Wednesday, May 27, 2020
Sunday, May 24, 2020
Saturday, May 23, 2020
Trai Thời Loạn - Tôn Nữ Áo Tím
Câu chuyện tình của cô học trò trường Couvent Des Oiseaux Đà Lạt và chàng Sinh Viên Sĩ Quan khoá 28 trường Võ Bị Đà Lạt, sao mà dễ thương quá. Một cô con gái "rượu" con nhà giàu, thương yêu một chàng trai thời loạn! Thời vàng son của họ, chỉ được lúc đầu ở Đà Lạt.
Rồi chàng ra trường Võ Bị, vùi đầu vào chiến tranh khói lửa, còn nàng thì đang học Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Họ chỉ được gặp nhau khi chàng về phép. Nhưng lúc bây giờ, chiến tranh đang trong giờ phút khốc liệt, nên họ gặp nhau không được bao nhiêu lần thì ngày 30 tháng 4, 1975 ập đến. Nàng theo gia đình di tản qua Mỹ, còn chàng thì biệt tin!
Cô con gái "rượu" nầy có trái tim bằng vàng. Sống ở Mỹ đầy cám dỗ, vậy mà nàng quên đi tuổi thanh xuân, quyết tâm chờ đợi một hình bóng. Người phụ nữ Việt Nam sao mà dễ thương quá. Chỉ có họ mới có những trái tim bằng vàng. Và tôi đã may mắn gặp một người phụ nữ Việt Nam có trai tim bằng vàng. Dù rằng trái tim vàng nầy không còn nữa, nhưng tôi vẫn trân quý tôn thờ.
Tôi cám ơn anh Không Quân Thão Nguyễn (Thão cá lóc) đã gởi cho tôi bài nầy. tth
Trai Thời Loạn
Tôn Nữ Áo Tím
*MỘT
Nó lớn lên vừa tròn 6 tuổi thì bố đã hy sinh ngoài mặt trận. Ngày đưa tang bố, nó ngơ ngác cầm bức hình bước theo sau quan tài. Nó chẳng hiểu vì sao hòm của bố nó phải đắp lá cờ tổ quốc. Mẹ nó tay dắt đứa em gái, vật vã khóc than thảm thiết. Nó chưa đủ lớn để hiểu được nỗi đau xé ruột của người vợ mất chồng. Tối hôm đó bàn thờ nhà nó sáng trưng đèn suốt đêm. Mẹ nó ngồi buồn bã bên bàn hương án. Chị đốt hết cây nhang này đến cây nhang khác. Cặp mắt đỏ hoe, chị đến bên bàn thờ lấy bộ áo quần lính của chồng xếp lại đặt ngay ngắn lên bàn, bên cạnh tấm hình của anh. Cái nón đỏ có gắn hình con báo màu đen chị để lên phía trên, im lặng, đứng nhìn. Những dòng nước mắt chảy dài, chị cố nén tiếng nấc và gục đầu bên cạnh bộ đồ lính trận của chồng. Chị biết rằng cuộc đời mình đã không hoàn toàn như ý, một chặng đường khó khăn đang chờ đợi chị ở trước mắt.<!>
Em nó vô tư chạy đến cầm tay mẹ: "Mẹ ơi, con muốn ngủ". Nó chẳng thấy buồn, thường ngày ba nó vẫn vắng nhà vì phải đi chiến đấu ngoài mặt trận. Lâu lâu ba nó được nghỉ phép thì gia đình nó mới có những phút giây sum vầy, hạnh phúc bên nhau. Bây giờ nó đã biết là mãi mãi ba nó sẽ không về nữa và nó cũng vĩnh viễn không còn có được những tiếng cười rạng rỡ trên môi, không còn những phút giây ngồi trên lưng cho ba nó làm con ngựa, cũng không còn nữa hình ảnh chú lính tí hon khi nó lấy chiếc mũ của ba nó đội lên đầu, rồi ba nó hô “Nghiêm!” là nó đưa tay lên chào…
Hai tháng sau, số phận nó được định đoạt. Nó theo chú về ở với nội. Mẹ và em nó thì trở về bên ngoại. Lúc chia tay, nó vùng vằng dậm hai chân xuống đất không muốn đi, nó muốn theo mẹ. Nhưng sự trì kéo nào rồi cũng không đủ lực để rứt nó ra khỏi số phần mà định mệnh đặt lên vai nó. Nó quay đi theo nắm tay của chú, hờn dỗi mẹ, không thèm nhìn lui. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Nó khóc vì nó nghĩ mẹ nó không thương nó. Nó chưa đủ lớn để hiểu rằng khi ba nó không còn thì làm sao mẹ nó có thể nuôi nỗi một lúc hai đứa con vẫn còn quá nhỏ. Mẹ nó khóc vì thương cho hoàn cảnh chia lìa của mẹ và con. Nó trở nên lầm lì từ giây phút đó. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”, nhưng với nó thì khác, cha mẹ sinh ra nó, nhưng hoàn cảnh xã hội, sự tàn nhẫn của chiến tranh đã làm cho nó trở nên chai lì, ngang bướng…
Mười hai tuổi, chú nó đưa vào học trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu. Chung quanh nó bây giờ không còn người thân, chỉ là những đứa bạn có những hoàn cảnh không may như nó. Một cuộc sống mới bắt đầu từ đây. Vũng Tàu là một thành phố nằm ven biển, là khu du lịch nổi tiếng tại miền nam Việt Nam. Nơi đây khí hậu không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà chỉ có mùa mưa và mùa nắng. Nó thích cái nắng cháy da của Vũng Tàu vì vào mùa này, thành phố trở nên đông vui, nhộn nhịp bởi khách du lịch đến Vũng Tàu nghỉ mát. Mùa nắng nó cũng được ra bãi chơi mỗi khi có chú nó từ Sài Gòn về thăm.
