Thần giao cách cảm. Ngày xưa lúc tôi còn trẻ, tôi không tin thần giao cách cảm, tôi cho đó là mê tín dị đoan. Từ ngày qua Mỹ với mấy chục năm làm việc chùa, tôi chứng kiến tận mắt những cảnh nhân quả nhãn tiền, những cảnh thần giao cách cảm linh thiên kỳ diệu.
Thuyết nhà Phật, con người chết chưa phải là hết. Tôi tin thuyết nhà Phật, con người chết chẳng qua thay bỏ cái võ bên ngoài, phần hồn thì vẫn còn và tuỳ theo nghiệp chướng mà phần hồn được vãng sanh hoặc bị đày đoạ xuống địa ngục hoặc bị chui vào cái võ khác trên trần gian để trả cho hết nghiệp. Trừ khi được vãng sanh, phần hồn còn thì sự liên lạc vẫn còn? Sự liên lạc huyền bí nầy mà người đời gọi là thần giao cách cảm?
Thần giao cách cảm là tri thức ngoài giác quan. Con người có năm giác quan, và thần giao cách cảm được coi như là giác quan thứ sáu hay là nhận thức dị thường. Thần giao cách cảm không chỉ là hiện tượng huyền bí giữa người chết và người sống, mà ngay cả giữa người sống với người sống.
Một sự việc chứng minh cho thần giao cách cảm. Chiều hôm ấy tôi đang ở Túc Trưng Long Khánh chuẩn bị cho tài xế lái xe jeep đưa tôi đi bắn nai ban đêm. Tự nhiên tôi thấy buồn rã rượi, không muốn đi săn chút nào! Tài xế lái xe đưa tôi ra núi cho tôi điều chỉnh súng trước khi đi. Súng săn của tôi là loại súng hảo hạng của Mỹ dùng để bắn lén. Mỹ đem loại súng nầy qua VN có ba cây, vậy mà tôi có được một cây do tôi quen biết với Quân Cụ. Là loại súng hảo hạng, vậy mà khi tôi lên đạn bóp cò, súng không nổ. Tôi lên đạn bóp cò thêm vài lần, và súng vẫn không nổ. Tôi là xạ thủ võ biền đại diện VNCH đi Pháp bắn thi quốc tế Năm 1974, và tôi chưa bao giờ chứng kiến súng bắn không nổ! Có phải đấng linh thiên nào đó dùng thần giao cách cảm bảo tôi đừng đi? Tôi không hiểu, cho tài xế sửa súng và tiếp tục đi. Rồi xe tôi bị mìn, tôi bị thương nặng......!
Một sự việc khác chứng minh cho thần giao cách cảm. Sáng hôm ấy tôi cất cánh chiếc máy bay U6 từ Sàigòn đi làm việc Trắc Giác ở Sóc Trăng. Trong phi đoàn tôi có Thiếu Uý Khương phi công C47 ở Mỹ mới về. Khương người Việt gốc Miên quê ở Sóc Trăng. Khương xin theo tôi về Sóc Trăng thăm mẹ. Tôi làm việc xong, rồi Khương xin tôi nhào múc trên nhà cho Má Khương xem máy bay vì Má Khương chưa thấy máy bay. Nhào múc là nghề của tôi từ khi tôi bay L19 và A1. Vậy mà hôm ấy tự nhiên tôi nói với Khương: "Tôi mệt quá, tôi chỉ bay quẹo 45 độ sát nóc nhà cho Má anh xem được không?" Khương đồng ý. Tôi quẹo sát nóc nhà cho Má Khương xem máy bay và hai Má con nhìn thấy nhau, một hồi rồi tôi đáp phi trường Sóc Trăng. Khương đón xe lam về thăm mẹ, còn tôi và anh thượng sĩ Phòng 7 ra phố ăn trưa. Chiều hôm ấy tôi cất cánh máy bay từ Sóc Trăng về Sàigòn. Lên trời tôi bảo Khương bay, tôi ngủ. Một lúc sau tôi đang ngủ, Khương đánh thức tôi: "Ông Thầy ơi! Sao máy bay tôi hết điều khiển được nữa rồi?". Tôi cầm cần lái. Tôi giận toát mồ hôi. Đặc công gỡ cần lái! Từ cần lái xuống các bộ phận máy bay có những sợi dây cáp, những sợi dây cáp nầy dính với cần lái bằng con óc to lớn. Thay vì xỏ con óc vô dây cáp từ trên xuống và vặn cứng con tán rồi khoá lại cho nó không sút ra. Đàng nầy đặc công xỏ con óc vô dây cáp từ dưới lên, vặn con tán lỏng lẻo và không khóa. Lên trời máy bay rung làm con tán rớt ra rồi vì xỏ vô ngược nên con óc cũng rớt ra! May mà có đấng linh thiên nào đó dùng thần giao cách cảm bảo tôi đừng nhào múc. Nếu không thì tôi, Khương và anh Thượng Sĩ chết oan. Sau cùng tôi dùng "trim" bay và đáp an toàn ở Sàigòn.
Thêm hai truyện có thật chứng minh cho thần giao cách cảm. Tôi đọc truyện "Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân - Click vào đây để xem Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân", rồi thêm truyện "Tấm Thẻ Bài" hôm nay. Chỉ cần hai sự việc nầy thôi đủ chứng minh cho tôi thấy thần giao cách cảm là hiện thực. Cám ơn anh HQK12 Trần Văn Ba đã gởi cho tôi truyện "Tấm Thẻ Bài". tth
Sau đây là truyện Tấm Thẻ Bài:
Tấm Thẻ Bài
Tác Giả: Bút Xuân Trần
Đình Ngọc
(Thân hữu kể lại cho biết đây là
chuyện có thực nhưng người trong chuyện muốn ẩn danh nên phải đổi
tên.)
Chị Buôn đứng
ngồi không yên. Lòng chị bồn chồn như lửa đốt đến nỗi chị không thiết ăn uống gì
mà cũng chẳng muốn nấu cơm cho các con chị ăn. Sự sống còn của gia đình chị bấp
bênh quá vì mới thoáng nghĩ đến ngày mai, chị đã rùng mình, người như muốn lên
cơn sốt. Xung quanh chị, ngưòi ta cũng lo lắng như chị và có mấy người như chị
Thảo, chị Đàm, cô Bé, mấy tuần nay chẳng hiểu đi đâu mà chị không gặp. Ghé nhà
coi thì cửa đóng kín, hỏi người kế cận, họ cũng mù tịt, chẳng biết các gia chủ
và con cái đi đâu?
> Trong khi tin đồn mỗi ngày một nhiều và toàn là những
tin hãi hùng thì tình trạng cấm trại 100% vẫn duy trì cho những quân nhân có
nhiệm vụ bảo vệ hậu cứ Sư đoàn 2 Bộ binh ở Chu Lai. Các Trung đoàn tác chiến đã
bung ra khắp vùng lãnh thổ trách nhiệm để ngày đêm quần thảo với địch mà quân số
và vũ khí hơn ta 10 lần. Cuộc chiến quả là cam go, khốc liệt. Kể từ ngày mất Ban
mê Thuột, rồi di tản Pleiku, Kontum, di tản Huế, Đà Nẵng...miền Trung lên cơn
sốt chưa từng có trong lịch sử miền Trung. Cơn sốt dữ dằn cái Tết năm Mậu Thân
(1968) cũng là một cơn sốt nhớ đời, nó lấy đi mạng sống hàng chục ngàn người,
thiêu rụi tàn phá hàng ngàn nóc gia và công thự, nó để lại một tấm khăn sô vĩ
đại cho Huế và miền Trung mà mỗi lần nhớ lại chị Buôn còn rùng mình vì cha và
hai người anh chị đã chết trong biến cố đó, chết chôn tập thể cùng với cả trăm
người ở một cái hố lớn được đào sẵn, nông cời, ở một vùng hẻo lánh ngoại vi Huế.
Hai người anh của chị, một là quân nhân, một là viên chức xã ấp VNCH nhưng còn
cha chị chỉ là một ông thợ hồ mà cũng tử thương vì một cán cuốc trước khi đẩy
xuống hố ở Khe Đá mài.
