Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Thursday, July 27, 2023

BỐN NGẢ ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG | Hằng Phạm

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm BỐN NGẢ ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG/Ca sĩ Hằng Phạm  

Sunday, July 23, 2023

Anh chàng người Mễ Tây Cơ huấn luyện chim rừng tuyệt vời.

Lúc tôi còn nhỏ, ở dưới quê Thủ Thừa, Long An, đa số những chim và thú rừng có trong ngôi vườn 6 mẫu đất của nhà tôi, là tôi có nuôi. Nhưng con Cu Đất, tôi nuôi từ lúc mới nở, đến khi biết bay, tôi mở lồng thì nó bay mất không bao giờ trở lại. Anh chàng nầy huấn luyện sao mà Cu Đất bay trở về, tôi giật mình và nễ phục! tth   


Thursday, July 20, 2023

Đời Còn Cô Đơn - Hồ Phương Liên

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Đời Còn Cô Đơn/Ca sĩ Hồ Phương Liên 

Tuesday, July 18, 2023

Chuyến Đò Vĩ Tuyến - Hoàng Thục Linh

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến/Ca sĩ Hoàng Thục Linh 

Friday, July 14, 2023

Một Người Đi - Đông Trang

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Một Người Đi/Ca sĩ Đông Trang

Tuesday, July 11, 2023

Đại hội Không Quân VNCH July 2023.

Tôi từ Texas bay qua San Diego và ở nhà con gái Thy của tôi. Tôi gặp gia đình Thy chỉ có năm ngày, thì vợ chồng Thy & Chinh với con trai Aiden bay đi Đài Loan, vì Chinh phải chủ toạ buổi họp của hãng ở Đài Loan. Con gái Kira của Thy&Chinh, trong Mùa Hè nầy đang thực tập kỹ sư trong hãng Apple ở San Jose. Tôi ở nhà Thy một mình, chờ Đại Hội Không Quân vào đầu July 2023 tại Quận Cam Cali, sau đó tôi về lại Texas.

Đại Hội Không Quân VNCH 2023 được tổ chức tại Quận Cam California, gồm bốn tiệc. 

Tiệc đầu tiên được tổ chức bởi các phi đoàn F5 vào tối Thứ Bảy, bắt đầu từ 17:00 giờ kéo dài tới nửa đêm. Phi công thuộc các phi đoàn F5 sẽ đóng tiền tham dự. Bạn bè thuộc các phi đoàn khác, nếu được mời cũng sẽ tham dự. Tiệc nầy có khoảng 10 bàn (100 người), được coi là Tiền Đại Hội F5.     

Tiệc thứ nhì được tổ chức bởi Liên Khoá Không Quân 63, gồm các khoá 63A, 63B, 63C, 63D, 63E 63F, 63G. Tiệc được bắt đầu lúc 11:00 giờ, kéo dài tới 15:00 giờ ngày Chủ Nhật. Các phi công thuộc liên khoá 63 sẽ đóng tiền tham dự. Bạn bè thuộc các khoá khác, nếu được mời cũng sẽ tham đự. Tiệc nầy có khoảng 11 bàn (110 người), được coi là Tiền Đại Hội Liên Khoá 63.  

Tiệc thứ ba được tổ chức bởi ban tổ chức Đại Hội. Tiệc được bắt đầu lúc 17:00, kéo dài tới nửa đêm ngày Chủ Nhật. Không Quân VNCH và gia đình, ai muốn tham dự thì mua vé, nhưng phải nhanh chân vì số bàn rất giới hạn. Tiệc nầy có 60 bàn (600 người), được coi là tiệc Đại Hội Không Quân VNCH 2023. 

Vì tiệc Liên Khoá 63 được tổ chức từ 11:00 đến 15:00 ngày Chủ Nhật, và tiệc Đại Hội được tổ chức từ 17:00 đến nửa đêm ngày Chủ Nhật, nên đa số các cụ U90 trốn đêm Đại Hội, trong đó có tôi. Sau tiệc Liên Khoá 63, tôi lái xe về thẳng nhà con gái Thy ở San Diego để nghĩ. Tôi thức đêm hôm trước rồi, sợ rắng thức hai đêm liên tiếp, tôi chịu không nổi! 

Tiệc thứ tư được tổ chức bởi anh em F5. Tiệc được bắt đầu từ 10:00 giờ đến 13:00 vào ngày Thứ Hai. Tiệc nầy có khoảng 50 người, được coi là tiệc tiễn đưa, ai đến ăn thì trả tiền, khỏi cần mua vé trước. Tôì tính trốn tiệc nầy, nhưng bồ tèo kêu réo, tôi lái xe từ San Diego lên Quận Cam để dự. 

Tiền Đại Hội F5. 

Tiệc F5, ai mặc áo bay thì lên chụp hình.

Từ phải: Đ/Tá Vượng, KQ63D Thái, KQ63A Kiễm, chị Kiễm. 

Năm Thầy D từ trái: Hiền, Quý, Bạch, Thái, Tâm. 

Tiền Đại Hội Liên Khoá 63.

Tiệc liên khoá 63. Chào cờ.

Tiệc liên khoá 63, ai mặc áo bay thì lên chụp hình.

Ca sĩ (!) Nguyễn Kiễm được bà xả (áo trắng) lên tặng hoa.

Đại Hội Không Quân VNCH 2023. 

Lục lọi hình ngày đại hội, rất hiếm tôi gặp được vài cụ bồ tèo U90!
Từ trái: Ông bà John Mitchell. anh Phạm Quang Điềm, Trần Minh Bạch.  
Anh Điềm phi đoàn trưởng 520 Cần Thơ. Mitchell cố vấn PD520, KQ63D Trần Minh Bạch về từ Canada.

Chị KQ63D Nguyễn Đức Hiền (Liên) áo trắng, ngồi với anh chị Lộc (Huế).

Anh chị KQ63D Nguyễn Minh Đức bồ tèo của tôi, về từ Georgia.

KQ63D Đỗ Ngọc Ẫn (cậu 2).

Tiệc Tin Đưa.

Thái và Hiếu. 
Trong tiệc tiễn đưa, vợ chồng Hiếu nhận ra tôi. Lâu lắm tôi không gặp Hiếu. Hiếu là phi công Trực Thăng và sống ở San Antonio với tôi từ 1975. Hiếu trẻ hơn tôi nhiều. Gặp lại Hiếu, tôi giật mình, vì râu anh bạc phơ. 

Từ phải vô rồi vòng ra: Chị Điềm, Bạch, Hiền, anh Điềm, ông bà John Mitchell, chị Bạch, chị Hiền.
Anh Điềm là phi đoàn trưởng PD520 A37 ở Cần Thơ. Mitchell là cố vấn của phi đoàn. Mitchell chơi thân với chúng tôi mấy chục năm nay. Tánh tình ông bà Mitchell thì tuyệt vời. Mitchell với anh Điềm như bóng với hình.

Tiệc tiễn đưa chưa tàn, anh Điềm mời về nhà anh chị ăn tiếp. Nghe anh Điềm mời, tôi và anh chị Hiền giật mình. Tôi đi mua bánh bèo, bún thịt nướng, bánh ướt thịt nướng. Chị Hiền đi mua thịt heo quay. Về đến nhà, chị Điềm đổ bánh xèo, báo hại đồ ăn dư ê hề. Tôi và chị Hiền phải mang về nhà ăn!  

Chị Điềm đứng kế tôi.

Tôi đãi ăn điểm sấm. 
Từ phải vô: Thái, anh chị Kiễm, chị Tuấn, anh chị Thành, Tuấn. 
Anh chị Thành về từ Utah. 

Anh chị Kiễm đãi ăn ở Seafood Cove.
Từ tôi theo chiều kim đồng hồ: Thái, anh Vượng, anh chị Tuấn, anh chị Thành, anh chị Kiễm. 

Từ phải: KQ63D Đức về từ Georgia, KQ63D Thái, KQ63D Dương, KQ63D Anh, KQ63D Thạnh, KQ Lâm Thành Mậu, KQ Nguyễn Đình Phương, KQ63D Hiền, BS? 

Mỗi Thứ Năm anh em Không Quân ở Quận Cam kéo nhau đến Mưa Rừng uống cà phê. Đây là điểm hẹn tự động mỗi tuần. Hôm nay Thứ Năm, anh em ở xa về dự đại hội, cũng tự động đến Mưa Rừng gặp anh em cho vui. Tôi và Hiền đi đánh tennis về, cũng nhập bọn.

Thái & Hiền.
Đây tấm hình tai hại! Vì tấm hình nầy trông "ngầu" quá nên Đức Georgia, Bạch Canada, Phát Las Vegas, trốn né Thái & Hiền trong trận thư hùng tennis 2023. Buồn 5 phút!

Click Vào Đây - Tôi nhờ một người đẹp đang ăn trong nhà hàng, chụp hình. Cô nầy có vẻ chuyên nghiệp. Chụp hình xong, cô đề nghị quay phim. Toàn các cụ U90 mà cô vừa quay phim vừa khen chúng tôi trẻ quá, làm tôi sướng tê người, chào cô tay tôi run run, chọc phá cô, trẻ mà tay chân run rẩy!!
Tôi post lại video nầy. Tôi thích lắm! tth
./.

