Tình cờ KQ Lê Phước Khương bồ tèo của tôi ở Sàigòn forward cho tôi một bài viết tựa đề "Đám Cưới Bên Giường Bệnh". Một câu chuyện tình giữa anh chàng cố vấn Mỹ 25 tuổi và một cô giáo ở quận Hàm Tân 21 tuổi.
Hàm Tân Bình Tuy! Địa danh nầy quá thân thuộc với tôi, ngày xưa sau những phi vụ tôi thường xuyên đáp máy bay ở đây để đổ xăng và ăn trưa. Đó là chuyện ban ngày, còn ban đêm thì thỉnh thoảng tôi cho tài xế lái xe jeep dân sự của tôi ra đây để tôi đi bắn nai và bò rừng trong rừng lá thuộc địa danh nầy. Nơi đây tôi có rất nhiều kỹ niệm đi săn, nhưng có hai kỹ niệm tôi không bao giờ quên.
Kỹ niệm thứ nhất. Trên xe jeep gồm có tôi, tài xế, ông dẫn đường kiêm rọi đèn và bồ tèo của tôi, là Dược Sĩ Cỗ Văn Thinh trưởng phòng dược phẩm của Bệnh Viện Cảnh Sát Saigon (Thinh đang ở Paris). Đêm đầu chúng tôi quần nát trong rừng lá ở Căn Cứ 5 Bình Tuy suốt đêm nhưng không gặp con nai nào. Sáng hôm sau tôi cho tài xế lái xe về Saigon và tôi với Thinh ngồi ngũ gật trên xe. Thình lình tôi thấy chiếc xe hơi của gia đình tôi đi ngược chiều hướng về Phan Thiết. Hai bên đều thấy nhau, tôi cho tài xế dừng xe lại.
Trên xe gia đình tôi gồm có Ba tôi, anh cả tôi và chú Mỹ em kế tôi. Họ đang đi Phan Thiết, về quê vợ của chú Mỹ.
Sau khi thảo luận, cả hai bên đồng ý ở lại Căn Cứ 5 để đi bắn nai thêm một đêm nữa, chủ đích là cho anh cả và chú Mỹ vui chơi còn Ba tôi thì già rồi. Ba tôi lúc trẻ ông còn ghê hơn tôi nữa, nhà tôi ở Thủ Thừa treo đầy sừng nai và sừng Elk, Elk là loài nai to lớn kéo xe cho ông già Noel trong lễ Giáng Sinh. Sừng Elk của mấy người bạn Pháp tặng Ba tôi, chứ ở Việt Nam không có Elk.
Ba tôi ngũ trong nhà ông dẫn đường sát quốc lộ, còn anh cả và chú Mỹ lên xe jeep nhập bọn với chúng tôi. Thất bại đêm hôm qua nên đêm hôm nay ông dẫn đường quyết tâm ăn thua đủ, ông không dẫn vô rừng lá mà ông dẫn vô chân núi Bình Tuy. Mới vô một chút thì tôi bắn được một con Mễn và một con Cheo. Vô sâu chút nữa thì tôi bắn được một con nai to lớn có nhung (sừng non mới thay), chú Mỹ khoái quá cứ rờ nhung nai. Bắn được con nai, tôi cho xe ra lộ nằm ngũ nghĩ mệt vì tôi và Thinh thức hai đêm liền.
Sáng hôm sau ông dẫn đường tâm sự. Rằng đêm hôm qua vì ông muốn ăn thua đủ nên ông liều mạng đưa chúng tôi đi trên con đường vô mật khu VC trong chân núi, nhưng không vô sâu lắm, làm tôi sợ thất kinh!
