Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Monday, August 29, 2016

Thầm Thì - Vũ Khanh


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Thầm Thì/Ca sĩ Vũ Khanh


Saturday, August 27, 2016

Tiếng Đàn Kìm - Vân Khánh, Tố My


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Tiếng Đàn Kìm/Ca sĩ Vân Khánh, Tố My



Tuesday, August 23, 2016

Tình hình chính trị và kinh tế của Trung Cộng - Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm


Đọc "Tình hình chính trị và kinh tế của Trung Cộng" tôi thấy hay hay, tôi xin post ra đây. Tôi cám ơn KQ Lê Phước Khương đã forward bài nầy cho tôi. tth

Tình hình chính trị và kinh tế của Trung Cộng

Sơ qua tình hình chính trị và kinh tế của Trung Cộng, cùng sự khác biệt giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường về cải tổ kinh tế.



Gần đây báo chí Trung cộng, Hồng Kông và báo chí ngoại quốc, đặc biệt là tờ Wall Street Journal, có đăng tải sự khác biệt quan điểm giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường về vấn đề cải tổ kinh tế. Sự khác biệt này, nhất là ở giới chóp bu, từ xưa đến giờ vẫn được giấu kín, nay được bạch hóa.

Tại sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận để nhìn rõ vấn đề hơn.

Nhưng để nhìn rõ vấn đề, chúng ta cũng cần nhìn sơ về tình hình chính trị và kinh tế nước Tàu:

I) Chính trị và kinh tế Trung cộng từ ngày mở của của Đặng Tiểu Bình

Chúng ta không ai chối cãi rằng từ ngày trở lại chính quyền, Đặng Tiểu Bình chủ trương chính sách mở cửa, từ năm 1978 tới nay, Trung cộng đã làm một bước tiến nhảy vọt, khác với chính sách "Đại Nhảy Vọt" của Mao Trạch Đông vào 1958-1960 đã đưa nước Tàu vào nạn đói, đưa đến hậu quả hàng 40 triệu dân Tàu đã chết. Bước nhảy vọt của họ Đặng không những đã chấm dứt nạn đói, mà còn đưa Trung cộng vào hàng cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, nếu tính theo Tổng sản lượng.

Tại sao nước Tàu lại làm được một bước tiến nhảy vọt dưới thời Đặng Tiểu Bình. Đây là một câu hỏi mà nhiều nhà quan sát, nhiều nhà kinh tế đặt ra.

Tất nhiên khi trở lại chính quyền, họ Đặng đã lấy nhiều quyết định, không phải là một mình, mà do một nhóm người chóp bu. Nhóm người chóp bu này nằm trong 8 đại gia đình, theo đó:

1) Gia đình Đặng Tiểu Bình.

2) Gia đình tướng Vương Chấn, đây là một người tướng văn dốt, vũ dát, một thảo khấu. Vào thời Mao Trạch Đông bị Tưởng Giới Thạch ruồng bắt, phải làm cuộc Vạn lý Trường chinh, bị vây khốn, thiếu lương thực, thì đã được nhóm thảo khấu của Vương Chấn giúp đỡ. Từ đó họ Vương đã được Mao trao toàn quyền lo về vấn đề lương thực của quân đội, theo Mao hết mình, sau khi Mao chết, thì theo Đặng. Chính Vương Chấn và Trần Vân, đã đề nghị vào buổi họp Trung ương đảng vào ngày 10 đến ngày 22/03 /1977, dưới thời của Hoa Quốc Phong, người được Mao chỉ định chính thức kế vị, rằng cần phải phục hồi quyền lực của Đặng Tiểu Bình, nhưng đề nghị này bị từ chối và Vương Chấn bị Trung ương khiển trách.

Vì vậy sau khi họ Đặng truất phế được họ Hoa, Vương Chấn được trọng dụng, coi như nhân vật thứ nhì của Bát đại gia.

3) Gia đình đứng thứ ba là Trần Vân, như vừa nói ở trên. Ông này được coi như "giáo hoàng" về kế hoạch kinh tế, suốt trong thời kỳ Mao cầm quyền, hay xa hơn nữa là từ ngày đảng cộng sản Tàu được thành lập năm 1921. Đây cũng là người ủng hộ nhiệt tình họ Đặng, chấp nhận trao quyền kinh tế cho con cháu Bát đại gia.

4) Gia đình thứ tư là Dương Thượng Côn, đã là tay em của Đặng Tiểu Bình từ lúc ở Liên Sô về, là Phó tướng của họ Đặng, đặc trách về Quân ủy Quân đoàn 8, ở vùng Tây nam; sau được đưa lên Quân ủy toàn quân, rồi Chủ tịch nước, vào thời biến cố Thiên An Môn, 1989. Người ra đón Gorbatchev ở phi trường trong chuyến viếng thăm đầu tiên nước Tàu, chính là Dương Thượng Côn.

5) Lý Tiên Niệm, đương kim Chủ tịch Quốc Hội lúc bấy giờ.

6) Tống Niệm Cùng, Phó thủ Tướng, đặc trách về kinh tế nước ngoài.

7) Bành Chân, Thị trưởng thành phố Bắc Kinh, đặc trách về vấn đề pháp luật.

8) Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn.

Bát đại gia đã lấy một số quyết định quan trọng, trên mọi lãnh vực từ chính trị quốc nội tới hải ngoại, từ kinh tế tới canh nông rồi xã hội, và vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trên nước Tàu, cho tới ngày hôm nay.

Đại để những quyết định đó là:

Về đối ngoại: chấp nhận chính sách mở cửa và đứng hẳn về phía tư bản, nhất là từ khi Đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ năm 1979, rồi dạy cho Việt Nam một bài học, thách thức Liên Sô lúc bấy giờ, mặc dầu Việt Nam và Liên Sô mới ký một hiệp ước hỗ tương quân sự vào năm 1978.

Về canh nông và kinh tế: Chấp nhận cho nông dân mướn đất, tự trồng trọt, một phần hoa lợi đóng cho chính phủ, phần còn lại để tiêu dùng và có thể bán trên thị trường. Quyết định đã được lấy từ thời thất bại của chính sách "Đại nhảy vọt" của Mao, nhưng nay được giữ lại. Về kinh tế, chấp nhận cho mở những hãng xưởng tư, mở cửa buôn bán với nước ngoài, thực hiện cuộc thử nghiệm tại một số địa phương, như vùng Thẩm Quyến ở Quảng Đông, mở cửa cho ngoại quốc đến đầu tư, khuyến khích mở những hãng xưởng có sự hợp tác của ngoại quốc, qua hợp đồng "Joint Venture", một phần vốn của ngoại quốc, một phần vốn của tư nhân hay vốn của nhà nước.