> Nhưng so ra, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân
quả chưa thấm tháp gì với kỳ này. Dù trình độ học vấn chưa hết bậc tiểu học
nhưng nghe mãi radio và thỉnh thoảng qua lối xóm bàn tán, kháo chuyện thời sự,
chị Buôn cũng biết Quân đội Mỹ đã rút đi hết, chỉ còn để lại ít Cố vấn để làm
việc với các cấp chỉ huy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà thôi. Súng đạn tiêu
thụ, mất mát không thay thế, các cơ phận rời không tiếp liệu; đại pháo, phi cơ
không yểm trợ; trực thăng, xe tăng giới hạn xăng, dù đầu óc kém cỏi, quê mùa như
chị Buôn cũng thấy Cộng hòa miền Nam Việt Nam khó sống nổi, đâu cứ phải thức giả
mới biết!
> Địch chiếm Sa Huỳnh, điểm địa đầu tỉnh Quảng Ngãi với ý đồ
chận đường quân dân ta đào thoát vào miền Nam và cô lập hẳn từ Quảng Ngãi trở
ra. Hồi đầu năm 1973, địch đã chiếm thị trấn Sa Huỳnh. Theo tin tức thì từ
28-1-1973 cho đến 16-2-1973, Sư đoàn 2 Bộ binh đã tái chiếm Sa Huỳnh với sự yểm
trợ mạnh mẽ của hai tiểu đoàn Pháo binh với sáu Pháo đội tác xạ đồng thời gây
cho địch những tổn thất lớn về quân dụng và nhân mạng.
> Ngày 15-2-1973, Quốc lộ 1
được khai thông. Một đoàn xe dân sự nối đuôi nhau cả mấy cây số hân hoan lăn
bánh trở vào Nam.
> Nhưng đó là năm xưa,
chuyện cũ. Giờ đây, giữa tháng 3-1975, địch lại chiếm Sa Huỳnh và cơ hội tái
chiếm Sa Huỳnh mỏng manh như sợi tơ nhện giăng trước cửa nhà chị Buôn. Người Mỹ
đã định bỏ Miền Nam Việt Nam cho kẻ thù của họ, đã ngại phải đổ thêm quân dụng,
quân nhu vào một cuộc chiến dằng dai với số tử vong của binh sĩ Mỹ đã lên tới
con số 58,000 người, đã ngại khi phải đối đầu với xe tăng Nga, đại pháo Trung
cộng và tiểu liên Tiệp khắc!
> Trưa ngày 22-3-1975, đang
lúc chị Buôn đứng ngồi không yên thì anh Buôn về, dáng điệu hớt hải, mặt mày
buồn so. Chị Buôn thấy chồng mừng quá muốn la lên, bốn đứa con anh cũng bu lấy
bố.
> “Anh ơi!” chị Buôn rên rỉ, “anh cứ đi biền biệt mà tình hình này
nguy hiểm quá lắm rồi. Xóm láng giềng họ đi đâu hết trơn. Anh tính sao
đây?”
> Ba đứa nhỏ nhất, thằng Tung, thằng Chưởng và con Bi mới 6, 4 và 3
tuổi đeo cứng lấy anh Buôn làm anh phải gỡ tay chúng ra. Đứa con gái lớn nhất
của anh chị mới 10 tuổi, con Lệ, phải can thiệp. Nó là đứa con khôn và ngoan
nhất của anh chị Buôn. Nó kéo tay hai đứa em:
> “Bi và Chưởng ra đây với
chị. Để ba má bàn chuyện.”
> “Anh đã ăn cơm chưa?” Chị Buôn hỏi
chồng.
> “Cơm nước gì đâu. Đến bữa không ăn thì đói mà giá có dọn cơm ra
đó cũng không nuốt vô. Tình hình bết bát quá. Miền Trung không khéo mất
thôi!”
> “Thôi để em nấu mì gói cho cả nhà ăn. Em và các con cũng chưa ăn
uống gì.”
> Nói rồi, chị Buôn đi lấy soong đun nước sôi và mở từng gói mì
khô bỏ vào soong, múc ra sáu, bảy tô cho mỗi người một tô. Chị vừa ngồi nhìn
chồng và các con ăn vừa đút cho con Bi.
> “Má ăn đi! Má để con đút cho nó,
má!”
> Lệ buông đũa mặc dù nó vừa bỏ vào miệng được một gắp mì.
>
“Con cứ ăn cho no đi. Để má ăn sau cũng được.”
> Anh Buôn ngồi nhìn vợ con
muốn ứa nước mắt. Gia đình anh đang yên vui mặc dù với lương Trung sĩ, anh chị
vẫn phải hết sức tiện tặn mới tạm đủ. Đồng bạc Việt Nam Cộng hoà kể từ sau vụ
Tết Mậu Thân cứ sụt giá đều đều. Trước kia hai đồng bạc mua được bó rau muống,
bây giờ bó rau muống cũng phải bốn, năm đồng. Trước kia hai chục một lít gạo
vừa, bây giờ giá gấp đôi. Vật giá tăng như thế nhưng lương lính không tăng hoặc
chỉ tăng chút đỉnh. May mà có hàng Quân tiếp vụ để lần hồi qua ngày chứ cứ trông
vào đồng lương còm cõi của anh thì tặn tiện lắm cũng chỉ đủ cho hai bữa cơm bình
dân mỗi ngày. Dù vậy, anh Buôn vẫn thấy cuộc sống có thoải mái. Khi Sư đoàn có
lệnh đi hành quân thì đi, sống chết phó thác mặc trời, còn không thì ở hậu cứ
canh gác doanh trại, mỗi ngày về ăn cơm cũng được gặp vợ con một lần.
> Bữa ăn quá buồn tẻ mặc dù
mấy đứa nhò đều thích mì gói. Chỉ thiếu mấy lá rau cải xanh tươi cho vào ăn đỡ
ngán nhưng cả hai tuần nay, chị Buôn đâu có thiết đi chợ đi búa gì. Ngôi chợ xép
ở ngay cạnh trại gia binh, mấy hôm nay chẳng biết có ai mang rau cải đến bán
không?
> Anh Buôn ăn xong tô mì.
Anh giở gói thuốc lá Quân tiếp vụ ra châm một điếu và đi kiếm ly uống nước trà.
Chị Buôn hỏi lại câu hỏi vừa nãy mặc dù chị có linh cảm anh không tìm ra câu trả
lời.
> “Bây giờ anh tính sao đây anh?”
> Những vết nhăn trên trán
anh có vẻ nhiều hơn:
> “Tui rối ruột quá, má con Bi à! Việt cộng đánh khắp
nơi loạn xà ngầu mà thiết giáp, pháo binh và nhất là không quân không còn yểm
trợ cho bộ binh như trước. Năm mươi phần trăm cũng chả được. Nghe đồn là xăng
máy bay, xe tăng và đạn pháo binh đã cạn, người Mỹ chưa tiếp tế sang. Anh em
trong tiểu đoàn xôn xao lắm mặc dù cấp trên vẫn trấn an hằng giờ, hằng ngày. Có
mấy thằng bạn tui đã đào ngũ. Cấp chỉ huy cũng có nữa. Tui nghe người ta ùn ùn
lên tầu ở Đà nẵng để kéo vào Sàigòn, người chết cả mấy trăm vì rớt sông, rớt
biển. Hãi hùng lắm, má con Bi à!”
> “Thôi, em bàn với anh,” chị Buôn giọng
xác quyết,”Chết một đống hơn sống một người. Nếu ông Trời đến lúc đổn miền Trung
này thì cứ cho vợ chồng con cái mình chết chung một huyệt, chứ đừng để người còn
kẻ mất đau lòng lắm. Mà em cũng không ưng ở lại sống với họ. Mình là lính Cộng
hoà từ bao nhiêu năm nay, kẻ thù không đội trời chung với họ, làm sao họ để yên
mình?”
> Hai vợ chồng anh Buôn vừa
bàn tới đó thì nghe tiếng gõ cửa rồi một khuôn mặt nhô vào:
> “Buôn đã về
đấy hả, tình hình ra sao?”
> Vợ chồng anh Buôn nhìn ra. Đó là Thượng sĩ
Sáu, hạ sĩ quan trông coi trại gia binh, hai vợ chồng thường lui tới chuyện trò
thân thiết với vợ chồng anh Buôn. Buôn nhìn thấy Sáu liền chạy ra cửa đón vào
trong. Tình thế tuyệt vọng này, bất cứ người bạn thân nào cũng quí dù chỉ để
nghe một lời an ủi bởi mọi sự nâng đỡ, trông cậy, hi vọng dường như đã cạn
kiệt.
> “Vào đây đã anh Sáu. Ủa có cả chị Sáu nữa. Mời anh chị vào đây một
chút đã!”
