Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Friday, October 19, 2012

Tạp Ghi - Nhã Dung



Thầy D Vũ Ngô Dũng gởi tôi bài Tạp Ghi của bà xả Dũng - chị Nhã Dung- và cho biết bài đã được đăng trong tập san KQ Bắc Cali Oct 2012, nhưng đa số Thầy D không có tập san nầy, Dũng muốn tôi post bài nầy lên blog cho anh em đọc. Cám ơn Dũng và chị Nhã Dung. tth

Sau đây là bài Tạp Ghi:  



TAPGHI

 

“Hà Nội, người có nhớ

  Tháp Bút chơ vơ, liễu xanh vật vờ”…

j

     Trong tiếng ồn ào nốt nhạc, lời ca cùng tiếng cười nói của dăm ba bạn thân tụ họp, một chị bạn khẽ ngân nga theo giọng hát của ca sĩ từ đĩa nhựa rồi đột nhiên bỏ dở câu hát, quay hỏi tôi hai chữ “Tháp Bút” là gì.

     Chị là người miền Nam chưa hề biẻt đến Hà Nội, còn tôi, mặc dù sinh tại Hà Nội nhưng đã bỏ nơi này theo cha mẹ cùng anh chị em vào miền Nam từ khi vừa xong bậc tiểu học.

     Ở lứa tuổi này tôi chỉ biết con đường từ nhà đến trường học và vài ba dẫy phố gần nhà. Mỗi khi được đi xa hơn, theo ông anh, bà chị ra khu hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây dạo mát hoặc theo mẹ ra phố Hàng Đào, Hàng Bạc mua sắm, được chiêm ngưỡng những quầy hàng đủ loại nữ trang hấp dẫn dọc phố hàng Bạc, những sấp vải rực rỡ muôn mầu trên phố hàng Đào. Ở tuổi còn thơ ngây này được dẫn đi ngắm cảnh phố phường, được ăn ly kem, vài ba viên kẹo hay chiếc bánh ngọt, như vậy đã là thích thú lắm rồi.

     Chưa kịp lớn khôn đã phải rời bỏ thành phố để rồi Hà Nội chỉ còn là một địa danh trong trí nhớ nhỏ bé, hạn hẹp. Sau này, những hiểu biết về thành phố là nhờ sách vở, qua những bài học về địa lý, lịch sử và qua những câu chuyện cha mẹ kể lại nên tôi vẫn còn nhớ về một số di tích lịch sử quanh thành phố cổ kính, từng là kinh đô của nhiều triều đại từ những niên kỷ đầu lập quốc.

     Qua những lần được mấy ông anh, bà chị dẫn đi dạo phố phường, tôi đã từng đôi ba lần được dừng lại trước Tháp Bút, một công trình kiến trúc ghi dấu nền văn học và nghệ thuật kiến trúc của tiền nhân để lại.

     Đứng trước công trình kiến trúc ở vào tuổi còn bị gọi là “nhóc con”, tôi vẫn chưa có ý thức gì về nghệ thuật, về ý nghĩa của di tích lịch sử trước mắt. Tôi chỉ là chiếc bóng nhỏ bé, bị hình dáng nghêng ngang cao vòi vọi của công trình kiến trúc trang nghiêm đồ sộ này chế ngự.

     Tôi từng nghe người Hà Nội gọi tên di tích lịch sử này là Tháp Bút và còn nhớ mang máng đã có lần được ông anh giải thích xuất xứ và cội nguồn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi vô tư bồng bềnh, nghe trước quên sau này, những gì tai nghe mắt thấy cũng tạm biến sâu vào tiềm thức của trí óc nhỏ bé. Sau này, qua sách vở, rồi khi nghe lời ca và chị bạn đặt câu hỏi tôi mới chợt nhớ lại những gì đã nghe, đã học từ thuở ngây ngô nhỏ dại.

     Tháp Bút là công trình kiến trúc vào khoảng hậu bán thế kỷ 19, dưới triều vua Tự Đức, để nêu cao tinh thần hiếu học và còn mục đích ghi nhớ sự nghiệp trong văn học của học giả Nguyễn Văn Siêu.