Lớp đệ thất Thiếu Sinh Quân
Đời học sinh dưới mái trường Thiếu Sinh Quân của nó cũng cam go không kém gì các trường trung học phổ thông ở ngoài. Chương trình kéo dài bảy năm, từ đệ thất đến đệ nhất. Theo qui định của Bộ Giáo Dục, học sinh trường nó cũng được nghỉ hè, nghỉ Tết như các trường trung học phổ thông khác. Cuối tuần cũng có những giờ phép cho học sinh ra ngoài chơi. Ngoài các môn học về văn hóa, mỗi tuần nó có thêm bốn giờ học quân sự để tập lăn lê, bò lết và sử dụng một số vũ khí cơ bản trong quân đội. Ngoài ra học sinh còn phải học thêm võ thuật như Thái Cực Đạo, Nhu Đạo và Tae Kwon Do. Nhờ thế mà sức khỏe của nó rất tốt. Một lần chú nó hỏi về ước vọng tương lai:
- Sau ni học xong, con thích làm gì?
Nó nói với chú một cách rất vô tư:
- Làm gì cũng được nhưng con không thích đi chiến đấu chú ơi.
Ba nó đã chết vì đi chiến đấu, nên nó không thích là đúng. Chú nó thương và động viên:
- Vậy thì con phải cố gắng học thật xuất sắc thì con sẽ được chuyển vào các trường đại học.
Nghe vậy nó tỏ ra rất phấn khích và cố gắng học tập. Nó không biết tương lai khi đã vào trường Thiếu Sinh Quân thì mãi mãi cuộc đời sẽ là quân nhân chuyên nghiệp, chỉ được ra ngoài khi trở thành thương phế binh. Dù muốn dù không, sau cái chết của ba nó, cuộc đời nó đã được an bài.
Mười tám tuổi, theo luật định là phải đầu quân. Dù học đến lớp nào, khi đến độ tuổi mười tám là phải ra khỏi trường đi quân dịch. Nếu học sinh vào trường học trể, chưa học đến lớp đệ nhị mà đã đến tuổi đăng lính, không có tú tài một hoặc thi rớt tú tài một, phải chấp nhận vào trường Hạ Sĩ Quan. Sau thời gian huấn nhục, ra trường sẽ mang cấp bậc trung sĩ. Nó nhớ lại câu hát mà trong trường bạn nó thường nghêu ngao: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”, cho nên nó rất cố gắng học tập vì nếu hỏng thi là phải đi trung sĩ và sẽ ra mặt trận chiến đấu. Nó sợ phải chết như ba nó.
Một hôm chú nó về thăm, nó chăm chút hỏi chú rất nhiều về việc học, nó chỉ sợ hỏng thi:
- Chú ơi! nếu con hỏng tú tài một thì con có được học lại không?
- Được chứ, nhưng con phải cố gắng đậu, khi đó con sẽ được chuyển qua trường Sĩ Quan
Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường con sẽ là một anh chuẩn úy.
- Con không được học tiếp lên để thi tú tài hai sao?
- Không được vì lúc đó con đã đến tuổi mười tám rồi.
Nghe vậy nó có chút âu lo. Qua năm năm gắn bó với trường Thiếu Sinh Quân, nó trưởng thành rất nhiều. Nó nhận ra được một cuộc sống thế nào để được xem là có giá trị, một cuộc sống được xã hội chấp nhận và tôn trọng. Chú nó là một động lực mạnh mẽ giúp nó đối diện với thực tại và lấp đầy những thiếu thốn về tinh thần .
- Nếu tốt nghiệp với tấm bằng tú tài hai thì con sẽ đến đâu học tiếp?
- Con sẽ có ba nơi để chọn lựa: Trường Không Quân, Trường Hải Quân và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Nó im lặng. Nó tin vào nó. Nó nhất định sẽ cố gắng không để bị hỏng thi. Nó tin vào chú nó sẽ chọn cho nó một con đường, nơi đó là mục tiêu mà nó phải đến, có khát khao, có ước mơ, có hy vọng… Nó đang hình dung một tương lai lấp lánh đầy những ngôi sao hạnh phúc thắp sáng con đường nó sẽ đến, đó là con đường vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Một trung tâm đào tạo những sĩ quan ưu tú cho đội ngũ quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nơi vun bồi lý tưởng quốc gia cho những chàng trai Việt với tình yêu quê hương, tình yêu Tổ Quốc và tình yêu đồng bào.
*HAI
Đà Lạt, một thành phố nằm trong vùng cao nguyên trung phần, khí hậu ôn hòa quanh năm, bao bọc bởi những cánh rừng thông ngút ngàn làm cho Đà Lạt trở nên thơ mộng. Nhờ thời tiết ấm áp, Đà Lạt trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi người. Tôi quen anh trong một bữa tiệc sinh nhật nhà bạn. Anh mang y phục của một sinh viên Sĩ Quan Võ Bị. Dáng dấp oai phong và khuôn mặt tuấn tú của anh đã làm cho tôi chú ý ngay từ đầu. Là một nữ sinh nội trú của Trường Couvent Des Oiseaux từ khi lên mười sáu tuổi, tôi ít có dịp được ra ngoài. Thường khi ba tôi từ Sài Gòn lên đưa tôi về thăm nhà, đó là những lúc tôi được đi chơi. Nay tôi đã mười tám, cái tuổi đôi chín của tôi đã bắt đầu biết rung động, biết lắng nghe tiếng thì thầm của trái tim.
