Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Saturday, May 10, 2014

MÀU THỜI GIAN TÍM NGẮT - Thanh Huệ


Mới đây May 5, 2014 trong chuyến lái xe lên San Francisco thăm Đại Tá Phi Công Phan Quang Phúc, cựu Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 2 Không Quân Nha Trang, tôi ở lại San Jose hai đêm và tôi có ghé thăm Charlie và chị Thanh Huệ. Ngày xưa chị Thanh Huệ là vợ của Thầy D Đoàn Toại.

Còn vài tháng nữa là đến ngày 30 tháng 4, 1975, Đoàn Toại bay A1 và bị bắn rớt chết ở Đức Huệ (tôi cũng bị bắn rớt A1 ở Đức Huệ). Chị Thanh Huệ trở thành goá phụ son trẻ với ba đứa con trai thơ dại! Rồi ngày 30 tháng 4, 1975 đến, chị Thanh Huệ dắt ba đứa con thơ chạy qua Mỹ. Trên đất Mỹ đời chị trôi nổi gặp nhiều phong ba, héo hon. Nhưng Trời Phật gia hộ cho chị, chị gặp Charlie. Chàng FBI Charlie thương yêu chị Thanh Huệ và đùm bọc ba đứa con dại của chị như bát nước đầy. Đời chị xanh tươi trở lại như cây héo gặp nước. Chị Thanh Huệ và Charlie sống hạnh phúc hằng chục năm, bạn bè ai cũng trầm trồ mừng cho chị. Rồi tin Charlie bị ung thư làm tan nát lòng chị Thanh Huệ, và làm mắt tôi hoe lệ! Vì con đường nầy tôi vừa đi qua!

Chị Thanh Huệ vừa gởi tôi bài chị viết "MÀU THỜI GIAN TÍM NGẮT". Tôi xin post ra đây với hy vọng xoa dịu được phần nào nỗi đau của chị. Tôi cầu Chư Phật gia hộ cho chị và Charlie được mọi sự may mắn trong tháng ngày tới. tth

Sau đây là bài viết của chị Thanh Huệ:



Thanh Huệ và Charlie.
Hình chụp May 2013.


MÀU THI GIAN TÍM NGT
Tôn Nữ Thanh Huệ
 
“…có biết đâu niềm vui…đã nằm trong thiên tai…”

Khi C cầm tay tôi và nói cho tôi biết là C đang mang cơn bệnh thiệt là ngặt nghèo. Ngoài Trời đang nắng mà lòng tôi bổng chuyển thành một cơn mưa phũ phàng. Nước mắt tôi nhỏ xuống trên tay chàng, tôi không biết nói gì hơn là gục đầu xuống bàn và để thế giới tôi quay cuồng trong cơn lốc vũ trụ đau thương. Mấy chục năm qua tưởng số phận “giang truân” của mình được nằm yên, vì C là chiếc bình phong vững vàng ngăn chặn phong ba bão táp, sóng gió mịt mờ cho cuộc đời tôi. Tay chèo của C rất vững mạnh để đưa đẩy con thuyền tôi qua những giòng sông đầy biến động, đẩy đi những rác rưởi của cuộc sống trôi nổi, bấp bênh không định hướng, để cho tôi được đến bến bờ bình yên, nơi đó tôi có được những ngày thật vui với bầu trời không có nhiều đám mây đen đe dọa, cho những trận bão tố cuồng phong sẽ đến… Tôi và các con thật sự an lành, được vun xới chăm sóc trong tình thương và được vươn lên trên mọi khía cạnh của cuộc đời, tôi  được trở lại đời sống bình thường của những người “có đôi có cặp”. Để các con tôi còn được dịp gọi tên papa, dẫu là step-papa và một mái ấm gia đình.

