Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Friday, March 27, 2015

Tham Quan Đà Nẵng, Hội An, Huế - Chị Bảy


Trước Tết Ất Mùi 2015 tôi rủ vợ chồng BS Huỳnh Thị Kim Chi và BS Khôi ra Đà Nẵng ăn Tết. BS Chi là em chú bác ruột với tôi và là chủ một bệnh viện ở Bình Dương. Lúc đầu Chi có vẽ xiêu lòng, rồi Chi cho tôi biết tháng March có vợ chồng Cúc ở Canada về và Cúc muốn tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế, nên Chi không đi Đà Nẵng ăn Tết với tôi được! Thế là tôi mua tour đi Dubai để tránh cái Tết đơn độc lẽ loi.

Cúc là con gái lớn của người chị thứ 3 của Chi, còn Chi là thứ 10 út trong gia đình, nên hai dì cháu bằng tuổi nhau và rất thân từ nhỏ. Chi rủ tôi đi Đà Nẵng với vợ chồng Cúc và tôi nhận lời, mặc dù tôi đi Dubai mới về còn mệt, nhưng Cúc cũng là cháu của tôi và mấy chục năm tôi không gặp.

Tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế ngày thứ 1.

Buổi sáng, gia đình gồm có tôi, vợ chồng Chi & Khôi ở Bình Dương, vợ chồng Cúc & Hoà ở Canada cùng với ba người bạn cũng ở Canada là vợ chồng chị Vĩnh & anh Tuấn và cô Hường, tụ tập ở phi trường Tân Sơn Nhất để làm thủ tục lên máy bay ViệtNam Airline đi Đà Nẵng. Từ Tân Sơn Nhất đi Đà Nẵng mất một giờ bay.

Từ phải qua: Khôi, Chi, Cúc, Vĩnh, Hường, Hoà, Tuấn.
  
Từ phải qua: Thái, Chi, Cúc, Hường, Tuấn, Hoà.

Máy bay chở gia đình đáp ở phi trường Đà Nẵng lúc gần đúng ngọ, Chi có thuê xe và hotel trước nên xe đến đón gia đình đưa đi ăn trưa trước khi về hotel.

Năm 2011 tôi ra Đà Nẵng ở một mình gần một tuần, nên Đà Nẵng không xa lạ với tôi. Lần đi ấy, tài xế giới thiệu cho tôi một số nhà hàng ngon ở Đà Nẵng, trong đó có nhà hàng Không Gian Xưa. Nghe Không Gian Xưa, tôi chọn ngay vì tôi tưởng có dính dấp với Không Quân xưa. Nhưng ông chủ Không Gian Xưa nầy không có dính dấp gì với Không Quân xưa! Tuy nhiên, nhà hàng đẹp và ngon, nên kỳ nầy tôi mời gia đình đến Không Gian Xưa ăn trưa. Thức ăn ngon, chúng tôi ăn bội thực luôn và phải mang mực một nắng còn dư về hotel ăn tiếp!      
  
Nhà hàng Không Gian Xưa ở Đà Nẵng.

Trong vườn nhà hàng Không Gian Xưa.

Ăn trưa xong, Chi cho tài xế đưa gia đình về hotel để check-in. 

Gia đình check-in Hotel Hyatt Resort ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.
Hyatt Resort năm sao nầy đẹp hơn hotel Hyatt ở Dubai mà tôi mới ở hôm Tết Ất Mùi 2015.  

Hotel Hyatt Resort ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.

Check-in hotel xong, gia đình tranh thủ rửa mặt để tài xế đưa gia đình đi tham quan chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt, Sơn Trà-Đà Nẵng. 

Tham quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà Đà Nẵng.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà-Đà Nẵng là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều toạ lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiên trong thành phố. 

Tam giác linh thiên trong thành phố Đà Nẵng. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thuỹ sơn, một trong năm Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà nằm chót vót trên núi cao của địa danh nghĩ mát Bà Nà. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà nằm lưng chừng núi bán đảo Sơn Trà.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong ba ngôi chùa. Chùa nầy được đặt viên đá đầu tiên năm 2004 và khánh thành 2010. Ngày gia đình đến, chùa đang xây thêm một toà nhà cao to, có người cho tôi biết toà nhà đang xây là do Phật Tử cúng dường!
       
