(Giao Chỉ, San Jose) 24/05/2024
Hãy tưởng nhớ 60 ngàn đồng minh và hơn triệu quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong chiến tranh.
Không Quân Khóa 63D Trong Tinh Thần Ái Hữu Và Giải Trí
Tôi đang ở San Antonio Texas, cách Houston 200 miles. Anh KQ63D Trịnh Thành Châu ở Houston gọi rủ tôi về Houston đi Picnic. Tôi nhận lời anh Châu ngay. Hội Không Quân VNCH ở Houston, mỗi năm đều có tổ chức Picnic. Đây là lần đầu tôi đi Picnic của Không Quân Houston. Luôn tiện tôi thăm viếng chỗ rải tro cốt bà xả tôi ở Chùa Việt Nam Houston.
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ…
Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
Em mời tôi mua vé số, tôi mời em ngồi cùng với bữa ăn trưa. Khi chủ quán đặt lên chiếc bàn nhựa bữa ăn lề đường thịnh soạn, tôi đã chẳng nhìn thấy chút hân hoan nào trên gương mặt em. Chắc em còn bận tâm, sốt ruột với tập vé số chưa kịp bán hết.
Nắng chiều gió sớm đã làm tóc em cháy khô với da mặt sần sượng. Tôi chưa hỏi tên, nhưng trên cánh tay trần tôi thấy khắc chữ Hoang, còn có vẽ thêm cả một lưỡi dao vụng về xấu xí. Hoang hay Hoàng? Em thích xăm nhưng chắc không tiền nên tự vẽ, viết ra bằng mực thường, rất đậm. Giang hồ, bụi đời hay chỉ xăm mình nhằm dọa hù thiên hạ và tiện thể, để em tự vệ trước những hung dữ ghê gớm của đời? Tôi lặng lẽ nhìn em ăn uống vội vàng, có vẻ gì như em chỉ rình rình tẩu thoát khỏi nơi đây.
Sự im lặng của em với nét mặt rất ngầu, như mời gọi trí tò mò của tôi về đời sống chẳng biết gọi là gì của những gương mặt chợt già trước tuổi, những đứa trẻ bị quăng ra đời một cách ngang xương, đầy bất nhẫn.
Còn nguyên buổi chiều dài không biết đi đâu, tôi đề nghị theo em đi bán vé số. Tôi muốn mình hiểu ra thế nào là lang thang, là vất vả nhọc nhằn mà rất nhiều người như em đã từng bươn chải. Ngay lập tức em từ chối, vì sợ đi với tôi thì sẽ chẳng ai mua. “Sự thảm thương”. Món trang sức thời thượng không thể thiếu của đời sống trẻ thơ, em cần phải đeo mang nó một mình, và phải chỉ một mình em thôi.
Em đã chào tôi và bỏ đi rồi, nhưng chợt quay lại hẹn 5 giờ chiều em sẽ gặp lại tôi nơi đây.
Thú vị với lời hẹn của em, nhưng tôi tự hỏi, gặp lại em rồi tôi và em sẽ đi đâu, làm gì? Mời thêm bữa ăn tối thì chắc cũng lại chán và nhàn nhạt như trưa nay thôi.
Mới 2 giờ chiều, chẳng biết đi đâu, tôi ngồi luôn tại chỗ, đợi em mà tôi uống hết những ly cafe, nước mía, sữa đậu nành, nước dừa và thêm cả rau má…
Em trễ khi trở lại, cười cười với vẻ mặt ít gượng gạo hơn. Em hỏi tôi có muốn theo về nhà Ngoại không?
Chẳng cần biết em mời tôi về đâu, nhưng nghe chữ “Ngoại”, tôi tưởng tượng ngay ra sự hiền lành, những chân chất dịu dàng của một tình thương yêu, đằm thắm. Từ nơi xa xôi, tôi một mình trở lại quê nhà, “Ngoại” biết đâu sẽ là người cho tôi tìm ra chút thú vị, những ngọt ngào của đôi ba ngày tết mà đã lâu lắm rồi tôi như đã lãng quên.
Bến xe miền Tây chiều 29 tết. Tôi và em đã vô cùng vất vả, phải mua chợ đen mới có trên tay 2 tấm vé đi chuyến xe đò cuối cùng về Bến Tre.
Em rủ tôi về nhà em chơi tết mà đơn giản như em mời tôi mua mấy tấm vé số. Tôi theo em đi Bến Tre cũng dễ dàng như hăng hái chạy theo những chuyến xe bus khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm.
***
Nhà Ngoại cách con lộ có bến xe chừng cây số. Đã 10 giờ đêm, dưới bóng mờ tối tăm mà em bước nhanh, bước rành rẽ qua từng bờ đê, thước đất.
“Ngoại” nói vọng ra sân, khi em múc nước vã lên mặt: “Dzìa với ai đó bây?”
