Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Wednesday, August 27, 2014

Tham quan Mũi Cà Mau - Chị Bảy


Nhiều lần tôi định đi tham quan Mũi Cà Mau nhưng tôi cứ chần chờ vì ngại đi một mình không vui. Rồi lần nầy tôi vừa về đến Việt Nam, ông chủ hotel rủ tôi tham quan Cà Mau, thế là tôi như đang buồn ngũ mà gặp chiếu manh.

Chúng tôi bốn người gồm tôi, ông chủ hotel, hai anh bạn của ông chủ hotel, Việt Kiều về từ California và Pennsylvania ở Mỹ. Chúng tôi thuê xe bảy chổ, theo lộ trình chúng tôi khởi hành từ Sàigòn, trực chỉ Rạch Giá và ở Rạch Giá hai đêm. Rời Rạch Giá chúng tôi đi Cà Mau, tham quan Cà Mau xong chúng tôi về Hà Tiên ngũ đêm. Rời Hà Tiên chúng tôi ghé tham quan Chùa Dơi ở Sóc Trăng trước khi về Sàigòn.

Tham quan Rạch Giá. Rạch Giá không xa lạ với tôi, trước 1975 tôi thường đáp máy bay ở đây và 2012 tôi cũng đã thuê xe đi tham quan Châu Đốc, Hả Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên. Rạch Giá là quê của anh Việt Kiều Pennsylvania.

Chúng tôi khởi hành từ Sàigòn lúc gần trưa và đến Rạch Giá thì trời sụp tối. Đến Rạch Giá chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng xong, anh Việt Kiều Pennsylvania về với gia đình, còn lại chúng tôi check-in hotel.


Ăn tối trong nhà hàng Gió Biển ở Rạch Giá. 
Từ trái Hoàng ở Pennsylvania, anh Minh chủ hotel tôi ở, Thái, anh Cung ở California, Hùng tài xế.  

Ăn sáng ở Rạch Giá.
Từ trái: Hoàng, Minh, Thái, anh Khôi điêu khắc gia, cháu anh Khôi, Cung. Anh Khôi là đại gia ở Rạch Giá và quen với Hoàng. 

Ăn sáng ở Rạch Giá xong, chúng tôi cho tài xế lái xe chạy quanh thành phố Rạch Giá để Hoàng giới thiệu. Hoàng lớn lên ở Rạch Giá và anh vượt biển 1991 tại Rạch Giá. 

Theo Hoàng, ngày xưa gia đình nào ở Rạch Giá cũng đều có người vượt biển, vì vượt biển rất dễ dàng, không cần tiền, chỉ cần biết có tàu sắp vượt biển thì liều mạng nhảy xuống tàu, chủ tàu không dám la vì sợ bị bể, công an tóm cả tàu! Vượt biển ở Rạch Giá quá dễ, tàu chỉ cần đi qua Hà Tiên là ra khỏi biên giới Việt Nam rồi! 

Rạch Giá được nổi tiếng là nhờ đang sở hữu một khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Khu đô thị nầy được lấn ra Vịnh Thái Lan trên 500m và dài trên 7km, tạo dựng được 450 mẩu ta, bố trí chỗ ở cho 64000 dân.

Nhờ gia đình nào cũng có Việt Kiều nên khu phố Rạch Giá bây giờ mở mang, ăn chơi nhộn nhịp! Trời! Đêm tối ở khu phố lấn biển, tôi thấy các quán ca hát, quán cà phê cao cấp tràn ngập du khách ăn chơi, bất kể ngày thường hay cuối tuần. Gái Rạch Giá thì đẹp và lanh như chim Cắt (Falcon)!
     
Đền thờ ông Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực người huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, khi quân Pháp bắn phá Trung Bộ, gia đình ông Trực dời vô huyện Bến Lức tỉnh Long An. Người dân Rạch Giá ai cũng biết đền thờ ông Nguyễn. Đến ngày cúng ông Nguyễn, người dân Rạch Giá tổ chức rất long trọng. 

Vốn là dân chài lưới, nằm trong hệ thống chống Pháp của Nguyễn Tri Phương và dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Ông Trực được nổi tiếng là nhờ chiến công đốt tàu L'Espérance của Pháp ngày 10 tháng 12 năm 1861 trên sông Nhựt Tảo thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bắt ở Phú Quốc và bị chém đầu tại chợ Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868, hưởng dương 30 tuổi. 

Tàu L'Espérance bị ông Nguyễn Trung Trực đốt trên sông Nhựt Tảo.
Tàu được để trên sông trước đền thờ ông Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.

Đại gia Khôi và cô tiếp viên nhà hàng Ao Sen.

Tham quan Rạch Giá xong, đến trưa đại gia Khôi mời phái đoàn ăn trưa ở nhà hàng Ao Sen.

Thái và ông chủ nhà hàng Ao Sen.

Từ trái: Cung, Minh, Khôi, Thái.