Rút tỉa kinh nghiệm thành công của kinh tế Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapour, nay Trung cộng của họ Đặng đã hướng nền kinh tế về sản xuất để xuất cảng.

Nhưng một trong những quyết định quan trọng của Bát đại gia, đó là trao toàn tài sản quốc gia, tất cả những hầm mỏ, những hãng quốc doanh, những ngân hàng vào tay con cháu của tám đại gia này, nằm trong 3 tập đoàn chính (Holding), tập đoàn xây cất nhà cửa, do một người con gái và con rể Đặng Tiểu Bình nắm, tập đoàn lo về thực phẩm cho quân đội lúc ban đầu, sau lan sang ngành mở tiệm ăn, xây khách sạn, khu du lịch, khu giải trí, do Vương Quân, con của tướng Vương Chấn cầm đầu, tập đoàn khai thác hầm mỏ, sau lan sang xây cất cầu cống đường xá, đầu tư khai thác dầu mỏ ở nước ngoài, do một người con rể khác của họ Đặng cầm đầu.

Ngoài ra còn có quyết định thành lập một ngân hàng mang tên là Ngân hàng Trung ương Xây dựng Trung quốc, do Trần Nguyên, con của Trần Vân cầm đầu cùng nhiều phó tổng giám đốc là con cháu của Bát đại gia.

Theo tờ báo Bloomberg: "26 hậu duệ (tức con cháu của Bát đại gia) điều hành hay nắm giữ các chức vụ hàng đầu trong các công ty nhà nước thống trị nền kinh tế. Chỉ riêng 3 người con - con trai tướng Vương Chấn, Vương Quân, con rể Đặng Tiểu Bình, Hà Bính, và Trần Nguyên, con trai Trần Vân, đứng đầu hoặc vẫn điều hành các công ty thuộc sở hữu nhà nước với tài sản cộng chung là 1,6 ngàn tỷ $ năm 2011. Con số này tương đương với 1/5 tổng sản lượng lúc bấy giờ." Trung cộng lúc này có vào khoảng 15000 doanh nghiệp nhà nước, được chuyển vào tay con cháu Bát đại gia, nhưng đằng sau có vào khoảng 3000 ngân hàng, người nắm giữ vai trò chính hệ thống ngân hàng, qua Ngân hàng Trung ương xây dựng nước Tàu, là Trần Nguyên, với sự phụ tá của Hà Bính và Vương Quân, yểm trợ những ngân hàng cũ, đồng thời lập ra những ngân hàng mới; cũng như yểm trợ những hãng xưởng quốc doanh cũ và đồng thời lập ra những hãng xưởng mới.

Kết quả là như thế nào: lúc đầu là 3000 ngân hàng, nay trở thành 30000 ngân hàng, vận dụng một số tiền khổng lồ là 30000 tỷ $, gấp 3 lần tổng sản lượng hiện nay. Về những doanh nghiệp quốc doanh thì như thế nào? Từ 15000 bước sang mức độ là 150000, vận dụng một số tiền là 15000 tỷ $, gấp 1,5 tổng sản lượng.

Họ đã đưa kinh tế nước Tàu từ thời chết đói Mao Trạch Đông sang một nền kinh tế tăng trưởng vượt bực, với 2 con số trong một thời gian dài là mấy chục năm.

Một vài con số để rõ:

Tăng trưởng năm 2002 là 9,1 % lên tới mức độ cao nhất là 14,2 % năm 2007, rồi xuống 7,5 % năm 2014, nay 2016 là 6,7 %.

Tất nhiên những con số này cũng chỉ có thể tin một cách tương đối, vì chính Lý Khắc Cường, đương kim Thủ tướng bây giờ, lúc chưa lên Thủ tướng, thường tuyên bố công khai với bạn bè và báo chí ngoại quốc, là những con số do chính phủ đưa ra là không chính xác, có phần thổi phồng. Tuy nhiên không ai chối cãi rằng có tăng trưởng. Trung cộng đã là nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới về tổng sản lượng, đứng đầu thế giới về nhập cảng và xuất cảng.

Nền kinh tế chủ yếu là nhằm vào xuất cảng. Những hãng quốc doanh mới lập ra được coi như những trại lính, ban quản trị được chỉ định từ trên xuống, chỉ có nhiệm vụ là truyền lệnh, thợ thuyền là những người lính, hay hơn thế nữa những người nộ lệ, bị bóc lột tối đa, vừa bởi những ông tư bản đỏ, vừa bởi những ông tư bản trắng từ nước ngoài, chỉ biết vâng lời, sản xuất và sản xuất, sản xuất để xuất cảng.

Cán cân thương mại luôn luôn thặng dư, trung bình hàng trăm tỷ $ một năm. Một vài con số: Tính theo phần trăm của tổng sản lượng, thì cán cân ngoại thương năm 2002, thặng dư 2,4%, năm 2003, là 2,6 %, cứ như thế tăng, đến tột độ năm 2007 là 10,1 %, tất nhiên nay bắt đầu giảm như năm 2014 là 2 %. Như đầu năm 2016, xuất khẩu giảm 11,2% và nhập khẩu giảm 19 % so với cùng thời kỳ năm trước.

Chính sách mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình và Bát đại gia, có những thành quả tốt đẹp như trên; nhưng ngược lại cũng có những tiêu cực và mặt trái xấu xa của nó, không chỉ riêng trên phương diện kinh tế, mà cả chính trị, xã hội, môi sinh, môi trường và dân số.

Chỉ riêng lãnh vực dân số, chính sách một con làm cho dân số trở nên già sớm, giới trẻ bị hư hỏng, vì là một con, nhất là con trai, nên được nuông chiều.