> Con Lệ và hai ba đứa nhỏ vòng tay chào vợ chồng anh Sáu. Chị
Sáu xoa đầu con Bi bảo anh chị Buôn:
> “Vợ chồng anh coi bộ bình tĩnh quá
trong khi mọi người quýnh quáng hết lên rồi. Không định chạy vào Nam
sao?”
> “Chị Sáu ơi,” chị Buôn ôm lấy vai người bạn gái la lên nho
nhỏ,”tụi em có biết phải chạy đi đâu đâu. Anh chị có đường, có nẻo nào làm phước
chỉ cho tụi em với!”
> Anh Sáu trấn an:
> “Nghe các cấp nói tầu Hải
quân đậu ở ngoài biển nhiều lắm. Ngày mai người ta bắt đầu rước binh sĩ và gia
đình lên tầu chạy vào Sàigòn.”
> Buôn nhìn Sáu:
>
“Sao tôi không nghe gì hết. Mai vào giờ nào vậy anh Sáu?”
> “Chắc từ sáng
sớm. Tin phổ biến hạn chế nên nhiều người không biết. Thôi, tụi tui phải đi vài
công chuyện nữa. Chào anh chị. Gặp sau nghe!”
> Vợ chồng anh Sáu ra khỏi,
chị Buôn hỏi chồng:
> “Tin tức sốt dẻo vậy mà anh không nghe gì
sao?”
> “Không ai nói tui hết. Có lẽ họ sợ người ra bãi biển đông quá rồi
không đủ tầu mà lên nên phải thân thiết họ mới nói. Tui bàn với má con Bi ở nhà
cụ bị quần áo cho lũ nhỏ, chỉ bỏ vào mấy cái túi vải vừa đeo. Chớ chồng chất
nhiều, không đeo nổi. Sáng mai tui ở Đại đội về là ra bãi biển Chu Lai. Người ta
sống, mình sống. Người ta chết, mình chết. Đã đến nước này thì sợ cũng không
được nữa.”
> Nói xong, anh Buôn ôm hôn
bốn đứa con rồi tất tả ra đi. Tiếng súng giao chiến giữa hai bên ở xung quanh
căn cứ Chu Lai vẫn nổ đều đều, lúc xa, lúc gần. Trại gia binh mọi khi đông vui,
mỗi buổi chiều các bà vợ quân nhân ra giếng múc nước, gặp gỡ chuyện trò trước
khi về nhà nấu bữa cơm tối cho chồng con. Tiếng hát tân nhạc, cải lương, hò Huế,
tiếng đọc tin đều đều từ các máy thu thanh khắp một khu trại hoà lẫn với tiếng
trẻ nhỏ nô đùa sau giờ học ban chiều làm trại gia binh mang một bộ mặt tươi vui,
đầm ấm. Nay trái lại, người lớn trẻ con đi đâu cả, chỉ thỉnh thoảng mới thấy một
người lướt đi như cái bóng. Không khí có vẻ rờn rợn, ma quái, chết chóc thế nào
ấy vì nó thiếu hẳn những ánh đèn ấm áp từ trong các căn nhà lấp ló ra đường, ra
sân; thiếu hẳn những làn khói trắng ấm áp nhà nhà đun bếp lùa qua cửa sổ và nhất
là nó thiếu hẳn một sự an bình trong tâm hồn những trại viên còn đang ở tại trại
nghe ngóng tin tức từng giờ từng phút.
> Chị Buôn kiếm được ba cái
túi vải và một cái ba-lô nhà binh. Chị nhét vội mấy cái quần áo của lũ nhỏ vào,
không quên mấy tờ giấy khai sanh, căn cước. Vài cái chăn mền to và lồng phồng,
vài cái nồi niêu để nấu nướng và đồ lặt vặt, chị bỏ lại hết. Duy có thùng mì gói
chị cố mang đi để phòng khi đói có cái lót dạ. Chị chia cho anh Buôn cái ba-lô
đeo vai và bồng thằng Chưởng; chị đeo một túi xách và bồng con Bi; con Lệ đeo
một túi xách, còn thằng Tung không phải đeo gì. Mở ngăn kéo bàn, chị quơ thêm
được chai dầu gió xanh, chị nhét vào túi con Lệ để đề phòng cảm mạo.
> Tiếng súng nổ rải rác
suốt đêm, cả tiếng trọng pháo và tiểu liên. Mấy đứa nhỏ và chị Buôn chúi vào một
cái giường vì quá sợ không dám nằm riêng như mọi khi. Trẻ con dễ ngủ. Nằm êm êm
chúng đi vào giấc ngủ. Con Lệ lớn nhất nằm phía ngoài còn con Bi rúc vào lòng mẹ
ngủ say.
> Chị Buôn không ngủ nổi vì trăm mối vương vấn bên lòng. Ba má
chị ở miền Nam, cả mấy tháng nay không có thư từ. Ba má anh Buôn ở Nha Trang.
Chị cầu mong vào được Sàigòn để chị đi Trà Vinh gặp lại cha mẹ. Hoặc có tệ cũng
ra tới Nha Trang, nơi gia đình anh Buôn.
> Chị suy nghĩ vẩn vơ cho
đến lúc thiếp đi được một lát rồi giật mình tỉnh dậy vì tiếng nổ rất gần của mấy
trái hoả tiễn của địch. Sở dĩ chị phân biệt được trái đại bác của ta câu đi và
trái hoả tiễn của địch phóng đến vì anh Buôn đã dạy chị. Buôn bảo vợ tiếng nổ ở
trong trại gia binh thì chỉ có địch phóng hoả tiễn, B40 hoặc bích kích pháo vào.
Tiếng nổ của đại bác ta câu đi nghe nhỏ, chỉ ục một cái. Nghe riết quen, phân
biệt được liền.
> Mấy đứa nhỏ cũng bị đánh
thức. Đạn nổ gần quá rung chuyển cả cái nhà mỏng manh trại gia binh. Mấy đứa trẻ
ôm chặt lấy mẹ. Chúng quá sợ hãi. Chúng mất tinh thần. Mà chẳng riêng chúng, chị
Buôn cũng quá sợ. Chính từ những cánh tay và bàn tay gầy guộc, nhỏ xíu đó mà chị
còn cảm thấy vững dạ khi nằm đây. Chị cảm thấy cuộc đời sao quá nhiều đau thương
và gai góc. Chị thương những đứa con hơn chính thân chị. Chính bởi thương chúng
quá nên nghe hoả tiễn của Cộng sản từ xa phóng vào, chị đã có ý nghĩ kỳ cục. Chị
mong có một trái rớt trúng cái giường chị và lũ nhỏ đang nằm. Vậy là xong hết.
Khỏi buồn phiền, sợ hãi. Khỏi chạy đi đâu cả. Quả đạn rớt lúc có anh Buôn thì
càng tốt vì cả gia đình cùng đi một lượt. “Chết một đống hơn sống một người”,
ông bà mình đã nói như thế từ ngàn xưa!
> Nhưng trái hoả tiễn không
rớt trúng ngay giường chị Buôn như chị ước muốn mà nó rớt ở khu B, phía ngoài.
Sau ba tiếng nổ trời long đất lở, có tiếng hét, tiếng khóc, tiếng trẻ con la và
tiếng chân chạy thình thịch từ khu A của chị Buôn sang khu B. Chị đoán có người
chết và người bị thương vì đạn phóng vào khu gia binh đông đảo vợ con lính và Hạ
sĩ quan như thế này, không thể không có chết, một nhiều một ít thôi!
> Trời đã sáng rõ. Những
trái đạn không còn rơi ở khu gia binh của chị Buôn nhưng chúng đã xê dịch xa hơn
về phía Bắc. Chị Buôn không dám bỏ con để sang khu B xem nhà ai bị trúng đạn
nhưng chị nghe tiếng vợ Hạ sĩ Chuyết nói với mấy người ở ngoài đường:
>
“Chết trọn hai gia đình vợ con ông Thượng sĩ Chí và Thượng sĩ Lạch, cả thảy mười
hai, mười ba người. Bị thương hai nhà hai bên cũng cả chục. Máu me, thịt xương,
tay chân vung vãi trông ghê lắm mà nhà cửa đồ đạc tan tành, nát nghếu
hết.”
> Tiếng một người
khác:
> “Tình hình này rồi ai chôn ai đây? Hai ông Thượng sĩ đi hành quân,
lấy ai đi báo cho các ông ấy về chôn vợ con?”
