy mà một lần tụi tôi đang hái bỗng nghe có tiếng người ho khặc khặc, tiếng chân bước và giọng ông già thều thào: “Dường như có đứa nào hái trộm bắp?”. Cô không dám hái nữa, kinh hoàng đưa mắt nhìn tôi. Thân hình tôi hơi cao, sợ cái đầu lú lên khỏi ngọn cây, tôi bèn núp xuống, ngồi im phăng phắc. Cô cũng ngồi xuống, núp sát cạnh tôi. “Tao có roi mây đây, bắt được oánh chết tụi nó!”.

Ôi chao, cô hoảng hồn nép chặt vào tôi, má kề bên tôi. Tôi nghe rõ hơi thở của cô phập phồng, tim đập thịch thịch. Da thịt cô mềm mại với chiếc áo lụa, ngực hơi nhu nhú như trái bắp non và những sợi lông măng trên mép sao mà rõ thế. Môi cô cong lên, phịu ra, đôi mắt trong sáng, long lanh, thơ dại. Tôi ôm ngang lưng cô, nắm chặt hai tay cô như muốn truyền cho cô sức mạnh, an ủi cô đừng sợ, đã có tôi đây.

Chợt, những tiếng cười phá lên, ba người anh xuất hiện, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cậu Rọt lớn nhất trong bọn bóp tay trên mũi, bắt chước giọng “ông già”: “Tao đó roi mây đây, uấn chết tụi nó đi bà con ơi!”. Cậu Bôn la lớn: “Ủa, hai đứa nó làm gì vầy nè?”. Thì ra chúng tôi vẫn còn cầm tay nhau. Cô Út đỏ mặt, phụng phịu hất hàm: “Đồ quỷ, đốt mấy người đi!”. Cả bọn lại cười.

Đêm ấy hình như tôi đã lớn dậy. Hình như tôi mơ hồ thức giấc từ trong tiềm thức vẫn quen ngủ yên một cái gì đó khát khao, vô cớ, không tên không tuổi. Tôi mơ thấy một tà áo lụa với làn da thịt mềm mại, những sợi lông măng trên mép, hơi thở dồn dập, và cả cánh đồng biến thành ruộng ngô, những hoa ngô non lắc lư, dật dờ xa thẳm tới tận chân trời. Mênh mông, cô quạnh…

Một trò chơi khác của các cậu là đem bình ra rừng cao su dốc trộm các chén mủ người ta đang hứng. Cũng lại sai tôi. Về, khuân hết các ghế ra ngoài sân, chỗ có ánh nắng. Đổ mủ cao su lên thành những khoảng hình tròn giống như người ta tráng bánh tráng. Mủ cao su lúc ướt thì trắng đục như sữa, phơi khô sẽ trong vắt như chiếc bánh tráng chưa nướng nhưng vẫn hơi dính.

Chúng tôi viên thành cục tròn rồi cứ thế lăn mãi, lăn mãi, nhiều lớp, lớp nọ chồng lên lớp kia làm thành những trái banh to bằng cỡ nắm tay, dùng để ném nhau, rất tốt. Cứ một đứa xung phong đứng ra, đeo chiếc mặt nạ, “làm bia” cho những đứa kia ném. Phải liệng thật nhanh, thật trúng, thật mạnh kẻo “cái bia” bắt được thì phải ra đứng, đau lắm.

- Quỳnh đừng có đứng trước. Mấy ảnh khôn, bắt Quỳnh đứng trước là hổng công bằng. Cứ  oẳn tù tì ai thua người đó làm bia.

Tôi bắt banh thì hay nhưng oẳn tù tì lại dở, cô Út oẳn thay bao giờ cũng thắng.

- Nhỏ nầy gian lận, nó toàn ra sau không hà! 

- Ra sau hồi nào? Anh xuất cái búa tui ra tờ giấy chớ bộ!

Cô Út lẹ lắm, rõ ràng cô ra cùng lúc mà người ta xuất cái kéo, cô đổi ngay thành chiếc búa thiệt lẹ, chẳng ai “ăn” nổi. Cô nói nhỏ với tôi rằng học trò trường Pháp thường chơi như vậy, cái gì cũng uấn tù tì nên cô rất quen.

Chúng tôi cũng làm những cây cung, đầu các mũi tên bịt mủ cao su, lấy phấn đỏ cà ra, trét vô, bắn nhau. Mấy đứa núp vô gốc cây, một đứa đi tìm. Phải bắn thiệt lẹ kẻo nó bắn mình. Một lần tôi đang “trinh sát”, bỗng thấy nhúc nhích, bắn liền. Bỗng nghe tiếng kêu: “Ui da, đau quá, chết tui!”. Đó là cô Út. Tôi bắn phải mạng mỡ cô.

Tôi vội vàng liệng cây cung, quỳ xuống xem xét. Cô khóc:

- Đau quá, trời đất ơi, bắn người ta hổng bắn, bắn tui!

- Cô làm gì mà ngồi đây?

- Tui bắt mấy con kiến cho nó đá nhau... Ui da, đau quá, bắn chết tui rồi!

Cô ôm cạnh sườn, rên rỉ. Tôi gỡ tay cô ra coi:

- Đâu, tôi bắn trúng cô chỗ nào?