Về chính trị xã hội, quyết định trao toàn quyền chính trị cho Bát đại gia, và toàn tài sản kinh kế quốc gia cho con cháu họ, đã là một quyết định đi phản lại lòng dân và phản lại chiều hướng tiến bộ của nhân loại. Đó chỉ là một quyết định kéo dài chế độ độc tài cộng sản, mặt trái của chế độ quân chủ, nay cộng thêm chế độ gia tộc. Thực ra nếu chúng ta theo dõi kỹ lịch sử Tàu, thì chế độ Bát đại gia này cũng chẳng có gì mới lạ, nó đã có từ lâu thời Xuân Thu - Chiến quốc (770-256 trước Công Nguyên), và gần hơn nữa là chế độ Bát Kỳ (Tám cái cờ), trao đất đai, lãnh thổ, quyền hành quân sự, chính trị cho con cháu nhà vua, được tiêu biểu bởi một màu cờ, từ Hoàng kỳ, đến Hồng Kỳ, Bạch kỳ v.v... Nói một cách khác đi là con cháu vua, mỗi người nắm một vùng chiến thuật, có tất cả quyền hành, đất đai, quân số v.v... Nhưng ai cũng biết, chế độ nhà Thanh rồi cũng sụp đổ vì đi ngược lòng dân và đi trái trào lưu tiến bộ của nhân loại.

Người ta có thể nói chuyện dân bất mãn, giới sĩ phu trí thức, nhất là giới trẻ, sinh viên học sinh, trong đó có cả những người cao cấp cộng sản, như cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, đã nổi lên trong biến cố Thiên An Môn 1989, là một thí dụ điển hình.

Từ năm 1989 tới nay, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường cũng không có gì tiến triển tốt đẹp, nếu không nói là càng tồi tệ hơn. Bằng chứng là những cuộc nổi dậy, biểu tình chống chính phủ, hàng năm có đến cả mấy trăm ngàn vụ. Riêng vấn đề ô nhiễm, thì chỉ cần quan sát ngay ở thủ đô, thành phố Bắc kinh, mỗi buổi sáng là sương mù ô nhiễm dày đặc, ai ra ngoài cũng phải mang khẩu trang.

Chính vì vậy mà ông La Vũ, có thể nói là bạn nối khố của Tập Cận Bình, vì cha của 2 người đều là đại công thần của Mao, đều là Phó Thủ tướng, một người đặc trách về công an, nội vụ, người khác đặc trách về thông tin, ý thức hệ, tuyên truyền, thêm và đó, hai bà mẹ lại chơi thân với nhau, khi lên voi cũng như lúc hoạn nạn, trong một bức thư gần đây, gửi họ Tập, đã viết:

Trung quốc đang ngập lụt trong khủng hoảng: khủng hoảng về đức tin, đạo đức, môi trường, kinh tế, tài chánh, giáo dục, y tế, và tài nguyên thiên nhiên. Tại sao? Gốc rễ của vấn đề là chế độ độc tài một đảng của đảng CS Trung quốc.

Ông kết luận:

Cha của chúng ta là những nhà cách mạng nòng cốt của Mao Trạch Đông. Nhưng sau cuộc cách mạng, thay vì có được một nhà nước dân chủ, chúng ta trở thành một nhà nước độc tài. Đó là sự khác biệt giữa Mao Trạch Đông và Georges Washington.

Về kinh tế, người ta có thể nói kinh tế tư bản nhà nước, với 150000 doanh nghiệp nhà nước, những trại lính, hay đúng hơn là những trại nô lệ, đã đạt tới cực điểm vào những năm 2000. Bảo rằng giới lãnh đạo Trung cộng, không ý thức được điều này thì cũng không đúng, vì vào năm 2002, trong Đại hội Đảng lần thứ 16, đưa Hồ Cẩm Đào lên chức Chủ tịch đảng và Chủ tịch nhà nước, với một chương trình "Bốn Hài hòa". Đại để như sau:

- Hài hòa xã hội: làm thế nào để giảm bớt sự chênh lệch giầu nghèo trong xã hội.

- Hài hòa kinh tế: không thể quá chú trọng về kinh tế hướng ngoại, chỉ nhằm vào xuất cảng mà quên đi kinh tế quốc nội, phải làm sao để tăng phần tiêu thụ quốc nội.

- Hài hòa giữa nông thôn và thành thị: không thể chỉ chú trọng đến thành thị, nhất là những vùng ven biển, mà bỏ mặc nông thôn.

- Hài hòa với thiên nhiên: tức vấn đề môi sinh, môi trường, không thể để ô nhiễm không khí, để 70 % sông ngòi bị nhiễm độc, nước không thể dùng được.

Có thể nói 4 vấn đề trên là đã xuất hiện đồng thời với chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, là những nguyên do đưa đến biến cố Thiên An Môn, và vẫn còn cho tới ngày hôm nay, trải qua suốt 20 năm cầm quyền của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nhưng riêng vê kinh tế, kinh tế Trung cộng bị khủng hoảng từ bao giờ.

Người ta có thể nói nó khủng hoảng cùng lúc với kinh tế thế giới vào năm 2008. Một lý do đơn giản là 1/3 hay hơn nữa 1/2 tăng trưởng của Trung cộng là dựa vào xuất cảng. Có năm xuất cảng chiếm 47 % tổng sản lượng quốc gia.

Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng trong một thời gian lâu dài, nhờ vào cán cân thương mại thặng dư, nhất là nhờ vào chính sách hạ giá đồng Nhân dân tệ và làm tăng giá đồng $, bằng cách bán Nhân dân tệ và mua $ trên thị trường, nên Trung cộng có một dự chữ ngoại tệ lớn, có lúc lên tới 4200 tỷ $.

Nhờ số tiền này, khi bị khủng hoảng cùng với thế giới, giới lãnh đạo Trung cộng đã không ngần ngại bơm vào thị trường, giúp các doanh nghiệp nhà nước một số tiền khổng lồ là 4000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 645 tỷ $, vào năm 2009.

Vào năm 2012, chính phủ lại bơm vào nền kinh tế một số tiền đúng như lần trước cũng là 645 tỷ $.

Nhưng như trên đã nói, trái bóng kinh tế Trung cộng là làm ra bởi 150000 hãng xưởng quốc doanh, bị xì hơi không phải một chỗ, mà là hàng trăm ngàn lỗ thủng nhỏ, rất là khó bịt. Ông Trương Duy Nghênh sẽ được đề cập sau này, bi quan cũng là vì vậy.

Với số tiền 645 tỷ $, trái bóng này chỉ căng một thời gian ngắn là 3 năm, rồi lại bị xẹp.