> Chị Buôn cảm thấy đau
lòng cho những người xấu số. Như trước đây đã có xe nhà binh chở hòm tới tẩn
liệm rồi đưa đi chôn, dù có chết cũng có chỗ để an giấc ngàn thu. Giờ này đám
xương thịt bèo nhèo tan nát lẫn với máu me sẽ còn phải nằm ở đó cho đến bao giờ?
Ai là người có can đảm và hi sinh đứng ra chôn cất cho những người xấu số đang
lúc dầu sôi lửa bỏng này? Ai cũng phải lo vấn đề di tản cho gia đình người ta
trước nhất, sau đó mới đến những việc khác. Giả sử những cái xác đó là bố mẹ,
ông bà, anh em, con cháu họ chưa chắc họ đã dám hi sinh thời giờ lo chôn cất.
Tất cả chỉ vì họ không muốn bị kẹt lại sống với Cộng sản, không muốn con cái họ
sống với Cộng sản. Trong 30 năm với ít nhiều hiểu biết về con người Cộng sản, họ
đã quá ghê tởm cái chế độ phi nhân coi con người như những dụng cụ không hơn
không kém, trói buộc và đối xử với con người như đàn nông súc chỉ biết có mỗi
một điều: sản xuất để mang lại lợi nhuận cho bộ máy cầm quyền và đảng viên Cộng
sản. Chị Buôn không biết gì về lý thuyết Cộng sản nhưng kinh nghiệm xương máu
với Cộng sản thì chị có thừa: cha, hai người anh ruột của chị đã bị Cộng sản
giết Tết Mậu Thân 1968.
> Về hai gia đình mới chết,
chị Buôn nghĩ dù có dã man đến mấy thì quân Cộng sản cũng phải chừa trại gia
binh ra vì toàn là đàn bà, con nít vô tội. Sao họ nỡ bắn hoả tiễn vào trại gia
binh như thế? Họ có còn là con người không hay đã mất hết nhân tính xuống hàng
thú vật?
> Khoảng 9 giờ sáng, anh Buôn đẩy cửa bước vào nhà, chị Buôn và
mấy đứa nhỏ chưa kịp mừng thì anh đã hối, vừa nói vừa thở:
> “Mấy má con
đeo đồ lên vai và theo tôi đi!”
> Chị Buôn nhìn chồng:
> “Giờ đi
đâu, hả anh?”
> Anh Buôn gắt:
> “Thì nói đi là cứ đi. Đi theo tôi!
Không còn giờ để cà rề cà rà!”
> Chị Buôn và mấy đứa con
riu ríu đeo túi lên vai. Một cái ba-lô quan trọng thì chị tròng vào vai cho anh
mặc dầu ở vai kia, anh đang đeo khẩu M16 và mấy gắp đạn. Cửa khép hờ, vả lại giờ
này cũng chẳng biết sao hơn; vợ chồng anh Buôn và mấy đứa con bương bả ra khỏi
nhà.
> Hôm đó là sáng ngày
23-3-1975.
> Anh Buôn dẫn vợ con ra mé lộ, vợ chồng con cái xăm xăm đi ra
phía bờ biển. Chợt anh thấy một chiếc xe Lam ba bánh đang chạy ngược chiều về
phía anh. Chiếc xe Lam của người quen, anh Năm Quảng Ngãi đang bon bon trên
đường. Anh Buôn giơ tay chận xe lại, lúc đó Năm Quảng Ngãi cũng đã nhận ra bạn.
Anh ta ép sát lề.
> “Anh chị và các cháu đi đâu đây?”
> “Tụi tui ra
bãi biển Chu Lai. Anh Năm cho vợ chồng tui và các cháu ra đó được
không?”
> “Anh Buôn tính đón tầu Hải quân vào Sàigòn sao?”
> Vốn bạn
thân thường nhậu nhẹt với nhau, Buôn phải nói thật, vả lại nhìn bầu đàn thê tử
của Buôn, người ta cũng đoán anh định đi đâu.
> “Tui không giấu gì anh, vợ
chồng tui và các cháu tính ra bãi biển xem có tầu Hải quân thì vào Nam với ông
bà ngoại các cháu mà không được như vậy thì ra tới Nha Trang có gia đình ông bà
nội các cháu cũng được.”
> Năm sốt sắng:
> “Lên xe đi, tôi chở dùm
anh chị và các cháu ra bãi biển. Nhưng ở ngoài đó giờ này đông lắm rồi. Sáng đến
giờ tôi đã chở cả chục chuyến, lại còn mấy xe khác nữa. Có người ngủ đêm rồi ở
bãi biển.”
> Vợ chồng anh Buôn và con
cái leo lên, chẳng biết sẽ ra sao, thôi đành phó thác cho định mệnh.
> Khi xe tới nơi, Buôn thấy
một rừng người mà ngán ngẩm. Tầu nào chở cho hết đám người này? Ở ngoài xa có
mấy chiếc tầu Hải quân mầu xám đang đậu và mấy chiêc ca-nô chạy qua chạy lại
nhưng với số người đứng kín một bãi biển mà nếu đếm ra có ít cũng hơn vài chục
ngàn, tầu bè đâu mà chở cho hết? Dầu sao anh cũng vẫn hi vọng. Nhất là chị Buôn,
sống chết gì chồng, các con chị và chị cũng phải rời nơi này.
> Cuộc sống êm đềm của miền
Trung từ năm 1954, sau khi chia đôi đất nước đã làm cho tâm tư chị chỉ nghĩ đến
những người lính như chồng chị hằng ngày hằng đêm xả thân để bảo vệ lá cờ vàng
ba sọc đỏ tượng trưng cho Dân chủ,Tự Do, tượng trưng cho An bình, No ấm.
> Anh Buôn bồng con Bi, đeo
súng đạn và ba-lô. Chị Buôn dắt thằng Chưởng vì bồng nó một lúc đã quá mỏi. Vai
chị đeo cái túi xách trong có bi-đông nước và ít gói mì để có cái mà ăn cầm hơi
trên tầu. Con Lệ dắt tay thằng Tung, thằng Tung nắm lấy tay ba má nó vì anh Buôn
đã dặn cả nhà cẩn thận kẻo lạc, lúc được lên tầu mà còn thiếu một đứa thì coi
như phải ở lại hết.
> Một rừng người xơ xác,
mặt mày thất thần như gà phải cáo đứng khít vào nhau nhìn ra biển, chỗ mấy chiếc
tầu Hải Quân Quân lực VNCH đang đậu. Không có một tiếng cười dù là của trẻ nít
mà chỉ nghe những tiếng bàn tán nhỏ nhỏ của người lớn và thỉnh thoảng tiếng khóc
của con nít. Trong cuộc đời của chúng, chúng chưa từng thấy một lần như thế này.
Xớn xác, lo âu, hỗn độn, đau khổ và mệt mỏi. Một rừng người đông như thế nhưng
không có người đứng ra chỉ huy.
> Người ta lội dần dần ra
phía biển để hi vọng lên tầu trước. Ai cũng chỉ nghĩ đến gia đình mình và tìm
mọi cách bảo bọc cho chu toàn. Có mấy người đàn bà đứng khóc rưng rức vì lạc
chồng, lạc con. Không phải chỉ có gia đình quân nhân Sư đoàn 2 Bộ Binh mà còn đủ
mọi thành phần xã hội ở nhiều nơi tụ tập về đây vì nghe đồn tầu Hải Quân Việt
Nam Cộng hoà sẽ đón hết đưa vào Nam. Người ta bí mật truyền tai nhau ở Sàigòn
sắp có Chánh phủ Hoà hợp Hoà giải Dân tộc gồm ba thành phần: Việt Nam Cộng Hoà,
Mặt trận giải phóng miền Nam của Việt cộng và thành phần trung lập, không thuộc
phe nào. Có một số chính khách và nhà tu hi vọng mình sẽ đứng trong các thành
phần đó để tham gia Chánh phủ, để lại ăn trên ngồi trốc, danh tiếng vang
lừng.
> Người ta cũng đồn từ Nha
Trang đến Quảng Trị sẽ nhường cho Bắc Việt, sẽ theo chế độ Cộng sản. Còn từ Nha
Trang trở vào miền Nam sẽ thuộc Chánh phủ ba thành phần. Vì vậy, cách gì cũng
phải rời miền Trung cho sớm để bảo đảm một cuộc sống dễ thở dù là bỏ lại hết mọi
thứ. Cuộc di cư năm 1954 đã cho nhiều người cái kinh nghiệm ấy. Mất hết cũng
được nhưng còn Tự Do, Dân chủ là còn tất cả. Mất Tự Do, Dân chủ là mất
hết.
