Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Sunday, July 24, 2016

40 NĂM HỒI TƯỞNG LẠI - Trần Quốc Bảo


Trần Quốc Bảo đã bỏ công quy tụ bài viết của nhiều văn nghệ sĩ, là người trong cuộc, đọc những bài nầy có những lúc tôi không cầm được nước mắt. Tôi cám ơn Trần Quốc Bảo. tth 

40 NĂM HỒI TƯỞNG LẠI
NHỮNG HÌNH ẢNH GHI NHỚ NHẤT CỦA MỘT SỐ VĂN NGHỆ SĨ TRƯỚC GIỜ SAIGON THẤT THỦ

(do Trần Quốc Bảo thực hiện đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 12 phát hành ngày thứ năm 30 tháng 4 năm 2015)


CA SĨ THANH THÚY

CA SĨ THANH THÚY 
    Hình ảnh của những buổi chiều cuối cùng tháng tư có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm Thúy. Chiều 29 tháng 4, Thúy và gia đình đã có mặt trong Dao. Tại đây, lúc bấy giờ Dao bị pháo kích nặng nề. Trên tay Thúy là đứa cháu gái lên 2, mọi người vội vàng bỏ hết đồ đạc trên xe để tìm chỗ trú ẩn tránh pháo kích. (Lời Tòa Soạn: Có lẽ vì lý do trên mà một tờ báo Mỹ sau đó cũng như có một số lời đồn cho rằng Thanh Thúy đã bị pháo kích chết trong ngày 29 tháng 4 năm 1975). 
    Ngày 30 tháng 4, một máy bay trực thăng đưa gia đình Thúy ra Đệ Thất Hạm Đội. Hình ảnh bi thảm đớn đau nhất là giây phút vào được máy bay, chung quanh là tiếng người khóc la vang dội, trời Việt Nam, người Việt Nam có lẽ chưa bao giờ sống trong cảnh thê lương tang tóc như tình hình bấy giờ. Giây phút nghẹn ngào mà Thúy không thể nào quên được khi cánh cửa của chiếc máy bay đóng xập lại một cách tàn nhẫn lạnh lung. Cánh cửa khép kín để lại một màn đen u ám trong lòng người bỏ nước ra đi. Vĩnh biệt Saigon và những ngày hoa mộng. Còn đâu những khuôn mặt và nụ cười xưa. Đó là giây phút đớn đau nhất mà cho đến hôm nay trong cuộc đời Thúy sẽ không bao giờ quên được.



Ca sĩ Julie Quang

CA SĨ JULIE QUANG 
   Bạn thương mến,
 
  Ngày 30 tháng 4 mỗi năm với người Việt ở Hải ngoại có nhiều điều chúng ta không thể quên,nhắc nhớ đến như cào vào vết thương đã liền sẹo. Đã qua 40 năm quãng thời gian không phải là ngắn nó dài hơn tuổi đời mình từ lúc sinh ra đến ngày rời quê hương kể ra đo thời gian đó dài gấp đôi thanh xuân tôi.
 
   Như Bạn muốn biết lúc đó mình làm gì? và ở đâu? Xin trả lời ngắn gọn vài câu như tựa đề của một bài hát mà mình hát lúc đó "Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc". Thật ra lúc đó tôi ở Nice miền nam nước Pháp bãi biển Côtes d'Azur tháng 4 thiếu nắng vắng người trời biển một màu xám tê tái. Chiều chiều lang thang trên bãi vắng nơi xa bờ chỉ có những mỏm đá chơ vơ ngoài xa, chọn một tảng tương đối bằng phẳng khô ráo để ngồi đó phóng tầm mắt về cuối chân trời và viễn tưởng đến những cảnh tượng hoảng loạn của đoàn người dân quân di tản trên quốc lộ định mệnh nào? Trong đoàn mgười tan tác đó sẽ có bao nhiêu sống còn? Giờ tin tức mỗi ngày trên TV cho thấy chiến tranh sắp kết thúc. nhưng càng đến gần hồi cuổi càng khốc liệt thảm thương. Mỗi ngày chúng tôi, những người không quen biết cũng làm quen với nhau để hẹn hò tụ họp lại với nhau nơi nhà một người nào đó trong nhóm rồi cùng châu đầu dán mắt vào màn hình, chuyền tay nhau hộp khăn giấy vơi nhanh, chủng tôi lau cho nhau những dòng nước mắt chảy dài thinh thoảng có tiếng gào xé tim rồi những tiếng than van rên rĩ như nhà có tang. Những người không quen đã trở thành người thân trở nên người nhà một cách tự nhiên khi có chung một niềm đau tang tóc.
 
   Tôi ngồi đó như hóa thạch cho đến khi hoàng hôn xuống, trời nhá nhem anh cảnh sát tuần tra tiến đến bên tôi và nhả nhặn mời tôi ra về. Trưởc đó nhiều lần anh nhắc khéo nhưng tôi mặc , rốt cuộc anh cảnh sát thú nhận đã tan ca anh không thể ở đấy canh chừng tôi được! Có lẽ nỗi chết hiện trên gương mặt thất thần của tôi nên anh ái ngại hay anh có sự đồng cảm với tôi người con gái bơ vơ không cả đường trở về quê hương xứ sở, dù là thế nào tôi vẫn nhớ đến vẻ bâng khuâng của người cảnh sát viên tử tế ngày nọ và những người bạn trước lạ sau quen đã chia nhau nỗi u uất nghẹn ngào của tháng tư bốn mươi năm trước.



CA SĨ THÁI XUÂN (TRUNG TÂM DIỄM XƯA) 

CA SĨ THÁI XUÂN
    TQB mến, em gửi thư nhờ chị viết đôi giòng ký ức về những ngày cuối ở SG bốn mươi năm trước. Thời gian đã qua tròn 4 thập niên nhưng chị vẫn còn nhớ những ngày đầu tháng 4/75, chị đang sống tại Nhật nên theo dõi tin tức rất nhanh.
 
     Ngày 15 tháng 4, từ Nhật chị về lại Sàigòn có được dịp may đưa rất nhiều bạn thân và gia đình của họ lên phi trường để được tỵ nạn qua các đảo ở Mỹ. Đến sáng 29 tháng 4, chị vẫn còn ở phi trường và Tân Sơn Nhất lúc đó đã bị pháo kích quá nguy hiểm khiến chị bắt buộc phải rời Saigon bay qua Bangkok. Chưa đầy 24 tiếng sau, ngày 30 tháng 4, chị nhận được tin Saigon thất thủ, lòng nghe ngâm ngùi cho một Saigon yêu dấu không còn nữa và từ nay đành cúi đầu thương tiếc cho một VN yêu thương, hòn ngọc Viễn Đông đã không còn nhưng sẽ luôn luôn ở mãi trong lòng chúng ta.
 
    Ký ức 15 ngày chót của tháng 4/1975 sẽ mãi trong ký ức của Thái Xuân.



Ca sĩ Bạch Yến


CA SĨ BẠCH YẾN 
    Cuối tháng 11 năm 1974 tôi về thăm Sài Gòn sau một tháng tôi trở lại Mỹ tiếp tục lưu diễn. Từ tháng Giêng 75 tôi giục Mẹ mau trở lại Mỹ vào tháng Hai như chương trình về thăm nhà đã ấn định vì tình hình Việt Nam đã bắt đầu gây go không ổn nhưng Mẹ không tin tôi cứ chần chừ mà lại còn xin gia hạn thêm ba tháng thời gian lưu lại VN tới tháng 05 thay vì rời VN tháng 02, 1975.
 
     Đầu tháng tư 1975 tôi có xin cho Mẹ tôi trở lại Mỹ bằng hàng không hay bằng đường thuỷ nhưng cả miền Nam đang hỗn loạn đua nhau chạy. Bên Mỹ sở Ngoại kiều đang bận vì nhận được quá nhiều hồ sơ, đơn xin gia nhập Mỹ quốc...
 
    Khi ai nấy hớt hải chạy đi, Mẹ tỉnh bơ biểu mọi người đừng đi vì Mẹ tưởng đây chỉ là đảo chánh!
 
    Tôi tình nguyện vô trại tỵ nạn Camp Pendleton hát và đi Singapore, Kuala Lumpur (Mã Lai,) Hong Kong, Đài Loan... để tìm Mẹ hoặc người quen vì không biết Mẹ ở đâu. Tôi chán nản buồn bã mất tinh thần tới tám năm sau nhờ đứa con nuôi Pháp lai của Mẹ "bị" hồi hương qua Pháp cho biết Mẹ vẫn còn ở VN bình an và cho chúng tôi địa chỉ chính xác của Mẹ. Từ đó chúng tôi bắt đầu xúc tiến lo giấy tờ xin cho Mẹ đoàn tụ gia đình. Ba năm sau Mẹ được rời VN qua Pháp.
 
    Mẹ kẹt lại VN không tin tức đúng 10 năm với sự lo lắng không ngừng trong tim tôi và các chị em tôi.
 
    Mẹ sống gần chúng tôi được mười năm rồi qua đời vì trợt chưn té đập đầu trên sàn gạch mà trong người không có chút bịnh.



Nhạc sĩ Trần Quang Hải

GIÁO SƯ, NHẠC SĨ TRẦN QUANG HẢI 
    Em Trần Quốc Bảo thân mến,
 
    Nhớ tới ngày 30 tháng 4, 1975, tính ra cũng 40 năm rồi . Thời gian trôi qua quá mau. Ngày hôm đó, anh đang trình diễn tại Thụy Sĩ chung với một số nhạc sĩ Tây phương. Tin miền Nam bị chiếm, cả trăm ngàn phải rời xứ ra đi. Hình ảnh trên đài truyền hình Thụy Sĩ cho thấy cảnh hỗn loạn của một cuộc chạy loạn, làm anh đau thắt trong lòng, nước mắt chảy dài trên má, miệng bị cứng không nói một lời nào hết. Các bạn nghệ sĩ đến an ủi anh và khuyên anh không nên để tinh thần suy yếu vì còn phải trình diễn mấy xuất trong những ngày sắp tới.
 
    Anh liên lạc liền sau đó để biết tin tức gia đình ở Saigon có mệnh hệ gì không? Gia đình anh vẫn còn ở Saigon, không thấy ai ra đi hết. Hình ảnh đau buồn đó luôn ám ảnh anh trong nhiều ngày qua . Giờ đây, 40 năm đã qua, người còn người mất , ngồi nghĩ lại thảm trạng của đất nước mà không biết làm cách nào để mang lại tự do, dân chủ, và no ấm cho dân Việt Nam. Đó là tâm trạng của anh.
    Vài hàng gởi em . Chúc em có một bài viết quy tụ nhiều nghệ sĩ viết về đề tài này.



