Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Saturday, January 9, 2021

Rối loạn tiền đình (chóng mặt)

Lúc tôi về hưu một thời gian thì tôi thường hay bị chóng mặt, ói mửa. Mỗi lần như vậy, nếu tôi mở mắt ra, thì tôi thấy trần nhà quay, và tôi mửa tới mật xanh. Nếu tôi nhắm mắt lại, nằm ngửa im re thì tôi đỡ hơn. Tình trạng nầy kéo dài khoảng gần một giờ thì hết. Cứ thỉnh thoảng vài tháng thì tôi bị một lần. Tôi đi khám bịnh với bác sĩ người Mỹ. 

Ông bác sĩ gia đình của tôi, người Mỹ gốc Pháp khám bịnh tôi. Ông nói lỗ tai trong của tôi làm tôi mất thăng bằng và chóng mặt. Ông cho tôi thuốc chóng mặt. Ông dặn tôi bớt ăn muối. Ông nói muối không gây ra bịnh nhưng ăn muối nhiều làm cho bịnh nặng hơn.

Tôi nghe lời ông bác sĩ bớt ăn muối. Trước kia, ăn món gì tôi thường rắc muối rồi mới ăn. Tôi ngưng rắc muối, nhưng tôi vẫn ăn cá kho, thịt kho, thịt ướp mặn bình thường và tôi không còn chóng mặt nữa. Rồi bà xả tôi mất được 12 năm thì tôi bị chóng mặt trở lại. 

Tôi bị chóng mặt ói mửa trở lại trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Trời! Trong lúc đại dịch nầy, ai có bịnh gì thì chết ai nấy chịu, đâu có ai dám cứu ai! Tôi nằm nhà chịu đựng một mình. Tôi chán đời quá sức!

Tôi gọi ông bác sĩ của gia đình tôi. Ông bác sĩ cũng sợ đại dịch Covid-19. Ông khám bịnh cho tôi qua camera của Iphone. Ông cho tôi thuốc chóng mặt mà ngày xưa ông cho tôi. Tôi nhờ cô em tôi, mua thuốc và nấu cháo, rồi để ở trước cửa nhà tôi vì cô em sợ tôi bị Covid-19.  

Ông bác sĩ cũng cho tôi đi thử Covid-19, nhưng tôi không lái xe được. 

Tôi uống thuốc chóng mặt. Thuốc giúp tôi bớt ói, nên tôi lái xe đi thử Covid-19 và kết quả âm tính. Điều nầy không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi biết tôi không có triệu chứng bị Covid-19. Uống thuốc chóng mặt, tôi bớt ói nhưng người tôi vẫn khó chịu, lờ đờ như cá gặp nước phèn. Rồi như có đấng linh thiên giúp tôi.

Trong mùa đại dịch Covid-19, tôi nằm nhà một mình 9 tháng rồi. Tôi đâu có dám đi đâu. Vậy mà bồ tèo của tôi, Thầy D Nguyễn Đức Hiền bay từ Cali về Austin Texas thăm người em trai mổ cột xương sống ở Austin. Hiền gọi rủ tôi đi Houston thăm bạn. Thật là khó xử. Mỗi lần tôi qua Cali là tôi ở nhà Hiền, bồ tèo mà! Thế là tôi lái xe lên Austin đón Hiền đi Houston chơi năm ngày. Thật là liều mạng! Vậy mà đấng linh thiên nhìn thấy tôi chơi đẹp với bạn, nên đấng linh thiên cứu tôi, cho tôi gặp một người. 

Hôm ấy Không Quân Tô Phương Cường, đãi cơm chúng tôi ở nhà Cường ở Houston. Trong bữa cơm tối hôm ấy có Lộc (Huế) phi công F5 tham dự. Lộc than, anh bị rối loạn tiền đình. Bác sĩ đưa cho anh tờ giấy để tập và bây giờ anh hết bịnh rồi. Thế là ai cũng xin giấy để tập của Lộc và tôi cũng xin. Lộc gởi giấy để tập cho mọi người qua email.

