Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Friday, August 18, 2023

KHI LÍNH BIẾT YÊU - NGUYỄN KHẮP NƠI



 KHI LÍNH BIẾT YÊU


Thân tặng những chàng trai Phi Công Trực Thăng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thân tặng các cựu học sinh của trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) và Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) 1954- 1975
NGUYỄN KHẮP NƠI


Thủa nhỏ, tôi học ở Đà Lạt. Ba tôi gốc nhà giáo từ thời Pháp, nên ngoài việc học ở trường, anh em tôi còn phải học thêm về Pháp văn do ba tôi đích thân dậy. Học đựợc bao nhiêu chữ tôi cũng không biết nữa, nhưng điều ba tôi dạy kỹ nhất là cách phát âm: Phải đọc cho đúng giọng Pháp, không thì sẽ bị nghe ba tôi la mắng ngay lập tức.

📷

Tương lai của một cậu học sinh tỉnh lẻ như tôi sẽ ra sao? Tôi vẫn còn mơ hồ lắm. Thỉnh thoảng được theo chú tôi vào bệnh viện, nhìn những vị bác sĩ đi tới đi lui chẩn bệnh cho bệnh nhân, nhìn khu chờ đợi đầy những người chờ khám bệnh, tôi chỉ muốn trở thành một bác sĩ ngay lập tức để trị bệnh cho họ. Nhất là khi được xem những đoạn phim quay cảnh mổ xẻ, tôi có thể xem đi xem lại nhiều lần, để nhìn cho rõ làm thế nào mà người bác sĩ dùng con dao nhỏ cắt đi những vùng thịt hư thối để cứu một mạng người.

Nhưng tôi cũng lại có một giấc mơ khác nữa: Bay bổng trên nền trời xanh.

Tôi thích làm phi công để được cưỡi mây lướt gió. Nhưng rất tiếc là ở Đà Lạt, hiếm khi mà tôi đuợc thấy một chiếc máy. Mỗi lần đi xem chiếu bóng, xem phần phim thời sự quay cảnh các khu trục cơ lộn nhào bắn phá mục tiêu, hoặc các phi công trực thăng liều mình đáp xuống trận tuyến đổ quân, bốc thương binh là lòng tôi lại rộn lên niềm mơ ước đuợc mang đôi cánh thép bay bổng trên không gian diệt thù cứu nước.

Nhưng, thật là đáng tiếc, hai giấc mơ kể trên còn quá xa vời với tôi, vì lúc đó, tôi chỉ là một cậu học sinh 16 tuổi mà thôi.

Mười sáu tuổi, tôi chưa thể thực hiện được những ước mơ của tương lai, nhưng tôi lại có thể thực hiện được một công việc đơn giản mà tôi chắc rằng, trên thế giới, hàng triệu triệu các học sinh cùng tuổi với tôi đã làm và đang làm:

Yêu!

Đối với lứa tuổi 16, tình yêu là một cái gì mới mẻ, đam mê và . . . chẳng ra đâu vào đâu cả.

Bởi vì, tôi . . . đâu có biết yêu là cái gì đâu?

Một buổi tan trường về, mấy đứa bạn rủ tôi rẽ ngang qua trường Bùi Thị xuân . . . cho biết, thật sự là để ngắm những cô nữ sinh với áo dài trắng đang thướt tha trên đường. Cô nào cũng một tay ôm cặp tay giữ nón hoặc giữ vạt áo dài cho nó khỏi bay, tôi thấy không còn vẻ đẹp, duyên dáng nào có thể sánh bằng.

Trong số những bóng trắng thướt tha đó, tôi đã đế ý tới một cô có dáng vóc thật là trang nhã với gương mặt thật xinh tươi. Cái áo dài nữ sinh cô mặc trên nguời cũng chỉ là cái áo dài trắng mà những cô khác đang mặc, nhưng nó lại thật là hợp với dáng vẻ dịu dàng của cô, làm cho cô có vẻ gì sang trong, đài các . . . Tôi cứ đứng bất động như vậy mà nhìn cô đang nhẹ nhàng buớc đi. Đến khi tôi chợt tỉnh để bước theo thì một chiếc xe hơi mầu đen đã trờ tới, cửa sau mở ra và cô khoan thai bước vào trong xe đóng cửa lại. Chiếc xe rồ ga chạy thẳng, để lại một làn khói xăng và thằng tôi đứng lớ ngớ trông theo.

Ngày hôm sau, tan trường về, không đợi ai rủ cả, tôi cũng đã hăm hở xách cặp táp đi về phía trường học ngày hôm qua để ngắm người đẹp áo trắng. Hôm nay tôi cũng chẳng làm gì hơn ngày hôm qua, nghĩa là cũng đứng thộn mặt ra mà ngắm cô nàng áo trắng.

Hàn Mặc Tử khi tả cô gái mặc áo dài trắng, đã viết:

“Áo em trắng quá, nhìn không ra”

Nhưng tôi thì nhìn ra cô liền, vì cái vẻ đài các sang trọng của cô, và cuối cùng là đứng ngửi khói xăng rồi hân hoan ra về.

Tôi để ý đến cô, nhưng không biết cô có để ý gì tới tôi, hoặc giả có thấy tôi đứng nhìn cô say mê hay không? Nhưng tôi cứ cho là cô có nhìn thấy tôi và cảm động khi thấy tôi đứng nhìn cô và ngửi khói xăng. Tôi bắt đầu ngắm vuốt đầu tóc và quần áo của tôi. Ngày nào tôi cũng mặc đồng phục, nhưng tôi cũng ráng ủi kỹ lưỡng để mặc khi đứng nhìn cô. Tuy vậy, tôi vẫn thấy tôi có cái gì ngố ngố ở trong đó, chứ không được sang trọng như cô.

Chị tôi, có lần nhìn thấy tôi đứng soi gương chải đầu rồi tự mình mỉm cười, thì chạy ra . . . mách mẹ:

“Mẹ ơi, thằng Dũng nó bắt đầu chải chuốt rồi đó, chắc là nó . . . có bồ rồi đấy, mẹ ạ!”

Mẹ nhìn tôi cười, làm tôi mắc cở quá, những lần sau, muốn làm đẹp, tôi phải nhìn trước nhìn sau, không có ai thì mới dám chải cái tóc, vuốt lại áo quần.

Cả tuần lễ sau, đã có một lần, trước khi cô gái bước lên xe, cô quay lại nhìn tôi thật nhanh rồi mỉm cười. Nụ cười của cô làm cho gương mặt xinh tươi của cô càng thêm đẹp, càng thêm xinh, càng làm cho tôi mê mệt. tối nào ngủ cũng nằm chiêm bao thấy cô cười với tôi.

Đáng tiếc thay, được vài tháng sau thì ba tôi được thuyên chuyển về Đà Nẵng. Đương nhiên là tôi phải khăn gói đi theo rồi! Ngày cuối cùng, tôi đứng nhìn cô gái, chỉ muốn chạy lại nói với cô là ngày mai tôi sẽ không còn được ngắm cô nữa, vì gia đình tôi phải dọn đi Đà Nẵng. Nhưng tôi không có can đảm đó, hơn nữa, cô có biết tôi là ai đâu mà nói? Phải chi tôi được quen với cô!

Trường Phan Chu Trinh quá lớn so với trường học ở Đà Lạt của tôi, buổi đầu đi học, nhìn những cô gái mặc áo dài trắng, tôi lại nhớ lại người đẹp áo trắng của tôi hồi còn ở Đà Lạt. Tôi chưa hề được hân hạnh nói chuyện với cô, hỏi tên cô, nên dù là có nhớ đến người đẹp áo trắng của tôi, tôi cũng không biết phải nhớ cô như thế nào?