> Người dân Việt đã mất rất
nhiều lần rồi lại bắt đầu làm lại nhưng họ nghĩ chẳng thà như thế hơn là ở lại
sống với bọn người phi nhân, tàn độc, mất gốc, tay sai Cộng sản Quốc tế.
>
Hoà Hợp hoà giải, họ nghĩ vậy - dù có Cộng sản trong đó - vẫn còn khả quan hơn
toàn Cộng sản. Kể từ tháng 7-1954, người dân từ vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương trở
vào đến mũi Cà Mau và ra tới tận các đảo Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa
đã quá sợ chủ nghĩa Mác Xít, chủ nghĩa sắt máu chỉ đem lại đau khổ, chết chóc,
đói rét, nô lệ, lầm than cho người dân.
> Bỗng đám đông ồn ào và
náo loạn hẳn lên. Người ta đã nhìn thấy mấy chục người đàn ông bơi ra xa và được
ca-nô đón, đưa lên tầu lớn vì tầu lớn sợ mắc cạn không dám vào sát bên trong.
Người ta ùn ùn lội ra đồng thời giơ tay vẫy, miệng la oai oái:”Vào thêm tí nữa,
tí nữa. Sâu quá chúng tôi không lội ra được.” Hàng trăm, hàng ngàn cái miệng
cùng gào, hàng ngàn bàn tay cùng vẫy, hàng chục ngàn đôi mắt cùng hướng ra những
chiếc ca-nô đang đón khách. Bây giờ có phép gì phi thân ra tầu lớn để được chở
vào Nam thì có lẽ không điều gì trên cõi đời này hạnh phúc hơn!
Anh chị Buôn lúng túng với mấy đứa
con, nếu không, hai anh chị thừa sức bơi ra đến ca-nô vì cả hai đều biết bơi,
anh Buôn bơi giỏi là khác vì ngày xưa anh theo cha anh buôn bán trên thuyền, đi
hết nơi này về nơi kia để kiếm sống, đi sông nước nhiều, anh phải luyện nghề bơi
cho giỏi. Đã có lúc anh tính vứt hết súng đạn đi cho rảnh tay để bồng con, từng
đứa một, bơi ra ca-nô. Nhưng rồi anh lại ngần ngừ. Khẩu súng này với anh từ lâu
nay giống như người bạn chí thiết. Anh ở đâu, súng ở đó; anh đi đâu, súng đi đó.
Súng là vị thần bản mệnh vì không có súng, anh không biết xoay xở thế nào khi
hữu sự. Súng cũng là người bạn để anh ôm ấp, nâng niu, trìu mến khi vui cũng như
khi buồn. Anh nghĩ chỉ khi chết anh mới buông tay súng mà thôi. Và dù nó nặng vì
cộng thêm mấy gắp đạn, anh Buôn chịu cực ôm khẩu súng, không nỡ vứt xuống
biển.
> Có hai chiếc ca-nô đã vào
gần hơn và đón được một số khách ra tầu lớn. Nước lên đến ngang thắt lưng anh
Buôn nhưng anh đã cho thằng Chưởng ngồi trên vai, hai chân nó kẹp lấy cổ anh cho
chắc. Còn con Bi cũng ngồi trên vai chị Buôn đứng cách anh Buôn mấy bước. Sóng
từ ngoài xô vào từng đợt làm người ta giang xa nhau và ngả nghiêng muốn té.
Thằng Tung và con Lệ vẫn dắt tay nhau đứng sau bố mẹ, không dám rời nửa bước mặc
dù nước đã lên đến cổ thằng Tung và đến ngực con Lệ nơi có tấm thẻ bài của anh
Buôn với sợi dây, anh đã tròng vào cổ Lệ từ lúc ngồi trên xe Lam.
> Người ta gọi nhau và gọi
những người trên ca-nô ơi ới. Họ không chen lấn tại một chỗ vì ca-nô đi rải rác
để bốc những người ra được đến mực nước sâu của ca-nô. Anh Buôn muốn lội ra chỗ
sâu hơn cho ca-nô dễ đón như những người đã lên tầu nhưng còn hai đứa con: Lệ và
Tung thì sao đây? Anh lấy ra mảnh vải hoa từ chiếc ba-lô đang đeo ở sau lưng mà
chị Buôn đã dùng để gói những thứ lặt vặt cho khỏi rơi mất, đem buộc nó vào đầu
một cây gậy mà nãy giờ anh dùng để chống đi cho vững. Anh quơ mảnh vải hoa lên
trời phất qua phất lại cho người lái ca-nô chú ý. Mảnh vải của anh có công hiệu
ngay. Một chiếc ca-nô xề tới làm vợ chồng anh và mấy đứa con mừng húm. Tuy
nhiên, người ta đông quá, chiếc ca-nô chưa vào tới chỗ anh thì nó đã đầy
người.
> Khi chiếc ca-nô cứu tinh
còn cách chỗ anh chị Buôn khoảng vài chục mét thì một tiếng nổ lớn phát ra trong
đám đông gần chỗ anh Buôn đứng.
Người ta nhốn nháo cả lên, tiếng
người lớn la hoảng, tiếng trẻ con khóc lóc, mọi người chạy dạt cả về phía trong
để lộ ra một khoảng trống cho thấy máu loang ra đỏ lòm nước biển, bảy tám người
bị miểng lựu đạn cắt trúng người té quị xuống nước trong đó có anh Buôn và đứa
con trai trên vai anh.
> Mới đầu người ta đoán
rằng có lẽ Việt cộng pháo kích nhưng sau tiếng nổ đó không có nữa. Mấy anh nhà
binh thường đi trận mạc thì bảo đó là một quả lựu đạn không biết từ đâu ném hoặc
phóng bằng máy tới.
> Chị Buôn thấy
chồng và con chết ngay trước mắt nên quá hoảng kinh. Chị lùi lại phía sau theo
phản ứng tự nhiên nhưng rồi chị lại bước tới ôm lấy xác chồng và xác con. Chị
lúng túng với đứa con ngồi trên vai nên không biết con Lệ đã bị sóng cuốn ra
phía ngoài còn thằng Tung mới bị sặc nước thì may mắn được một người đàn ông
đứng gần đó đưa vào bờ. May mắn nó vẫn còn sống nhưng kiệt lực nằm đó với đám
người đã chết.
> Dăm sáu anh quân nhân xúm
lại kéo bố con anh Buôn và những người đã chết vì trái lựu đạn vào bãi cát để
nằm đó. Thân nhân bu lại khóc lóc thảm thiết còn đám đông vẫn theo dõi những
chiếc ca-nô cứu tinh để may ra có được cơ hội lên tầu.
> Khi chị Buôn trực nhớ đến
con Lệ thì chẳng thấy nó đâu cả. Chị hoảng hồn dáo dác kiếm. Chị để anh Buôn,
thằng Chưởng và thằng Tung nằm đó, gửi con Bi cho người đàn bà cũng có con chết
đang ngồi đó, xong chị trở xuống biển chỗ lúc nãy vợ chồng con cái chị đứng, chị
khua chân quơ tay xem xác con Lệ có còn dật dờ ở đó không vì chị tin chắc nó đã
chết sau tiếng nổ dữ dội vừa nãy. Có mấy người đứng xung quanh đó cũng tìm giùm
cho chị nhưng một người đàn ông đứng gần đó nói:
“Con bé khoảng 9 hay 10 tuổi mặc
cái áo xanh, quần đen, cổ có đeo cái thẻ bài của lính là con chị sao? Nó được
một người trên ca-nô nhào xuống nước bơi vào vớt nó đưa lên ca-nô ra tầu lớn
rồi. Thật là may mắn cho nó!”
Chị Buôn khóc rưng rức, nước mắt
đổ ra như suối:
“May mắn gì đâu ông. Cả nhà tôi 6
người, chồng tôi và một đứa con chết, xác còn nằm trên kia, tôi và hai đứa em nó
sống dở chết dở, chỉ có mình nó lên tầu, cũng coi như mất tích. Chẳng thà người
ta đừng bắt nó đi mà để nó lại cho tôi vì tôi chỉ có nó là lớn.”