Vài tuần sau khi tôi đi Houston về, tôi bị chóng mặt ói mửa và uống thuốc bác sĩ cho không hết hẳn. Tôi đang chán đời thì tôi nhớ tới Lộc (Huế). Tôi vô email in giấy để tập của Lộc. Tôi tập được ba ngày thì tôi hết chóng mặt. Bây giờ thì tôi khoẻ như trai 17 tuổi. Tôi cám ơn đấng linh thiên cho tôi gặp Lộc đúng lúc. Ăn ở sao mới được vậy, anh em ơi!  

Bài tập của Lộc (Huế) kết quả tuyệt vời. Tôi xin post bài tập của Lộc ra đây, với hy vọng giúp được ai đó. Tôi cũng post thêm sự tìm hiểu của tôi qua mạng về lổ tai trong, đó là thủ phạm của "rối loạn tiền đình". tth 

****************************

Cảm giác thăng bằng của chúng ta hoạt động như thế nào?

Tai là cơ quan cảm giác thu nhận sóng âm thanh, cho phép chúng ta nghe. Nó cũng rất cần thiết cho cảm giác thăng bằng của chúng ta: cơ quan thăng bằng (hệ thống tiền đình) được tìm thấy bên trong tai trong. Nó được tạo thành từ ba kênh hình bán nguyệt (Semicircular canals) và hai cơ quan Otolith, được gọi là Utricle và Saccute (xem hình dưới màu xanh). Các kênh hình bán nguyệt và các cơ quan tai chứa đầy chất lỏng. 

Mỗi kênh hình bán nguyệt kết thúc trong một khoảng trống có các tế bào lông nhỏ trong đó. Những khoảng trống nầy được gọi là Ampullate. Bất cứ khi nào chúng ta quay đầu, tai trong cũng quay theo. Nhưng phải mất một thời gian rất ngắn để chất lỏng trong các ống tuỷ và ống tuỷ bán nguyệt cũng di chuyển theo đầu của chúng ta. Điều nầy có nghĩa là các tế bào lông cảm giác trong tai bị uốn cong bởi chất lỏng "chậm". Rồi tế bào lông gởi thông tin về não.

Mỗi trong số ba kênh bán nguyệt chịu trách nhiệm cho một hướng chuyển động cụ thể của đầu: Từng kênh riêng rẽ lo phản ứng về cái đầu như sau:  

- Kênh lo về ngóc đầu lên hoặc gục xuống. Nhìn hình người đàn bà ở trên, khi đầu bà thẳng đứng thì tế bào lông trong kênh thẳng đứng, khi bà gục đầu xuống thì chất lỏng trong kênh uốn cong tế bào lông gục xuống. Lúc bây giờ tế bào lông trong kênh nầy, thông tin về não, đầu đang gục xuống.

- Kênh lo về nghiêng đầu phải hoặc trái.

- Kênh lo về đầu quay sang một bên.

Các cơ quan Otoliths được tìm thấy theo đường chéo dưới các ống hình bán nguyệt và có chức năng tương tự: Cũng có các tế bào lông cảm giác mỏng ở cả hai cơ quan. Sư khác biệt là, không giống như trong ống hình bán ngyệt, có những tinh thể nhỏ trên các tế bào lông - giống như những viên sỏi trên thảm. Những tinh thể nầy được gọi là Otoliths hoặc "đá tai". Các cơ quan thần kinh Otoliths phát hiện gia tốc, ví dụ như khi bạn đi thang máy, té ngã, ghi nhận tốc độ hoặc thắng trong xe hơi. 

Thông tin đến từ hệ thống tiền đình được xử lý trong não và sau đó được gửi đến các cơ quan khác cần thông tin nầy, chẳng hạn như mắt, khớp hoặc cơ. Điều nầy cho phép chúng ta giữ thăng bằng và biết cơ thể mình đang ở tư thế nào.

Trong một số tình huống, chẳng hạn bạn trên tàu hoặc máy bay, các cơ quan cảm giác khác nhau (ví dụ như mắt và cơ quan giữ thăng bằng) gửi các thông điệp trái ngược nhau đến não. Điều nầy có thể khiến chúng ta cảm thấy không khoẻ, chóng mặt hoặc buồn nôn. Là một phi công, tôi biết rỏ tình huống nầy khi máy bay vô mây.