Ca nhạc sĩ Cao Giảng (Mây Trắng)


NHẠC SĨ CAO GIẢNG (MÂY TRẮNG) 
    Trưa ngày khắc nghiệt đó tôi đi bộ lang thang như người mất trí qua những địa điểm quen thuộc như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Phòng trà Tự Do, Đêm Màu Hồng...mà không biết tại sao và với mục đích gì!!! Tiếng súng nghe không lớn bằng, mà hình như không đáng sợ bằng tiếng xích của xe tăng đay nghiến những quãng đường quen thuộc! Hàng trăm người cũng tha thẩn như mình nhưng có lẽ mọi người đang ngủ say trong giấc mộng du kỳ quái, không ai nói với ai!
 
    Bây giờ ngồi nhìn lại thì cái khoảnh khắc ấy không còn màu sắc, âm thanh thì chỉ còn là tiếng vọng xa vời!
Ca sĩ Kiều Loan

CA SĨ KIỀU LOAN (KHÁNH BĂNG – PHÙNG TRỌNG) 
   
 TQB thương! Đêm 29 tháng 4/75, chị theo tầu chở gạo tại kho 18 Sàigòn (đơn vị Anh Triều) và trong đêm này kho đạn Cát Lái bị pháo kích nên nổ tung và bốc cháy. Lúc đó chị và 3 cháu đang lánh nạn tại kho 18 Khánh Hội SG (đơn vị cuối cùng của anh Triều từ Đà Nẵng di tản về SG). 
    Trong đêm đó may mắn có 4, 5 tầu LCM cho đồ tiếp tế của P4/BTTM đậu tại nơi đó, chị theo đoàn người tìm đường thoát thân, chen lấn tràn ngập trên tàu, may mắn có những người lính trong đơn vị của Anh Triều giúp đỡ nên lên tầu không bị khó khăn. Tầu rời cảng vào khoảng 8g tối cho đến 11 giờ sáng hôm sau nghe DVM tuyên bố đầu hàng, sau đó được chuyển lên xà lan chở đạn của Mỹ, rồi trực chỉ ra hải phận quốc tế được tầu chở gạo của Mỹ tại đây đón đưa về vịnh Subic Bay sau 4, 5 ngày lênh đênh trên biển.
 
    Từ Subic bay đến trại tỵ nạn O' Rote Point Guam, sau 5 ngày được vận chuyển về trại tỵ nạn Fort Smith (Arkansas). Hai tháng sau gia đình được bảo trợ về Des Moines IA, sau 2 năm thì di chuyển về Kansas. Trên đường tỵ nạn, có biết bao là khổ nạn, giờ đây 40 năm trôi qua, nhìn lại như một cơn ác mộng hãi hùng.
Ca nhạc sĩ Duy Quang

CA SĨ DUY QUANG 

CA SĨ DUY QUANG      
Chiều 30 tháng 4, tôi vẫn nằm trong nhà trên gác vắng của cư xá Chi Lăng. Ngôi nhà trống vắng buồn thảm nặng nề vì đã vắng xa khuôn mặt của cha, tiếng cười của mẹ và em (LTS: Bố già Phạm Duy, cô Thái Hằng, Thái Hiền đã ra đi ngày 28 tháng 4 còn Duy Quang và gia đình kẹt lại vì lý do lúc đó còn nằm trong quân đội). Hình ảnh yêu thương của cha mẹ và em trong mái nhà quen thuộc giờ đây không còn nữa. Đó là nỗi buồn lớn nhất trong tâm hồn tôi nói riêng và của những anh em trong nhà còn kẹt lại nói chung.


Ca sĩ Phương Hồng Quế

Ca sĩ Phương Hồng Quế

Mỗi năm khi tháng Tư về, cảm giác đau buồn lại nhói lên trong tim tôi. 30 /4 một ngày thật u ám thê lương. Cả bầu trời dường như sụp đổ. Khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tôi bước ra ban công nhìn xuống đường mà nước mắt bỗng tuôn trào. Hình ảnh những người lính Cộng Hoà cởi bỏ quân phục, súng ống vất la liệt bên đường. Những gương mặt thật ngơ ngác lo sợ như họ đang thầm hỏi rồi tương lai sẽ ra sao? Tôi đau lòng lắm, nỗi đau mất nước, đau cho chính tôi và cho cả toàn dân quân miền Nam. Trong phút chốc đã hoàn toàn sụp đổ. Tôi tự hỏi vì sao? Một quân đội hùng mạnh, chiến đấu kiên cường. Những chiến tích lẫy lừng của mùa hè đỏ lửa 72. Bình Long Anh Dũng. Kontum Kiêu Hùng. Những chiến công vang dội ấy mà hôm nay lại ra thế này hay sao? Thật không ngờ. 
     Kìa một người bạn của tôi, người đã từng cất tiếng hát những bài nhạc lính, cũng đã từng ra các tiến đồn với tôi. Giờ đang ngồi trên xe Jeep bên lá cờ máu tay đeo vòng băng màu đỏ, tươi cười vẫy chào mọi người để mừng chiến thắng. Tôi quá thất vọng và buồn cho sự trở tráo của người ấy quá. Sau đó, tôi ra thẳng bến Bạch Đằng rồi nhìn thấy những chiếc tàu chật ních chen chúc, mà hình như tất cả mọi người đang cố gắng bám víu lấy nó, để chạy thoát chế độ Cộng Sản đang sửa soạn trùm lên đầu toàn dân miền Nam, Ôi cảnh tượng thật là hổn loạn. Tôi cũng nhìn thấy chiếc xe hơi Austin màu cam của Elvis Phuơng và chiếc xe trắng của anh Lam Phuơng. Phân vân tôi không biết quyết định thế nào. Vì còn cha còn mẹ còn gia đình ở nhà. Nghĩ thế nên tôi quay về. 
     Những tháng ngày sống với Cộng Sản thật là thê lương. Ở tuổi 20 nếu không có nghề nghiệp thì phải bị đi đào kênh, thủy lợi, đi kinh tế mới.Riêng tôi, những ngày đầu tiên tôi đi hát lại ở sân khấu rạp Quốc Thanh. Gần đến giờ ra sân khấu thì có lệnh của Cán Bộ CS không cho tôi hát nếu vẫn giữ tên cũ (P.H.Q). Lý do tôi hay hát cho lính. Bối rối quá nên anh Duy Ngoc (người tổ chức) đã chọn cho tôi cái tên Hồng Yến. Khi tôi vừa bước ra, tất cả khán giả phía dưới cùng ồ lên.. “P.H.Q đây mà”... Nước mắt tôi cứ thế tuôn dòng. Khán giả thân yêu của tôi đây và sân khấu tôi thường diễn vẫn còn đấy, nhưng nước tôi nay đã mất rồi. Tôi thấy thương cho nghệ sĩ chúng tôi quá! Vẫn phải sống và phải hát những bài hát đầy sắc màu mà mình không thích. Tranh đấu lắm nên tôi mới giữ được tên Hồng Quế cho đến ngày rời Việt Nam. Đầy kỷ niệm, không làm sao quên những hình ảnh của chúng tôi với chị Lệ Thu, Hồng Vân, Thanh Tuyền, Thanh Phong...v.v. vãn hát ra mọi người trên xe đạp lung lẳng những gói như yếu phẩm như đường, bột ngọt, gạo,rau muống. Lâu lâu dịp lễ mới có được thêm 100 gram thịt ba chỉ. Ca sĩ tiêu chuẩn cao mới có được những thứ này, còn dân thường thì bo bo, mì mốc dài dài. Đấy, ơn Bác và Đảng đấy.
 
    Chúng ta thật may mắn được sống trên xứ sở tự do. Có cuộc sống tương đối ổn định. Chúng ta phải cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta, và cũng xin đừng quên đồng bào ta đang sống trong sự bất công , áp bức, tù tội dưới chế độ Cộng Sản. Hãy cùng nhau đoàn kết, cùng nhau nắm tay nói lên tiếng nói để tranh đấu cho dân tộc V.N sớm có tự do, dân chủ, nhân quyền. Sớm có một tương lai sáng sủa an bình hơn. Hy vọng ngày trở về quê hương trong khúc hoan ca sẽ không còn xa nữa.
 

    Một ngày buồn tháng Tư đen.


Tài tử Trần Quang

TÀI TỬ TRẦN QUANG 
    Hầu hết anh em chúng tôi trong Biệt đoàn Văn nghệ đều ở lại ứng trực từ ngày 15 tháng 4 cho tới cận những ngày 27, 28, 29.. một số mới bỏ ra về để tìm đường ra đi (trong đó đi được có Elvis Phương). Tôi và một số anh em như Khả Năng, Thanh Việt, Vân Sơn, Diệp Lang và nhiều người nữa đã ở lại cho tới sáng ngày 30 tháng 4.
 
    Thiếu tá Lân, Biệt đoàn trưởng đến họp, anh em lại tuyên bố giải tán, ai về nhà nấy mà lo liệu. Ông thật buồn đến bắt tay từng người “giã biệt”. Chúng tôi lặng lẽ nắm tay nhau mà không ai nói được lời gì. Diệp Lang đã chở tôi về nhà (cám ơn Diệp Lang) ở đường Tự Do.


Ca sĩ Thu Hương

CA SĨ THU HƯƠNG (PARIS) 
    TQB mến! Ngày 30 tháng 4 là ngày hãi hùng làm sao chị có thể quên. Lúc đó chị ở gần Tân Sơn Nhất, nghe tiếng pháo kích liên hồi, chị run và sợ quá, 4 mẹ con bèn xuống lầu và ôm nhau núp dưới gầm bàn. Lúc đó thằng út mới 7 tuổi, nó sợ nên cứ khóc, còn chị thì run bần bật khi nhớ đến người ta loan tin họ vào sẽ rút móng tay nếu ai sơn đỏ.. Lúc đó, Khánh Ly rủ một số nghệ sĩ ra bến tàu Bạch Đằng vượt biên, chị làm sao đi được khi cha mẹ chị em còn ở lại đầy đủ, phần đứa con gái bị hen suyển nặng, còn chị thì hay bị say sóng, nếu đi tầu thì hai mẹ con sẽ chết.. Hôm sau, chị lái xe chở 4 mẹ con đến nhà anh chị bên Gia Định, anh đang làm việc bên Tòa Đại sứ Pháp, sau một tuần thì nghe được tin Thanh Thúy chết ở Tân Sơn Nhất, chị buồn và khóc cho ban mình sau đó còn rủ một số bạn nghệ sĩ lại nhà làm đám giỗ cho Thanh Thúy, mãi đến sau này mới biết Thanh Thúy đang sống ở Mỹ.
 
    Cho đến năm 1982, vì có 2 bà chị dân Tây nên chị và các cháu xin đi đoàn tụ gia đình bên Pháp do Tòa Đại sứ Pháp can thiệp. Đến năm 1983, Thanh Thúy sang Paris, mới có dịp kể Thúy nghe vụ chị và bạn bè làm đám giỗ, Thúy cảm động lắm.