> Mấy chiếc ca-nô rước thêm
được khoảng vài trăm người nữa đưa ra mấy chiếc tầu lớn rồi người ta kéo những
chiếc ca-nô lên và tầu chạy ra khơi.
Đám đông di tản hụt ở bãi biển Chu
Lai tản mát dần vì nghe nói bộ đội Cộng sản sắp đến. Nhờ mấy anh em nhà binh
quen biết cũng trong trại gia binh giúp đỡ, chị Buôn mua săng ván làm lễ an táng
cho chồng và đứa con thân yêu, bạc số rồi ba mẹ con thu nhặt đồ lặt vặt ra khỏi
Khu Gia binh trước khi cán bộ Cộng sản đến đuổi nhà. Chị cố quên Lệ đi vì mỗi
lần nhớ đến nó, chị lại khóc.
> ***
Lệ được đưa lên tầu Hải quân với
chiếc thẻ bài đeo toòng teng nơi ngực. Người ta thấy có khắc tên: Lê văn Buôn Số
quân: ..... Họ hỏi Lệ. Lệ nói đó là tên ba nó, ba Buôn của nó, bị lọt lại với má
và ba đứa em tại bãi biển Chu Lai. Mới đầu Lệ sụt sùi khóc nhưng có người đàn bà
ngồi gần bảo nó khóc không ích gì. Nó cắn răng nghe lời bà này, làm theo những
gì người ta chỉ bảo. Tiếng nổ làm cho nó ù tai nhưng cái sợ làm nó quên cả. Kể
từ lúc quả lựu đạn nổ, nó gần như mê đi cho đến khi có người vớt nó đưa lên
ca-nô rồi lên tầu.
> Người vớt nó lên ca-nô và
đưa nó lên tầu, nhận nó là con nuôi là một Thiếu Uý Hải quân mới ra trường. Sau
thời gian huấn luyện dài đằng đẵng, tim anh còn đầy ắp tình người dành cho đồng
hương và cả nhân loại. Ước mơ của anh là những chuyến hải hành xa, đi đến chân
trời góc biển, đi đến những đô thị lớn hoa lệ, nguy nga, ngợp ánh đèn về đêm và
nườm nượp xe cộ, người đi bộ trên hè phố ban ngày.
> Anh tên Lê trọng Nghĩa,
28 tuổi, quê quán ở miệt Thủ dầu Một, ra trường với hạng cao trong số hơn 60
sinh viên tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và hiện là một sĩ quan ưu
tú của Giang đoàn 240 đóng ở miền Trung. Nghĩa hiện còn độc thân, anh chưa hề
nghĩ đến chuyện lấy vợ. Anh nghĩ có thể phải 35 tuổi trở lên anh mới lập gia
đình. Vợ con vào, một người Sĩ quan Hải quân nói riêng, một Sĩ quan hàng hải nói
chung không thể đi đây đi đó được. Mà làm cái “nghề biển” như thế lại ru rú ở xó
nhà thì đi Bộ binh cho xong.
> Chiếc tầu Nghĩa và Lệ về
đến bến Bạch đằng Sàigòn vào tuần đầu tháng 4-1975, đang lúc Sàigòn lên cơn sốt
y như miền Trung mấy tuần trước. Nghĩa đưa Lệ đến gửi vợ một người bạn trong
trại Sĩ quan bến Bạch đằng, lại gửi tiền và nhờ Xuân Hà, tên vợ người bạn, đi
mua sắm quần áo và những thứ cần thiết hàng ngày cho Lệ. Xuân Hà nhìn Nghĩa rồi
nhìn Lệ và hỏi nhỏ Nghĩa:
“Con bé xin được ở đâu mà xinh quá
vậy? Tốn vài tạ gạo nữa là đã ra dáng tiểu thư rồi. Anh lựa hay lắm.”
Nghĩa nghiêm nét mặt bảo Xuân
Hà:
“Chị đừng nghĩ vậy. Ba má nó và ba
đứa em còn kẹt lại Chu Lai. Chỉ có mình nó được tôi cứu lên tầu. Tôi nhận nó làm
con nuôi.”
Xuân Hà tính đùa thêm một câu
nhưng thấy mặt Nghĩa lạnh như tiền nên không dám cợt nhả nữa.
> Ngày 28-4-1975, Nghĩa lại
mang Lệ lên một chiếc tầu Hải Quân HQ thực lớn để chạy sang Guam. Nghĩa con một,
cha mẹ Nghĩa đã lớn tuổi muốn sống và chết ở Thủ dầu Một nên không đi mặc dầu
trong thời gian ở Sàigòn, Nghĩa đã cải trang về thăm và mời ông bà đi.
> Sau 5 tháng ở trong trại
tạm cư ở Guam, Nghĩa và Lệ được một nhà thờ bảo trợ đi South Carolina. Từ đây,
Nghĩa xin Basic Grant của tiểu bang để vào Đại học học Kỹ sư cơ khí. Ngoài giờ
học, Nghĩa đi làm part time cho tiệm Sears ở downtown để lấy tiền chi phí ăn ở
cho hai cha con. Nghĩa xin cho Lệ vào học ở trường tiểu học địa phương, có xe
bus nhà trường đưa đón mỗi ngày và ăn sáng, ăn trưa miễn phí vì hai cha con
Nghĩa chưa có lợi tức. Nghĩa chỉ thêm bài vở cho Lệ mỗi buổi tối sau khi cơm
xong. Lệ thông minh nên học rất nhanh. Để giúp ba Nghĩa, nó biết đặt nồi cơm
điện, luộc rau, luộc trứng, làm những món giản dị rồi chờ ba Nghĩa về ăn
cơm.
> Mặc dầu vào ngang thiếu
căn bản 4 lớp đầu (học trình Hoa Kỳ), nhưng Lệ đã học xong lớp 5 Việt Nam, Lệ
học lại với ba Nghĩa và một cô giáo Mỹ dạy kèm (tutor) tất cả những gì cần thiết
chưa được học ở các lớp dưới, nhất là Anh ngữ, vì vậy Lệ tốt nghiệp Trung học
lúc mới 17 tuổi với điểm trung bình 4.0, một thành tích vượt mức ngay với học
sinh bản xứ.
> Nhiều lúc Lệ nhớ ba má,
nhớ các em day dứt nhưng nghe ba Nghĩa khuyên, Lệ phải cố quên. Lệ cũng nghĩ và
tự nhủ lòng, có khóc, có nhớ ba má và các em cũng không làm được gì, chỉ cản trở
việc học. Đã từng ở trong cảnh nghèo của cha mẹ ở Việt Nam, Lệ biết được đi học
thế này là một diễm phúc vì vậy Lệ cố gắng và chăm chỉ hết mức. Ba Nghĩa cũng
khuyên Lệ, sau này có thể có bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, khi ấy Nghĩa sẽ
tìm cách hỏi thăm tìm ra tung tích ba má và các em Lệ. Lệ nghe thế lại tạm yên
lòng và hi vọng.
> Mùa Thu năm đó, Lệ vào
trường Đại học Y khoa South Carolina. Sau 3 năm, Lệ lấy Cử nhân Sinh Vật học với
lời khen của Hội đồng Giám Khảo. Lệ chuyển qua học ngành Nhãn Khoa
(Opthalmology). Năm 1990, Lệ đậu bằng Bác sĩ Nhãn Khoa hạng tối Ưu với lời ngợi
khen của Ban Giám Khảo. Lệ được mời dạy môn Nhãn Khoa cho Sinh viên cùng trường.
Lệ hỏi ý kiến ba Nghĩa, sau đó Lệ xin khất cho đến khi trở về từ Việt Nam.
***
> Tốt nghiệp xong, Lệ bàn
với ba Nghĩa, lúc này đã có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, ba Nghĩa đồng ý, Lệ
đi mua vé máy bay về Việt Nam tìm cha mẹ và các em. Sau hơn 10 năm bế quan toả
cảng cả nước sắp chết đói, lúc này (từ 1985) chế độ bắt buộc phải mở cửa cho
kinh tế thị trường nên cũng dễ dàng cho Lệ đi lại.