Khi máy bay vô mây, phi công phải nhìn phi cụ trong máy bay mà bay, không được nhìn ra ngoài. Nếu phi công nhìn ra ngoài, mắt sẽ thấy mây bay xẹt xẹt qua cửa sổ, lúc bây giờ mắt báo cảm giác về não, rằng cơ thể đang di chuyển cực nhanh. Trong khi đó cơ quan thăng bằng trong tai, báo về não rằng cơ thể đang ngồi yên. Hai thông điệp của mắt và tai đến não trái ngược nhau, làm não rối loạn, trong tình huống nầy trong nghề phi công, chúng tôi gọi là Vertigo. Khi bị Vertigo, máy bay lật ngửa nhưng phi công không biết. Tình huống nầy không xảy ra cho máy bay lớn, vì loại nầy luôn luôn có hai phi công. Nhưng với máy bay chiến đấu hoặc máy bay nhỏ, chỉ có một phi công, tình huống nầy thỉnh thoảng có xảy ra. Nếu phi công nhận ra mình đang bị Vertigo, bình tĩnh nhìn phi cụ để gỡ rối. Nếu máy bay đang bay cao thì phi công có cơ hội gỡ được, nếu máy bay đang bay thấp, thì cơ hội gỡ được rất thấp và cực kỳ nguy hiểm! 

Góp ý về đi máy bay bị nôn. Nếu ai không quen đi máy bay và bị nôn, thì khi đi máy bay đừng nhìn ra cửa sổ, để tránh bị chóng mặt và nôn. Nếu nhìn quanh trong máy bay thì không có vấn đề. Khi máy bay cất cánh và đáp, ngồi yên và nhắm mắt lại, là tư thế tốt nhất cho người không quen đi máy bay.

Góp ý về đi máy bay bị đau tai. Tai gồm có ba phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Giữa tai ngoài và tai giữa là màng nhĩ. Trong tai giữa, gần màng nhĩ có vòi nhĩ, dùng để điều khiển áp suất không khí. Vòi nhĩ nối thông tai giữa với vòm họng. Vòi nhĩ rất hẹp, thường bị bắp thịt đè, tạm thời bị nghẹt. Muốn thông vòi nhĩ, thì ngáp hoặc nuốt nước miếng làm cho bắp thịt họng chuyển động để mở rộng vòi nhĩ. 

Khi mình ở dưới đất, áp suất trong tai giữa rất cao so với áp suất trên trời. Máy bay cất cánh và bay lên cao, càng lên cao áp suất càng giảm. Vì áp sáp suất trong tai giữa cao hơn áp suất trên cao, nên màng nhĩ bị đẩy phình ra ngoài. Máy bay càng lên cao, sức đẩy màng nhĩ càng mạnh, làm cho đau nhức khó chịu. 

Mình ngồi trong máy bay sau khi cất cánh, khi cảm thấy lỗ tai có sự chuyển động nhẹ bên trong, đó là triệu chứng của màng nhĩ bị đẩy phình ra. Mình lập tức nuốt nước miếng hoặc ngáp thật rộng, để bắp thịt họng chuyển động để mở vòi nhĩ, để trung hoà áp suất giữa tai ngoài và tai giũa, lúc bây giờ màng nhĩ không còn bị đẩy nữa, và tai bớt đau. Nếu tai còn đau hoặc máy bay còn tiếp tục bay lên, thì mình tiếp tục nuốt nước miếng hoặc ngáp thật rộng.   

Khi máy bay bắt đầu đi xuống. Lúc bây giờ áp suất trong tai giữa là áp suất của trên cao, nên rất thấp. Máy bay càng đi xuống thì áp suất bên ngoài càng tăng, nên màng nhĩ bị đẩy lõm vô trong. Máy bay càng đi xuống thì sức đẩy màng nhĩ lõm vô càng mạnh, nên đau nhức khó chịu. Mình lập tức nuốt nước miếng hoặc ngáp thật rộng để chuyển động bắp thịt họng để mở vòi nhĩ để trung hoà áp suất của tai ngoài và tai giữa, để tránh đau tai.             