Kể từ khi gặp anh thì việc về thăm nhà đã không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi bắt đầu biết hò hẹn từ lúc đó. Chúng tôi gặp nhau vào những dịp cuối tuần, quanh quẩn trong thành phố Đà Lạt mù sương. Anh đưa tôi đến những thắng cảnh nỗi tiếng của Đà Lạt như đỉnh Núi Bà (Lang Biang), thung lũng tình yêu, thác Cam Ly, chèo thuyền trên Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở… Anh hỏi tôi:
- Đố em biết vì sao người ta gọi là hồ Than Thở không?
Tôi đã giải thích theo một câu chuyện cổ tích mà tôi được nghe từ rất lâu:
- Đó là chuyện tình của chàng Hoàng Tùng và nàng Mai Hương. Chàng tham gia nghĩa quân Tây Sơn bị tử trận. Nàng nghe tin, đến bên hồ than khóc và trầm mình chết. Hoàng Tùng về được biết người yêu tự vẫn nên nhảy xuống hồ trầm mình chết theo. Hai người được chôn gần nhau trên một đồi thông gần đó, thế là từ đó xuất hiện nhạc phẩm Đồi Thông Hai Mộ. Tên Hồ Than Thở cũng do đó mà ra.
Anh cười nhìn tôi và giải thích:
- Em nói như vậy là không hợp lý. Khởi nghĩa Tây Sơn thời điểm đó là Đà Lạt chưa ra đời làm gì có chuyện tham gia nghĩa quân Tây Sơn được.
Tôi suy nghĩ và sắp xếp lại dòng thời gian, tôi thấy anh nói đúng. Tôi chỉ cười dã lả cho khỏi bị quê và rồi anh kể tiếp:
- Hồ Than Thở ngày xưa người Pháp đặt tên là Lac Des Soupirs. Soupirs có nghĩa là âm thanh của gió thổi trong rừng, ví như tiếng thở hay là tiếng thì thào của gió. Nghĩa đen là hồ của những thanh âm vi vu của gió.
Tôi thấy anh giỏi hơn tôi tưởng nhiều. Thời gian trôi qua, chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn. Tôi hiểu thêm về con người và gia cảnh của anh. Ba tử trận từ lúc bé, anh vào trường Thiếu Sinh Quân và giờ đây, hiển hiện trước mắt tôi là một sinh viên tuấn tú năm thứ ba của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Một ngôi trường có bề dày lịch sử oai phong lẫm liệt. Một trung tâm đào tạo những tài năng trẻ văn võ song toàn, xứng đáng cả về tài và đức để lãnh đạo quân đội trong tương lai. Và anh, chính anh là mẫu người mà đất nước, con người Việt Nam đặt niềm tin yêu và hy vọng. Một năm nữa, anh sẽ ra trường với cấp bậc thiếu úy. Một năm nữa tôi cũng sẽ ra trường với dáng vóc một cô tú kép của trường Couvent Des Oiseaux.
Bạn tôi nhìn chúng tôi bằng những đôi mắt ngưỡng mộ. Tình yêu của tuổi mới lớn tôi trao gởi cho anh ngày càng thắm thiết. Thứ tình cảm trong sáng ấy đã làm anh phải suy nghĩ. Một lần được ba tôi mời về Sài Gòn chơi, anh đã khéo léo từ chối:
- Dạ cám ơn bác, chú của cháu cũng ở Sài Gòn, cháu sẽ sắp xếp về thăm vào một dịp khác.
Nghe anh từ chối, tôi man mác buồn. Lần đó tôi đã không theo ba về Sài Gòn. Tôi ở lại vớianh. Tôi ở lại với người đàn ông mà tự lúc nào đã làm cho tôi mê mệt. Anh đẹp trai, nét đẹp trai của người đàn ông hiền lương chân thật. Phong thái đạo đức nơi anh lộ rõ qua cách đối xử nhẹ nhàng và lối trò chuyện ôn hòa với bè bạn. Anh đã chinh phục tôi từ phút đầu gặp nhau. Tôi, một đứa con gái chưa học xong bậc trung học, bỗng nhiên bị quay cuồng đầu óc vì anh. “Làm sao để giữ được anh? Đẹp trai như anh thì đám con gái như tôi sẽ vây quanh mà níu áo…”. Tôi miên man suy nghĩ suốt ngày và ngay trong giấc ngủ, hình ảnh của anh cũng hiện về, làm cho tôi phải trăn trở, đắn đo. Tôi ước được hóa phép thành cái máy soi, luồn lách vào các ngăn tim của anh để coi xem có hình bóng của tôi trong đó. Anh im lặng quá! Cái im lặng chết người. Nhưng ngược lại, đôi mắt của anh nhìn tôi sao mà nồng nàn đến thế! Tôi quờ quạng trong vùng nửa sáng nửa tối. Yêu tôi, không yêu tôi, yêu tôi, không yêu tôi… tôi ngắt từng cánh hoa của đóa hoàng cúc quăng xuống đất, miệng cứ nói nhỏ yêu tôi, không yêu tôi… cho đến cánh hoa cuối cùng. Tôi có được hai tiếng “yêu tôi”. Thế là lòng tôi rộn ràng hẳn lên. Tôi nhảy cỡn lên, tung đài hoa vào khoảng không, la lớn: “yêu tôi”. Trời đất chứng giám, rừng thông chứng giám cho tình yêu của tôi. Nó đơn sơ tinh khiết như một trang giấy trắng không vướng một vết mực nào.