Sunday, July 9, 2023

Xin Làm Chim Rừng Núi - Hồ Phương Liên

 Click Vào Đây - Nhạc phẩm Xin Làm Chim Rừng Núi/Ca sĩ Hồ Phương Liên

Thursday, July 6, 2023

CÔ CÁI BÈ - Chu Sa Lan


Cái Bè
Đọc lại lá thư của Tư lần thứ nhì xong tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây dừa nhìn ra bờ sông. Nắng tháng 6 vàng hực. Trời hầm như muốn mưa. Khóm dừa nước mọc kề bên hàng rào kẽm gai đung đưa trong cơn gió nhẹ. Trời trong xanh thật cao. Nhìn ra mặt sông Vàm Cỏ Tây, tôi như thấy được vóc dáng của Tư, thằng bạn cùng khoá, cùng phòng với lại cùng gốc dân lục tỉnh với nhau. Nằm cách nhau một khoảng trống đủ cho hai đứa qua lại không đụng nhau, xuyên qua lời chào hỏi, Tư cho tôi biết nó quê ở Cái Bè. Dù nó không tự khai lý lịch tôi cũng có thể đoán được nó là thằng con trai chân còn đóng phèn. Cái vóc dáng quê mùa, lời ăn tiếng nói thô kệch, tính tình thực thà và chất phát đủ nói lên cái gốc lục tỉnh của nó. Cao hơn 1m7, thân hình nở nang và rắn chắc, điều đó khiến cho tôi và các bạn cùng phòng phải e dè không dám chọc ghẹo Tư. Trái với Tư, tôi là thằng nhỏ con, ốm yếu, ít nói tới độ được nó và đám bạn cùng phòng đặt cho cái biệt danh ” Chu câm ”. Không biết vì lý do nào mà tôi với Tư thân nhau. Chỉ biết gần 1 năm dài tôi với Tư chia xẻ với nhau đủ gian khổ, mồ hôi và nước mắt của quân trường. Những buổi chiều rảnh rổi, hai đứa kéo nhau ra ngồi nhìn núi non chập chùng của miền trung rồi lan man nhắc về quê của mình. Sau khi được biết tôi gốc ở Bến Tre, Tư cười khà khà phán một câu: ” vậy là mày cũng có gốc phèn như tao…”. Tôi cười cười chữa: ” nhưng tao ở Sài Gòn gần 10 năm nên phèn trôi đi hết trơn rồi. Mày thì phèn dính từ đít lên tới đầu…”. Tư cười ha hả. Dường như nó không có chút mặc cảm mình là dân quê, dân ruộng, dân phèn như bao thằng trong khoá học mà còn tỏ ra hãnh diện vì sinh ra từ cái quận Cái Bè. ” Con gái Cái Bè đẹp nhất miền Nam nghen mậy…”. Tư phán như thế. Khi thấy ánh mắt nghi ngờ của tôi, nó cười hắc hắc tiếp luôn: ” Như con em của tao đó… Tao bảo đảm mày mà thấy mặt nó là mày mê bỏ ăn bỏ ngủ luôn. Mai mốt mày tới nhà tao chơi thì mày biết liền…”. Không biết sau này gặp em gái của Tư, tôi có mê tới bỏ ăn bỏ ngủ không, nhưng ở trong quân trường dù chưa gặp mặt cô em gái của Tư để biết mình có mê tới độ bỏ ăn bỏ ngủ không thì tôi vẫn ngủ tì tì. Đối với tôi, cái khoái nhất trong thời gian ở quân trường là ngủ. Do thể chất ốm yếu, dinh dưỡng không đủ kèm thêm sự nhọc nhằn của khoá học nên tôi ngủ nhiều hơn ăn và chơi. Đứng tôi cũng ngủ được. Đi tôi cũng ngủ được. Bước thao diễn mà hai con mắt của tôi nhắm lại. Ngồi uống cà phê trong câu lạc bộ tôi cũng ngủ. Ở đâu tôi cũng ngủ được. Đón xe từ quân trường xuống phố Nha Trang tôi ngủ ngáy khò khò khiến cho Tư bực mình mà không làm gì được. Nó bèn tặng cho tôi hổn danh ”Chu ngủ ”. Ngày mãn khoá học, hai đứa buồn rầu khi biết phải xa nhau và có thể còn lâu lắm mới gặp lại hoặc chẳng bao giờ gặp lại. Dù không muốn nhưng tôi lại được về tiểu khu Long An. Phần Tư nhắm hướng Cà Mau trực chỉ. Nó kêu nài quá xá mà cũng không làm gì được. Cuối cùng tôi bàn với nó là hai đứa lên văn phòng của trường xin hoán chuyển đơn vị với nhau. Tôi thì đi đâu cũng được, còn nó nếu được đổi về tiểu khu Long An vẫn gần nhà hơn Cà Mau. Tuy nhiên văn phòng nói lệnh thuyên chuyển đã ra rồi không rút lại được. Thế là Tư đành phải khăn gói đi Cà Mau. Dù không được như ý nguyện về tiểu khu Định Tường song nó cũng vui còn hơn ra miền trung xa lắc xa lơ.
Từ khi ra trường tới giờ đã hơn năm hai đứa tuy có viết thư cho nhau dù không thường xuyên lắm. Trong thư Tư viết ngắn gọn và rũ tôi về nhà nó chơi. Trong thư nó năn nỉ tôi về gặp nó tại nhà ở Cái Bè. Sợ tôi từ chối nó còn viết câu: ” Tao ở Cà Mau xa hơn mày gấp mấy lần mà tao còn về nhà được thì mày ở Tân Trụ gần xịt với Cái Bè mà mày không tới được là tao nghỉ chơi mày luôn. Đi nghen Chu Ngủ… Tao nhớ mày…”. Tôi không thể nín được cười vì câu đó. Tôi biết dĩ nhiên Tư cũng phải đổi thay sau khi ở lính được hơn hai năm, song cái chất quê của nó vẫn còn rất nhiều. Nhẫm tính tôi biết tôi phải quyết định nhanh vì hôm nay 15 mà ngày hẹn với Tư là 25. Tôi chỉ có 10 ngày để thu xếp. 10 ngày quá ngắn để tôi xin được sự chấp thuận ở chi khu. Cho nên tôi chỉ nói riêng với ông thượng sĩ phụ tá là tôi sẽ vắng mặt ba ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật để về Sài Gòn thăm nhà và tôi sẽ trở lại chiều thứ hai.
Sáng ngày 25, tôi ngồi đò từ Tân Trụ đi Long An. Sau khi dằn bụng bằng tô hủ tiếu cộng thêm mấy cái chào chá quảy, tôi ngồi xe lôi ra quốc lộ 4 rồi đón xe đi về Cái Bè. Quận lỵ nhỏ bé song lại nổi tiếng này tôi đã nghe Tư nói nhiều và nói hoài suốt năm học. Nào là con gái Cái Bè, trong số đó có em gái của nó đẹp nhất xứ (hổng biết xứ nào). Cam Cái Bè ngon nhất xứ( xứ nào cũng hổng biết luôn ). Dân Cái Bè hiền nhất xứ( có lẽ là xứ Cái Bè của nó ). Dù chưa bao giờ ghé Cái Bè song nhờ nhiều lần xuôi ngược từ Sài Gòn xuống Hậu Giang nên tôi biết Cái Bè ở đâu. Quốc lộ 4 sau khi đụng Trung Lương thì chia ra làm 2 nhánh. Nhánh phụ đi về tỉnh lỵ Mỹ Tho. Còn con lộ chính là quốc lộ 4 đi về Bắc Mỹ Thuận. Xe chạy một đổi sẽ có con lộ nhỏ bên phải đi Cai Lậy và Mộc Hóa. Chạy một đổi sẽ có một con lộ nằm bên tay trái. Đó là đường đi về quận Cái Bè hay có một cái tên khác là quận Sùng Hiếu dưới thời của Việt Nam Cộng Hoà rồi sau đó đổi lại thành quận Cái Bè. Xuống xe tại ngã ba tôi nhìn tấm bảng bằng xi măng ghi hai chữ Cái Bè với mũi tên chỉ. Phải đợi khá lâu mới có chiếc xe lam từ miệt Trung Lương chạy về rồi quẹo vào và ngừng lại ngay chỗ tôi đứng. Bác tài xế ló đầu ra hỏi.
– Chú em dìa Cái Bè hả?
– Dạ…
– Tôi còn một chỗ trống ở đằng sau…
Thấy tôi mặc đồ thường dân, một người đàn bà trẻ trẻ cười hỏi.
– Em ở đâu dìa dậy?
– Dạ tôi ở Long An. Tôi tới thăm một người bạn ở Cái Bè…
– Bạn em tên gì?
– Dạ Tư… Nguyễn Văn Tư… Tư đi lính với tôi…
Người tài xế ngồi đằng trước đang lái xe vội quay lại.
– Ở Cái Bè có tới hai thằng cũng tên Nguyễn Văn Tư lận. Chú em tìm thằng Tư nào?
Tôi lúng túng. Tư không hề nói với tôi là Cái Bè có tới hai thằng Tư cùng họ và chữ lót.
– Dạ… Tư bạn của tôi người cao lớn và ăn to nói lớn lắm bác… Nó nói thì đầu trên xóm dưới đều nghe…