Tham quan Mũi Cà Mau. Sau hai đêm ngũ lại Rạch Giá, sáng sớm chúng tôi rời Rạch Giá đi Cà Mau. Trước 1975 không có đường từ Rạch Giá đi Cà Mau. Ngày xưa từ Rạch Giá muốn đi Cà Mau thì phải về Ngã Ba Lộ Tẻ gần Cần Thơ, rồi từ đó đi qua Sóc Trăng, Bạc Liêu để đến Cà Mau. Ngày nay có đường đi thẳng từ Rạch Giá xuyên qua rừng U Minh Thượng đến Cà Mau, đoạn đường nầy trên 100km ngắn hơn ngày xưa nhiều.

Rừng U Minh Thượng.
Họ đào con kênh xuyên qua rừng U Minh Thượng để lấy đất đắp con đường từ Rạch Giá đi Cà Mau.
Hầu hết dưới quê, bên cạnh con đường là con kênh, vì phải đào kênh lấy đất làm đường. Vậy là nhất cử lưỡng tiện, vừa có lối lưu thông đường xe vừa có lối lưu thông đường ghe. 

Phái đoàn cũng đóng góp với người làm đường bằng cách dừng xe tưới nước bảo trì cây xanh!

Chúng tôi cho tài xế lái xe trực chỉ huyện Năm Căn, chứ không ghé phố Cà Mau, vì mục đích chúng tôi là tham quan Mũi Cà Mau.

Mũi Cà Mau. Mũi Cà Mau còn có tên Mũi Bãi Bùng. Mũi Cà Mau hướng về phía Tây, thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Nhìn về hướng Bắc, bên trái Mũi Cà Mau là Vịnh Thái Lan, bên phải là Biển Đông.


Nhìn bản đồ thì Mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, vì Mũi Cà Mau hướng chênh chếch lên phía Tây Bắc. Điểm cực Nam trên đất liền tỉnh Cà Mau là xóm Rạch Tàu, xã Đất Mũi.

Chúng tôi thuê ca nô từ Năm Căn đi Mũi Cà Mau, 
ca nô chạy rất nhanh và mất 50 phút mới tới Mũi Cà Mau.

Sắp sửa xuống ca nô, tôi tình cờ gặp ông bắt cua từ ghe vừa lên bờ, thế là tôi hỏi mua cua.
Cua gạch Cà Mau thì số một, tôi mua luôn 4 con cua gạch, mỗi con nữa ký, giá 4 con cua là 400000 rồi tôi đem xuống nhà hàng ở Mũi Cà Mau cho họ hấp bia. 
Cua gạch 200000 một ký thì quá rẻ nếu so với Sàigòn. Ở đường Nguyễn Tri Phương Sàigòn, tôi ăn cua gạch với giá 500000/1ký. 

Ca nô chạy thật nhanh, gíó biển mát rượi, lòng tôi phơi phới như trai tơ! 

Người dân giăng lưới bắt cá bắt cua ngang qua cửa biển. 
Cửa biển sâu từ 20-40m.
Đây là cửa biển nên nước từ sông ra đầy phù sa, chính phù sa nầy đang bồi đắp cho Mũi Cà Mau.

Cửa biển ra Mũi Cà Mau, hai bên là cây Đước. 
Cây Đước (Mangrove) là loại cây mọc dưới nước mặn, nhờ cây Đước mà phù sa được giữ lại bồi đắp cho Mũi Cà Mau. Ở Tràm Chim Đồng Tháp mà tôi đã có dịp tham quan, nơi đây có cây Tràm mọc dưới nước ngọt, nhờ cây Tràm mà phù sa được giữ lại bồi đắp cho Đồng Tháp mỗi năm vào mùa nước lũ. Cây Đước được nung làm than thì số một. Cây Tràm được dùng đóng cừ thì số một.

Ca nô cặp bến Mũi Cà Mau.

Anh Minh mua vé tham quan Mũi Cà Mau.

Đường vô Mốc Mũi Cà Mau.

Đường vô Mốc Mũi Cà Mau, hai bên là cây Đước.
Cây Đước có rể chụp xuống xung quanh như cái nôm cá. 

Mốc Mũi Cà Mau.

Nhà hàng Thuỷ Tạ Mũi Cà Mau.

Tháp canh Mũi Cà Mau.

Chúng tôi ăn trưa trong quán xung quanh Mũi Cà Mau.
Chúng tôi nhờ quán hấp cua mà chúng tôi mua ở Năm Căn, cua gạch ngon thấu trời. Ngoài ra quán có món sò nướng mở hành, canh chua cá, tôm xào cải. 

Ăn trưa ở Mũi Cà Mau xong, chúng tôi là những người sau cùng rời Mũi Cà Mau lúc 15:30.

Ăn cua gạch Cà Mau, uống bia, tôi phê quá mở mắt hết lên! 
      