*BA
Lễ mãn khóa trường Võ Bị Đà Lạt năm nào cũng được tổ chức theo một nghi lễ truyền thống rất trọng thể. Tôi và đứa bạn có mặt từ rất sớm. Dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay, tôi thấy anh uy nghi và sáng lóa trong bộ lễ phục của một sinh viên Võ Bị Quốc Gia. Chiếc cầu vai đỏ làm cho anh càng thêm rực rỡ. Anh được gắn lon Thiếu Úy kể từ giây phút đó. Văn bằng cử nhân khoa học ứng dụng Đà Lạt cũng được trao tay. Tôi say mê nhìn anh không chớp mắt. Trời Đà Lạt hôm đó trong vắt một màu xanh tràn đầy hy vọng. Niềm hy vọng của một sinh viên Sĩ Quan Võ Bị sắp rời xa mái trường để nhập cuộc dấn thân vào vùng lửa đạn, gánh lấy vai trò bảo vệ tổ quốc, gìn giữ non sông.
Cuối buổi lễ, tôi ôm bó hoa chạy rất nhanh đến bên anh, tôi muốn ôm anh thật chặt vào vòng tay bé nhỏ của mình. Nhưng bỗng nhiên tôi khựng lại và hết sức ngỡ ngàng, anh đang đứng với hai người phụ nữ, một già và người kia thì nhỏ hơn, trạc độ tuổi tôi. Thấy tôi đứng sững không bước thêm bước nào, anh tới nắm tay tôi dẫn đến trước mặt người phụ nữ lớn tuổi và cho biết đó là mẹ anh, còn cô gái là người em ruột của anh. Tôi nhẹ người, bao nhiêu ý nghĩ nghi ngờ vụt tan biến, tôi cúi đầu lí nhí mấy chữ “con chào bác” rồi xây qua cười hòa với người em gái. Sau đó anh kéo tôi vào chụp một tấm hình kỉ niệm với mẹ và em gái mình. Từ giây phút đó, tôi biết anh không có người con gái nào khác nữa ngoài tôi. Tôi hiểu ra rằng trong một góc khuất của trái tim anh đang giữ hình bóng của tôi.
Ngày anh ra trường trở thành Thiếu Úy tôi bắt đầu bước vào năm thứ nhất Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Chúng tôi xa Đà Lạt từ đó. Anh về Sài Gòn nghỉ phép một thời gian rồi đi nhận nhiệm sở. Ba tôi có ngỏ ý muốn gởi gắm cho anh ở nội thành, nhưng anh đã dứt khoát từ chối. Trong thời gian chờ đợi để xa nhau, chúng tôi có những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi bên nhau rất quý hiếm. Chiến cuộc lúc đó ngày càng leo thang khốc liệt. Tôi cố giấu nỗi buồn vào trong. Tuổi trẻ chúng tôi đối diện với một tương lai không mấy sáng sủa. Ngày anh lên đường xông pha chiến trận, chúng tôi có một bữa cơm chia tay. Tôi đã khóc. Sự im lặng của anh suốt thời gian qua và cho đến giờ phút này tôi đã hiểu ra hết mọi lý lẽ. Anh nắm tay tôi, qua đôi mắt, tôi thấy anh rất buồn. Anh thấu hiểu tất cả những suy nghĩ trong tận cùng ngõ ngách trái tim tôi. Anh biết tôi muốn gì. Điều ước muốn rất thường tình của những người con gái khi đến tuổi biết yêu. Nhưng anh đã cho tôi biết là “chúng ta không thể”. Không chỉ riêng mình anh không thể mà cả tôi cũng không thể.
Vâng, “không thể” vì chúng ta sinh ra nhằm thế kỉ của chiến tranh, của đau thương tang tóc… Tuổi trẻ của chúng ta bị xô vào một ngõ cụt mà bản thân không thể quyết định được bất cứ điều gì ngoài việc cầm súng bắn vào những người cùng màu da, cùng ngôn ngữ. Tuổi trẻ chúng ta như đang mò mẫm, quờ quạng trong một con đường hầm tối tăm không lối thoát. Con đường đầy khói bụi chiến tranh. Anh không muốn tôi trở thành góa phụ khi còn quá trẻ. Anh khuyên tôi nên tìm một người xứng đáng để bảo đảm cho một cuộc sống tương lai.
Tôi gục đầu nước mắt dàn dụa. Những kỉ niệm của Đà Lạt mù sương bỗng chốc sáng lên trong tôi rồi dần dần lịm xuống. Hết rồi những buổi sớm bên bờ Hồ Xuân Hương, dưới làn sương mờ ảo chen kẽ từng sợi nắng xuyên cánh rừng thông. Hết rồi con đường vòng Lâm Viên với ngọn gió Bắc chập chùng se lạnh.