Mọi người trong xe đều bật cười cái rần. Bác tài xế nói trong tiếng cười.
– Vậy là thằng Tư rộng họng, cháu của bà Bảy Bông. Nhà nó không phải ở tại chợ quận mà ở trong xã Hoà Khánh…
Tôi làm thinh suy nghĩ. Tôi không biết Tư đã có ở nhà chưa. Mặc dù nó viết thư có nói rõ ngày 25 sẽ về nhà. Nhưng đời lính có nhiều bất trắc cũng như trở ngại vào phút chót. Nếu tôi tới mà nó chưa về thì cũng hơi phiền. Dù sao cũng lỡ rồi nên tôi phải tới luôn. Xe dừng tại chợ. Bác tài xế rất tử tế bèn gọi đứa con trai út của bác lấy xe gắn máy chở tôi tới nhà Tư ở Hoà Khánh. Cho thằng bé 200 đồng, đợi nó chạy đi tôi mới lửng thửng đi vào nhà của Tư. Sân trước rộng trồng nhiều cây ăn trái mà tôi nhận ra có cam, xoài, mít và mận. Con chó cò thấy người lạ sủa gâu gâu. Từ trong nhà một đứa con gái bước ra. Nó chỉ vào tuổi mười ba mười bốn thôi. Quần đen, áo bà ba trắng, đi chân trần, mái tóc dài được kẹp lại. Đó là hình ảnh của cô gái mà tôi đoán là em của Tư.
– Dạ… Anh kiếm ai?
Nụ cười phô ra chiếc răng lòi xỉ làm cho khuôn mặt của đứa con gái có chút nhí nhảnh và tinh nghịch.
– Anh kiếm Tư. Anh là bạn của Tư…
Đứa con gái nhìn tôi lom lom. Ánh mắt của cô ta sáng lên vẻ gì thật lạ.
– Anh có phải là anh Chu Ngủ hông?
Hỏi xong con nhỏ bụm miệng cười sằng sặc. Chắc nó cười vì cái tên Chu Ngủ của tôi. Nhìn con nhỏ giây lát tôi cũng đành gượng cười nói.
– Đúng rồi đó. Anh Tư của em về chưa. Mà em tên gì dậy?
– Dạ em tên Ngoan. Anh Tư chưa dìa… Mời anh vào nhà…
Vào trong nhà ngồi trên bộ tràng kỹ nói chuyện giây lát tôi mới biết ra Tư đã viết thư nói cho ba má và mấy cô em gái biết về cuộc hẹn gặp với tôi. Nhờ đó Ngoan mới biết tôi tên là Chu Ngủ.
– Ba má em có nhà không?
Tôi hỏi Ngoan trong lúc uống ly nước lạnh.
– Dạ ba má với chị tư đang làm cỏ ngoài vườn…
– Em mấy tuổi rồi?
– Dạ 14…
– Em có đi học không?
– Dạ có… em học lớp đệ lục…
Tôi tiếp tục cuộc chuyện trò với Ngoan bằng cách hỏi về anh chị em. Tôi muốn biết về cô em gái mà Tư thường hay khen là đẹp nhất xứ, hể gặp mặt là tôi mê liền.
– Em có mấy anh chị?
– Dạ ba… Anh Tư lớn nhất, kế đó chị ba, chị tư rồi tới em…
– Hai chị em có chồng chưa?
– Dạ chị ba mới lấy chồng hồi năm ngoái còn chị tư chưa…
Tôi nghĩ thầm. Ạ… Thế là cô em gái mà Tư hay nói phải là cô em gái thứ tư của nó. Cô ta chắc chưa có chồng nên nó mới năn nỉ tôi về coi mắt em gái nó.
– Chị tư của em mấy tuổi?
– Dạ 18…
– Chỉ đẹp không?
– Xấu ỉn…
Trả lời xong Ngoan bụm miệng cười. Điều đó làm tôi nghĩ con nhỏ nói giỡn.
– Chỉ tên gì?
– Dạ tên Diệp…
– Chị Diệp có đi học như em không?
– Dạ có… Chỉ học giỏi lắm anh…
– Chỉ học lớp mấy?
– Dạ lớp đệ tam… Chỉ học ở ngoài tỉnh lận anh…
– Như vậy là chị Diệp của em học trường Nguyễn Đình Chiểu ở ngoài Mỹ Tho…
– Sao anh biết? Bộ anh học ở trường đó hả?
Tôi lắc đầu cười.
– Không. Anh ở Sài Gòn nên không có học trưởng đó. Nhưng anh có bạn ở Mỹ Tho…
Ngoan tròn hai con mắt mà tròng đen bóng ngời như hai hột nhãn. Giọng của nó như tiếng reo.
– Anh ở Sài Gòn thiệt hả anh? Sài Gòn chắc vui lắm hả anh?
– Ừ vui lắm… Sài Gòn bán đủ thứ. Em có ăn kem chưa?
Ngoan lắc đầu cười rồi chép miệng.
– Dạ chưa… Cà lem cây thì em có ăn còn kem thì chưa bao giờ. Chắc ngon lắm hả anh?
– Ngon… ngon hơn cà lem cây nhiều… Mình ngậm cục kem trong miệng rồi để nó từ từ tan ra… Nó bùi, nó béo, nó ngọt, nó thơm… nó tê tê cái lưỡi của mình…
Thấy Ngoan nuốt nước miếng vì cách diễn tả của mình, tôi cười nói tiếp.
– Mai mốt em lên Sài Gòn anh dẫn em đi ăn kem, khô bò, bún riêu, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang, mì Cây Nhãn, thạch chè Hiển Khánh…
Tôi mỉm cười khi thấy Ngoan ngơ ngơ ngác ngác vì tên thức ăn lạ hoắc chắc nó chưa bao giờ nghe.
– Anh nhớ nghen… ủa mà em đâu có đi một mình được…
Tôi cười uống ngụm nước lạnh.
– Thì em rủ chị Diệp đi với em…
– Rồi tụi em ở đâu?
– Ở nhà anh chứ ở đâu…
– Nhà anh rộng lắm hả?
Tôi liếc nhanh ngôi nhà ngói ba gian hai chái của ba má Ngoan rồi cười cười.
– Nhỏ hơn nhà em nhưng cũng có chỗ cho chị Diệp và em ở vài bữa… Em chịu đi hông?
– Chịu liền… Anh Tư nói anh là bạn thân nhất của ảnh… Anh tốt với ảnh lắm bởi vậy ảnh mới tính…
Nói tới đó Ngoan ngưng lại rồi bụm miệng nhìn tôi cười. Lờ mờ suy đoán ra Ngoan nói cái gì song tôi chỉ cười mà không hỏi tiếp vì nghĩ thế nào con nhỏ cũng làm tài lanh nói cho tôi biết. Ngay lúc đó có tiếng xe gắn máy ngừng ở ngoài lộ.
– Anh Tư dìa…
Con Ngoan vọt ra cửa trước tôi. Con gái nhà quê có khác. Nó chạy nhanh còn hơn con chó cò nữa. Vừa bước ra sân, tôi thấy Tư, một tay xách cái túi quân trang nặng còn tay kia treo tòn ten con Ngoan. Buông cái túi quân trang, Tư bắt tay tôi thật chặt. Hai đứa nhìn nhau mà chẳng có tiếng nào nói ra. Cuối cùng thả tay cho con Ngoan đứng xuống đất, nó mới cười lên tiếng.
– Mày tới lâu chưa?
– Mới tới…
Vò đầu đứa em gái út, Tư nói với nó.
– Em đem cái túi vào nhà cho anh…
Quay qua tôi, Tư nói nhanh.
– Đi… Tao với mày ra vườn chơi… Gặp con Diệp và ba má tao luôn…
Vườn trái cây của nhà Tư khá rộng. Cây được trồng rất ngay hàng thẳng lối và chắc được chăm sóc cẩn thận nên cành lá xum xê đầy trái xanh. Vừa đi tôi với Tư tía lia chuyện trò. Cũng chỉ là chuyện lính. Tư khoe đã có bạn gái ở tại tỉnh lỵ Cà Mau, làm cô giáo dạy ở trường tiểu học.
– Vậy là mày ngon hơn tao rồi. Chừng nào cưới?
Tư lắc đầu cười.
– Chưa biết… Quen thôi chứ chưa có tình cảm sâu đậm lắm… Mày chịu xuống nhà tao vậy là mày kết con em tao rồi hả…
Tôi bật cười hắc hắc.
– Có thấy mặt mũi con em mày đâu mà kết. Rủi nó mắt lé, mặt rổ sao mậy…
Tư nhìn tôi chăm chăm.
– Giỡn mậy… Mày mà thấy nó là mày mê liền…
– Thiệt hả?
Thấy tôi cười hỏi Tư nói bằng giọng chắc nịch.
– Tao bảo đảm…
Hai đứa nín lặng khi nghe tiếng bước chân và tiếng nói của phụ nữ vang lên mà tôi đoán chắc là má của Tư vì cái giọng già và hơi khàn khàn.
– Hổng biết giờ này thằng Tư nó dìa chưa vậy Diệp?
– Dạ con đoán ảnh dìa rồi má…
– Còn bạn của nó. Thằng đó tên gì dậy con?
– Dạ… Anh Tư nói với con bạn của ảnh tên Chu mà vì anh này hay ngủ nên có tên Chu Ngủ…
Tôi nghe có tiếng cười vang lên sau câu nói. Nghe cái giọng thanh thanh và tiếng cười ấm dịu tôi biết đó là Diệp, cô em gái mà Tư định mai mối cho tôi. Quay sang tôi thấy Tư cũng đang nhìn tôi mỉm cười.