Kỹ niệm thứ nhì. Trên xe gồm có tôi, tài xế và anh dẫn đường kiêm rọi đèn. Giữa đêm khuya, chúng tôi đang rọi đèn quần nát khu rừng lá thuộc Căn Cứ 5 Bình Tuy để tìm bò rừng và nai. Thình lình một chiếc máy bay OV-10 Bronco của Mỹ, tắt đèn rà sát trên đầu chúng tôi để quan sát làm tôi giật mình, đây là loại máy bay vừa quan sát vừa tấn công, có trang bị súng và hoả tiển. Tôi la lên: "Máy bay, tắt hết đèn quay ngang 90 độ chạy hết ga!" Tài xế và anh rọi đèn làm y như lệnh của tôi. Xe tôi vừa phóng hết ga chạy ngang 90 độ thì lập tức chiếc máy làm lại vòng khác cùng hướng củ, nhưng lần nầy nó bay rà sát và mở đèn cực kỳ sáng rọi theo hướng củ nhưng nó lạc chúng tôi, trong khi đó anh tài xế cho xe chạy hết ga trong đêm tối và rất may xe chúng tôi không đụng cây lớn nào. Thế là chúng tôi thoát chết trong gang tấc. Nó tưởng tụi tôi là VC, mà nó đâu có ngờ suýt chút nữa nó giết một chàng phi công liều mạng ham chơi của VNCH. Chuyện nầy tôi giấu kín với gia đình!
****************
Câu chuyện tình của cô giáo Hạnh với anh cố vấn Don sao mà dễ thương quá. Câu chuyện của cô giáo Hạnh làm tôi nhớ tới cô giáo Yến, bà xả tôi.
Cô giáo Yến đã có sẹo lành trong phổi lâu đời và vẫn khoẻ mạnh vui chơi, nhưng khi bà xả tôi nuôi đứa cháu ngoại trai thương yêu bị ung thư gan từ lúc 9 tháng cho tới 3 tuổi thì nó mất. Rồi bà xả tôi ngã bịnh và khám phá ra ung thư phổi lan qua gan, bà xả tôi mất!
Cô giáo Hạnh trong truyện 21 tuổi khoẻ mạnh, rồi hoàn cảnh phải xa người yêu đột ngột, lại thêm hoàn cảnh của đất nước. Bao nhiêu Stress (lo buồn) dồn dập, đủ sức mở đường cho ung thư giết chết cô giáo Hạnh lúc còn son trẻ.
Câu chuyện của hai cô giáo Yến và cô giáo Hạnh, đã chứng minh thêm cho lý thuyết "bất cứ ai cũng có tế bào ung thư trong người, lúc mình mạnh thì nó trốn, lúc mình lo buồn cơ thể suy yếu thì tế bào ung thư bộc phát". Biết điều nầy nên tôi không dám nằm nhà, mà tôi lang bạt giang hồ mấy năm nay! tth
Sau đây là truyện ngắn của Hoàng Nguyên Linh:
ĐÁM CƯỚI BÊN GIƯỜNG BỆNH
Viết theo tâm sự của một cựu quân nhân Mỹ
Hoàng Nguyên Linh
Tôi tên Don, một cựu quân nhân Mỹ. Khi vừa học xong đại học thì chiến trường Việt Nam bộc phát mạnh, tôi cũng như đa số thanh niên đều phải đi lính.
Sau một thời gian huấn luyện, tôi được gửi sang Việt Nam.
Ở đại học tôi theo ngành chính trị và báo chí nên chỉ biết về Việt Nam qua hình ảnh và sách vở. Tôi biết lờ mờ về xứ Việt Nam, nơi có chiến tranh triền miên, từ năm này đến năm khác, hết người Pháp và giờ đến Mỹ liên lụy vào. Những trận đánh như Điện Biên Phủ, Đồng Xoải, Bình Giả, Mậu Thân…mà báo chí, TV liên tiếp bình luận khen chê…
Sang Việt Nam người ta không cho tôi đi đánh nhau như tôi nghĩ mà cử tôi lo về tâm lý chiến, có lẽ cấp chỉ huy biết tiểu sử của tôi trên đại học. Một thời gian sau tôi được chuyển về làm cố vấn cho chi khu Hàm Tân của tỉnh Bình Tuy, một ông cố vấn còn quá trẻ, tuổi chưa tới 25. Từ trước cố vấn Mỹ chỉ tới tiểu khu tức cấp tỉnh, sau này tăng cường cố vấn Mỹ về đến chi khu tức cấp quận, có lẽ vì thế nên thiếu nhân sự. Tôi ăn ở ngay trong khu hàng rào quận.
