Thursday, February 27, 2020
Sunday, February 23, 2020
Tuesday, February 18, 2020
Saturday, February 15, 2020
Tuesday, February 11, 2020
Sàigòn quê hương tuổi thơ tôi - Chị Bảy
Lúc tôi còn nhỏ xíu, Má tôi đưa tôi từ Thủ Thừa Long An lên Sàigòn. Má tôi bỏ tôi vô trường tiểu học của Pháp tên Jauréguiberry góc Trương Định và Ngô Thời Nhiệm bây giờ. Cô giáo người Pháp có vẽ cưng tôi, và cô bảo tôi đi lấy phấn viết bảng, tôi đứng đực ra đó vì tôi không hiểu. Rồi thằng nhỏ cũng nhỏ xíu, nó hiểu và nó chạy đi lấy phấn giùm tôi. Nó là cứu tinh của tôi và hai đứa tôi thân nhau từ đó.
Rồi tôi học tiếng Pháp và tôi lớn dần lên từ Sàigòn. Má tôi đưa tôi từ Jauréguiberry sang trường Pháp Chasseloup-Laubat (Lê Quý Đôn bây giờ). Từ từ tôi không còn là thằng bé ngây ngô nữa. Một bửa nọ, Má tôi kêu tôi lại và nói "đứa nào cũng học chương trình Pháp hết, bây giờ Má muốn con học chương trình Việt". Chương trình Pháp, Việt lúc bây giờ có quan trọng gì với tôi đâu, nên tôi chỉ cười. Thế là Má tôi cho tôi sang chương trình Việt và bà thả tôi tự do.
Được thả tự do, tôi tự do ghi tên học trường nào tôi thích. Hơn nữa Má tôi ngày xưa học trường Pháp nên bà đâu có biết tên các trường Việt. Đầu tiên tôi học trường Kiến Thiết. Tôi biết trường Kiến Thiết vì trường nầy là của các nhà giàu ở Long An góp tiền thành lập và Ba tôi có phần hùn trong đó, nên tôi có ý làm Ba tôi vui. Rồi tôi rời Kiến Thiết, sang trường Nguyễn Bá Tòng, trường Thanh Tiến Long An, trường Hưng Đạo, trường Văn Lang... và sau cùng là trường đạo Công Giáo Taberd, tôi như con ngựa không cương, tự do đổi trường!
Tôi như con ngựa không cương, nhưng tôi không lo chơi mà tôi rất chăm học. Trong lớp tôi rất giỏi toán. Mỗi lần Thầy Phú của trường Hưng Đạo, giảng trên bảng đen, Thầy yêu cầu học trò tình nguyện lên giải đáp bài toán hình học không gian. Cả lớp ngó tôi chờ đợi, thế là tôi đưa tay tình nguyện lên bảng đen giải đáp cho cả lớp xem. Mỗi lần như vậy, tôi đều giải đáp đúng. Rồi tôi đậu Tú Tài 1 ban toán.
`
Tôi thi Tú Tài 2 ban toán. Tôi tên Huỳnh Thông Thái. Tôi có bồ tèo tên Nguyễn Quang Thái (Sau nầy Quang Thái gia nhập khoá 13 Hãi Quân). Họ sắp tôi và Quang Thái ngồi cạnh nhau vì chúng tôi cùng tên. Quang Thái biết tôi giỏi toán, nên nó đề nghị "mầy làm toán, tao làm bài viết, rồi đổi nhau chép vô cho lẹ". Thế là hai đứa tôi cùng đậu.
Tôi học ban B toán, nhưng tôi vẫn ghi tên thi tú tài 2 ban A chơi. Họ sắp tôi ngồi cạnh một cô tên Thão. Cô Thão cao đẹp thướt tha như nàng Kiều. Tôi đề nghị với cô Thão, rằng "Tôi học ban B và tôi thi ban A chơi, nên bài toán Vật Lý để tôi làm cho cô" và cô Thão vui lắm. Rồi cô Thão đậu.
Thời vàng son của tôi ở Sàigòn là thời Vua Bảo Đại và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ba Má tôi mua nhà ở Sàigòn, rồi mướn người nấu cơm và giặt áo quần cho anh em tôi ở Sàigòn, thỉnh thoàng Ba Má tôi lên thăm và cấp tiền cho chúng tôi. Học bài xong, khoảng 10 giờ đêm là tôi xếp bút nghiên và ra đi chơi đêm với vài bồ tèo. Thường thường quá nữa đêm, chúng tôi còn lang thang các công viên, các ngỏ hẽm.
Nhiều lần tôi gặp mật vụ của ông Nhu em ông Diệm trong các hẽm tối. Họ chụp vai tôi lại và hỏi "mầy làm gì ở đây?". Tôi trả lời, tôi đi chơi thôi. Rồi họ cho tôi đi. Có lần tôi thấy mật vụ bắt bọn du đãng lên xe jeep đánh nhừ tử, rồi thả xuống và nói "lần đầu tao đánh, lần sau tao bắn'. Bọn du đãng sợ khiếp đảm. Thời bây giờ không có cướp giựt, giết người. Đi chơi khuya rất an toàn. Đi chơi khuya, rồi kéo nhau ra nhà hàng ở chợ củ Sàigòn ăn cháo cá đêm, thật tuyệt vời.