Tôi khom lưng theo em lần mò bước vô nhà, mái lá rũ xuống vách đất như một che chắn an toàn, tôi hít hà mùi ngai ngái ẩm của lá ướt. Tôi tự giới thiệu mình vì thiệt ra em có biết tôi là ai đâu? Chẳng nhìn rõ mặt nhau, nhưng qua giọng nói tôi đoán chắc bà là người nhân hậu, dễ mến.
Tôi tự nhiên, Ngoại đơn sơ và em hiếu khách. Chúng tôi ngồi quanh mâm cơm trễ tràng dưới ngọn đèn điện chỉ sáng hơn bóng tối một chút.
Sáng 30 tết, tôi theo Ngoại ra vườn sau nhà cắt hết những buồng chuối ươm ươm chín, mấy trái đu đủ bóng vàng và cột chân con gà duy nhất bỏ vô chiếc giỏ lát cũ.
Chúng tôi cùng với mươi người quanh khu xóm của Ngoại bày hàng ra bán trong buổi chợ cuối năm.
Chợ không có mái che. Mọi thứ đều được đặt trên những chiếc sạp siêu vẹo, chỏng chơ, ngang dọc không hàng lối. Những rau xanh, ớt tỏi hành ngò, rổ cà chua thắm đỏ hay những trái thơm mập mạp chưa kịp chín. Còn có cả nến và nhang đèn làm cho chợ thoáng một chút hương thơm. Chỉ có hàng thịt là lúc nào cũng có khách hàng vây quanh. Ồn ào nhất chắc là con heo bị trói, nằm bất mãn khi ủn ỉn, lúc la làng bên bầy vịt gà trong lồng đang chen lấn, đập vẫy xôn xao.
Chợ còn được góp thêm một giàn dây chằng chéo, vắt treo những bộ quần áo mới, xanh, đỏ, trắng, vàng. Màu sắc trông đẹp như cờ quạt reo vui, đang phất phơ bay đùa trong gió.
Tôi thấy yêu mến những lời gọi vói hỏi han, những câu nói khơi khơi bông đùa quanh chợ. Những kỳ kèo mắc rẻ, đôi khi còn ráng lườm nguýt, với chê bai…Vài em nhỏ sốt ruột đứng chờ Mẹ mau bán hết hàng, nũng nịu vòi vĩnh đòi mua quần áo mới. Những líu lo chân sáo, thêm đôi mắt sáng ngời với ướm ướm đo đo, khen đẹp hoặc chê rộng chật, không vừa…
Cái óng ả của buổi chợ cuối năm như lấn át hết những âu lo, những vội vã, dù ai cũng chỉ mong bán hàng xong còn chạy vội về nhà, sửa soạn mâm cơm đón Ông Bà.
Ngoại vui mừng vì chuối cúng, đu đủ và cả con gà đẹp mịn màng đã bán xong. Tôi không theo Ngoại về, tôi nấn ná trong khu chợ chẳng còn lại một ai, ngó nhìn cái hoang sơ, cái hắt hiu của buổi chợ tàn.
Không xa khu chợ nhỏ là bến đò lưa thưa. Băng qua con đường đất với những dấu chân in, nhưng không còn đò và cũng chẳng thấy bóng ai. Duy nhất trong chòi lá, một người đang loay hoay dọn dẹp ghế bàn bên bếp lửa còn nghi ngút khói. Ông chào mời tôi với giọng Tàu lơ lớ “Xây chừng?” và cũng chẳng cần đợi tôi nói câu gì, chiếc vợt đã được Ông nhanh nhẹn bỏ thêm cafe, nhúng, nấu trong chiếc bình đen màu khói bếp. “Xây chừng?”. Ôi, cách gọi của Cafe năm cũ, những quán xá đã mất tăm theo cùng với Sài Gòn mưa nắng, ngày xưa.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, lúc vừa biết cột tóc đuôi gà, những buổi sáng tinh sương ngày Chủ nhật, tôi được Ba chở trên chiếc xe đạp có chiếc chuông leng keng mà tôi vui tay hay bấm cho điếc tai, cho inh ỏi. Ba cho tôi theo ra Cafe Năm Dưỡng, quán gần khu chợ Bàn Cờ. Tôi chỉ được đứng chầu rìa, dựa lưng bên chiếc xe đạp, giữ xe và đợi Ba ngồi quán. Đứng chờ Ba mà mắt tôi lim dim hít hà hương cafe thơm ngát, có khi hết chỗ, Ba và nhiều khách phải ngồi chồm hổm, ngồi tràn lan ra cả lề đường. Khói thuốc bay mờ mịt, làm mắt tôi cay, nhưng lòng tôi reo vui với hoạt cảnh hay hay của những gương mặt quen thuộc tôi thấy hàng tuần…
Chiều nay, tôi đang nghẹn ngào với ly cafe bí tất đầu tiên trong đời tại một bến sông xa lạ. Ly xây chừng mà tôi nghe thơm suốt cả tuổi ấu thơ. Tôi nhâm nhi như để dành từng giọt cafe nhỏ, lặng lẽ nhìn dòng nước đưa đẩy những cánh lục bình trôi, xô dạt dưới ánh nắng vàng vọt của buổi chiều 30 tết. Nắng bay bay vật vờ theo gió xuân, quạt trên những lá dừa cao vút, lao xao như một lời chào chia tay năm cũ.