Đà Nẵng lại là trung tâm của những loại máy bay cả của dân sự lẫn quân sự. Mỗi lần đi học, tôi có dịp nhìn tận mắt hàng đoàn những phi cơ phản lực, khu trục, những trực thăng . . . của không lực Hoa Kỳ cũng như của không lực Việt Nam Cộng Hòa đang lướt nhanh trên phi đạo hoặc lộn nhào trên không. Ánh nắng chiếu vào thân máy bay gắn đầy những bom đạn sáng loáng cả không gian, mà lòng tôi xem chừng như cũng đang lộn nhào theo chiếc máy bay. Tôi nhủ thầm trong bụng:

“Thế nào tôi cũng có dịp bay bổng trên không gian”.

Thi đậu Tú Tài I rồi, ba tôi cho cả nhà về Sài Gòn thăm bác tôi, nhân tiện cho tôi biết thành phố và sửa soạn cho tôi khi học hết lớp 12 sẽ học đại học ở đây.

Trở về Đà Nẵng, ngày đầu tiên nhập trường, vẫn những khuôn mặt cũ, vẫn những tà áo trắng ngày xưa, nhưng tôi vẫn không quên được người đẹp Đà Lạt của tôi ngày nào.

Bất chợt, một bóng dáng quen thuộc đi ngang qua tôi, dáng thướt tha, đài các. Tôi vộn vàng đứng dậy nhìn:

Đúng rồi, đúng là người đẹp năm xưa của tôi rồi.

Cô gái cũng nhìn thấy tôi, chắc là cô còn nhớ tới . . . thằng khờ đứng chờ cô mỗi khi tan trường để ngửi khói xe, nên tôi thấy rõ cô mỉm cười với tôi.

Mừng quá, tôi buột miệng:

-Chào . . . chào cô . . .

-Cô cũng . . . học ở đây hả?

Ngoài sự tưởng tượng của tôi, cô gái mỉm cười thật duyên dáng, trả lời tôi:

- Gia đình của Thùy Trang mới dọn từ Đà Lạt về đây, nên xin vào học ở trường này. Hình như tôi đã có gặp anh rồi, cũng ở Đà Lạt, phải không?

Đúng rồi! Cô có nhớ ra tôi rồi! Hai người dân Đà Lạt gặp nhau là đủ có chuyện nói rồi, huống chi tôi đã từng . . . trồng cây si ở trường Bùi Thị Xuân.

Thế là chúng tôi quen nhau. Đến bây giờ tôi mới được biết tên của cô:

Thùy Trang, Tôn Nữ Thùy Trang!

Nhìn thấy cô là đã thấy đài các, sang trọng rồi, nghe cô xưng tên, tôi lại càng cảm thấy cô quý phái, sang trọn hơn nữa. Họ hàng nhà Vua có khác, không giống lông thì cũng giống cánh, chắc vì thế, nên cái dáng của cô mới sang trọng quý phái như vậy! Chắc là cha mẹ Thùy Trang, khi sinh ra cô, đã thấy trước được nét đẹp của cô, nên mới đặt cho cô cái tên như vậy.

Một lần, rủ Thùy Trang đi chơi, chúng tôi nói cho nhau nghe về ước mộng tương lai. Hai đứa cùng có ý nghĩ sẽ chọn học Y Khoa. Nhưng tôi lại thêm vào một đề tài nữa: Ngoài việc muốn học y, tôi lại còn muốn trở thành phi công nữa.

Thùy Trang reo lên:

-Thùy Trang cũng thích trở thành phi công nữa!

Rồi cô xụ mặt xuống:

-Nhưng mà lính mình đâu có tuyển phi công con gái đâu!

Tôi liều mạng trả lời:

-Để Dũng đi làm phi công, rồi Dũng về . . . kể lại cho Thùy Trang nghe.

Hai đứa cùng cười.

Nói thì nói vậy, chứ không dễ gì mà tôi có thể thay đổi ý định của cha mẹ tôi.

Ngày tháng qua đi, hai đứa chúng tôi đều thi đậu Tú Tài II và cả hai đứa chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau ở Đại Học Sài Gòn để ghi danh học Dự Bị Y Khoa.

Tình hình chiến cuộc ở Miền Nam càng ngày càng trở nên nóng bỏng. Bạn bè tôi đã có vài đứa tình nguyện nhập ngũ. Một buổi nghỉ trưa, tôi và Thùy Trang ngồi ăn với nhau, hôm nay chỉ có hai đứa, không có bạn bè chung quanh.

Tôi im lặng một lúc rồi nói với Thùy Trang:

-Thùy Trang, Dũng . . . nộp đơn xin gia nhập Không Quân rồi!

Thùy Trang nhìn tôi ngạc nhiên:

-Dũng thích học y khoa lắm mà, sao đang học lại bỏ ngang?

Tôi giải thích với Thùy Trang, cũng như đã ngồi nói chuỵện với ba mẹ tôi:

“Nước mình đang trong thời chiến, đằng nào cũng phải đi lính, thà đi thứ lính nào mà mình thích, còn hơn mai mốt phải chọn đơn vị mà mình không ưa!

Đời trai, sống hùng sống mạnh, thích hơn”.

Với cha mẹ tôi, tôi nói thêm:

“Con cũng muốn tiếp tục học hành lắm, nhưng ba mẹ hãy cho con chọn cuộc đời binh nghiệp đi. Mai mốt, nếu có dịp, con sẽ trở lại học y khoa.”

Riêng với Thùy Trang, tôi nói thêm:

“Thùy Trang thích không quân, trước đây, Dũng có hứa là để Dũng làm phi công cho, rồi Dũng về nhà kể lại cho Thùy Trang những vui buồn của đời phi công. Còn Dũng thích y khoa, thì hãy để Thùy Trang làm bác sĩ dùm, rồi khi nào gặp nhau, kể cho Dũng nghe cuộc đời làm bác sĩ, thế cũng đủ vui rồi.”

Mãn khóa không quân, tôi trở về Sài Gòn mời Thùy Trang đi dạo phố. Thùy Trang mặc cái áo dài mầu xanh da trời, thật là hợp với bộ quân phục xanh đậm tôi đang mặc trên người. Tôi ngắm Thùy Trang: Cô vẫn có vẻ kiêu sa, đài các làm sao ấy, còn tôi thì, đương nhiên, tôi vẫn . . . kệch kỡm hết chỗ chê. Mai mốt đây, Thùy Trang sẽ trở thành bác sĩ, còn mình, mình sẽ là gì? Phi Công là cái chắc rồi, nhưng mà phải là thứ có tầm cỡ nào đó, thì mới xứng đáng với Thùy Trang chứ!

Truớc khi ra về, tôi nắm tay Thùy Trang, muốn nói:

“Anh yêu em”

Nhưng cảm thấy ngại ngùng, nên lại thôi. Hình như Thùy Trang cũng đang chờ đợi câu nói của tôi.

Tôi bay trực thăng. Cuộc đời người phi công trực thăng thật là gian khổ và đầy những nguy nan. Người lính bộ binh bề gì cũng có đồng đội chung quanh, còn tôi, tôi chỉ có một mình đơn độc.

📷

Người xạ thủ đại liên tuy ở cùng chiếc máy bay, nhưng lại quá xa để mà tâm sự với nhau. Hôm thì tôi lo chuyện đổ quân, hôm thì chở đồ tiếp tế cho những chiến hữu ở tiền đồn hẻo lánh hoặc đang ở trong khu vực giao tranh. Mỗi lần tôi tới với họ, là đem thêm cho họ nguồn sinh lực. Họ mừng, tôi cũng mừng vì đã cùng nhau tham dự vào cuộc chiến chống cộng.