Cô vạch áo. Đúng là trên áo cô có vết phấn đỏ thật. Da cô trắng mịn, cả chỗ xương sườn bị mũi tên bắn cũng có vết đỏ. Tôi xoa xoa, nắn bóp cho cô. Da cô mát rượi, một cảm giác mềm mại nào đó truyền vào tay tôi. Cô nhăn nhó trông mới đáng yêu làm sao, trông giống như đứa trẻ con:

- Ui da, đã đau lợi còn nhột nữa!

Mấy người anh xách cung đi tới. Cô vội vàng kéo áo xuống. Họ cười ngặt nghẽo:

- Y cha, thằng nầy giỏi, nó bắn trúng một “nữ tướng”!

Cô hếch mặt lên, tức giận:

- Dẹp mấy người đi, chuyên nhạo người ta không hà!

Những tháng nghỉ hè đối với chúng tôi thật vui. Cô Út về nghỉ hẳn dưới tỉnh, không phải nội trú trên Sài Gòn. Tôi lại càng mừng hơn khi được cha cho biết ở dưới Bến Cát cha đã xin với ông quận cho anh tôi làm chân thư ký hộ tịch trong quận thay ông Phán Đàm về hưu, lương tháng được một ngàn một trăm sáu mươi đồng, gia đình cũng đỡ chật vật. Chữ anh tôi rất đẹp, ông quận bằng lòng lắm. Anh tôi thuận tay trái nhưng viết thì viết tay phải.

Các cậu về chơi đem về cho tôi rất nhiều các quần áo cũ đã bỏ không xài tới. Đồ của cậu Ri tôi mặc vừa vặn còn những bộ của hai cậu lớn thì chị Hai răng vàng vợ bác Hai tài xế sửa lại giùm, tôi bận đẹp như đồ may ngoài tiệm.

Những tháng hè cũng là mùa mưa, ban đêm đom đóm bay nhiều và cả cà cuống từ phía bờ sông cũng bay lên nữa.

- Nè, Quỳnh, tụi mình mình đi bắt đom đóm đi Quỳnh!

- Đựng bằng cái gì bây giờ?

- Kệ, tui gói vô chiếc khăn mùi soa.

Cô gói vô khăn mùi soa, đom đóm không sáng, cô chán không chơi trò chơi đó nữa.

- Nè Quỳnh, chiều mơi cho chó đi tắm cho tui đi theo được không?

- Được, nhưng sợ bà rầy.

- Hổng sao đâu, không nói thì má hổng biết, không rầy.

Chiều hôm sau có cả mấy cậu cũng cùng đi nữa. Thấy chúng tôi bơi lội, đùa nghịch, cô thích lắm, về kể um xùm.

- Má, mơi mốt má cho con tắm nữa nghe má?

- Trời đất ơi, con gái mà tắm cái gì? Người ta trông thấy người ta cười.

- Thì cũng như tắm biển Vũng Tàu chớ có gì đâu mà người ta cười, má.

- Thôi được, tắm cũng được nhưng phải kiếm chỗ thiệt vắng. Mà coi chừng, đừng có bơi ra xa, chết đuối.

- Dạ.

Cô mừng lắm, chuẩn bị đồ tắm từ buổi sáng. Lúc đi, bà dặn tôi trông nom cho cô.

Hai đứa chúng tôi đang tắm thì trời đổ mưa. Tắm sông trời mưa là một cái thú vô hạn. Cả vùng trời dường như sụp xuống, sẫm lại, mặt sông nổi sóng, giống như bốc khói. Chân trời đen nghịt, sấm chớp đùng đùng, mưa tới giá lạnh.

- Thú quá há cô?

- Ừa, nhưng thôi lên đi, tui lạnh rồi, tóc ướt hết trơn...

Người con gái lên bờ. Nàng quỳ chân trên hai đầu gối, ngửa mặt lên trời đón những giọt nước mưa, hai cánh tay đưa ra phía sau vuốt mái tóc ướt. Thân hình nàng trông đẹp như một pho tượng.

Nước mắt người nữ nghệ sĩ dàn dụa. Bà ngồi hai tay khoanh trên bàn, không cần che giấu:

- Ông chưa kể đoạn ông bị nàng làm cho chiếc bóng điện đâm nát da thịt...   

- Vâng, một hôm tôi vô tình tìm được một chiếc bóng điện đã đứt dây tóc bỏ trong chiếc thùng đựng than để dưới góc bếp. Tính tôi ham sửa chữa các đồ vật, không nỡ vứt đi. Tôi rửa sạch, lấy cát đánh bóng cái đui đồng, định tìm cách nối lại sợi dây tóc bên trong nhưng không nối được. Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong óc tôi. Nếu bây giờ ta đập vỡ ở chỗ cái đui đồng thì thủy tinh sẽ lởm chởm, xài không được. Chi bằng dùng mũi dao nhọn khoét ra, đưôi nó bằng nhựa và chì, có lẽ khoét cũng dễ.

Nghĩ là tôi làm. Tôi hì hục một lát quả nhiên khoét được.

- “Ồ, cái này lau sạch mà đựng đom đóm thì nhất!”. Tôi sung sướng đem khoe với cô út.

- Hay quá ta! Tối nay tụi mình đi bắt đom đóm.

Nhưng tối hôm đó trời quang, không có đom đóm. Hôm sau cậu Ri rủ tôi ra rừng cao su bắn chim, mỗi đứa có một giàng ná, trời mưa, tôi về bị cảm.