Ca sĩ Ngọc Hiếu

CA SĨ NGỌC HIẾU 
    Ngọc Hiếu rời Sàigòn ngày 29 tháng 4 năm 1975 trên chiếc thuyền đánh tôm của một người bạn, tổng cộng trên chiếc thuyền nhỏ đó gồm có 12 gia đình. Ngày 30 tháng 4, những người trên thuyền được một tàu Hạm Đội Mỹ vớt, và trên tàu đó, Ngọc Hiếu gặp lại rất nhiều nghệ sĩ như Sĩ Phú, Minh Phúc, Minh Xuân, Kim Xuân.. Sau khi đến Subic Bay ở Phi Luật Tân làm thủ tục giấy tờ, chỉ một ngày sau, Ngọc Hiếu đi thẳng đến Mỹ và tạm trú ở Camp Eglin Air Force Base ở Florida.
 
    Sống ở đây được 3 tháng, Ngọc Hiếu nhờ Minh Phúc giúp tìm sponsor, nhờ vậy, sau đó được định cư ở New York up state trên Elmira. Ở đó 9 tháng, Ngọc Hiếu dọn về New York City đi làm. Trung tuần tháng 8 năm 1977, Ngọc Hiếu dọn về Cali đúng ngày 16 tháng 8, cũng là ngày nghe trên radio, TV thông báo Elvis Presley từ trần, quả là một ngày rất buồn với Ngọc Hiếu.


Ca sĩ Phương Hồng Ngọc

CA SĨ PHƯƠNG HỒNG NGỌC (TEXAS) 
    Hình ảnh chiếc trực thăng lao xuống bản Dinh Độc Lập không bao giờ xóa nhòa trong ký ức của Ngọc. Lúc đó gia đình mình đang ở trên lầu 4 chung cư Kỳ Đồng, từ lan can nhìn xuống mình thấy rất rõ những hình ảnh đau thương này. Có mấy người bạn rủ vợ chồng mình chạy ra Bến Vân Đồn để xuống tầu nhưng vì con mình còn quá nhỏ (cháu mới có 2 tuổi) và không nỡ bỏ lại bố mẹ cùng đàn em nheo nhóc nên Ngọc đã quyết định ở lại trong tâm trạng hoang mang lo sợ không biết tương lai sẽ ra sau? Và sau khi nghe tổng thống Trần Văn Hương tuyên bố đầu hàng mình đã khóc thật nhiều và cho đến bây giờ, cứ mỗi năm đến ngày 30/4, những hình ảnh và cảm giác đó lại trở về như mới ngày hôm qua..


Ca sĩ Phượng Linh

CA SĨ PHƯỢNG LINH 
    Gần cuối năm 1972, sau khi chính thức nghỉ hát để an phận làm vợ và chuẩn bị ngày sanh cháu đầu lòng, Phượng Linh theo chồng đóng đô ở căn cứ Không Quân trong phi trường Cần Thơ. Ở đây, Phượng Linh ngày ngày nghe quen thuộc những tiếng máy bay lên xuống gầm thét như muốn xé không gian, xé cả bầu trời, còn đêm đêm, lại nghe những tiếng rít nghiệt ngã của những trái pháo tưởng như sắp rơi trên đầu.. Mỗi lần như thế chỉ biết nhắm mắt và cầu nguyện cho đến khi tiếng pháo khuất dần vào không gian.
 
     Tưởng đâu, những hiểm họa chỉ là thế, có ngờ đâu, tin tức những ngày tháng 3, tháng 4 năm 1975, mỗi lúc càng náo động xôn xao, bán tín bán nghi, cho đến chiều 26 tháng 4 năm 1975, sau khi Anh Thu, chồng Phượng Linh đi hành quân về với nét mặt buồn buồn, chưa kịp ăn cơm chiều thì anh cho biết: “Đã được lệnh sáng mai 27 tháng 4 năm 1975, ba mẹ con phải đi trước với một số vợ con lính khác, rồi mình sẽ gặp lại nhau trong vòng hai tuần..”. Như sét đánh ngang tai, chưa kịp hỏi gì thì anh lại hối thúc: “Ăn cơm xong, em lo sắp quần áo và những thứ cần thiết cho hai con, nhưng chỉ đem ít thôi, vì không còn chỗ.. À! Nhớ đem cái hình của anh theo, nhở lạc nhau thì còn đi tìm được..”. Nghe tới đó, thì tai chợt lùng bùng, nước mắt rơi lã chã, đầu óc rối loạn không còn biết phải làm gì nữa, còn tâm trạng thì hoang mang sợ hãi.. Anh nói chuẩn bị đi, mà đi đâu? Không có câu trả lời.. Chợt nhớ lại câu chuyện di cư 1954 của Mẹ ngày xưa, khi theo đoàn người lên tàu há mồm di cư vào miền Nam, Mẹ đã vĩnh viễn mất chồng và các con đã mất bố cũng vì một lần phải đi trước. Oan nghiệt thay, Mẹ chẳng bao giờ nhận được xác chồng! Mẹ buôn tảo bán tần nuôi các con khôn lớn. Nghĩ đến phận mình giờ này phải đương đầu với hoàn cảnh éo le thêm một lần nữa 1975, Phượng Linh quyết định không đi! Ở lại sống thì cùng sống, chết thì cùng chết.
 
     Sáng 30/4/1975 sau khi nghe tuyên bố đầu hàng, cùng lúc chiếc trực thăng đáp xuống chỗ hẹn Phượng Linh bồng ẵm các con ra tầu cùng với nhiều gia đình khác. Chiếc trực thăng sau đó đã đầy mà vẫn còn có người cố leo lên. Khi máy bay cất cánh, vừa qua khỏi ngọn cây thì bị bắn nhưng may sao thoát được. Cả một cuộc hành trình trong chuyến phi vụ cuối cùng, những cánh chim trời Trực Thăng tìm về với nhau trong khoảnh khắc. Trong giờ phút cực kỳ nguy hiểm một mất một còn của cơn bão biển, trời lại đen như mực tại đảo Côn-Sơn, được biết đến 6 giờ chiều nếu không rời đảo thì mọi sự an toàn cho mọi người sẽ không bảo đảm. Sau khi các anh họp xong, chồng Phượng Linh trở lại tầu cúi hôn các con rồi lẳng lặng bỏ đi. Một ngày dài trong lo âu sợ hãi, nhìn đâu cũng chỉ thấy bầu trời đen, sóng gầm vì bão biển lớn "Ocean Stom" mênh mông biển cả, đầu đội Trời , chân đạp đất, đường phi đạo trên đảo chỗ các anh đáp mưa ướt, những vết dầu loang còn sót lại, với cái lạnh cắt da của bão biển, được biết một cánh bằng có đủ bản lãnh và cùng một cánh bằng kỹ thuật bay phi cụ đã can đảm hy sinh cất cánh trong cơn bão biển để đi tìm chiến hạm bạn, chính là anh. Ôi thôi nỗi lo sợ lại về trong tiềm thức, có thể là những cái hôn cuối cùng mà anh đã dành cho các con.. "Chúa, Mẹ ơi con xin phó thác"!
 
     Khoảng một tiếng sau , tiếng cười mừng tủi lẫn lộn khi có người loan tin đã tìm được chiến hạm và anh đã bay trở lại đảo. Chị cúi đầu khấn tạ Ơn Trên và một lần nữa các anh đã họp lại. Sau đó tổng cộng 42 trực thăng phản lực UH1, 2 trực thăng Chinook, loại này để tải đồ nặng như Pháo Binh hay Thiết Giáp và đồ tiếp tế cồng kềnh. Những con chim thuộc miền cuối Việt theo nhau đáp trên chiến hạm MidWay bạn an toàn, lúc đó đậu ở địa phận Thái Bình Dương.
 
     Một nguồn tin cho biết, chiếc máy bay C 130 chở các vợ con lính đi trước ngày 26/4/1975 đã bị trúng đạn nổ không còn một ai sống sót. Thương thay cho những linh hồn vô tội được an nghỉ vĩnh cửu! Tạ ơn Trời, đã cho tìm được đến bờ tự do cuối ngày 30 tháng 4 năm 1975 lúc 9g tối. Ôi Sàigòn, ôi Cần Thơ.. Xin vĩnh biệt, biết bao giờ còn trở lại. Ngậm ngùi thương nhớ!


Ca sĩ Ngọc Minh

CA SĨ NGỌC MINH 
     30/4/1975 - 30/4-2015
 
    40 năm chẵn – ngày đau thương nhất của quê hương Việt Nam. Những ngày tháng cuối cùng của miền Nam thân yêu dù đã 40 mươi năm trôi qua nhưng trong ký ức của tôi, một người con của lính, vợ của lính và chị của lính (trong gia đình tôi) vẫn đậm nét những bi hùng đau thương giờ phút tắt thở của miền Nam tự do, mảnh đất mà biết bao những người chiến sĩ VNCH đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân của họ để chiến đấu bảo vệ cho Tổ Quốc.
 
     Những ngày cuối tháng tư, mẹ tôi di tản từ Đà Lạt về Sàigòn với tôi vì miền cao nguyên đã mất. Chồng tôi vẫn còn ở đơn vị ứng chiến và hai người em trai kế tôi đang học năm cuối của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu cũng chưa có tin tức gì. Mẹ tôi đứng ngồi không yên, bà cầu nguyện rồi lại khóc âm thầm vì sợ tôi biết. Lúc đó tâm trạng tôi cũng rối bời nhưng hai mẹ con cứ an ủi lẫn nhau vì nhà tôi ở gần phi trường Tân Sơn Nhất nên ngày đêm nghe đạn pháo dữ dội của Việt Cộng, cả nhà phải nằm dưới sàn vì sợ trúng đạn. Những căn cao ốc chung quanh khu tôi ở cho Mỹ thuê trực thăng quần suốt ngày để đưa những người Mỹ ra khỏi Việt Nam.
 
    Rồi 10g00 sáng 30 tháng 4/75, tiếng kêu gọi binh lính buông sung đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh vang lên trên làn sóng của đài phát thanh đã làm rụng rời bao trái tim của những người dân và là một viên đạn xuyên thẳng vào trái tim của những người lính chiến đang cầm sung cố chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để ngăn giặc tràn vào thủ đô. Biết bao những người lính đã quay sung bắn vào đầu tự sát. Biết bao những đơn vị vẫn giao tranh với Việt Cộng cho tới viên đạn cuối cùng – mặc dù cấp chỉ huy đã bỏ chạy rồi – họ cũng chết tập thể với đồng đội của họ. Thật bi hùng, thật đau thương.. Hôm nay xin tưởng niệm đến những anh hùng vô danh của dân tộc đã hy sinh trong giờ phút 25 của cuộc chiến cho lý tưởng Tự Do.
 