Chiến tranh đã cướp mất người chồng người cha yêu quý đầu tiên của tôi và các con tôi. Chàng là một phi công của Phi đoàn 514 Phượng Hoàng. Vừa đậu xong mảnh Tú Tài II, chưa kịp cởi tấm áo thư sinh, đã phải theo tiếng gọi lên đường của người trai, chọn quân chủng “Không Quân” làm lý tưởng cho cuộc đời mình. Ra trường với đôi cánh bay trên ngực áo, oai hùng trong chiếc áo bay với chiếc khăn choàng tím, vòng súng hiên ngang, với trách nhiệm BẢO QUỐC TRẤN KHÔNG. Cũng vì đã biết thân phận của kiếp người trong thời chinh chiến, chàng đã không có ý định lấy vợ sớm, sợ những điều không may có thể xảy ra, để vợ con mình trở thành góa phụ, cô nhi. Chiến trường nóng bỏng với những phi vụ ngày đêm sự sống chết của mình và các bạn bè như đường tơ kẻ tóc. Mỗi lần chàng bước lên chiếc Skyraider -chiếc máy bay có đôi cánh xếp lại- thời đệ nhị thế chiến, đóng mạnh cánh cửa “cockpit” xuống, là mỗi lần chàng đóng vai tráng sĩ Kinh Kha đang qua bờ sông Dịch sang Tần…Ra đi đâu biết có ngày về? và...“lo khi mình không về, thì thương người vợ nhỏ bé bóng chiều quê…” Nhưng, duyên nợ ba sinh đã đưa đẩy tôi thành người yêu và người vợ của chàng, để sau mỗi lần bay bổng chàng vẫn có được tổ ấm để trở về, dầu cho buổi cơm chiều chỉ là tô canh cải nấu tôm, hay miếng cá thu kho mặn, đùa giỡn bồng ẵm ba thằng nhóc, cứ lần lượt chào đời. Tưởng cuộc đời cũng êm đềm theo năm tháng, nhưng Định Mệnh đau thương đã đến một chiều, sau khi dặn dò vợ con: “ráng sau chuyến bay anh sẽ về cho em và các con đi chợ”. Hình ảnh những buổi chiều bên góc chợ Biên Hòa, người phi công vội vàng thay áo -giữ con cho vợ đi mua sắm thức ăn- với ba thằng con trai bên chiếc vespa, đó là niềm hạnh phúc nhỏ bé của chúng tôi. Tôi nhìn theo dáng chàng bước ra cửa -với chiếc áo bay mà tôi thường hãnh diện với bạn bè bà con rằng mình có ông chồng pilot- mặt chàng thản nhiên, nhưng có một nét vội vàng, trên bàn có bó hoa Tím đẹp như màu hoa sim mà chàng đã cho tôi chiều nay. Tôi nghe được tiếng động cơ của hai chiếc AD6 sẵn sàng lên đường, tung mây lướt gió vào chốn sơn khê, và có lẽ đã xa khuất trong ngàn mây trắng xoá…Tôi trở lại với ý định nấu cho chàng một buổi cơm chiều thật lạ, chắc là món cá nục kho khô của người Huế ăn với cháo trắng nấu nhuyễn mà chàng vẫn thích khi nhớ Huế. Mấy giờ trôi qua như mọi buổi chiều khác ở phi trường BH, cơm chiều của mấy bà hàng xóm ở chung cư toả ra thơm mùi sả ớt,  hoà với tiếng cười nói lao xao của mấy đứa con của họ. Tôi chợt nghe được tiếng động cơ buồn bã của một chiếc AD6 trở về, lẻ loi vòng quanh trên nền trời BH như điệp khúc buồn. Tôi bồng ba con thơ ra đợi chàng đầu ngõ…và để rồi tôi sẽ không bao giờ gặp lại chàng. Phi vụ của chàng giúp quân bạn giải cứu Đức Huệ đã gãy cánh trong vùng lửa đạn mịt mờ chiều hôm đó. Trận chiến ĐỨC HUỆ tàn nhẫn đã cướp người cha người chồng của mấy mẹ con tôi…Đức là Mất, mà mất Huệ, thì đúng là một định mệnh oan nghiệt đã được viết sẵn cho “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Tôi và các con bổng nhiên được vinh thăng thành “một quả phụ” ngơ ngác với ba đứa con trong cuộc đời con lại…, vành khăn trắng nào đã quấn vội lên mái tóc xanh của bốn mẹ con tôi. Những đứa con chàng, đứa nhỏ nhất chưa đầy một năm.