Công việc hàng ngày của tôi là cung cấp tin tức chiến sự lên cấp trên, đệ đạt ý kiến mà nhu cầu địa phương đòi hỏi như xin tiếp liệu, yểm trợ…
Hàm Tân là một quận hạt nhỏ, sát với Phan Thiết, phía Đông là biển. Dân đa số sống bằng nghề đánh cá. Đời sống ở đây rất buồn, sợ an ninh nên không bao giờ dám đi tắm biển hoặc đi chơi xa. Cô bạn gái của tôi ở Mỹ chắc giờ đã có người khác vì 2 lá thư tôi gửi đều không được hồi âm. Tôi sống trong quận như một nhà tu. Ông quận trưởng là một Đại úy, khá lớn tuổi, đời sống rất mẫu mực, tôi nghe báo cáo từ ngày ông về làm quận trưởng,Việt cộng không dám quấy rối và phá hoại nữa. Ông giải thích với tôi về chiến thuật của ông: Dưới quyền ông có 4 trung đội địa phương quân, hai trung đội túc trực trong quận, trong các lô cốt, còn hai trung đội luôn luôn ở bên ngoài. Ban đêm nằm phục ở các tuyến quan trọng dẫn vào quận, nếu Việt cộng vào là bị chặn đánh ngay nên Việt cộng không làm gì được nhờ vậy ban đêm rất an ninh. Tôi yên tâm nhưng rất buồn vì không có gì giải trí, thỉnh thoảng được về Sài Gòn nhưng rồi cũng phải trở lại nhiệm sở. ..
Cho tới một hôm tôi nhận được giấy mời của ông hiệu trưởng trường tiểu học Hàm Tân đến dự lễ khánh thành 2 lớp học mới hoàn tất do tiền viện trợ của Mỹ giúp. Tôi, ông quận trưởng và phó quận trưởng ngồi hàng ghế quan khách cùng với các vị xã trưởng như Văn Mỹ, Tam Tân và Hiệp Nghĩa. Sau bài diễn văn khai mạc ngắn gọn của ông Hiệu trưởng, một cô giáo lên nói bằng tiếng Anh, đại ý cám ơn chúng tôi đến dự và cám ơn chính phủ Hoa Kỳ đã giúp đỡ tài chánh để hoàn tất 2 lớp học mới này.
Cô nói tiếng Anh rất lưu loát. Nhan sắc thật đẹp. Lần đầu tiên tôi thấy một người con gái Việt Nam đẹp như thế. Dáng nàng thùy mỵ, da trắng hồng, mái tóc xõa ôm lấy bờ vai, áo dài màu nhạt, tha thướt như một nữ sinh chứ không giống một cô giáo. Tôi ngây ngất nhìn. Tôi như bị người con gái này khớp hồn. Tôi muốn được quen cô nhưng chưa biết làm cách nào. Đợi chương trình chấm dứt, tôi đi thăm phòng học rồi lân la đến gần cô. Tôi tự giới thiệu:
- Tôi tên Don. Rất hân hạnh được gặp cô.
- Cám ơn anh. Tôi tên Hạnh.
- Cô nói tiếng Anh hay lắm. Cô dạy ở đây lâu chưa ?
- Mới gần một tháng. Tôi tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn và về đây.
Tôi nói với cô:
- Tôi về quận này được gần một năm rồi.
Tôi định nói: “Lần đầu tiên tôi thấy một người con gái đẹp như cô” nhưng không hiểu sao tôi lại thôi rồi đổi sang câu nói khác:
- Cô nói tiếng Anh không khác gì người Mỹ.
- Cám ơn anh đã quá khen.
Hạnh thay mặt ông Hiệu Trưởng mời chúng tôi ăn bánh và uống nước rồi mới ra về. Tôi bắt tay Hạnh và nói: “ Mong thỉnh thoảng được gặp cô”. Hạnh chỉ mỉm cười và không trả lới, nhưng nhìn khoé mắt tôi hiểu là Hạnh cũng có cảm tình với tôi.
Tôi biết chỗ ở của Hạnh. Nàng thuê một phòng trên lầu của một căn nhà đẹp nhất quận, muốn đến thăm nàng phải qua nhà chủ ở dưới nên hơi bất tiện, hơn nữa tôi lại là người Mỹ, đi đâu cũng bị dân địa phương dòm ngó nên thỉnh thoảng mới đến thăm nàng. Hạnh không cho tôi lên phòng của nàng, chỉ tiếp tôi nơi phòng khách của chủ. Tôi muốn rủ Hạnh đi chơi nhưng rất khó vì an ninh trong quận nên không dám đi xa và có lẽ Hạnh cũng không nhận lời vì sợ dư luận.