Chúng tôi rời Cà Mau lúc xế chiều và cho xe trực chỉ Bạc Liêu. Chúng tôi đến Bạc Liêu thì trời sụp tối. Chúng tôi check-in hotel và ngũ lại Bạc Liêu một đêm. Sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng ở nhà hàng Công Tử Bạc Liêu trước khi về Sàigòn. 

Nhà hàng Công Tử Bạc Liêu.

Đến Bạc Liêu, Hoàng bị bà con giữ lại, còn lại ba người chúng tôi rời Bạc Liêu và cho xe trực chỉ Chùa Dơi ở Sóc Trăng. 

Sóc Trăng thì tôi có quá nhiều kỹ niệm. Ngày xưa tôi thường đáp máy bay xuống Sóc Trăng mua thịt, mua dưa hấu ruột vàng.

Ngày xưa tôi suýt chết ở Sóc Trăng. Sáng hôm ấy tôi bay hành quân gần Sóc Trăng. Anh Thiếu Uý Khương trong phi đoàn tôi, là phi công C47 mới về nước. Khương là người Việt gốc Campuchia, quê ở Sóc Trăng. Anh xin theo tôi về Sóc Trăng thăm mẹ và tôi đồng ý.

Tôi bay hành quân xong, rồi Khương nói với tôi:

- Ông thầy làm ơn múc trên nhà tôi cho má tôi xem máy bay, vì má tôi chưa thấy máy bay.

Nhào múc máy bay là nghề của tôi từ lúc tôi bay L19 và A1. Vậy mà sáng hôm ấy như có đấng linh thiên phù hộ tôi, tôi nói:   

- Tôi mệt quá! Tôi bay sát nóc nhà và quẹo 45 độ cho má anh xem được không?

Khương đồng ý. Tôi bay sát nóc nhà và quẹo 45 độ. Má Khương ra sân vẫy tay chào Khương và hai mẹ con nhìn thấy nhau, Khương vui lắm. Tôi bay quần trên nóc nhà khoảng 5 vòng thì tôi đáp xuống phi trường Sóc Trăng.

Đáp xuống phi trường Sóc Trăng, xe đón tôi ra phố ăn trưa, còn Khương thì đón xe lam 3 bánh về quê thăm mẹ.

Lúc 14:00 chiều hôm ấy tôi cất cánh từ phi trường Sóc Trăng để về lại Sàigòn. Lên trời, tôi bảo Khương bay để tôi ngũ. Bay không lâu thì Khương đánh thức tôi dậy và nói:

- Ông thầy ơi, sao mà tôi không điều khiển máy bay được nữa!

Tôi cầm cần lái, trời! đặc công gỡ cần lái máy bay! Tôi tức giận toát mồ hôi!

Từ cần lái có dây cáp để điều khiển cánh máy bay. Dây cáp nầy dính vô cần lái nhờ con ốc to lớn. Thường thì con ốc to lớn được gắn vô cần lái và thọc từ trên xuống, rồi vặn con tán vô và xỏ dây thép vô lổ con ốc để khoá không cho con tán rớt ra.

Đặc công gắn con ốc to lớn ngược, xỏ từ dưới lên rồi gắn con tán hờ và không xỏ dây thép để khoá. Lên trời, máy bay run run và con tán rớt ra. Vì con ốc to lớn xỏ ngược từ dưới lên nên máy bay run run, con ốc rơi xuống dễ dàng và máy bay không còn cần lái! 

Nếu tôi nhào múc trên nóc nhà Khương, thì tôi, Khương và anh Thượng Sĩ phòng 7 chết oan và tôi sẽ mang thêm cái tội vô tài mà đùa giỡn vì đâu có ai biết tôi bị gỡ cần lái! 

Tôi dùng "trim" để điều khiển máy bay. "Trim" thường được dùng để chỉnh cánh máy bay để phi công có thể buông tay ra khỏi cần lái mà máy bay vẫn bay thẳng. "Trim" điều khiển máy bay hết sức từ từ chậm chạp. Nếu máy bay bị gió thổi nhào đầu xuống thì "trim" không kéo máy bay lên kịp!

Tôi gọi về phi trường Tân Sơn Nhất báo máy bay tôi không còn cần lái và tôi sẽ vô đáp bằng "trim". Tôi yêu cầu cho tất cả máy bay tránh xa phi trường, vì nếu tôi bị gió máy bay khác thổi thì tôi chịu thua!

Tôi vô đáp bằng "trim" an toàn. Ông Trung Tá Hoè tư lệnh phó Sư Đoàn 5 Không Quân đón tôi tại bãi đậu phi đoàn. Ông nói: "Sao anh khéo tay vậy?" Tôi cười và ông cho tôi huy chương với cánh chim vàng. 

