Tôi nhận được email của Thầy D Phạm Đăng Luân cựu Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Trực Thăng 219, trong email nầy có đính kèm bài viết về vở Opera "Chuyện Bà Thị Kính" được trình diễn tại trường Đại Học Indiana USA. Cám ơn Luân ơi.
Đây là một bài viết ngắn về vở Opera với vài hình ảnh, làm tôi tò mò tìm hiểu thêm. Tôi tìm được sự tích "Quan Âm Thị Kính" và videos của vở Opera "Chuyện Bà Thị Kính". Tôi post ra đây, mấy ngày Tết ai rảnh rổi thì xem để giết thì giờ.
Opera là loại nhạc kịch cổ điển Tây Phương. Opera có thể coi như Cải Lương nước Ý. tth
Sau đây là bài viết về vở Opera "Chuyện Bà Thị Kính":
World Premiere đại nhạc kịch The Tale of Lady Thị Kính / Chuyện Bà Thị Kính
BLOOMINGTON, Indiana – Vào lúc 8 giờ tối giờ miền Đông ngày thứ Sáu, 7 tháng Hai, 2014, màn sân khấu Indiana University Opera của trường nhạc Jacob's School of Music được kéo lên.
Trước mắt khán giả là bức phông mùa Xuân hiện hình bức tranh Đông Hồ được chiếu sáng.
Có đến 1,500 khán giả tại nhà hát IU Opera ở Bloomington bị cuốn hút theo điệu nhạc vui nhộn của màn mở đầu vở opera “The Tale of Lady Thị Kính,” là cảnh đám cưới của Thiện Sĩ và Thị Kính.
Họ như quên đi cái lạnh của tuyết đang phủ trắng hai bên đường bên ngoài trời.
Vở opera The Tale of Lady Thị Kính/Chuyện Bà Thị Kính của nhà soạn nhạc Phan Quang Phục, cũng là người viết tuần bản cho vở kịch này, bắt đầu.
Như đã trình bày trên nhật báo Viễn Đông trong nhiều tháng qua, vở đại nhạc kịch Chuyện Bà Thị Kính dựa trên cốt truyện của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính đã được soạn nhạc gia gốc Việt Phan Quang Phục thai nghén trong nhiều năm để viết nhạc cũng như lời hát bằng tiếng Anh, đã được trường nhạc Jacob's dựng trên một sân khấu opera vĩ đại không kém của nhà hát Metropolitan ở New York.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới (World Premiere), vở đại nhạc kịch được khai diễn.Và khán giả đã tuần tự khóc cười với vở đại nhạc kịch hy hữu trong bối cảnh làng quê Việt Nam này.
Cũng giống như khán giả người Việt Nam khi xem vở chèo cổ, khán giả người Mỹ xem vở đại nhạc kịch đã mê nhân vật Thị Mầu đầy sức sống, họ cười khi cô tán tỉnh Tiểu Kính Tâm tại chùa, họ khóc cho số phận đắng cay của Thị Kính, và họ nghiêng mình trước Thị Kính khi cô trở thành Phật Quan Âm Thị Kính.
Câu hát Nam Mô A Di Đà Phật trang nghiêm, mạnh mẽ, nhiệt tình kết thúc vở diễn và mọi người đồng loạt đứng lên vỗ tay trong mấy phút liền.
Đêm diễn thứ 2 của vở opera The Tale of Lady Thị Kính diễn ra ngày 8 tháng 2 năm 2014. Tuần sau, thêm hai buổi diễn nữa sẽ được tiếp tục vào 8 giờ tối theo giờ miền Đông, ngày 14 và 15 tháng 2 năm 2014 tại Nhà Hát IU Opera ở Bloomington (Indiana). Xin mời quý vị đi xem!
Thiện Sĩ tươi rói vì cưới được vợ hiền là Thị Kính.
Tiểu Kính Tâm và Sư Cụ
Thị Mầu và Tiểu Kính Tâm
Phật Quan Âm Thị Kính được mọi người ca tụng ở đoạn chót của vở đại nhạc kịch.
Sự Tích Quan Âm Thị Kính:
Quan Âm Thị Kính
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải đã nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu.
Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến 9 lần, nhưng chưa kiếp nào được thành Phật.
Đến kiếp thứ 10, Đức Thích Ca muốn thử lòng, bắt vào đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở nước Cao Ly. Họ Mãng đặt tên nàng là Thị Kính. Lớn lên, nàng tài sắc nết na lại hiếu thảo hết lòng. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ.
Sùng Thiện Sĩ rất đẹp trai, chăm học. Hai vợ chồng thật là trai tài gái sắc ăn ở với nhau rất mực kính ái và hòa thuận.
Một đêm, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính ngồi may bên cạnh. Thiện Sĩ bỗng thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên gối vợ truyện trò rồi thiếp ngủ. Thi Kính thương chồng học mệt nên lặng yên cho chồng ngủ. Nàng ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên kề vào cằm chồng định tỉa sợi râu.
Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, nhìn thấy vợ cầm dao kề vào cổ mình, nghi vợ chủ trương làm hại , liền vùng dậy nắm lấy cổ tay Thị Kính la lên:
- Nàng định cầm dao giết tôi lúc tôi đang ngủ ư?
Thị Kính đáp:
- Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược, thiếp định tỉa nó đi, kẻo trông xấu xí lắm!
Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, chồng nhất định không tin. Giữa lúc đó, ông bà Họ Sùng nghe tiếng cãi nhau, vội lại hỏi nguyên do. Nghe con trai kể, ông bà tin ngay, khăng khăng đổ tội cho Thị Kính toan giết chồng rồi lập tức cho mời ông bà họ Mãng sang trách móc và trả lại con.
Thị Kính không biết giải tỏ sao được nỗi lòng oan khổ của mình, nàng cắn răng chịu tủi nhục từ giã nhà họ Sùng để về nhà cha mẹ.
Về ở với cha mẹ, Thị Kính lúc nào cũng sầu phiền. Nỗi oan khổ chẳng còn biết cùng ai thổ lộ. Nàng bèn quyết tâm đi tu để trước là báo đáp ân sâu của cha mẹ, sau là tẩy rửa nỗi oan khiên.
Nghĩ rằng, nếu trình thưa với cha me ý định của mình thì cha mẹ không cho đi nên đang đêm, nàng cải trang thành nam tử và trốn khỏi nhà với tấm chân thành của người tìm chân lý.
Lại một lần nữa, Thị Kính bị mang tiếng đồn là bỏ nhà theo trai trong khi thật sự nàng tìm đến chùa Vân Tự tu hành.
Sư cụ chùa Vân Tự không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm.
Từ đó Kính Tâm nương náu cửa thiền, lòng vui với đạo nên khuây khỏa được sầu phiền.
Tu hành chưa được bao lâu thì một tai vạ lại đến với Kính Tâm.Trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, đi lễ chùa, thấy Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm. Đã có lần Thị Mầu nói rõ lòng mình với Kính Tâm nhưng thị vô cùng thất vọng vì Kính Tâm vẫn cứ thản nhiên.
Càng ngày, Thị Mầu càng say mê. Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Mầu bèn đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo. Nàng không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này nên đành cam chịu sự đánh đập tàn nhẫn.
Sư cụ thấy tiểu bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Vì sợ ô danh chốn thiền môn nên dù thương xót Kính Tâm, sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở mái Tam Quan chứ không được ở trong chùa nữa.
Đủ ngày tháng, Thị Mầu sanh một đứa con trai. Phú ông bắt thị đem đứa bé trả cho cha là Kính Tâm. Kính Tâm đang tụng kinh, thấy tiếng trẻ khóc, nhìn ra thì thấy Thị Mầu đem con bỏ đó rồi đi. Động lòng từ bi, nàng ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng.
Ngày ngày nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm chịu bao nhiêu tiếng cười chê. Sau ba năm, đứa bé đã khôn lớn, vẻ mặt rất khôi ngô, tính nết ngoan ngoãn giống hệt cha nuôi thì cũng là lúc Kính Tâm đạt cái chí của mình sau những ngày đầy oan khổ. Bà chỉ bị yếu qua loa rồi chết. Trước khi nhắm mắt, Kính Tâm dặn đò đứa bé, bà lại viết một phong thư giao cho nó cầm để lại cho cha mẹ
Đứa bé đang than khóc bên xác cha nuôi thật là bi thảm, chợt nhớ lời cha dặn, vội lên chùa trên báo cho sư cụ biết. Sư vãi được cụ sai ra khâm liệm thi hài mới hay Kính Tâm là đàn bà.
Tin này tung ra, cả làng đổ đến chùa đông như hội. Nỗi oan tình của bà được tỏ và khi lá thư của bà về đến quê thì ai nấy lại đều biết bà không phải là gái giết chồng.
Thiện Sĩ vội theo ông bà họ Mãng tới chùa Vân Tự làm lễ ma chay. Ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng và nhẫn nhục của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Sư cụ làm lễ giải oan.
Làng bắt phú ông phải chi phí tang ma và Thị Mầu phải tang phục đưa chồng.
Giữa lúc cử hành đàn chay, một đám mây ngũ sắc, giữa trời từ từ hạ xuống trước đàn lễ. Đức Thích Ca Mâu Ni hiện ra, Ngài nhận thấy Kính Tâm là người tu hành đắc đạo nên cho bà làm Phật Quan Âm và cho toàn gia bà được siêu thăng, linh hồn được về gặp nhau nơi cực lạc. Riêng Thiện Sĩ, thấy rõ nông nỗi vợ, sau khi chôn cất Kính Tâm xong, chàng xin ở lại chùa tu đến hết đời.
Phần 1: Click Vào Đây để xem Opera "Chuyện Bà Thị Kính phần 1.
Phần 2: Click Vào Đây để xem Opera "Chuyện Bà Thị Kính phần 2.
Phần 3: Click Vào Đây để xem Opera "Chuyện Bà Thị Kính phần 3.
Phần 4: Click Vào Đây để xem Opera "Chuyện Bà Thị Kính phần 4.
No comments:
Post a Comment