Nhưng lần này, thay vì dùng tiền chính phủ, thì giới lãnh đạo dùng tiền dân bằng cách khuyến khích dân mua cổ phiếu của những hãng xưởng quốc doanh, dưới nhãn hiệu tư doanh. Một chiến dịch khuyến khích dân mua cổ phiếu được phát động, đánh đúng vào tâm lý thích chơi cờ bạc của dân Tàu. Thêm vào đó, chính phủ ra lệnh cho những ngân hàng khuyến khích dân, cho dân vay tiền dễ dãi để mua cổ phiếu.

Hai trăm triệu dân Tàu, phần lớn là giới trung lưu, đã đổ xô đi mua cổ phiếu, chơi thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, những hãng xưởng quốc doanh, như những cái xác không hồn, bơm tiền vào, kích thích chất bổ, chỉ thoi thóp hay cựa quạy một thời gian ngắn, rồi lại nằm xuội đơ, đưa đến cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung cộng vào tháng 8 năm 2015.

Đây là cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán to lớn và mau lẹ, làm cho thị trường chứng khoán Trung cộng ở Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hồng Kông trong một thời gian ngắn mất đến 3 600 tỷ $, tương đương với tổng sản lượng của cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 4 trên thế giới là Đức. Cuộc khủng hoảng này đã làm cho nhiều triệu dân Tàu trắng tay, có người mất cả hàng tỷ $, trong đó có nữ minh tinh nổi tiếng đang lên của Tàu, là Phạm Băng Băng, mất đến 700 triệu $.

Hiện tượng này làm cho nhiều nhà bình luận bi quan cho tương lai của kinh tế Trung cộng; vì bất cứ nền kinh tế nào, giai tầng trung lưu đều giữ một vai trò quan trọng. Nay giai tầng này đã mất hết tin tưởng vào chính quyền. Vì vậy có người tiên đoán là cách mạng sẽ xảy ra ở Trung cộng là vì vậy, vì giai tầng trung lưu không những quan trọng trong kinh tế, mà còn là giai tầng định đoạt những bước ngoặc quan trọng trong lịch sử.

Kinh tế Trung cộng ngày hôm nay có sáng sủa không?

Không mấy sáng sủa. Đầu năm 2016, xuất cảng giảm 11,2%, nhập cảng giảm 19%, so với cùng thời năm ngoái.

Nợ chính phủ lên tới 300% tổng sản lượng quốc gia. Các ngân hàng bị lâm vào cảnh lên đến 25% nợ khó đòi hay nợ chết. Ở những nước có nền kinh tế lành mạnh, nợ khó đòi của ngân hàng ở mức độ 5% đã là quá đáng.

Chính vì vậy, mà ngay từ thời Hồ Cẩm Đào, chính quyền Trung cộng đã phải nghĩ đến cải tổ, cải cách kinh tế, với chính sách "Bốn Hài Hòa", như trình bày ở trên.

II) Tại sao kinh tế Trung cộng cần cải tổ

Một cách tổng quát, thì chế độ Trung cộng, không riêng về vấn đề kinh tế, mà chính trị và xã hội cũng cần cải cách, cải tổ, xin lập lại câu của ông La Vũ: “Cha chúng ta là đại cộng thần của cách mạng Mao trạch Đông, nhưng điều khác biệt giữa Mao trạch Đông và Georges Washington, đó là sau Mao là chế độ độc tài, sau Washington là chế độ dân chủ.

Quyết định của Đặng Tiểu Bình và Bát đại gia chỉ là duy trì chế độ độc tài, vì vậy chế độ này cần phải cải tổ, cải cách, nếu không muốn nói đến là cần phải có một cuộc cách mạng.

Về vấn đề kinh tế, theo ông Trương Duy Nghênh, giáo sư kinh tế Trung cộng, trong một bài phát biểu ở Diễn đàn kinh tế Davos, Thụy sỹ, năm 2012:

Nền kinh tế Trung quốc đang chao đảo. Mô hình kinh doanh cũ hàng thập kỷ theo định hướng xuất khẩu hàng hóa rẻ và bắt chước, được chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã được diễn ra một cách tự nhiên. Nhiều lãnh đạo DNNN nhận thấy rằng họ cần phải sáng tạo hơn để có thể cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Một kế hoạch cải cách do Ủy Ban Trung ương đảng Cộng sản Trung cộng và Quốc Vụ viện (tức Chính phủ) ban hành, cũng đã đề xuất các thay đổi đối với tất cả các hoạt động của DNNN.

Theo ông Trương Duy Nghênh, thì sự cải tổ, tách rời những DNNN khỏi chính quyền là rất khó, vì những lý do sau đây:

- Sự chi phối quá nặng nề của chính quyền vào kinh tế.

- Thiếu động lực: tại các DNNN, không có người có thẩm quyền và không có sự thúc ép. Chỉ là cảnh "Cơm chúa múa tối ngày", "Cha chung không ai khóc.

-Quản lý thiển cận: Giới lãnh đạo DNNN không những thiển cận, mà còn bị tinh thần thư lại. Những bổ nhiệm lãnh đạo DNNN không dựa trên tiêu chuẩn tài năng về kinh tế, mà dựa trên sự quen biết, móc ngoặc, tham nhũng hối lộ, con ông cháu cha.

-Chi tiêu ngân sách tùy tiện, phần tiếp tân, làm vừa lòng các cấp trên, bổng lộc, tham nhũng chiếm một phần không nhỏ, trong khi đó việc đầu tư nghiên cứu để cải tiến doanh nghiệp thì lại bị lãng quên.

- Lạm phát lương và lạm phát nhân công: Tiêu chuẩn đánh giá một hãng xưởng cũng sai, thay vì theo tiêu chuẩn khả năng, đưa ra những mặt hàng có thể cạnh tranh trên thị trường, thì lại đánh giá ở số lượng nhân công có đông hay không, và Ban lãnh đạo lương có cao hay không.

Mặc dầu ông Trương là giáo sư quản trị kinh doanh của trường đại học nổi tiếng Quảng Hoa, Bắc Kinh, nhưng ông lại rất bi quan về tương lai của kinh tế Trung cộng.