Loáng thoáng đâu đây tôi nghe giọng ngâm của một bài thơ não ruột:
“……
“Anh làm thân Kinh Kha
“Góc núi đầu non ngày đêm chống giặc
“Rồi một hôm,
“Nhận tin ngựa hồng ngã gục
“Trên chiến trường khói súng ngút ngàn bay
“Em không trong tay
“Dù đã thật sự mất nhau… từ những ngày tháng đó
“Anh hôm nay,
“Một chân gởi chiến trường mù sa lửa đỏ
“Một chân trở về với chiếc nạng gỗ cô đơn
“Không dám nhìn người tình cũ năm năm
“Cô bé ngày xưa viết hoài một khúc tình ca
“Trọn đời yêu Võ Bị
“…… (1)
*BỐN
Lá thư cuối cùng anh gởi cho tôi như có một sức mạnh vô hình trói buộc cuộc đời tôi vào số kiếp của anh:
“Em yêu,
Khi mở lá thư này, em hãy nhìn cho thật kĩ khung trời rạng rỡ màu xanh bên ngoài cửa sổ kia. Em hãy nhìn màu xanh bằng ánh mắt sáng ngời hy vọng. Tất cả chim muông cây cỏ chứng giám cho lòng anh. Anh rất yêu em! Mối tình hoa mộng đầu tiên của tuổi mới lớn, anh sinh viên Võ Bị và cô gái nữ sinh trường Couvent Des Oiseaux đẹp biết chừng nào! Rừng thông Đà Lạt, núi đồi Lang Biang, suối nước Camly… cất giữ cho chúng ta bao nhiêu kỉ niệm? Nhưng rồi cuối cùng anh thấy nó vô thường và mong manh quá! Có nhiều điều khiến anh không thể đến với em. Em có hiểu không? Anh còn gánh nặng món nợ với non sông đất nước. Còn bổn phận đối với quê hương đồng bào, em có hiểu không? Anh phải đi đúng con đường dành riêng cho lý tưởng thanh niên, lý tưởng của người trai thời loạn. Em, một người con gái mới lớn, em còn cả một tương lai rộng mở phía trước. Gia đình em sẽ trải những tấm thảm mượt mà cho em bước, vì em là đứa con gái duy nhất mà anh thường đùa là “con gái rượu”. Anh bị chúng bạn ganh tỵ chỉ vì quen em là con gái rượu. Em có hiểu không? Khi đối diện với ba và gia đình em, anh lại thấy mình càng không thể đến với em. Em như một cái trứng non được ấp ủ, nâng niu chìu chuộng. Đón em về, liệu anh có thể đem đến cho em một cuộc sống bình an sung túc được không? Chỗ đứng của em không thể là góa phụ. Nơi ở của em không thể là phòng không chiếc bóng, ngày đêm làm chinh phụ ngóng trông chồng. Em yêu, em đừng khóc, anh biết là em đang khóc. Cái trẻ con của em là ở đó. Chính cái trẻ con ấy đã khiến anh đôi lúc phải mềm lòng. Nhưng những người lính như bọn anh, không được phép mềm yếu. Dẫu biết sự cứng rắn có khi sẽ làm cho con người trở nên băng giá, như em đã có lần nói “anh thật vô tình!”. Anh rất xin lỗi em. Hãy cố gắng xứng đáng là đứa con hiếu thảo với ba mẹ em. Hãy trở thành con người hữu ích cho xã hội và nhất là đứa em gái, cô nữ sinh Couvent Des Oiseaux, xinh đẹp sống mãi trong trái tim anh. Mãi yêu em.
H.T.
Tôi ở hậu phương, ngày ngày theo dõi tình hình chiến sự. Chiến tranh bùng nổ một cách tàn khốc. Anh trôi xuôi theo bốn vùng chiến thuật, từ Quảng Trị, Khe Sanh, Hạ Lào, Charlie, Pleiku, An Lộc… Những lá thư từ chiến tuyến gởi về, anh nói nhiều về những trận đánh, những nơi chốn anh đi qua, những người bạn ngã xuống… Anh chẳng đá động gì đến nỗi nhớ thương mà người em gái hậu phương đang ngày đêm mong đợi. Anh cũng không hứa hẹn gì về những giờ phép về thăm nhà. Chỉ toàn là những giây phút bất ngờ, thoáng hiện rồi thoáng đi. Anh không cho tôi một cơ hội để hy vọng vì chung quanh anh, lằn ranh của cái sống và sự chết rất mỏng manh. Nhưng tôi vẫn cứ hy vọng.
Cơn lốc chiến tranh trở nên dữ dội vào những ngày cuối tháng 4 năm 75. Sự hoảng loạn bùng phát một cách ghê gớm. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị thay đổi. Tôi ngậm ngùi theo gia đình xuống tàu vượt thoát và hoàn toàn mất tin tức của anh sau cái ngày oan nghiệt 30 tháng 4.75.
Trên đất Mỹ, gia đình tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi bỏ ngang việc học, lo đi làm. Sống giữa một đất nước tự do, tiến bộ, với nhiều cơ hội để học hỏi và thăng tiến, tôi cố gắng hội nhập vào đời sống mới, gầy dựng cho mình một vốn kiến thức căn bản vững chắc. Tôi tận dụng và khai thác tất cả những tinh hoa văn hóa của nước Mỹ để vun bồi cho vườn hoa trí tuệ của mình. Thời gian quen dần, tôi lấy thêm giờ học vào buổi tối. Lo đi làm, lo đến lớp học, quần quật với những bài tập làm thêm ở nhà, tôi quên mất bản thân, quên mất hình ảnh của anh với mối tình đầu một thời hoa mộng.