Tôi còn độc thân vui tính, phi vụ nào cũng tình nguyện, trận đổ quân nào cũng nhào vô. Gặp bọn VC là tôi lái vòng vòng, tha hồ cho người xạ thủ đại liên bắn tiêu diệt bọn chúng cho tới khi hết đạn mới thôi. Cũng nhờ thế mà tôi lên lon mau lắm, huy chương cũng bộn lắm. Những người lính trận lâu năm, thường hay nói, gót giầy “Sô” của họ đã in trên khắp các nẻo đường bốn vùng chiến thuật, thì chúng tôi cũng có thể nói, cánh bay của chúng tôi đã in trên khắp bốn vùng mây chiến thuật. Lính Biệt Động Quân xung phong như thế nào thì đám trực thăng chúng tôi cũng lộn nhào, cũng lắc chong chóng mà bay tới chừng nấy. Có nhiều bài hát ca tụng đời phi công lắm, nào là mây tím giăng ngang, nào là tinh cầu bay, nào khăn ấm chính em đan . . . nhưng đám trực thăng chúng tôi đâu có thấy gì đâu ngoài những lằn đạn bắn ngang bắn dọc của các khẩu súng phòng không, những lời khi còn khi mất của những đơn vị đang trông chờ mình ở dưới đất, những im lặng ghê gớm của toán lính biệt kích mà lát nữa đây, họ sẽ nhẩy xuống một vùng biên giới xa xăm và ngày về thì còn . . . tùy theo tình thế. Lượn vài vòng là ruột gan chạy đâu cũng không biết, nói chi tới cái khăn bay quàng cho ấm. Bước ra khỏi trực thăng, rờ cái bàn tọa mới biết là nó còn hay mất. Dựa vào thế bay của trực thăng, có một câu văn tả người phi công trực thăng mà ai đó đã nói lại cho tôi:

“Phi công trực thăng, khi . . . lên, thì lên rất thẳng, khi xuống, thì lại . . . xuống rất từ từ”

Câu văn tả chân này, không biết trong đám anh em chúng tôi hay ai đặt ra mà có vẻ . . . phàm tục quá, nhưng lại . . . hay quá. Tôi không biết cái chuyện lên thẳng xuống từ từ này có đúng trong mọi trường hợp hay không? Nhưng có một điều chắc chắn là, anh phi công trực thăng nào cũng biết tới câu ví von này, và ai cũng thích câu văn tả chân này hết.

Một lần về phép, tới bệnh viện đón Thùy Trang, tôi thấy có mấy người bác sĩ mặc đồ không quân, lon lá sáng ngời, đeo huy hiệu con rắn quấn quanh chén thuốc ở trên ngực áo, làm tôi cũng thèm muốn được như họ và đâm ra ghen tức với họ. Nhưng khi Thùy Trang nhìn thấy tôi, rối rít vẫy gọi và hãnh diện giới thiệu tôi là phi công trực thăng với những người bạn của cô, thì tôi không những hết cả ghen tức mà còn cảm thấy hãnh diện là đàng khác nữa. Sau đó, cô xin chào từ giã hững người bạn bác sĩ đó để đi chơi với tôi.

Trước khi đến gặp Thùy Trang, tôi đã tự nhủ là sẽ phải nói rõ tình yêu của tôi đối với Thùy Trang, nhưng tới khi muốn nói ra, tôi lại cảm thấy ngại ngùng. Thùy Trang thùy mị, đoan trang quá, kiêu sang quá, không biết cô đã . . . biết yêu là gì chưa mà tôi nói yêu cô? Lỡ khi tôi nói ra rồi, Thùy Trang lại từ chối tình yêu của tôi thì sao? Mai mốt đây, Thùy Trang sẽ trở thành bác sĩ, còn tôi, tôi chỉ là một sĩ quan phi hành, một người lính bình thường mà thôi! Tôi có . . . xứng với Thùy Trang hay không?

Hay là cứ để tình bạn như vầy là được rồi. Thùy Trang đâu có quen ai khác ngoài tôi đâu! Cô đã từ chối những người quen khác để đi chơi với tôi, như vậy đã chứng tỏ Thùy Trang có cảm tình với tôi rồi, đâu cần nói gì thêm nữa!

Khi đưa Thùy Trang về nhà, có người nhà đông quá, tôi lại ngại ngùng, chỉ nắm tay Thùy Trang xiết mạnh, thật lâu, rồi nói một câu nói thừa thãi, vô duyên:

“Thùy Trang ráng học, mai mốt trở thành bác sĩ . . . chữa bệnh cho tôi”

Thùy Trang để yên bàn tay cô trong tay tôi, ngước nhìn tôi với tia mắt mà tôi không bao giờ quên được.

Trở về Pleiku, tôi suy nghĩ thêm một ngày nữa, tức mình cho chính tôi: Ngay cái việc xưng “Anh” với Thùy Trang, tôi cũng không nói được. Quen nhau từ hồi trung học, tôi và Thùy Trang đã quen lối xưng hô bằng tên với nhau rồi. Nhưng bây giờ tôi muốn đổi cách xưng hô “Anh, Em” cho nó có vẻ tình tứ, vậy mà tôi cũng đổi không xong, nói chi đến chuyện tỏ tình với Thùy Trang. Một người phi công hiên ngang như vậy, xung trận tàn sát bọn Việt Cộng, vào sinh ra tử biết bao nhiêu lần, vậy mà chỉ nói một lời yêu đương cũng ngại ngùng không nói!

Tôi ngồi viết một bức thư cho Thùy Trang, nói với cô rằng

“Dũng đã yêu Thùy Trang, yêu nhiều lắm! Yêu từ lúc mới gặp nhau ở Đà Lạt. Cuộc đời Dũng không thể thiếu Thùy Trang được! Dũng thích nghề bay, nhưng mỗi khi trở về, Dũng muốn có Thùy Trang ở bên cạnh, suốt đời.”.

Cuối thơ, tôi hẹn kỳ nghỉ phép tới, sẽ nói chuyện tương lai với nhau.

Tôi đâu dám gởi thư này về thẳng nhà của Thùy Trang, sợ người nhà cô bắt gặp, tôi gởi cho chị tôi, nhờ chị chuyển dùm đến cho Thùy Trang, chắc ăn hơn, vì hai người cũng thường gặp nhau ở trường. Tôi vui vẻ chờ hồi âm và nghĩ tới kỳ nghỉ phép tới.

Tình hình miền cao nguyên thật là xôi động, phi đội của tôi xuất trận đều đều, tôi bay hết ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, Tướng Phú ra lệnh bỏ phi trường Cù Hanh, di tản hết cả về Nha Trang, làm anh em chúng tôi càng bận bịu hơn nữa. Trực thăng đâu ra mà chuyển quân, vũ khí, đạn dược? Đã vậy, vợ con lính nữa, chẳng ai lo cho họ cả.

Chúng tôi bay chở các toán lính đi, lúc trở về, thấy nơi nào có dân chúng đang bồng bế dắt díu nhau chạy là tôi xà xuống bốc được bao nhiêu thì bốc, chở về Tuy Hòa, Nha Trang.

Có lần, tôi không thể xuống thấp được, phải bay chậm chậm, thả thang dây cho dân chúng leo lên. Một bà mẹ cố gắng đưa được đứa con cho người xạ thủ kéo lên máy bay. Kéo đứa nhỏ được rồi, tới phiên bà mẹ leo lên thì Việt Cộng bắn rát quá, tôi phải bay nhanh hơn một chút, người mẹ cố gắng leo lên thang dây. Khi bà sửa soạn đưa tay ra cho nguời xạ thủ đại liên kéo lên thì bà kiệt sức, rơi xuống đất. Tôi không chờ được nữa, phải bay đi. Vừa bay tôi vừa khóc, thương cho người mẹ xấu số.