Tôi mỗi ngày một yêu Hạnh hơn nhưng không biết làm sao. Lấy chồng tôi biết nàng chưa sẵn sàng vì nàng mới 21 tuổi. Nếu ở Sài Gòn chúng tôi sẽ dễ dàng hơn là ở quận nhỏ này, hơn nữa nàng lại là một cô giáo nên cần phải giữ gìn ý tứ…
Chiến trường ngày một sôi động và biến chuyển quá mau lẹ. Chính phủ Mỹ dự trù rút khỏi Việt Nam. Tôi được lệnh rời Hàm Tân ngay để về Sài Gòn và có thể về Mỹ ở luôn. Tôi rất buồn vì phải xa Hạnh. Khi hành lý đã sẵn sàng tôi đến tìm Hạnh, rất may Hạnh mới đi dạy về. Chủ nhà đi vắng, tôi vào trong nhà và nói với Hạnh là khoảng 4 giờ chiều máy bay trực thăng đến đón và tôi phải đi ngay. Hạnh im lặng không nói gì. Lúc này sao tôi thấy Hạnh đẹp thế và thương nàng vô cùng. Tôi rủ Hạnh đi với tôi nhưng Hạnh lắc đầu từ chối. Tôi đến bên Hạnh rồi không hiểu sao tôi ôm chầm lấy nàng và hôn lên má, lên môi nàng. Môi Hạnh nóng và run run. Tôi chưa bao giờ được hôn người con gái có đôi môi mềm và ngọt ngào như vậy. Tôi có cảm giác tôi là người đầu tiên hôn nàng. Hạnh không chống đối nhưng cũng không ôm lại tôi, Hạnh hồi hộp và da mặt nóng bừng. Mãi lúc sau tôi mới buông Hạnh ra và nói lời xin lỗi: “Anh xin lỗi đã làm em bất ngờ nhưng anh yêu em quá và không biết đến bao giờ mới được gặp lại…”
Có tiếng máy bay trực thăng, tôi nói trong vội vàng: “Mong có một ngày anh trở lại đón em”. Hình như Hạnh khóc, tôi không dám quay lại nhìn. Rồi tôi về Mỹ và giải ngũ. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Người bạn gái của tôi ở Mỹ khi xưa đã đi lấy chồng. Tôi sống bơ vơ. Thời gian trở lại Việt Nam để thăm Hạnh thật xa vời. Tôi đi tìm việc làm, kiếm việc rất khó vì rất nhiều quân nhân giải ngũ sau chiến tranh Việt Nam. Tôi làm đủ thứ nghề nhưng không có nghề nào là chính, bẩy tám năm sau nhờ có người giới thiệu đi làm QA Engineer cho một hãng lo về quốc phòng. Tuy gọi là Engineer nhưng không có liên hệ nhiều với kỹ thuật nên rất dễ dàng. Công việc nặng về giấy tờ. Hãng ký giao kèo để làm từng bộ phận cho một chiến hạm. Đầu tiên một nhóm engineer design phần hardware, họ họp và bàn luận, khi đã đến phần chung kết tôi được gọi đến như là một nhân chứng và ký vào biên bản cuộc họp rồi người ta viết cách thử bộ phận này như thế nào, sửa chữa cho đến khi hoàn tất rồi lại họp gọi là “review document”, mỗi đại diện đến họp được phát một quyển sách gọi là document để về xem lại và đề nghị sửa chữa nếu cần rồi in ra bản mới. Tôi, đại diện hải quân (Navy) và đại diện bộ quốc phòng ký vào document rồi theo đó định ngày đem ra test thử. Mỗi lần làm như thế tôi lại được gọi đến như là nhân chứng. Hãng định ngày final test. Tôi, đại diện hải quân, đại diện bộ quốc phòng được mời đến chứng kiến và theo dõi xem họ làm có đúng như document không, nếu đúng thì chúng tôi ký vào biên bàn, nếu sai cần được sửa chữa thì lại họp rồi làm lại, hết product này làm đến product khác. Công việc hàng ngày của tôi chỉ có thế, không mấy hứng thú nhưng tôi cần có tiền để tiếp tục học luật trở lại.
Một hôm tới giờ ăn trưa, tôi đang đi trong hành lang để đến phòng ăn. Xa xa có một người con gái trông giáng dấp quen quen, tôi đứng lại đợi. Tôi lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi có phải cô Hạnh không ?
