Đáng lẽ tôi chưa về nhà vội, nhưng tôi kẹt đám cưới cháu BS Thiên (Tèo) con trai út của BS Thanh bồ tèo của tôi. Ông Già Thanh biết tôi đi như chim nên anh mời đám cưới cháu Tèo trước cả năm, làm tôi phải setup trong Iphone để nhắc tôi, tôi mà quên đám cưới nầy thì tôi khó sống với chị Thanh.
Trên đường về Mỹ kỳ nầy tôi gặp 3 gia đình Việt Nam đi Mỹ lần đầu tiên mà không biết tiếng Anh. Tôi đang ngồi ở phi trường Tân Sơn Nhất để chờ đi Hồng Kông, tình cờ tôi nghe một cô gái khoảng 40 tuổi ngồi gần tôi, nói giọng Huế làm tôi nhớ tới bà xả và tôi cố lắng nghe. Cô than với một cặp vợ chồng khoảng 60 tuổi rằng cô đi về San Francisco nhưng cô không biết tiếng Anh nên cô lo sợ quá sức. Thế là tôi bắt chuyện để giúp cô. Tôi hỏi:
- Cô đi với ai?
- Dạ em đi một mình.
- Cô đi Mỹ lần đầu?
- Dạ em đi lần đầu, về San Jose để thăm gia đình chị ruột. Chị em có nhà hàng nên em qua đó làm nhà hàng kiếm ít tiền rồi về.
- Tuổi nầy mà sao cô xin được Visa đi Mỹ một mình hay vậy? Họ không sợ cô trốn ở lại à?
- Dạ em có chồng và hai con nhỏ nên họ tin em không trốn.
- Cô đự định đi bao lâu?
- Dạ Visa cho một năm nên em ở một năm.
- Cô có hai con nhỏ mà đi một năm, không nhớ con à?
- Nghèo quá phải chịu, ở Việt Nam khó kiếm tiền lắm anh ơi!
- Tôi thì đi New York khác chuyến bay với cô, nhưng cô yên tâm khi đến Hồng Kông tôi sẽ đưa cô đến cổng chuyến bay đi San Franciso rồi tôi mới đi.
- Dạ cám ơn anh, em mừng quá.
- Người nhà từ San Jose lên đón cô ở San Francisco?
- Dạ đúng vậy.
- Như vậy thì tốt lắm, vì cô khỏi phải chuyển máy bay. Chuyển máy bay ở San Francisco không đơn giản đâu.
- Dạ chị em cũng sợ như vậy.
Tôi quay qua nói chuyện với cặp vợ chồng 60 tuổi cũng ngồi kế bên tôi. Trời! Cặp vợ chồng nầy cũng đi Mỹ lần đầu và cũng không biết tiếng Anh. Tôi hỏi:
- Anh chị đi Mỹ lần đầu?
- Dạ đi thăm con ở Virginia lần đầu.
- Anh chị biết tiếng Anh?
- Tụi em làm ruộng dưới quê, không biết một chử tiếng Anh.
- Anh chị đi bao lâu?
- Dạ hai tháng. Con nó biểu qua mùa nầy để xem hoa anh đào nở!
Tôi cười thầm trong bụng, người Việt Nam bây giờ văn minh quá, từ Việt Nam qua Mỹ xem hoa anh đào nở! Tôi xem vé máy bay của anh chị, họ đến New York, rồi từ New York họ đi Boston. Tôi nghĩ hai người nầy không biết tiếng Anh, đến New York thì làm sao họ lấy hành lý để qua quan thuế rồi chuyển hành lý cho chuyến bay kế tiếp và làm sao họ đi xe lửa để đổi máy bay! Tôi nói:
- Khi đến Hồng Kông, anh chị theo tôi vì tôi cũng đi New York. Đến New York tôi chờ đợi 5 tiếng nên tôi có thì giờ đưa anh chị đi xe lửa đến cổng máy bay đi Boston rồi tôi mới lo cho tôi.
- Thật là Trời Phật phù hộ cho hai đứa em gặp anh, làm sao tụi em trả ơn anh đây?