Về đến Tuy Hòa, tôi được lệnh bay về Nha Trang, nhưng sau đó lại đổi lệnh, nói tôi bay tới tuốt về Phan Rang hoặc tới đâu thì tới, vì Nha Trang không có an ninh nữa. Tôi đổ thêm xăng, lấy thêm đạn rồi cùng người xạ thủ bay đi tìm nơi nào có dân chạy loạn thì bốc họ theo một thể.

Định mệnh đã đến! Chuyến bay này cũng là chuyến bay cuối cùng của đời tôi.

Đang khi tôi thả thang giây bốc lính và dân lên thì hỏa tiễn của Việt Cộng bắn tới trúng ngay thân tầu. Tôi sợ máy bay rớt nổ chết dân ở dưới nên vội vàng bay đi thật nhanh.

Nhưng bay không được bao xa thì trực thăng phát nổ. Đồng trống ở phía duới, không có ai cả, tôi chết cũng không sao. Tôi chợt nghĩ đến cha mẹ, đến Thùy Trang, không biết cô đã nhận được thư của tôi hay chưa?

Khi tôi tỉnh dậy thì chung quanh trời tối đen như mực, súng vẫn nổ, đạn vẫn bay. Mình mẩy chân tay tôi đau buốt, không biết là mình còn sống hay chết nữa. Lần mò chung quanh người, may quá, khẩu súng của tôi vẫn còn đó. Tôi rút ra cầm trên tay rồi lại thiếp đi.

Trời hừng sáng, tôi cố gắng trổi dậy nhìn chung quanh: Chiếc trực thăng cháy tan nát nằm không xa chỗ tôi cho lắm, chắc là khi nổ tung, tôi bị bắn ra khỏi phòng lái nên mới còn sống mà nằm đây. Cả người tôi nhuộm đầy máu, bắp đùi phải nhức nhối tận mạng, máu đen dính đặc kẹo lại. Tôi rút dao găm cắt ống quần cột vết thương lại rồi tìm một nhánh cây chống làm gậy bước đi, tay cầm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Bất chợt, tôi nghe có tiếng gọi nhỏ:

“Đại Úy, Đại Úy Dũng”

Tôi xững người, vội nhào xuống đất, chĩa súng ra phía có tiếng gọi.

Thì ra, đó là người xạ thủ đại liên của tôi, tên Hùng, đang núp ở trong bụi rậm gần đó. Tôi bò từ từ lại chổ anh ta, hỏi nhỏ:

-Hùng có bị gì không?

-Em bị cháy nám mặt hết trơn rồi, tay chân dở không lên, cả đêm nằm chịu trận, không biết Đại úy có còn sống hay chết? Gặp lại ông, em mừng quá!

Tôi nhìn khắp người Hùng, thấy anh ta bị cháy nám cả người, tuy rất đau nhưng không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng. Tôi trấn an nó, rồi nói là phải tìm đường về Nha Trang, rồi sau đó mới đi Phan Rang.

Hùng bậm môi nói với tôi:

“Em đau lắm, đi không nổi đâu, nhưng ở lại đây thì chết là cái chắc. Thôi thì ráng lết, tói đâu hay tới đó, Đại Úy ráng giúp em, cho em đi chung nhe, nhà em ở xóm chài Nha Trang đó. Nhà em có ghe đánh cá, về tới đó em sẽ nói ba em lấy ghe đưa mình về Phan Rang trình diện.”

Đi chung thì chắc chắn là phải đi chung rồi, tôi đâu có thể bỏ nguời bạn cùng chiến đấu lại chiến trường được! Cứ cùng nhau đi, dựa vào nhau mà tiếp tục chiến đấu, sẽ có cơ hội sống sót.

Chẳng có đồ ăn thức uống gì cả, hai thầy trò chúng tôi kéo nhau từng bước theo dòng sông mà đi. Được vài ngày thì bắp đùi tôi không còn chẩy máu nữa, nhưng vẫn phải chống gậy, còn Hùng thì không thấy đỡ gì cả, những vết cháy mưng mủ lên, mỗi lần cây rừng đụng phải, cậu ta kêu la đau đớn lắm. Mỗi đứa tụi tôi kiếm được một khẩu M16 phòng thân. Việt cộng đâu thì tôi chưa thấy, nhưng đại bác của chúng bắn theo nổ thật gần. Đi tới đâu tôi cũng thấy xác chết của dân, của lính. Tử thẩn vẫn còn lảng vảng chung quanh đây.

Đi mãi rồi cũng phải tới. Về tới Nha Trang thì thành phố này đã bị bọn Việt cộng chiếm đóng rồi. Chúng tôi nằm chờ tới đêm khuya mới dám về xóm dân chài. Gia đình Hùng thật vui mừng khi thấy đứa con còn sống sót trở về, họ dấu chúng tôi ở mấy cái chòi sát bờ biển để dưỡng thương. Nước biển làm lành vết phỏng của Hùng và vá lại vết thương đùi của tôi.

Khỏe mạnh rồi, chúng tôi bàn tới chuyện về Phan Rang trình diện. Tình hình ở đó ra sao, tôi cũng không rõ, chỉ biết rằng lúc đó là cuối tháng Tư rồi. Má của Hùng ra chợ mua đồ khô cho hai thằng chất lên ghe, bà trở về với một gói bự và ngưồn tin như sét đánh ngang tai:

“Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”

Đầu hàng rồi sao?

Tôi còn đang muốn trở về trình diện để bay tiếp cơ mà!

Cháy một chiếc trực thăng thì có nhằm nhò chi! Quân đội vẫn còn ít nhất một người phi công trực thăng và một người xạ thủ đại liên đây mà!

Đơn vị của tôi bây giờ ở đâu? Gia đình tôi, cha mẹ anh em tôi ra sao rồi? Họ còn sống sót như tôi không? Nhất là Thùy Trang, cô bây giờ ra sao? Cô có nhận được bức thư tỏ tình của tôi không? Cô có đuợc an toàn hay không?

Câu hỏi tôi đặt ra chỉ để mà hỏi thôi, chứ làm sao mà tôi có câu trả lời cho được! Buổi tối, tôi nghe lén đài phát thanh Hoa Kỳ và BBC, cả hai đài đều loan tin có hàng đoàn trực thăng, tầu hải quân, hàng ngàn người dùng ghe thuyền chạy ra biển đông nơi có Hạm đội của hải quân Hoa Kỳ chờ đón họ.

Chờ đợi thêm mấy ngày, lòng tôi như lửa đốt. Tôi quyết định với Hùng:

“Lấy ghe đi ra hải phận quốc tế, chắc chắn sẽ gặp hải quân của Mỹ hoặc của VNCH. Tôi không thể ở lại với bọn Việt Cộng được”.

Ghe của gia đình Hùng tuy nhỏ, nhưng cũng thường đi đánh cá ngoài khơi, cả tuần mới về một lần. Từ hồi đi lính, Hùng không còn lái ghe nữa, nhưng chúng tôi cũng cứ thử thời vận. Đằng nào cũng chết, thà chết ở biển, dù sao cũng chết tự do, còn sướng hơn là về Sài Gòn đầu hàng bọn giặc Cộng.

Hùng đồng ý ra đi với tôi, nhưng gia đình thì lại muốn anh ta quay trở về làm nghề đánh cá tiếp.