Có một tối trời khá khuya, tôi ngồi trong công viên Khải Định (Âu Lạc bây giờ) cạnh trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ). Tôi thấy một cô gái trẻ đẹp, tay ôm cái rổ không và ngồi khóc. Tôi đến hỏi thăm:
- Cái gì vậy em?
- Em mới đem rổ trái cây đi cúng Chùa về. Em buồn lắm. Em muốn chết đêm nay!
- Sao vậy?
- Ba Má em cấm em lấy người em yêu.
Tôi giật mình. Vì vấn đề nầy là vấn đề chết người dễ dàng. Tôi hỏi cha mẹ, nhà cửa và quê của cô. Cô nói tên ba cô và ở trại gia binh tại thành phố Long An. Long An là quê tôi và tôi rất rành thành phố nầy. Tôi dụ cô về nhà tôi ngũ qua đêm và cô đồng ý. Tôi đưa cô về nhà ngũ cùng divan với em gái tôi.
Sáng sớm hôm sau, tôi và bồ tèo Thế của tôi đi xe đò xuống Long An mà không cho cô biết. Chúng tôi đi thẳng vô khu gia binh và hỏi tên Ba của cô. Chúng tôi đến nhà cô và kể hết sự việc đêm hôm qua. Ba Má cô mừng quá, lật đật bao xe hơi chở chúng tôi về nhà tôi. Khi cô thấy Ba Má cô bước vô nhà tôi, cô bỏ chạy ra đường. Tôi chạy theo dụ cô đứng lại. Rồi Ba Má cô đưa cô từ nhà tôi về lại Long An. Từ đó tôi không gặp lại cô.
Thời gian trôi qua, lúc bây giờ tôi là phi công của VNCH. Có một cô gái làm cho một toà báo ở Sàigòn đến nhà tôi tìm tôi. Cô nầy chính là cô gái trong công viên ngày nào. Cô đến để cám ơn tôi. Cô khoe với tôi, bây giờ cô làm cho một toà báo. Tôi chỉ biết vậy và không hỏi gì thêm. Hành xử của cô làm tôi vui vui.
Tại Sàigòn tôi chứng kiến:
- Ngày 7 tháng 7 năm 1954 Vua Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về làm Thủ Tướng.
- Tháng 4, năm 1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cho quân đánh tan quân Công An Xung Phong của Bình Xuyên, trong vòng thành trường Petrus Ký (trường Lê Hồng Phong bây giờ), vòng thành nầy rộng lớn bao quanh bởi bốn đường bây giờ Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương và Trần Bình Trọng. Lúc bây giờ chưa có trường đại học khoa học. Trận đánh nầy chỉ kéo dài từ sáng đên chiều thì quân Bình Xuyên thua. Tôi theo xem trận đánh nầy suốt ngày. Tôi là người duy nhất theo đám tàn quân của Bình Xuyên. Khi Bình Xuyên thua, họ rút quân trốn trong nhà in Caravelle của Pháp. Nhà in nầy nằm trong vòng thành trường Petrus Ký và ngó ra đường Trần Bình Trọng, đường nhà tôi. Vì nễ mặt Pháp nên ông Diệm không cho quân bao vây nhà in Caravelle.
Trời sụp tối, Pháp mở cổng nhà in cho quân Bình Xuyên đi qua đường Trần Bình Trọng vô xóm tôi, đi theo đường hẽm lớn song song với đường Trần Bình Trọng, hướng về nhà thờ Chợ Quán để về cầu Chử Y. Cầu chử Y có hai nhánh, từ Sàigòn qua, nhánh bên trái của cầu Chử Y là đi vô địa phận của Bình Xuyên. Khi đám tàn quân Bình Xuyên đến đường Thành Thái (An Dương Vương bây giờ) thì tôi quay về nhà, không theo nữa. Trên đường về nhà, tôi thấy anh lính nằm rên ư ư trong hẽm, trên lưng anh đầy những lỗ nhỏ rĩ máu, chắc là anh bị miểng lựu đạn.
Tôi hỏi:
- Anh lính nào để tôi đưa anh vô nhà thương?
- Tôi lính quốc gia.
Tôi biết chắc anh là lính Bình Xuyên, nhưng sợ quá nên anh nói láo. Tôi hỏi lại:
- Anh phải nói thật. Tôi đưa anh vô nhà thương quốc gia thì nguy hiểm lắm.
- Tôi lính Bình Xuyên.
- Được rồi. Anh nằm yên đây. Tôi đi kêu Tây trong nhà in chở anh vô nhà thương của Pháp.
Tôi đi kêu giáo sư Cát dạy Anh Văn trong xóm tôi. Ông Cát du học bên Anh về. Ông Cát và tôi kêu Tây bên nhà in đem băng ca qua đưa anh lính nầy vô nhà thương Grall (Nhi Đồng 2 bây giờ) của Pháp. Tôi tin anh lính nầy có cơ hội để sống, vì Grall là nhà thương số 1 của Việt Nam lúc bây giờ.
- Tháng 10 năm 1955, dẹp quân Bình Xuyên, quân Cao Đài, quân Hoà Hão xong, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm truất phế Vua Bảo Đại và ông Diệm lên làm Quốc Trưởng. Sau đó ông Diệm cho sửa đổi hiến pháp, đổi Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hoà và ông Diệm trở thành Tổng Thống đầu tiên.