Hệ thống tiền đình đặc biệt nhạy cảm ở trẻ em, và phản ứng chậm hơn với các cử động khi chúng ta lớn lên. Nhiễm trùng tai trong và các vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của cảm giác thăng bằng.

****************************

Cách tập tự điều trị rối loạn tiền đình.


Tự điều trị chóng mặt vị trí lành tính phải

1                1                2                  3                4

1. Bắt đầu ngồi trên giuờng và quay đầu sang phải 45°. Đặt một chiếc gối sau lưng để khi nằm ngửa, gối sẽ nằm dưới vai bạn. Ngả người nhanh chóng với vai trên gối và đầu dựa vào giường. Chờ trong 30 giây.

2. Quay đầu sang trái 90° (giữ đầu chạm giường khi quay). Chờ 30 giây. 

3. Quay cả người và đầu sang trái 90°. Chờ 30 giây.

4. Ngồi dậy bên trái.

Tập thế nầy xong thì tập thế phía dưới liền.

Tự điều trị chóng mặt vị trí lành tính trái. 

1                1                2                  3                4
           
1. Bắt đầu ngồi trên giuờng và quay đầu sang trái 45°. Đặt một chiếc gối sau lưng để khi nằm ngửa, gối sẽ nằm dưới vai bạn. Ngả người nhanh chóng với vai trên gối và đầu dựa vào giường. Chờ trong 30 giây.

2. Quay đầu sang phải 90° (giữ đầu chạm giường khi quay). Chờ 30 giây. 

3. Quay cả người và đầu sang phải 90°. Chờ 30 giây.

4. Ngồi dậy bên phải.

Tập hai thế nầy 3 lần trong 1 ngày. Tiếp tục tập mỗi ngày. Nếu trong 24 giờ liền, không còn chóng mặt thì ngưng tập, đó là lời dặn của Bác Sĩ. tth

Tin vui về rối loạn tiền đình, post ngày June 2, 2021. 
 
Tôi bị chóng mặt ói mửa quá nhiều năm, từ 2007. Hầu hết thời gian bị bịnh nầy, bác sĩ gia đình cho tôi uống thuốc trị chóng mặt. Khi tôi uống thuốc trị chóng mặt thì bịnh ngưng, nhưng vài năm sau, bịnh trở lại. Cứ thế, bịnh đến rồi đi, theo chu kỳ vài năm. Nhưng bây giờ có thay đổi, vì bịnh đến rôi đi với chu kỳ vài tuần, làm tôi lo sợ! 

Rồi tôi gặp một người bạn cũng bị bịnh như tôi, người nầy được bác sĩ đưa cho tờ giấy cách tập để trị chóng mặt. Tôi bắt chước người bạn, cũng tập để trị chóng mặt. Nhưng cách tập nầy chỉ giúp tôi nhất thời, vì bịnh vẫn đến rồi đi với chu kỳ vài tuần! Tôi than vãn với con trai Thông của tôi.  

Thông mua Acupressure Nausea Relief Wrist Bands qua online, gởi thẳng nhà tôi. Tôi ngưng uống thuốc trị chóng mặt, ngưng tập để trị chóng mặt. Tôi chỉ đeo Nausea Relief Bands ở hai tay. Hiện tại tôi hết bị chóng mặt. Tôi rất mừng. Tôi ghi vội vài dòng ra đây, với hy vọng giúp được ai đó, thoát được cái bịnh có cái tên quái đản "rối loạn tiền đình nầy"! tth

Đây là hai băng cổ tay Acupressure Nausea Relief Wrist Bands 
trị chóng mặt Thông mua cho tôi với giá $14 USD.
Good luck!!!

Tôi nghĩ tôi tìm ra nguồn gốc bịnh chóng mặt của tôi. 