***
Ngoại mặc áo bà ba vẫn còn nguyên nếp xếp, chiếc áo mà chắc chỉ để dành cho những ngày lễ lộc. Tôi hít hà mùi thơm băng phiến, theo Ngoại đi Chùa trong nắng sớm ngày mới của một đầu năm. Tôi và em khi rón rén, lúc vội vàng băng qua những đường nhỏ dọc theo con lộ chính hướng về nơi có ngôi chùa hoang liêu, cũ kỹ.
Nhìn nền đất đen bóng tôi cảm nhận ngay ra cái mát lạnh của đôi bàn chân không, chẳng ngại ngùng, tôi đi chân trần theo Ngoại bước vô Chánh điện. Nhang khói như làm ấm lại khung cảnh âm u, chỉ có chúng tôi, vị sư, mấy chú tiểu, và thêm vài ba thiên hạ.
Tiếng mõ và lời kinh…Tôi đứng lặng lẽ nghe và dù không hiểu, câu kinh vẫn thoát ra sự thư thái an bình. Chúng tôi quỳ rất lâu khấn bái chờ cho đến giờ Ngọ, chờ khi tiếng chuông ngân. Chuông chùa, tiếng chuông dù âm u hay thẩm sâu hun hút, vẫn luôn là âm vang của sự an nhiên và niềm hy vọng.
Em hỏi tôi đã nguyện cầu gì? Tôi nói đùa: mong sang năm về lại Bến Tre thăm em và thăm Ngoại.
Thoáng chút ngại ngần ấp úng, nhưng rất thong thả, em nói với tôi về điều mơ ước. Về những gì em đã chăm chú nguyện cầu khi nghe tiếng chuông chùa đầu năm. Em kể với tôi, suốt mấy năm nay, lang thang bờ bụi trên Saigon, bán vé số chỉ là chuyện phụ. Chuyện chính yếu là vì “Mẹ”.
Em nhất quyết phải tìm cho ra Mẹ, tìm để được thở với hơi ấm trong vòng tay Mẹ, người bỗng dưng bỏ em ra đi, đã 4 năm rồi.
Tôi ngạc nhiên, tôi giật mình, nhưng không dám nói thêm điều gì, dù sáng qua tôi đã suýt tò mò hỏi thăm Ngoại về Ba Mẹ em… Suốt hai ngày dài bên em, giờ tôi mới hiểu em hơn một chút. Chỉ một chút thôi, nhưng đã cho tôi cái nhìn về em rất khác.
Hôm nay đi lễ chùa, em phải mặc chiếc áo dài tay. Em muốn che giấu đi những nét vẽ rằn ri, bặm trợn của một đứa trẻ ráng làm cho ra vẻ bụi đời.
Nhưng này em nhỏ.
Dù lát nữa đây em có nhờ tôi vẽ lên cánh tay xanh xao ốm yếu của em, bên cạnh lưỡi dao xấu xí đó thêm một “Bàn tay máu”, thì tôi cũng vẫn ôm em, khóc cùng em, hôn lên mái tóc khét mùi nắng mưa và sẽ đi với em khắp Sài Gòn, Phú Lâm, Chợ Lớn.
Tôi và em sẽ đi theo tiếng vọng của chuông ngân, tiếng chuông vang xa như một lời cầu khẩn. Tiếng gọi réo rắt của em và tôi sẽ vang vọng, sẽ bay cao theo với gió xa vời tìm tới bên Mẹ, dù Mẹ em bây giờ có ở mãi tận nơi đâu…
Xinh- là tên chị. Nhưng tên và người vẫn thường chẳng giống nhau. Với chị lại càng không, thậm chí là trái ngược. Mặt chị méo mó, vênh vẩu như cái bánh đa mà mẹ chị vẫn bán cho người ta. Hai con mắt bé tí, chắc chỉ bằng hạt lạc lại còn bên to bên nhỏ nằm đờ đẫn trên cái sống mũi sần sùi những mụn là mụn. Hàm răng chìa ra, theo cái cách mà mấy thằng thanh niên xóm bên thường hay trêu chọc mỗi bận thấy bóng dáng của chị thì hàm răng ấy có thể dùng để ăn đu đủ mà chẳng cần thìa.