- Chà, thằng nầy bịnh rồi ạ, trông cái mặt bây là tao biết liền. Uống thuốc chưa?

-  Dạ, thưa bà con uống rồi.

- Uống rồi thì đi nằm. Muốn ăn cháo biểu chú Ba nấu cháo.

- Thưa bà con ăn được cơm.

Tôi đi nằm. Người tôi nóng hừng hực nhưng bên trong lại rét. Tôi đắp mền, mồ hôi vã ra như tắm, mặt đỏ bừng bừng, ngay đến hơi thở cũng nóng.

- Nó bịnh rồi nghe Mari, hổng được rủ nó ra ngoài vườn bắt đom đóm nữa ạ.

- Dạ.

Ban đêm, tôi nghe tiếng suỵt suỵt rất khẽ ở cửa sổ. Tôi gượng ngồi dậy, cô Mari thì thầm:

- Nè, ngoài vườn nhiều đom đóm lắm, xuống bắt với tui đi.

- Trời ơi, tôi đang bịnh, trời lạnh, ngoài vườn lại mới mưa ướt, bây giờ mà đi bắt đom đóm thì chắc tôi chết. Nhưng cô bảo đi là tôi đi.

Tôi mặc thêm chiếc áo blu-dông do cậu Rọt cho. Cô kéo tay tôi, giọng vẫn thì thầm, hơi thở con gái phả vào mặt tôi. Nếu cô bảo tôi chết thì tôi cũng chết, tôi quen với thứ hơi thở ấm cúng thơm thơm mùi tóc và mùi da thịt con gái ấy lắm:

- Leo qua lối nầy, đừng đi lối kia má biết. Có đèn pin đây rồi...

Tôi kiếm cây vợt. Chiếc vợt bằng vải mùng do chị Hai khâu giùm dùng để bắt bướm. Hễ bươm bướm mắc vô đó là sẽ bị bắt, cả đom đóm nữa.

- Có, tui đem đủ rồi.

Hai con chó Nhật làm biếng, ở trong nhà ấm không chịu ra ngoài, con chó bẹc-giê kèm sát bên tôi. Trời hơi lành lạnh, người tôi ơn ớn, đi đứng không vững.

- Quýnh làm sao vậy? Bịnh lắm hả?

- Dạ không.

Cố gắng lắm tôi mới ra được tới vườn, chỉ sợ đụng phải con chó thì sẽ té nhưng nó khôn, không làm vướng chân tôi.

Mặt cỏ ướt nước. Các lá cây cũng ướt nước. Ánh sao mờ nhạt, hình như không có trăng. Đom đóm bay cao, thỉnh thoảng có những con bay thấp, và đôi khi ở những đám lá mục có những con cứ nằm nguyên một chỗ mà chớp sáng, chớp sáng theo nhịp đều đặn như những tín hiệu.

- Nè Quỳnh, cột sợi dây đồng nầy vô cái bóng đèn đặng tui xách cho tiện.

Cô trao cho tôi một cọng dây đồng nhỏ xíu, tôi dừng lại cột. Sợi dây bé tí teo, hai cái chấu trên chiếc đui đèn cũng nhỏ, khó cột. Tôi ngồi xuống, quỳ hai đầu gối trên cỏ, cắm cúi. Cứ hễ làm việc gì là tôi chú tâm hết vào đó. Cô cũng ngồi quỳ trước mặt tôi, xem tôi cột. Có con đom đóm bay qua thật cao, chớp nháy, chớp nháy. Cô ngửa mặt nhìn lên, khao khát:

- Đom đóm xuống đây ăn cơm, ăn cá, ăn thịt...

Môi tôi trễ ra, định nói đom đóm thì nó đâu có ăn cơm, ăn cá, ăn thịt nhưng lại thôi. Tôi nể cô lắm, không muốn bắt bẻ cô. Tự nhiên cô ngồi xích tới, áp mặt vào mặt tôi, tóc cô chạm vào trán tôi che khuất cả mắt. Cô áp hai tay trên má tôi, kéo tôi lại gần rồi hôn lên trán tôi, lên má tôi, lên môi tôi. Môi cô mềm và ấm, hơi ướt nhưng rất ngọt ngào.

- Thích há, tụi mình cứ sống với nhau thế nầy suốt đời thì thích há! Sau nầy lớn lên, Quỳnh học giỏi rồi cưới tui nha?

Tôi khẽ gật.

- Thiệt không?

- Thiệt.

- Nhớ nghen?

- Nhớ.

- Vậy thì hun tui đi, hổng được nói xạo ạ!

Tôi ôm ngang qua người cô. Thân hình cô mềm mại, rất ấm và thơm mùi thơm con gái.

- Ui da, hun gì dữ vậy? Làm cái kẹp xiết vô lưng tui...

- Tại cô bảo hun.

- Người ta biểu hun sơ sơ chớ bộ! Mà người Quỳnh cũng nóng quá đi, in hệt lò lửa...

Lại một con đom đóm bay qua, cô sửa lại mái tóc:

- Thôi tụi mình đi bắt đom đóm đi.

- Dạ.

- Vợ chồng thì nói ừa chớ hổng có nói dạ. Quỳnh thấy ba có dạ với má bao giờ đâu?