Tôi đeo băng cổ tay được một tuần, ngoài ra tôi không uống thuốc chóng mặt hay tập trị chóng mặt gì hết, vậy mà bịnh chóng mặt của tôi ngưng. Tôi thắc mắc, tại sao băng cổ tay mà tôi đeo, trong đó không có thuốc gì hết, chỉ có một viên tròn như viên bi bằng nhựa. Viên bi nầy có nhiệm vụ đè lên một chổ đặc biệt ở cườm tay tôi, mà trong nghề châm cứu gọi chổ đặc biệt ở cườm tay nầy là huyệt. Tôi phải để viên bi của băng cổ tay đè đúng huyệt. Chỉ có vậy thôi mà trị được bịnh chóng mặt, làm tôi ngạc nhiên.

Tôi ngạc nhiên và tôi nhớ lại, từ lúc tôi nhỏ xíu cho tới bây giờ, tôi luôn luôn nằm ngũ trên cổ tay. 

Đây là thế tôi ngũ từ lúc nhỏ xíu tới bây giờ, cho dù dưới tay tôi luôn luôn có gối.
Hình nầy tôi lấy trong mạng, đừng thấy có ngực, rồi Thầy D mờ mắt tưởng là Chị Bảy nhé!

Nhìn thế ngũ của tôi, vậy là đầu tôi đang đè lên huyệt chóng mặt, nhưng đè không chính xác huyệt chóng mặt. Có thể đây là nguyên do làm cho tôi bị chóng mặt. 

Tôi ngũ thế nầy từ lúc tôi nhỏ xíu tới bây giờ và tại sao bây giờ tôi mới bị chóng mặt? Tôi nghĩ lý do là, bây giờ tôi già quá rồi! Hơn nữa, vì Covid-19 tôi nằm suốt ngày đêm, đầu tôi đè lên huyệt chóng mặt không đúng chổ suốt ngày đêm, làm cho bịnh tôi trầm trọng hơn. Nghĩ vậy nên tôi thay đổi thế ngũ. 

Tôi thay đổi thế ngũ. Tôi không ngũ trên trên cổ tay nữa và bịnh chóng mặt của tôi ngưng. Vậy là tôi không uống thuốc, không tập trị bịnh, không đeo băng cổ tay, không ngũ trên cổ tay, rồi tôi cũng không còn chóng mặt luôn. Thật tuyệt vời! Như là có đấng linh thiên phù hộ tôi. Tôi nghi chắc là bà xả tôi. Anh cám ơn em! tth

Tin vui ngày July 14, 2021. 

Hôm nay tình cờ tôi đọc email của một người bạn phi công gởi cho tôi. Trong email nầy có bài viết tựa đề "người lính Mỹ bị mất nước"! Tôi tưởng người lính Mỹ mất nước (quốc gia), nên tôi tò mò đọc. Nhưng không phải, mất nước đây là thiếu nước trong người.  

Người lính Mỹ nầy, đóng quân ở Iraq có lúc nóng 49C (120F). Anh diễn tả lúc cơ thể anh bị thiếu nước, người anh lờ đờ như cá gặp nước phèn, anh cảm thấy lâng lâng, chóng mặt, nôn mữa ... sao mà giống tình trạng của tôi quá. Tôi đọc say mê bài viết nầy. Sau cùng, nhờ bài viết nầy tôi kết luận rằng tôi uống không đủ nước.

Vì đại dịch Covid-19, tôi nằm ngũ suốt ngày đêm một mình trong nhà. Tôi quên cả uống nước. Theo bài viết, trung bình mỗi ngày, người đàn bà phải uống 2.7 lít nước, người đàn ông phải uống 3.7 lít, như vậy mới gọi là uống đủ nước. 

Riêng tôi, hiện tại mỗi ngày tôi uống 1 lít nước, chưa được 1/3, ít quá. Tôi giật mình. Và tôi vui mừng vì tôi tìm ra được nguyên nhân, làm con người tôi lờ đờ, chóng mặt và nôn mữa chỉ vì tôi "mất nước". Tôi bắt đầu nạp nước vô người tôi, mỗi ngày 2.5 lít là đủ dose cho tôi rồi. Tôi thấy kết quả có lý lắm! Ai bị "mất nước" như tôi thì nạp nước thêm vô, sẽ thấy thương nước và yêu đời ngay. Good luck! tth

No comments:

Post a Comment