- Tháng 11 năm 1960 hai sĩ quan nhảy dù, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương Văn Đông đảo chánh ông Diệm nhưng thất bại, và hai ông trốn qua Campuchia. Hôm ấy một tiểu đoàn nhảy dù, dàn quân trước dinh Độc Lập và cạnh nhà thờ Đức Bà. Hằng trăm sinh viên, học sinh quây quần theo tiểu đoàn dù, trong đó có tôi và Thế, bồ tèo của tôi. Anh tiểu đoàn trưởng dù nói "VC vô tới Biên Hoà. Anh em mình phải lấy dinh Độc Lập gấp, nếu không VC vô tới Sàigòn thì chúng mình chết hết! Anh em đi trước vô dinh, và chúng tôi theo sau yễm trợ". Hằng trăm sinh viên học sinh hăng say đi trước tiến vô dinh. Lúc bây giờ ngoài hàng rào của dinh, tôi không thấy anh lính nào. Khi chúng tôi gần tới hàng rào, thì lính trong dinh tràn ra, để súng lên hàng rào và bắn thẳng vào chúng tôi. Toán đi trước bị bắn ngã chết, bị thương la liệt. Tôi và Thế bò trên xác chết để rút lui và áo quần của chúng tôi dính đầy máu. Tôi và Thế bỏ xe Velo Solex cạnh nhà thờ Đức Bà và chạy bộ về nhà ở đường Trần Bình Trọng. Sau khi tắm rửa sạch sẻ, tôi và Thế ra nhà thờ Đức Bà lấy xe về. Sau lần nầy, tôi học một bài học "chính trị nói láo muôn mặt!".
- Tháng 4 năm 1961 Việt Nam Cộng Hoà mở cuộc bầu cử tổng thống gồm ba liên danh, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Ngọc Thơ, Hồ Nhật Tân và Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Đình Quát và Nguyễn Thành Phương. Thế là bồ tèo của tôi. Ba Thế nuôi cụ Truyền trong nhà. Tôi tới chơi với Thế rồi cụ Truyền rất thương tôi. Thế rủ tôi tổ chức canh gác thùng phiếu bầu cử và tôi đồng ý. Tôi và Thế huy động hằng trăm sinh viên, học sinh để canh gác thùng phiếu. Sáng sớm ngày bẩu cử, tôi và Thế thuê hằng chục xe lam ba bánh, để rải thanh niên ra canh gác thùng phiếu khắp Sàigòn - Chợ Lớn. Trước khi đi, tôi tập họp anh em lại và dặn dò, rằng nếu ai đem thùng phiếu đầy đến tráo đổi thùng phiếu không thì lập biên bản. Chúng tôi thả anh em xuống các thùng phiếu từ sáng sớm, khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi trở lại các thùng phiếu và không thấy người của chúng tôi đâu. Có vài anh em trốn thoát, gặp chúng tôi rồi khóc kể rằng, họ tráo đổi thùng phiếu, anh em lập biên bản nên bị bắt hết rồi. Tôi và Thế chạy về trường Tôn Thọ Tường đường Trần Hưng Đạo để coi tình hình thùng phiếu ở trung ương. Hai đứa tôi đang đứng trên lầu 2 của trường, quan sát thùng phiếu, có một thầy giáo đầu bạc phơ đến kề tai hai đứa tôi nói nhỏ "hai con ơi, mật vụ đang chờ hai con xuống cầu thang để bắt". Tôi và Thế leo cửa sổ tuột máng xối xuống đường Trần Hưng Đạo. Hai đứa tôi chạy bộ về báo tin cho cụ Truyền. Cụ bảo hai đứa tìm chổ trốn đừng về nhà, chờ cụ gọi cho Đức Cha Ngô Đình Thục, anh của ông Diệm. Tôi và Thế đến ngả tư Bảy Hiền ngủ trong ụ đất to lớn trong vườn cao su. Ụ đất nầy dùng để đánh Pháp ngày xưa. Sáng hôm sau có ngưòi đến báo, rằng hai đứa tôi về nhà được rồi. Về đến nhà, tôi gặp bồ tèo Hồ Vĩnh Thuỹ cạnh nhà tôi. Thuỹ kêu lên "mầy và thằng Thế làm gì mà mật vụ đầy xóm hết!". Tôi làm thinh đi vô nhà! Rồi có người quen trong Tổng Nha Cảnh Sát cho tôi biết, hồ sơ của tôi và Thế dầy cộm trong Tổng Nha. Người nầy có lời khuyên, rằng hai đứa tôi muốn sống yên với mật vụ chỉ có hai cách là du học hoặc đi lính. Ba Thế làm lớn trong Bộ Giáo Dục nên Thế du học Tân Tây Lan, còn tôi thì âm thầm giấu Ba Má tôi để ghi tên đi Không Quân!
- Tháng 6 năm 1963 tôi chứng kiến Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Hôm ấy tôi sắp nhập ngũ Không Quân VNCH. Tôi nghe Phật Giáo biểu tình, nên đi coi thôi. Đoàn biểu tình đầy nghẹt Tăng, Ni và phật tử, khởi hành từ ngã tư Cao Thắng và Nguyễn Đình Chiểu bây giờ, đi trên Nguyễn Đình Chiểu hướng về Cách Mạng Tháng 8. Tới ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8, đoàn biểu tình dừng lại. Tăng, Ni đứng thành một vòng tròn to lớn giữa ngã tư. Tôi chưa biết họ định làm gì. Rồi tôi thấy Hoà Thượng Thích Quảng Đức bước vô và ngồi xuống lộ giữa vòng tròn. Hoà Thượng ngồi xếp bằng và chắp tay niệm Phật. Một vị tăng tay xách bình xăng, bước vô và tưới xăng lên người Hoà Thượng, rồi châm lửa. Lửa cháy ngùn ngụt, nhưng Hoà Thượng vẫn ngồi im chấp tay niệm Phật cho tới khi Hoà Thượng cúi gục đầu xuống. Tôi không thấy Hoà Thượng giãy giụa vì nóng, chắc là có ai đó chích thuốc tê cho Hoà Thượng! Khi họ đem quả tim còn lại của Hoà Thượng về chùa Xá Lợi, tôi cũng theo coi.