- Anh chị đừng bận tâm, ơn nghĩa gì. Nhưng anh chị phải theo tôi để tôi lo cho cô đi San Francisco trước nhe.
Nghe tôi nói, cô gái Huế nhìn tôi cười duyên:
- Cám ơn anh nhiều lắm, em hên quá sức mới gặp được anh.
Tôi cười!
Xuống máy bay ở Hồng Kông, tôi chận anh chị 60 tuổi lại và tôi nói:
- Anh chị theo tôi chờ cô gái đi San Francisco để tôi lo cho cổ trước rồi mình đi.
Một cô gái Việt Nam 50 tuổi đi cu ki, có vẽ dân chơi thứ thiệt, nghe tôi nói chuyện, cô lên tiếng:
- Em đi San Francisco nè.
- Trời may quá! Tôi đi New York, cô cho tôi gởi một cô đi San Franciso mà không biết tiếng Anh, được không?
- Chuyện nhỏ! Gởi anh luôn cũng được mà!
- Tôi kẹt đưa anh chị nầy đi New York, nếu không tôi đưa mũi cho cô xỏ dây dắt đi theo cô có sao đâu, cũng chuyện nhỏ mà vì con trâu già nầy sút cột lâu rồi!
Cô gái 50 cười lẳng lơ! Tôi ôm vai cô gái Huế từ biệt và giao cho cô 50 dân chơi thứ thiệt! Cô gái Huế đi mà cứ quay đầu lại nhìn tôi với cặp mắt lưu luyến và miệng cám ơn không ngừng. Vậy là tôi nhẹ bớt một gánh, nhưng tôi biết đến New York lo cho anh chị 60 thật là không đơn giản.
Đến New York, tôi đưa anh chị 60 qua sở di trú rồi đi lấy hành lý và qua quan thuế. Chúng tôi sắp hàng chổ sở di trú để trình passport. Đứng trước tôi là một anh chàng 55 tuổi người Huế cầm passport Mỹ mà không biết tiếng Mỹ! Tờ giấy khai tiền và hành lý, anh chàng nầy để trống, làm ông Mỹ nổi khùng đuổi anh quay lại. Anh chàng ngơ ngác, tôi nhảy lên hỏi tình hình:
- Cái gì vậy?
- Tôi không có điền tờ gấy quan thuế!
- Tại sao anh không điền?
- Không biết tiếng Mỹ.
- Không biết thì hỏi.
Tôi nói với ông Mỹ tôi sẽ giúp anh nầy. Ông Mỹ có vẽ giận:
- Ông giúp bằng cách nào?
- Tôi lo cho tôi xong rồi tôi giúp anh ấy.
Ông Mỹ bảo tôi nói với anh ta đến gặp ông Mỹ đen mặc áo vest đỏ đứng gần đó. Thế là tôi nhẹ bớt gánh nặng.
Tôi trình passport và giấy khai quan thuế của tôi xong, rồi tôi xin ông Mỹ cho tôi giúp anh chị 60 vì họ không biết tiếng Anh. Thấy passport của hai người nầy là passport Việt Nam nên ông Mỹ vui vẽ, tôi đồng ý về sự giận dữ của ông Mỹ với anh chàng 55 người Huế, trẻ trung cầm Passport Mỹ mà không chịu học tiếng Mỹ thì tôi hết ý!
Ông Mỹ hỏi anh chị 60:
- Đi Mỹ chi vậy?
- Đi thăm con.
- Đi bao lâu?
- 2 tháng.
Ông Mỹ hỏi tôi:
- Ông quen ông bà nầy ở đâu?
- Trên máy bay.
Ông Mỹ cho chúng tôi đi và tôi cám ơn ông. Trong khi đó ông Mỹ đen áo vest đỏ dẫn anh chàng 55 người Huế đi đâu, tôi không biết.
Chúng tôi kéo hành lý để qua máy khám của quan thuế rồi kéo đi chuyển qua chuyến bay kế tiếp.
Tôi đưa anh chị 60 đi lên xe lửa để tìm cổng chuyến bay đi Boston. Lên xe lửa anh chị 60 ngơ ngác nói với tôi:
- Trời Phật ơi, không có anh tụi em làm sao biết lên xe lửa nầy. Trời Phật phù hộ tụi em gặp được anh.
