Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Saturday, February 4, 2017

"Thương cho roi cho vọt?" - Chị Bảy


Hơn bảy tháng nay, tôi về Việt Nam và ở trong khách sạn cạnh vườn Tao Đàn, Sài Gòn. Mỗi ngày rảnh rổi tôi đọc tin tức qua mạng.

Tin tức ở Việt Nam, thường xuyên xảy ra án mạng thương vong. Học sinh bất kể trai gái, đánh nhau gây thương vong trong trường và có lúc học sinh gây thương vong cho Thầy, Cô! Người lớn lái xe ngoài đường, chỉ cần lái xe cọ quẹt nhẹ là hai bên xuống xe gây thương vong cho nhau! Cướp bóc, giết người xảy ra khắp nơi và hằng ngày...! Tại sao vậy?

Tại sao vậy? Tôi tìn rằng đa số những đứa trẻ Việt Nam đã được dạy dỗ bằng bạo lực, rồi lớn lên chúng quan niệm rằng chỉ có bạo lực mới giải quyết được vấn đề. Một quan niệm sai lầm, hết sức tai hại cho một đất nước, một dân tộc mà tôi hết sức yêu thương. Tôi đau lòng quá! Có giải pháp nào để cứu vãn vấn đề nầy? 

Để cứu vãn vấn đề nầy, theo tôi nhà trường nên áp dụng châm ngôn của ông cha chúng ta ngày xưa "Tiên học lễ hậu học văn". Đó là phần của nhà trường. Phần của cha mẹ là chấm dứt dạy con bằng "thương cho roi cho vọt" mà dạy con bằng tình thương khuyên răn. Phần còn lại của chính phủ là ra luật cấm cha mẹ đánh con, cấm đánh nhau ngoài đường, cấm chồng đánh vợ... như bên Mỹ. 

Người Hàn Quốc vì đất nước, họ bỏ qua sĩ diện để rồi sang Nhật ôm hết sách vỡ nước Nhật về dạy trẻ con Hàn Quốc rập khuông theo nước Nhật. Kết quả, tư cách của người dân Hàn Quốc bây giờ chỉ thua người dân Nhật. Riêng tôi, tôi tin những gì người người Hàn Quốc nói và những món hàng nào của Hàn Quốc làm. Việc đầu tiên người Nhật dạy trẻ con là Lễ, phải biết cám ơn và lễ phép...

Tôi hết sức đồng ý quan niệm của bà Astrid Lindgren, người xứ Thuỵ ĐiểnTôi xin post ra đây bài phát biểu của bà Astrid Lindgren.                                      


************************  


Thụy Điển ban luật cấm đòn roi từ năm 1979 nhờ bài phát biểu.

Năm 1979, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm trừng phạt bằng nhục hình với trẻ, sau khi bài phát biểu của Astrid Lindgren gây ra nhiều tranh cãi về phương pháp giáo dục này. 
  
Astrid Lindgren (1907-2002) là nữ văn sĩ người Thụy Điển nổi tiếng với những tác phẩm văn học dành cho trẻ em. Không chỉ kể chuyện giỏi, bà còn không e ngại lên tiếng đấu tranh cho công lý. Vào những năm 1970, trừng phạt thể chất là một phần của quá trình giáo dục trẻ. Tuy nhiên, Astrid không nghĩ vậy. Bà tin chắc đòn roi mang lại tác động tiêu cực cho sự phát triển tâm lý lành mạnh.

Năm 1978, trong một buổi lễ nhận giải Hòa Bình danh giá ở Đức, Astrid có bài phát biểu nổi tiếng toàn thế giới. Sử dụng những từ ngữ đơn giản, bà chỉ ra bạo lực ảnh hưởng xấu đến thế giới như thế nào và những mầm mống này đã xuất hiện từ thuở ấu thơ. Một đứa trẻ nhận được bài học đầu tiên từ bố mẹ thông qua bạo lực sẽ tin rằng mọi vấn đề đều được giải quyết bằng phương pháp đó.

Bài phát biểu của Astrid gây tranh cãi gay gắt ở Thụy Điển và Đức về sự trừng phạt thể chất. Năm 1979, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn toàn cấm nhục hình đối với trẻ em trong trường học và ở nhà.

Ngày 16/1, Bright Side đăng lại một phần bài phát biểu ấn tượng của Astrid Lindgren.


Astrid Lindgren cùng các cháu trong kỳ nghỉ năm 1968 ở Tallberg, Thụy Điển. 

"Là những con người sống trên hành tinh này, chúng ta đã và đang lạm dụng bạo lực và chiến tranh, nền hòa bình mong manh đôi khi có tồn tại liên tục bị đe dọa.

Đây có phải là thời điểm chúng ta nên tự hỏi bản thân liệu có thói xấu nào thuộc về bản chất của con người đã liên tục dẫn đến bạo lực? Chúng ta đều mong muốn hòa bình. Vậy có khả năng nào để thay đổi một cách cơ bản điều này trước khi quá muộn?