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Chánh Điện chùa Linh Ứng Bãi Bụt. 
     
Tượng Phật Bà chùa Linh Ứng Bãi Bụt cao nhất Việt Nam 67m.

Ngồi ở hotel Hyatt Resort tôi có thể thấy tượng Phật Bà ở chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Chi & Khôi hạnh phúc lắm.

 Cúc đang thiền dưới gốc cây bồ đề, có vẽ sắp đắc đạo lắm!

Trời! Cúc đang trang nghiêm thiền sắp đắc đạo, rồi gặp bạn ôm nhau cười toe toét, nợ trần gian còn nặng quá!

Đà Nẵng hoàng hôn nhìn từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Tham quan chùa Linh Ứng xong, Chi cho tài xế đưa gia đình về hotel.

Chúng tôi đang ăn tối trong phòng hotel và kể chuyện tiếu lâm, cười đã luôn.
Lúc trưa chúng tôi ăn trong nhà hàng Không Gian Xưa. Nhà hàng nấu ngon quá và chúng tôi ăn bội thực luôn. Đến chiều ai cũng còn no, nên tôi mua mỗi người một hộp đủ thứ gồm bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ước...dem về hotel ăn tối cho vui. 

Tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế ngày thứ 2.

Chi rất chu đáo, đem theo bánh ú rất ngon, và cà phê để chúng tôi ăn sáng trong phòng của hotel. Vì là phòng suite, nên có đủ bếp, lò để Chi hâm nóng bánh ú và pha cà phê.

Bãi biển Sơn Trà lúc sáng sớm nhìn từ Hyatt Resort.

Ăn sáng trong hotel xong, chúng tôi kéo nhau đi tắm biển. Hyatt Resort có biển riêng rất đẹp và an toàn. Họ cắm cờ ở bờ biển để cho du khách biết chổ nào an toàn có thể tắm được. Tuy nhiên sóng biển ở đây khá mạnh, nên chúng tôi không dám ra xa.

Tắm biển xong, chúng tôi về phòng ngồi chờ vợ chồng Thuận & Phương bay ra Đà Nẵng từ Sàigòn. Phương là con gái lớn của người chị thứ 2 của Chi.

Theo dự trù thì Thuận & Phương sẽ đi cùng ngày với chúng tôi, nhưng giờ chót cháu nội của Thuận & Phương không được khoẻ, mà ba má cháu thì đi công tác làm ăn ở Hồng Kông chưa về, nên ông bà nội phải huỷ bỏ chuyến bay để ở nhà coi cháu. Ngày hôm sau, ba má cháu ở Hồng Kông về nên Thuận & Phương bay ra với chúng tôi. Tội nghiệp! Thuận & Phương có 6 xuởng may thêu xuất cảng, khoảng 5 ngàn nhân viên, rất bận rộn, vậy mà cũng ráng ra chơi với gia đình!

Tài xế đón Thuận & Phương ở phi trường, rồi về hotel đón chúng tôi đi ăn trưa. Gia đình lúc ra đi có 8 người, bây giờ là 10 người.

Thuận & Phương đưa gia đình đến nhà hàng Trần mà Thuận & Phương thường ăn ở đây. Nhà hàng nầy có những món đặc sản tôi chưa từng ăn như bánh Vạc Đà Nẵng, bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu mỡ...Bánh Vạc ngon thấu trời!

Nhà hàng Trần. 

Trong vườn nhà hàng Trần.

Gia đình đang ăn đặc sản Đà Nẵng.
Từ ngoài vô từng cặp một với tên nữ trước: Phương & Thuận, Chi & Khôi, Vĩnh & Tuấn, Hường-Thái, Cúc & Hoà. 
Đây là những cặp vợ chồng, chỉ có cặp Hường-Thái mới được gán ghép nên còn là duyên bạn trong tour. Cám ơn cháu Cúc đã thương lo và tạo ngạc nhiên cho cậu 10 Thái.     

Từ Hyatt Resort nhìn ra Ngũ Hành Sơn rất gần.

Từ Đà Nẵng đi Hội An rất gần. Trời còn sớm, chúng tôi sợ nắng nên kéo nhau đi uống cà phê trong hotel chờ cho trời mát rồi mới đi Hội An.
Từ phải qua: Thuận, Hoà, Hường, Thái, Vĩnh, Khôi. 