Bước vào độ tuổi 50, tôi trở nên điềm đạm, trầm tĩnh hơn. Ngoài giờ làm ở hãng, buổi tối về nhà, tôi thường xem tin tức trên ti vi. Tôi biết cộng đồng người Việt bây giờ đã ổn định và dần dần lớn mạnh. Họ bắt đầu kêu gọi tìm đến nhau qua những buổi hội họp nay chỗ này, mai chỗ nọ. Một buổi tối, tình cờ tôi nghe loáng thoáng phát ngôn viên đài truyền hình đọc lá thư mời họp mặt của trường Võ Bị Đà Lạt khóa…, tôi chợt tỉnh người vụt nhớ đến anh. Tôi lao vào tìm kiếm, thăm dò... Tôi mua vội tờ báo tìm tòi trong mục sinh hoạt cộng đồng để biết thêm vài chi tiết về cuộc hội ngộ ấy. Hai tuần nữa là đến ngày họp mặt của các anh. Tôi có mười bốn đêm để nguyện cầu. Trước hình tượng Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, tôi thành tâm khấn nguyện “cho con gặp lại anh”. Dù anh có thế nào, trên đôi nạng gỗ hay trên chiếc xe lăn, tôi sẽ mãi vẫn là cô học sinh Couvent Des Oiseaux bé nhỏ sống mãi trong trái tim của anh.
Sáng sớm hôm ấy, tôi tìm đến địa chỉ tổ chức hội ngộ. Đó là một căn nhà có khoảng sân vườn rất rộng phía sau. Tôi thấy khá đông người được sắp xếp ngồi rất thứ tự trên những chiếc ghế xếp có tựa lưng. Từ đằng sau tôi tìm chỗ đứng trong một góc khuất và quan sát, tìm kiếm… Nhìn các vị trong ban tổ chức làm việc, tôi thấy họ thân thiện cởi mở trong tình huynh đệ chi binh. Các anh thay phiên nhau lên sân khấu phát biểu. Họ kể cho nhau nghe những kỉ niệm chiến trường, những vui buồn đời lính. Họ chia sẻ với nhau những khoảnh khắc đau thương khi nhìn thấy huynh đệ của mình ngã xuống trước mũi súng quân thù. Cũng có anh rơm rớm nước mắt trang trải nỗi lòng khi nhìn vợ trong tay một người đàn ông khác vào giờ khắc được trả tự do sau hơn chín năm tù đày. Có nỗi đau nào lớn hơn thế.
Những giây phút tâm tình qua đi. Giờ ăn bắt đầu. Mỗi người được phát một hộp cơm có đũa và nỉa kèm theo. Các anh vừa ăn, vừa thưởng thức văn nghệ. Ca sĩ là những anh chị trong gia đình Võ Bị. Tôi chỉ là một người khách tự nguyện đến, không liên hệ gì với Võ Bị, tôi xin ghi tên tham gia một tiết mục, ban tổ chức rất sẵn sàng.
Tôi cất tiếng hát, rất tự tin. Tôi hát với tất cả tấm lòng mong mỏi và hy vọng được gặp lại anh, cho dù thật mong manh, nhưng nếu đã có sự gắn kết của số phận thì niềm hy vọng ấy sẽ thành hiện thực.: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại, xin trả lời mai mốt anh về…”(2). Tôi tin anh sẽ trở về, dù là với đôi nạng gỗ hay trên chiếc xe lăn thì mãi mãi anh vẫn bất diệt trong trái tim tôi. Bài hát vừa dứt, những tràng pháo tay nổ ra liên tục. Tôi vẫn đứng yên, chưa chịu buông micro, mọi người im lặng chờ nghe tôi muốn bày tỏ điều gì… “Thưa các anh, tôi tên là Đinh Hương, trước là học sinh trường Couvent Des Oiseaux Đà Lạt, xin được tìm anh Trần Hoàng, Võ Bị khóa 28, xin hỏi có ai biết không ạ?”. Tôi đứng im chờ đợi trong hy vọng mong manh. Tôi nhìn theo những cánh tay chỉ trỏ. Một người đẩy xe lăn từ từ về phía tôi. Khoảng cách chừng năm mét, tôi kịp nhìn thấy anh. Đúng, đúng là anh rồi. Đôi mắt ấy, đôi mắt ẩn dấu một nét buồn thăm thẳm. Cũng bộ lễ phục Võ Bị ngày xưa, nhưng bây giờ, anh phải ngồi trên chiếc xe lăn thay vì đứng hiên ngang dưới bầu trời cao rộng. Tôi chạy ùa về phía anh. Tất cả mọi người im lặng. Không gian như chùng xuống. Những cảm giác trái ngược nhau, vừa đớn đau, vừa hạnh phúc đang tràn về trong tôi. Tôi quỵ xuống trước mặt anh, trước mặt mọi người… Đôi tay của tôi bỗng hụt hẫng không có điểm tựa và tuột dài xuống đất. Anh đã không còn đôi chân. Tôi nghe tiếng gào đau đớn từ trong tiềm thức ‘Trời ơi!” rồi ôm choàng lấy thân thể anh. Anh cứ ngồi yên mặc dù đôi tay vẫn cử động được bình thường. Anh im lặng nhìn tôi, ánh mắt ấy vẫn trong sáng như ngày nào. Sự im lặng của anh như một lời thú tội của người thua cuộc. Ngày xưa, anh cũng im lặng như thế, nhưng sự im lặng của chào thua số phận. Tôi hiểu ra điều ấy và nói lớn trước mặt mọi người: “Anh Hoàng, Em yêu anh, mãi mãi em vẫn yêu anh, người con Võ Bị”.
Hoan hô! Hoan hô! Những tràng pháo tay vang lên liên tục không ngừng nghỉ kèm với tiếng chúc mừng... chúc mừng… Những bó hoa lần lượt được trao đến tận tay chúng tôi. Anh nở nụ cười. Lần đầu tiên tôi thấy nụ cười hạnh phúc trên đôi môi anh.