    Những giọt nước mắt của tôi khi ghi lại những kỷ niệm này xin như một nén hương lòng ghi ơn những người chiến sĩ kiêu hùng của quân lực VNC, anh linh của các anh hãy bình an và từ hào vì hy sinh của các anh nên tất cả chúng tôi và thế hệ sau này mới có được ngày hôm nay. Cali 30 tháng 4/2015 Ngọc Minh
Ca sĩ Linh Phương

CA SĨ LINH PHƯƠNG (TAM CA MÂY HỒNG) 

Ca sĩ Linh Phương    
Ngày 30 tháng tư Linh Phương đã ở California rồi nhưng lòng rồi bời vì những biến chuyển thời sự đang xẩy ra tại Sàigòn! Tuy không có những kỷ niệm đau buồn như các bạn khác nhưng Linh Phương cũng rất buồn. Khi nghe tin gia đình qua sau, Linh Phương có ghé qua Camp Pendleton để tìm kiếm.


Ca sĩ Tâm Đan

CA SĨ TÂM ĐAN 
     Trưa ngày 30 tháng 4/75, hình ảnh mà Tâm Đan còn nhớ mãi, khoảng 11 giờ hơn, nhà Tâm Đan trên lầu cư xá Thanh Đa (nhìn ra cầu Bình Triệu), vang lên nhiều tiếng súng nổ rền...
    Tâm Đan nhìn thấy nhiều xe VC đi trên cầu Bình Triệu tiến vào Saigon, cùng lúc đó nhìn thấy phía dưới cầu có giang thuyền treo áo trắng. Cùng giờ phút đó, radio đài Phát Thanh Saigon đang phát một bản nhạc do chị Thái Thanh hát "biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu”... thì ra bài Con Thuyền Không Bến .. Tâm Đan và cả nhà đã ôm nhau khóc. Tâm trạng buồn chung cũng như của tất cả mọi người..


Nghệ sĩ Kim Tuyến

NGHỆ SĨ KIM TUYẾN 
   
 Ngày 30/4 sau khi tôi quyết định ở lại vì không đành lòng ra đi chỉ với con mình và cơ hội thứ hai được xuống tàu cùng 4 em gái, bỏ lại 3 em trai trong tuổi động viên và mẹ tôi muốn ở lại với 3 con trai. Hoàng (tên của trung úy làm việc trên chiến hạm 504 hay 505 mà lâu quá KT đã quên) đã lập danh sách và hẹn đúng ngày đến đón. Mẹ cậu ấy là bạn với mẹ tôi, bảo H. đến lo cho gia đình mẹ tôi,vì bác ấy sẽ đi với con rể là pilot, cuối cùng bác và con rể bị kẹt lại toàn bộ gia đình. Cả nhà sống trong sự hoang mang lo lắng vì tiếng súng nổ và bom đạn vẫn còn vang rền từ xa và từ từ nghe rất gần vì nhà KT ở giữa ngã Tư và ngã Năm Bình Hòa (sát cạnh có nhà bác ký giả Trần Tấn Quốc chủ báo Đuốc Nhà Nam ). 
    Đứng trước cổng rào nhà quan sát thấy một số người chạy hối hả ngang qua nhà từ hướng ngã 5 chạy vào, tôi lo lắng vì biết rằng tình hình không bao lâu nữa. Cuối cùng khi nghe radio, ông DVM kêu gọi buông sung, một anh lính, có lẽ là lính địa phương quân đi hối hả ngang qua nhà trong lúc tôi và đứa em trai kế đang đứng trước nhà, tiếng súng nổ vẫn chưa dứt. Em tôi lo sợ VC hay du kích bắn chết anh lính nầy, vội chạy ra kéo anh vào trong rào nhà. Nó vừa tuột vội áo quần đang mặc trên người đưa cho anh lính ấy và bảo anh lính cởi bộ bô đồ lính ra, mặc bộ đồ xê vin của nó vào cho an toàn. Mặc vội vào, anh cảm ơn vội vã chạy đi. Sau đó lác đác vài anh lính nữa, có anh chỉ mặc áo thung lót trắng nhưng quần và giầy bốt đờ sô vẫn còn nguyên. Thằng em trai nầy, Quyến là tên nó lại tặng vội cái quần và đôi dép cho anh nầy.
 
    Tôi và đứa em trai lớn đã khóc. Chiều hôm đó nhìn thấy 4, 5 anh thương bệnh binh ốm yếu xanh xao tay còn những vết thương băng. Có anh tay cầm lon gigo, các anh vẫn còn trên người bộ áo xanh của bệnh viện đi thất thiểu ngang qua nhà KT. Hai mẹ con tôi vội mời các anh vào nhà và dọn cơm mời các anh ăn. Các anh cho biết họ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tham chiến từ Quảng Trị bị thương và được chuyển về điều trị tại Quân Y Viện Lê Hữu Sanh. CS tràn vào đuổi các anh ra khỏi bệnh viện. Giọng Huế và Quảng Trị mà tôi nhận ra. KT hỏi: “Các anh có thân nhân ở SG không?”. Có anh nghẹn ngào trả lời: “Vợ con tôi đã di tản vào Nam nhưng giờ tôi chưa có tin tức gì cả”. Tôi cố gắng cắn chặt đôi môi để nuốt nước mắt cho khỏi tuôn trào trước mặt các anh.
    Sau khi ăn xong, các anh từ giã ra đi, tôi nhét vội vào tay mỗi anh một ít tiền, dặn dò các anh đón xích lô hay taxi về nhà thân nhân. Nhìn theo bóng dáng các anh dần khuất sau khỏi rặng tre xanh khi hoàng hôn đã buông xuống, lòng bùi ngùi thương cảm nước mắt tôi chực tuôn trào. Tôi khóc cho số phận các anh và gia đình vợ con các anh. Bên tai KT vẫn còn những lời như nghèn nghẹn u buồn của anh thương bệnh binh “Vợ con tôi di tản vào Nam đến bây chừ vẫn chưa có tin tức gì cả!”. Tôi đã bật khóc. Khóc cho cả chính mình và tôi đã cảm nhận rằng - một tương lai tối đen đang chuẩn bị bắt đầu.
 
     Sáng hôm sau tôi chạy xe một vòng ra Saigon quan sát. Đường xá như những đống rác khổng lồ với áo quần giấy tờ giày dép vứt bừa đầy đường. Tôi lặng người, buồn bã quay về nhà. Tôi hụt hẫng chới với như từ trên cao rơi xuống vực sâu và như người vừa trải qua cơn ác mộng! Tôi đã không tài nào chợp mắt. Cả gia đình tôi, nhất là đứa em trai kế tôi lo lắng cằn nhằn tôi: “Em đã nói chị đi đi mà không nghe”, tôi trả lời: “Chị làm sao bỏ má và như em biết là má làm sao bỏ mấy con trai!”. Thế là cả nhà ngã bệnh nằm vùi cả hai tuần!
 
     Khi qua đến Mỹ , trong một buổi hát cho Lính tại San Jose , tôi đã nhắc lại kỷ niệm ngày 30/4 các anh Thương Bệnh Binh bị đuổi ra, trên tay vẫn còn.... Hình ảnh đau thương nầy vẫn theo tôi mãi cho đến ngày hôm.nay, 40 năm Quốc Hận. Tôi tự hỏi :" Không biết các anh ấy giờ ra sao ? Có gặp lại được vợ con bình yên " ? Chỉ còn biết cầu nguyện cho tất cả các anh và những người dân VN yêu chuộng Tự Do được hạnh phúc bình an.


Ca sĩ Sơn Ca

CA SĨ SƠN CA (ÚC CHÂU) 
    Ngày 30 tháng 4/75 Sơn Ca còn kẹt lại ở VN vì cha mẹ không nỡ rời bỏ quê hương xứ sở thân yêu. Với người nghệ sĩ có nhiều cảm xúc thì đây là một nỗi niềm đau đớn khó nói lên bằng lời, thật oan khiên đau khổ cho một VN bị mất vào tay CS.
 
     Rồi sau 4 năm kẹt ở lại, Sơn Ca vượt biển đi thoát được trong một chuyến đi đầy nguy hiểm gian nan, tưởng đâu đã bỏ mình ngoài đại dương, nhưng thật may mắn, Sơn Ca đã đến được trại Tỵ nạn Songkhla tháng 8/1979, và trong đêm đó, một đêm kỷ niệm và tuyệt vời nhất của đời nghệ sĩ, Sơn Ca đã được cất cao tiếng hát tự do của mình trước gần 10 ngàn khan giả tỵ nạn với ca khúc Rước Tình Về Với Quê Hương, bài hát mà Sơn Ca đã được khán giả thương yêu cho đến tận ngày hôm nay.


Ca sĩ Thanh Mai

CA SĨ THANH MAI 
    Ngày 30 tháng 4/75 là ngày ngỡ ngàng, buồn tủi nhất trong cuộc đời Thanh Mai khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng. Lúc đó, thân phụ Thanh Mai đóng quân ở Cần Thơ còn gia đình nàng sống trong khu gia binh đường Tô Hiến Thành. Tin đầu hàng như sét đánh ngang tai, vì từ đây, nàng biết Saigon sẽ chẳng bao giờ còn là một thành phố của tình yêu và tình người.


Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng và 
Michelle Mỹ Thanh

BÁC SĨ NGUYỄN ĐĂNG DŨNG (NEW JERSEY) 
    Tôi không quên buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 75 khi thức dậy đứng sau cửa sắt nhìn ra đường, góc ₫ường Hiền Vương và Hai Bà Trưng, tôi thấy lố nhố bọn lính chính quy Bắc Việt với các cái nón cối và các khẩu AK 47. Chúng đứng tại nơi mà sáng hôm trước tôi thấy các anh chiến sĩ Hải quân VNCH trong bộ áo trận và các chiếc nón sắt cầm các khẩu súng quen thuộc M 16 đứng gác kiểm soát trật tự. Ôi một cuộc đổi đời bi thảm xảy ra chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Một lúc sau tôi nhìn qua cửa sắt thì thấy ngoài đường hỗn loạn bọn lính nón cối đã đi mất thay vào đó là các anh chiến si VNCH ₫ang mỏi mệt qua lại trên đường.
 
     Lúc đó có một xe cứu thương nhà binh đậu trước cửa các anh quân y nhảy xuống cởi bỏ áo trận thay bằng quần áo thường phục rồi bỏ xe đi mất. Đầu óc tôi lúc đó hỗn lọan. Vặn radio thì chỉ thấy giọng VC. Nghe đài BBC thì còn nản hơn cái đài phát thanh mà tôi đã không bao giờ nghe lại từ hôm đó.
 