Tháng 7 năm 1963, tôi gia nhập Không Quân VNCH và chấp dứt tuổi thơ tôi tại Sàigòn.
"Sàigòn quê hương tuổi thơ tôi", trôi qua hơn nữa thế kỷ. Giờ đây, sau khi mất bà xả, tôi trở về Sàigòn và cu ki một mình như lúc tuổi thơ, chỉ khác là "Sàigòn quê hương tuổi già tôi". Có năm tôi về Sàigòn ở khách sạn tám tháng, có năm mười tháng, nhà tôi bên Mỹ thì đóng cửa. Những nhà hàng ngon ở Sàigòn, tôi nắm vững khá nhiều. Rồi người thân của tôi khắp nơi, về Sàigòn gặp tôi, tôi đưa họ đến nhà hàng để đãi họ những món ngon và tôi lấy đó làm niềm vui cho quảng đời còn lại. Còn việc tôi lang thang trong công viên, trong các hẽm trong đêm tối như lúc tuổi thơ không còn nữa. Sàigòn bây giờ không còn an toàn như thời tuổi thơ tôi. Bây giờ khoảng 7 - 8 giờ tối là tôi lên giường ngũ như gà! Nhưng 4 giờ sáng là tôi thức dậy để tập thể dục. tth
Ăn cơm chiều trong Saigon Center đường Lê Lợi.
Từ trái: Chị Nghiêm áo đỏ và chị Kiễm.
Anh KQ63A Trần Văn Nghiêm mới mất cuối 2019 tại Houston Texas.
Từ phải: Con gái anh chị Kiễm, KQ63A Nguyễn Kiễm
Thái áo xanh.
Uống cà phê ở Nguyễn Huệ Sàigòn.
Anhchị KQ63A Nguyễn Kiễm ngồi trườc.
Anh chị Đaị Tá phi công Vượng (Vượng cò) và tôi.
KQ63D Trịnh Thành Châu và Thái uống cà phê ở Sunwah Nguyễn Huệ.
KQ63D Trịnh Thành Châu ngồi cạnh tôi mặc áo có chử Sàigòn.
Châu là anh hai cả trong gia đình. Đây là gia đình Châu, em ruột, em rể, em dâu. Họ đi tour rồi tour ghé Sàigòn. Tôi giới thiệu gia đình Châu heo sữa và họ đãi tôi.
Em ruột Châu ngồi bên phải đeo kiếng. Anh chàng nầy trước 1975 là Cò Cảnh Sát.
Thái và anh chị Châu.
Tôi mời gia đình Châu đi ăn Mì Tôm hấp lá sen.
Chân gà hấp tàu xì.
Chị Châu và em gái Châu đang ăn Mì Tôm Hấp lá sen.
Tôi rất mê món mì nầy.
Hội Hoa Xuân Tao Đàn 2020.
Tôi và Châu tham quan Hội Hoa Xuân Tao Đàn.
Sắp Tết, tôi mời anh chị Khương đi ăn cơm thuần tuý VietNam, thịt kho dưa giá, tôm càng kho, canh chua cá bông lau, tôm rim nước dừa...
Tôi đãi heo sữa.
Từ trái: Anh Bùi Văn Trạch (Trạch sửa), KQ63D Trần Minh Bạch (Bạch đen), anh chị KQ63A Nguyễn Kiễm.
Năm 1964 anh Trạch lấy chiếc máy bay khu trục A1 bay qua Campuchia, rồi ông vua Sihanouk lấy chiếc máy bay và cho anh 1 triệu VND. Anh đi Airline từ Campuchia qua Âu Châu và định cư ở Pháp. Lúc bây giờ vợ con anh đã qua Pháp trước rồi. Vợ anh Trạch kêu Tướng Nguyễn Văn Hinh bằng cậu. Tướng Hinh là con của Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm thời Vua Bảo Đại. Khi anh Trạch đến Pháp, thì Tướng Hinh đang chỉ huy Không Quân của Pháp. Nên ông Hinh cho anh Trạch đi học bay lại và bay cho Không Quân Pháp. Sau đó anh Trạch xin ra Không Quân Pháp và anh bay Airbus cho hàng không dân sự Pháp.
Năm 1968 KQ63D Trần Minh Bạch (Bạch đen) lấy chiếc trực thăng H34, bay từ Nha Trang lên Đà Lạt. Bạch bảo phi công phó và cơ khí phi hành vô chợ Đà Lạt mua trái cây. Trong khi đó Bạch lấy trực thăng bay qua Campuchia, chở theo người tình son trẻ. Đến không phận của Campuchia, Bạch thấy một đồn lính, có treo cờ Campuchia và Bạch đáp máy bay xuống đồn nầy. Lính trong đồn tràn ra, chỉa súng vô Bạch. Bạch đưa tay lên đầu hàng và nói tiếng Campuchia, rằng xin tị nạn chính trị. Bạch ngày xưa sinh ở Campuchia nên Bạch biết tiếng Campuchia. Lính Campuchia chặt cây che đậy máy bay lại và báo về thủ đô. Thủ đô cho máy bay đưa hai phi công của Campuchia xuống đồn để lái chiếc máy bay của Bạch vể thủ đô. Còn Bạch và người tình được chở bằng máy bay khác về thủ đô.