Tôn Nữ Áo Tím
Monday, May 18, 2020
Thursday, May 14, 2020
Sunday, May 10, 2020
Wednesday, May 6, 2020
Saturday, May 2, 2020
Friday, May 1, 2020
Agrisea (nông nghiệp đại dương) - Chị Bảy dịch
Dịch Coronavirus bùng phát bắt đầu ở Vũ Hán, rồi khắp nơi, lúc ấy tôi đang ở Sàigòn. Mỹ đã có lệnh cấm máy bay từ Trung Quốc và Âu Châu vô Mỹ. Tôi lật đật mua vé máy bay về Mỹ. Trước khi về, tôi nhờ cô em mua dự trữ thức ăn cho tôi hai tuần và cất trong tủ lạnh nhà tôi. Vì tôi sẽ tự cách ly hai tuần.
Về đến nhà, tôi tự cách ly hai tuần. Trời! Hai tuần tôi không ra khỏi nhà, ra lấy thư tôi cũng không dám ra. Sau hai tuần tự cách ly, vì thành phố giới hạn đi lại và khuyên người dân ở trong nhà, nên tôi thỉnh thoảng lái xe đi mua thức ăn, còn lại bao nhiêu thời gian thì tôi nằm trong nhà ở San Antonio Texas một mình gần 8 tuần rồi, dài lưng và buồn thúi ruột. Tôi lục lọi trong mạng, tình cờ tôi thấy công ty tên Agrisea, công ty đang thực hiện trồng lúa trên biển mặn, làm tôi giật mình.
Tôi đã đến thành phố Dead Valley (thung lủng chết) thuộc California, nằm phía Đông Cali, gần biên giới với Nevada. Dead Valley ngày xưa nằm dưới đáy biển, do biến đổi của trái dất, vùng đáy biển nầy trồi lên khỏi mặt nước được bao quanh bởi những dãy núi cao. Nước biển bị kẹt lại giữa những núi cao, tạo ra một cái hồ rộng thênh thang. Nước biển trong hồ bốc hơi theo thời gian và khô cạn, để lại muối trắng xoá trên núi và dướí đáy hồ. Vì lượng muối đậm đặc nầy, không có một con kiến, con ruồi và cọng cỏ nào sống nổi trên núi cũng như dưới đáy hồ. Nói chung là động vật và thực vật hoàn toàn không thể tồn tại trong Dead Valley rộng lớn nầy. Vậy mà công ty Agrisea trồng lúa trên biển mặn, đây là một cuộc cách mạng vĩ đại về nông nghiệp.
Làm cách nào mà họ trồng lúa được trên biển? Tôi xin tóm lược: Họ chỉnh sửa Gen của lúa. Trong lúa có những Gen có nhiệm vụ trục xuất không dung nạp muối nhưng chưa đủ mạnh, rồi họ tăng cường sự diễn đạt của những Gen nầy cho đủ mạnh để trục xuất hết muối ra ngoài. Có thể ví, những Gen nầy như máy lọc nước biển, có nhiệm vụ trục xuất hết muối, giữ lại nước ngọt và chất dinh dưỡng để nuôi cây lúa.
Nông trại đại dương di động, nếu bảo đến, họ có thể kéo nông trại đi trốn như các bè nuôi cá.
Nếu Việt Nam trồng lúa ngoài biển từ Móng Cái tới Cà Mau thì gạo làm gì cho hết. Nông nghiệp nầy canh tác quanh năm không nghĩ và đặc biệt là không cần bón phân, vì nước biển có đầy chất dinh dưỡng thiên nhiên, chính chất dinh dưỡng nầy đã nuôi rong biển. Trồng lúa không xài phân bón, không thuốc trừ sâu thì gạo (organic) nầy nhiều dinh dưỡng hơn, an toàn hơn cho sức khoẻ nhân loại.
Bước đầu họ trồng lúa, rồi họ sẽ tìm ra cách trồng bắp, khoai, rau cải..để vỗ béo nhân loại. Kết quả nhân loại sẽ béo phì tròn vo! Cũng vui!
Tôi xin dịch bài viết về công ty Agrisea ra đây. tth
Agrisea (Agriculture Sea - nông nhiệp đại dương).
Sáng lập viên gồm hai người:
Luke Young
Co-founder and CEO
(Đồng sáng lập và Giám Đốc Điều Hảnh)
"Con người không được định nghĩa bởi việc làm, vai trò hay chức tước của họ, mà được định nghĩa bởi sứ mệnh của họ. Sứ mệnh của chúng ta là xây dựng một thế giới làm việc sát cánh với thiên nhiên, để thúc đẩy sự khoẻ mạnh lâu bền cho cả chúng ta và hệ sinh thái của chúng ta. Sứ mệnh của chúng ta là làm việc với thế giới thiên nhiên để nuôi dưỡng nhân loại."
Rory Hornby
Co-founder and Head of R&D
(Đồng sáng lập và Đứng Đầu Nghiên Cứu và Phát Triển)
"Nếu đời là một cuộc hành trình thì đây là bắt đầu sự phiêu lưu sẽ thay đổi thế giới. Agrisea là nền tảng của sự thay đổi sáng tạo tuyệt vời, với nguyên tắc cơ bản cốt lõi, lưu lại thế giới là một nơi tốt đẹp hơn khi chúng ta tìm thấy nó. Sự thách thức to lớn nầy, là một cái gì đó mà mỗi hội viên chúng tôi, gia đình chúng tôi, đặt niềm tin vào. Một phần không thể thiếu cho Sứ Mệnh Nông Nghiệp Đaị Dương của chúng tôi."