Đêm ấy chúng tôi bắt được nhiều đom đóm bỏ vô chiếc bóng đèn. Con chó đi trước, hai đứa theo sau:

- Tui soi đường bằng cái nầy nghen? Ủa, mà phải đóng nút nó lợi.

Cô trao cho tôi miếng vải mùng dùng để làm nút.

- Mệt lắm hả?

Tôi khẽ gật đầu, không trả lời. Cô đặt tay lên trán tôi:

- Nóng quá chừng, tội nghiệp! Thôi, đi về.

Cả cái cửa lớn phía sau lẫn các cánh cửa sổ đều khép hờ, chứng tỏ bà bác sĩ đã biết chúng tôi đi bắt đom đóm. Cô rón rén bước, khe khẽ thì thầm:

- Tui đi lối nầy, Quỳnh leo cửa sổ.

- Khốn khổ, sao cô cứ bắt tôi leo cửa sổ? Người tôi mệt rã rời và nóng hừng hực. Tôi trèo vào được trong phòng, khép cửa, cởi chiếc áo blu-dông rồi nằm vật ra giường.

Khoảng năm giờ sáng, khi có tiếng chuông Nhà thờ Thánh Giu-se đổ, mọi ngưởi đã dậy, tôi nghe có tiếng bà rầy:

- Đó, thấy chưa, nó bịnh nặng hết dậy được rồi đó. Đã biểu đừng rủ nó đi bắt đom đóm mà hổng nghe lời. Vô coi nó ra làm sao lát kêu chị Hai cạo gió cho nó.

Có tiếng khẽ dạ, và giọng bà bác sĩ nói tiếp:

- Biểu anh Bếp nấu giùm nó tô cháo, bỏ nhiều hành vô đặng ra mồ hôi.

- Dạ.

Có tiếng chân bước, rồi một bàn tay nhẹ nhàng đăt lên trán tôi, nghe ngóng. Tôi nằm nghiêng, nhắm mắt giả bộ ngủ. Cô ghé ngồi lên giường, khe khẽ thở dài:

- Tội nghiệp, bịnh dữ quá, rên la suốt đêm.

Cô kéo mền đắp tới vai tôi rồi rón rén đi ra. Tôi có cảm tưởng cô giống như một người mẹ.

- Sao?

- Dạ, ngủ yên rồi má à.

- Đó, kêu nó đi bắt đom đóm nữa đi, nó chết cho bây coi. Nói chị Hai cạo gió giùm nó, lát cho nó uống thuốc.

- Dạ, chỉ đang đâm gừng dưới bếp.

Chị Hai có lối đánh cảm là đâm gừng ra, đổ rượu vô, nấu sôi trên bếp. Sau khi cạo gió, chị dùng một miếng vải mùng tẩm thứ nước gừng và rượu nóng đó thoa lên mặt, lên lưng và ngực, hai lòng bàn tay, hai bàn chân người bịnh rồi bắt trùm kín mền cho ra mồ hôi, đỡ lắm.

- Nè, cô coi, hai bên lưng bầm hết trơn, vậy là cảm nặng lắm.

Chị dùng đồng hào bằng bạc cạo cạo và bắt gió hai bên thái dương tôi.

- Đau không Quỳnh?

- Dạ, khá đau.

- Chị cạo nhẹ nhẹ tay. Ý, đừng có bắt gió trên trán, mơi mốt nó bầm lợi coi kỳ cục lắm!

- Dạ, em biết mà cô. Em bắt khéo hổng có bầm.

Chị Hai tuy lớn nhưng vẫn xưng em với cô Út. Xong, chị trùm chiếc áo tôi đang mặc, đắp mền cho tôi rồi thu dọn các thứ, đi ra. Cô Út đem thuốc vô:

- Nè, dậy uống thuốc đi Quỳnh.

Cô bưng nửa ly nước lọc, giục tôi dậy uống. Tôi hơi e ngại. Mình là cái thứ tôi tớ sống nhờ trong nhà người ta mà để cho vị tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà người ta phải hầu. Hơn nữa nếu ngồi dậy... tôi đang ở trần.

- Dạ, cô làm ơn để đó lát tôi uống.

- Không, dậy uống ngay đi, má mới rầy tui.

Có lẽ cô nhớ tới những chuyện trong vườn hồi đêm, mặt hơi ửng hồng:

- Tui nói điều gì thì hổng bao giờ quên đâu. Lỗi tại tui rủ Quỳnh...

- Dạ không.

- Vậy thì uống thuốc đi kẻo bà rầy.

Uống xong tôi nằm trằn trọc. Cửa đã đóng lại thêm cháo của bác Ba đem lên nữa. Cháo nóng, bỏ nhiều hành, ăn vào muốn toát mồ hôi.

Tôi mơ thấy tôi đang nằm trên lò lửa, nước sông dâng cao và sôi sùng sục, cô Mari biến thành pho tượng...”Cô, cô...”, tôi chạy theo, tôi khóc.

- Tội nghiệp, ban ngày mà cũng mớ kêu cô.

Hình như có người đứng bên cạnh giường. Hình như có bàn tay con gái mát rượi đặt lên trán tôi và tiếng cô khe khẽ thở dài.

