Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Thursday, December 1, 2016

Tạp Ghi - Nhã Dung


Tôi vừa nhận được email của anh KQ63D Vũ Ngô Dũng, kèm theo bài viết Tạp Ghi của chị Nhã Dung (bà xả anh Dũng). Tôi xin post Tạp Ghi ra đây. Tôi cám ơn anh chị Dũng. tth  

Tạp Ghi               
_______________________________________________________________
Hàng năm, đức lang quân nhà tôi thường dành riêng một cuốn lich để chàng ghi chép sinh hoạt cần nhớ cho những ngày tháng trong năm, như những buổi họp mặt của hội, những lần hẹn hò đàn đúm văn nghệ cùng bạn bè và những mục lỉnh kỉnh như tiệc cưới, đám tang, hẹn với bác sĩ, nha sĩ cho việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, những sinh hoạt gia đình cần ghi nhớ, cùng những chuyến đi thăm con cháu cư ngụ nơi xa.
Việc ghi lại những sinh hoạt hàng ngày dường như đã trở thành một thói quen của chàng từ xưa, có lẽ cũng là một thói quen cần thiết, nhất là ở tuổi hiện tại thường mang thêm cái tật nói trước quên sau, vì trí nhớ mỗi người chỉ có giới hạn nên khi cần tìm lại những gì đã xẩy ra trong qúa khứ, tìm mở những trang lịch cũ sẽ giúp cho trí óc bớt băn khoăn, xoay vần tìm nhớ. Một lần, trong khi dọn dẹp tôi đã vô ý vơ cả cuốn lịch cũ của chàng lẫn lộn trong đám nhật báo và tạp chí cũ đẩy vào thùng rác. Chàng không tỏ một cử chỉ bất bình nào, tuy nhiên tôi cũng thầm hiểu là chàng có chút hậm hực trong lòng, nhưng chuyện đã lỡ, tôi chỉ còn biết nhoẻn miệng cười nhận lỗi cầu hòa.
Thuở xưa, khi còn vật lộn với cuộc sống khó khăn trong cảnh chiến tranh triền miên  nơi quê nhà, có lẽ không mấy ai trong chúng ta còn đầu óc nào nghĩ đến việc ghi lại những biến chuyển, những khó khăn trong cảnh sống bấp bênh, vội vã hàng ngày để rồi giờ đây, sống trong xã hội thanh bình tự do hiện tại đưọc đọc qua sách vở, báo chí cùng những thiên phóng sự trên màn ảnh nhỏ, trên mạng lưới trời về những câu chuyện của qúa khứ mới nhận thấy người ta tôn trọng và duy trì những sự kiện đã qua để đến bây giờ mới cảm thấy vì hoàn cảnh mà mình đã coi nhẹ qúa khứ của tập thể cùng của riêng mình.
Chuyện đã qua, có hối hận, nuối tiếc cũng chỉ mang thêm mối bận tâm suy nghĩ. Hai xã hội là hai khác biệt, trên mảnh đất rộng lớn, giầu mạnh hàng đầu thế giới này, người dân sống trong một xã hội thanh bình, có nếp sống dư thừa, có phương tiện dồi dào, có thời gian nhàn rỗi để tìm cho bản thân một thú tiêu khiển riêng tư trong khi dân mình sống trong một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, qua bao thế hệ phải đương đầu với chiến tranh, cuộc sống vội vã, bấp bênh, đầy những gian truân, việc lo cho gia đình, cho bản thân cũng đã là vất vả rồi còn có mấy ai nghĩ đến việc ghi lại chuyện xẩy ra hàng ngày để mai sau nhớ lại. Nhiều khi qúa khứ qúa phũ phàng, người ta muốn quên thay vì muốn nhớ.     
Đức lang quân nhà tôi thường tỏ ý tiếc đã không mang theo được cuốn nhật ký chàng từng ghi lại những kỷ niệm, những cảm nghĩ nhập đời của một cậu sinh viên sĩ quan phi hành khi nhập trại Huỳnh Hữu Bạc thuộc căn cứ Tân Sơn Nhất, tại trung tâm huấn luyện KQ Nha Trang, thời gian học Anh ngữ tại Lackland, rồi chuyển sang huấn luyện phi hành tại trường bay Randolph, cả hai nơi đều thuộc vùng phụ cận thành phố San Antonio, Texas. Những ngày tháng bay lượn trên vùng trời sa mạc Arizona trong thời gian huấn luyên trên phi cơ phản lực tại căn cứ Không quân Williams, Arizona. Chàng vẫn thường thích thú so sánh cảm tưởng khi chuyển tiếp từ phi cơ cánh quạt sang phi cơ phản lực, từ  Skyraider sang F-5 như đang lái chiếc xe vận tải nặng nề, mùi khói cùng mùi xăng nhớt của máy nổ như vẫn còn bám trên áo sau mỗi chuyến bay, để khi nhẩy sang bay chiếc F-5 có cảm tưởng như