Tôi tin rằng chúng ta nên bắt đầu từ trẻ em. Những đứa trẻ hôm nay sẽ là người vận hành thế giới. Chúng sẽ đưa ra quyết định liên quan đến chiến tranh và hòa bình, hình thái xã hội mà chúng muốn có. Chúng sẽ muốn một xã hội mà trong đó bạo lực tiếp tục phát triển, hoặc một xã hội mà mọi người sống trong hòa bình và tình bằng hữu.

Tôi nhớ lại ngày còn bé mình đã sốc như thế nào khi chợt nhận ra chính con người quyết định vận mệnh quốc gia và thế giới, chứ không phải những vị thần có khả năng vượt trội và trí tuệ sáng suốt. Họ là những con người sở hữu nhiều điểm yếu giống như tôi. Nhưng họ có quyền lực, và tại bất cứ thời điểm nào cũng có thể đưa ra quyết định quan trọng tùy cảm hứng bất chợt của mình.

Chỉ có thể rút ra một kết luận. Số phận của thế giới được quyết định bởi những cá nhân. Do vậy, tại sao tất cả con người không thể đều tốt đẹp và có ý thức tốt? Tại sao lại có quá nhiều người không muốn gì ngoài bạo lực và quyền lực? Có phải phần ác quỷ tồn tại bẩm sinh trong một số người?

Tôi không tin vào điều đó. Trí tuệ là bẩm sinh, nhưng mỗi đứa trẻ không được sinh ra với một hạt giống tự động nảy mầm thành tốt hay xấu. Điều gì quyết định một đứa trẻ sẽ trở thành người ấm áp, cởi mở, đáng tin cậy, giàu tình cảm hay trở thành một con sói cô độc, vô tình, nhẫn tâm? Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta mang con ra thế giới và dạy về tình yêu hay đưa chúng về nhà để đòi hỏi về tình yêu. Người ta chỉ học từ những người mà mình yêu quý. Một đứa trẻ được bao bọc bởi tình yêu và yêu thương bố mẹ sẽ học từ họ thái độ yêu thương cuộc sống, đồng thời giữ thái độ đó suốt cuộc đời.

Tôi muốn gửi đến những người đang kêu gọi kiểm soát trẻ bằng đòn roi những lời mà một bà lão đã nói với tôi. Bà trở thành một người mẹ vào thời điểm xã hội quan niệm "thương cho roi cho vọt". Bà không thực sự tin vào điều đó, nhưng một ngày khi cậu con trai nghịch ngợm, bà quyết định phạt con lần đầu tiên trong đời. Bà bảo con ra ngoài tìm que hoặc cây gậy mềm. Cậu bé đi tìm một lúc lâu, sau cùng quay trở lại, giàn giụa nước mắt: "Con không thể tìm được gậy, nhưng đây là hòn đá, mẹ có thể ném con".

Lúc đó, bà bật khóc vì nhận ra những gì con trai đang chờ đón. Cậu hẳn phải có suy nghĩ: "Mẹ muốn làm đau mình, và mẹ có thể ném đá vào người mình thay cho roi".

Bà ôm lấy con và cả hai cùng khóc. Rồi bà đặt viên đá con nhặt được lên kệ bếp như một lời tự hứa với bản thân vào thời điểm đó, đừng bao giờ dùng bạo lực với con trẻ!

Tuy vậy, nếu chúng ta nuôi dạy trẻ mà không có bạo lực và không bó buộc, liệu chúng ta có tạo ra một thế hệ con người chung sống trong hòa bình vĩnh cửu? Chỉ những tác giả viết sách cho trẻ em mới đủ đơn giản để tin vào điều đó! Tôi biết rõ rằng đó sẽ là một Utopia (xã hội lý tưởng). Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác trong thế giới khó khăn này mà chúng ta cần thay đổi để đạt được hòa bình. Nhưng tại thời điểm này, mặc dù không có chiến tranh, vẫn có quá nhiều điều tàn ác và bạo lực đang diễn ra trên thế giới, và những đứa trẻ của chúng ta không bị che mắt trước những điều đó. Chúng nhìn thấy, nghe thấy và đọc về nó mỗi ngày, và không còn nghi ngờ gì về việc cuối cùng chúng sẽ tin rằng bạo lực là trạng thái tự nhiên của mọi việc. Không phải chúng ta ít nhất cũng có thể làm gương, cho chúng thấy còn cách khác để sống ngay ở mỗi gia đình hay sao?

Có lẽ ai cũng cần một hòn đá nhỏ trên kệ bếp như một lời nhắc nhở thường xuyên cho bản thân và cho con em của mình: Đừng bao giờ dùng bạo lực!
A. Lindgren"
Phiêu Linh

No comments:

Post a Comment