Tôi trở mình nằm quay mặt vào phía trong. Trời hầm muốn chết. Mồ hôi nhễ nhại và dính nham nháp. Tôi nóng tới độ hất chiếc áo ướt đẫm mồ hôi từ trong tiềm thức, đạp tung chiếc mền xuống chân cho mát. Cả một biển ruộng ngô rì rào, hoa ngô lắc lư, đong đưa theo gió. “Ông già” giống như cậu Rọt giương cung bắn hai đứa chúng tôi, trúng mạng mỡ cô, cô lăn ra chết. “Cô ơi!”.

- Khổ, cứ mê sảng thế nầy thì chịu sao nổi!

Hình như cô ngồi sụp xuống bên cạnh giường. Hình như cô khóc. Đã chết sao còn khóc được?

- Thôi, cái nầy làm tội Quỳnh tui trả cho Quỳnh...

Cô trả pho tượng. Hình như cô kéo mền đắp cho tôi rồi cô đi. Pho tượng quỳ hai chân trên đầu gối bên bờ sông, ngửa mặt ra phía đằng sau đưa tay vuốt tóc, miệng cắn chiếc kẹp: “Sau nầy học giỏi Quỳnh cưới tui nha...”. Đám cưới rất lớn, giết ba con chó Nhật, hàng chục con chó bẹc-giê...

Không biết tôi ngủ thiếp đi bao lâu, lúc trằn mình nằm lại tôi nghe cái “rốp”, những tiếng rào rạo đau xé dưới lưng. Tôi nằm xích sang chỗ khác. Ôi chao, hình như có hàng ngàn hàng vạn mảnh thủy tinh vỡ đâm vào lưng tôi. Tự nhiên tôi sực tỉnh, vội vàng ngồi dậy, quờ tay ra phía sau lưng. Các đầu ngón tay tôi đau nhói, chính chúng cũng bị các mảnh thủy tinh vỡ đâm chảy máu. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Sau, nhìn thấy chiếc đui đèn bằng đồng lởm chởm những mảnh thủy tinh nằm lăn long lóc trên giừờng cùng với xác của những con đom đóm có lẽ đã chết từ  ban đêm, dính máu, tôi bỗng lạnh mình: thì ra cô Út ân hận về việc rủ tôi đi bắt đom đóm nên đem cái bóng điện ấy  đặt dưới lưng tôi, “đền bù” cho tôi!

Toàn thân tôi nổi gái ốc, toát mồ hôi lạnh. Máu từ trên lưng chảy xuống ướt đẫm thấm cả xuống chiếc quần pyjama, chảy thành dòng khiến tôi điếng người. Biết làm thế nào bây giờ? Những mảnh thủy tinh đâm ngập trong da thịt, tôi không nhìn thấy thì làm sao rút ra được? Lại còn những mảnh nhỏ li ti, bén nhọn... Mà chính các đầu ngón tay tôi cũng bị đứt nữa. Máu chảy xuống chiếu. Đau thì tôi chịu được nhưng sợ bà chủ biết. Tôi ứa nước mắt, không biết phải tính cách nào.

Giữa lúc đó cô Út mở cửa đi vô. Trông thấy cái lưng tôi, cô trợn tròn mắt, bưng miệng kêu rú lên nho nhỏ:

- “Trời đất ơi, làm sao thế nầy?”.

Tôi im lặng, lòng tôi xót xa, đau đớn. Cô bước tới. Nhìn thấy chiếc đui đèn lởm chởm và những mảnh thủy tinh bê bết máu, tự nhiên cô chợt hiểu. Cô run rẩy, quỳ phục xuống cạnh giường:

- Trời đất ơi, Quỳnh ơi tôi giết Quỳnh rồi!

- Không sao đâu, cô đừng có la, la lớn bà biết bà rầy...

- Làm thế nào bây giờ? Tôi rút miểng ra cho Quỳnh nghen?

- Không được đâu, cô xuống nói nhỏ kêu giùm chị Hai. Nhớ khép cửa lại kẻo bà thấy.

- Chị Hai đi chợ.

Tôi thất vọng:

- Bác ba cũng được. Nói bác giữ thiệt kín.

- Được.

Cô len lén đi ra, quay lại khép cửa. Lát sau, người vô lại chính là chị Hai. Chị đã đi chợ về. Trông thấy cái lưng tôi chị cũng hết hồn:

- Làm sao thế nầy?

- Dạ, em nằm đè phải cái bóng điện. Chị lấy miểng thủy tinh ra giùm em.

Giọng tôi thì thầm, chị Hai biết là cần giữ kín nên bí mật xuống nhà pha nước ấm vào chiếc chậu rửa mặt, đưa lên qua chỗ cửa sổ, cô Út ở bên trong đỡ vô. Chị đặt chậu nức lên giuờng, pha thuốc tím, nhúng bông gòn lau máu và rút các miểng. Ôi chao, đau thấu da thịt. Môi tôi cắn chặt, đau chảy nước mắt. Cô Út quay mặt đi không dám nhìn.

- Còn ít miểng nhỏ chút xíu chung tuốt vô bên trong không lấy ra được, cô kiếm giùm em cái kẹp hay cái nhíp gì đó thì mới lấy nổi.

Máu tiếp tục chảy. Chậu nước pha thuốc tím nổi bọt do nắm bông gòn luôn luôn nhúng vô, đỏ lòm màu máu thay vì màu thuốc tím.

Không hểu cô Út kiếm đâu được chiếc pince đem vô.

- Đã cần thay nước chưa chị?