BS Nguyễn Đăng Dũng
 
(cựu Nội trú BV Nguyễn Văn Học 1975)


MICHELLE MỸ THANH 

MICHELLE MỸ THANH     
Những ngày cuối cùng của tháng 4 năm nay tại thành phố New York bầu trời thật âm u. Nhớ lại ngày này lúc 40 năm về trước, mình chợt nhủ thầm: “Hình như hôm nay ông trời buồn bã vì ổng đang sắp chuyển mưa khóc cho một ngày thảm thương nhất trong lịch sử đất nước Việt Nam”. Khoảng thời gian đó MT đang đi học thì bỗng “bị” nghỉ hè thật sớm, cảm giác bạn bè sắp sẽ xa thầy xa bạn rời bỏ mái trường thân yêu vĩnh viễn nơi có biết bao kỷ niệm êm đẹp. MT và mấy nhỏ bạn vội vã viết cho nhau lưu bút mà lòng có một cảm giác buồn rười rượi. Đang ôn lại những gì của ngày xưa cuối tháng Tư năm đó lúc còn là một nữ sinh trung học còn mặc áo dài trắng mộng mơ cắp sách đến trường, bất chợt nhận được email của anh Trần Quốc Bảo: “Xin anh chị Dũng và Michelle Mỹ Thanh cho Trần Quốc Bảo vài giòng về ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc ấy anh và Michelle đang ở đâu và làm gì?”. 
     Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó MT đang ở tại căn cứ Hải Quân Clark ở Philippines. Hôm đó mọi người trong nhóm gia đình Chase tinh thần vẫn còn hỗn loạn vì đã bất đắc dĩ ra đi vội vã giã từ Sài Gòn yêu dấu 8 ngày trước đó. Từ khi chiếc cửa máy bay đóng sầm lại Ba của Mỹ Thanh thật buồn vì không biết tương lai sẽ ra sao, vì ông không muốn ra đi để bỏ lại sau lưng tất cả những gì đẹp nhất của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và những thân thương của thời nhà giáo ở Võ Trường Toản, Tây Ninh, Hòa Hảo. Còn đâu Lê Thanh Hoàng Dân của đài truyền hình Việt Nam Quê Hương Mến Yêu? Xa rồi nhà xuất bản “Trẻ” với biết bao kỷ niệm xuất bản cả trăm tựa đề của nhiều tủ sách giáo dục, còn đâu?
 
     Hôm đó, mọi người nghe BBC từng giờ từng phút theo dõi tin tức Việt Nam trông mong tin lành cho quê hương Việt Nam đang giờ hấp hối. Khi xướng ngôn viên của đài BBC loan tin: “Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh đầu hàng…”, tất cả mọi người chết lịm rơi nước mắt khóc cho Sài Gòn yêu dấu nơi chôn dấu những kỷ niệm đẹp mà không biết bao giờ trở lại thành phố thân yêu.


Ca sĩ Diễm Chi

CA SĨ DIỄM CHI 
     Buổi sáng ngày 30/4/75, gia đình tôi tỉnh dậy trên hòn đảo mang tên Phú Quốc, nơi mà hàng trăm nhân viên Đài Mẹ Việt Nam được di chuyển bằng máy bay từ hơn tháng qua để chờ di tản sang Hoa Kỳ! Tôi không nhớ là mình đã ngủ như thế nào tại hòn đảo này. Hình như trên một cái chiếu chỉ có cảm giác người đau như dần. Cậu em tôi ẵm đứa con gái gần 8 tháng tuổi của tôi lay lay vai tôi và nói: “Chị dậy ra chợ ăn sáng với các bạn chị đi. Em cho bé Trúc bú sữa rồi. Chị tỉnh chưa?”. Tôi bảo cậu em 17 tuổi của tôi: “Vậy à? Em ẵm nó đi theo đi. Nhớ mua thức ăn mang về cho chị”. Hiến là em trai ba má tôi quyết định cho nó đi theo vào phút chót để đỡ đần cho tôi trong lúc tôi đang bệnh phải uống thuốc mỗi ngày.
 
    Tôi làm vệ sinh cá nhân xong, dọn dẹp valy và uống thuốc xong thơ thẩn theo các bạn ra bờ suối nhìn nước chảy mà suy nghĩ đến tương lai không biết sẽ ra sao. Tôi đi xuống suối tắm chung với các bà, vừa tắm vừa nghe họ nói chuyện rôm rả mà đầu óc tôi không để ý cho lắm. Một hồi lâu lắm Hiến ra gọi tôi vào lại dãy nhà mà chúng tôi tá túc cùng với nhân viên của Đài, nó nói nhỏ: “Chị ơi, ngoài chợ họ thi nhau đổi tiền ra đô la, họ đồn Việt Cộng đánh vô tới Sài Gòn nhiều người chết, bị thương, không biết cậu mợ và gia đình mình có sao không? Có chạy đi được không chị”. Tôi lắc đầu, lo lắng nhưng không nói gì. Hai chị em nhìn nhau nước mắt ròng ròng. Nó đưa cho tôi một lô gồm các món ăn sáng và chiều rồi nói tiếp: “Chị làm em lo sợ quá. Chị phải ăn đi, để còn lo cho Trúc và Em. Chị uống thuốc mà không ăn gì thì làm sao khoẻ để tiếp tục đi Mỹ. Em nghe các bạn chị nóí tàu Mỹ đang chờ ngoài bãi có thể đêm nay sẽ ra tàu mà họ không biết mình sẽ ra bằng cách nào? Đông người lắm. Không biết họ có cho em lên tàu không?”. Tôi vội nói: “Có chị mà, người Mỹ đã cho mình ra đây thì sẽ đưa mình đi, em không có gì phải suy nghĩ. Thôi mình về trại, chị sẽ ăn rồi tính sau”. Tôi ẵm con gái độc nhất của mình cảm thấy nó nhẹ bỗng. Có lẽ nó cũng uống sữa và ăn rất ít. Tôi soạn tiền ra để đổi đô la. Giá nào cũng đổi, xong hai chị em lếch thếch về trại. Hiến hỏi nhỏ: “Chị! em để phần ăn cho anh Nhàn hồi tối tới giờ không thấy anh ấy ăn, tối qua cũng không ăn nên sáng nay em ăn hết còn no lắm. Chả lụa và ruốc, bánh mình ăn được vài hôm nhưng nếu chưa đi thì mình không có tiền Việt để đi chợ chị à”. “Không lo! Lúc ấy mình đổi tiền lại”.
 
    Linh tính cho mọi người biết giờ G sắp tới. Buổi tối đến thật chậm trong cái nóng bức của tháng tư hải đảo. Tôi không nuốt được thức ăn, chỉ khát nước. Mọi người chung quanh xì xào nho nhỏ. Tôi lấy vội viên thuốc nuốt xuống cổ hôn lên mái tóc loe hoe của con gái rồi nằm xuống dỗ giấc ngủ. Đột nhiên nhiều đèn pin rội vào chỗ nằm. Tiếng nói đủ cho mọi người nghe: “Xin mọi người giữ trật tự. Đến giờ đi tản ra khỏi nước. Mọi người phải để lại tất cả hành lý chỉ mang theo một túi nhỏ đồ dùng cần thiết. Ai mang theo valy cồng kềnh sẽ bị MP giữ lại. Tất cả mọi người đi ra bờ biển xếp hàng một và im lặng tuyệt đối. Xin đi theo chúng tôi và giữ cho các em bé im lặng không làm náo động dân chúng trên đảo”.
 
     Tôi đã thu xếp đồ đạc cần thiết nhưng vì tôi uống thuốc đi không vững nên anh Nhàn bế bé Trúc ngủ trên tay còn Hiến một tay nắm vai một tay kéo tôi đi theo. Tôi bảo nó bỏ lại valy của mọi người lại và chỉ đem theo sữa gigo và thức ăn. Khi lên chiếc thuyền, chúng tôi được nhóm quân đội canh giữ hai bên và giúp chèo lại gần chiếc tàu buôn rất lớn do Đài sắp xếp. Tôi và bé Trúc cũng như các bà được lính Mỹ ưu tiên lên tàu bằng thang dây. Các em bé được họ chuyển tay ắm lên rồi giao cho bà mẹ. Một anh lính Mỹ nói lớn: “Xin mọi người lên xe”. Chúng tôi đang nước mắt ngắn dài vì vừa sợ, vừa tiếc của phải bỏ lại đồ đạc bỗng cùng cười lên trong tiếng sóng của đại dương. Có tiếng ai đó thì thầm như gió thoảng: “Vĩnh biệt quê hương Việt Nam”.


CA SĨ CONNIE KIM 

CA SĨ CONNIE KIM    
Sau khi nghe tin ông Dương Văn Mình đã đầu hàng Cộng sản, ngồi trên bong tầu của chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ, Connie Kim hướng mắt về phía chân trời, nơi quê hương yêu dấu đang chìm đắm trong những giây phút đầu tiên đổi đời. Kim nghe lòng mình quặn đau, thất vọng vì thật sự Sàigòn yêu dấu đã không còn là của toàn dân miền Nam nữa. Còn đâu những giây phút lái xe đi đến thu hình cho đài truyền hình số 9, còn đâu nữa với đài Phát thanh Quân Đội, đài phát thanh Sàigòn nơi đã từng phát lên tiếng hát Connie Kim với những âm thanh của những ca khúc vui tươi, sống động để làm ấm lòng các anh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa nơi tiền đồn xa xôi, hẻo lánh. 
    Sài Gòn thực sự đã mất! Vĩnh biệt Saigon yêu dấu!!!Vĩnh biệt miền Nam thân thương!
 
Connie Kim
 
April 27, 2015
Ca sĩ, kịch sĩ Trang Thanh Lan


Ca sĩ, kịch sĩ Trang Thanh Lan 
Ngày 30 tháng 4, Trang Thanh Lan lúc đó đang ở khu Xóm Gà Gò Vấp. Lúc đó còn nhỏ, chỉ biết ngơ ngác khi nghe tin mất nước, đến khi về nhà, chợt khóc thật nhiều khi thấy thương đất nước và các anh chiến sĩ VNCH. Đau lòng nhất là nhìn thấy cảnh những sách vở, những tài liệu liên quan đến quân đội VNCH bị đốt sách, trong đó có những bức thư tình đẹp nhất thời con gái của TTL.