ngồi trên chiếc xe thể thao hợp thời trang nhẹ nhàng lướt trên không trung . Thêm cảm tưởng của những ngày đầu về phi đoàn tác chiến, dấn mình trong cuộc sống nóng bỏng của chiến tranh mịt mù lửa đạn. Biết bao kỷ niệm sống động của một thời son trẻ, những kỷ niệm vui trong chiến thắng, kỷ niệm buồn qua những tổn thất, mất mát, nỗi bất hạnh xẩy đến khi một chiếc phi cơ lâm nạn, một người bạn ra đi không trở về. Nhật ký của chàng là những mẩu chuyện ngắn ghi lại sau mỗi phi vụ hành quân, nếu lưu giữ được có lẽ sẽ góp lại thành một trang kỷ niệm linh động, sống thật, đáng ghi nhớ của một đời người, một thời bay bổng.
Tiếng điện thoại reo vang, đức lang quân ngồi gần máy nhưng vẫn phớt tỉnh ăng lê cứ làm như việc trả lời điện thoại là bổn phận của tôi. Từ ngày chàng phẩy tay trút bỏ chuyện làm ăn, tranh đua với đời, chàng không màng đến việc trả lời điện thoại, không ham lần mò tìm vào mạng lưới trời đọc e-meo để trao đổi dịch vụ mua bán với đời như trước nữa, thường đẩy cho tôi làm việc này, có gì liên quan đến chàng, tôi “tâu” lại để chàng tùy nghi.
Nói như thế không phải là tôi có ý hờn dỗi hay than phiền vì cử chỉ bất động của đức lang quân mà thực ra cũng tại tôi có thói quen hàng ngày ngồi trước màn ảnh nhỏ lần mò vào mạng lưới trời để biết chút tin tức khắp nơi, đọc e-meo bạn bè gửi đến, đọc những trang “face book” để biết sinh hoạt của những người thân trong gia đình cùng họ hàng cư ngụ khắp nơi, lại thêm những mục không muốn, không vui nhưng vẫn phải làm, đó là mục trả nợ. Sống trong thời buổi của “hi-tech” thì mình cũng phải theo để hợp với đời, trước đây trả nợ trên giấy tờ qua bưu điện thì ngày nay hầu hết những dịch vụ mua bán, nợ nần đều dùng máy điện toán trả qua mạng lưới trời. Tôi lặng lẽ nhận công việc hàng ngày của mình, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa còn bao nhiêu thời gian nhàn rỗi trong ngày ngồi trước màn ảnh nhỏ, lách cách ngón tay trên bảng mẫu tự liên lạc, chuyện trò với đời cũng là một cách đưa ngày qua mau.
Nhắc điện thoại lên, đầu bên kia là tiếng nói ngọt ngào của chị bạn, nhận thấy lâu nay vắng bóng tôi trong đám đông nên gọi hỏi thăm. Bạn bè thân thiết là như vậy, mới bẵng đi một thời gian ngắn không gặp vẫn có cảm tưởng như đã từ lâu, tôi chỉ còn biết ngỏ lời cám ơn bạn bè đã quan tâm gửi lời thăm hỏi, vấn an.
Hiện tại, con cháu đã bỏ vùng xa xôi hẻo lánh trở về sống chung nhà, đức lang quân và tôi có thêm việc mới, hàng ngày đưa đón cô cậu cháu ngoại đi học, sau giờ học lại giúp cô cậu cháu làm bài. Đã trên một nửa thế kỷ không hề nghĩ đến những môn toán của thời trung học đệ nhất cấp nên khi cô cháu cần giúp giải bài toán hình học tôi cũng hơi bối rối vì thực ra toán học không phải là môn tôi ưa thích khi còn cắp sách đến trường, tuy nhiên cũng cố tìm bới đầu óc để nhớ lại những bài toán đã học từ xưa để tim câu trả lời cho cô cháu. Khi giúp cô cháu làm xong bài toán, thở một hơi dài nhẹ nhõm như cảm giác của chính mình ngày xưa diễn lại mỗi khi tìm được câu trả lời.
Có con cháu quanh quẩn trong nhà đôi khi cũng thêm bận rộn nhưng dù sao vẫn là niềm vui gần gũi. Việc đưa đón cô cậu cháu ngoại hàng ngày đã trở thành thói quen, nhìn lũ trẻ líu lo chào hỏi mỗi buổi sáng đến trường, vòng tay ôm vai nhau tỏ tình thân gần gũi qua một năm học. Rồi mùa hè tới, nhìn cảnh lũ trẻ bịn rịn khi chia tay tan trường, chuyền tay nhau cuốn hình ảnh kỷ niệm viết lưu bút vì sợ tương lai có thay đổi, kẻ ở lớp này, người sang lớp kia, tình cảm của chia ly dù chỉ là ngắn ngủi qua mùa hè nhưng cũng có nước mắt hoen mi lúc chia tay. Nhìn hình ảnh của tuổi thơ ngây thật dễ thương diễn ra trước mắt lại hồi tưởng về hình ảnh của chính mình ngày xưa.        
        
