Chuyện xảy ra cách đây 8 năm, khi đó tiệm Nails của tôi vẫn còn hoạt động, và tôi còn sống ở Augusta.
Thành phố Augusta không lớn lắm, nhưng được nhiều người biết đến, vì nơi đó có Master week. Hằng năm, vào đầu tháng tư, từ khắp nơi trên thế giới, các danh thủ golf sẽ đến đây tranh tài để giành danh hiệu Master. Và đây cũng là dịp để mọi người từ các nước đến tham dự.
Không phải nói, ai cũng biết Augusta rất tấp nập vào dịp này.
Bình thường, tiệm tôi đã đông vào những ngày cuối tuần. Nhưng thứ bảy của tuần lễ Master, thì đông đến… mệt không nghỉ.
Cuối ngày, khi tôi vừa với tay định tắt bảng “open”, thì ba người khách bước vào.
— Is it too late to take us? Một trong 3 người dè dặt hỏi.
Thoáng ngần ngừ, nhưng tôi vội mỉm cười, mời họ chọn màu, rồi quay vào trong hỏi đám thợ:
-- Chị cần 2 người ở lại giúp chị làm khách.
Đúng như tôi dự định, Ngân và Thanh lên tiếng:
— Để tụi em làm cho. Mấy bà kia bận bịu chồng con phải về gấp thôi.
— Cảm ơn 2 đứa. Giờ ra hỏi xem khách muốn làm gì để chuẩn bị đi.
Khi khách đã yên vị trên ghế pedicure, Thanh bắt chuyện với bà khách của mình:
— Hình như bà và cô là người Việt phải không ạ?
— Vâng.
Bà khách Mỹ vui vẻ nói với tôi:
— Cảm ơn các bạn đã nhận chúng tôi vào lúc cuối giờ thế này.
Tôi lịch sự đáp lại:
— Không có gì. Tiệm tôi rất trân trọng khách, nhất là những khách từ xa đến như thế này.
— Vâng, bà đoán đúng rồi. Chúng tôi đến đây để dự Master week.
Nga góp chuyện:
— Mọi người ở đâu ạ?
Bà khách Mỹ trả lời:
— Tôi và con gái mình sống ở Pennsylvania. Còn mẹ của cháu từ Việt Nam. Đây là lần thứ hai bà ấy sang Mỹ.
Lần này thì cả tôi, Thanh và Ngân cùng ngẩn người ra. Nhìn vẻ mặt của chúng tôi, bà khách Mỹ cười, quay sang nhìn bà người Việt và cô con gái:
— Câu chuyện của chúng ta đặc biệt quá phải không?
Cô gái gật đầu đồng tình với mẹ:
— Vì con không giống người khác. Con có những 2 mẹ mà.
Bà khách Việt lúc này mới giải thích cho thắc mắc của chúng tôi:
— Tôi là Linh, mẹ ruột của Anne. Còn đây là Marcia, mẹ nuôi của con bé.
Lần lượt qua lời kể của bà Linh, bà Marcia và Anne, chúng tôi được nghe một câu chuyện cảm động, đầy nước mắt.
Lời bà Linh:
Người Việt chắc không ai có thể quên được ngày 30/4/75, dù đã bao nhiêu năm đăng đẳng trôi qua. Riêng với tôi, đó là một ký ức hãi hùng, mở đầu cho những biến cố giông bão của cuộc đời.
Chồng tôi, một sĩ quan cấp tá, nên dĩ nhiên là anh bị tập trung cải tạo ngay từ đợt đầu tiên. Khi anh và các sĩ quan khác chuẩn bị ra đi, chính quyền mới hứa hẹn tất cả sẽ được khoan hồng và trở về nhà an toàn sau vài tháng học tập cải tạo. Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Anh bặt tăm biền biệt. Một tay gạt nước mắt khóc chồng, một tay tôi bươn chải nuôi con. Giặt đồ, rửa chén… Nghề nào, việc nào tôi cũng làm, miễn có cái ăn đút vào miệng các con. Nhưng công việc cũng không dễ kiếm giữa thời buổi khó khăn, huống gì tôi là vợ của sĩ quan Nguỵ, đối tượng bị phân biệt đối xử và bị cảnh giác. Nhiều ngày, tôi nuốt nước mắt nhìn các con ỉ ôi khóc vì nồi nước cháo loãng pha chút đường chẳng đủ qua cơn đói.