Ký giả Trọng Minh, tài tử Kim Vui


CA SĨ, TÀI TỬ KIM VUI 
KÝ GIẢ TRỌNG MINH
 
    
 Sau những lần tìm kiếm đường đi thất bại, chiều ngày 29 tháng 4-75 tôi từ nhà ở đường Lê văn Linh quận Tư (bên hông chợ Xóm Chiếu) lang thang ra đường Trịnh Minh Thế trước cửa Khoa Năm tức Nhà Rồng để dò la xem có chiếc ghe thuyền hay tàu biển nào ra khơi thì xin đi ké, không ngờ trong lúc tôi đang ++mò mẫm đường vào Kho Năm thì gặp được một toán, gồm khoảng một Đại Đội quân nhân Nhảy Dù đang tiến vào Kho Năm để lên tàu, thế là tôi tháp tùng theo nhưng không bị cản trở như một số người khác, nhờ trước đó tôi hành nghề “phóng viên chiến trường” nên quen biết khá nhiều cấp chỉ huy, nhất là các đơn vị tác chiến như: nhảy dù, thuỷ quân lục chiến, biệt động quân, biệt kích. v.v…Anh em nhảy dù khi vào Kho Năm, lúc đầu chiếm giữ chiếc tàu biển Tân Nam Việt, nhưng chờ tới khuya cũng không có ”tài công”, trong lúc mọi người đang lúng túng chưa biết phải giải quyết bằng cách nào thì may mắn một con tàu nhỏ, tàu Tiền Phong đi ngang qua, thế là anh em Nhảy Dù áp lực buộc tàu Tiền Phong phải ”cập vào” để Anh Em chuyển qua tàu Tiền Phong ra khơi, lúc đó trên tàu có rất nhiều người mang theo radio để theo dõi tình hình thời cuộc diễn biến qua đài phát thanh nên tôi được biết là khoảng 11 giờ 30 khuya 29 tháng 4-75, đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe bài ca Nối Vòng Tay Lớn của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 
    Sau khi an toàn thì tôi được biết Tiền Phong là con tàu đã được ông bà Việt Định Phương chủ nhật báo
 Trắng Đen mua và chuẩn bị sẵn mọi thứ trong đó có thực phẩm như: gạo, đồ ăn gồm lạp xưởng, còn về phía ban biên tập Trắng Đen trên tàu ngoài toàn bộ gia đình ông Việt Định Phương và một số thân nhân còn có một vài biên tập viên trẻ, trong đó có Du Miên và một người nữa (tôi không còn nhớ tên) sau này qua sinh sống ở Canada va từ đó không còn thấy Anh ta xuất hiện ở bất cứ lãnh vực nào. Có một điều tôi cần nói ngay ở đây là nhờ quen biết thân tình với gia đình ông Việt Định Phương từ thuở ông bà còn hàn vi, còn ở trong con hẻm đường Nancy, Sàigòn, lúc bắt tay vào việc thực hiện tờ tuần báo Màn Ảnh Sân Khấudo Nghệ sĩ Trần văn Trạch làm chủ nhiệm do đó lúc nào ông bà cũng tỏ ra thương yêu tôi, kể cả khi ở Hoa Kỳ, đúng là ông bà đã nhường cơm xẻ áo cho tôi, khi ngồi trên tàu Tiền Phong trực chỉ tới vịnh Subic Bay ở Phi Luật Tân cứ mỗi bữa cơm ông bà lại cho người mang sang cho tôi một chén cơm và một cái lạp xưởng, nhờ vậy mà tôi không bị đói trong suốt cuộc hành trình trên biển cả. 
    Sau những ngày lênh đênh trên biển, con tàu Tiền Phong tới bến Subic Bay, tôi theo đoàn người tỵ nạn lên bờ, còn gia đình ông bà Việt Định Phương chuyển sang tàu lớn đi thẳng đến đảo Guam. Đến đảo Guam, ông bà Việt Định Phương và một số đồng bào tỵ nạn đã gặp nữ minh tinh Kim Vui, lúc đó cô đang có một cơ sở thương mại ở đảo Guam, và phụ trách một chương trình Việt ngữ trên đài phát thanh Guam, nhằm mục đích hướng dẫn về đời sống ở Mỹ và tìm kiếm thân nhân cho những người bị thất lạc, điều đáng nói thêm ở đây là khi Kim Vui ở Guam thì ngoài gia đình nhỏ của mình, vợ chồng con cái đề huề, còn có cả song thân của cô và đặc biệt hơn nữa là trưởng nữ của cô, cháu Thu đã đoạt chức Hoa Hậu của đảo Guam. Vì là chỗ thân tình trước khi đi Mỹ, nên khi xẩy ra biến cố tháng 4/75, chiếu theo luật của Mỹ, người có thân nhân ở Mỹ được ưu tiên di tản khỏi Việt Nam, do đó Kim Vui đã làm thủ tục bảo lãnh cho tôi đến Mỹ, cô tin rằng tôi sẽ đến được Mỹ dưới dạng bảo lãnh, nhưng cô đâu có ngờ khi thủ tục giấy tờ bảo lãnh tôi của cô về đến Việt Nam thì cũng là lúc toà đại sứ Mỹ bị tràn ngập, đóng cửa nên mọi thủ tục trở thành vô ích.
 
    Gặp gia đình ông bà Việt Định Phương ở Guam, Kim Vui đã sốt sắng hỏi thăm tin tức về tôi, nhưng ông Việt Định Phương chỉ biết là tôi có đi trên tàu Tiền Phong, nhưng từ khi đến vịnh Subic Bay thì ông hoàn toàn không biết tin tức gì về tôi. Tuy ông Việt Định Phương đã xác định la tôi có mặt trên tàu Tiền Phong nhưng không có tin tức của tôi, không biết sống chết ra sao nên Kim Vui đã liên tục nhắn tin tìm tôi trên đài phát thanh Guam, đến độ mà một tháng sau, khi tôi chuyển đến đảo Guam để vào My, khi vừa tới trại tỵ nạn ở Guam, tôi hỏi xin ban điều trại cho tôi mượn điện thoại để liên lạc với người nhà bên ngoài trại là nhân viên của trại đã đoán biết tôi là ai và hỏi tên tôi mật cach trúng phóc.
 
     Ngay khi nhận được tin tôi đã đến Guam, Kim Vui đã lập tức vào trại, mang theo những món ăn Việt Nam do song thân nấu sẵn mang vào đồng thời trao cho tôi 200 đô và hỏi tôi cần gì sẽ mang vào sau. Có lẽ cuộc đời ở trại Guam là lúc tôi thảnh thơi, khoẻ khoắn nhất, sáng xách ô xuống bãi biển nằm nghỉ, trưa về đã có cơm Kim Vui mang vào và cha con Ký giả Ngọc Hoài Phương đã hâm nóng sẵn chỉ việc ngồi ăn cùng cha con Ngọc Hoài Phương. Ở Guam tôi đã được ăn rau muống do Kim Vui mang từ ngoài vào, không chỉ thế mà còn có cá khô, đem nướng cá khô những người Đại Hàn, cũng đi tỵ nạn từ Việt Nam thấy thèm nhờ mua giúp, ký giả Đạm Phong và một số đồng bào biết tôi có rau muống ăn cũng nhờ mua giúp, nhưng Kim Vui đã mang vào trại cả cốp xe chỉ để biếu không đồng bào.
 
     Tới trại Guam khoảng gần một tuần, tiêu hết hai 200 đô, vì sáng nào cũng mời bạn bè đi cà phê, bánh ngọt sáng, rồi còn chơi bài lắt nhắt ở bờ biển nên khi chuyển sang trại Adeson để bay vào Camp Penleton, California ... gặp tôi Kim Vui hỏi tôi còn tiền không? khi tôi bảo
 hết,Kim Vui kêu lên Anh tiêu gì dữ vậy? Lúc đó tôi chưa biết giá trị đồng đô-la, quen tiêu như tiêu tiền VN nên còn ngỏ trách Kim Vui, thế là Kim Vui lại dúi thêm cho tói mấy chục đô để dằn túi khi đến Mỹ. 
     Rời Camp Pendleton ra làm việc ở Mission Viejo thấy giá xăng lúc đó chỉ hơn 40 cents một gallon tôi mới thấy 200 đô la Kim Vui đưa cho tôi ở Guam là qua lớn. Điều tôi thấy nên ghi nhận thêm ở đây là khi đi tỵ nạn tôi có mang theo một chiếc cập trong đó chứa 4 triệu tiền Việt Nam còn mới tinh, khi đến Guam tôi nhờ Ký giả Ngọc Hoài Phương giữ giúp nên cứ mỗi lần cầm đến chiếc cập là Ngoài Phương là nóiBiến thành Đô La đi ... Biến thành Đô La đi ...Khi rời đảo Guam đi Mỹ tôi trao chiếc cập lại Kim Vui thì Kim Vui bảo:
 Sao ở Việt Nam Anh không cho Em ... Tôi được biết sau này Kim Vui đã dùng số tiền này để dán nhà. 
    Đúng, đời là vô nghĩa, sắc sắc ... không không là thế.


Ca sĩ Mai Lệ Huyền

CA SĨ MAI LỆ HUYỀN 
    
 Ngày 27/04/75, Mai Lệ Huyền và một số nghệ sĩ khác vào Đài Truyền Hình để quay một số bài hát cho Đài, nhưng CS lúc bấy giờ đã đến gần sát thủ đô SG. Trong giai đoạn khẩn trương khói lửa mù trời, Mai Lệ Huyền chỉ còn kịp về nhà cùng với người em ruột chạy tới Toà Đại Sứ Mỹ để tìm đường ra đi với bộ quần áo duy nhất trên người. Nhờ quen biết thân tình, Mai Lệ Huyền đã lên được chuyến tàu bỏ nước trong 1 đêm mưa 29/4/75, một cơn mưa tầm tã nhất chưa từng có ở Sài gòn. 
    Chuyến tàu bỏ nước lênh đênh trên biển trong bão lệ sụt sùi của gần mấy ngàn trái tim tan vỡ tha hương. Chưa bao giờ bài ca Exodus ý nghĩa và cay đắng như bây giờ. Hàng ngàn người úp mặt vào lòng bàn tay để không muốn nhìn thấy những thảm cảnh trước mắt là hiện thực. Xa xa, chiếc máy cassette nhỏ của ai còn vang những lời nhạc buồn của người nhạc sĩ họ Trịnh: "Chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên con rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày... ". Con tàu lạnh lùng trôi đi giữa màn đêm tăm tối. Mưa lạnh ngoài trời. Lệ buốt trong lòng. Ôi những con thuyền, ôi những tâm hồn không bến, sẽ trôi về đâu ngày mai. Nhiều nhân chứng trong chuyến tàu này kể lại về những thảm cảnh giành giật nhau từng chỗ đứng, chỗ ngồi đến nỗi có nhiều người phải rớt xuống lòng biển cả mà không thể nào quay lại vớt. Tàu đầy ngập người đến nỗi không ai dám rời một bước vì sợ mất đi chỗ ngồi của mình. MLH kể rằng, cô nghe người ta nói có Khánh Ly ở đầu tàu, nhưng cô lại ở phía sau, không có cách nào lên đó để gặp bạn được. Chuyến tàu đông nghẹt người đến nỗi, là chính cô cũng không đếm được con tàu này chứa được 5 ngàn hay 10 ngàn người. MLH còn cho biết rằng, người phát lương thực và nước uống đi từ đầu tàu phía kia muốn đi phát hết cuối tàu bên này, thì phải đi từ sáng đến chiều mới tương đối gọi là phát đầy đủ.
 