III) Sự khác biệt giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường về vấn đề cải tổ kinh tế

Nếu theo dõi tình hình chính trị và kinh tế của Trung cộng, thì người ta có thể nói từ Đại hội thứ 16 năm 2002, khi Hồ Cẩm Đào lên ngôi, qua Đại hội thứ 17, năm 2007, chỉ định Tập Cận Bình kế vị, cho tới đại Hội thứ 18, năm 2012, khi họ Tập lên ngôi thì không có sự khác biệt chính kiến cũng như quan niệm về cải tổ kinh tế giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Người ta còn nhớ khi họ Tập lên ngôi, thì nhiều lần họ Lý đọc diễn văn ủng hộ họ Tập hết mình. Chương trình cải tổ, cải cách kinh tế là quyết định chung của đảng, như đã nói, là đã quyết định bởi ngay từ lúc đầu thời Hồ Cẩm Đào, và thường là được trao cho Thủ tướng.

Tuy nhiên từ ngày họ Tập lên ngôi, ông đã can thiệp quá nhiều về lãnh vực kinh tế, có vẻ lấn lướt vai trò của họ Lý. Và từ đó người ta mới thấy xuất hiện sự khác biệt.

Họ Tập chủ trương vẫn giữ những doanh nghiệp nhà nước và còn làm cho nó lớn hơn mạnh hơn, bằng cách sát nhập nhiều hãng xưởng quốc doanh lại với nhau, những hãng xưởng lời thì phải sát nhập những hãng lỗ để giúp đỡ. Không những vậy, một quyết định khác không kém quan trọng của họ Tập, là những ngân hàng chủ nợ của những hãng xưởng thua lỗ, thì đương nhiên phải xóa nợ và tiền nợ này đương nhiên trở thành những cổ phần của ngân hàng đó trong hãng thua lỗ. Mới đây Tập cận Bình lại còn cho các DNNN thua lỗ mở ngân hàng tại các địa phương khác để gây vốn.

Quan niệm về cải tổ kinh tế của Lý Khắc Cường, đó là phải làm nhỏ những hãng xưởng quốc doanh, từ từ biến nó thành những hãng xưởng tư doanh, để đi vào kinh tế thị trường, tuân theo luật cung cầu, nhà nước từ từ rút phần trách nhiệm của mình, không can thiệp thái quá vào đời sống kinh tế.

IV) Ai có lý và ai sẽ thắng ai

Quan điểm của Lý Khắc Cường có vẻ thực tế hơn, đi vào thực tế của kinh tế Trung cộng, đi vào chiều hướng kinh tế thế giới, đó là kinh tế thị trường, tuân theo luật cung cầu.

Quan niệm cải cách cải tổ của Tập Cận Bình có vẻ không tưởng, duy ý chí, thiếu thực tế, ai cũng biết kinh tế quốc doanh đã lỗi thời, nay vẫn muốn duy trì, thêm vào đó lại lấy quyết định sát nhập những hãng xưởng thua lỗ vào hãng xưởng có lời, thì đây là một việc làm khó thành công, trên danh nghĩa thì đẹp, qua khẩu hiệu "Tình liên đới", nhưng trên thực tế rất khó khăn, nguyên hai hãng xưởng làm ăn khá giả mà sát nhập với nhau còn khó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khả năng và thị trường của mỗi hãng, rồi mới có thể đi đến việc phân chia công tác, sát nhập. Đây chỉ có tính cách lý thuyết, qua những sắc luật, trên giấy tờ, hành chánh.

Thêm vào đó, với chính sách chống tham nhũng, hối lộ, "đả hổ, đập ruồi", nay Tập Cận Bình lấy quyết định, những hãng xưởng làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng, thì ngân hàng xóa nợ và trở thành cổ đông của hãng, qua số tiền nợ, do sự xắp xếp của 2 bên. Quyết định này trên thực tế là một hình thức hối lộ những giám đốc và ban quản trị của những hãng quốc doanh thua lỗ.

Thực ra sự khác biệt về cải tổ kinh tế giữa họ Tập và họ Lý không phải chỉ ở chỗ kinh tế, mà chính là chính trị, có tính cách bè phái ngay trong nội tình đảng cộng sản Trung cộng.

Hiện nay đảng Cộng sản Tàu chia làm 2 phe:

Phe thái tử đảng, gồm con cháu Bát đại gia, nắm giữ phần lớn những ngân hàng, những hãng xưởng quốc doanh.

Phe Đoàn Thanh niên cộng sản, tiêu biểu bởi Lý Khắc Cường, có thể nói đứng đằng sau là cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Lúc đầu, khi họ Tập mới lên ngôi, thì họ Đào ủng hộ. Chính vì vậy, qua những bài diễn văn lúc đầu, Lý Khắc Cường đã ủng hộ Tập Cận Bình hết mình. Tuy nhiên, lúc đầu họ Tập, qua chính sách "Đả hổ, đập ruồi", ông chỉ nhằm vào phe Giang Trạch Dân, nhưng nay lan sang phe Hồ Cẩm Đào. Người tay em thân tín, đã từng là Bí thư cho họ Hồ, kiêm Chánh văn phòng Trung ương đảng, Lệnh Kế Hoạch, cũng vừa mới bị đưa ra tòa. Người em của ông này, Lệnh Thừa Hành, có thể nói là đặc trách về tình báo hải ngoại thời họ Hồ, đang sống ở Hoa Kỳ, bị yêu cầu dẫn độ về nước nhưng chính phủ Hoa Kỳ từ chối.

Sắp tới Đại hội Đảng thứ 19, theo dự định, thì sẽ diễn ra vào tháng 9/2017, để bầu người kế vị họ Tập, bầu thay thế 9 người trong Bộ Chính trị, và 5 người trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực lớn nhất, cao nhất của Trung cộng.

Theo ông La Vũ, bạn nối khố của họ Tập:

“Trong Ban Thường vụ Bộ chính trị, có một người theo Anh, một người đứng trung lập, còn 4 người kia chờ Anh ngã ngựa.”

Người theo Anh đây không ai hơn là Vương Kỳ Sơn, đặc trách về chiến dịch “Đả hổ, đập ruổi”, Đặc trách về kỷ luật đảng. Người đứng trung lập đây là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nay ông này đã tỏ thái độ công khai, ít nhất là quan điểm về sự cải cách, cải tổ kinh tế.

Bề ngoài hiện nay, có vẻ Tập Cận Bình có ưu thế, nhưng trên thực tế, thì họ Tập hiện nay có rất nhiều người chống đối. Lúc đầu là phe Giang Trạch Dân, qua việc chống đối một sống, một còn, vì họ Giang qua tay em của mình như Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang đã tìm cách đảo chánh và nhiều lần ám sát hụt họ Tập.