Liên, bạn nối khố của tôi, một hôm đến nhà thì thầm vào tai tôi:
— Cuối tháng này gia đình tao vượt biên. Tao năn nỉ được chủ tàu cho con út của mày đi cùng, không lấy tiền. Mày suy nghĩ kỹ đi. Nếu đi được, thì tốt cho tương lai của nó. Chứ tình cảnh mẹ con mày bi đát quá.
Những đêm sau đó, tôi không thể nào chợp mắt. Cúc Cu là con gái út của tôi. Nó chưa đầy hai tuổi. Đêm nào, nó cũng rúc vào ti mẹ mà bú chùn chụt rồi mới chịu ngủ. Nó còn nhỏ lắm. Rứt rời mẹ, biết con có chịu nỗi không? Còn ở lại với tôi, con không có bữa nào no đủ, oặt oài bệnh tật, còm cõi như một con mèo đói.
Mãi đến ngày hẹn cuối cùng, tôi mới rứt ruột đem con đến nhà Liên. Dọc đường, con bé mở gói bánh ra ăn, miệng vừa nhai nhồm nhoàm, vừa đớt đát nói:
— Nhon, nhon, me ơi.
Tội nghiệp con tôi, không biết bao lâu rồi mới được ăn quà.
Đến nhà Liên, tôi núm níu không nỡ rời con. Tôi ôm chặt Cúc Cu vào lòng, hôn lấy hôn để vào mặt con. Liên phải giằng lấy Cúc Cu và giục tôi về. Như có linh tính, con bé quăng gói bánh, nhoài người ra khóc đòi mẹ.
Liên đẩy tôi ra, rồi nhanh tay khép cửa lại. Tôi lảo đảo bước đi, bên tai còn nghe tiếng khóc ngằn ngặt của con.
Nhiều năm sau này tiếng khóc đó vẫn như còn văng vẳng bên tai tôi như nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Chuyến vượt biên của Liên thành công, nhưng cô ấy đã thất lạc bé Cúc cu. Tôi chỉ còn biết một thông tin duy nhất về con mình, là bé đã đến Mỹ.
Mười tám năm trôi qua là ngần ấy năm tôi sống trong dằng dặc khắc khoải. Chưa phút giây nào tôi nguôi ngoai thương nhớ đứa con nhỏ của mình. Biết ai quen sống ở Mỹ, tôi đều cố liên lạc nhờ vả họ tìm kiếm thông tin của con. Nhưng chỉ là bóng chim tăm cá.
Mòn mỏi trong đợi chờ, hy vọng, cho đến lúc tôi tưởng mình phải bỏ cuộc, thì ơn trời, chị họ tôi gọi điện về báo tin vui.
— Bạn của chị ở Harrisburg cho biết, gần nhà cô ấy có một gia đình Mỹ nhận con gái nuôi người Việt thất lạc gia đình khi di tản. Bây giờ nó khoảng hai mươi, cỡ con gái em.
— Nhưng… em đừng đặt hy vọng nhiều, rồi buồn nha. Chị Ngà ngập ngừng.
Dù chị đã nói thế, nhưng lòng tôi vẫn mừng khấp khởi. Tôi gửi cho chị tấm hình con lúc nhỏ, tấm hình chụp cận mặt với nốt ruồi son trên mép môi, nhờ chị liên lạc trước với gia đình Mỹ xem họ có nhận ra đứa bé không.
Gần một tháng sau, chị lại gọi về. Tôi run rẩy bắt máy.
— Họ nói nhìn hình thì hao hao vậy. Con nít mà… Nhưng nốt ruồi son thì đúng vị trí đó.
Làm sao nói hết niềm vui của tôi. Những ngày sau đó, tôi chạy chọt xin một chân trong công ty xuất nhập khẩu nhà nước, chỉ trên giấy tờ thôi. Mang danh nghĩa trưởng phòng Marketing , tôi được chính phủ Việt Nam công nhận hợp pháp thủ tục sang Mỹ. Và tôi chuẩn bị cho chuyến đi “khảo sát thị trường“ trong một tháng.