Ông vua Sihanouk lấy chiếc máy bay của Bạch và ông cho Bạch 1 triệu VND. Ông cũng mua cho Bạch hai vé máy bay hạng nhất để đi nước Ý.
Đến Ý, Bạch không làm ra tiền. Bạch mua vé xe lửa đi từ Ý qua Pháp. Bạch không có visa đến Pháp. Bạch liều mạng đi lậu. Khi ông Tây đến xét giấy tờ trên xe lửa, Bạch nằm nhắm mắt giả ngũ. Còn người tình của Bạch mới có 15 tuổi, chạy lăng xăng chơi đùa với đầm con trên xe lửa, nên ông soát vé xe lửa không quan tâm làm gì. Rồi Bạch tới Paris. Bạch gặp anh Trạch ở Paris. Anh Trạch đưa Bạch đến gặp Tướng Hinh. Tướng Hinh hứa giúp đỡ. Trong khi đó Bạch xin được bay trực thăng cho hảng dầu ở Canada, nên Bạch đưa người tình son trẻ đi Canada lập nghiệp cho tới ngày hôm nay.
Từ phải: KQ Lê Phước Khương bồ tèo của tôi, vợ chồng Nhã về từ Houston Texas, chị Khương.
Nhã là con trai của Marie em gái tôi.
Từ trái: Khương, Thái, Trạch, Bạch, Kiễm, chị Kiễm, chị Khương, vợ Nhã,
Tết Canh Tý 2020 tại khách sạn tôi ở:
Khách sạn tôi ở tổ chức Tết Canh Tý 2020.
Người đứng bìa trái là anh Quân giám đốc khách sạn, cô Oanh kế toán đứng cạnh anh Quân. Hai người nầy là anh em và gọi bà chủ khách sạn bằng cô ruột. Bà Hoa áo đỏ đứng giữa là chủ khách sạn.
Bà Hoa và cô Oanh.
Bà Hoa và cô Mai.
Mọi người chụp hình với bà chủ, tôi cũng được bà chủ kêu lên chụp hình. Chắc năm nay tôi hên lắm!
Tôi lì xì bà chủ.
Năm nay tôi lì xì nhân viên khách sạn bằng tờ hai dollars Mỹ.
Tờ hai dollars nầy là lucky money. Tôi chuẩn bị 35 bao lì xì, mỗi bao chứa 3 hoặc 4 hoặc 5 tờ hai dollars. Rồì họ rút bao lì xì hên nhiều hên ít cho vui.
Bà chủ lì xì tôi một bao rượu bánh mứt.
Anh em bảo vệ khách sạn đang rút bao lì xì.
Ban kế toán đang rút bao lì xì. Cô đứng kế tôi là kế toán trưởng.
Ngoài bao rượu bánh mứt, khách sạn rút thăm tên tôi và tôi trúng thêm cái quạt máy!
./.
Sunday, February 9, 2020
Wednesday, February 5, 2020
Saturday, February 1, 2020
"Chuyện thực đời người: Chuyện kỳ diệu của Đào" - Bích Hằng Nguyễn.
Không Quân Lê Phước Khương là bồ tèo của tôi từ 1964. Năm 1964 - 1965, tôi và Khương "vào sinh ra tử" không biết bao nhiêu lần trong chiến trường Quân Đoàn 2. Mỗi chuyến bay hành quân của tôi và Khương, máy bay của hai đứa tôi thường xuyên bị địch bắn lủng lỗ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ khai báo để lảnh huy chương. Vì điều đó không quan trọng với hai đứa tôi.
Điều quan trọng với hai đứa tôi là, thà địch bắn chúng tôi chết, chứ chúng tôi không thể giết lầm dân lành. Chúng tôi phải bay xuống thấp, tận mắt nhìn thấy địch cầm súng nên chúng tôi thường xuyên bị địch bắn. Không biết có phải tâm nguyện thương dân lành của hai đứa tôi, mà đấng linh thiên nào đó nhìn thấy và đã nhiều lần cứu vớt hai đứa tôi. Hai đứa tôi đã lên bàn thờ rất nhiều lần, nhưng mỗi lần như vậy, như có đấng linh thiên nào đó dẫn hai đứa tôi leo xuống bàn thờ! Click Vào Đây - Để xem đấng linh thiên dẫn hai đứa tôi leo xuống bàn thờ. Ôi! Nhân quả trước mắt!
Hôm nay Khương gởi email cho tôi, có kèm theo bài viết "Chuyện thực đời người: Chuyện kỳ diệu của Đào" của Bích Hằng Nguyễn. Trời! Lời văn không trau chuốt thi vị hoá, vậy mà làm lòng tôi xúc động, nước mắt ràn rụa. Cảnh nghèo khó cùng cực của người dân quê Việt Nam thương yêu, cộng với những trái tim "Bồ Tát" làm tôi giật mình và xúc động. Ôi! Sao trên đời nầy có những trái tim "Bồ Tát" ngoài sức tưởng tượng của tôi. Họ là những tấm gương sáng, mà tôi đang nguyện noi theo trong quảng đời còn lại của tôi. Dù rằng việc làm của tôi so với họ như một giọt nước ngọt rơi trong biển mặn.