– Mày nghe giọng của nó được hông?
Dù đã khoái cái giọng nói cười của Diệp song khi Tư hỏi thì tôi làm bộ nhún vai ậm ừ không trả lời. Tôi với nó đứng lại chờ ba má và Diệp đi tới.
– Con dìa rồi má…
Tư nói lớn. Má của Tư cười tươi hỏi han khi thấy mặt con trai. Tôi chào ba má Tư và mỉm cười với Diệp. Cô ta một tay cầm cái nón lá đưa lên cao đủ để cho tôi thấy khuôn mặt và nụ cười nở ra trên đôi môi son và câu nói thật nhỏ.
– Chào anh…
Rồi sau đó Diệp lại kéo vành nón lá lên che khuôn mặt. Ba của Tư đi trước, kế đó Tư với má đi kế. Còn tôi với Diệp đi sau cùng. Tôi nhát gái còn Diệp thì ít nói và có vẻ không được tự nhiên lắm nên hai đứa im lặng đi bên nhau.
– Cô Diệp khác hơn Tư kể cho tôi nghe về cô…
Vừa nói tôi vừa quay nhìn mong thấy được khuôn mặt. Nhưng tôi thất vọng vì khuôn mặt của Diệp đã bị che khuất bởi vành nón lá nghiêng nghiêng. Khá lâu Diệp mới lên tiếng. Giọng nói chậm, thanh thoát, dịu dàng hầu như bị át bởi tiếng gió lùa cành lá rì rào khiến tôi chú ý lắm mới nghe rõ được.
– Khác như thế nào hả anh Chu?
– Tôi nghĩ tôi sẽ gặp một cô gái quê nhưng Diệp làm cho tôi có chút ngạc nhiên…
– Anh Chu ngạc nhiên điều gì?
Tôi ngước nhìn lên tàng cây xanh. Nắng lổ chổ trên nền đất sạch không có cỏ dại.
– Cái vẻ nửa quê nửa tỉnh của cô học trò trường Nguyễn Đình Chiểu… mà có khi lại nhiều tỉnh hơn quê…
– Sao anh Chu biết tôi học ở ngoài tỉnh?
– Tôi tới nhà lúc Tư chưa về nên tôi có dịp nói chuyện với Ngoan. Cô ấy đúng là ngoan, tôi không hỏi cũng nói… nhiều khi chưa hỏi cũng nói…
Tôi nghe giọng cười của Diệp vang lên sau vành nón lá. Lúc còn ở quân trường, Tư thường hay khoe với tôi giọng cười của cô em gái tên Diệp ngọt lịm như cam Cái Bè. Hồi đó vì chưa được nghe giọng cười cũng như chưa được ăn cam Cái Bè nên tôi nghi ngờ về lời khoe của Tư. Bây giờ được nghe Diệp cười tôi nghĩ lời Tư khoe rất đúng.
– Cô Diệp… tôi có một yêu cầu?
– Dạ…
– Tôi muốn ăn cam Cái Bè…
Không cần nhìn tôi cũng biết Diệp thắc mắc về câu nói của mình nên cười thong thả giải thích.
– Hồi mới quen nhau Tư thường hay khoe với tôi về cô em gái thứ tư của mình. Tư nói cô có giọng nói cười ngọt lịm như cam Cái Bè. Bây giờ nghe cô cười nói tôi muốn được ăn cam Cái Bè để biết Tư nói có đúng không…
Làm thinh giây lát Diệp mới thỏ thẻ.
– Dạ… Anh Tư có nói với tôi anh Chu ăn nói hay lắm. Anh còn khoe anh viết văn nữa. Bây giờ gặp tôi mới tin lời của anh Tư…
Tôi bật cười vì hiểu cái ẩn ý của Diệp.
– Vậy thì Diệp có chịu cho tôi ăn cam Cái Bè hông. Mà phải là cam của nhà Diệp trồng mới ngon ngọt…
Tôi nghe tiếng cười trong trẻo của Diệp vang trong vành nón lá. Dường như muốn để cho tôi với Diệp tự do trò chuyện nên Tư và ba má đi thật nhanh bỏ chúng tôi một quãng khá xa.
– Mát quá…
Tôi lên tiếng. Diệp cũng thỏ thẻ.
– Dạ… Mùa này tuy nắng nóng nhưng cũng mát nhờ vườn của ba má nằm sát bờ sông với lại cây lá nhiều nên nắng không xuyên qua được. Đi trong vườn mà nhiều khi tôi có cảm tưởng mình đi dưới vòm lá…
– Thấy chưa… Diệp ăn nói còn văn hoa hơn tôi nữa… Đi dưới vòm lá mát rượi mà sao Diệp còn đội nón…
Diệp bật lên tiếng cười ngắn. Cô hiểu được cái ý của tôi muốn cô bỏ nón lá xuống để nhìn mặt. Lát sau Diệp mới chịu lấy nón lá ra song lại làm bộ đưa nón lá lên quạt quạt mấy cái cho mát. Bây giờ tôi mới nhìn thấy rõ ràng cô em gái của Tư. Khuôn mặt trái soan. Mũi hơi cao thẳng với chót mũi hơi nhọn. Cặp chân mày gọn, dài và không rậm đen lắm. Đôi mắt dài to sâu thêm hàng lông mi dài khiến cho ánh mắt nhìn thật thu hút, quyến rũ cũng như có nhiều trầm lắng. Cái miệng nhìn rất cân xứng với khuôn mặt. Nó không rộng lắm để người ta nghĩ ” làm tan hoang cửa nhà ”. Làn môi son thắm đỏ. Lớp da mặt mịn màng và rám nắng. Nhìn chung, Diệp đẹp một cách đằm thắm và dịu dàng song thấp thoáng chút gì tinh nghịch và lãng mạn.
– Anh Chu đi lẹ lên… gần tới nhà rồi…
Diệp nhắc khi thấy tôi đi chậm lại vì muốn dài thời gian đi bên cạnh cô.
– Gần tới nhà thì mình đâu cần phải đi lẹ…
Diệp hứ tiếng nhỏ khi nghe câu nói của tôi.
– Anh Chu đúng là người ở Sài Gòn… nói sao cũng được…
Dứt lời Diệp bước vượt qua mặt tôi. Đi sau tôi có đủ thời giờ nhìn ngắm vẻ đẹp ở phía sau lưng của cô gái Cái Bè. Chiếc quần vải màu đen tuy hơi rộng song cũng cho tôi cảm nhận được bờ mông thon gọn xuôi xuống đôi chân dài. Bàn chân trần trắng dẫm lên nền đất đen tạo thành nét dễ nhìn. Chiếc áo bà ba trắng hơi ngã màu bó gọn thân hình thon gọn của cô gái phải làm lụng nhiều. Mái tóc đen dài được kẹp bằng chiếc kẹp màu ngà ngà xỏa tới lưng. Có lẽ biết tôi đang nhìn ngắm phía sau lưng của mình do đó bước chân của Diệp có vẻ gì luống cuống và dáng điệu cũng không được bình thường. Vì vậy mà cô bước chậm lại để cho tôi bắt kịp. Đi song song tôi cười hỏi.
– Diệp cao mấy thước?
– Dạ Diệp thì ” vai năm tấc rộng lưng mười thước cao ”…
Trả lời xong Diệp bật lên cười còn tôi không nhịn được cũng bật cười lớn khi nghe cô gái dùng Kiều để ví von về chiều cao của mình.
– Tôi thấy Diệp có khiếu làm thơ đó…
Diệp mỉm cười vì lời khen của tôi.
– Dạ… Tôi mà làm thơ gì… thơ con cóc hả… Anh Chu đừng có ngạo tôi…
Hơi mỉm cười tôi lái câu chuyện sang hướng khác.
– Trong các môn học, Diệp thích môn gì nhất?
Hơi ngần ngừ giây lát Diệp mới ngập ngừng.
– Dạ… Việt Văn, Sử Địa và Sinh Ngữ…
– Diệp học ban nào?
– Dạ ban A… Diệp thích ban C mà trường lại không có nên phải chọn ban A…
– Tôi biết Diệp có khiếu về văn thơ…
– Sao anh Chu biết?
Tôi quay qua nhìn thẳng vào mặt Diệp. Cô ta cũng im lặng nhìn tôi với đôi môi hơi mím lại.
– Chuyện Diệp dùng một câu thơ trong Kiều để ví von về chiều cao của mình làm cho tôi nghĩ Diệp có cái mẫn tiệp, cái nhạy cảm với thơ. Thơ là sự tự bộc phát ngôn ngữ từ tâm linh của chúng ta, không như văn phải qua một chặng đường của suy tư và lý luận…
Diệp cười bằng mắt. Cái cười đó biểu lộ sự đồng tình và hiểu được những gì tôi nói.
– Diệp rất vui khi được nói chuyện với anh Chu. Phải nói là Diệp học được từ anh Chu nhiều điều lý thú lắm…
– Tôi ở nhà Diệp ba ngày…
Hiểu ý của tôi, Diệp cười nói nhỏ.
– Dạ… Diệp sẽ cố gắng nói chuyện với anh Chu nhiều hơn… Bây giờ thì Diệp mời anh Chu ăn cam ” Diệp Cái Bè ” để anh Chu so sánh…