Buổi tối ra đi, Hùng ôm bao thức ăn khô lên ghe, tôi hỏi Hùng:

“Hai cây súng M16 của mình còn không, Hùng?”

Hùng chợt nhớ ra, hối hả đi tới một gộp đá, moi cát lấy ra cái túi, trong đựng hai khẩu M16, và nói với tôi:
“Đúng rồi đó, Đại úy, đem theo cho chắc ăn!”

Theo chương trình đã định, Hùng sẽ đưa tôi đi ra tới hải phận quốc tế, khi gặp tầu hải quân, tôi leo lên đi, rồi Hùng lái ghe trở về Nha Trang với gia đình.

Đi mãi, chẳng thấy hạm đội đâu cả, toàn là biển cả mênh mông, tôi hơi nản, vì Hùng phải về với gia đình, không thể đi khắp chân trời như tôi. Nhưng Hùng vẫn cứ nói chắc như bắp:

“Em đã hứa đưa Đại úy đi, thì khi nào gặp tầu của hạm đội, em mới quay về!”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi móc con dao găm ra, chỉ vào cái địa bàn nhỏ gắn ở chuôi dao, nói với Hùng:

“Chú dám lái ghe . . . thẳng tới Hồng Kông hoặc Phi Luật Tân không? Tôi biết hướng đi, chỉ sợ ghe không đủ dầu thôi!”

Hùng mạnh dạn:

“Dám chớ, Đại úy! Ghe mình chạy biển mà, dầu chứa cả hầm! Sóng tháng Tư, không ngại đâu! Đồ ăn mình ăn nhín một chút, vừa đi vừa bắt thêm cá, không sợ đói!”

Thế là hai thằng không quân bậm môi . . . lái ghe ( chứ không bay trực thăng) đi tìm tự do.

Đi được hai ngày thì vận rủi đã tới: Máy bị hư! Chiếc ghe cứ tròng trảnh trên mặt biển, mặc cho sóng gió đưa đi tới đâu thì tới. Ba ngày, rồi bốn ngày, rồi năm ngày, thức ăn nước uống đã cạn. Chúng tôi dùng súng bắn cá để ăn, dùng mấy tấm bạt nylông hứng nước mưa để uống.

Tới khi kiệt sức, hai người lính nằm xỉu trên ghe.

Khi chúng tôi không ăn được cá nữa, thì sẽ tới phiên cá ăn tụi tôi.

Tôi nhớ tới Thùy Trang, nhớ lá thơ tôi gởi, không biết cô có nhận được hay không? Nhận được thì cũng chẳng ích gì. Tôi chìm dần . . .

Khi tỉnh dậy, tôi nhìn chung quanh không phải là biển nữa, mà là đang nằm trên giường. Nhìn xuống người, thì tôi không còn mặc bộ đồ bay nữa, mà bộ . . . pyjama. Tôi gượng ngồi dậy: Thì ra tôi đang ở trên một chiếc tầu sắt. Tôi nghĩ rằng mình đã được tầu của hải quân cứu, nên vui vẻ ngồi chờ. Chờ một hồi không thấy bóng dáng người lính hải quân nào cả, tôi đứng dậy định đi dọc theo hành lang tầu tìm tới phòng chính. Đi được vài bước, tôi chùn chân đứng xững lại:

Trước mặt tôi, không phải là một người lính hải quân Việt Nam, mà là một người đàn ông ngoại quốc tóc vàng. Lúc đầu, tôi tưởng anh ta là Hải Quân Mỹ, nhưng nhìn kỹ, anh không mặc quân phục trắng, mà mặc quần Jean và áo thung, mang giầy đen. Tôi không hiểu gì cả, đứng há miệng trợn mắt nhìn nguời này. Anh ta cũng nhìn lại tôi, cười vui vẻ rồi nói một câu tiếng Pháp:
“Ông đã tỉnh rồi à? Mời ông theo tôi đi gặp Thuyền Trưởng”

Ông tóc vàng nói tiếng gì thì tôi ngại, chứ tiếng Pháp thì tôi rành quá rồi. Tôi mừng quá, nói vội lời cám ơn rồi đi theo ông ta.

Tới phòng khách thật là lớn, tôi được gặp mặt vị thuyền trưởng.

Ông thuyền trưởng mời tôi một ly cà phê, rồi cho biết:

“Đây là một tầu buôn của Thụy Sĩ, chúng tôi đang trên đường về nước thì nhìn thấy chiếc ghe của các ông đang bị sóng nuớc dập vùi. Ban đầu, tôi tưởng các anh là hải tặc, vì có súng trên ghe, và hình như cả hai người đã chết rồi. Chúng tôi tính bỏ đi không tiếp cứu, nhưng chiếc ghe của các ông cứ trôi lại gần tầu của tôi, nên tôi quyết định cho một toán thủy thủ xuống ghe để xem xét cho kỹ. Cũng may, họ khám phá ra các ông còn thở chút ít. Họ còn báo cho tôi biết, quý ông là quân nhân, vì còn mặc quân phục, mang lon trên vai, và có đem theo cả súng ngắn lẫn súng dài. Tôi cho lệnh đem quý ông lên tầu săn sóc, thay quần áo, truyền nước biển cho đến khi phục hồi sẽ tính. Cho tới bữa nay, ông đã ngủ vùi ba ngày rồi. Người bạn đồng hành với ông đang nằm ở phòng kế bên, chắc cũng sắp tỉnh rồi đó”.

Tôi cám ơn ông thuyền truởng và thủy thủ đoàn đã cứu sống chúng tôi, và cho ông biết. tôi là phi công trực thăng của Không Lực VNCH, mang cấp bực Đại Úy. Chính quyền VNCH của chúng tôi đã đầu hàng VC, nhưng chúng tôi không thể sống với VC được, do đó, tôi và nguời bạn đi ra biển tìm tầu hải quân Mỹ để xin đi tỵ nạn chính trị.

Ông thuyền trưởng tự giới thiệu tên là Joel và nói rằng ông rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói tiếng Pháp thật là trôi chảy, và rất đúng giọng. Khi tôi trình bầy là đã học tiếng Pháp từ nhỏ, ông rất thích, nói rằng sẽ giúp đỡ tôi trên buớc đường tỵ nạn, vì chúng tôi bây giờ là người tỵ nạn chứ không còn là lính nữa.

Theo đúng luật hàng hải quốc tế, ông sẽ đua tôi và Hùng về Thụy Sĩ và xin cho tôi tôi được ở lại đây nếu chúng tôi muốn.

Đang nói chuyện thì một người thủy thủ khác dẫn Hùng tới gặp chúng tôi, vì anh ta vừa mới tỉnh dậy và đang kiếm tôi.

Tôi nói lại cho Hùng biết là đã được một tầu buôn của Thụy Sĩ cứu và họ đang chở chúng tôi về nuớc của họ để làm thủ tục xin tỵ nạn. Tôi cũng nhắc cho Hùng hay là, kể từ nay, tôi và Hùng sẽ là người Việt Nam tỵ nạn, chứ không còn là lính nữa. Hùng nghe xong thì mừng, cám ơn ông thuyền trưởng, nhưng khóc ròng, vì anh đã hứa với cha mẹ là chỉ đưa tôi tới hải phận thôi, rồi trở về. Bây giờ đã ra tới đây rồi, làm sao mà về? Thế là hết, Hùng sẽ không còn dịp gặp lại cha mẹ anh em nữa. Chiếc ghe tuy nhỏ nhưng là ngưồn nuôi sống cả gia đình, nay không còn ghe nữa, không biết cha mẹ anh làm cách nào để sinh sống đây?