    Rồi tàu đến được Wake, rồi Guam... bắt đầu một cuộc đời mới đầy xa lạ bỡ ngỡ cho những kẻ rời quê bỏ nước. Từ những cứ điểm này, hàng ngàn người lưu vong bị chia tứ tán làm nhiều hướng như những nhánh sông phiêu bạt. Kẻ về Cali, người đến Houston... còn Mai Lệ Huyền cùng một số khác tới 1 khu trại dành cho người ti nạn ở Arkansas. Ở đây, cô tìm ra được một số bạn nghệ sĩ cũ như Kim Xuân, Kim Thu (vũ công đoàn Maxim HTT), Sơn Ca... Ở trong trại khoảng 10 ngày, cô em ký giấy tờ bảo lãnh hai chị em Mai Lệ Huyền về định cư ở Washington DC. Lúc này, tương đối tâm hồn cô đã lắng đọng phần nào sau những cơn giông tố của cuộc đổi đời.
 
    Sau đó, Mai Lệ Huyền tìm lại được những mối liên lạc với các bạn bè, đồng nghiệp cũ như Hoàng Thi Thơ, Kiều Chinh, Ng. Năng Tế, Huỳnh Anh... và từ đó tất cả tìm cách kéo về Cali, mảnh đất hứa cho những con chim Việt xa tổ xa bầy tụ lại.


Ca sĩ Pauline Ngọc

CA SĨ PAULINE NGỌC (ĐỨC) 
     Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một ngày súng đạn vẫn còn nổ lẻ tẻ như tiếng pháo của những người nằm vùng đang chờ đón những Người giải phóng Thành Phố Saigon mà không biết là đã làm cho họ 40 năm sau “phỏng g..”
 
    Làm sao quên được Bảo ơi! Ngày em của Chị, chuẩn uý non nớt Nguyễn Anh Dũng đã hy sinh nơi An Lộc đúng ngày 30 tháng Tư. Ngày Chị vẫn còn bàng hoàng sửng sốt khi nghe, thấy Saigon đã mất tên. Nhà Chị ở đường Trần Quang Khải số 54 là quán Cà phê Uyên Ương cạnh rạp Văn Hoa, nhìn lên cầu thấy những chiếc xe tăng kéo vào Thành phố mà nước mắt tuôn tràn em ơi...
Ca sĩ Ngọc Mỹ

CA SĨ NGỌC MỸ 
    Ngày 30/4/1975, tôi thật may mắn được biết gia đình tôi gồm mẹ, chị, hai con gái của chị và anh Trọng, anh của người bạn ca sĩ thân nhất của tôi Kim Bang cùng vợ và gia đình 3 người đã tới đảo Guam. Họ đi ra trên chuyến bay cuối cùng rời Tân Sơn Nhứt. Chồng cũ của tôi George Dunham, ngay cả khi chúng tôi đã ly dị, nhưng vì tình thân với gia đình tôi và anh Trọng, đã không quản nguy hiểm quay lại Saigon đem họ đi. Chúng tôi luôn luôn biết ơn.
 
    Nhưng trong suốt tuần đó, tôi hát tại phòng trà La Mancha từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, tôi dành thì giờ ban ngày theo dõi tin tức và tìm cơ hội đưa gia đình đi Mỹ. Tôi bơ phờ, mệt mỏi vì thiếu ngủ do làm việc ban đêm, và lo lắng khi thấy tin tức trên truyền hình cho thấy VC đang chiếm dần các tỉnh từ Bắc vào Nam. Cảnh ghê rợn nhất tôi còn nhớ là người ta đang chờ được tàu Mỹ rước ở Vịnh Cam Ranh, chết vì đói khát, nhiều xác người nằm la liệt trên bến tàu. Mỗi lần nghe nhạc Việt Nam là nước mắt tôi tuôn rơi, nên một thời gian dài tôi không nghe nhạc Việt nữa. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn không thể quên. Nhưng ít ra tôi đã có thể nghe lại các bài hát Việt Nam.
 
    Cám ơn Thượng Đế, Trời Phật, chúng ta đến được Hoa Kỳ để sống ước mơ của mình.


Ca sĩ Diễm Hương

CA SĨ DIỄM HƯƠNG 
    Lúc xẩy ra biến cố 30 tháng 4 đau thương thì chị đang ở ngoại quốc, có theo dõi tình hình trong nước và có cảm nhận là miền Nam đang bị bỏ rơi, nhưng lòng thì mong có phép lạ để tránh cảnh di tản xa quê hương mà một số người đã ra đi từ giữa tháng tư.
 
     Ngày 26 tháng 4 nghe tin radio Mỹ nói Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Việt Nam đã thiêu hủy những tài liệu quan trọng là chị đã tan nát cõi lòng. Sau đó chị thường nhận những cuộc gọi collect calls từ những bạn bè ở đảo nhờ bảo lãnh sang Mỹ.
 
     Giờ đã 40 năm trôi qua.. đã biết bao nhiêu chuyện bi thảm vẫn chưa xóa mờ trong tâm khảm.


Ca sĩ Uyên Phương

CA SĨ UYÊN PHƯƠNG 
     Ngày 30 tháng Tư, Uyên Phương mới sanh con gái được một tháng nên phải ở lại nhà, nhưng vì nhà có người đi Mỹ nên bị niêm phong, thế là phải đi lang thang ở nhờ nhà bà con. Tới tháng Sáu, Uyên Phương mới tìm được người đưa đi xuống Rạch Gía. Ở đây có người vượt biên bị bắt lại, nên phải bồng con dời đi thành phố khác ở. Sau cùng đi xuống Hà Tiên, ngày 20 tháng Sáu vượt biên bằng ghe đi sang Thái Lan ở đảo “Klong Dai" cho tới 4 tháng sau mới sang Mỹ!
 
    Thời gian đó, Uyên Phương khóc quá nên bị mất sữa phải về kiếm bác sĩ chữa cho khỏi. Đi đâu ra ngoài, Uyên Phương cũng phải đội nón lá che mặt vì lúc nào con mắt cũng sưng húp, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu yêu dấu ngày xưa không bao giờ có thể tìm lại được. Vì thế, sau này khi làm CD, Uyên Phương đã chọn chủ đề “Yêu Dấu Tan Theo” như đánh dấu một giai đoạn thật buồn.
Chị Hoàng Lan (New York)

HOÀNG LAN (NEW YORK) 
     Chiều 28 bạn của Hoàng Lan là VP nói có đi thì đưa Hoàng Lan và các cháu vào TSN đi chung với gia đình PPT, trong khi đó thì chồng Hoàng Lan đang thất lạc trên đường bộ chưa biết ra sao . Lòng ngổn ngang không định hướng bỗng nghe tiếng gầm thét trên không trung, mọi người hốt hoảng la hét nằm xuống pháo kích , pháo kích vài giây sau vài người lòm còm bò dậy run rẩy nói phi trường TSN trúng bom rồi lửa khói ngất trời , tin tức loan đi trung uý phản loạn Nguyễn thành Trung bỏ bom Dinh Độc Lập. Ngày 29 tháng 4 giới nghiêm.
 
    Sáng 30/4, khi Hoàng Lan đến cổng Phi Long Tân Sơn Nhất, thì Quân Cảnh cho hay máy bay cuối cùng đã rời phi đạo lúc 4 giờ sáng. Nghe tin, tôi như muốn chết lả trong tay cô cháu, thế đành vất vả ngật ngưỡng về nhà gần phở gà Hiền Vương, thấy tiệm bán giò chả ở đường Hiền Vương đã treo cờ to đùng. Một số người lớn bé đang khiêng vác nào là TV, tủ lạnh, bàn ghế, quạt máy và tất cả những gì họ chiếm được. Sau quang cảnh bấn loạn đó, Hoàng Lan không tin được vào hai con mắt mình và chết sững khi chứng kiến những anh chiến sĩ VNCH áo lót màu ô liu, quần xà lỏn, chân đất họ đang tìm thân nhân với những nét xót xa, cay đắng, uất hận hiện trên những khuôn mặt đầy khí phách oai hùng.


Ca sĩ Khánh Ly

CA SĨ KHÁNH LY 
    Ngày 5 tháng 5/1975, chiếc tàu Miller thả chúng tôi xuống căn cứ Subic Bay. Ngay tại bến, dàn chào 8 ngàn người chúng tôi là những dẫy bàn cũng la liệt đồ ăn, thức uống. Tôi tìm ra gà, nhưng là một cái trứng gà. Chỉ ăn một quả trứng sau 4 ngày đói khát trên tàu. 4 ngày ở đó. Một tháng ở Wake Island. Một tháng ở Fort Chaffe. Tôi chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nhiều chuyện mà tôi bảo đảm là những ai đã từng cùng ở trại, chờ sponsor thuở đó đều phải nhớ. Những nhà ăn, được dựng lên tiếp đón dân tỵ nạn, được đặt cho những tên rất vui tai. Nhà ăn Trắng (Bạch Ốc chăng?). Nhà ăn Đỏ. Nhà ăn Xanh. Ba nhà ăn, tôi ghép lại kêu chung là nhà ăn Tây, theo màu cờ của Pháp. Ăn có giờ và phải sắp hàng, lấy khay rồi muốn ăn bao nhiêu thì ăn, nhưng không được mang về lều.
 
     Việt Nam ta rất là phong lưu ngay cả trong lúc gian nan nhất. Ngồi chờ tin đưa về, xem hôm nay Mỹ dọn thức ăn gì... “Gà bà con ơi”. Gà. Thế là mọi người ùn ùn kéo nhau đi sắp hàng ăn... “Cá bà con ơi, hôm nay ‘tụi nó cho ăn cá’”. Mọi người nhìn nhau ra cái điều khinh bỉ... Mẹ, sao nó dám cho mình ăn cá. Sao nó không làm gà. Cái hàng người sắp hàng hôm đó cũng bình thường, nhưng mọi người vào lấy cơm không phải để ăn mà chỉ để lấy phần tráng miệng là một trái cam, còn bao nhiêu cơm, cá mang đổ vào thùng rác hết. Họ có tiền, mua mì gói ăn.
 
     Có một hôm, chuyện không đáng xảy ra, đã xay ra, làm tôi nhớ mãi và cứ thấy lòng mình sao sao ấy. Số là hôm đó nhà ăn dọn cá lên, bỗng có một ông cầm khay thức ăn la lối om sòm, kết tội Mỹ cho ăn uống không đầy đủ. Người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ gác cửa thấy vậy tới hỏi thăm, rồi không biết sao, ông Việt Nam nọ hất nguyên khay cơm vào mặt người lính Mỹ. Cơ quan nhà nước Mỹ tới ngay tại chỗ để giải quyết. Người thông dịch viên nói lại rằng người tỵ nạn này than phiền là không đủ ăn và người lính kia đã vô lễ với họ.
 