8 giờ tối. Diệp và tôi ngồi trước hàng hiên. Chút ánh trăng thượng tuần soi mờ mờ cảnh vật. Ba má của Tư đã đi ngủ. Phần Tư, như muốn tôi được tự do trò chuyện với em gái của mình nên rủ Ngoan ra chợ chơi. Diệp ăn mặc khác hơn hồi xế chiều lúc đi làm vườn về. Cũng vẫn là áo bà ba trắng và quần vải đen song mới hơn. Thêm vào đó cô lại mang đôi giép cao su. Tôi ngửi được hương thơm toả ra từ mái tóc mới vừa khô của Diệp. Dường như đó là hương của bông bưởi.
– Cám ơn Diệp đã ngồi nói chuyện với tôi…
Diệp cười nhỏ.
– Dạ… Mặc dù có anh Tư bảo kê song ba má cho phép Diệp mới dám ngồi nói chuyện với anh Chu…
Ngập ngừng giây lát Diệp quay nhìn tôi bằng ánh mắt thật dịu dàng.
– Với lại Diệp cũng thích được nói chuyện với anh Chu…
– Diệp thích nói chuyện gì?
– Dạ… chuyện văn chương… chuyện đời lính… chuyện tình của anh Chu…
– Chuyện tình của tôi?
– Dạ… Diệp nghĩ đi lính như anh Chu thì quen biết nhiều người lắm…
– Quen thì nhiều lắm nhưng quen chưa hẳn là thương, là yêu…
– Thì trước lạ sau quen rồi từ quen tới thương mấy hồi…
Diệp cười sau câu nói. Tôi nhận thấy Diệp có giọng cười thật ấm dịu.
– Cũng có người mà mình quen lâu song lại không thương… cũng có người mình mới gặp mà lại thấy gần gụi…
Tôi thấy Diệp quay qua nhìn vào mặt tôi thật lâu song lại không nói gì hết. Trong bóng đêm thâm u của vùng Hoà Khánh tôi chỉ thấy đôi mắt sâu thẳm.
– Lúc còn ở trung tâm huấn luyện, Tư thường hay nói với tôi về cô em gái thứ tư của mình. Nó khen em gái đẹp nhất xứ Cái Bè, mà con gái Cái Bè đẹp nhất miền nam thành ra cô em gái của Tư đẹp nhất miền nam. Đó là cái lý sự cùn của Tư mỗi khi bị tôi nhạo là nó xạo…
Lần này Diệp lại bật lên tràng cười hắc hắc rất lâu.
– Nó nói mày hổng tin thì dìa nhà thấy mặt em gái tao thì mày biết liền. Tao dám cá mày mà gặp nó là mày mê nó liền… mê bỏ ăn bỏ ngủ luôn…
Diệp cười. Tôi có cảm tưởng Diệp sung sướng khi được tôi, dùng những lời của anh mình để khen tặng mình.
– Rồi khi gặp mặt Diệp anh Chu thấy gì?
Tôi quay qua nhìn và thấy Diệp cũng đang nhìn mình. Tia nhìn của cô thật dịu dàng và đằm thắm.
– Tôi thấy Diệp còn có nhiều điểm hơn Tư nói nữa… Diệp dịu dàng, thông minh, hiếu thảo và xinh xắn…
– Anh Tư còn nói gì nữa hả anh Chu?
– Ngày mãn khoá, Tư có nói với tôi là nếu tôi chịu thì nó sẽ xin với ba má gã em gái cho tôi…
Diệp hứ tiếng nhỏ khiến cho tôi phải bật lên tiếng cười.
– Rủi Diệp hổng chịu thì sao?
Tôi cười lặng lẽ với tôi. Dĩ nhiên tôi cũng nghĩ tới điều này. Chính tôi cũng không muốn có sự gượng ép hay gã bán trong hôn nhân. Với tôi hôn nhân phải đi sau tình cảm. Trai gái phải thương yêu nhau trước thì hôn nhân mới bền vững. Khi thương yêu thật tình, người ta mới lo lắng, mới hy sinh, mới tha thứ và mới chịu tựa nương vào nhau để sống đời với nhau.
– Nếu Diệp hổng chịu thì thôi. Đừng ép mình phải thương yêu người khác…
Tôi thấy Diệp cười nhỏ gật đầu như đồng ý về lời tôi nói.
– Anh Chu chịu hông?
– Chịu cái gì?
Diệp hứ tiếng nhỏ vì bị hỏi khó và phải trả lời câu hỏi.
– Thì chịu cái gì anh chịu…
Nói xong Diệp phá ra cười một cách vui vẻ.
– Còn Diệp chịu hông?
– Chịu cái gì?
– Thì chịu cái gì Diệp chịu…
Tới đây thì Diệp và tôi lại phá ra cười.
– Mình cười lớn quá ba má nghe…
Diệp thì thầm. Tôi và Diệp nói lan man đủ chuyện cho tới khi Tư cõng con Ngoan đã ngủ khò trên lưng dìa tới nhà. Có Tư, câu chuyện đổi hướng khác đầy cởi mở và thân tình hơn.
– Em chịu Chu Ngủ hông Diệp?
Diệp làm thinh thật lâu mới lên tiếng.
– Dạ… mà em còn đi học mà anh…
Quay sang nhìn tôi, Diệp cười bằng mắt.
– Mình quen nhau trước nghen anh…
Câu nói của Diệp kết thúc buổi trò chuyện. Hai ngày sau tôi bắt tay từ giã Tư và gia đình nó. Tôi hứa với nó là sẽ cố gắng về Cái Bè hoặc tới Mỹ Tho gặp Diệp thường xuyên hơn.
Về lại đơn vị, tình hình chiến sự có đôi chút sôi động hơn khiến cho tôi không thể làm tròn lời hứa với Tư mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới cô em gái của nó. Ba tháng sau tôi nhận được thư của Diệp.
Anh Chu thân,
Mặc dù trước khi đi anh Tư có nhắc nhở cho Diệp là nên thường viết thư thăm hỏi anh nhưng Diệp lại không làm được chuyện đó. Diệp xin lỗi anh. Không viết thư không có nghĩa là Diệp quên anh. Dù chúng ta chỉ gặp nhau có một lần nhưng Diệp rất thích và mến anh. Anh là một người con trai mà Diệp có hân hạnh được chuyện trò nhiều. Từ đó Diệp khám phá ra anh có cá tính mà Diệp rất thích và kính phục. Đó là sự hiểu biết trong chuyện tình cảm của trai gái. Dù sinh ra ở vùng quê Cái Bè nhưng Diệp có được cái may mắn được ba má cho ra tỉnh học hành. Nhờ đó Diệp hấp thụ được cái lối suy nghĩ của thị thành, hiểu được thế nào là tự do suy nghĩ và chọn lựa trong chuyện tình cảm và cách thế sống của mình. Chính ba má của Diệp cũng đã nhiều lần nói bóng gió xa xôi về chuyện gã chồng cho con gái của mình. Diệp kính trọng ý kiến cũng như biết ơn công dưỡng dục của ba má nhưng Diệp lại muốn được dự phần trong quyết định có ảnh hưởng rất nhiều tới mình. Chính anh Tư, người có uy tín và ảnh hưởng rất nhiều tới các quyết định của ba má, đã ủng hộ và bênh vực Diệp khi biết ba má định gã Diệp cho một anh trong xóm từ lúc Diệp mới có 17 tuổi. Diệp nghĩ, anh Tư muốn đưa anh về gặp Diệp là để Diệp có dịp quen biết anh. Dĩ nhiên anh Tư là bạn thân của anh, sau 1 năm ở bên nhau sẽ hiểu biết tính tình của anh nhiều hơn Diệp. Ảnh nói về anh, khen anh lắm, bảo anh rất hợp tính tình và sở thích với Diệp. Tựu chung là ảnh khuyến khích Diệp làm quen với anh. Sau khi trò chuyện với anh nhiều lần, rồi anh đi xa, Diệp có thời giờ suy nghĩ để cuối cùng thấy mình có nhiều cái tương đồng hơn tương phản. Vì thế Diệp mới viết thư cho anh, tiếp tục mối giao hảo mà Diệp nghĩ là anh và Diệp đều muốn. Chuyện tình cảm mai sau và mối lương duyên của chúng ta thì Diệp có nghĩ đến nhưng chưa muốn xảy ra bây giờ. Diệp còn trẻ ( nếu anh nghĩ 18 tuổi là trẻ ), còn muốn được tiếp tục đi học, trau dồi kiến thức của mình để sau này làm cái gì giúp đỡ cho cha mẹ già và cho đất nước. Anh là lính, đang dự phần trong cuộc chiến đấu để cho những người thân yêu trong đó có Diệp được sống an lành trong không khí tự do cho nên Diệp cũng muốn chia xẻ với anh gian nan, cực khổ và nguy hiểm. Diệp, thành thực trong lòng mà nói, được coi anh như là người bạn tình, cảm mến và lo lắng cho anh. Nếu anh bằng lòng như thế thì anh có thể viết thư cho Diệp bất cứ lúc nào, tới gặp Diệp bất cứ lúc nào anh muốn. Diệp vui mừng đón tiếp anh, lắng nghe anh kể chuyện lính của anh cũng như nói cho anh nghe về những gì xảy ra trong đời học sinh của Diệp.
Cuối thư, Diệp xin nhắc anh cố giữ gìn sức khoẻ và có dịp về thăm Diệp ở Cái Bè cũng được mà ở ngoài tỉnh cũng được. Anh Tư nhắc anh hoài khiến cho Diệp hổng thích anh cũng hổng được. Hi vọng khi quen biết nhau nhiều thì Diệp sẽ thích anh nhiều hơn.
Kính thư
Cô Cái Bè của anh