Đối với tôi, đời sống vẫn êm đềm, bình an, không có gì náo động sôi nổi đáng nói, sinh hoạt đời sống vẫn bình thường, cũng tiệc tùng, văn nghệ đàn đúm khi bạn bạn bè mời gọi. Trước đây phong trào Karaoke còn thịnh hành, đi đâu cũng có mục hát Karaoke, nhưng ngày nay dường như thiên hạ có thay đổi thú vui văn nghệ, không thích hát theo Karaoke nữa mà gọi “one man’s band” tới giúp vui cho bầu không khí thêm sống động. Lần đầu nghe người bạn giới thiệu người này là ca sĩ có giá, người kia là ca sĩ vô giá, tôi cứ tưởng họ là những ca sĩ nhà nghề, nhưng sau khi nghe họ ca, tôi không thấy có gì được gọi là “có giá” hoặc “vô giá” như lời giới thiệu. Sau này hỏi cho ra lẽ mới biết đây chỉ là cách giới thiệu vui đùa giữa nhóm bạn bè ham vui ca hát, đặt ra bốn loại ca sĩ, đó là ca sĩ chay, ca sĩ ok, ca sĩ có giá và ca sĩ vô giá. Ca sĩ Chay là ca sĩ hát theo ý mình mà không cần nhạc dệm, ca sĩ OK là ca sĩ hát theo dàn karaoke, ca sĩ hát nhạc sống nhưng không thuộc lời, cần có chiếc giá giữ bản nhạc để nhìn lời được phong là ca sĩ Có Giá, ca sĩ thuộc lời, không cần giá để bản nhac là ca sĩ Vô Giá. Nghe lời giải thích, tôi chỉ biết ôm bụng cười cho cái tật ngây thơ của mình cùng lối chơi chữ và nụ cười hóm hỉnh của những người bạn đặt ra cho vui câu chuyện.
  