Sau mấy chục năm lặn ngụp trong đau thương, khi lên thác khi xuống ghềnh, mà tôi cứ để định mệnh đưa tôi đâu thì cứ đi đến đó, lắm lúc tôi không hình dung được Thiên Đàng hay Địa Ngục... Bổng nhiên tôi gặp C, một người Mỹ -nhưng tầm hồn Việt Nam- chàng có nụ cười thiệt nhân hậu, chúng tôi quen biết nhau ở nhà Bank tôi làm, C là một khách hàng quen thuộc. Sau hai năm trời quen biết, chàng đã từ bỏ một chức vụ quan trọng ở Washington DC để trở lại Cali và sau đó tôi đã trở thành người vợ thứ hai của chàng.

Từ đó C thực sự đóng vai trò thật quan trọng trong đời tôi, C không những là một người chồng tốt mà là một người bạn rất thân, tôi có thể kể lại những sóng gió đời tôi, những kỷ niệm vui buồn của thời trước khi gặp chàng, và C luôn luôn kính trọng ngày tháng cũ của tôi và ngược lại. Với giọng Huế nói tiếng Anh của tôi nặng trịch như rứa, mà C vẫn cho đó là người nói tiếng Anh “dễ thương” nhất thế giới. Tuy ngôn ngữ bất đồng và thiệt là khó khăn khi tôi chỉ muốn nói tiếng nói của quê mình. Riết rồi cũng quen và đâu lại vào đó. Chúng tôi dọn về căn nhà cũ của C, nơi thành phố mà tôi đã “fall in love” từ khi mới đặt chân tới đất MỸ -quê hương thứ hai- của tôi. Cái thành phố nhỏ bé này đây đã gợi lại trong tôi thành phố “đi lên đi xuống” với những ngọn đồi chập chùng gió núi, có đi dạo phố thì cũng chỉ chừng mười phút đã trở về chốn cũ, thỉnh thoảng hương vị của café thơm ngát từ một tiệm Starbucks cuối phố bay theo gió, tôi có cảm tưởng như mình đang đi giữa vùng trời Pleiku, ghé lại quán café bên đường để uống một ly café nhỏ với cô bạn làm cùng sở.