Hình Nông Nghiệp Đại Dương, từng mảnh ruộng nhỏ đường kính 1 foot.
Mảnh ruộng nầy không cần bón phân vì nước biển có đầy chất dinh dưỡng thiên nhiên. Vô số mảnh ruộng nhỏ, san sát với nhau thành nông trại lớn. Mảnh ruộng nầy di động, nếu bảo đến nó sẽ được kéo chạy trốn, như các bè nuôi cá.
Agrisea trang trại đại dương sẽ trồng lúa trong nước mặn năm nay 2020.
Bài viết của Andrea D. Steffen
Hột gạo nhỏ, nhưng nó làm ảnh hưởng hầu hết thế giới của chúng ta. Hơn 700 triệu tấn gạo được sản xuất mỗi năm, được trồng trên hơn 100 xứ, để nuôi 3.5 tỷ người trên thế giới mỗi ngày. Với trên 90% được sản xuất tại Á Châu thôi, mình có thể tưởng tượng đến sự quá tải cho môi trường. Hơn nữa, hiện tại 7.7 tỷ người trên hành tinh, được dự trù sẽ tăng lên 9.7 vào năm 2050, có nghĩa là sự cần thiết chỉ cho gạo thôi, cũng phải tăng.
Thật không may, số đất trồng trọt bị giảm, với phân nửa đất của quả địa cầu đã dùng cho nông nghiệp. Và trồng trọt cũng cần rất nhiều nước. Hơn 65% hành tinh được bao phủ bởi nước, nhưng chỉ có 2.5% là nước ngọt và ít hơn 1% nước ngọt nầy khả dụng cho con người dùng. Trong khi đó, khoảng 70% nước ngọt khả dụng được dùng cho nông nghiệp.
Nhu cầu thực phẩm gia tăng, cộng thêm khí hậu thay đổi, và canh tác có ảnh hưởng lớn lao tới môi trường, gây cảm hứng cho hình thức mới sản xuất thực phẩm, một tiềm năng thực sự - nông nghiệp đại dương, trồng trọt ngoài dại dương. Sáng kiến khoa học, trồng lúa ngoài biển được nghĩ tới bởi hai nhà khoa học gia trẻ. Họ thiết kế một cách trồng trọt chịu được độ mặn mà thực vật hấp thụ được các chất dinh dưỡng thiên nhiên có tràn ngập trong đại dương. Kết cuộc là chịu được mặn, cây lúa mọc lên ở trang trại nổi ngoài đại dương mà không cần đất, phân bón và nước ngọt.
Lúa là trong số những cây trồng phải có nhiều nước nhất, nên sự sáng chế nẩy là một thay đổi trò chơi toàn diện. Bằng cách cho phép một loại rau phổ biến nhất thế giới sống sót khỏi nước mặn và các chất dinh dưỡng trong đại dương (cùng loại dinh dưỡng cứu sống thực vật như rong biển), tác động tiêu cực của lúa đối với hành tinh có thể được giảm đáng kể. Nhà khoa học gia, Luke Young và Rory Hornby sáng lập công ty Agrisea để mang ý tưởng của họ vào cuộc sống.
Vì vậy, làm thế nào mà họ có được lúa để phát triển trong đại dương? Thông qua chỉnh sửa Gen, họ khuyếch đại sự diễn đạt của những Gen kiểm soát dung nạp muối có sẵn trong lúa. Họ đã không chèn vô Gen từ bất cứ loại nào khác. Tất cả những gì họ làm là xác định những Gen mà kiểm soát trục xuất muối, bảo vệ DNA, và ngăn cách tế bào. Rồi họ tăng cường sự diễn đạt của những Gen đó.
Các hạt giống được thiết kế (chỉnh sửa Gen), sau đó được đặt vô những ngăn nổi giống như tổ ong trang trại nhỏ đại dương (nhìn hình trên). Mỗi đơn vị có đường kính khoảng 1 foot, và nhờ hình dạng tổ ong, vô số trong số nó có thể vừa khít với nhau hợp thành một trang trại lớn. Mỗi đơn vị chứa một lớp lưới đôi: Phần dưới hoạt động như nuôi cá bè, trong khi đó phần trên thì giữ thực vật. Các trang trại không tĩnh mà là di động - trong trường hợp một sự kiện thời tiết lớn được dư báo.
Công ty có kế hoạch khai trang trại thí điểm đầu tiên vào cuối năm 2020 và nhân rộng trang trại thí điểm ra khắp thế giới vào năm 2021. Hạt giống được dự định chính cho trang trại đại dương, nhưng nó có thể được trồng ở đất ngập mặn cũng được. Điều nầy sẽ hữu ích cho những nơi như Japan, nơi mà Tsunami ngập nước đất ven biển, quá mặn để trồng trọt. Hiện tại, những khu vực như vậy, phải nhập đất không mặn từ những khu vực khác, rất tốn kém và khó khăn.
Agrisea hy vọng cuối cùng sẽ mở rộng danh mục cây trồng chịu mặn của nó với sự giúp đỡ của những nhà khoa học thực vật bổ sung. Họ đã phát triển hạt cải xoăn và bắt đầu tạo đậu nành, bắp, nhưng họ tính cộng thêm lúa mạch, lúa mì, rau bina, đậu xanh và nhiều nữa./.
Click Vào Đây - Để xem công ty Agrisea bằng tiếng Anh.
Click Vào Đây - Để xem bài viết bằng tiếng Anh.
Subscribe to:
Posts (Atom)