Người con gái mỉm cười thật tươi:
- Dạ. Ô kìa anh Don. Anh cũng làm ở đây hở?
- Anh làm ở đây được một năm rồi. Còn Hạnh ?
- Em ở Building bên kia, hôm nay mới thuyên chuyển sang đây.
Tôi mừng quá rồi ôm chầm lấy nàng và chúng tôi vào ngồi ăn với nhau. Hạnh cho tôi biết nàng về Sài Gòn 2 tuần trước khi miền nam rơi vào tay cộng sản. Hạnh và cô em tên Liên theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, lên được tàu rồi sang Phi Luật Tân, một năm sau vào được Hoa kỳ. Hạnh ghi tên học college, 2 năm sau nàng lấy được bằng AS và đi làm Electronic Technician.
Tan sở ra về tôi không biết là mộng hay thực nữa. Tôi không ngờ có ngày gặp lại nàng. Hạnh vẫn đẹp như xưa nhưng hơi gầy và có vẻ không được khoẻ. Mới gặp tôi Hạnh mừng lắm nhưng chỉ một lúc sau Hạnh lộ vẻ buồn.
Tôi đến thăm Hạnh và được biết Hạnh và em gái sống vơí nhau. Mẹ Hạnh ở lại Việt Nam đợi bố nên không đi nhưng rồi bố Hạnh là cựu Trung tá bị chết trong trại tù Cộng sản ngoài Bắc… Thỉnh thoảng chúng tôi đi chơi với nhau rồi tôi đề nghị làm đám cưới, Hạnh lắc đầu và nước mắt nàng chảy ra. Hạnh nói người đàn ông duy nhất Hạnh yêu là tôi và không có ai khác nữa nhưng đám cưới thì nàng không bằng lòng. Hạnh rủ tôi thỉnh thoảng đến ăn với nàng, Hạnh săn sóc tôi không khác nào người vợ săn sóc chồng.
Chúng tôi gặp lại nhau được gần một năm thì Hạnh phải vào nhà thương vì một căn bệnh hiểm nghèo đã bộc phát trở lại. Bác sĩ cho biết nàng chỉ có thể sống được thêm 6 tháng nữa. Tôi vào thăm thì lúc đó Hạnh đã hôn mê và không nói được nữa.
Liên, em gái của Hạnh biết chúng tôi thật tình yêu nhau nên nói với tôi: “ Chị Hạnh yêu anh lắm, anh là người đầu tiên chị yêu, rất muốn làm vợ anh nhưng vì chị bị bệnh nên không dám nhận lời lấy anh, sợ anh phải khổ…” , nói rồi Liên đưa cuốn nhật ký của Hạnh cho tôi. Đêm hôm đó tôi thức suốt đêm vì những trang nhật ký của nàng. Hạnh viết bằng 2 thứ tiếng: Việt và Mỹ;
Hàm Tân ngày…Người đàn ông đầu tiên hôn tôi lại là người Mỹ. Từ trước tới giờ tôi vẫn tâm niệm người hôn tôi đầu tiên là người tôi yêu và sẽ lấy ngưới ấy làm chồng. Thật oái oăm, anh hôn tôi rồi anh bỏ tôi để về Mỹ… Nhìn đôi mắt anh tôi thấy anh thành thật, anh đâu khác gì người Việt Nam. Anh cuồng nhiệt làm tôi điêu đứng. Tôi luống cuống và run rẩy trong tay anh. Tiếc quá sao hôm đó tôi không ôm chặt lấy anh rồi đi theo anh để bây giờ tôi không phải nhớ nhung. Mỗi buổi sáng soi gương tôi thấy môi tôi “kỳ kỳ” làm sao, cũng làn môi ấy nhưng sao tôi thấy hơi là lạ, tôi bậm môi rồi nuốt vào trong bụng như để giữ mãi môi anh trong tôi…
Cali ngày… Bao nhiêu mong ước được gặp lại anh và rồi cuối cùng được gặp anh trên đất Mỹ thật. Don, em yêu anh và rất muốn được làm vợ anh nhưng em không thể nghe lời anh được. Em không muốn làm khổ anh. Bác sĩ nói em chỉ sống được hơn 1 năm nữa. Em cố gắng đi làm để được gần anh. Em đi làm đến khi em gục xuống thì thôi…