Chùa Dơi Sóc Trăng. Ngày xưa tôi biết Chùa Dơi Sóc Trăng có tràn ngập Dơi Quạ và đủ thứ chim to lớn như chim Diệc xám, Già Đãy...Tôi rủ Trung Tá Nguyễn Công Phước tuỳ viên của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đến đây bắn dơi và chim. Anh Phước học bay cùng khoá Cessna với tôi. Tôi dựa hơi anh Phước vì Tỉnh Trưởng Sóc Trăng cấm ngặt bắn chim và dơi trong chùa. Ai mà đụng tới dơi và chim trong chùa, là ông Sư méc ông Tỉnh Trưởng ngay.

Anh Phước đem cây súng dài 22 caliber có ống nhắm và ống hãm thanh. Viên đạn ra khỏi nòng súng thì êm re vì có ống hãm thanh, nhưng khi viên đạn trúng con dơi thì tiếng bóc vang lên rất lớn. Thế là ông sư nghe bóc...bóc... và ông ra rình bắt tại trận hai đứa tôi. Anh Phước cãi lại ông sư, rằng anh không bắn dơi mà anh tập bắn lên cây thôi. Ông sư giận bỏ đi vô, chúng tôi gôm vội một đống dơi và chim, rồi đi về.

Tôi mượn xe jeep của anh Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh ở phi trường Sóc Trăng. Tôi kể chuyện anh Phước cãi lộn với ông sư, anh Tiểu Đoàn Trưởng lo sợ ông sư ghi số xe và sẽ méc ông Tỉnh Trưởng. Nhưng tôi giới thiệu anh Phước là tuỳ viên của Tướng Kỳ để trấn an anh và dặn anh có rắc rối gì cho tôi biết để tôi gọi anh Phước.

Đem dơi về nhà, bà xả tôi sợ thất kinh và không dám đụng con dơi. Thế là tôi phải ra tay tự nấu cháo dơi ăn một mình, cũng ngon ra phết. Nhưng làm thịt con dơi thật không đơn giản vì trong nách con dơi có rất nhiều hạch, phải lấy hết hạch ra, nếu không thịt dơi sẽ hôi!

Chùa Dơi Sóc Trăng.

Click vào hình để xem hình lớn.
Đè key Ctrl và nhấp nhấp key + rồi nhìn kỹ chính giữa sẽ thấy dơi đeo trên cây.
Dơi bây giờ quá ít nếu so với ngày xưa! Và tôi không thấy chim!

Nói chung chung về tham quan Mũi Cà Mau. Tôi mơ ước được nhìn tận mắt Ải Nam Quan và Mũi Cà Mau trước khi chết. Tôi thoả mãn Mũi Cà Mau rồi, nhưng còn Ải Nam Quan.
  
Về miền Tây, từ Rạch Giá, Hà Tiên, Cà Mau, bờ biển các nơi nầy toàn là sình lầy, không tắm được, nhưng lòng tôi vui vui. Vì phù sa cứ bồi đắp những nơi nầy, để rồi nước Việt Nam thương yêu cứ lấn dần ra biển mà người Việt Nam không phải đổ máu để giành đất với ai, chỉ nằm ngữa nhịp đùi nhận đất trời cho. Người Việt Nam đã khổ quá nhiều rồi, hy vọng bây giờ là lúc người Việt Nam nhận lại quả tốt! tth   

Click Vào Đây - Để xem thêm hình, click vào hình để xem hình lớn.

Wednesday, August 20, 2014

Biết Nói Gì Đây - Tuấn Vũ, Thanh Tuyền


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Biết Nói Gì Đây/Ca sĩ Tuấn Vũ, Thanh Tuyền


Thursday, August 14, 2014

Về Đâu Mái Tóc Người Thương - Đặng Thế Luân, Trúc Mi


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Về Đâu Mái Tóc Người Thương/Ca sĩ Đặng Thế Luân, Trúc Mi


Monday, August 11, 2014

Khu phố, thành phố ma ở Trung Quốc (Ghost city of China) - Chị Bảy

  
Mới đây, đài truyền hình CBS của Mỹ, trong chương trình 60 Minutes có chiếu quang cảnh nhiều khu phố ma, nhiều nơi ở Trung Quốc. Ngay cả khu phố ma Thames ở Shanghai, Shanghai là thành phố lớn đông dân nhất của Trung Quốc và thế giới. Trong phim bà phóng viên Lesley Stahl của đài CBS đi với ông Gillem Tulloch nhà nghiên cứu đầu tư tiền tệ và bất động sản (Financial Analyst) của Hồng Kông. Hai người đang đi trên xa lộ chính của khu phố Zhengzhou, trong giờ cao điểm vậy mà xa lộ và khu phố vắng tanh như phố ma! 

Trung Quốc dốc hết sức chú tâm đến bất động sản và xây dựng, để rồi khởi sự từ March 2013 được báo cáo rằng Trung Quốc đang tạo ra tình trạng bong bóng về nhà cửa, làm thế giới nhìn vào lo sợ bong bóng sẽ bể! Vì họ xây nhà cửa, khu phố, thành phố mà không ai ở! Tại sao? 