Nay không những họ Giang, mà Hồ Cẩm Đào, cũng là một cựu Tổng Bí thư, lại tỏ ra công khai chống họ Tập.

Sự khác biệt quan điểm về cải cách kinh tế giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chỉ là bề ngoài, bề trong là sự khác biệt về chính trị, phe phái. Các phe phái trong Đảng cộng sản Tàu đang đấu đá nhau quyết liệt.

Ai sẽ thắng ai? Có lẽ không có người thắng, mà chỉ có người thua. Vì theo Đặng Tiểu Bình: “Chế độ Cộng sản Tàu, chỉ có thể sụp đổ, qua sự chia rẽ từ ngay trong nội bộ Đảng cộng sản."

Dù sao đây cũng chỉ là sự tiên đoán tương lai. Nó có tính cách chiều hướng. Đưa ra những chiều hướng để nhìn rõ hiện tại hơn là tính cách quả quyết, nhất định (1).

Paris ngày 18/08/2016

Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm

Thursday, August 18, 2016

Câu Chuyện Tình Tôi - Ngọc Hạ, Lê Nhật Minh


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Câu Chuyện Tình Tôi/Ca sĩ Ngọc Hạ, Lê Nhật Minh


Monday, August 15, 2016

Thay Lời Muốn nói với chủ đề Hương Quê - Chị Bảy


Tuần vừa qua có hai sự bất ngờ làm tôi vui và cảm động.

Sự bất ngờ thứ nhất. Cô Tuyết Hoàng ở San Jose USA đọc bài tôi viết về Chùa Núi Bà Đen trong blog của tôi, rồi cô liên lạc tôi qua email với lời khen chân tình. Cô cho biết cô thường đọc blog của tôi. Điều cô viết làm tôi cảm động là ông bà ngoại của cô mất lúc má cô còn nhỏ. Lúc sắp mất ông bà ngoại có nói với má cô, rằng má cô có một người chi lớn hơn hai tuổi. Lúc chuyển từ Bắc vô Nam trong chuyến tàu đêm, người chị nầy được một gia đình nọ nhận làm con nuôi (Chắc là lần di cư 1954 mà tôi không dám hỏi kỷ). Má cô cứ nhắc đi nhắc lại, sẽ có một ngày má cô sẽ tìm ra người chị. Nhưng má cô mất sớm khi ước nguyện chưa thành! Giờ đây cô nhìn hình bà xả tôi trong blog của tôi, cô thấy bà xả tôi hao hao giống má cô. Cô nghĩ có thể bà xả tôi là bà chị mà má cô mong tìm? Tội nghiệp cho cô vì tôi đã trả lời cho cô rồi, rằng gia đình bà xả tôi gốc từ Huế chứ không phải ngoài Bắc! Thật là đau lòng quá, chiến tranh xong đã gần nữa thế kỹ rồi, vậy mà còn không biết bao nhiêu gia đình ly tán thất lạc chưa giải quyết xong!

Sự bất ngờ thứ hai. Ngay sau email của cô Tuyết Hoàng nói trên, tôi nhận được email của anh Hồng Dương từ Sàigòn. Anh Dương cho tôi biết, rằng anh đã theo dõi blog của tôi từ lúc bà xả tôi còn sống. Nên lúc bà xả tôi đau bệnh rồi mất, anh theo dõi sát blog của tôi lúc ấy và anh hết lời khen tôi đã thương yêu và lo cho vợ vẹn toàn. Anh làm tôi vui vui. Ngoài ra anh rất có cảm tình với Không Quân VNCH.

Anh Dương là một nghệ sĩ. Anh chơi keyboard và làm bầu show. Hôm qua anh đến hotel gặp tôi lần đầu. Anh nói, rằng anh muốn bắt tay với phi công VNCH, một binh chủng mà anh hằng ái mộ! Gặp tôi anh trao cho tôi hai tờ giấy mời đi coi chương trình "Thay lời muốn nói" của đài truyền hình HTV. Đây là một chương trình văn nghệ trực tiếp truyền hình với chủ đề Hương Quê, gồm những bài tình ca Bolero ca ngợi quê hương và phi chính trị. tth      

Anh Hồng Dương và Thái trên sân khấu sau show.

  Cô Quỳnh Hương MC cho chương trình Thay Lời Muốn Nói của đài truyền hình HTV.  

    Hồng Dương trong lúc show đang diễn.

MC Quỳnh Hương.

Ca sĩ Tố My và Quý Bình.

Ca sĩ Văn Cường. 

Ca sĩ Phi Nhung, Văn Cường.

Từ phải qua: Ca sĩ Bích Phượng, ca sĩ Bích Lệ, MC Quỳnh Hương, 
ca sĩ diễn viên Quý Bình, ca sĩ Hồng Liên, ca sĩ Phượng Em.

Anh Dương đãi tôi dê hấp trong quán nhậu gần hotel của tôi lúc gần nữa đêm. 

Click Vào Đây - Để xem chương trình Thay Lời Muốn Nói với chủ đề Hương Quê.

Thursday, August 11, 2016

Thuở Ấy Có Em - Vũ Khanh


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Thuở Ấy Có Em/Ca sĩ Vũ Khanh


Saturday, August 6, 2016

Phải Lòng Con Gái Bến Tre - Kim Linh


Click Vào Đây - Nhạc phẩm Phải Lòng Con Gái Bến Tre/Ca sĩ Kim Linh


Friday, August 5, 2016

Đi chùa Núi Bà Đen và tham quan Hồ Dầu Tiếng - Chị Bảy


Biết tôi đang ở Sàigòn, Bác Sĩ Khôi sau khi làm việc ở bệnh viện Hoà Hảo đem xe hơi đến hotel đón tôi về Bình Dương chơi. BS Khôi là chồng của BS Huỳnh Thị Kim Chi và Chi là em chú bác ruột với tôi. BS Chi hiện là chủ bệnh viện sản khoa ở Bình Dương.

Tôi về Bình Dương lần nầy, Chi và Khôi đưa tôi đi Chùa Núi Bà Đen và tham quan Hồ Dầu Tiếng.

Chùa Núi Bà Đen.