> Lệ và một người bạn thân
về đến Chu Lai vào một buổi chiều mùa Hạ năm 1990 sau khi đã lặn lội đi bằng đủ
thứ xe từ Sàigòn ra miền Trung. Sau 15 năm, quang cảnh cũ đã thay đổi nhiều. Có
những căn nhà mới mọc lên nhưng cũng có nhiều căn trại cũ biến mất. Chỉ có bãi
biển, trông vẫn như trước mặc dù có nhiều hàng quán mọc lên bán thức ăn, thức
uống cho du khách. Trại Gia binh ngày nào không còn. Lệ muốn được gặp lại những
người hàng xóm của ba má Lệ ngày xưa như vợ chồng bác Sáu, vợ chồng chú Đàm, vợ
chồng cô Bé...để hỏi thăm về cha mẹ và các em nhưng đi quanh quanh làng xóm, Lệ
không kiếm ra một người quen cũ.
> Lệ đeo cái thẻ bài vào cổ
như ngày 23-3-1975 ra bãi biển Chu Lai, nhà nào Lệ cũng vào hỏi thăm và cho con
cái họ quà bánh Lệ đem từ Hoa Kỳ về, giơ chiếc thẻ bài cho họ coi và hỏi thăm
xem có ai biết ba má và các em Lệ không? Nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Vốn đã
có định kiến, Lệ xin phép chính quyền sở tại, không quên quà cáp cho họ, để mở
phòng mạch khám mắt miễn phí cho mọi người. Một Nữ bác sĩ Hoa Kỳ, cô Ruthie
O’Brien, bác sĩ gia đình, vốn là bạn thân và cùng ra trường một ngày với Lệ,
cùng đi với Lệ về chơi thăm miền Trung Việt Nam, nhân dịp cũng bỏ đồ nghề ra
khám bệnh và cho thuốc cùng những lời khuyên hữu ích để phòng ngừa bệnh tật. Các
gia đình đến khám mắt và khám tổng quát, nhất là những ông già bà cả đều được
hỏi về Trung sĩ Lê văn Buôn, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Bộ binh vào
tháng 3 năm 1975 nhưng không một ai biết. Mỗi buổi chiều khi khám bệnh xong, Lệ
và Ruthie thường ra bãi biển Chu Lai ngồi ngắm sóng và ngắm hoàng hôn trên biển,
nghe những tiếng rì rào của sóng biển chạy vào bờ rồi lại trườn ra xa. Thấy bạn
buồn vì không tìm ra gia đình, Ruthie lựa lời khuyên nhủ và hỏi Lệ có còn muốn
đến nơi nào khác để kiếm không? Lệ nghĩ chỉ có hai nơi khác ba má Lệ có thể ở là
Nha Trang, quê của ba và Trà Vinh, quê của má. Lệ nói cho Ruthie nghe những nơi
Lệ hi vọng nhiều nhất, sau đó Ruthie khuyên Lệ nên đi Nha Trang.
> Nha Trang không hứa hẹn
nhiều cho việc tìm kiếm vì Lệ đã đến đây gần một tuần, đi khắp nơi hỏi nhưng
không ai biết cựu Trung sĩ Lê văn Buôn và vợ con.
Lệ thất vọng hoàn toàn, thầm nghĩ
chỉ còn một nơi nữa là Trà Vinh. Nếu tại Trà Vinh cũng không có tung tích thì
coi như gia đình Lệ đã bị tiêu tán trong hoặc sau ngày 23-3-1975. Nghĩ đến đó,
Lệ cảm thấy buồn muốn khóc. Ba má và các em đi hết chỉ để lại mình con thôi sao,
thế thì con có sống cũng mang mối u hoài đau khổ ấy suốt đời! Thà con ở lại nhà
chia sẻ những đau khổ với ba má và các em rồi chết chung một huyệt cũng là xong
một kiếp người. Lệ buồn khôn tả và khóc mỗi đêm về nhưng không dám cho Ruthie
biết.
> Một buổi sáng, Lệ cùng
Ruthie mướn một chiếc xe hơi với tài xế để đi thăm Hòn Chồng, nơi thắng cảnh đẹp
có tiếng của Nha Trang. Thật ra Lệ không còn tâm trí đâu ngoạn cảnh vì “Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhưng để chiều Ruthie, Lệ cho Ruthie đi nơi này
nơi kia chụp hình lưu niệm và dọc đường có thể tìm vào các quán ăn ngon, các
khách sạn sang trọng mướn phòng ngủ qua đêm. Lẽ ra trong chuyến đi này, Lệ mang
theo vị hôn phu là bác sĩ Vĩnh quang Dũng, chuyên khoa bệnh tiêu hoá, tốt nghiệp
trước Lệ 3 năm và hai người quen nhau khi cùng làm việc trong một bệnh viện
nhưng Dũng phải đi Á căn Đình dự một Đại Hội Y Khoa toàn cầu về bệnh tiêu hóa,
đại diện cho Bộ Y Tế Hoa Kỳ.
> Còn vị hôn phu của Ruthie
có cha già đang nằm bệnh viện chữa trị bệnh tiểu đường nên anh cũng không thể
theo Ruthie đi du lịch Việt Nam được.
Sau khi đã dạo chơi bãi biển hơn
hai tiếng đồng hồ, Lệ đề nghị tài xế chở vòng qua con đường phía sau, nơi đây
lưa thưa có dăm cái nhà trên bãi cỏ hoang. Phong cảnh quá tiêu sơ và u buồn,
không có bóng một đứa trẻ. Lệ và Ruthie bàn với nhau đi xuống cuối con đường rồi
trở lại, trở về thành phố Nha Trang.
> Mới đi thêm một khoảng
ngắn, đột nhiên chiếc xe bốc khói ở máy. Tài xế vội cho xe ngừng lại và kiểm
soát máy thấy máy cạn khô không còn một giọt nước. Anh ta hoảng hồn tắt máy và
ngơ ngáo đi tìm xung quanh để kiếm nước châm vào máy. Đó đây, ngoài con lộ đắp
bằng đất đỏ thì toàn là gò đống và bụi cây mọc lưa thưa, tít tắp xa mới thấy vài
mái tranh hiện trên nền trời xanh lơ. Lệ và Ruthie phải ngồi chờ dưới gốc cây
cho bớt nắng trong khi bác tài lội bộ đi tìm nước.
> Chợt Lệ trông thấy một
đám người lố nhố trên một cái gò, cách xa Lệ khoảng 400 mét. Lệ chợt nghĩ hay là
họ đào huyệt chôn người chết như hồi còn bé Lệ đã thấy ở Chu Lai nhưng sao không
nghe tiếng khóc cũng không thấy quan tài.Trí tò mò thúc đẩy Lệ vào đó coi xem
sao. Lệ cũng có ý nghĩ giúp đỡ công việc họ đang làm, nếu họ quá nghèo, cần đến
một, vài chục đô-la của Lệ.
> Lệ nói cho Ruthie nghe ý
nghĩ của mình, bảo Ruthie ngồi đó chờ mình nhưng Ruthie không chịu, đứng lên
cùng đi với Lệ. Hai cô gái cứ tưởng gần và ruộng khô, nào ngờ coi vậy nhưng
khoảng cách khá xa và có những chỗ nước ngập mắt cá, hai cô phải tháo giầy cầm
trên tay để đi.
Khoảng sáu, bảy người vừa đàn ông,
đàn bà, thanh niên, thiếu nữ cắm cúi nhìn vào một cái lỗ huyệt đang đào do 4
thanh niên khoẻ mạnh, người cầm xẻng xúc đất đổ vào mê tre, kẻ bê đất đổ lên bờ,
để dần dần hiện ra tấm nắp thiên bằng gỗ đen sì một cái quan tài.
> Từ xa lội tới, hai cô gái
đã bị những cặp mắt tò mò của đám người trên gò nhìn thấy và theo dõi. Khi hai
cô tới gần, tất cả đều ngừng tay nhìn chằm chằm như nhìn một hiện tượng
lạ.
Họ quá lạ lùng bởi từ xưa đến nay
chưa có người ngoại quốc nào ăn mặc đẹp đẽ thế kia - đám người cho rằng cả hai
cô là gái Mỹ, Pháp, Anh, Úc chi đó, lại lội ruộng vào cái gò này để coi cải
mả.
Phải, họ đang cải mả. Họ đào cốt
người thân chết đã lâu năm, bỏ sang một cái tiểu sành, kiếm chỗ thuận tiên, gần
gũi hơn đặt xuống.
> Lệ mở lời khi nhìn một
người đàn bà lam lũ, già yếu, mặt mày nhăn nheo:
“Chào các bác, các chú, các anh,
các chị. Cháu là người Việt sống tại Hoa Kỳ về thăm quê hương. Các bác, các chú
đang cải táng cho thân nhân, phải không ạ?”