Bà Lesley hỏi ông Gillem:

- Tại sao một khu khố, một thành phố dài hàng cây số, hàng cây số, hàng cây số, hàng cây số... mà trống trơn không người? Tôi tưởng những chung cư nầy đã được bán hết rồi?

- Đúng, những chung cư khu nầy đã được bán hết rồi! 

Trung Quốc là xứ cộng sản, chính quyến cấm người dân đem tiền đầu tư nước ngoài. Nhưng chính quyền bắt đầu cởi mở cho phép người dân mua nhà, thế là như đê vỡ bờ, những người có tiền ùn ùn đi mua chung cư, mua nhà, có người mua 5, 10 căn hộ một lúc để đầu tư vì họ nghĩ nhà sẽ lên giá! 

Họ đoán đúng, nhà lên giá gấp hai gấp ba và nhiều hơn nữa. Thế là người dân có tiền vét hết tiền trong nhà ra đầu tư bất động sản! Người có tiền mua nhà xong thì để trống, vì người nghèo không mướn nhà nổi. Rồi chính phủ cộng sản điều khiển kinh tế bằng quyền lực, cấm người dân mua quá 1 căn hộ. Thế là giá nhà đổ dốc, người dân đã mua nhà đầu tư để rồi tiền bạc dành dụm mấy đời bổng chốc bốc hơi thành mây khói!    

Trung Quốc trở thành xứ xây dựng nhiều nhất thế giới, họ xây dựng thành phố, nhà cửa, cơ xưởng... Họ xây dựng trung bình 12-24 thành phố mỗi năm. Và xây dựng trở nên hàng đầu, xây dựng để lèo lái kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nghĩ cứ xây thành phố thì đương nhiên người dân sẽ tới ở. Nhưng họ lầm vì không có người dân nào tới ở!  

Bà Lesley thắc mắc, hàng trăm triệu người dân ùn ùn kéo vô thành phố. Chính phủ xây chung cư, tại sao người dân không đến ở. Ông Gillem cho biết chung cư chính phủ xây giá tiền khoảng 50-60 ngàn USD, ngoài túi tiền của người dân nghèo! Người dân nghèo Trung Quốc trung bình kiếm tiền dưới $2 USD/1ngày!   

Ông Gillem dẫn bà Lesley vô một khu thương mại (shopping mall) to lớn mới toanh nhưng là mall ma, không một bóng người đã 3 năm rồi! Nhà thầu dựng bảng hiệu của Mỹ lên các cửa hàng trong mall, như thịt gà chiên KFC, cà phê Starbucks... nhưng đó là bảng hiệu giả để câu khách thuê gian hàng! Ông Gillem cho biết quang cảnh mall ma không người nầy có thể tìm thấy khắp nơi ở Trung Quốc!

Một cảnh chính phủ ủi sập khu phố nghèo để lấy đất xây chung cư, để rồi chung cư xây xong và bỏ trống. Trong khi đó những người chủ củ trở về nhà lượm lại những viên gạch đỗ nát cất dành cho sau nầy! Bà Lesley hỏi những người bị ủi nhà nầy sẽ đi đâu, ông Gillem nói họ sẽ bị ép buộc định cư nơi khác!     

Bà Lesley phỏng vấn nhà thầu xây cất nhiều nhà nhất của Trung Quốc và thế giới tên Wang Shi. Bà hỏi:

- Ông là nhà thầu xây dựng nhiều nhà nhất thế giới?

- Có thể, nhưng có lượng chứ không có phẩm!

- Nhà ở Trung Quốc mắc quá! Một căn hộ (apartment) ở Shanghai mắc gấp 45 lần tiền lương của người dân trong một năm!

- Đúng vậy, còn cao hơn thế nữa!

- Kinh tế như vậy, nhà quá mắc cho đại đa số người dân?

- Đúng! Tôi nghĩ nguy hiểm! 

- Nguy hiểm?

- Thật sự là bong bóng? Đó là vấn đề!

- Bong bóng?

- Đúng, đó là bong bóng! 

- Bong bóng, vấn đề là nó sẽ bể hay không! Đó là vấn đề to lớn!

- Nếu nó bể thì tan nát (disaster)! 

Để tránh tan nát, Trung Quốc ra lệnh mỗi gia đình chỉ được 1 con và chỉ được mua một căn hộ. Rất khó mua quá một căn hộ ở thành phố lớn. Nên nhà xuống giá làm cho bong bóng rạn nứt! Nhà thầu vỡ nợ.  

- Có rất nhiều nhà thầu xây dựng, vỡ nợ?

- Đúng vậy!

- Có nhiều công trình bỏ dỡ dang?

- Đúng vậy! 