Gần bảy mươi năm về trước, lúc bây giờ tôi khoảng 8 tuổi, tôi theo ba má tôi đi Chùa Núi Bà Đen. Ba tôi lái xe hơi đưa gia đình từ Thủ Thừa Long An đến chân núi từ lúc tờ mờ sáng. Trời! Chùa nằm chót vót trên núi. Gia đình tôi theo đoàn người leo núi đi chùa. Đoàn người nầy già trẻ lẩn lộn. Tôi leo núi mệt thấu trời, vậy mà tôi nghe các các bà cụ nói lăm răm trong miệng "khoẻ quá...khoẻ quá...". Thì ra các cụ đang vận động tinh thần cho chính mình để cố leo cho tới nơi! Lần đầu tiên tôi leo núi và lần đầu tôi chứng kiến cách vận động tình thần để leo núi!

Lên đến chùa trên núi, tôi đói bụng rã rời! Tôi vô chùa xin Thầy cho tôi chén cơm. Ông Thầy nói: "Đâu có ai khiêng gạo nổi lên đây để nấu cơm cho bá tánh!". Tôi đói muốn xỉu! Tôi âm thầm ra vườn tìm trái cây để ăn cho đỡ đói. Tôi ăn mấy trái ổi. Trời! Ổi làm cho bao tử tôi bị cào cào rất khó chịu, nhưng cũng nhờ nó mà tôi sống cho tới khi xuống núi!

Gần bảy mươi năm sau, tôi trở lại Chùa Núi Bà Đen. Lần nầy tôi không leo núi mà tôi đi xe dây cáp. Xe dây cáp đưa tôi lên trạm xe dây cáp gần chùa. Giờ đây tôi không còn là cậu bé 8 tuổi mà là cụ ông gần 80 tuổi, từ trạm xe dây cáp trên núi lên chùa rất gần, nên tôi lên đến chùa tuy không mệt như ngày xưa nhưng cũng đủ làm cho chân cẳng đầu gối của "cụ ông" ê ẫm!  

Núi Bà Đen.
Chúng tôi đậu xe và đi bộ vô mua vé xe dây cáp để lên chùa.

BS Chi và BS Khôi. 

Đường vô trạm xe dây cáp dưới chân núi Bà Đen.

Chi và Khôi trong xe dây cáp.

Trạm xe dây cáp trên núi.

Bên ngoài chùa.

Bàn thờ Phật Thích Ca.

Bàn thờ Phật Bà. 

Bà thờ Vua Trần Nhân Tông, người nhường ngôi cho con để đi tu.

Nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tức Bà Đen.   

Truyền thuyết Bà Đen: Tương truyền rằng có đôi trai gái ở Trãng Bàng Tây Ninh, nàng tên Lý Thị Thiên Hương giỏi văn thơ và võ nghệ, diện mạo duyên dáng nhưng có nước da đen sậm, chàng tên Lê Sĩ Triệt cũng là người văn hay võ giỏi. Cả hai đem lòng thương nhau, khi ấy có con trai viên quan huyện quyết tâm bắt Thiên Hương về làm thiếp, hắn dùng tiền bạc mua chuộc không được liền cho thủ hạ đi bắt cóc nàng.
Nhưng bọn vô lại chưa kịp thực hiện ý đồ đã bị Sĩ Triệt giải nạn cho người yêu. Thiên Hương lại càng yêu mến Lê Sĩ Triệt, nàng thuật lại chuyện cho cha mẹ rõ. Cha mẹ Thiên Hương liền hứa gả nàng cho Sĩ Triệt. Nhưng thời bấy giờ đang giặc giã nên Lê Sĩ Triệt đành giã từ Thiên Hương lên đường tòng quân. Sĩ Triệt được Thiên Hương hứa hẹn : “Một lời đã hứa, thiếp xin giữ trọn lời nguyền”.
Thiên Hương ở lại, nàng bị đám thủ hạ con quan huyện ùa tới vây bắt. Biết cùng đường và giữ trọn trinh tiết với Lê Sĩ Triệt, nàng Lý Thị Thiên Hương lao mình xuống vực sâu tự tử. Gia đình Thiên Hương không hay biết, chỉ lo lắng cầu khẩn cho nàng sớm bình yên trở về.

Ba hôm sau Thiên Hương báo mộng cho Hoà Thượng trù trì chùa trên núi, Hoà Thượng tìm được xác Thiên Hương và chôn cất tử tế. Phật tử đến chùa, nghe chuyện nên đến mộ Thiên Hương cầu xin mọi chuyện đều được như ý. Từ đó tiếng đồn vang dội Bà Đen linh thiêng.  

Đi chùa xong, chúng tôi có hai chọn lựa hoặc là đi xe dây cáp xuống hoặc là đi xe máng trượt từ trên núi xuống. Chúng tôi chọn đi xe máng trượt. Trời! Nhìn hình chiếc xe máng trượt, ghế ngồi của chiếc xe máng trượt trẹt lét, hai bên ghế không có chổ tựa, nên mỗi lần xe chạy lẹ quẹo gắt, tôi muốn văng ra ngoài. Thêm nữa xe của Chi và Khôi chạy trước xe tôi, mà hai người nầy cứ rà thắng chạy chậm làm tôi thắng cháy bố thắng luôn! Hai cụ ông và một cụ bà nầy liều mạng thiệt, cũng vui! 

Tôi lên Bình Dương lần nầy, đúng ngay ngày sinh nhật của Chi. Nhân viên thân tín trong phòng làm việc của Chi, mang chén dĩa bàn ghế của bịnh viện về nhà Chi nấu nướng tổ chức mừng sinh nhật cho Chi.

 Chi thổi bánh sinh nhật.

Chi nhận hoa sinh nhật từ nhân viên.

Chi nhận quà sinh nhật từ chồng.

Tiệc sinh nhật thu gọn trên lầu nhà Chi.

Bàn của Chi đang cụng ly "vô" theo kiểu VN.

Tham quan Hồ Dầu Tiếng.

Chi và Khôi đưa tôi tham quan Hồ Dầu Tiếng. Hồ Dầu Tiếng thuộc Tây Ninh, cách Tây Ninh 25km về phía Đông, rất gần núi Bà Đen và giáp ranh với Bình Dương. Nhìn Hồ Dầu Tiếng rộng mênh mông, tôi suy nghĩ muốn nổ tung cái đầu. Vì ngày xưa vùng nầy tôi bay qua thường xuyên, tôi đâu có thấy cái hồ nầy, không lẽ tôi già đến lú lẫn không nhớ!