Mang tiếng là lâu ngày cách xa không gặp nhưng thật ra, kể từ đầu năm tôi đã từng tháp tùng đức lang quân tham dự  những cuôc vui của hội, nào là tiệc tân niên, dạ tiệc giới thiệu tân hội trưởng Nguyễn Tài Cơ cùng ban chấp hành.   Là một hội viên từ nhiều năm qua, anh Nguyễn Tài Cơ đã tích cực tham dự những sinh hoạt hội, tham gia ban chấp hành qua nhiều nhiệm kỳ, không nề hà nhận lãnh và hoàn tất phần việc được trao phó cho nên khi nhân chức vụ hội trưởng, anh đã không phụ lòng tin của bạn hữu và hội viên đã bầu anh vào chức vụ này. Đức lang quân và tôi đi vắng trong dịp bầu cử đã qua, trở về vừa kịp buổi lễ ra mắt, không thể bỏ lỡ cuộc vui, đức lang quân cùng tôi vội vã ghi danh đến dự tiệc mừng.     
Vào những cuộc vui như thế này, gặp lại nhau, dù chỉ xa cách một thời gian ngắn cũng vẫn là những niềm vui đặc biệt. Hình ảnh không thay đổi, vẫn mang những nụ cười tươi vui, lời chào hỏi thân tình, bàn tay nắm chặt, vòng tay mở rộng như chờ đón một tình cảm nồng ấm kéo nhau lại gần trong tình thân tuyệt đối.
Nhà hàng quen thuộc, dù đến sớm nhưng bãi đậu xe đã tràn ngập chứng tỏ ai nấy đều nóng lòng mong đợi buổi chiều ngày nghỉ, tận dụng khoảng thời gian như muốn kéo dài cho niềm vui xum họp. Gặp anh chị Trịnh Tùng khi bước về cửa nhà hàng, chị Tùng dừng lại như có ý chờ chúng tôi trong khi anh Tùng nhanh nhẹn bước thẳng vào cửa nhà hàng như bị tiếng cười nói nhộn nhịp của bạn hữu vọng ra thu hút, chị Tùng gọi giật lại, trách nhẹ đấng phu quân là thấy bạn mà không đứng lại chào hỏi. Anh Tùng dừng lại trước cửa, nở nụ cười rộng rãi, niềm nở chào đón chúng tôi rồi cùng bước vào nhà hàng.
Tiệc vui của KQ hầu như vẫn mang một sắc thái đặc biệt nào đó, người tham dự luôn mang phong thái trang trọng, lịch lãm. Bầu không khí nhà hàng tưng bừng, nhộn nhịp tiềng cười nói chào đón với tình thân bằng hữu như cùng nhau chờ đón, chứng khiến tin vui khi một người anh em trong hội đứng ra nhận lãnh trách nhiệm điều hành sinh hoạt của tập thể. Nhìn chung quanh, tôi nhận thấy hầu hết những người hiện diện là qúy anh và qúy nàng dâu Không quân hội viên, cuộc vui của KQ tất nhiên người tham dự là những người đồng quân chủng có trách nhiệm, có quan tâm đến hội, hợp với danh nghĩa của một nghi lễ trang trọng trình diện tân Hội trưởng cùng ban chấp hành, lồng trong dạ tiệc mừng cho hội tiếp tục sinh hoạt bình thường, là cơ duyên cho hội viên thêm dịp xum họp.    
Đang mải vui câu chuyện trong bàn với anh chị Hồ Kim Hải, anh chị Tony Đinh, chợt ông chủ bút đặc san KQ Nguyễn Mạnh Khang xuất hiện ngỏ lời hỏi thăm và nhắc khéo tôi gửi bài viết cho Đặc san số phát hành vào đêm không gian hội ngộ và còn nhắn thêm là đừng quên buổi picnic hè 2016. Sau đó lại nhân được thư mời dự buổi picnic của ông hội trưởng, rồi anh Ngô Văn Kim cũng gọi điện thoại nhắc nhở đức lang quân và tôi nhớ đến dự buổi  họp mặt mùa hè. Xin cám ơn qúy anh, cả ba anh cùng có lòng mời gọi, lại thêm đức lang quân nhà tôi đã nhanh nhẹn ghi vào cuốn lịch của chàng ngay khi nghe tin thì không thể nào quên lời hẹn.
Từ khi chọn được một địa điểm thuận tiện vừa gần thành phố vừa đầy đủ tiện nghi và có nhiều sân cho các môn thể thao, nhất là có sân quần vợt để qúy anh có dịp múa vợt đuổi banh so tài, để rồi công viên này đã trở thành địa điểm chính thức cho buổi họp mặt mùa hè hàng năm. Công viên cũng có nét thơ mộng riêng biệt với những hàng cây cao vời vợi, cành lá xum xuê xanh mát, làn gió lọt qua hàng cây đưa đẩy không khí trong lành làm dịu bớt cái nóng ngột ngạt của cao điểm mùa hè, giúp dân thành phố có nơi tìm đến để tạm thoát khỏi cảnh chen chúc, ồn ào nơi phố thị. Phải chăng người đặt tên cho công viên này cũng đã từng thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên nơi này, tưởng tượng đến một danh xưng rất thơ mộng “Edenvale” (Thung lũng địa đàng) đặt tên cho công viên thành phố?   