Tôi gặp thêm một gia đình Việt Nam đi Mỹ lần đầu mà cũng không biết tiếng Anh. Tôi đưa anh chị 60 đến cổng chuyến bay đi Boston xong, rồi tôi lên xe lửa để tìm cổng chuyến bay đi San Antonio của tôi.Tôi đang đứng trong xe lửa, khi xe lửa dừng ở cổng B thì một gia đình Việt Nam gồm bà mẹ và hai đứa con bước vô toa xe lửa tôi đang đứng. Xe lửa đang đóng cửa và sắp chạy, thì cậu con trai to lớn 20 tuổi đưa đầu ra cửa đang đóng định nhảy xuống. Tôi la lên:
- Bước vô, xe lửa điện nầy không có người lái, không khéo rất nguy hiểm.
Rồi tôi hỏi tiếp:
- Cái gì vậy?
- Con quên máy chụp hình ở nhà ga cổng B.
- Không sao, chú sẽ đưa con trở lại nhà ga cổng B.
Tôi hỏi cô con gái 12 tuổi đứng cạnh tôi:
- Gia đình con đi Mỹ lần đầu?
- Dạ đi lần đầu.
- Đi chơi bao lâu?
- Dạ gia đình con đi định cư luôn.
- Có ai biết tiếng Mỹ không?
- Dạ anh con biết chút tiếng Mỹ.
Tôi đang nói chuyện với cô bé thì xe lửa ngừng ở cổng C. Một người đàn ông Việt Nam bước vô toa xe lửa, thế là gia đình Việt Nam như ong vỡ tổ. Cậu con trai nói trước:
- Tại sao ba không bước ra, con bảo ba bước ra mà?
- Tại sao hai đứa con và mẹ không chịu bước vô?
- Máy nói xe đầy rồi, con bảo ba bước ra mà!
Thì ra nguyên gia đình 4 người bước vô xe lửa, ông bố vô trước rồi máy nói xe đầy, vì cậu con trai biết tiếng Anh hiểu máy nói nên bảo gia đình đừng vô nhưng ông bố cứ vô một mình, thế là gia đình lạc ngơ ngác!
Tôi đưa gia đình đến lại cổng B và máy chụp hình được hai ông cảnh sát giữ yên đó, cậu con trai mừng quá sức.
Gia đình nầy đi cổng C và tôi cũng đi cổng C, nên họ theo tôi đến cổng C nhưng chúng tôi đi khác chuyến bay.
******************
Niềm vui cuối đời. Tôi về nhà ngày Thứ Năm thì trưa Thứ Sáu con trai Thông về nhà gặp tôi. Thông bảo tôi ngày mai Thứ Bảy lên Austin với nó để nó cho tôi xem ngôi nhà trong 21 mẫu đất mà nó mới mua. Ngôi nhà nầy có nhà cho khách (guest house) riêng biệt, Thông muốn tôi dọn vô ở trong guest house nầy. Tôi nói để xem!
Tôi đi Austin xem nhà Thông mới mua. Từ nhà tôi ở San Antonio lên nhà Thông khoảng 2 giờ lái xe. Nhà Thông ở phía Tây Bắc Austin khá gần hồ Travis.
Nhà Thông trên 21 mẫu đất.
Bên hông nhà Thông trên lầu.
Bên trong nhà Thông.
Picnic area phía sau nhà Thông.
Đây là đỉnh đồi nên nhìn xung quanh rất đẹp.
Pinic area lò nướng Pizza màu đỏ bên mặt, bếp và lò nướng thịt màu xanh bên trái.
Thy nói bếp nầy rất mắc tiền ($10000USD)!
Thông trong đất nhà.
Từ trong nhà nhìn ra cổng, đây là đường riêng tư vô nhà Thông.