     Người sĩ quan Mỹ chỉ nghe, không nói gì, sau cùng ông ta nhờ thông dịch viên mời ông Việt Nam nọ và số người có mặt trong nhà ăn hôm đó đi theo ông. Đến bên mấy thùng rác, ông ta mở nắp thùng thì trong thùng đầy ngập cơm lẫn cá. Ông ta vẫn không nói gì, chỉ mở nắp thùng rác cho mọi người nhìn thấy rồi lặng lẽ đậy lại. Sau đó ông ta... xin lỗi ông Việt Nam kia. Chưa hết, ông ta còn yêu cầu mọi người đi theo đến một chỗ ở của ta, tôi thấy chung quanh tường toàn là... cam với cam. Người sĩ quan Mỹ cũng vẫn không nói gì. Cũng lại xin lỗi ông kia và lập tức đổi người lính gác với lý do... không lễ độ với người tỵ nạn.
 
     Mỗi bữa ăn, mọi người tráng miệng bằng một trái cam hay táo. Dù không thích cá nhưng vẫn sắp hàng để lấy trái cam, còn cơm thì mang đổ đi. Lúc đó có cả cái vụ biểu tình chống Mỹ ngay trong trại và kêu gọi mọi người trở về lại Việt Nam. Sau đó mới có chuyện con tàu Việt Nam Thương Tín chở một số người về lại Nha Trang. Đến khi rời trại, theo sponsor, mọi người mới biết gà ở đây rất rẻ. Cá lại rất đắt. Tuy vậy, không ai có thể trở lại những trại tạm cư đó để được sống một lần nữa chuỗi ngày... ăn rồi nói dóc, nhẩy đầm hoặc đi tìm thân nhân. Ấy vậy, có làm mới có ăn, có làm mới thấy chẳng phải dễ gì mà có kẻ hầu người hạ.
 
     Năm 79, tôi đón bạn vượt biên từ đảo qua. Lúc đó, rau muống mới được bầy bán ở chợ Tầu và rất đắt. 2 đồng 99 chỉ có một pound. Đối với tụi tôi, rau muống luộc chấm nước mắm ớt, vắt tí chanh là nhất vì đã mấy năm rồi chưa được thưởng thức cái món đặc biệt Bắc kỳ nghèo này. Rau ăn, nước làm canh, dặm thêm một món mặn nữa là cha thiên hạ rồi. Đón bạn, dù là Tổng Thống, cũng chỉ đến thế thôi. Ai có ngờ bạn ghép ngay cho cái tội bần tiện. Sao không đãi thịt gà mà lại cho người mới tới ăn rau muống. May mà bạn không hất nguyên đĩa rau muống vào mặt. Tởn tới già. Những lần mời cơm sau đó – cho dù mời bất cứ ai – tôi cứ nhồi thịt gà cho chắc. Vừa rẻ, vừa được tiếng sang. Để bạn ngồi ăn thịt, còn tôi cứ chút bắp cải luộc chấm nước mắm trứng, rau muống luộc, tương Cự Đà hoặc xào với mắm tôm, tỏi. Đậm đà hơn tí thì đập hai trái trứng, làm trứng bác kiểu Bắc kỳ. Ấy thế mà khối anh bỏ thịt ăn rau với tôi đó.
 
     Phải công nhận một điều là gà, vịt heo của mình ngon thật. Con gà luộc vừa chín tới, kiểu lòng đào, vàng ươm, thơm phức nằm ngửa trên dĩa. Chút lá chanh sắc mỏng rắc lên trên. Phải ăn bằng tay xé gà ra, chấm nước mắm chanh ớt hay muối tiêu. Bộ lòng gà làm sạch sẽ, luộc theo gà, ăn như vậy cũng được, nhưng nếu xào với dứa (trái thơm) thì ngon hơn. Nước súp gà bỏ vào ít miến, thế là có ngay một tô miến gà. Chỉ có lông là không ăn được nhưng cũng không bỏ phí nào, bán ngay cho mấy ông các chú, chúng ta có cái chổi lông gà vừa để quét bụi, vừa để... đánh con. Gà Mỹ ăn vào như ăn giấy. Chán bỏ mẹ.
 
     Vậy là trong 12 con giáp, gà cũng được việc, cũng có giá lắm chứ phải chơi sao. Dù gà Mỹ dở thật, chỉ có thể kho gừng là có lý nhất. Nhưng mấy năm gần đây, An Nam ta mở trại nuôi gà theo kiểu Việt Nam. Cứ bới là có ăn. Phải bới mới có ăn. Song trại gà bắt buộc phải ở xa thành phố, xa chỗ đông người, cho nên chúng ta từ 26 năm nay chỉ nghe tiếng gà gáy trên tivi.
 
    Có nhiều lúc bỗng thèm nghe tiếng gà gáy... “Về trong phố xưa tôi nằm.
 
Tiếng gà gáy trưa gáy khan bên đồi.
 
Chợt như xác thân không còn.
 
Và cạnh tôi là đồng vắng” (TCS).
 
     26 năm, quả thực quanh chúng ta hay ít nhất với riêng tôi, chỉ là đồng vắng. Hình như tôi luôn luôn mong chờ một điều gì đó. Lòng lúc nào cũng mang mang một nỗi niềm. Nhớ nhớ. Thương thương. Ngay cả đến tiếng gà gáy, dù trong phim ảnh, cũng đủ làm tôi xót xa. Trong khối óc bé nhỏ của tôi, thật ra nào có chứa đựng những gì gọi là vĩ đại đâu. Chỉ có những điều nhỏ nhặt, tầm thường. Những kỷ niệm đã nát ra muôn ngàn mảnh. Nhưng không hề mất một mảnh nào dù là nhỏ nhất. Và trong những giờ phút năm cùng, tháng tận này, lòng tôi còn đau hơn dù quanh tôi “đồng vắng” vẫn tràn ngập tiếng cười. Những tiếng cười có thể không đúng lúc nhưng cũng vẫn cần thiết cho đời sống. (trích báo Thế Giới Nghệ Sĩ bộ cũ phát hành năm 2001)


Ca sĩ Lệ Thu

CA SĨ LỆ THU 
    Mười giờ sáng 30 tháng 4, trên một góc lần nhìn xuống, thành phố đã tan hoang đổ nát. Những cụm khói cao. Những bóng người hối hả xuôi ngược. Những tràng đạn nổ. Những tiếng bom vang. Những thây người nằm chơ vơ trên mặt lộ. Ôi Saigon đã xa thật rồi những nụ cười tuổi mộng và bây giờ chỉ còn lại trên đầu thành phố một trời sầu giông bão. Năm nay kẹt lại ở quê nhà. Năm năm cất cao tiếng hát giữa lòng đất quê hương mà tưởng chừng như đó là tiếng thở dài áo não của hàng triệu người ở lại.
 

(trích báo Nghệ Sĩ số 56 phát hành ngày 7 tháng 5 năm 1985 do TQB phỏng vấn)


Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã

NHIẾP ẢNH GIA THÁI ĐẮC NHà
    Thái Đắc Nhã, người nhiếp ảnh gia sinh ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Sửu có trên 49 năm chụp ảnh nghệ thuật, khởi đầu từ những ngày đi học lớp nhiếp ảnh, điện ảnh ở Hội Việt Mỹ năm 1964-1965, sau đó cầm máy đi chụp được rất nhiều tấm ảnh nghệ thuật giá trị. Năm 1966, anh đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, từ đó tên tuổi Thái Đắc Nhã đã được nhiều người trong nghề biết tới.
 
    Năm 1969, khoác áo chinh y, đi lính ở Sư đoàn 9 hậu cứ ở Vĩnh Long và cuộc hành quân cuối cùng của Anh là ở mặt trận Mỹ Tho tháng 4 năm 1975. Sau 1975, vì hoàn cảnh, phải cầm máy chụp dạo qua ngày tại Sở Thú, tao Đàn, bùng binh Saigon.. chờ ngày ra đi, và mộng ước đã thành, khi năm 1977, anh vượt biển đến được Hoa Kỳ. Năm 1985, anh khai trương studio Reflection ở Quận Cam và tiếp tục giữ vũng bảng hiệu này cho đến ngày hôm nay là đã tròn 30 năm dài.
    Đầu năm tới đây, tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ sẽ thực hiện một số báo chủ đề về Nhiếp Ảnh Gia Thái Đắc Nhã, 50 Năm Rong Duỗi Dường Dài Với Ống Kính, mời bạn đọc đón xem.


Nhạc sĩ Trung Nghĩa

NHẠC SĨ TRUNG NGHĨA 
    Ngày 24 Trung Nghĩa còn kẹt cứng ở trong phi trường Tân Sơn Nhất. Đạn pháo thì bay đầy trời và trong cái không khí hỗn loạn đó, một phép lạ đã đến khi Trung Nghĩa không có tên trong danh sách để ra đi, tuy nhiên một viên chức Hoa Kỳ kiểm soát những người lên máy bay lúc bấy giờ đã nhờ Trung Nghĩa dịch một số câu ra tiếng Việt như: “Tất cả mọi người lên máy bay không được mang vũ khí, đạn dược và một số thức ăn đặc biệt”.
 
    Sự nhờ vả chỉ có thế nhưng lại chiếm cảm tình của một vài viên chức Hoa Kỳ, vì vậy khi đọc hết danh sách này, mọi người đều đã đi lên máy bay hết, chỉ còn trơ trọi Trung Nghĩa với một trời bơ vơ.. Viên kiểm soát bèn hỏi còn tên Trung Nghĩa đâu, anh chỉ lắc đầu cười buồn, thế là anh chàng phụ trách kiểm soát mời Trung Nghĩa lên máy bay luôn.


Ca sĩ Mỹ Hòa


THƠ HUYỀN MI 
(tức nữ ca sĩ Mỹ Hòa, linh hồn của ban nhạc The Cat’s Trio trước 75)
 

Một Nơi....?
 
Một nơi tên gọi quê hương
 
Một nơi chép mãi những trương sử buồn
 
Một nơi tên gọi cội nguồn
 
Một nơi tất bật tìm xuồng ra khơi !*
Chừng Nào… ? ? ? 
Khuya trở giấc gọi trăng thủ thỉ
 
Giấc mơ nầy thế kỷ nào xong?
 
Việt Nam thôi hết long đong
 
Vang rền dưới ruộng trên sông giọng hò
 
Hết giặc đỏ quanh co trong xóm
 
Hết công an hù tóm dân lành
 
Nụ mơ hé nhụy xuân xanh
 
Tuổi hồng tươi rói trên cành yêu thương*
Mất Hút 
Bão đổ bên đời nắng nghiêng mây
 
Chắt chiu nét bút áng thơ bay
 
Gót son lả mộng vàng nỗi nhớ
 
Héo hắt cung trầm nụ tuyết say
 
Luân lưu đỉnh nguyệt sầu tôi dậy
 
Vây cụm sương nhòa quanh mắt nai
 
Thuở thủy tinh xưa lung linh hiện
 
Lặng lờ mất hút dấu thiên thai
 
Bao tháng tư đen đã trãi mềm
 
Khung trời quê cũ lạnh hồn đêm
 
Vật vờ sâu

No comments:

Post a Comment