 Các con tôi tới tuổi trưởng thành muốn ra ở riêng, tôi cố niú kéo giữ các con lại. Nhưng C đã giải thích phải để chúng khôn lớn, bôn ba học khôn với đời. C khuyên tôi nên nghỉ ở nhà sớm hơn dự định, vì C nói là tôi đã vất vả nuôi con đến lúc này, lúc nên có thì giờ cho chính mình. Quyết định của chàng thật đúng, tôi nhận lời và xin nghỉ việc sau đó. Từ nay không phải dậy sớm, lo sửa soạn trang điểm, ăn vội vàng buổi sáng để đến sở làm, mà tôi được có nhiều thì giờ để làm những việc mà mình đã mơ ước. Thứ nhất là tôi muốn có một vườn rau đủ loại sau nhà, như những gia đình VN bình thường hay có. Tôi tự tay “cuốc” một mảnh đất nhỏ bên hông nhà, để ươm thành một vườn rau. Người Á đông mình nhất là người Việt đi mô cũng mang theo một mảnh vườn đi theo, dẫu là vài bụi sả xanh mượt, bụi rau răm, húng lùi, dáp cá, rau thơm Huế. Để mỗi sớm mai được chạy ra sau vườn cắt đủ các loại rau, chốc nữa sẽ bào bắp cải trắng làm gỏi… Món rau “organic” mà ăn ghém với các loại canh bún thiệt ngon lành biết mấy. Tôi có thì giờ để viết lách, lúc tìm những hộp màu nước để chấm phá lại những tảng màu Tím, như mơ về một chân Trời Tím của buổi hoàng hôn. Tôi có dịp được xách vali theo chồng làm việc khắp nơi đã được thấy các tiểu bang của Hoa Kỳ. Từ miền Bắc lạnh của tiểu bang Dakota, Fargo quanh năm tuyết phủ đầy trời cận kế biên giới Canada, từ Alaska với những tảng băng tuyết xanh rêu đông lại từ ngàn năm qua, đến miền Nam Mỹ nắng cháy, nhiều sa mac bụi đỏ mờ dấu chân ngựa hoang, tôi chiêm ngưỡng những đền đài thành tích của quê hương thứ hai này mà không biết chán. Những buổi hội ngộ QHĐK, tôi được gặp gỡ lại những khuôn mặt bạn bè cũ thời áo trắng ngày xưa, đã nhiều lần tan trường trên con đường Phượng đỏ, cạnh giòng sông Hương. Cũng như tôi được gặp lại các nàng dâu “KQ” của hội “AHKQ” với đồng phục màu áo xanh da trời gợi lại một thời chinh chiến -nơi đó chúng tôi đã nằm nghe tiếng đạn pháo kích hằng đêm khi các ông chồng còn bay bổng trấn giữ quê hương. C hòa hợp với mọi người, nhất là những người bạn KQ quen biết với ĐT ngày trước. Hầu hết các bạn bè đều thương mến, C ăn được rau: dáp cá, dưa leo chấm ruốc, ăn được cơm hến, bún bò, bún riêu và không quên cắn một miếng ớt đỏ cho thành người rể Huế. Điều đó là một sự vui mừng cho tôi, khiến như giữa tôi và C cũng như bạn bè không thấy một sự ngăn cách nào. C khuyến khích và tình nguyện làm tài xế cho tôi trong những ngày hội ngộ bạn bè, riết rồi có lúc tôi không nghĩ rằng mình đã kết hôn với người Mỹ. Tôi vốn ham thích hát hò, múa may từ thuở nhỏ nên tôi được tham gia với nhiều chương trình văn nghệ, nhiều chủ đề gợi nhớ lại thời xưa…May mắn thay C lại thích nghe nhạc Việt, và khi tôi giải thích ý nghĩa của bài hát chàng thích thú học hát tiếng Việt, điệu rhumba, cha cha, C rất rành về âm nhạc nên thỉnh thoảng chàng “sửa lưng” tôi hát không đúng điệu, ton. C hát “Mưa trên phố Huế” đúng giọng thiệt là dễ thương nhất là đoạn “…mà chiều mưa…phố…buồn…” chữ phố buồn phải có giọng nằng nặng của người Huế mới thắm thía. QHĐK tập cho C hò Huế: “Đi mô cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo……Lên non anh cũng lên theo, em xuống thuyền thì anh cũng đeo theo mạn thuyền” Bài hát thích nhất của C vẫn là bài “Còn một chút gì để nhớ…anh khách lạ, đi lên đi xuống may mà có em…”

Chúng tôi có đủ một đời sống khiêm nhường bình yên với số lương của chàng. Các bạn tôi đều nói: “Mi có phước lúc về già, tau mừng cho mi…” Mỗi sớm mai thức giấc, tôi nhâm nhi được tách nước trà sau vườn cây -để nhớ nhung, mường tượng lại cảnh uống nước trà của ba má tôi ngày xưa- chỉ thiếu một khóm hoa mộc, hoa tường vi để còn nhón nhén thả vào bình nước trà mới pha.

 “Cám ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy. Có thêm một ngày nữa để yêu thương”

Nhưng chiều nay…định mệnh hình như đang muốn thăm viếng tôi một lần nữa, bệnh của C đang tới hồi thật nguy hiểm, theo lời b/s thì vẫn còn có thể “còn nước còn tát”. Tôi không muốn tin vào chuyện C ngã bệnh là sự thật, vóc dáng C cao lớn, sức mạnh tràn đầy nhưng mà lại mắc một căn bệnh ngặt nghèo như vậy sao?. Chỉ hai chữ “Cancer” thì có lẽ trong chúng ta ai cũng không muốn nhìn thấy, như một lời tuyên án của quan toà, chưa biết ngày nào thi hành mà thôi. Tôi chỉ xin chàng cho tôi được khóc hết buổi chiều với chàng hôm nay… Chúng tôi nắm tay nhau ngồi yên lặng bên cửa sổ. Tôi an ủi chàng: “Mình vẫn còn diễm phúc hơn nhiều người khác, để còn nắm được tay nhau, nói được những câu mà mình chưa được nói. Còn có thì giờ để chăm sóc nhau, để lo chuyện ăn uống, thuốc men, biết đâu Trời và Y Học tiến bộ còn cho mình nhiều cơ hội may mắn hơn?”.