Đây là lần đầu Thông mua nhà. Lúc Thông mới tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở Texas A&M, nó làm việc cho NASA một thời gian. Nó đang làm cho project build phi thuyền cấp cứu khẩn cấp cho trạm không gian, khi trạm không gian bị cháy thì các phi hành gia vô phi thuyền cấp cứu không động cơ nầy để glide xuống trái đất. Vì nó là photographer nên NASA giao cho nó thiết kế cameras phần đầu của phi thuyền. Đang làm project chưa xong thì nó xin nghĩ việc để đi chụp hình. Tôi hỏi nó:
- Tại sao con nghĩ việc?
- Mình phải làm cái gì mình thích, không thích mà làm thì chán lắm phải không Ba?
Tôi hết ý và làm thinh! NASA dặn nó trở lại lúc nào cũng được, nhưng nó không bao giờ trở lại NASA, và nó chê NASA trả lương ít. Nó lang thang đi chụp hình khắp thế giới. Có lúc nó đi chụp hình cho mấy hảng du lịch tận xứ da đen Kenya trên ngọn núi 10000 bộ, những lần đi như vậy nó có người bảo vệ, người khiêng thức ăn và dung cụ cho nó, nên nó thích lắm. Tiền bán hình và tiền chụp hình cho các hảng vừa đủ cho nó trang trải chi phí, nên nó đâu có mua nhà cửa gì được, vậy mà nó vui thích. Có lần tôi nói với nó:
- Con biết không, đa số hoạ sĩ và nhiếp ảnh gia Việt Nam ngày xưa nghèo xơ xác.
- Con biết chớ Ba, và họ đa số bị ho lao vì thiếu dinh dưỡng.
Tôi hết ý và tâm trí rã rời!
Rồi bà xả tôi mất và Thông âm thầm khóc nhiều lắm. Tôi không biết vong linh bà xả tôi có xui khiến gì không, vậy mà mấy tháng sau khi bà xả tôi mất, Thông xin đi làm kỹ sư trở lại.
Lần nầy nó làm cho hảng Celerant Consulting. Hảng gởi nó đi coi mấy giàn khoang dầu khắp nước Mỹ và Canada. Nhiệm vụ của nó là huấn luyện thợ xữ dụng máy móc để đừng làm hư máy và đừng để xảy ra tai nạn, và đôn đốc thợ tăng gia sản xuất.
Nó nói nếu máy hư không sản xuất được thì hảng mất 10 triệu USD/1ngày, còn nếu xảy ra tai nạn thì hảng vỡ nợ luôn. Vì vậy mấy hảng dầu chi tiền cho toán kỹ sư consulting như tụi nó, họ không tiếc, họ bao hết ăn ở máy bay xe cộ. Họ cho ở hotel 5 sao, ăn menu tôm hùm, beef steak thượng hạng mỗi ngày.
Nói chung là nó không có chi phí overhead vì hảng bao hết, về nhà tôi thì nó cũng được free luôn, tiền lương của nó thì nó cho hết vào savings account. Nhờ vậy nó bắt đầu dành dụm và mua nhà.
Nó mua nhà vừa xong thì ngay lúc đó có một hảng consulting khác đến dụ nó, họ sẽ tăng lương nó 50% hơn hảng củ và việc làm thì không thay đổi. Thế là nó nhận làm cho hảng mới. Sự may mắn của Thông làm tôi ngạc nhiên sửng sờ.
Sự may mắn của Thông làm tôi ngạc nhiên và tôi thầm cám ơn bà xả. Tôi tin là bà xả tôi đang phù hộ cho nó.
******************
Khi Thông đề nghị tôi dọn vô ở trong Guest House thuộc đất của Thông, tôi có vẽ xiêu lòng vì thứ nhất Thông chưa có vợ, thứ hai tôi có ý định bán nhà của tôi.
Tôi muốn bán nhà không phải tôi cần tiền mà có hai lý do:
Lý do thứ nhất. Mấy năm nay, có lúc tôi đóng cửa nhà từ 6 tháng tới 9 tháng liền! Đóng cửa nhà như vậy thì thật là không có "fair" cho láng giềng, tuy rằng láng giềng Mỹ không một ai than phiền với tôi, trái lại mỗi lần sân cỏ nhà tôi cao, họ kêu thợ cắt cỏ giùm tôi rồi tôi trả tiền. Nói chung là láng giềng nhà tôi quá tốt và không hề có trộm cắp, chính điều nầy đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều mỗi khi tôi nghĩ tới bán nhà,
Lý do thứ hai. Tuổi già của tôi chồng chất mỗi ngày, và ngày tôi đi thăm bà xả cũng gần kề, hơn nữa con tôi không cần cái nhà nầy.