Cuối cùng tôi cũng sang được đất nước Mỹ để tìm lại đứa con yêu thất lạc. Tôi đến nhà chị Ngà vào thứ tư, nhưng phải đợi đến cuối tuần hãng xưởng nghỉ, chị Ngà mới có thể đưa tôi lên Harrisburg.
Hôm ấy tuyết đổ nhiều nên đường khó chạy hơn bình thường. Chị Ngà tập trung giữ vững tay lái, chốc chốc lại nhìn sang hai bên sườn đồi. Đoạn đường này hay bị đá sạt lở rơi xuống, rất nguy hiểm. Ngồi bên cạnh, tôi cũng im lặng với tâm trạng ngổn ngang.
Đồng hồ trên xe chỉ 11 giờ 45. Nghĩa là chúng tôi đã đi hơn bốn tiếng rồi mà vẫn chưa đến nơi. Tôi nhấp nhổm không yên nhưng không dám hỏi.
Chị Ngà nhìn kỹ bản đồ, reo khẽ:
— Rẽ vào exit này khoảng 5 miles là đến rồi. Hôm nay đường khó đi nên mất nhiều thời gian hơn.
Tôi gần như nín thở, rướn người nhìn thẳng về phía trước.
Chiếc xe chạy chậm lại và dừng trước ngôi nhà tương đối cổ kính.
Chân tay tôi như quýnh quíu. Chị Ngà mở cửa xe ân cần nắm lấy tay tôi:
— Mình vào thôi. Chị đã gọi điện nói chuyện với Marcia, mẹ nuôi của con bé rồi.
Marcia là một người phụ nữ trung niên có gương mặt phúc hậu.
Bà vui vẻ mời khách vào nhà, nhanh nhảu pha hai ly nước trà nóng với mật ong. Rồi bà đưa cho tôi quyển album dày:
— Trong đây có những hình ảnh của Any lúc nhỏ. Bà xem có nhận ra con gái mình không.
Tôi run run giở từng trang. Trời ơi, cái mũi chun chun làm xấu này, cái mặt cười toe toét này. Từng nét của con tôi làm sao nhầm lẫn được. Tôi vuốt ve gương mặt con bé trong tấm ảnh. Nước mắt tôi chảy ràn rụa.
Marcia chăm chú quan sát tôi.
Một lúc sau, bà nhẹ nhàng nói:
— Tôi lên lầu gọi Any xuống nhé.
Tôi hướng mắt theo bóng bà. Thời gian như ngưng đọng.
Mười lăm phút trôi qua. Tôi nín thở chờ đợi. Và bà bước xuống, lắc đầu:
— Any từ chối gặp mẹ.
Tim tôi như có ai bóp chặt lại. Đất dưới chân tôi sụp xuống. Người tôi cũng đổ xuống.
— Xin bà hãy nói với con cho tôi gặp 1 lần. Cho tôi nhìn mặt con chỉ 1 lần thôi. Tôi ôm lấy chân Marcia, thống thiết van nài.
Marcia cuống quýt đỡ tôi ngồi lên ghế. Mắt bà cũng rưng rưng:
— Để tôi lên với con lần nữa. May ra…
Chị Ngà xiết chặt lấy bàn tay tôi run rẩy.
Nhưng vẫn như lần trước, bà thểu não quay xuống. Ánh mắt bà nhìn tôi xót xa:
— Thôi hai người về đi nhé. Tôi sẽ cố thuyết phục Any. Con cần có thời gian.
Chị Ngà ái ngại:
— Vâng, đành vậy thôi. Chúng tôi sẽ trở lại. Xin cảm ơn bà.
Tôi như người mất hồn, lảo đảo tựa người vào chị Ngà. Đầu tôi ngoảnh lại sau, cố tìm bóng dáng của con. Nước mắt tôi không ngừng rơi.
Rồi như quá sức chịu đựng, tôi thụp ngồi xuống, ôm mặt khóc nức nở.