Chúng tôi vẫn có diễm phúc là được có nhiều thời gian, để thương yêu che chở cho nhau. Để lắng nghe sự yêu thương của người đối diện, của các con cái, bạn bè thân thuộc. Bác sĩ của C thân thiết nắm tay C: “Tôi sẽ đóng vai QB của đội banh” và chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng trận đấu này. Lời nói an ủi đầy hy vọng của vị b/s chữa bệnh cho C một niềm tin tưởng. Linh tính cho tôi biết rằng, đội banh của C & b/s Michael Sherman sẽ chiến thắng. Lắm lúc tôi tự hỏi, căn bệnh này phát xuất từ đâu? C không bao giờ cho tôi biết những tress mà chàng gặp phải hàng ngày. Tôi càng hỏi han là tại sao mình không biết sớm, để giục chàng đi khám b/s? Giờ này tất cả hình như muộn màng, tôi chỉ biết quỳ xuống dâng lời cầu nguyện lên Thượng Đế, mà tình thương của Ngài đã dành hết cho thế gian nhân loại. Ngài sẽ truyền sự thương yêu đó xuống bàn tay các b/s, y-tá, đang cứu chữa, để trị bệnh cho C. Những gì sẽ xảy đến trong ngày mai, tôi hoàn toàn tin tưởng vào Thượng Đế cao xa mà gần gũi.

Bầu Trời im lặng hằng đêm, có những vì sao lấp lánh, tôi ngồi yên lặng tĩnh tâm để xin phép Thượng Đế ban cho C thêm một đặc ân.

Bạn bè bà con thân thuộc đã gọi điện thoại chia xẻ sự lo lắng, không hết lời cầu nguyện cho C chóng qua khỏi, dù họ cách nửa quả địa cầu, tôi chỉ biết cảm ơn, và nghẹn ngào không nói được lời gì. Vì biết nói gì bây giờ, ngoài viễn ảnh của ngày mai. Tôi không muốn nghĩ ngày mai nếu có điều gì……..

Tôi khóc trên điện thoại với những người bạn thân thiết của tôi, một hai người bạn là b/s họ đã khuyên nhủ tôi những điều rất thiết thực để mở đầu cuộc hành trình…chữa bệnh cho chồng. Thứ nhất là tôi phải can đảm, đừng khóc lóc, buồn tủi số phận mà tiếp tay “nuôi dưỡng” bệnh của chàng.

Tin C bị bệnh là một ngạc nhiên của các bạn bè, vì C là người rất khoẻ mạnh, tươi vui yêu đời.  Chúng tôi dựa hoàn toàn vào Lời Cầu Nguyện Thượng Đế hằng ngày, hằng đêm của chính mình và của tất cả bạn bè trên khắp thế giới. Những lời nguyện cầu đó chắc đã động đến lòng Trời, tôi trở nên can đảm lạ thường. Tôi sáng suốt trong mọi quyết định thay chàng, tôi an ủi vỗ về C hàng ngày, và tôi cố giữ cho mình một nụ cười “You will be ok and I love you” tôi dọn buổi ăn sáng cho C bằng tô cháo oatmeal trộn sữa Almond, anh VHA/ML đã gửi cho toa thuốc La Sa. Em gái tôi cũng đã gửi qua một giỏ lá “bo cong anh”, C thật là người có phước được các bạn bè chăm sóc thăm hỏi đều đều. Hàng ngày tôi cũng lắng nghe được cả ngàn tiếng cầu nguyện cho sức khoẻ của C khắp nơi… Nhờ đó mà tôi có thêm nghị lực, xăng tay áo lên giúp chồng…