Còn đang ngần ngại chưa biết sẽ viết thêm hay tìm cách kết thúc cho lần này, chợt hàng chữ hiện trên màn ảnh nhỏ báo có e-meo của ai đó gửi tới. Đang cần một vài giây phút cho trí óc nghỉ ngơi, thoát ra khỏi ngõ bí của suy nghĩ, tôi bèn chuyển sang mở trang e-meo, nhận ra là của anh Trần Thanh Liêm gửi đến, kèm theo một đoạn phim phóng sự của đài truyền hình Hồn Việt với cô Nhã Lan và ông Nguyễn Mạnh Trinh trong chương trình “Tản mạn văn học, nói chuyện với nhà báo Đinh Sinh Long về Đặc san Lý Tưởng của Không Quân VNCH”.
Tôi chăm chú quan sát và thích thú lắng nghe câu chuyện trao đổi giữa anh Long và hai phóng viên của đài truyền hình về sinh hoạt của đặc san Lý Tưởng trong thời chiến khi anh Long là chủ bút cuối cùng, và qua anh Long, hai phóng viên đã tìm hiểu thêm về nhiều khía cạnh của quân chủng Không Quân.
Với chức vụ là một sĩ quan chiến tranh chính trị, trách nhiệm của một chủ bút, hiểu biết dồi dào về ngành truyền thông, báo chí, lại mang theo dáng dấp và tâm hồn của một nghệ sĩ, anh Long đã đưa buổi phỏng vấn vào với không khí của một câu chuyên đàm thoại giữa nhóm bạn bè thân thuộc, giúp người nghe dễ thông hiểu được vai trò quan trọng có liên quan đến sinh hoạt về thể chất và tinh thần của quân nhân Không Quân qua tờ đặc san Lý Tưởng khi xưa.
Nói đến Không Quân, người ta thường kèm theo bốn chữ “hào hoa, phong nhã” như một thành ngữ dính liền với đời sống của những quân nhân Không quân. Có người nhắc đến câu “Mỗi đường bay là một cánh hoa rơi!” của người nào đó đã viết như một lời trách móc nếp sống vô tình và vô định của phi công. Anh Long nhanh nhẹn biện minh, nói rằng “Không quân chúng tôi vẫn luôn yêu đời, yêu người, không có cánh hoa nào rơi”.
Nghe câu nói nửa vời, tôi không dám đặt câu hỏi và cũng không dám có lời bàn thêm, chỉ mỉm cười thích thú cho phản ứng tự nhiên của ông cựu chủ bút đặc san Lý Tưởng và ông cựu sĩ quan chiến tranh chính trị Không quân!

Nhã Dung                

No comments:

Post a Comment