Tham quan Hội An. 

Chỉ có mấy người ở Canada chưa biết Hội An. Riêng tôi, năm 2013 tôi có một kỹ niệm ở Hội An không bao giờ tôi quên. 

Năm 2013 tôi đến Hội An và ngũ trong hotel, họ giăng mùng rất đẹp trên giường để làm điệu cho cổ kính nhưng không có xài. Mùng nầy được xếp rất đẹp điệu đàng, nên họ chẳng bao giờ giặt vì gỡ mùng ra rồi xếp lại rất khó. Bụi tích trữ trong mùng, năm nầy qua năm kia. Tôi nằm trên giường dưới mùng, máy lạnh thổi gió, bụi trong mùng rớt vô mắt tôi. Sáng sớm mắt tôi đỏ au và sưng vù to như hai trái chanh. Tôi mua thuốc nhỏ mắt nhưng không hết. Về đến Nha Trang tôi đi khám bác sĩ mắt.

Ông bs mắt là bs quân đội. Ông hỏi tôi, rằng ông có hai thứ thuốc để chích vô mí mắt, một thứ 450 ngàn VND, một thứ 750 ngàn VND, tôi muốn thứ nào. Tôi giật mình, vì đời tôi chưa bao giờ nghe một bs ra giá như vậy. Tôi chọn thứ thuốc 750 ngàn. Rốt cuộc tôi chi tiền bác sĩ 4 triệu 100 ngàn VND và tiền mua thuốc ở nhà thuốc Tây gần 1 triệu VND mà mắt tôi không hết bệnh. Sơ quá tôi bay về Sàigòn, bác sĩ mắt ở 100 Lê Thị Riêng trị mắt tôi hết bệnh và tôi chỉ trả 100 ngàn tiền bác sĩ và 100 ngàn tiền thuốc! 

Lần nầy tôi đến Hội An với gia đình, và tôi cũng không quên kể cho gia đình biết tôi đã bị sưng mắt ở Hội An vì cái mùng trong hotel được giăng lên để làm đẹp điệu đàng cổ kính nhưng dơ nhất thế giới!

Lần nầy tôi tham quan Hội An có tour guide địa phương.
Chúng tôi trả 80 ngàn VND một người để có tour guide địa phương hướng dẫn giải thích. Tiền nầy được dùng để tu bổ thành phố. Nhờ tour guide mà tôi biết sự tích cổ kính của Hội An, chính sự cổ kính nầy thu hút du khách trong và ngoài nước.

Phố cổ Hội An.

Tham quan nhà cổ Hội An.

Cầu Chùa có mái ngói che mưa che nắng là cây cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An. Cầu nầy còn có tên Cầu Nhật Bản, hoặc Lai Viễn Kiều.  

Cây cầu nầy được thương gia người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ 17 nên người ta còn gọi là Cầu Nhật Bản, tuy nhiên kiến trúc đậm nét Việt Nam.  

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho cây cầu Lai Viễn Kiều, nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".       

Theo truyền thuyết con quái vật Mamazu có đầu ở Nhật Bản, mình ở Việt Nam, đuôi ở Ấn Độ, cây cầu nầy được coi như thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Mamazu, khiến nó quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Nên năm 1653 người ta dựng thêm phần chùa nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Cầu Chùa.

Chùa Ông ở đô thị cổ Hội An. 
Chùa nầy do người Hoa gốc Triều Châu xây.

Tham quan Hội An xong, gia đình ăn tối trong khu phố cổ Hội An.

Ăn tối ở Hội An xong, Chi cho xe đưa gia đình về hotel Hyatt Resort. Chúng tôi ngũ sớm để sáng sớm ngày mai gia đình đi tham quan Huế.  

Tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế ngày thứ 3.

Gia đình ăn sáng trong hotel xong, Chi cho xe khởi hành đi Huế rất sớm vì chúng tôi muốn đi đường đèo Hải Vân chứ không đi đường hầm Hải Vân. Ngoài ra gia đình muốn tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã và đền thờ Huyền Trân Công Chúa.

Tham quan Đèo Hải Vân.