Về nhà tôi tìm tòi qua internet, thì ra Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo. Hồ được đào 1981 cho tới 1985 thì xong. Lúc bây giờ hầu hết thanh niên tỉnh Tây Ninh đều phải tham gia đào hồ. Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Nước của Hồ Dầu Tiếng đến từ Lộc Ninh, Bình Long và là thượng nguồn của sông Sàigòn. Hồ Dầu Tiếng cũng cung cấp phần nước cho nhà máy lọc nước Thủ Đức.  

Từ Hồ Dầu Tiếng sẽ thấy Núi Bà Đen mờ mờ.
        
Xe đang chạy trên bờ đê Hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng.

Nơi cho du khách ăn uống ngắm Hồ Dầu Tiếng.

Bãi tắm Hồ Dầu Tiếng. 
  
Đây là cổng của ngôi nhà nghĩ mát của Chi và vợ chồng hai cháu Thuận & Phương. Phương là con gái lớn của người chị cả của Chi. Hai cháu Thuận & Phương là chủ của nhiều xưởng may thêu xuất khẩu Thuận Phương. Ngồi nhà nầy nằm sát sông Sàigòn ở Bình Dương.

  Khuôn viên ngôi nhà nghĩ mát. 
Ngôi nhà nầy mới làm xong. Những cây trồng ỏ đây là những cây lúc mua đã to lớn.

Đang cho cá trong hồ ăn.
Hồ của nhà nghĩ mát có nuôi cá chép, nhưng bây giờ khám phá ra trong hồ có đầy nghẹt cá trê. Chỉ cần một con cá trê cái trong sông lọt vô hồ, nó sẽ đẻ ra đầy nghẹt cá trên con! BS Chi dự định cho tát hồ vớt hết cá trê ra vì chúng ăn hết đồ ăn của cá chép! 

Đây là nhà dành cho vợ chồng anh quản gia, thường trực có mặt giữ ngôi nhà nghĩ mát nầy.

Bên trong nhà nghĩ mát.

Chi và cháu Phương khổ vì bờ kè của ngôi nhà nghĩ mát. Hai người cho đóng hàng trăm cây dừa to cao xuống bờ sông, và cho đổ hàng trăm xe đất cát. Nhưng rồi nước sông chảy mạnh làm ngã các cây dừa và làm lỡ hết đất cát. Hai người tốn cả tỷ bạc cho bờ kè nầy. Hai người nầy đủ sức đổ cement cốt sắt để giữ bờ kè, nhưng chính phủ không cho. Vì đất bờ sông là của chính phủ, và chính phủ cho BS Chi mua chơi trong 10 năm, sau đó chính phủ có thể lấy lại bất cứ lúc nào! Khi chính phủ lấy đất lại, chính phủ sẽ bồi hoàn tiền đất nhưng mọi xây cất và trồng trọt trên đất, chính phủ sẽ không bồi hoàn vì chính phủ có nói trước rồi. Đây là một bài học cho những ai yếu tài chánh thì liệu mà mê đất bờ sông!  

Đây là vườn Măng Cụt, Mít, Lôm Chôm trước nhà nghĩ mát. BS Chi đã mua ngôi vườn nầy và đất nầy không phải của chính phủ nên sẽ không bị chính phủ lấy lại sau 10 năm như đất của ngôi nhà nghĩ mát. 

Chi & Khôi và anh sui gia.
Khôi đưa tôi đi tham quan nhà nghĩ mát mà tôi mới thấy từ khi xây xong. Tham quan nhà nghĩ mát xong, chúng tôi kêu Chi và anh sui gia của Chi ra nhà hàng ăn trưa với chúng tôi.

Khôi đưa tôi đi tham quan nhà nghĩ mát mà tôi mới thấy từ khi xây xong. Tham quan nhà nghĩ mát xong, chúng tôi kêu Chi và anh sui gia của Chi ra nhà hàng ăn trưa với chúng tôi.

Đây là nhà thương sản khoa thứ hai của BS Chi ở Bình Dương. Nhà thương thứ hai nầy đang xây và dự trù xong trong gần hai năm nữa. Nhà thương nầy làm tôi giật mình, vì có địa thế quá tuyệt vời. BS Chi chỉ cần dựng bảng lên, tự nó quảng cáo còn hơn là quảng cáo trên TV. Vì ai chạy xe trên đường nầy là phải nhìn thấy nhà thương một cách đồ sộ đầy tin tưởng! Hình nầy tôi chụp từ trong xe đang chạy trên đường.  

Nhà thương thứ hai, mặt trưóc cao 7 tầng.

Nhà thương thứ hai, dãy giữa cao 10 tầng và dãy sau cao 4 tầng.  

Nói chung chung về chuyến đi Bình Dương lần nầy. 

Mỗi lần biết tôi về Việt Nam là Chi nhất định kêu tôi lên Bình Dương chơi. Tôi biết Chi rất bận rộn cho nhà thương, cho phòng mạch ở nhà, cho nhà thương thứ hai đang xây, vậy mà mỗi lần tôi lên Bình Dương, Chi cũng sắp xếp để đưa tôi đi ăn và đi tham quan. Nhất là những ngày Tết ở Việt Nam, Chi lúc nào cũng muốn đưa tôi đi ăn Tết đó đây với vợ chồng Chi. Có lẽ Chi biết tôi lẽ loi sợ tôi buồn. Nên những ngày Tết, tôi cố né tránh, có năm 30 Tết tôi mua tour đi Dubai, có năm mùng một Tết tôi mua tour đi Miến Điện. Vì tôi nghĩ mấy ngày Tết gia đình ai cũng bận rộn bên chồng bên vợ!  

Nói chung, Chi đối xữ với bà con lúc nào cũng như bát nước đầy, xưng hô hết sức nhân hậu. Nên tôi không ngạc nhiên khi thấy đời sống của Chi được bộc phát tuyệt vời, nhân quả mà. Tôi rất tin nhân quả. Đối với người ngoài, Chi mới kể cho tôi nghe một câu chuyện. Mới đây lúc tôi đang ở Bình Dương, có một cô gái tuổi đôi mươi có lẻ ít, vô nhà thương của Chi sanh. Sanh xong cô gái bỏ con và trốn. Lúc bây giờ Chi phải giao đứa nhỏ cho chính quyền, còn mọi chi phí nhà thương thì Chi chịu thôi. Chi đã âm thầm gieo nhân lành, cứu mạng cô gái đã lỡ dại và đứa trẻ sơ sinh vô tội. tth