     Toàn bộ công trình kiến trúc tượng trưng cho nền văn học thuở đó là cây bút lông (penbrush) và nghiên mực (inkslab) mà qúy sĩ tử hoặc qúy cụ Đồ Nho thời xưa xử dụng. Tháp bút vươn cao khoảng chín thước tây, gần cạnh là nghiên mực được trạm trổ từ một tảng đá lớn thành hình dáng trái đào, dưới là thân hình ba con ếch ngạo nghễ vươn mình nâng nghiên mực tạo thành một kiến trúc uy nghi, ngoạn mục.

     Hàng năm, vào ngày Tết Đoan Ngọ (5 tháng 5 âm lịch), mặt trời buổi sáng chiếu vào tháp bút tạo thành chiếc bóng đậm mầu như hình dáng cây bút nằm xoải dài gác trên nghiên mực. Bóng dáng tháp bút di động theo ánh mặt trời để đến một giây phút khi vị trí tương quan giữa trái đất và mặt trời kết hợp, dần đưa đỉnh nhọn tháp bút chấm sâu vào giữa nghiên mực như động tác của người viết cầm bút chấm mực tạo nên một hình ảnh di chuyển linh động khiến khách bàng quang vãn cảnh cũng phải chú ý quan sát, thưởng lãm.  

     Tháp bút, nghiên mực là vật bất động nhưng người xưa đã biết dùng sự tuần hoàn của vũ trụ để lồng vật bất động vào một cảnh di động ngoạn mục, nhịp nhàng với thiên nhiên, với tạo hóa, hợp cùng luật xoay vần giữa trái đất, mặt trời.

     Qua hình ảnh này, chứng tỏ bậc cha ông ta xưa đã áp dụng sự hiểu biết về thiên văn, địa lý khi xây cất tượng đài trang trọng bao gồm nhiều ý nghĩa của văn học và nghệ thuật như một món qùa để lại cho những thế hệ kế tiếp thưởng lãm.

     Nếu không nghe lời ca, nghe chị bạn đặt câu hỏi về Tháp Bút có lẽ tôi cũng không chú ý đến di tích lịch sử này. Tự hỏi không biết Tháp Bút bây giờ có được bảo tồn như một thắng cảnh hay chỉ là chiếc “Tháp Bút chơ vơ” ẩn hiện sau khóm “liễu xanh vật vờ” như tình tiết nhắn nhủ của ca sĩ diễn tả lời ca, như cảnh người dân Hà Nội vật vờ trong cơn ngái ngủ dưới nắng chói chang, ngột ngạt trong những buổi trưa mùa hè?

     Tôi tự hỏi bởi vì có những người bạn sau chuyến về thăm Hà Nội không thấy ai nhắc tới “Tháp Bút” mà chỉ nói tới những dẫy phố tân trang, những khu du lịch tiện nghi, hấp dẫn đón đưa, những chốn vui chơi, thụ hưởng lịch lãm mời gọi!…    

     Đối với tôi, Hà Nội bây giờ đã qúa xa xôi về cả vật chất lẫn tinh thần. Rời bỏ Hà Nội ở tuổi còn thơ, hai chục năm sau lại bỏ Sàigòn tìm đến đất thanh bình, tự do này để rồi hiện tại đang là cả một nửa trái cầu cách biệt.  

     Thầm tính, thời gian xa Hà Nội dã trên năm mươi năm, rồi rời xa Sàigòn cũng đã trên ba mươi bẩy năm. Đôi khi có người hỏi tôi đã có lần nào về thăm lại Sài gòn, Hà Nội, câu trả lời vẫn là chưa một lần. Đức lang quân và tôi chưa hề nghĩ đến chuyện làm một chuyến trở về nhìn lại nơi xưa, chốn cũ mặc dù hiện tại điều kiện và phương tiện giao thông đã dễ dàng, nhưng nghĩ lại vẫn chưa phải là việc làm cần thiết.

     Dường như thời gian và khoảng cách hai nơi cùng những tang thương, mất mát ở qúa khứ đã làm phai nhạt phần nào nỗi bịn rịn, quyến luyến đến những nơi từng là chốn nương thân ngày cũ. Có lẽ vì vậy mà tôi vẫn cảm thấy dửng dưng khi một số bạn bè đi về kể lại những thay đổi của thành phố qua bộ mặt bên ngoài, thay đổi của con người qua sinh hoạt, tập quán hàng ngày.