Tôi xông pha chiến đấu như một chiến sĩ xuất binh ra trận, không những chiến đấu giúp C chống với bệnh, mà còn chiến đấu cho riêng tôi. Dẫu biết rằng “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” là định luật của tạo hóa, nhưng không mấy ai “ready” khi tới lượt mình. Mới ngày nào chúng tôi cùng nhau dệt biết bao mộng ước, những mộng ước khi về già, về hưu, chúng tôi hứa hẹn sẽ chăm sóc thương yêu nhau như những câu chuyện tình yêu của người già. Chưa kịp lên khuôn thì định mệnh đứng bên hiên nhà, C với căn bệnh hiểm nghèo, rồi sẽ đi về đâu? Mọi sinh hoạt bình thường sẽ phải thay đổi theo bịnh trạng của C, sự sống còn của C là trên hết. Bạn bè khuyên nhủ, điện thoại tới tấp lo lắng giùm cho C. Tôi thầm cám ơn trong đời tôi vẫn có nhiều người bạn thật tốt. Không những an ủi mà họ còn nấu cho những buổi ăn mang đến tận nhà.

Sau những lần chạy chemo, C gầy ốm xanh xao, biếng ăn. Khuôn mặt chàng hiện lên nhiều vết lở như lời b/s nói. Nước da tái xanh. Chemo đã chạy khắp người chàng để giết các tế bào ung thư, nhưng cũng làm chàng rã rời mệt mỏi. Tôi đưa tay xoa phía gan của chàng, hình như thấy nó nằm yên không chuyển động. Thỉnh thoảng C ngủ được những giấc ngủ dài bình yên. Tôi bổng trở nên một con người thích đọc những lời cầu nguyện cho C nghe. Những mẫu chuyện ngắn bằng Anh ngữ, khuyến khích dìu dắt nhau trong đoạn đường đang gặp phải khổ đau. Thượng Đế như gần gũi với tôi hơn.

Ngoài việc chạy chemo, người bạn KQ của tôi đã gửi lên những bó lá Kale, tôi xay thành nước cho C uống. Theo lối ăn kiêng, với đợt chemo lần thứ tám b/s báo tin tốt cho C “là đã qua một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm”. Nhưng cuộc chiến đấu với bệnh của C vẫn còn trường kỳ, chúng tôi vẫn là những bộ hành chỉ được dừng chân nghỉ tạm bên đường và sẽ tiếp tục cuộc hành trình … Xin Thượng Đế tiếp tục ban Phước Lành “blessing” cho C đủ sức khỏe, nghị lực thêm chút nữa, để chống chỏi, và cho tôi đủ kiên nhẫn thương yêu để tiếp tay với chàng. Tôi mong ước cho bệnh tình của C mỗi ngày mỗi nhẹ nhàng hơn, và tôi biết ơn hết lời cầu nguyện của các bạn gần xa…

Cuộc đời của mỗi người trong chúng ta trôi nổi qua những giòng sông trong đục không ngừng. Lúc thì gặp bến bờ trong xanh thanh thản, lúc sóng gió phũ phàng, nhưng đã cho đời là một giòng sông thì mình cứ yên lặng để được sinh tồn. Rồi tất cả đều tuôn về Biển cả. Thượng Đế rất công minh và nhiệm mầu, khi một cánh cửa đã đóng thì Ngài sẽ mở cho một cánh cửa khác. Thời gian giúp C trị bệnh, tôi học được tính kiên nhẫn, quên cái TÔI quan trọng trong mình, tôi có thể ngồi chờ đợi trong phòng b/s hằng giờ không coi đồng hồ không nôn nóng và tôi thương mến đời hơn ngày trước, tôi cầu nguyện cho những bệnh nhân cancer khắp thế gian -vì bây giờ tôi mới hiểu được họ đang đi qua một giòng sông cuồn cuộn sóng. Tôi tháo bớt những sợi dây xích quàng ngang đời tôi, về những thói quen tật xấu, về những điều không có gì quan trọng, tôi học được sự tha thứ cho chính mình. Rồi ngày kia Trời lại sáng và đời sống sẽ nở thêm những ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG mà vô tình mình chưa hề thấy…..có tiếng hát của ai vấn vương đâu đây:

“…Hỡi Trời Xanh có chăng định mệnh, mà đời tôi sao quá lênh đênh…”

TÔN NỮ THANH HUỆ

cuối Hè 2013. 
    

No comments:

Post a Comment