Ngay cả ở Tianjin, một khu nhà chọc trời đang xây rồi bỏ dỡ dang. Cấp lảnh đạo thành phố giải thích rằng, xây cất được ngưng vì chờ đợi xây một lần cho đồng nhất, nhưng dân thợ thì nói rằng nhà thầu hết tiền!

Ở Mỹ thị trường điều khiển kinh tế, ở Trung Quốc chính phủ điều khiển kinh tế và chi tiêu $2 trillions USD xây thành phố để điều khiển đưa kinh tế lên. Nên đình trệ xây dựng ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc! Và sẽ đưa đến chống đối, biến động? 

***************

Nhìn Trung Quốc làm tôi liên tưởng tới Việt Nam. Trên xa lộ Đông Tây từ Sàigòn đi Bình Chánh, tôi thấy vài chung cư cao cấp to lớn, xây xong rồi bỏ trống. Bình Dương, Bến Cát, tôi cũng thấy nhiều khu phố xây xong, người có tiền mua đầu tư, nhưng không có người mướn ở và để hoang vắng. Xung quanh Sàigòn có những công trình xây cất đang bỏ dỡ dang! Nhưng không đáng kể nếu so với Trung Quốc. tth

CLick Vào Đây - Để xem khu phố, thành phố ma ở Trung Quốc.


Wednesday, August 6, 2014

Cho Đến Cuối Cuộc Đời - Hồ Hoàng Yến, Quốc Khanh


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Cho Đến Cuối Cuộc Đời/Ca sĩ Hồ Hoàng Yến, Quốc Khanh

Tuesday, August 5, 2014

Nằm mơ thấy em - Chị Bảy


Em,

Từ ngày em mất đến nay là gần 5 năm rồi. Gần 5 năm qua, trong giấc mơ anh thấy em đôi lần và chỉ thấy thoáng qua từ xa. Nhưng đêm hôm qua anh thấy em thật rõ ràng chi tiết. Em mặc áo gấm màu sặc sỡ thêu dệt rườm rà. Đầu em đội mão cũng bằng gấm màu sặc sỡ. Trang phục nầy hình như anh đã thấy trong nơi thờ phụng nào đó!

Em nghiêm nghị đi hướng về anh. Thấy em anh kêu lên: "Em", và đến ôm em, nghì ngực em sát vào lòng anh. Em nói khẻ: "Em khó thở!". Anh giật mình và thức giấc!

Em khó thở! Tội nghiệp em quá. Anh còn nhớ rỏ lắm, một buổi chiều năm 2001, anh đi làm về và em với gương mặt đầy lo âu, nắm tay kéo anh vô bồn rửa mặt trong phòng ngủ hai đứa mình, em chỉ vào bồn rửa mặt và nói: "Em khạc ra máu khá nhiều!". Anh thấy máu còn vướng trong bồn!

Sáng hôm sau anh vô sở xin nghỉ để anh đưa em đi bác sĩ. Anh đưa em đến ông bác sĩ chuyên về phổi. Ông bác sĩ cho chụp hình phổi của em. Theo hình phổi, ông bác sĩ cho biết trong phổi em có vết lạ khá lớn và ông cho làm biopsy. Nghe từ biopsy là anh liên tưởng đến ung thư, lòng anh tan nát, nhưng anh cố cầm nước mắt!

Làm biopsy phổi của em. Họ chụp thuốc mê để thọc camera nhỏ qua cuốn phổi rồi lần vô phổi em chổ có vết lạ, để cắt chút thịt để thử nghiệm. Cắt chút thịt xong, họ cho hai đứa mình về nhà chờ kết quả thử nghiệm. Hai đứa mình về nhà chờ đợi trong lo âu.

Chiều hôm sau ông bác sĩ gọi hai đứa mình đến để cho biết kết quả biopsy. Anh đưa em đến văn phòng ông bác sĩ, mà lòng anh như chờ đợi một bản án tữ hình!

Gặp hai đứa mình, ông bác sĩ cười và chúc mừng "no cancer". Trời! Cái gì vậy? Thật vậy sao? Hai đứa mình ôm nhau cười vui sướng và cám ơn ông bác sĩ rối rít. Ông bác sĩ giải thích về vết lạ trong phổi của em.

Vết lạ trong phổi của em là do con vi khuẩn có tên dài lòng thòng Mycobacterium Avium-Intracellucare. Con vi khuẩn nầy có khắp nơi, nhất là trong đất của các chậu bông. Nó rất khó vô phổi của em vì sức đề kháng của con người đủ sức giết nó từ bên ngoài phổi, nhưng khi nó vô trong phổi rồi thì rất khó giết nó. Ông bác sĩ không hiểu bằng cách nào mà nó phổi em được! Ông bác sĩ cho biết con vi khuẩn nầy không lây vì nó có khắp nơi! Rồi ông bác sĩ giới thiệu em đến ông bác sĩ chuyên về nhiễm trùng (infection).