     Nghe để biết vậy thôi, tốt hay xấu, tôi không dám góp lời vì đã không chung sống, không chứng kiến, không trải qua những thay đổi này để có một chút tưởng tượng, một tình cảm rung động nào cho những đổi thay hiện tại qua lời mấy người bạn kể lại.

 

jj

     Từ ngày mang nhãn hiệu “về hưu”, thỉnh thoảng một vài người bạn từ xa gọi điện thoại hỏi thăm, khi biết tôi đã cuốn gói về hưu, mấy cô nàng tỏ vẻ ngạc nhiên vẫn tưởng tôi chưa đến tuổi oan nghiệt này. Là bạn học cùng lớp ngày xưa nhưng khi khôn lớn mỗi đứa lưu lạc một phương, khi bắt liên lạc lại được thì tíu tít hàn huyên. Đã trải qua một thời gian dài không gặp, các nàng vẫn còn giữ hình ảnh ngày cũ trong trí nhớ, vẫn hình dung, tưởng tượng đến dáng dấp trẻ trung, nhỏ bé như xưa. Thầm nghĩ, ước gì mình vẫn còn được mang dáng dấp như các cô bạn tưởng tượng. Thời gian đã không cho mình trẻ mãi, bây giờ chỉ còn biết áp dụng câu “trẻ tại tâm” để tự an ủi vậy! 

     Mỗi khi nhắc dến hai chữ về hưu, khi nói chuyện ai cũng hỏi bây giờ nhàn rỗi, làm những gì cho hết ngày. Liên tục làm việc trên ba bốn chục năm, mấy ngày đầu của cuộc đời về hưu bỗng đưa đến cho tôi môt cảm giác thiếu thốn khác thường thế nào ấy. Quen dậy sớm mỗi buổi sáng trong nhiều năm như đã biến con người thành chiếc đồng hồ báo thức, cứ đến giờ là tỉnh dậy, đến khi chợt nhớ ra là mình đã nghỉ việc, lúc này mới mỉm cười tự chửa thẹn rồi kéo chăn tìm lại giấc ngủ dở dang.

     Bây giờ không còn phải dậy sớm, không phải lo lỡ chuyến xe đến sở, nhất là những buổi sáng sớm mùa đông mưa dầm dề lạnh lẽo. Nghĩ đến cảnh thiên hạ phải lặn lội trong cơn mưa lạnh, vội vã chen lấn nhau trên những chuyến xe công cộng trong khi mình vẫn nằm trong chăn ấm, nệm êm, lúc này mới thấy mình đã qua một khoảng thời gian dài vội vã trong cảnh mưu sinh mà quên cả thời gian để đến bây giờ mới thấy gía trị của cuộc đời nhàn rỗi, thụ hưởng cảm giác thích thú đầu tiên sau chuỗi ngày dài làm việc.

     Trước đây tôi thường nghe cảm tưởng mâu thuẫn của dăm ba người bạn nghỉ hưu, có người nói về hưu không biết làm gì cho hết ngày, vợ chồng quanh quẩn trong nhà nhìn nhau lại sinh tật khó tính. Người khác lại nói tưởng về hưu được nhàn rỗi không ngờ bận bịu hơn!

     Đành rằng mỗi người có một hoàn cảnh, một lối sống và ý nghĩ riêng tư. Qua mấy ngày đầu hưởng cảnh nhàn rỗi tôi bắt đầu chú ý đến cảnh bừa bộn, ngổn ngang trong mấy căn phòng, càng thu dọn càng thêm việc, lúc này tôi mới thấy trường hợp thứ hai đã rất đúng với tôi.

     Đức lang quân nhà tôi vẫn hàng ngày sáng lái xe đi, xế trưa lái xe về cho nên chúng tôi không có cảnh ngồi không nhìn nhau sinh chuyện như thiên hạ thường tưởng tượng, dọa dẫm. Chàng vốn có tật dậy sớm, kể cả những ngày nghỉ lễ và ngày cuối tuần. Có hỏi thì chàng trả lời với lời lẽ lý luận khác thường, nói rằng hàng ngày đi làm mất cả ngày, khi được nghỉ thì cũng phải dậy sớm để được tân hưởng từ sáng sớm đến chiều tối cho trọn vẹn ngày nghỉ!