Cám ơn Khương ơi. tth
Chuyện thực đời người: Chuyện kỳ diệu của Đào
Kể cả bạn bè thân thiết cũng ít người biết rằng tôi có 1 cô con gái nuôi, đơn giản là vì tôi chưa nuôi Đào ngày nào nhưng Đào gọi tôi là mẹ – mẹ nuôi, và tôi hạnh phúc vì điều đó.
Tôi gặp Đào vào một ngày giữa năm 2008, em đến văn phòng gặp tôi để đăng ký phẫu thuật răng hàm mặt miễn phí với đoàn bàc sĩ Surgicorps đến từ Mỹ, một duyên hội ngộ khi tôi gửi thông điệp này lên mạng AIT Alumni VN (Hội Cựu Sinh Viên AIT tại VN), một người bạn nào đó bên Pháp báo tin cho người nhà tại VN là một người bạn của Đào để rồi đưa em đến gặp tôi.
Tôi sửng sốt khi gặp Đào lần đầu với khuôn mặt bị cháy 1 nửa và 1 bàn tay không còn nữa, nhưng em không hề ngần ngại với khuôn mặt ấy mà rất tự tin, luôn nhìn thẳng vào tôi khi nói chuyện. Tôi hỏi chuyện Đào mà trong lòng tràn đầy thương cảm xót xa.
Đào sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Bình Định. Vùng nông thôn Việt Nam thường có tục lệ đốt than hơ nóng cho các bà mẹ sau sinh mà họ tin rằng sẽ tốt cho sản phụ và trẻ sơ sinh, Đào cũng được hơ than bằng cách đó. Khi chưa đầy tháng, mẹ em cho em nằm võng bên dưới đốt 1 chậu than hồng, hôm đó chỉ trong 1 khoảng khắc mẹ em bỏ con ra ngoài sân lấy nước thì nghe tiếng kêu xé ruột trong nhà, bà không thể ngờ đứa con gái út bé bỏng của mình mới 28 ngày tuổi chưa hề biết lẫy lại có thể lật ra khỏi võng và nằm trên chậu than hồng như có một bàn tay siêu hình gây ra vì lúc đó trong nhà không có một ai cả.
Đứa trẻ giãy giụa trong than, cháy hết 1 bên thân thể, cháy cụt hết các ngón tay trái và 1 bên mặt, em được đưa đến bệnh viện cấp cứu, do bị hoại tử nên phải cắt cánh tay trái đến gần khủy. Chỉ sau một thời gian chữa chạy, bệnh viện cũng bó tay, trả em về nhà nằm chờ chết. Nhưng em không chết, em cứ thế lay lắt vượt qua cái chết để được sống.
Lớn lên với nỗi đau thể xác đã hóa thành sẹo khắp gương mặt và 1 phần thân thể em, mắt và miệng bị co rúm lại đến nỗi em không thể há mồm, cánh tay không thể duỗi ra, thế nhưng đến năm 7 tuổi em mới nhận thức được sự khác biệt của mình qua ánh mắt khinh bỉ, qua sự trêu chọc, nhạo báng của bạn bè, và cứ thế em sống trong tủi nhục cho đến năm 22 tuổi.
Lớn lên với nỗi đau thể xác đã hóa thành sẹo khắp gương mặt và 1 phần thân thể em, mắt và miệng bị co rúm lại đến nỗi em không thể há mồm, cánh tay không thể duỗi ra, thế nhưng đến năm 7 tuổi em mới nhận thức được sự khác biệt của mình qua ánh mắt khinh bỉ, qua sự trêu chọc, nhạo báng của bạn bè, và cứ thế em sống trong tủi nhục cho đến năm 22 tuổi.
Hôm đó qua đài phát thanh em được biết có 1 đoàn bác sĩ Mỹ đến Việt Nam phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí ở Quy Nhơn và em lập tức lên đường dù đã hết hạn đăng ký. Vị trưởng đòan, bác sĩ phẫu thuật, Dr. Frank Walchak và Carolyn vợ ông, y tá phòng mổ đến từ Spokane, ngay từ lần đầu gặp em, ánh mắt khẩn khoản cầu xin của em đã chạm vào lòng trắc ẩn của họ và như hai vị thần hộ mệnh, họ đã nhận ra sứ mệnh của mình.
Chín tháng ở với họ và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, khuôn mặt em được cải thiện đáng kể, ở đó em luôn được coi như cô con gái út trong gia đình với 2 người chị gái đầy yêu thương.
Em được học tiếng Anh, học lái xe và trượt tuyết dù chỉ có 1 tay, họ yêu em và luôn coi em như một người bình thường. Em nhút nhát vì mọi thứ đều lạ lẫm vô cùng vì đây là lần đầu tiên em bước chân ra khỏi lũy tre làng chứ chưa nói đến chuyện ra khỏi biên giới.
Những tâm hồn cao đẹp đã hội tụ tại đây để mang đến cho đời những điều kỳ diệu. Nhưng dù sao thì cũng đến ngày em phải về nước và đối mặt với cuộc sống của chính mình.