Ông bác sĩ chuyên về nhiễm trùng chăm sóc em và theo dõi phổi của em 7 năm. Để rồi năm 2007 hai đứa mình về hưu, và trong chuyến đi du lịch vùng Đông Nam Á dài hạn. Hai đứa mình đang nằm ngủ trưa trong nhà của gia đình em ở Đalạt, rồi em than em khó thở! Anh lật đật đổi vé máy bay để đưa em về Mỹ.

Hôm ấy là 28 Tết mà anh đổi vé máy bay để đưa em về Mỹ. Mấy đứa em khóc than: "tưởng anh chị về ăn Tết với gia đình!" Nhưng anh quyết định đưa em về Mỹ gấp, vì anh sợ em khó thở và trở nặng thì làm sao em đi máy bay về Mỹ. Với anh chỉ có Mỹ mới có thể cứu được em, vì phổi của em có vấn đề 7 năm nay rồi!

Hảng máy bay có chổ cho hai đứa mình về Mỹ ngày 30 Tết. Nếu qua Tết thì một tháng sau mới có chổ cho hai đứa mình. Anh quyết định đưa em về Mỹ ngày 30 Tết. Hai đứa mình rời ĐaLạt về Sàigòn bằng máy bay sáng 29 Tết. Chiều 29 Tết anh đưa em đi chợ hoa Nguyễn Huệ với Hà Mỹ bạn chí thân của em cùng với anh chị Phát bạn của anh về từ Mỹ.

Tụi mình đang xem chợ hoa Nguyễn Huệ, người đông chen chút như kiến rồi em than em khó thở, anh giật mình lo sợ. Anh ôm dìu em chen lấn từ đường Nguyễn Huệ ra đường Lê Thánh Tôn để đón taxi.

Đón được chiếc taxi anh mừng quá, nhưng taxi có 4 chổ mà tụi mình có tới 5 người. Anh nói với ông taxi: "Chở 5 người về hotel đường Bùi Thị Xuân, tôi trả tiền gấp đôi". Ông taxi đồng ý vì ông biết công an đang kẹt ở chợ hoa hết rồi!

Về Mỹ, hai đứa mình đi gặp ông bác sĩ chăm sóc em. Ông bác sĩ nầy theo dõi phổi của em 7 năm bằng cách cho chụp hình X-Ray, nhưng lần nầy thì ông không cho chụp hình mà ông cho làm CT scan. Nhờ làm CT scan, ông bác sĩ mới biết phổi của em có bướu tùm lum và lan qua gan. Ông chụp hình phổi em thường xuyên trong 7 năm mà ông không thấy bướu, bây giờ ông nói bướu tùm lum! Bướu ở đâu ra? Chỉ có CT scan mới cho thấy chiều dày, hình X-Ray không cho chìều dày nên ông không thấy bướu. Ông hẹn ngày đi làm biopsy mấy cái bướu trong phổi em. Lại cái từ biopsy!

Lần nầy thì khỏi cần làm biopsy, anh biết nó là cái gì rồi! Bản án tữ hình đã được treo lên cổ anh! Anh giận ông bác sĩ quá sức. Ông có vẽ lo sợ anh sẽ kiện ông! Em thì tỉnh bơ, bình thản.

Ở văn phòng bác sĩ ra, trong thang máy chỉ có hai đứa mình. Anh không cầm lòng được nữa rồi, nước mắt anh ràn rụa. Em ôm vai anh khuyên lơn! Trời! Người bịnh khuyên người lành!

Ông bác sĩ gởi em vô nhà thương để làm biopsy. Ông bác sĩ biết bướu trong phổi em là cái gì rồi, nên ông gởi em vô nhà thương làm biopsy để ông bán cái cho bác sĩ về ung thư trong nhà thương!

Kết quả biopsy. Em bị ung thư loại cực mạnh vào thời kỳ thứ tư. Ông bác sĩ chăm sóc em mỗi tháng, thời kỳ thứ nhất, thứ hai, thứ ba đâu mà bây giờ đột nhiên ra thời kỳ thứ tư? Anh giận ông bác sĩ, nhưng em khuyên anh và nói lời quá dễ thương: "Tuổi 69 cũng thọ rồi, phải không anh? Gia đình mình không ai chết trong chiến tranh, em rất mãn nguyện rồi."

Em quyết định không điều trị ung thư và em xin về nhà để hospice chăm sóc em. Vì em không muốn thấy cơ thể em bị tàn phá vì xạ trị, hơn nữa em không muốn chồng con khổ vì em! Em bao giờ cũng vậy, luôn luôn nghĩ đến người khác. Anh thương em quá sức!

Tối hôm qua em về thăm anh để cám ơn anh đưa dì Liên tham quan Texas, phải không? Anh đi lang bạt giang hồ như chim, vậy mà dì Liên qua Mỹ lại có anh ở Mỹ để đưa dì Liên đi tham quan và mua sắm, anh hên quá sức. Chắc là em đứng sau lưng vụ nầy, anh cám ơn em.  