Tôi gấp lá thư lại. Dòng sông Vàm Cỏ Tây lưa thưa vài chiếc ghe có người đứng chèo từ bờ bên này băng ngang con sông rộng và nước chảy khá mạnh vì ảnh hưởng của nước ròng nước lớn khá mạnh. Mở lá thư ra nhìn năm chữ ” Cô Cái Bè của anh “, tôi mỉm cười hình dung ra vóc dáng của Diệp. Buổi sáng tôi từ giã Cái Bè, Tư chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, còn Diệp đèo Ngoan bằng chiếc xe đạp mới hơn chạy ra chợ quận. Bốn đứa ngồi ăn xôi, bánh bèo. Tôi với Tư uống cà phê nói chuyện lung tung. Diệp im lặng, thỉnh thoảng cười thôi. Khi tôi ngồi vào lòng chiếc xe lam, Diệp cũng im lặng nhìn tôi cười như thay cho lời chào từ giã. Dù được đi học ở tỉnh thành, dù hấp thụ ít nhiều văn minh của thành thị, Diệp cũng còn sót lại nét đặc thù của một cô gái quê. Đó là sự thành thực, e thẹn, ngây thơ và chất phác. Tôi biết Diệp có rất nhiều điều muốn nói mà chưa nói hết được vì ngại ngùng, mắc cỡ và con nhà gia giáo. Diệp thố lộ là nhờ có sự bảo kê của Tư nên mới được ba má cho phép tự do ngồi nói chuyện với tôi. Đọc lại lần nữa những gì Diệp viết, tôi nhận thấy lời Diệp phân trần rất thích hợp. Chính tôi cũng chưa muốn lập gia đình khi còn trẻ và nhất là với đời lính nhiều bấp bênh không có chỗ ở nhất định và không nói tới chuyện sống chết. Với lại tôi chưa có tình cảm sâu đậm tới độ phải buộc mình với một cô gái khác. Cứ quen nhau, khi nào thích gặp nhau đi chơi rồi đời ai nấy sống như vậy dễ dàng và thoải mái hơn. ” Tại sao mình không đi Mỹ Tho gặp Diệp ”. Tôi là người có tật xấu là muốn cái gì thì phải làm cho được. Sáng thứ sáu, sau khi dặn dò ông thượng sĩ, tôi ngồi đò qua Long An rồi bắt chuyến xe đi Mỹ Tho. 4 giờ chiều. Diệp ngỡ ngàng khi thấy tôi xuất hiện nơi nhà dì năm của Diệp. Lúng túng vì bị dì dượng và mấy đứa em bà con quan sát, Diệp chỉ cười mà không nói được lời chào. Cái may là tôi mặc quân phục, mà dượng năm của Diệp cũng là lính tòng sự ở tiểu khu do đó rất thông cảm về sự có mặt bất ngờ của tôi. Trong bữa ăn tối, tôi trả lời những câu hỏi của dì dượng năm về đời lính cũng như gia thế của mình. Sau khi ăn xong tôi xin phép ông bà mời Diệp đi chơi và hứa sẽ đưa Diệp trở lại nhà đúng 10 giờ đêm.
– Diệp sợ anh ghê…
Đó là câu nói của Diệp khi hai đứa bước ra khỏi cổng.
– Diệp sợ cái gì?
– Tự nhiên là ló cái mặt ra ở nhà người ta. Sao anh Chu không viết thư nói trước…
Tôi cười nhìn Diệp.
– Viết thư thì lâu lắm. Đọc thư của Diệp xong là tôi muốn gặp Diệp liền. Với lại viết thư báo trước rủi Diệp trốn mất tiêu thì biết đâu mà tìm…
Diệp bật lên tiếng cười. Giọng cười của cô thật ấm.
– Diệp hứa với anh Chu là Diệp sẽ không trốn mất tiêu…
– Lấy gì làm tin…
– Cái này nè…
Diệp cong ngón tay mềm mại ra và tôi móc ngón tay chai cứng của mình vào như một ước hẹn.
– Diệp không nghĩ là anh Chu sẽ đi tìm gặp Diệp…
Quay nhìn tôi sau khi nói, Diệp cười bằng mắt.
– Tuy bất ngờ nhưng Diệp vui mừng và sung sướng được gặp anh Chu…
Tôi thở ra một hơi thật dài.
– Khi nhìn thấy Diệp, tôi cảm thấy có cái gì khác lạ trong tâm hồn của tôi. Lần trước khi xa Diệp tôi chỉ hơi buồn. Lần này gặp lại Diệp, trong lòng tôi đã có sự thay đổi…
Diệp bước chậm khi ra tới đường lớn. Chiều bảy giờ nhưng vẫn còn chút nắng trên cây trứng cá. Xe cộ chạy ồn ào.
– Tôi không tán Diệp đâu. Lính như tôi không có thì giờ để làm chuyện đó. Tôi nói thực lòng mình…
Diệp nhìn tôi im lặng song tia nhìn sáng chút hạnh phúc nhỏ nhoi. Thấy Diệp cười, tôi đùa.
– Tôi chưa có thương Diệp đâu… đừng có ham và đừng có mừng vội…
Trề môi ra Diệp nói trong tiếng cười.
– Ai mà mừng… Diệp hổng ham anh thương đâu… anh đừng có mừng vội…
– Đừng có dối lòng mình. Ít nhiều tôi cũng thấy được Diệp mừng hay Diệp ham…
Diệp cười hăng hắc như để khoả lấp câu nói thực của tôi.
– Mình đi đâu hả anh Chu?
– Chỗ nào Diệp thích nhất…
Diệp ngoắc chiếc xích lô đang đậu dưới gốc cây. Cô Cái Bè không được thoải mái lắm khi ngồi chung xe với tôi. Lòng xe hẹp nên dĩ nhiên hai đứa phải ngồi sát nhau. Liếc qua tôi thấy mặt của Diệp đỏ dần lên và hai môi mím chặt lại như cố che đi mắc cỡ cũng như cảm xúc của lần đầu va chạm với người khác phái. Hai đứa nín thinh trong lòng xe và suốt chuyến đi ngắn. Khi xe ngừng trước một cái quán ăn nhỏ nằm dọc theo bờ rạch, Diệp mới thở phào ra. Tôi bước ra trước rồi đưa tay cho Diệp cầm để lấy thăng bằng bước ra. Đưa hai trăm cho bác xích lô, tôi cười thì thầm vào tai Diệp.
– Lần sau kêu xích lô nữa nghen…
Hiểu ý đùa giỡn của tôi, Diệp hứ tiếng nhỏ.
– Hông… lần sau Diệp đi bộ…
Ngừng lại nhìn tôi giây lát Diệp mới nói tiếp.
– Lần đầu tiên Diệp mới ngồi chung xe với người lạ…
– Tôi đâu phải người lạ…
– Anh Chu không phải người lạ song cũng chưa quen nhiều lắm…
Cười cười tôi nhìn Diệp.
– Diệp phải tập ngồi chung cho quen dần đi. Biết đâu mai mốt mình lại ngồi chung xe, rồi đi chung lối, ở chung nhà…
Nghe tới đó Diệp mặt đỏ au nhìn thật tội và thật thương.
– Anh Chu kỳ ghê…
Nói xong Diệp ngoe nguẩy bước lẹ vào trong quán. Cười cười tôi không đi mà đứng im thưởng thức dáng đi uyển chuyển của Cô Cái Bè và ước mong ngay tại phút này, đất nước dứt chiến tranh để tôi có lý do mà mạnh dạn thương yêu và sống đời với người mình thương yêu. Ngồi xuống chiếc bàn nhìn ra dòng kinh nước đục, Diệp cười với tôi.
– Anh Chu uống nước dừa xiêm nghen… Nước dừa ở đây ngon lắm anh…
Tôi thương vô cùng tiếng ” anh ” ngọt ngào chan chứa tình của Diệp.
– Cám ơn Diệp…
– Anh cám ơn cái gì?
Tôi nhận thấy Diệp thay đổi trong cách xưng hô. Không biết đó là sự vô tình hay cố ý, nhưng điều này có lợi cho tôi vì thế tôi cũng nhân dịp đổi cách xưng hô.
– Anh cám ơn Diệp về tiếng ” anh ”… Nó làm anh mừng muốn nhảy xuống kinh Chợ Gạo…
Cười thánh thót khi thấy tôi đưa tay chỉ ra ngoài dòng nước cuồn cuộn chảy, Diệp đùa một câu.
– Diệp thành thực can anh đừng có nhảy. Diệp sẽ mất đi một người bạn tốt tìm hoài bây giờ mới gặp…
– Bạn tốt hay bạn tình. Anh nhớ Diệp có nói mình là bạn tình mà. Đó cũng là lý do chính anh muốn gặp lại Diệp…
– Phải hông… chắc lúc đó Diệp viết lộn hay là cầm lòng không đặng…
Nói xong Diệp nín liền khi thấy đứa bé gái bưng hai ly nước dừa tới. Đón lấy hai ly nước, một đặt trước mặt cho Diệp còn một trước mặt mình, tôi cười cười.
– Một người có ăn học, học tới lớp đệ nhị nghen, thông minh và khôn ngoan như Diệp thì anh chắc không có viết lộn đâu. Còn chuyện Diệp cầm lòng không đặng thì ” văn tức là người ”…
Diệp bật tiếng cười vì lý lẽ của tôi. Cuối cùng, sau khi uống một hớp nhỏ nước dừa Diệp lên tiếng.
– Anh Chu dìa chừng nào đi?
Tôi nhăn mặt.
– Đừng có đánh trống lãng… Anh chưa chịu đi cho tới khi Diệp trả lời câu hỏi của anh…
– Nói chuyện với anh giống như đánh cờ tướng… Anh ví Diệp giống như anh xua xe pháo mã ví ông tướng…
Cười hì hì tôi hỏi.
– Diệp biết đánh cờ tướng hả?
Vênh cái mặt lên Diệp nhìn tôi cười.
– Cỡ như anh Diệp dám chấp con ngựa…
Uống một ngụm nước dừa tôi cười nhẹ lắc đầu. Tôi về đây để làm mối giao tình giữa tôi và Diệp càng thêm thân mật nên không muốn lãng phí giây phút nào.
– Chuyện đó hậu xét… Chút nữa mình ra bờ sông ngắm cảnh rồi sau đó mình đi bộ về nhà. Hay là Diệp muốn ngồi xe…