Khi tôi gặp Đào, cô ấy đã trải qua 7 lần phẫu thuật, khuôn mặt tuy đã cải thiện hơn trước nhưng thực sự những vết sẹo vẫn còn chằng chịt, mắt và miệng vẫn bị kéo lệch 1 bên. Sau khi từ Mỹ trở về Đào đã quyết tâm từ Bình Định ra thành phố HCM xin việc và học thêm tiếng Anh và kế toán vào buổi tối. Lúc đó công việc của em thực sự rất khó khăn và khắc nghiệt. Không chỉ lo cho bản thân mình, Đào vẫn phải đi bán vé số tại bến Bạch Đằng, mỗi đêm được khoảng 50 ngàn đồng để gửi về nuôi cha mẹ mình ở quê.
Ngay buổi sáng đầu tiên khi đoàn Surgicorps vừa hạ cánh, trong lúc chờ check in tại khách sạn Majestic họ đã tranh thủ sơ khám cho Đào và 1 số bệnh nhân khác, bất kể mệt mỏi do lệch múi giờ và chưa ăn uống gì. Buổi chiều hôm đó họ bắt tay vào làm việc ngay, Đào là trường hợp được thử máu buổi chiều đó và được họ quyết định phẫu thuật ngay ngày hôm sau vì họ muốn có 1 tuần điều trị hậu phẫu cho em trước khi họ về nước. Buổi tối Đào gọi điện cho tôi giọng rất hoang mang, em nói em không thể phẫu thuật ngay ngày mai vì bà chủ không cho phép nghỉ. Thực sự em rất khó khăn để lựa chọn hoặc mất việc hoặc được phẫu thuật, mà em thì cần rất nhiều lần phẫu thuật nữa để cải thiện gương mặt, mỗi dịp như thế này là cơ hội vàng cho em. Tôi chỉ nói với em hãy xin phép và trình bày cặn kẽ với bà chủ, nếu không được và sau này bà chủ vẫn đuổi việc thì gọi cho cô, hãy tin rằng cô sẽ giúp con.
Năm đó công ty tôi cũng đăng ký cho em Toàn, một nhân viên nam là trưởng phòng vé máy bay, được phẫu thuật vá 1 bên cánh mũi, dị tật bẩm sinh do mẹ em bị cúm khi mang thai. Tôi vào thăm các em ngay sau khi phẫu thuật xong và tặng quà cho tất cả các bệnh nhân trong dịp đó. Thật cảm động khi được thấy các bác sĩ Mỹ trong phòng hậu phẫu bồng bế từng em nhỏ dỗ dành, cho quà bánh để các em khỏi lo lắng và đau đớn. Toàn cảm động nói với tôi, khi con mở mắt ra người đầu tiên con nhìn thấy là chị Đào đang ngồi bên con, chị ấy đã pha nước chanh và đợi con tỉnh dậy để cho con uống, dù chị ấy cũng mới chỉ phẫu thuật trước con không lâu. Câu chuyện ấy tôi không bao giờ quên, tôi biết đằng sau khuôn mặt khiếm khuyết của Đào là một tấm lòng nhân hậu.
Một tuần sau Đào gọi điện cho tôi nói như khóc: “ Cô ơi con bị đuổi việc rồi cô ạ”, không chút đắn đo tôi nói “Ngay khi con bình phục hãy đến công ty gặp cô” dù lúc đó tôi cũng không biết Đào có thể làm được việc gì không? Việc nhận Đào vào công ty tất nhiên do quyết định của tôi thì không ai ngăn cản nhưng nhìn ánh mắt một số nhân viên tôi biết Đào sẽ không dễ dàng gì khi làm việc ở đây, nhưng rất may Đào đã có Toàn luôn bảo vệ và thân thiết từ khi hai bạn cùng nằm phẫu thuật trong bệnh viện.
Thật đáng ngạc nhiên, tuy chưa được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Đào rất thông minh và chăm chỉ, bất kể việc gì được giao em đều hoàn thành tốt nhất, kể cả phần mềm kế toán mới nhất em cũng nắm bắt rất nhanh chóng. Hàng ngày em vẫn chạy xe máy bằng 1 tay, làm mọi việc bằng 1 tay nhưng không khiến em ngại ngùng bất kể việc gì. Em âm thầm làm việc mà không hề kêu ca, khi tôi phát hiện em bị chèn ép và hỏi han thì em đều nói “Không sao, mẹ cứ để tự con giải quyết”. Em cũng xin được gọi tôi là mẹ từ ngày ấy, em nói “Vì mẹ đã sinh ra con lần thứ hai”.
Dịp đó ông bà Frank & Carolyn Walchak đi phẫu thuật từ thiện tại Trung cộng biết tin Đào có được công việc tốt tại EVIVA, họ lập tức bay sang Việt Nam để làm một việc là cám ơn tôi. “Trời ơi, tin được không???” hôm đó ông bà mời Đào đến ở chung phòng trong khách sạn và mời tôi đến, nhìn cách ông bà ôm Đào, giới thiệu với tất cả mọi người đây là con gái của chúng tôi một cách tự hào mà không hề bối rối trước những ánh nhìn tò mò lạ lẫm, tôi thấy cảm động vô cùng. Tôi nói với họ “Người mà cần được cám ơn hôm nay chính là ông bà, từ một đất nước xa xôi ông bà đến đây, yêu thương, cưu mang một cô gái nghèo tàn tật của chúng tôi, thì không lẽ gì tôi là một người Việt nam lại không làm được điều đó.” Nhưng ông bà ấy cứ khăng khăng nói rằng tôi mới là người đã thay đổi hoàn toàn chất lượng cuộc sống và công việc của Đào.