Đây là lần đầu tiên tôi đi qua đèo Hải Vân. Trước 1975 tôi không đi qua đèo Hải Vân vì an ninh. Sau 1975 tôi theo tour đến đây thì đã có đường hầm và tour chỉ đi đường hầm. Lần nầy gia đình muốn đi đèo Hải Vân cho biết.

Đèo Hải Vân cao 500m so với mặt biển, thường có mây che phủ nên còn có tên Đèo Mây. Đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã ở giữa Huế và Đà Nẵng.

Đỉnh đèo Hải Vân.

Thỉnh thoảng mây bao phủ đèo Hải Vân,

Gia đình chụp hình trên đình đèo Hải Vân.

Tham quan Lăng Cô.

Lăng Cô là một thị trấn của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Huế 70km về phía Nam, nằm dưới chân đèo Hải Vân. Lăng Cô có bãi cát đẹp, nơi có nhiều khu nghĩ mát.   
  
Chi cho xe dừng bên đường để tham quan Lăng Cô.

Gia đình dừng xe dưới chân đèo Hải Vân để tham quan Lăng Cô. 

Tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã là một thiền viện thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tữ, là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thiền viện toạ lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi, thuộc xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã được sáng lập bởi Hoà Thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ năm 2006. Thiền viện nằm giữa lòng hồ Truồi nên có đò đưa sang.

Đường vô bến đò để đi đò sang thiền viện.

Thiền viện nhìn từ bến đò.

Gia đình xuống đò để sang thiền viện.

Đò chạy trong hồ Truồi, cảnh hồ tuyệt đẹp.

 Lúc gia đình rời đò lên bờ đi lên thiền viện thì tôi thấy một vị Sư đi xuống đò, tôi có cúi đầu đãnh lễ. Nhỉn kỹ hình nầy sẽ thấy vị sư đang đi xuống đò. Chắc đây là vị sư trù trì thiền viện, vì khi chúng tôi vô thiền viện, không có vị sư nào trong thiền viện!

Vì thiền viện không có Sư nào trông coi, hai thí chủ Thuận & Phương "vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm!" Nhưng không sao, thí chủ Phương có vô chánh điện cúng Phật rồi. 

Đường lên cổng thiền viện.

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. 

Ba thí chủ Chi, Hường, Cúc thiền kiểu gì mà ngồi thế ăn chè đậu vậy?

  
Tham quan thiền viện xong, chúng tôi ra cổng để đi về rồi chúng tôi gặp một số em nhỏ. Các em cho chúng tôi biết các em đi xe đạp đến bến đò, rồi đi đò sang thiền viện. Các em muốn chụp hình với chúng tôi. Phương lì xì các em tiền và các em vui lắm.  

Tham quan thiền viện xong, Chi cho xe trực chỉ đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế.

Đền thờ Huyền Trân Công Chúa. 

Chuyện kể, Vua Chiêm Thành Chế Mân để cưới được Công Chúa Huyền Trân đã đem hai Châu Ô, Châu Lý dâng lên vua cha Trần Nhân Tông sính lễ. Năm 1306 vâng lệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh là Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hoà hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hoá, Phú Xuân, Thừa Thiên - Huế được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm.

Năm 1306 người ViệtNam coi dân tộc Chàm là một dân tộc thấp kém, trong dân gian tiếc rẽ cuộc đời của công chúa nên đã có câu: 

                              Tiếc thay cây quế giữa rừng
                              Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Có người cho rằng chính công chúa đã soạn bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình lúc đi đường sang Chiêm Quốc:

                              Nước non ngàn dặm ra đi...
                              Mối tình chi!
                              Mượn màu son phấn
                              Đền nợ Ô, Ly.
                              Xót thay vì,
                              Đương độ xuân thì.
                              Số lao đao hay là nợ duyên gì?...

Với bao nỗi khổ tâm đó mà công chúa vẫn giữ được chử hiếu để nghe lời vua cha lên đường sang Chiêm. Nhưng nỗi khổ chưa buông tha công chúa, khi một năm sau 1307 công chúa Huyền Trân tức Hoàng Hậu Paramecvari vừa sinh hoàng tữ Chế Đa Đa thì vua Chế Mân băng hà.

Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Lúc bây giờ vua cha Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để đi tu ở núi Yên Tử. Vua Trần Anh Tông là anh của công chúa biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa Huyền Trân về nước Việt bằng đường biển.

Sau đó công chúa di tu. Nhìn tượng công chúa mặc áo sư cô, tôi thương cãm quá sức, tôi móc bóp cúng dường cho thoã lòng mến phục.
        
Đền thờ Huyền Trân Công Chúa được khánh thành 2007, rộng 28ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thuỹ An thành phố Huế. Huyền Trân xứng đáng được thờ ở Huế, vì nhờ Huyền Trân mới có Huế.

Đường vô đền thờ Huyền Trân.

Bàn thờ Huyền Trân Công Chúa.

Tượng Huyền Trân lúc đi tu.

Đường lên đền thờ vua cha Trần Nhân Tông, ngay phía sau đền thờ Huyền Trân nhưng ở trên cao.

Bàn thờ vua cha Trần Nhân Tông.

Tham quan đền thờ Huyền Trân xong, gia đình có vẽ mệt mỏi.

Tham quan đền Huyền Trân xong, gia đình giài khát bằng nước dừa trong quán trước đền thờ.

Tham quan Huế xong, Chi cho xe chở gia đình về Lăng Cô ăn tối. 

Chi, Phương đang đi chợ hải sản trong nhà hàng.

Chúng tôi về Lăng Cô ăn tối trong nhà hàng hải sản vừa ngon vừa rẻ.

Ăn tối ở Lăng Cô xong, Chi cho xe đưa gia đình về hotel ở Đà Nẳng. Về đến hotel ai nấy mệt rã rời, tuy nhiên tôi, Thuận, Hoà vẫn đi uống cà phê, nghe nhạc trong hotel cho tới quá nữa đêm.

Tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế ngày thứ 4.

Gia đình ăn sáng trong hotel xong, một vài người đi tắm biển, còn tôi thì nằm trong phòng đọc email, vì chiều nay tôi, Chi & Khôi, Thuận & Phương về Sàigòn. Năm người ở Canada, Vĩnh, Tuấn, Cúc, Hoà, Hường còn ở lại Đà Nẵng chơi thêm vài ngày.

Đến trưa tôi, Chi & Khôi, Thuận & Phương check-out hotel, rồi Chi cho tài xế đưa nguyên gia đình đi ăn trưa Mì Quãng, ngon thấu trời.


Ăn trưa xong, vì xế chiều máy bay mới cất cánh về Sàigòn, nên chúng tôi kéo nhau ra bờ sông Hàn uống cà phê giết thời giờ.  

Uống cà phê xong, phái đoàn Canada theo xe đưa tôi, Chi & Khôi, Thuận & Phương ra phi trường về Sàigòn, rồi họ trở lại hotel.

Nói chung chung về chuyến tham quan Đà Nẵng, Hội An, Huế kỳ nầy.  

Ba nơi nầy tôi đã tham quan rồi, chuyến đi nầy chủ yếu của tôi là vui với gia đình. Đáp lại gia đình làm tôi vui quá sức. Chi lo hotel, máy bay, xe đưa đón hết sức chu đáo và còn lo ăn sáng nữa. Cúc thì lo giới thiệu bạn cho tôi vui.

Niềm vui cuối đời. Chi & Khôi và tôi ở trong một suite hotel 2 phòng ngũ. Vì cháu nội của Thuận & Phương không khoẻ, Thuận & Phương không chắc đi nên không đặt phòng trước. Sáng hôm sau vợ chồng cháu Thuận & Phương từ Sàigòn bay ra Đà Nẵng nhập với gia đình, đúng lúc Đà Nẵng đang có hội nghị nên hotel hết phòng. Thuận & Phương vô ở chung suite với tôi và Chi & Khôi. 

Tôi có một mình nên tôi nhường phòng cho Thuận & Phương để ra ngũ ở salon, nhưng Phương nhất định không chịu. Cách hành xữ của hai cháu Thuận & Phương làm tôi thương quá nhưng chẳng biết làm sao. Cậu 10 cám ơn Thuận & Phương. tth       


Click Vào Đây - Để xem thêm hình. Click vào hình để xem hình lớn.

No comments:

Post a Comment