Tiện đây anh nói em biết sơ qua về gia đình mình: 

Thy dạo nầy rất bận rộn, mua nhà dọn nhà liên miên. Thy mới mua cái nhà to lớn 7 phòng ngũ trong trung tâm phố San Diego. Nhà nầy củ cả 100 năm rồi, mà rất đắt tiền! Thy muốn anh về nhà nầy ở với Thy, nhưng anh hứa đến thăm Thy dài hạn chứ anh không ở luôn. Thy cũng mua nhiều nhà ở trung tâm phố để cho thuê. Chinh vẫn làm cho Qualcomm, nó được thăng chức Exec Dir of Engineering. Kira bây giờ cao tới tai anh rồi. Kira và Aiden học cực kỳ giỏi và hết sức dễ thương. 

Thông mới đổi hảng, làm Engineer cho Senergetics Consulting. Hảng nầy mới dụ nó bỏ hảng củ rồi họ cho nó 50% lương hơn hảng củ, công việc thì không thay đổi. Thông mua nhà trên 21 mẫu đất ở Austin khá gần hồ Travis. Thông cũng muốn anh về ở với nó nhưng anh cũng từ chối.  

Hai đứa mình đã quyết tâm không ở với con vì tụi mình muốn con sống thoải mái đừng bận bịu vì tụi mình, phải không em? 

Nhà mình, kỳ nầy ở Việt Nam về anh sửa sang khá nhiều. Anh thay mái nhà mới màu đẹp lắm, thay máy lạnh, máy sưởi mới luôn. Anh cho sơn sửa trần nhà chổ cửa phòng mình. Anh chi tiêu gần 25 ngàn USD. Anh hên lắm, lúc anh kêu nhà thầu đến thay mái nhà, ông thầu đứng trước nhà nhìn lên mái nhà và ông nói mái nhà còn mới quá! Nhưng khi ông leo lên mái nhà để ước tính tiền, ông nói mái nhà mình bị mưa đá khá nặng, và bảo hiểm sẽ trả tiền mái nhà nầy. Trời! Anh mừng quá. Anh gọi USAA, USAA đến xem mái nhà và cho anh 14 ngàn USD tiền mái nhà. May mà anh gọi nhà thầu Mỹ có nhiều kinh nghiệm về mưa đá nên nhìn mái nhà là họ biết ngay, còn anh mở banh mắt anh không thấy dấu mưa đá đâu hết! Chắc là em giúp anh vụ nầy phải không?       

Nhà mình thì anh quyết định không bán. Lúc em bị bịnh nặng em dặn anh đừng bán nhà, anh thương em quá, nên hứa và không hỏi lý do. Mới đây anh nói với Thy, rằng em dặn anh đừng bán nhà mà anh không hỏi lý do. Thy nói nó biết ly do, vì em sợ Thông không có chổ ở, bây giờ thì Thông mua nhà rồi. Phải đúng vậy không em? Hay là Thy muốn anh bán nhà để rồi anh phải qua ở với nó? Dù sao bây giờ thì Thông có nhà rồi, nhưng anh cũng không bán, em dặn anh mà!

Sau cùng là sức khoẻ anh. Kỳ nầy về Mỹ, anh quyết định mổ cataract mặc dù cataract của anh còn rất nhỏ. Ông bác sĩ mổ cataract cho anh biết, bảo hiểm sẽ trả hết tiền cho mổ cataract, nhưng nếu anh muốn ông chỉnh mắt cho khỏi đeo kiếng thì anh phải trả 1600USD vì bảo hiểm không trả tiền cho chuyện làm đẹp nầy! Nghe không phải đeo kiếng, anh mê quá nên anh cho ông bác sĩ làm luôn. Mắt anh bây giờ lái xe, chơi tennis, viết blog khỏi cần đeo kiếng, anh thích quá. Anh đang lo, rồi đây khi anh đi lang bạt giang hồ mà không đeo kiếng, trông anh trẻ như trai 35 tuổi thì kẹt cho anh quá! Nhưng không sao, em dặn anh cứ tự do mà, cám ơn em! Và em yên tâm, con đường anh đang đi, anh lấy từ thiện làm đầu nên gần 5 năm qua anh chưa gieo oán hận với ai! Ngược lại có những người gán cho anh những từ Phật sống, quới nhơn... làm anh vui vui.        

Trước khi dừng bút, anh muốn chúc em nhưng em là người cỏi trên rồi, anh chưa từng chúc ai như vầy! Em đừng cười anh nghen. Thôi thì anh cuối đầu cầu nguyện Mẹ Hiền Quan Thế Âm Bồ Tát gia hộ cho em mọi chuyện. tth
     

Friday, August 1, 2014

Em Đẹp Nhất Đêm Nay - Tóc Tiên


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Em Đẹp Nhất Đêm Nay/Ca sĩ Tóc Tiên