Hôm sau tan sở tôi đến thẳng bệnh viện thăm Hạnh. Ngồi một lúc thì Liên tới, tôi bàn với Liên là tôi phải làm một cái gì cho Hạnh vui, biết đâu nhờ tình yêu mà Hạnh khỏi bệnh. Rồi tôi nói với Liên: “Anh sẽ làm đám cưới với Hạnh”. Liên ngạc nhiên không hiểu sao tôi lại làm như thế. Đám cưới với một người đang rên la trên giường bệnh ? Nhưng thấy tôi nhật định nên Liên nghe theo. Tôi liên lạc với vị Mục Sư trong nhà thờ để định ngày, giờ đám cưới. Liên mời 2 người bạn thân với Hạnh hồi còn học Trưng Vương và tôi mời 3 người bạn trong sở, có một người là xếp của Hạnh. Đám cưới hôm đó có 9 người. Liên cẩn thận mua cho tôi một bó hoa để trao cho Hạnh. Tôi xin phép bệnh viện và được chấp thuận. Thế là đám cươí bên giường bệnh được diễn ra. Vị Mục sư hỏi tôi đại khái; “Don, anh có bằng lòng lấy Hạnh làm vợ không? Thưa bằng lòng.”. “Don, anh có bằng lòng săn sóc Hạnh suốt đời không ? Thưa Bằng lòng”. Mục sư quay ra hỏi Hạnh: “Hạnh, cô có bằng lòng lấy Don làm chồng không?”, Tất cả 7 người đứng đó im lặng chờ đợi không biết sao, Liên nhanh nhẹn ghé sát vào tai chị: “Nếu chị bằng lòng lấy anh Don thì chị chớp mắt nhá”. Mọi người nhìn về phía Hạnh thấy nàng chớp chớp mắt, chúng tôi vỗ tay mừng rỡ. Vị Mục sư cũng vui mừng và nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi cử hành một đám cưới như thế này” .
Sau hôm đám cưới, Hạnh vui hơn và tỉnh lại dần. Rồi như một phép lạ, ba tuần sau nàng được xuất viện và mỗi tháng một lần phải trở lại tái khám. Hạnh về nhà nhưng vẫn chưa thể tự túc được. Hàng ngày tôi và Liên thay nhau săn sóc Hạnh. Tám tháng sau Hạnh đi lại được trong nhà và tự ăn uống lấy. Tôi vui theo với sức khoẻ của Hạnh.
Tôi sống với Hạnh như thế được gần 6 năm. Rồi một hôm Hạnh mệt và không muốn ăn, tôi lấy sữa ensure cho Hạnh uống nhưng nàng chỉ uống chưa được nửa lon. Hôm sau Hạnh có hẹn với bác sĩ, tôi dự tính sẽ hỏi xem tình trạng như thế nào. Rồi không hiểu sao Hạnh kéo tôi xuống nằm bên nàng. Hạnh hôn tôi và nói; “ Em cám ơn anh đã hy sinh cho em nhiều quá. Em yêu anh và mãi mãi yêu anh. Em biết bệnh tình của em. Em không thể sống được nữa và sắp phải xa anh…”. Nói xong Hạnh nấc lên một tiếng rồi nằm im, hơi thở không đều. Tôi vội vàng gọi xe cứu thương. Xe cứu thương tới đưa Hạnh vào bệnh viện. Tôi lái xe theo sau. Người ta tiếp nước biển và đo tim mạch cho nàng. Hạnh được giữ lại trong nhà thương. Vì phải đợi kết quả thí nghiệm nên chưa biết bệnh tình ra sao. Tôi hồi hộp chờ đợi. Hạnh mỗi ngày một yếu đi, mắt nhắm lại. Ở trong bệnh viện đến tuần lễ thứ hai thì Hạnh hầu như không còn biết gì nữa, tim đập bất thường. Rồi bác sĩ đến bên tôi và nói bệnh tình Hạnh tái phát và không thể chữa được nữa. Ông ngỏ lời chia buồn với tôi. Lúc này Hạnh đã ngừng thở. Ông ra lệnh cho y tá tháo giây nối nước biển và tim mạch ra khỏi người Hạnh. Tôi đến gần cúi xuống ôm lấy Hạnh. Tôi hôn lên trán nàng và nước mắt tôi tự nhiên chảy ra…
Hoàng Nguyên Linh
No comments:
Post a Comment