Nghe cô con gái nói tiếng Việt, cả
đám người thật ngạc nhiên. Sao cô gái trông như Mỹ này, chỉ khác mớ tóc đen, lại
là người Việt, nói tiếng Việt thạo quá. Họ bỏ xẻng cuốc đứng vây xung quanh hai
cô gái. Người đàn bà lớn tuổi trả lời:
“Phải, người ở dưới huyệt là chồng
tôi, chết từ năm 1975.”
Lệ nghe giọng nói người đàn bà có
điều ngờ ngợ nhưng chưa dám tin là mình có thể đúng. Nhân tiện, cứ hỏi thăm xem
có ai biết được ba mình không? Lệ chìa tấm thẻ bài đeo trong ngực áo ra cho họ
coi, nói:
“Tấm thẻ bài này của ba tôi. Tôi
không biết gia đình ông còn sống không và nay ở đâu. Ông tên là Trung sĩ Lê văn
Buôn.”
Người đàn bà trân trối nhìn Lệ
xong ngập ngừng nói:
“Thế này thực không phải. Xin
lỗi...Có phải tấm thẻ bài này của lính Việt Nam Cộng hoà và cô là ...Lệ phải
không?”
Điều Lệ nghi ngờ đã đúng. Giọng
nói người đàn bà và nhìn kỹ từ đầu đến chân, Lệ thấy đúng là má Lệ, không còn
sai vào đâu được. Lệ ôm chầm lấy bà khóc rưng rức:
“Má ơi! Con đây, Lệ của má đây. Má
còn nhận ra con không?”
Bà Buôn, phải, vì người đàn bà đó
chính là vợ goá của Trung sĩ Lê văn Buôn, càng ôm chặt Lệ hơn. Bà rên rỉ:
“Lệ ơi, má đâu có ngờ Trời Phật
còn cho gia đình mình ngày hôm nay. Người nằm dưới huyệt kia chính là ba con đó.
Quả lựu đạn ngày 23-3 đã giết ba và thằng Chưởng. Còn lại hai đứa đứng kia,
thằng Tung, con Bi giờ đã lớn từng đó.”
> Lệ quay ra ôm hôn đứa em
gái và thằng em trai. Chúng cũng xúc động nhưng không xúc động bằng má Lệ và Lệ
vì khi xẩy ra biến cố tan nát gia đình, chúng còn quá nhỏ.
Bà Buôn hỏi Lệ:
“Con đeo tấm thẻ bài này 15 năm
nay để đi tìm ba má và các em phải không?”
“Dạ, đúng thế má. Con đi tìm ba má
và các em vì con đâu biết ba đã hi sinh ngày hôm đó.”
Ruthie đứng ngó mấy mẹ con ôm nhau
cũng xúc động nhưng trong ánh mắt cô đọc thấy những tia sáng hân hoan vô bờ của
bạn và của mẹ của bạn. Chuyến đi hoàn toàn thành công quá sức mong mỏi, cô lẩm
bẩm.
> Bốn thanh niên lại tiếp
tục đào. Họ cậy tấm nắp thiên. Bộ xương người đen sì lõng bõng nước. Ruthie nhìn
thấy sợ quá phải đứng tránh ra xa. Cô đã quen với xác chết trong các bệnh viện
nhưng không phải là bộ xương đã rữa mục này. Lần đầu tiên Lệ nhìn thấy bộ xương
cải táng nhưng Lệ không sợ mà Lệ muốn đứng thật gần để nhìn cho rõ hình hài của
người cha đã sinh ra mình. (
dunglac.org)
> Khi má Lệ hỏi Lệ vì sao
biết mà vào đây. Lệ thuật lại từ đầu tới cuối, vì sao xe phải ngưng lại, bác tài
xế phải đi kiếm nước đổ vào máy xe để đi tiếp v.v...
> Bà Buôn thắp lên mấy cây
nhang và hai ngọn nến trong khi mấy người đàn ông đổ rượu trắng ra cái chậu sành
và rửa từng khúc xương cho sạch, lấy giấy bản lau khô xong xếp vào một cái tiểu
sành mầu đất nung đỏ quạch. Trong số người lo chuyện cải táng, có chú Năm thợ hồ
có nhiều kinh nghiệm. Chú vừa làm vừa chỉ dẫn cho mấy anh thanh niên làm. Chú
nói:
“Tôi học nghề cải táng từ năm mới
16 tuổi mà năm nay đã 55, coi như 39 năm trong nghề mà tôi chưa thấy một vụ nào
lại linh thiêng như Trung sĩ Buôn đây. Nghe cháu Lệ vừa nói thì cháu đã để tâm
tìm ba má cháu nhiều năm nhưng không ra tung tích; đến bữa nay hồn thiêng Trung
sĩ dun dủi làm cho chiếc xe hơi đang chạy ngon lành bỗng hết nước ở ngay khúc
đường này, xe bốc khói xuýt cháy máy và từ đó cháu Lệ mới có cơ hội lặn lội vào
cái gò này vì tính tò mò và cũng vì tính thương người, muốn giúp đỡ người nghèo.
Vì thế mà Trời Phật không bỏ cháu.”
> Bác tài xế đã lặn lội đi
xin được một bình nước đổ vào xe. Thay vì hai thanh niên phải khiêng chiếc tiểu
sành, giờ này chiếc tiểu sành được bỏ lên xe, mọi người về nghĩa trang gần nơi
cư ngụ của gia đình bà Buôn.
> Nghe Lệ kể sơ lược từ lúc
được ba Nghĩa nuôi vớt lên tầu và được học hành ở Hoa Kỳ, hiện đã là một bác sĩ
Nhãn khoa Hoa Kỳ, tiền bạc dư dả, tương lai sáng lạn, bà Buôn quá sung sướng lại
khóc. Bà chạnh lòng nghĩ đến người chồng bạc phước đã chẳng được sống thêm để
nhìn thấy sự thành công của đứa con gái ông yêu quý nhất đời.
> Huyệt mộ cho cái tiểu
sành đựng nắm xương của người cha bạc số của bác sĩ Vivian Le đã đào xong, nhỏ
và nông nên đào rất nhanh. Lần này nó không nằm trên gò đất chung quanh là sa
mạc sỏi đá, cây cỏ hoang vu mà ở trong một nghĩa trang đẹp đẽ bên ngoài thành
phố Nha Trang.
Khoảng 4 giờ chiều, mọi việc hoàn
tất, bà Buôn, Lệ và hai đứa em của Lệ thắp hương, sụp quỳ, vái lậy, khấn khứa.
Lệ cố hết sức giữ cho khỏi quá xúc động nhưng khung ảnh trắng đen của cha Lệ
trước mặt lúc nào cũng như đang nhìn Lệ âu yếm làm Lệ tràn nước mắt và cái ngày
độc địa 23-3-1975, tại bãi biển Chu Lai, lại hiện rõ mồn một như Lệ đang đứng
sát bên cha Lệ, bám vào tay ông cho khỏi sóng đánh ra xa.
Nỗi buồn năm xưa dù chưa quên được
nhưng hiện tại vẫn là đáng sống. Mẹ con bà Buôn đành phải khép lại trang sử đẫm
máu của gia đình và của xóm giềng, thân thuộc để xây dựng ngày mai tươi sáng
hơn.
Lệ đã đưa tiền cho má và em đi chợ
mua các thức ăn về làm một bữa cơm đãi đằng chòm xóm và những người thân thuộc,
trả công hậu hĩ cho những người cải táng hôm đó. Ai cũng tấm tắc khen sao lại
có cái thần giao cách cảm đó để mà đến đúng chỗ, đúng lúc, gặp lại mẹ và em và
nhìn được hài cốt của cha. Chuyện thực mà khó tin, xẩy ra như trong một giấc
mơ.
> Nhờ có nghề nghiệp cao và
lợi tức vững vàng lại công dân Mỹ của Lệ, hơn hai năm sau bà Buôn và Tung, Bi đã
đoàn tụ với Lệ ở Hoa Kỳ.
Bà Buôn lập một ban thờ, một bên
để tấm ảnh cuối cùng của thằng Chưởng khi nó 3 tuổi, một bên treo tấm thẻ bài, ở
giữa ban thờ là bát hương, có bài vị và khung ảnh đen trắng của Trung sĩ Lê văn
Buôn, người Chiến sĩ kiêu dũng VNCH đã hi sinh vì Tổ quốc, người chồng, người
cha thân yêu vẫn luôn luôn như đang mỉm cười với vợ và các con!