Nhưng bán nhà thì đồ đạc trong nhà tôi đem đi đâu? Chính điều nầy khi Thông đề nghị tôi dọn vô guest house của nó, làm tôi có vẽ xiêu lòng vì tôi nghĩ sẽ có chổ để tôi cất đồ đạc trong nhà tôi. Nhưng khi tôi lên xem nhà Thông thì guest house nầy không chứa được 1/10 đồ đạc trong nhà tôi. Nói ra thì tôi thật vô duyên, vì guest house là nhà để cho khách đến ở chơi vài ngày rồi đi như phòng ngũ. Đàng nầy tính dọn furniture nguyên nhà vô guest house, thì ông "guest" nầy có vấn đề tâm thần!!
Bán hết đồ đạc trong nhà? Tôi có cái tật là mua cái gì thì tôi mua "the best" nên rất đắc tiền, bây giờ bán rẻ thì uổng quá, cũng như chiếc Lexus tôi đang xài.
Chiếc Lexus LS460 tôi đang xài, có lần Thông đề nghị tôi bán đi vì tôi đâu có đi nhiều, để lâu ngày xe mất giá thì uổng quá. Thấy Thông nói có lý, tôi vô mạng xem giá tiền chiếc xe của tôi. Trời! Chiếc xe Lexus LS460 tôi mua 80000USD, mà bây giờ nếu tôi bán thì được 40000USD! Tôi nói với Thông nếu tôi bán xe thì tôi được 40000USD, với số tiền nầy chỉ đủ để tôi mua được một chiếc Lexus SUV để đi thì tôi bán làm gì, vì đi chiếc xe LS460 le và đã hơn nhiều! Thông và Thy đồng ý với tôi.
Sau cùng tôi quyết định không bán nhà và giữ nguyên quyết tâm lâu nay của tôi là không ở với con. Lý do là vì tôi thương con, thế thôi!
******************
Tội nghiệp Thy. Khi tôi nói với Thy, chắc là tôi không ở với Thông vì 21 mẫu đất rộng quá và tôi không biết cảm giác tôi sẽ như thế nào. Thy nói:
- Con mua nhà lớn hơn và ít đất hơn, rồi Ba về ở với con nhe.
Rồi mới đây Thy email cho tôi xem hình nhà Thy đang đồng ý mua. Thy đồng ý mua cái nhà 3500sqf ở trung tâm phố, cách phi trường San Diego vài miles. Trời! Tôi rối trí vì Thy còn cái nhà ở Palo Alto gần trường Standford đang cho thuê, và tôi không biết Thy có mấy cái nhà ở San Diego!
Cái gì vậy? Thời buổi kinh tế khó khăn nầy mà hai con tôi làm ra tiền mua nhà mua đất, vậy là có phải có bà xả tôi sau lưng hai con? Tôi chỉ biết cám ơn bà xả.
Nói chung chung chuyến trở về Mỹ kỳ nầy. Tôi có cảm tưởng, chắc không lâu xứ Mỹ sẽ tràn ngập người Việt Nam, vì ở Việt Nam giới trẻ ùn ùn đi học tiếng Anh. Mấy cô trẻ măng chạy bàn trong các nhà hàng, cô nào cũng khoe với tôi cô đang học Anh văn, rồi các cô thực tập nói tiếng Anh với tôi khá lưu loát. Trên những chuyến bay đi Mỹ tôi thấy quá nhiều người Việt. Điều làm cho tôi vui vui là có một số họ đi Mỹ lần đầu, có người gốc dân quê, vậy mà tư cách họ không thua gì người nước ngoài, họ nói vừa đủ nghe, họ không đứng dậy khi máy bay chưa ngừng, họ không chen lấn... quá hay. tth
No comments:
Post a Comment