Gió dạt tuyết bay mù trời, đổ trắng xoá trên tóc, trên mặt tôi.
Lời Anne
Con bé nhoài người ra đòi mẹ. Nhưng bà mẹ đã bỏ đi. Nó khóc gọi mẹ đến lả người.
Tiếng khóc ngằn ngặt lại vang lên. Con tàu chòng chành, chòng chành hất tung con bé lên. Sóng ập ướt cả người. Nó hoảng loạn gọi mẹ rồi ngất lịm.
Những giấc mơ khủng khiếp ấy cứ lập đi lập lại mỗi giấc ngủ. Cô thường kêu thét lên trong đêm và bật dậy. Mẹ nuôi hoảng hốt bước vào phòng, ôm lấy cô trong vòng tay, vỗ về:
— Any, bình tĩnh nào. Đừng sợ. Có mẹ đây rồi.
Phải khó khăn lắm cô mới đi qua những cơn ác mộng. Vậy mà hôm nay, bà ấy bỗng xuất hiện.
— Mẹ xuống nói với bà ấy là con căm thù bà ấy.
Cô gào lên, cơn hoảng loạn ngày nào lại về. Ngồi sát vào tường, cô cố thu người lại thật nhỏ, như muốn biến mất.
Mãi đến khi nghe tiếng cửa mở, cô mới bật dậy, he hé rèm cửa sổ, nhìn ra.
Người đàn bà loạng choạng bước đi, mà đầu vẫn ngoái lui, như cố nắm níu một chút hy vọng. Bỗng bà ngồi thụp xuống, gục mặt vào đôi tay khóc ngất.
Không hiểu sao Cô không quên được hình ảnh người đàn bà đau khổ trong buổi chiều tuyết rơi đầy hôm ấy.
Nhưng cô cố tình gạt đi tất cả. Hình ảnh đứa bé bị bỏ rơi, khóc ngằn ngặt vẫn hoài hiện ra trong trí nhớ của cô.
Liên tiếp hai lần nữa vào cuối tuần, bà ấy lại đến. Nhưng cô vẫn từ chối không gặp, dù mẹ nuôi đã thật lòng khuyên nhủ:
— Mẹ nghĩ con nên đối diện với mẹ mình một lần.
Cô lắc đầu từ chối trong nước mắt. Chưa, cô chưa thể nào nguôi được nỗi đau.
Lần nào bà ấy cũng lượt thủi ra về. He hé màn cửa sổ nhìn ra, cô nghe lòng mình có nỗi gì ray rứt.
Lời Bà Marcia:
Chị Ngà gọi điện, xin phép cho họ đến nhà bà lần cuối. Người mẹ không còn nhiều thời gian nữa. Sắp đến hạn phải về rồi. Và dù cho lần sau cuối này cũng không được nhìn thấy mặt con, người mẹ ấy vẫn xin gửi đến bà lời cảm ơn, vì đã nuôi dạy đứa con thất lạc và tội nghiệp đó.
Marcia thở dài. Bà cũng là một người phụ nữ và cũng đã đi qua mất mát. Mỗi người mang một phận đời khác nhau, nhưng trái tim bao giờ cũng rỉ những giọt máu đỏ.
Việt Nam. Đất nước đó bà chưa một lần đi đến. Nhưng nơi đó, chồng bà đã đến. Anh đã đến, chiến đấu và hy sinh. Anh đã nằm xuống nơi vùng đất xa lạ đó mãi mãi. Khi anh còn rất trẻ.
Không bao giờ bà có thể quên nỗi đau đớn xé lòng của mùa hè năm ấy. Người vợ mang tang chồng khi chưa đầy 25 tuổi. Đồi cỏ xanh và những đóa hoa Bồ công anh vàng vẫn rực rỡ. Chỉ có bà lẻ loi đến xót xa trong chiếc áo tang đen.
Đâu đây nụ cười anh lấp loá trong nắng. Bà chạy chân trần băng băng khắp triền đồi, gọi Bob ơi, Bob ơi trong tuyệt vọng. Hình ảnh anh thoắt hiện thoắt tan nhoà trong nước mắt.