Thật tuyệt vời khi trong cuộc đời của mình có thể được gặp được những con người như thế.
Tôi luôn kể những câu chuyện về sức mạnh tinh thần sẽ mang đến những điều kỳ diệu để khuyến khích và động viên Đào hãy ước mơ một hạnh phúc như những người khác và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Tôi biết Đào đã cố gắng hết sức nhưng chưa chắc em đã tin những câu chuyện tôi kể, em nói rằng không bao giờ em dám mơ có một gia đình như bao người khác.
Thế rồi vào một ngày mùa Hè hai năm sau đó, Đào bẽn lẽn kể cho tôi câu chuyện có một vị bác sĩ nha khoa trong đoàn Rotaplast của ông bà Walchak, đã từng gặp Đào lần đầu từ khi em còn là một cô bé ở quê nghèo Bình Định, lâu nay anh ấy vẫn thường động viên, chuyện trò với em qua mạng, nay anh ấy đến Đà nẵng và muốn hẹn hò với em. Đào hỏi tôi có nên đi không và lo lắng không biết mình có bị lợi dụng không? Lúc đó tôi thật lòng nói với Đào “Con không có gì để bị lợi dụng cả, nếu anh ấy muốn đến với con thì đó chỉ có thể là một tấm lòng yêu thương và nhân ái vô cùng, con hãy đón nhận bằng cả tấm lòng, đó chính là món quà của trời đất trao tặng cho con.”
Đào ngồi cạnh Văn Nữ Quỳnh Trâm, cô đạo diễn bộ phim tài liệu về lạm dụng tình dục “Bước Qua Bóng Tối”
Quả thực Dr. Michael French là một người như thế, anh chàng đến ra mắt tôi tại văn phòng EVIVA và sau đó là một bữa tối thân mật tại nhà tôi với sự chứng kiến của hai vợ chồng tôi, anh chàng ôm lấy Đào với sự chân thành hiếm có, nói rằng Đào là cô gái đẹp nhất và anh luôn tự hào khi đi cùng Đào. Tôi hiểu ra rằng chuyện cổ tích luôn có thể xảy ra giữa đời thường, Đào đã sống với tấm lòng chân thành, hiếu thảo, nhân hậu và sự nỗ lực không ngừng, em xứng đáng được hưởng hạnh phúc như những câu chuyện cổ tích mà em được đọc hồi nhỏ.
Bây giờ Đào đã thành mẹ của 2 thiên thần đáng yêu là Michelle 6 tuổi và Mitchell 4 tuổi, gia đình em đang sống ở Murphys, California, Hoa Kỳ. Thật đáng kinh ngạc khi em sang Mỹ chỉ vài năm đã có thể vừa hoàn thành chương trình học tại Columbia College với kết quả xuất sắc, vừa nuôi dạy 2 con nhỏ rất chu đáo, vừa hàng ngày tự lái xe đi học và đi làm kế toán tại phòng khám Nha Khoa của chồng (Safari Smiles Dental) tại Sonora. Hàng năm gia đình em đều trở về Việt Nam thăm gia đình và đến các trại trẻ mồ côi, khuyết tật khám răng, tặng quà cho các em nhỏ như một lời tri ân đến cuộc đời.
Một sự tình cờ, hình như mọi sự tình cờ thực ra đều có nguyên do của nó, trên một chuyến bay ra Hà Nội vào tháng Tư năm 2017 tôi ngồi cạnh Văn Nữ Quỳnh Trâm, cô đạo diễn bộ phim tài liệu về lạm dụng tình dục “Bước Qua Bóng Tối”, một bộ phim được giải vàng liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017. Tôi đã kể câu chuyện về Đào cho Trâm nghe như một sự chia sẻ về sự kỳ diệu trong cuộc sống, Trâm xin tôi được để cô ấy làm phim về Đào, thế nhưng phải mất 6 tháng sau, tôi và cô ấy mới thuyết phục được Đào đồng ý đưa câu chuyện của mình lên phim. Tôi nói với Đào “Câu chuyện của con có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như con, hãy truyền cho họ niềm tin vào cuộc sống như con đã từng sống, ai cũng có quyền được hạnh phúc nếu biết rằng hạnh phúc chính ở trong tay mình”.
Tôi luôn tự hào về Đào và thường hay kể câu chuyện này mỗi khi cần truyền cảm hứng sống cho ai đó.
Tôi luôn tự hào về Đào và thường hay kể câu chuyện này mỗi khi cần truyền cảm hứng sống cho ai đó.
*****
MỜI CÁC BẠN XEM BỘ PHIM TÀI LIỆU “ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA ĐÀO”. MỘT BỘ PHIM CỦA VĂN NỮ QUỲNH TRÂM – NGUYỄN YẾN TRINH VÀ ĐỒNG ĐỘI.
https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-dieu-ky-dieu-cua-dao-346686.htm?fbclid=IwAR3NgJLxxvqMU9Cln2Wzpx1eLNjKjroqVBSm8Nua1eCzFNHiz9m8kDNgrwo
Bich Hang Nguyen
https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-dieu-ky-dieu-cua-dao-346686.htm?fbclid=IwAR3NgJLxxvqMU9Cln2Wzpx1eLNjKjroqVBSm8Nua1eCzFNHiz9m8kDNgrwo
Bich Hang Nguyen
Subscribe to:
Posts (Atom)