Dân Thụy Sĩ nói tiếng Pháp và tiếng Đức. Về đến bến, người thuyền trưởng tốt bụng đưa chúng tôi đi trình diện Bộ Di Trú làm thủ tục xin tỵ nạn. Nhân viên phỏng vấn hỏi chúng tôi có muốn đi định cư ở một quốc gia nào khác hay không? Tôi trả lời là Thụy Sĩ đã cứu sống chúng tôi, chúng tôi cám ơn và xin được tỵ nạn tại đây chứ không có xin đi đâu khác. Cuối cùng, Bộ Di Trú đồng ý cho chúng tôi ở lại với tư cách tỵ nạn.

Ông Joel xin ban giám đốc của hãng cho chúng tôi làm việc ngay tại công ty của ông. Khi đã có việc làm rồi, ông lại mướn dùm chúng tôi một căn flat ở gần nơi làm việc.

Tôi dậy Hùng tiếng Pháp đồng thời ráng học thêm tiếng Đức.

Giòng đời cứ thế mà trôi đi . . .

Tôi nghe đài VOA và BBC, biết rằng đã có rất nhiều người Việt Nam bỏ xứ ra đi tìm tự do. Có người may mắn được tới bến bờ tự do, một số không ít đã bị đắm thuyền chết trên biển đông. Tôi cầu trời cho gia đình tôi và Thùy Trang cũng vượt biên và được đến một quốc gia nào đó để chúng tôi có dịp gặp lại nhau.

Một buổi tối Thứ Sáu, Hùng và tôi cùng gia đình ông Joel xum họp ăn uống cuối tuần. Thấy tôi buồn buồn ít nói, ông Joel khơi chuyện hỏi về gia đình của tôi ở Việt Nam và sự học của tôi. Tôi kể là đang học dự bị Y Khoa thì tình nguyện nhập ngũ, cuộc đời phi công của tôi tính ra cũng gần mười năm. Bác sĩ và Phi công là hai nghề mà tôi ưa thích từ thủa nhỏ. Sở dĩ ba tôi bắt tôi học tiếng Pháp là cũng có ý định giúp tôi học y khoa sau này, vì ở nước tôi, nghành y vẫn còn giảng dậy bằng tiếng Pháp.

Hôm sau, lúc cùng nhau đi bộ ở công viên, ông Joel bất chợt hỏi tôi:

“Capitaine có muốn đi học y khoa trở lại hay không?”

(Hùng vẫn gọi tôi là Đại úy, ông Joel và những người quen biết cũng gọi tôi như vậy)

Tôi mừng quá, trả lời

“CÓ”

Ngay lập tức. Tôi đã làm phi công rồi, chỉ còn nghề y khoa là chưa làm mà thôi.

Ông Joel đưa tôi tới trường đại học y khoa để nộp đơn xin học. Tôi qua một kỳ thi, rồi được mời phỏng vấn giống như những sinh viên khác, chỉ có điều đặc biệt là họ xếp tôi vào thành phần dân Việt tỵ nạn, cần giúp đỡ, do đó, tuổi tác của tôi không thành vấn đề. Tôi được phỏng vấn liên tiếp bởi nhiều giáo sư và may mắn thay, tôi được chấp nhận cho học.

Thế là niên học năm sau, tôi đã hiên ngang xách túi đi học ở trường Y khoa Thụy Sĩ.

Trong thời gian đi học, tôi nhờ hội Hồng Thập Tự tìm giúp tin tức của gia đình. May mắn thay, cha mẹ tôi cũng đã tìm đường đưa gia đình vượt biên, cả nhà hiện định cử ở Úc. Ba tôi viết thư cho hay:

“Khi máy bay của con bị rớt và cháy, phi đoàn có cho máy bay khác đi tiếp cứu nhưng không tìm thấy con, nên đã báo tin cho cha mẹ hay là con đã mất tích. Qua tới tháng 5, vẫn không thấy con trở về, cả nhà nghĩ rằng con đã tử trận, nên đã lập bàn thờ cho con rồi. Nhưng bọn nằm vùng vẫn cứ canh phòng gia đình mình, cho rằng cha mẹ đã dấu con trốn lánh đâu đó, không chịu ra đầu thú để đi học tập.”

Chị của tôi lại theo chồng định cư ở bên Mỹ, tôi viết thư hỏi chị: ”Có nhận được cái thư tôi gởi trước khi bị tai nạn hay không?” Chị viết thư trả lời tôi:

📷

“Chị có nhận được thư của em, nhờ chị chuyển thư cho Thùy Trang, chị có chuyển rồi. Hôm sau, Thùy Trang đến nhà tìm chị, nói chuyện quanh co một hồi, cô mới nói cho chị hay rằng, em viết thư nói yêu cô và tính kỳ phép tới sẽ bàn chuyện đám cưới. Cô mừng lắm, nói là đã chờ em mở lời từ lâu rồi, nay em mới chịu nói. Khác với những lần gặp gỡ trước, lúc nào cô cũng ăn nói từ tốn, lần này cô vui quá, nói thật nhiều về em. Lúc ra về, cô còn nói với chị xin được chào ba mẹ mình rồi mới đi về, và khoe với chị, cô về tới nhà sẽ viết thư trả lời cho em ngay, nói rằng cô rất vui sướng được làm vợ của em.

Mấy ngày sau, cô gặp chị, vui vẻ cho chị hay, cô đã nói chuyện với ba mẹ của cô về lời xin hỏi cưới của em. Ba mẹ cô mừng lắm, cùng chờ em về để bàn chuyện cưới xin.

Khi nghe tin Nha Trang thất thủ, ngày nào Thùy Trang cũng gặp chị để hỏi thăm tin tức cùa em. Tới khi nhận được tin xấu của em, chị tới nhà cho Thùy Trang hay, cô khóc muốn xỉu. Ba mẹ cô nghe tiếng khóc của cô, vội bước ra hỏi thăm chị, nghe được tin em mất tích, hai ông bà cũng buồn quá, nhưng ráng ngồi an ủi Thùy Trang, nói rằng hãy chờ một thời gian, thế nào em cũng trở về. Chị ngồi một lúc rồi cáo từ ra về, hứa rằng nếu có tin của em, sẽ cho cô biết liền.

Từ đó cho tới khi Sài Gòn thất thủ, gia đình mình chạy tứ tán lo tìm đường vượt biên, chị không còn tin tức gì của cô nữa.”

Tôi mừng vì được tin gia đình nhưng lại buồn vì mất tin của Thùy Trang. Năm 75, cô đang học năm cuối cùng, không biết bọn chúng có cho cô tiếp tục học hay là đưổi cả nhà cô đi kinh tế mới rồi? Hội Hồng Thập Tự cũng không kiếm được cô: Một là Thùy Trang còn ở Việt Nam, hai là cô đã vượt biên nhưng không thành công.

Tôi vùi đầu vào chuyện học hành để tìm quên lãng.

Sau bẩy năm dùi mà kinh sử, tôi đã nghiễm nhiên trở thành một Bác Sĩ của nuớc Thụy Sĩ.

Buổi lễ lãnh bằng của tôi, chỉ có gia đình ông Joel, ân nhân của tôi và Hùng, đi dự. Cha mẹ tôi ở xa quá, và đã quá già để lên máy bay. Còn Thùy Trang thì vẫn biền biệt ở khung trời xa thẳm nào đó:

“Cả một trời yêu, bao giờ trở lại?

Ôi ta xa nhau tưởng chừng như đã ,

Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ,

Tình bất phân ly, tình vẫn như mơ. . . .