- Dạ khỏi, lát em lau lợi nước di-ốt cầm máu rồi thoa bôm-mát. Cô làm ơn xuống nói nhỏ với anh Ba chạy đi mua giùm một cuồn băng-gạc loại dài cái hộp thiệt bự, một lọ bút-đờ-sulfa, thứ bột, nắp hộp có các lỗ nhỏ dùng để rắc vô vết thương... Cô nhớ nói ảnh đi xe máy, đem theo cái túi đệm em vẫn đi chợ, bỏ vô trỏng kẻo bà thấy.

- Dạ được.

Máu tôi rất lành, hàng ngày cứ thế chị Hai lau phiso-Hex, rắc poudre de sulfa, quấn băng cho tôi, dần dần tôi khỏi, bà bác sĩ không biết gì hết. Chỉ những đêm đầu tiên là tôi đau không ngủ được, nhức lắm, hễ trở mình là các lớp băng bị đụng chạm, phải luôn luôn nằm nghiêng qua một bên, không dám động đậy. Cô Út có vẻ buồn, thường thường im lặng, ít ra vô trong phòng tôi. Tôi khỏi, cô mừng, dần dần lại vui vẻ như cũ.

- Mau quá há, quay tới quay lui sắp hết hè rồi. Hết hè tui lợi phải lên trển ở trong nội trú.

Một hôm, ông bà bác sĩ đi vắng, hình như xuống thăm các bệnh viện quận rồi dự tiệc tùng, buổi trưa không về. Cô Út xuống bếp ăn cơm với tôi. Tôi đứng, cô cũng đứng, cô ăn có hai lưng chén trong khi tôi ăn tới ba bốn chén.

- Vui há, ăn cơm dưới bếp coi bộ lợi vui hơn ở trển với ba má. Sau nầy...

Nói xong hai tiếng “sau nầy” tự nhiên cô đỏ mặt, bỏ lửng không nói thêm nữa. Buổi chiều, cỡ lúc hai giờ, cô đưa mắt nhìn đồng hồ:

- Bữa nay ba má mắc đi công chuyện, phải chi tụi mình ra sông tắm như bữa hổm thì thích há Quỳnh?

- Không dám đâu cô. Cô không xin phép sợ về bà rầy.

- Hổng có, má nói cỡ năm hay sáu giờ chiều mới về tới nhà. Tại xong công chuyện ba má còn ghé Bến Cát thăm dì dượng.

Tôi im lặng. Cứ nói tới tắm sông tôi lại nhớ tới hình ảnh trời mưa xối xả, cô ngồi quỳ trên bờ, ngửa mặt lên trời đón những giọt nước mưa, đưa hai tay lên vuốt mái tóc ướt.

Cô cũng im lặng. Lát sau, cô cúi mặt, vẻ tâm sự:

- Tui... tui có lỗi với Quỳnh nhiều lắm, làm Quỳnh đau muốn chết bây giờ vẫn còn các thẹo trên lưng. Quỳnh thích điều chi cứ cho tôi biết...

- Dạ không, việc đó đâu đáng để ý. Tôi chẳng thích cái gì cả.

- Chỉ thích học?

- Dạ, cũng không nữa. Nhà nghèo thì phải ráng học vậy thôi. 

- Vậy Quỳnh thích điều chi, thử nói nghe coi?

Cô lục vấn mãi, cuối cùng tôi phải nói thật rằng tôi... tôi thích hình ảnh ở bên bờ sông bữa trời mưa và việc ở ngoài vườn lúc cô ngồi xích lại gần tôi, coi tôi cột sợi dây đồng.

Cô đỏ mặt mắc cở:

- Trời đất ơi, bị đau như vậy mà chưa ngán sao? Tui tưởng Quỳnh ghét tui.

- Dạ không, tui không ghét cô.

Tôi bắt chước xưng “tui” theo lối nói của cô. Cô bật cười:

- Chuyện ở ngoài vườn... Còn chuyện bên bờ sông bữa hôm trời mưa thì tui chìu ý Quỳnh đâu có gì khó.

Cô đứng dậy đi vào trong phòng, lát sau đem ra một chiếc áo tắm – chiếc áo lập thể nửa đen nửa đỏ vắt chéo trên ngực cô mặc bữa đi tắm sông.

- Hổng có mưa tui mần ra mưa. Tui để hờ cửa, lát tui bận đồ tắm xong Quỳnh thử vô coi, trông giống y hệt bữa hổm!

Ở trong phòng tắm, cô tháo chiếc kẹp tóc, mở vòi hoa sen nước. Những tia nước từ bên trên toá ra như trời mưa. Cô ngửa mặt lên hứng nước. Tóc cô ướt, người cô ướt. Cô ngồi quỳ chân trên hai đầu gối, đưa hai tay ra phía đằng sau vuốt tóc, vuốt mặt. Rồi cô từ từ cởi mấy chiếc nút áo tắm trên vai, kéo xuống. Ngực cô nhu nhú. Thân hình cô giống như pho tượng khỏa thân…”.                                                       

- Thưa bà, câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Nó không phải là một mối tình lớn như lời bà nói nhưng tôi nhớ nàng suốt đời.

Người nữ hoạ sĩ ngồi bất động, nhíu mày, cắn môi cố nén tiếng thở dài:

- Rồi sau sao ông trở thành kỹ sư?