Mặt của Diệp đỏ lên vì mắc cỡ khi nghe tôi nhắc lại chuyện ngồi chung xe. Khoảng 8 giờ rưởi tối, hai đứa rời quán nước đi bộ ra công viên Lạc Hồng nằm cạnh bờ sông Mỹ Tho. Dưới ánh đèn điện vàng mờ mờ, Cô Cái Bè của tôi đẹp đơn sơ và mộc mạc. Không phấn son, trang điểm, không dầu thơm nước hoa gì hết; Diệp thật bình dị với áo bà ba trắng, quần luạ đen và đôi guốc làm bằng cây. Mái tóc đen dài bay trong gió từ mặt sông bốc lên.
– Gió mát hả anh…
Diệp cười nói. Không có ai ở bên cạnh, Diệp cảm thấy tự nhiên và thân mật với tôi hơn.
– Anh cảm thấy lòng thật bình yên và thanh thản khi ở bên Diệp… Chiến tranh như bỏ rơi anh…
Tôi nói nhỏ. Dường như cảm thông được suy tư của tôi, Diệp nói chậm và buồn.
– Diệp cũng vậy… Khi anh đi rồi Diệp có thời giờ nhớ lại và rất quí những phút giây của chúng ta ở Cái Bè… Diệp cảm thấy gần gụi với anh nhiều hơn. Đó cũng là lý do khiến Diệp viết thư cho anh…
Tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay của Diệp. Không có cử chỉ phản kháng nào mà chỉ có cái xiết tay nhè nhẹ. Trên đường đi bộ về nhà, hai đứa im lìm suy nghĩ và chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau cười. Sáng hôm sau, Diệp đi bộ với tôi ra bến xe để tôi đón xe về Long An. Không lời từ giã cũng như hẹn gặp lại mà Diệp chỉ nói câu: ” Anh ráng giữ gìn sức khỏe. Diệp là một trong nhiều người quan tâm tới anh…”. Ngồi trong lòng chiếc xe chật hẹp tôi nghĩ hoài về một điều: ” Tình cảm giữa tôi với Diệp rồi sẽ đi tới đâu…”. Không có lời giải đáp thỏa đáng. Sau hai lần gặp nhau tôi biết ở bên cạnh cô gái tính tình hồn nhiên và đôn hậu như Diệp, tôi có được sự bình yên để làm dịu bớt nỗi ưu tư thời cuộc của một người lính. Từ đó tôi quyết định tôi sẽ thăm Diệp thường xuyên hơn. Tuy nhiên đời lính bận bịu không cho phép tôi làm chuyện đó. Mãi cho tới tháng 10, nhân chuyến công tác ở tại tỉnh, tôi được phép miệng của cấp chỉ huy về Mỹ Tho ba ngày. Tới nhà dì năm của Diệp tôi mới biết Diệp đã về thăm nhà. Không muốn mất thì giờ tôi bao chiếc xe ôm chở tôi về tận nhà Diệp ở Cái Bè. Nhà vắng không có ai kể cả con chó cò và Ngoan thường hay coi nhà. Đoán nguyên gia đình ra vườn tôi cũng đi ra. Chừng vài chục thước tôi nghe tiếng con Ngoan cười hắc hắc rồi sau đó tiếng Diệp cười nói vang vang hòa lẫn với tiếng lội bì bỏm dưới cái mương rộng.
– Hai chị em làm gì đó?
Diệp với Ngoan trố mắt nhìn khi thấy tôi đứng trên bờ. La tiếng nhỏ Diệp hụp đầu xuống nước rồi lát sau lại trồi lên chỉ ló cái đầu. Con Ngoan cười hắc hắc lặn một hơi thật xa chỗ tôi đứng xong hối hả trèo lên bờ chạy một hơi dìa nhà. Đứng dưới nước Diệp lí nhí.
– Anh dìa hồi nào vậy?
– Mới dìa. Diệp tắm xong chưa?
– Dạ xong rồi…
– Lên bờ đi anh có nhiều chuyện muốn nói với Diệp…
– Anh nhắm mắt lại đi…
– Chi vậy?
– Cho Diệp lên bờ…
Cười hi hì tôi đùa.
– Diệp tắm xong thì cứ việc lên bờ chứ sao bắt anh phải nhắm mắt lại…
– Diệp không muốn anh thấy… Kỳ lắm… Mắc cỡ lắm…
Thấy tôi vẫn chưa chịu nhắm mắt lại mà còn nhìn chăm chăm xuống chỗ mình đứng, Diệp năn nỉ.
– Nghen anh… Nhắm mắt lại đi…
– Quay lưng được hông?
Tôi nghe Diệp thở khì ra.
– Cũng được… mà anh hổng được quay lại à nghen…
Cười hì hì tôi quay lưng. Dù không nhìn tôi cũng đoán Diệp hấp tấp trèo lên bờ.
– Xong chưa…
– Chút nữa…
Tôi nghe có tiếng quần áo kêu sột soạt rồi sau đó Diệp lên tiếng.
– Xong rồi…
Tôi quay lại. Đỏ mặt, Diệp im lặng mím môi chịu đựng cái nhìn soi mói của tôi. Bây giờ tôi mới nhận ra cô nàng đi làm vườn mặc hai lớp áo bà ba, khi tắm sông thì cởi bớt lớp bên ngoài nên mắc cỡ không muốn tôi nhìn thấy.
– Anh đi trước đi…
Cười hì hì tôi bước đi trước. Thỉnh thoảng quay đầu lại tôi thấy Diệp lấy nón lá che ngực mình.
– Sao anh biết Diệp ở đây?
– Ghé nhà dì năm mới biết… Anh được ba ngày phép nên đi thăm em…
Cười hắc hắc Diệp lên lớp tôi bằng câu nói.
– Sao anh hổng về thăm má anh mà lại đi thăm Diệp…
Tôi nói trong tiếng cười.
– Má anh còn sống nhăn nên lúc nào thăm cũng được…
– Thì Diệp cũng sống nhăn chứ có chết đâu…
– Anh mà không đi gặp em thì em vẫn sống nhăn răng ra nhưng anh thì lại chết trong lòng một ít…
Diệp bật cười vui khi nghe tôi kể khổ.
– Anh lính xạo thấy mồ Diệp hổng tin anh đâu…
Tôi cười ha hả.
– Anh Tư của Diệp nói sở dĩ chơi với anh vì ảnh nói anh là người lính ít xạo nhất trong triệu người lính của nước VNCH mình…
Diệp hứ tiếng nhỏ.
– Người vậy mà tui lại thương…
– A… Vậy là Diệp thú nhận Diệp thương anh…
– Diệp nói hồi nào đâu…
– Mới nói đó…
– Diệp xạo…
Diệp cười hắc hắc như chọc tôi.
– Anh có ăn gì chưa?
– Chưa… Ba má Diệp đi đâu rồi?
– Ổng bả đi ăn đám giỗ… Diệp nấu cơm anh ăn nghen…
– Thôi mình ra chợ ăn đi… Rủ con Ngoan đi nữa…
Về tới nhà, thay quần áo xong tôi đạp xe đạp còn Diệp đèo Ngoan ra chợ ăn hủ tiếu rồi mua thêm kẹo bánh đem về nhà. Con Ngoan nằm đọc sách trên võng còn tôi với Diệp ngồi nơi hàng hiên nói chuyện. Không như mọi khi, lần này Diệp ít nói và có vẻ gì ưu tư.
– Diệp có chuyện gì?
Tôi lên tiếng hỏi. Đắn đo chốc lát Diệp mới thố lộ. Ba má Diệp đi ăn đám giỗ ở nhà người nào đó mà họ tính làm xuôi gia. Diệp đã viết thư năn nỉ anh hai của mình về nhà phân giải với ba má vì biết ba má rất nể nang anh hai. Liếc tôi mấy lần xong Diệp mới nhỏ nhẹ thốt.
– Nếu anh vẫn còn nhớ lời anh nói ” Biết đâu mai mốt mình lại ngồi chung xe, rồi đi chung lối, ở chung nhà… ” thì Diệp xin anh hãy thưa với ba má của Diệp để ổng bả bỏ ý định gã Diệp cho người khác…
Nói tới đó Diệp ngưng lại. Tôi thấy ngay sự bối rối, ngượng ngùng và khẩn trương của Diệp. Ở thời buổi này rất khó cho một cô gái nói chuyện yêu đương hoặc vợ chồng trước mặt người con trai. Huống chi Diệp hầu như năn nỉ tôi mở lời cưới cô nàng. Tuy nhiên điều đó khiến tôi cảm động vì biết phải có sự thành thực và tình cảm sâu đậm Diệp mới dám nói ra chuyện khó nói này.
– Anh về đây cũng vì chuyện đó… Anh cũng đã nghĩ tới thế kẹt của Diệp nên tối nay anh sẽ thưa chuyện với ba má của Diệp về chuyện hôn ước của mình… Không có ai giành giật được Cô Cái Bè của anh đâu…
Tôi thấy Diệp ứa nước mắt vì cảm động và sung sướng. Cầm lấy tay tôi, Diệp xiết mạnh.
– Diệp cám ơn anh… Em cám ơn anh…
Cười nhận lãnh lời cám ơn đó, tôi nói thêm để an lòng Diệp.
– Tuy mình có hôn ước với nhau nhưng mình không cần phải hấp tấp cưới nhau. Diệp vẫn tiếp tục học để thi đậu tú tài rồi vào trường sư phạm để đạt mong ước làm cô giáo của Diệp. Lúc còn cắp sách anh mong được làm thầy giáo nhưng ước mong của anh bị tan vỡ vì chiến tranh. Bây giờ anh vui sướng khi có người mà anh thương yêu thực hiện mơ ước của anh. Anh phải cám ơn em mới đúng…
Tôi thấy hai giọt nước mắt ứa ra rồi lăn trên má của Diệp. Trong đôi mắt long lanh chứa đựng một thứ rất hiếm quí: hạnh phúc. Tối hôm đó, chắc đã được Tư dặn dò trước, ba má Diệp vui mừng và chấp thuận liền khi nghe tôi thưa chuyện muốn hỏi Diệp làm vợ đồng thời sẽ về nhà trong dịp tết để nói lại với mẹ tôi.
Trưa ngày chủ nhật, tôi với Diệp rời Cái Bè. Ngừng ở ngã ba Trung Lương, hai đứa bịn rịn chia tay. Dù Diệp không hỏi hay năn nỉ, tôi cũng nói tết sẽ về nhà gặp mẹ tôi rồi sau đó xuống nhà gặp Diệp để báo tin mừng.
 