(Mười năm tình cũ, Trần Quảng Nam)

Hùng đã lấy vợ Thụy Sĩ và có hai đứa con rồi. Vợ nó tên Lena, là con gái của người bạn của ông Joel. Lena đang dậy tiếng Pháp cho nó. Hai đứa dậy nhau học hành ra sao? Hùng nói được tiếng Pháp tới cỡ nào rồi, tôi không biết, chỉ biết rằng, mấy tháng sau, Lena và Hùng mời cả nhà tới ăn tối, bất ngờ cùng tuyên bố là sẽ làm đám cưới với nhau. Hùng có nghể sửa máy tầu, nhờ tôi chỉ tiếng Pháp lúc đầu, rồi vợ nó dậy tiếp theo, rồi cũng chịu khó học môt khóa sửa máy để trở thành thợ máy chính thức rồi. Vợ nó làm Y tá ở cùng bệnh với tôi.

Tôi vẫn nhớ tới Thùy Trang, nên chẳng nghĩ gì tới chuyện lấy vợ. Mười năm cách biệt, không biết người đẹp kiêu sa của tôi nay ở đâu? Cô nghe tin tôi tử trận, chắc là đã đi lấy chồng khác rồi, chứ ngồi đó mà chờ đợi tôi làm chi!

Trong hai ước muốn của đời tôi: Làm Phi Công và làm Bác Sĩ, tôi đã được toại nguyện rồi. Chỉ còn việc lấy Thùy Trang thì tôi không có cách nào thực hiện được. Nhìn lại tuổi đời, tôi bấy giờ cũng đã gần bốn muơi rồi! Chẳng biết làm gì, tôi lại đâm đầu học tiếp chuyên khoa. Lena cũng đem vài cô bạn gái về nhà giới thiệu cho tôi, và tôi cũng ráng làm quen được với một cô, nhưng rồi cuối cùng, cũng chẳng đi tới đâu cả, đành xa nhau. . .

📷

Mùa Hè năm 2006, tôi mua vé máy bay qua Úc thăm gia đình. Cha mẹ anh em mừng rỡ ra đón tôi, một người từ cõi chết trở về. Chuyện trò hàn huyên nói cả tuần lễ không hết. Cha mẹ tôi hối lấy vợ cho mau, tôi cười trừ:

“Con đã quá năm muơi rồi, vợ con làm gì nữa!”

Còn hai ngày nữa thì tôi phải trở về Thụy Sĩ. Đứa em gái kế tôi, tên Minh, lái xe đưa tôi đi thăm các thành phố có người Việt định cư: Chưa bao giờ tôi thấy người Việt đông như vậy! Thành phố Richmond toàn người Việt ở, nhưng nhà hàng ăn thì lại toàn là Tây ngồi ăn. Bánh mì thịt nguội của người Việt làm ngon không thua gì bánh mì ở bên Pháp, tôi theo Minh đứng xếp hàng mua bánh mì.

Bất chợt, tôi thấy một dáng người đi trên lề đường. Người này mặc quần tây và áo sơ mi cùng mầu trắng, dáng đi thật là nhẹ nhàng,thanh nhã. Linh tính báo cho tôi một điều gì đó quan trọng, tôi bỏ xếp hàng chạy theo người đàn bà, vượt lên trước vài bước rồi quay mặt lại nhìn. Tôi nhìn thật kỹ. . .

Người đàn bà đã đến trước mặt tôi . . . Tôi sửng sốt, kêu lên nho nhỏ:

“Thùy Trang?”

Nguời đàn bà ngẩng mặt lên nhìn tôi, bỡ ngỡ, định bước tránh đi, nhưng rồi lại chợt đứng lại, nhìn tôi, nhìn thật lâu, cặp mắt mở thật lớn, miệng há ra nhưng không nói một lời nào cả. Một lúc sau, mới mấp máy đôi môi:

“Dũng . . . Dũng . . .

Dũng Không Quân . . . phải không?

Tôi cố lấy lại bình tĩnh, trả lời:

“Dũng . . . Dũng đây, Thùy Trang ạ!”

Thùy Trang ràn rụa nước mắt, hai tay rung hẳn lên, giọng nói mất bình tĩnh:

“Dũng . . . còn sống hay sao?”

Minh đang cùng đứng xếp hàng mua bánh mì với tôi, thấy tôi vội vàng bỏ chạy ra đường, không biết có chuyện gì đã xẩy ra cho tôi, cũng vội vàng bỏ xếp hàng chạy theo tôi. Tới nơi, nó thấy tôi đang mếu máo đỡ một người đàn bà cũng đang xụt sùi nước mắt, nó trợn mắt nhìn tôi, chẳng hiểu gì cả!

Tôi nắm tay Thùy Trang, giới thiệu với Minh:

“Đây là Thùy Trang, người bạn gái của anh từ hồi còn ở Việt Nam. Cô nghe tin anh đã rới máy bay, chết từ lâu rồi, nay bất ngờ gặp lại.

Minh ú ớ nhìn Thùy Trang, hỏi lại tôi:

“Đây là Thùy Trang mà anh và gia đình mình thường hay nhắc tới đó hả?

Hồi đó em còn nhỏ quá, chưa được gặp mặt chị”

Rồi Minh mau mắn chỉ vào một nhà hàng kế bên, nói với chúng tôi:

“Mời tất cả vào nhà hàng nói chuyện”

Nếu không có Minh mở lời, chắc chúng tôi cứ đứng mà nhìn nhau ở ngoài đường.

Vào nhà hàng, tôi kể lại cho Thùy Trang nghe từ lúc trực thăng của tôi bị bắn cháy, tôi bị văng ra ngoài rồi cùng với người xạ thủ đại liên vượt thoát về Nha Trang và quyết định vượt biên, cuối cùng, bất ngờ được định cư ở Thụy Sĩ.

Thùy Trang kể cho tôi nghe cuộc đời của cô sau khi Sài Gòn thất thủ:

“Cha mẹ đưa cả nhà đi vượt biên, nhưng Thùy Trang không đi, nói rằng muốn ở lại chờ Dũng, vì Dũng chỉ được báo cáo là mất tích thôi, có thể vẫn còn sống. Gia đình vượt biên không thành công, bị bắt ở tù, nhà bị chúng nó lấy, Thùy Trang phải đi ở nhờ nhà người cô, nhưng vẫn được cho tiếp tục học.

Năm sau, tốt nghiệp y khoa, Thùy Trang được đưa về làm bác sĩ ở một bệnh viện ở miền quê, chung với một người bạn trai cùng lớp, tên là Đại. Mặc dù hoàn toàn không có tin tức gì của Dũng, nhưng Thùy Trang cũng không quen ai và cũng chẳng muốn quen với ai khác. Hai năm sau, do gia đình thúc dục, Thùy Trang đồng ý lấy Đại, mặc dù không có nhiều tình cảm với anh ta cho lắm. Cả hai gia đình cùng lo chuyện vượt biên và đã may mắn đến được bến bờ tự do , xin được định cư ở Úc. Hai vợ chồng vừa lo kế sinh nhai vừa xin học thêm để được chấp nhận hành nghề bác sĩ trở lại. Sau vài năm cố gắng, Thùy Trang thi đậu và hành nghề bác sĩ từ đó tới nay.”

Minh thấy cả hai bất ngờ gặp lại nhau, cũng biết mình thừa thãi, nên lấy lý do trở lại tiệm bánh mì mua đem về cho cha mẹ mà chạy tuốt, cho Dũng và Thùy Trang có dịp tâm sự với nhau.

Thùy Trang cho Dũng biết, cô hiện có hai đứa con, cả hai đã tốt nghiệp đại học và đi làm rồi. Gia đình lúc sau không mấy hạnh phúc, nên chồng cô đã dọn ra ở riêng. Dũng cũng cho Thùy Trang biết, có ở chung với một cô bạn gái người Thụy Sĩ, nhưng sau đó không hợp, nên cả hai đã đồng ý chia tay, cách đây cũng năm năm rồi.