- Anh tôi làm thư ký hộ tịch trong quận cho tôi biết là anh đang xin chuyển về Sài Gòn. Anh dự định nếu được đổi, kiếm được chỗ ở anh sẽ đón mẹ và em gái tôi lên đấy, còn tôi thì cứ ở nhờ ông bà bác sĩ ở Thủ Dầu Một, thi xong Trung học sẽ lên Sài Gòn.

May sao, cuối năm tôi học Đệ Lục, anh tôi thuê được nhà, tôi lên Sài Gòn. Một điều may mắn lạ lùng khác là sau khi đậu xong Tú tài phần II, tôi thi đậu đầu vào ngành kỹ sư công nghệ Phú Thọ. Tây Đức cho ba học bổng với điều kiện là phải biết tiếng Đức và một trong hai ngoại ngữ, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tôi biết tiếng Đức, vậy là tôi được ưu tiên. Trước khi đi tôi có xuống tỉnh nhưng ông bà bác sĩ đã đi từ lâu, hình như sang Pháp, nghe nói cô Mari đã lấy chồng.

Sao ông không liên lạc từ trước?

- Bà thử nghĩ coi, tôi là một học sinh nghèo, trong tay chưa có gì cả. Lương bổng của anh tôi đâu có bao nhiêu, mẹ và em gái tôi phải buôn thúng bán bưng ngoài chợ rất cực khổ. Mãi tới lúc sắp được đi Tây Đức tôi mới dám xuống tìm cô, hẹn ngày gặp lại nhưng không được gặp.  

- Rồi sau đó?

- Mười năm sau tôi trở về nước. Lúc ấy tôi đã đậu tiến sĩ khoa học. Cô vẫn biệt tăm, hình như cô ở bên Pháp.

- Ông không sang Pháp?

- Có, tôi đã sang nhiều lần dự các hội nghị khoa học. Nước Pháp không phải là nhỏ mặc dầu tôi đã để tâm tìm kiếm. Tôi mong gặp cô.

- Gặp để làm gì?

- Chính tôi cũng không biết nữa. Tôi tha thiết mong được nhìn thấy cô một lần, được nói với cô rằng tôi đã làm hết sức mình như lời cô hẹn trong vườn ngày nào. Tôi luôn luôn gặp may mắn, không phụ công ơn giúp đỡ của ông bà bác sĩ nhưng không biết làm thế nào hơn.

- Hiện nay gia đình ông ra sao?

- Tôi giảng dạy tại trường Kỹ sư Phú Thọ, không nghĩ tới việc lấy vợ. Đầu óc tôi chỉ có vấn đề làm việc và linh hồn tôi vẫn vất vưởng, nghĩ tới hình ảnh của một pho tượng. Tính tôi vẫn thế, nửa như nghệ sĩ, nửa như một người thực tế. Chỉ đáng tiếc một điều là tôi... tôi đã quên gương mặt của cô, không nhớ một chút nào cả. Tôi xin lỗi, hình như... hình như trông cô hơi nhang nhác giống bà, đại khái như vậy.

Người nữ họa sĩ bật cười:

- Ông quá khen. Thôi được, tôi sẽ tìm cách vẽ cho ông một bức tượng thiệt đẹp. Đêm nay tôi vẽ, ghi sẵn thước tấc đàng hoàng, cũng bằng giờ nầy ngày mai mời ông tới lấy.

- Ngày mai? Có thể sớm vậy được sao? Còn dáng điệu, cử chỉ, gương mặt... Xin bà nhớ giùm rằng... nàng rất đẹp.

Họa sĩ cười:

- Tất nhiên, không đẹp thì làm sao một người như ông, bị những miếng miểng thủy tinh đâm nát lưng mà vẫn nhớ mãi, suốt đời không quên. Tôi đoán rằng lúc ấy nàng vào khoảng mười lăm hay mười sáu tuổi.

- Vâng vâng, bà cứ cho là mười sáu tuổi đi. Thân hình nàng đầy đặn, ngực vừa nhu nhú...

- Trời ơi, ông cứ nhắc tới bộ ngực đó hoài! Phải chi tôi vẽ được cả những cái hôn thơ dại, ngốc nghếch trong khu vườn nữa!

- Tôi xin gửi tiền...

- Không, tôi không lấy tiền. Bao giờ ông làm xong, thiệt vừa ý tui mới lấy tiền. Lúc đó tui sẽ lấy thiệt mắc cho ông chết luôn.

Người khách cũng cười:

- Không chết đâu bà. Tôi sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời tôi cho những gì mà tôi mong muốn.

Hôm sau chàng trở lại. Coi bức tranh, chàng ngạc nhiên kêu lên:

- Trời ơi!

- Sao, vừa ý ông không?

- Kinh khủng thật, giống hệt như nàng! Tại sao bà giỏi đến thế, chỉ tưởng tượng mà vẽ ra được? Bà làm tôi nhớ lại gương mặt và thân hình nàng.

- Tại ông nói giống tôi nên tôi vẽ giống tôi hồi còn con gái. Ông đem về đi, bao giờ xong mang tới đây cho tôi coi.

Ba tháng sau chàng trở lại, hãnh diện đặt pho tượng lên bàn. Đến lượt họa sĩ ngạc nhiên:

- Ông...

- Tôi không cần phải tạc bằng đất sét trước. Tôi nhớ rõ từng đường nét như bà đã vẽ.