Bà nhận nuôi Any, vì xót xa trước gương mặt tèm lem nước mắt nước mũi và cũng vì con bé mang trong người dòng máu Việt Nam.
Bà lấy viên thuốc trầm cảm và hớp một ngụm nước. Căn bệnh này đã theo bà suốt từ bao nhiêu năm. Nằm một lúc, không ngủ được, bà trở dậy lấy áo khoác bước ra hành lang.
Đèn phòng Any vẫn còn sáng. Bà gõ nhẹ cửa:
— Mẹ vào được không?
— Vâng. Tiếng Any vọng ra.
— Mẹ lại không ngủ được à?
— Ừ, mẹ muốn nói chuyện với con một lúc.
— Có chuyện gì vậy mẹ? Đôi mắt Any lo lắng.
Bà thong thả ngồi xuống bên giường con:
— Cuối tuần này mẹ con lại đến.
— …
— Đây là lần cuối cùng, vì bà ấy phải trở về. Marcia nhìn vào mắt con.
— Lần cuối? Any chợt thảng thốt.
Marcia chậm rãi gật đầu thay cho câu trả lời.
Bà hít một hơi dài như để dồn nén cảm xúc.
— Có những điều người ta không muốn, nhưng điều đó vẫn xảy đến. Như chồng mẹ, ông ấy nào muốn bỏ mẹ, nhưng ông ấy đã phải nằm xuống mãi mãi ở chiến trường Việt Nam.
Còn mẹ con… Chắc chắn bà ấy không bao giờ muốn xa con, nhưng vì một lý do nào đó mà vẫn phải để con một mình ra đi. Để ngần ấy năm trôi qua bà ấy sống trong đau khổ.
Marcia mơ màng nhớ lại:
— Khi mẹ đón con về nhà chúng ta, con hay chui vào góc khóc thút thít.
Suốt ngày con cứ gọi như thế này này…
Bà cố nhái giọng con bé đớt đát ngày xưa:
— “Me ooi me ooi…! “
— Con đã kêu vậy sao? Nghĩa là gì hở mẹ? Cô bật cười.
— Là “Mommy, Mommy!“ đó. Thông dịch viên Việt Nam đã giải thích như thế.
Bà đứng lên, đặt tay lên vai cô dịu dàng:
— Sao con không thử một lần nữa gọi như thế với người mẹ của mình …
Lời Anne:
— Con là người gốc Việt. Những người Việt di tản sang đây rất nhiều thời gian đó. Điều trước tiên mẹ nghĩ, là con nên tìm hiểu lịch sử của đất nước con trong giai đoạn đó. Có thể con sẽ hiểu gì thêm không.
Lời dặn dò của mẹ nuôi sáng nay và cuộc nói chuyện đêm qua cứ lẩn quẩn trong đầu cô.
Mẹ nuôi là một người phụ nữ tuyệt vời. Bà luôn dạy cô phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng. Những đức tính của bà đã ảnh hưởng không ít với cô.
Sau giờ học, cô vào thư viện chọn ra những quyển sách để tham khảo tài liệu về Việt Nam. Thật lòng cô muốn biết tại sao một người mẹ có thể đành lòng rứt bỏ núm ruột mình như thế.
— Bạn cũng đọc sách này à? Bất ngờ nhé.
Cô ngước lên, nhận ra cậu bạn cùng lớp người gốc Việt, Vinh Nguyen. Không trả lời câu hỏi của Nguyen, cô ngập ngừng hỏi:
— Tại sao người Việt không sống ở quê hương mà di tản sang đây?
— Ba mẹ tôi nói chúng tôi đi tìm tự do.
— Bất chấp cả nguy hiểm khi phải vượt biển lớn?
— Vâng, họ chấp nhận hoặc là chết, hoặc là thế hệ con cái họ, như tôi, được sống hạnh phúc.
Thấy cô tỏ vẻ chưa hiểu, Nguyen trầm ngâm:
— Anne đọc đi để hiểu thêm. Có những điều đáng sợ hơn cái chết, Anne ạ.