Bất chợt, Dũng hỏi Thùy Trang:

“Thùy Trang có nhận được lá thư Dũng gởi vào khoảng tháng Ba, tháng Tư 1975 hay không?”

Thùy Trang tươi hẳn nét mặt, nhìn Dũng trả lời:

“Thùy Trang có nhận được bức thơ đó của Dũng, do chị của Dũng đưa lại, và Thùy Trang cũng đã trả lời thư ngay cho Dũng rồi, nhưng chắc là Dũng không nhận được. Để Thùy Trang nhắc lại cho Dũng nghe:

“Thùy Trang đồng ý với lời cầu hôn của Dũng và chờ Dũng về phép lần sau sẽ làm đám cưới”.

Nhờ bức thư đó mà Thùy Trang đã ráng sống, ráng chờ đợi Dũng cả một thời gian dài hơn ba năm trời.

Trước khi lấy chồng, Thùy Trang cũng đã kể lại chuyện tình của Dũng cho Đại nghe, và cũng có đưa cho Đại xem bức thư cầu hôn của Dũng nữa. Đó là kỷ niệm của nguời đã mất tích mà Thùy Trang muốn được giữ nó suốt đời. Khi vượt biên, Thùy Trang cũng đã mang theo nó, và đến bây giờ vẫn còn giữ nó. Nếu có dịp gặp lại, Thùy Trang sẽ mang theo cho Dũng nhìn lại!”

Dũng muốn nói tiếp:

“Không cần đọc lại lá thư đó, bây giờ Dũng cũng có thể nhắc lại những câu mà Dũng đã viết cho Thùy Trang ngày xưa”

Nhưng Dũng thấy vẫn còn chưa biết rõ hoàn cảnh gia đình của Thùy Trang, nên tạm ngưng ý định đó.

Minh đã trở lại với túi bánh mì, cả ba cùng nói chuyện thời sự với nhau một lúc nữa. Vì ngày mốt là Dũng phải trở về Thụy Sĩ, nên Dũng đã xin phép mời Thùy Trang, nếu có rảnh, sẽ cùng đi ăn trưa vào ngày mai để hai người có dịp nói chuyện tiếp. Để tránh phiền phức, dĩ nhiên sẽ có cả Minh cùng đi.

Sáng hôm sau, Minh lái xe đưa Dũng tới nhà hàng, nhưng ngồi một lúc, Minh thoái thác là có việc cần phải đi, nên đã lặn mất, để Dũng và Thùy Trang có dịp nói chuyện với nhau. Bao nhiêu tâm sự đầy vơi từ ngày Dũng mất tích, đã được cả hai kể lại cho nhau nghe. Nói chuyện với nhau nhiều, Dũng và Thùy Trang mới thấy rằng, hai người đã rất hợp tình hợp ý với nhau. Rất tiếc là trong thời thanh xuân, hai người đã không có dịp sống chung với nhau. Tuy nhiên, bây giờ cũng còn dịp để nếu hai người muốn tiếp tục lại với nhau. Đến chiều tối, hai người mới chia tay nhau, Dũng hẹn khi về tới Thụy Sĩ, sẽ email cho Thùy Trang, vì hai người còn cần có thời gian để giải quyết những vấn đề cần phải giải quyết, và cũng để suy nghĩ xem, mình muốn làm gì?

Hai giờ đêm rồi, Dũng vẫn còn ngồi một mình ở ngoài vườn nhà của Minh mà suy nghĩ về Thùy Trang. Thụy Sĩ với Úc, đường sá xa xôi, đi máy bay cũng mất hơn một ngày, hơn nữa, nghề Surgeon của Dũng đâu phải lúc nào cũng có giờ rảnh để mà nghỉ phép! Dũng muốn giải quyết câu chuyện tình trước khi về Thụy Sĩ.

Phần Dũng, không có gia dình vợ con ràng buộc gì cả, hơn nữa, Dũng vẫn còn yêu Thùy Trang nhiều lắm, muốn đền bù những mất mát mà Dũng và Thùy Trang đã phải gánh chịu suốt hơn hai chục năm qua.

Nhưng còn phần Thùy Trang thì sao? Mặc dù là đã ly thân, nhưng còn con còn cái, Thùy Trang có thể trở lại với chồng bất cứ lúc nào. Lấy nhau có thể là chuyện dễ, nhưng ở đâu bây giờ? Nếu Thùy Trang qua Thụy Sĩ ở với Dũng, cái bằng bác sĩ của Thùy Trang rất khó mà có thể xin hành nghề tiếp tục khi mà Thùy Trang không hề biết nói tiếng Pháp, tiếng Đức. Mặc dù Dũng biết tiếng Anh, nhưng xin hành nghề Surgeon trở lại ở Úc thì quả là khó. Dũng biết có một người bạn cũng làm Surgeon ở Đức, xin qua Úc ở, phải đi làm GP ở miền quê chứ không được hành nghề ở các thành phố lớn, nói chi đến chuyện làm nghề chuyên khoa.

Thế nhưng, tình yêu lại là một vấn đề khác. Hãy gọi điện thoại cho Thùy Trang, dù là đã khuya lắm rồi, nhưng nếu Thùy Trang còn thức, mọi chuyện có thể giải quyết ổn thỏa.

Chuông điện thoai reo vang. Thật không ngờ, Thùy Trang vẫn còn thức, và cũng đang . . . nghĩ tới mối tình xưa. Dũng ngập ngừng:

-“Dũng biết rằng đã quá khuya, nhưng Dũng muốn gặp Thùy Trang để nói chuyện tiếp. Dũng có thể . . . đến gặp Thùy Trang được không?”

-“Dũng đâu có xe đâu mà tới! Hay là Dũng cho địa chỉ, Thùy Trang sẽ tới với Dũng”.

Khoàng nửa tiếng sau, Thùy Trang tới nơi, Dũng chờ sẵn, đưa Thùy Trang thẳng ra vườn sau. Xứ Úc rộng rãi, nhà nào cũng có vườn sau thật rộng, trồng đủ thứ cây ăn trái và những loại hoa thật đẹp. Hai người ngồi trên ghế xích đu bên dưới dàn hoa thiên lý. Vài ngọn nến đã thắp sẵn chung quanh một cái bàn nhỏ, cà phê cũng đã được pha.

Câu chuyện tình yêu lại bắt đầu. Họ nói tất cả những chuyện chưa nói và bây giờ cần nói.

Lần đầu tiên Dũng ôm Thùy Trang trong tay, Thùy Trang nép mình vào Dũng, không muốn nói gì hơn nữa. Hai người đã quyết định sẽ lấy nhau, mọi chuyện khác đều là tiểu tiết, sẽ tính sau.

Dàn hoa thiên lý tỏa mùi thơm thật là nhẹ nhàng, tuyệt diệu.

Thùy Trang ngước mặt hỏi Dũng:

“Trong thơ Dũng gởi cho Thùy Trang hồi đó, Dũng muốn . . . xưng Anh và gọi Thùy Trang là Em. Bây giờ, Dũng . . . có muốn Thùy Trang gọi Dũng bằng Anh, hay không?”

Dũng xiết chặt vòng tay ôm lấy Thùy Trang, nói nhỏ:

“ Em muốn gọi anh như thế nào cũng được . . . ”

“Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ,

Tình bất phân ly, tình vẫn như mơ. . . .”

NGUYỄN KHẮP NƠI.

No comments:

Post a Comment