- Nhưng ông làm cách nào tạo nên được các mặt phẳng? Việc đó rất khó và đòi hỏi một thời gian lâu dài trong nghề.

- Tôi nghĩ ra một chiếc máy giống như chiếc Dremel của Mỹ với tốc độ cao nhưng sức mạnh hơn. Sự thực không phải tôi chế tạo mà là biến đổi từ chiếc khoan điện ra, máy chạy băng băng không bị trục trặc như chiếc Dremel. Tại tôi bận nhiều công việc, chỉ làm trong lúc nghỉ ngơi chứ nếu không sẽ hoàn tất trong vòng một tháng.

- Ông vẫn còn đầu óc trông nom công việc?

- Vâng, con người tôi là như thế, một nửa dành cho công việc, một nửa nhớ tới các kỷ niệm cũ.

- Mời ông dùng nước!

- Vâng, không dám, mời bà. Tôi nghĩ ra rồi. Đây là loại trà ngày trước bà bác sĩ vẫn thường dùng để mời khách. Bỏ tất cả các loại trà ngon vô, hương sen, hương sói, hương lài, đủ cả, rất kỳ lạ. Bà bác sĩ cũng hay mặc áo lụa như bà và... và cô Mari. Xin lỗi, vậy bà... bà là ai?

- Tôi là một họa sĩ bình thường như mọi họa sĩ khác. Ông rất minh mẫn nhưng có những điều ông không biết đâu...

- Ví dụ?

Ví dụ Mari hay Maria là tên thánh, cùng tên với Đức Mẹ, không phải quốc tịch Pháp. Cả các tên George, Paul, Henri cũng vậy, gọi theo thói quen của các gia đình giàu có tại miền Nam lúc ấy. Cô Mari là một nữ sinh bình thường, không giỏi gì cả, chỉ riêng xuất sắc về môn hội họa...

- Tôi chưa từng thấy cô vẽ bao giờ!

- Cô không theo học các lớp hội họa nên không biết vẽ bằng giá. Hơn nữa hai đứa trẻ cứ quấn quýt với nhau trong ngôi biệt thự, làm gì cô có thì giờ để vẽ? Đậu xong Bac II, cô lấy chồng rồi theo gia đình sang Pháp. Người chồng mắc tật ghiền rượu, họ không yêu nhau, có với nhau một đứa con gái, sau đó người chồng trong cơn say rượu bị đụng xe chết. Nay đứa con đã lớn, đã lập gia đình, ở lại bên Pháp với ông bà ngoại. Cô theo học ngành hội họa tại Pháp lúc còn trẻ tuổi rồi trở thành một họa sĩ tương đối được mọi người biết tiếng. It lâu sau cô trở về quê hương sống trong ngôi biệt thự của cha mẹ ở Sài Gòn. Đó là ngôi nhà này...

- Bà...

- Tất cả các hình ảnh hồi nhỏ tôi giữ trong cuốn album nầy, ông đem về đi. Ở trỏng có cả một nhúm bông thấm máu nữa, ông đem về, pho tượng cứ để lại đây, tôi giữ, bao giờ tiện thì sẽ đến lấy. Ông về, tự động mở cổng như nhà của mình, tôi không cần tiễn.

- Không, tôi không về. Chúng ta đã đi quá nửa đường trần mà không gặp nhau, lúc gặp thì gặp dễ thế. Tôi không về, đừng bỏ tôi lần nữa tội nghiệp!

Họa sĩ bật cười:

- Lại lì, y hệt hồi đó! Hổng ai bỏ đâu, cứ yên tâm về đi, lúc khác trở lại.

- Được, tôi về.

Chàng đi, tay cầm theo tập album. Ra tới cổng, tự nhiên chàng nhìn lại. Người thiếu phụ đứng bên pho tượng, áp mặt vào mái tóc pho tượng, đưa mắt thân thiết ngó theo. Nàng với pho tượng là một mặc dầu thời gian đã phôi pha. Nàng vẫn mặc chiếc áo lụa màu nguyệt bạch như tự thuở nào.

Đoàn Dự

Wednesday, January 1, 2025

Happy New Year 2025 tại Sàigòn.

 

Hình chụp từ balcony phòng tôi xuống đầu đường Hàm Nghi gần kề chợ Sàigon. Người
dân đang dừng xe, hướng về sông Sàigòn để xem pháo bông trên trời. Người dân phải
dừng xe ở đây, vì đông quá không vô gần sông Sàigòn được.  

Đêm December 31, 2024 tại Sàigòn, tôi mời anh chị KQ63A Nguyễn Kiễm và KQ63D Trần Minh Bạch đến khách sạn tôi đang ở tại đường Lê Thánh Tôn cạnh cửa Bắc chợ Sàigòn, để chúng tôi ăn kem và xem pháo bông. 

Từ trái: Anh chị Kiễm, Thái, Bạch.

Từ trái: Anh chị Kiễm, Bạch, Thái.


./.


Happy New Year 2925

 Click Vào Đây - Happy New Year 2925

Tuesday, December 24, 2024

Monday, December 23, 2024

Merry Christmas 2024 and Happy New Year 2025


]

Kính chúc Quý Anh Chị KQ63D và gia đình, cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần,
Mùa Giáng Sinh vui v, Năm Mới sức khoẻ, may mắn và thịnh vượng.

KQ63D Huỳnh Thông Thái