Cô mất rất nhiều thời gian loay hoay với các tài liệu ở thư viện và trên mạng. Trước đây, cô chưa từng có khái niệm cụ thể về thiên đường hay địa ngục. Nhưng từ những hình ảnh và sự kiện sưu tập được trong giai đoạn lịch sử đó, của một đất nước mà cô đã rời đi, đã khiến cô bàng hoàng tin rằng, thế giới này thật sự đã từng tồn tại cái gọi là địa ngục trần gian.
Và hẳn người mẹ ấy đã đau lòng vô cùng khi quyết định rời xa đứa con bé bỏng. Để cô có cuộc sống tốt đẹp — bình yên và hạnh phúc như hôm nay.
Vậy mà bằng sự vô tình của mình, cô đã cắt thêm cho bà những vết thương vào trái tim còn rỉ máu.
Lời Bà Linh:
Đây là lần cuối tôi đến tìm con mình. Lần này, tâm trạng tôi thật mâu thuẫn. Vừa háo hức mong mau đến nơi, lại vừa hồi hộp mong con đường dài ra thêm nữa.
Bây giờ là mùa đông, nên tuyết rơi nhiều lắm. Tội nghiệp chị Ngà khó khăn khi phải điều khiển xe trên con đường trơn trợt. Tôi ngồi yên không dám nói gì hết, để chị tập trung lái.
Mà, thật sự tôi cũng không biết nói gì lúc này. Lòng tôi thấp thỏm, chìm đắm trong nỗi lo sợ. Nếu con vẫn từ chối thì sao? Tôi sẽ quay về và không bao giờ có cơ hội để nhìn thấy con. Suốt cả đời này, chẳng bao giờ còn được gặp lại con.
Tôi cố ghìm lại tiếng khóc. Chỉ mới nghĩ vậy thôi mà tôi nghe đau từng khúc ruột.
Tôi như người tử tù đang từng bước đi đến pháp trường, cố bám víu một chút hy vọng mong manh lay lắt.
Đến nơi, chị Ngà mở cửa xe bước xuống rồi, mà tôi vẫn ngồi một tư thế bất động. Chị vòng sang mở cửa cho tôi và nhẹ nhàng bảo:
— Chúng ta vào thôi em.
Chúng tôi chậm rãi bước lên thềm nhà. Có ánh sáng hắt ra từ bên trong phòng khách.
Chị Ngà giục tôi:
— Em bấm chuông đi.
Bàn tay tôi run run đưa lên. Như có khối đá nặng đang chèn vào ngực tôi tưng tức.
Cửa mở.
Lần này không chỉ bà Marcia, mà còn có một cô gái.
Tôi không dám tin vào những gì mình nhìn thấy.
Cúc cu của mẹ đó sao. Con gái bé bỏng ngày nào mẹ đã rứt ruột rời xa bây giờ đang đứng trước mặt mẹ đó sao. Mười mấy năm trời xa mẹ, con đã lớn ngần này rồi ư. Con có nhận ra mẹ không. Con có nhớ mẹ không.
Tôi lặng người sững sờ. Không dám cử động. Không dám cả thở. Tôi sợ tất cả tan biến đi để mỗi tôi đứng lặng với khoảng không.
Chỉ có nước mắt chảy tràn. Đôi vai tôi run từng nhịp nấc nghẹn ngào.
Một dòng lệ lăn dài trên má con. Từ chiếc miệng xinh xinh có nốt ruồi son bên mép trái, thốt lên tiếng gọi ngập ngừng:
— M..e.e ..oi !
Câu chuyện có quá nhiều nỗi đau và mất mát. Ba người khách đã kể xong, nhưng trong mắt họ vẫn còn đọng lại những giọt nước mắt.
Còn ba chúng tôi – Ngân, Thanh và tôi, dù là người ngoài cuộc, mà cũng dàn dụa nước mắt khi nghe những lời họ kể.
Những năm sau này, tôi không có cơ hội gặp lại những người khách đặc biệt ấy nữa. Nhưng tôi tin rằng, họ đang sống hạnh phúc, vì đã yêu thương và biết mình được yêu thương.
Biển Cát
No comments:
Post a Comment