Trưa ngày 27, tôi tập họp lính để báo cho họ biết lịch trình nghỉ tết của đơn vị. Theo thông lệ, mà thông lệ này tùy thuộc vào lệnh hưu chiến được cả hai phe ngầm chấp thuận, thì phân nửa quân số sẽ được nghỉ tết từ ngày 29, 30 và mồng một. Nửa còn lại sẽ nghỉ ngày mồng 2, 3 và 4. Độc thân lại là cấp chỉ huy nên tôi nhường cho ông thượng sĩ về ăn tết trước với vợ con. Đại đội có quân số trăm rưởi mà đi phép phân nửa nên sự hao hụt thấy rõ trong chuyện canh gác, tuần tiễu và chuyện lo cho lính ăn tết tại chỗ. Đêm 30 rạng ngày mồng 1 Tết, đang ngủ tôi giật mình khi nghe tiếng súng nổ rền bên kia sông hướng tỉnh lỵ Long An rồi sau đó súng nổ rải rác khắp nơi trong quận. Mở máy liên lạc tôi mới biết phe bên kia đã bất thình lình hủy bỏ lệnh hưu chiến để mở cuộc tấn công vào các vị trí thuộc tỉnh Long An. Sau đó lính trong đồn mở máy thu thanh mới biết địch quân đã mở cuộc tổng công kích trên toàn lãnh thổ của nước VNCH. Thủ đô Sài Gòn cũng bị đánh phá dữ dội. Ngày Tết, ngày thiêng liêng của mọi người đã trở thành ngày tang thương. Lịnh cấm trại 100% được ban hành. Dù rất muốn gặp Diệp, tôi cũng không thể làm gì khác hơn là chết dí trong cái đồn chỉ có nửa quân số. Ngày qua ngày, súng trên tay, ăn ngủ với chiếc máy truyền tin; tôi mệt lã vì mất ngủ, lo âu và chờ đợi những gì không biết trước sẽ xảy ra cho mình. Tình hình chiến sự tưởng lắng đọng để tôi có thể đi phép tết muộn thì lại sôi sục thêm với tổng công kích đợt 2 của địch. Tôi hầu như mất liên lạc với bên ngoài. Sài Gòn và Cái Bè chỉ cách nơi tôi ở không quá 50 cây số mà lại xa xôi cách trở vô cùng. Những khi có chút nhàn rổi, nhìn ra dòng sông rộng, nhớ tới Diệp và lời hứa gặp nhau dịp tết tôi chỉ còn biết thì thầm lời xin lỗi.
Sau khi trình diện và nghe lời dặn dò của cấp chỉ huy rồi cầm tờ sự vụ lệnh trong tay tôi mới chắc mình được đi phép 7 ngày. Lệnh cấm trại 100% vẫn còn hiệu lực nên lính như tôi chỉ có cách đi phép bằng sự vụ lệnh. Ngồi tại ngã ba gần cầu Long An, tôi phân vân không biết về Sài Gòn thăm gia đình trước hay đi Cái Bè gặp Diệp trước. Cuối cùng thì cái cân tình cảm của tôi vẫn nghiêng về phía Cái Bè. Mẹ tôi sẽ thông cảm với hành động của tôi như bà đã nhiều lần thông cảm cho cái tật ” mê gái ” của con trai.
Xế chiều tôi bước vào sân trước của nhà Diệp. Con chó cò sủa gâu gâu. Con Ngoan hiện ra. Thấy tôi nó khóc hu hu. Điều đó báo cho tôi có cái gì không bình thường. Vào tới nhà, má của Diệp mếu máo.
– Con Diệp chết rồi con ơi…
Tôi cứng người lại. Đi lính chưa lâu nhưng tôi cũng nhiều lần nghe tin bạn bè chết, chứng kiến những người lính dưới quyền tử trận hay vợ con họ bị chết vì bom đạn. Nhưng tin Diệp chết là cả sự thảng thốt và bàng hoàng. Lính như tôi cầm súng chết đã đành song ở đây lại là cô gái trẻ còn đi học. Diệp là một cô gái vô tội trong chiến tranh. Nhìn nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo và gầy trơ xương của ba của Diệp, tự nhiên tôi cảm thấy mắt mình cay cay rồi nước mắt ứa ra không cầm giữ được. Không phải tôi khóc cho tôi mà tôi khóc cho ba kẻ còn sống trong ngôi nhà quạnh hiu này. Không phải tôi khóc cho tôi mà tôi khóc vì xót thương cho Diệp, người có ước mơ thật bình yên và hèn mọn song lại không thể hiện thực ước mơ của mình. Nhìn bức hình Diệp chụp trên bàn thờ, với khuôn mặt lung linh theo ánh đèn và mùi khói nhang lãng đãng, tôi thở dài thầm lặng. Có gì để nói đâu. Có gì để nói nữa. Em giận anh thất hứa nên bỏ đi vào vùng trời miên viễn để anh ngồi đây xót cuộc tình chưa trọn.
Dù muốn rời xa Cái Bè nhưng thấy cảnh nhà ủ dột của ba má Diệp, tôi không đành lòng nên nấn ná lại gọi như là chia xẻ và xoa dịu niềm thống khổ của ông bà dù trong lòng tôi cũng đau xót không kém. Mất chị gái, con Ngoan ủ rủ và bơ vơ. Tôi không biết làm gì ngoài chuyện đi đứng lanh quanh rồi ra ngồi bên ngôi mộ của Diệp. Cỏ xanh mới lú. Chút hương thừa của nhang đèn và vàng bạc còn sót lại vương vải trên nền đất lạnh. Cái chết của Diệp dẫn tới một điều tôi đã biết song cố tình chối bỏ: sự tàn nhẫn của chiến tranh cũng như kẻ gây ra chiến tranh thật độc ác.Theo lời ba của Diệp kể, rạng ngày mồng 1 tết phe mặt trận đã tấn công quận lỵ Cái Bè song lại không chiếm được đồn. Sau ba ngày chiếm đóng, họ bị lính trong quận phản công đẩy bật ra khỏi vòng đai an ninh của quận. Đường rút lui của họ băng qua Hoà Khánh. Súng nổ khắp nơi. Diệp chết vì lạc đạn. Không biết ai bắn cũng như bên này hay bên kia, phe quốc gia hay phe mặt trận. Ai bắn cũng vậy thôi. Đạn của ai cũng là viên đạn vô tình song tàn nhẫn. Nó giết chết Diệp mà còn gây thương tích và sự tàn tật của nhiều người trong số đó có tôi. Ngồi trên nền mộ, nhìn xuống con rạch đầy nước, tôi như thấy được Diệp đang đứng dưới đó nhìn tôi với ánh mắt buồn thẳm sâu. Tóc Diệp ướt, chảy xuống khuôn mặt ràn rụa nước mà tôi tưởng như những giọt nước mắt khóc thương tôi, người ở lại mang mối u tình nặng chĩu lòng.
Chu Sa Lan