     Lý luận như chàng nghe có vẻ phản nhân sinh qúa vì với tôi, ngày nghỉ để mình có dịp lười biếng, được ngủ muộn, được nghỉ ngơi để bồi dưỡng trí óc cùng cơ thể, bù cho những ngày trong tuần bận bịu, mệt mỏi với công việc trong khi chàng lại đi ngược với ý nghĩ hợp lý bình thưòng.

     Rồi cuộc sống vẫn thầm lặng trôi qua, tôi vẫn luôn vui chơi, yêu đời, vẫn đến với bạn bè khi gọi. Tuy nhiên mấy năm sau này cũng bớt đi phần nào, bạn bè cùng lứa tuổi đã lo xong phần gia thất cho lũ con nên không còn liên tục những buổi nhộn nhịp gặp nhau trong những buổi tiệc mừng như thời gian trước đây.

     Lo xong cho lũ con bây giờ lại đến lượt lo cho lũ cháu. Hình như chữ “Lo” vẫn quanh quẩn, bám chặt với đời sống mỗi người như một tật bẩm sinh, dù ở hoàn cảnh hay tuổi nào cũng không thoát khỏi! 

 

jjj

     Vừa nhắc đến chuyện chung vui họp mặt đột nhiên một hàng chữ nhấp nháy liên tục hiện trên màn ảnh báo cho tôi biết là có vài ba i-meo mới vừa tới. Đang do dự chưa biết mình viết những gì kế tiếp, gặp dịp để tạm quên những suy nghĩ cho bài viết, tôi nhẩy sang mạng lưới trời mở hộp thư xem đó là thư của những ai gửi tới mà hàng chử trên màn ảnh chập chờn liên tục như thúc giục thế này.

     Mở hộp thư, i-meo đầu là của ông chủ bút Đặc san KQ Nguyễn Qúi Chấn, nhẹ nhàng nhắc khéo tôi gửi bài viết cho số Đặc san phát hành nhân đêm Không gian hội ngộ vào đầu tháng mười. Có Đặc san tặng quan khách, hội viên và gia đình như một chút qùa ghi nhận tình thân đến chung vui hội ngộ hàng năm, như lời cám ơn nhắc nhở niềm vui tập thể.  

      Kế tiếp, i-meo của qúy quan F-5 gửi cho đức lang quân nhà tôi, gọi nhau họp đàn tại Dallas, Texas vào giữa tháng mười, chương trình ba ngày sinh hoạt hấp dẫn, mang chủ đề “Hạnh Ngộ Tình Cuối”. Phải chăng hàng năm qúy quan thay đổi nơi chốn tụ họp, bay khắp bốn phương mãi cũng đến ngày mỏi cánh để rồi đến lúc phải chấp nhận luật tạo hóa. Mong rằng đây chỉ là một chủ đề có tính cách tượng trưng cho tình cảm thân thiết đồng đội nhiều hơn là ý nghĩa của sự thật.

     Lại thêm i-meo của anh Nguyễn Đức Hiền gửi chung các bạn cùng khóa 63D, thông báo chương trình họp mặt kỷ niện năm mươi năm nhập ngũ của toàn thể các khóa gia nhập quân chủng Không Quân trong năm 1963, tại quận Cam vào đầu tháng bẩy năm tới, năm 2013. Được biết, năm 1963 có tới bẩy khóa nhập quân trường. Tất cả cùng nhau chọn một ngày họp mặt, hẹn gặp lại nhau sau cả nửa thế kỷ, chắc hẳn sẽ vui nhộn, náo nhiệt lắm.

     Tin tức sinh hoạt của qúy KQ khắp nơi liên tục và nhộn nhịp qúa, thân chúc qúy anh và gia đình mãi mãi cùng nhau chung vui, yêu đời.

 

jjjj

     Chưa kịp ra khỏi mạng lưới trời để trở về với bài viết dở dang thì điện thoại lại reo vang, đầu bên kia là anh Ngô Văn Kim, nhắc nhở tôi đừng quên buổi picnic vào ngày cuối tuần do Hội KQ Bắc Cali. tổ chức hàng năm. Anh Kim vẫn luôn gắn bó với những sinh hoạt của hội, mặc dù đã gửi thông báo và thư mời nhưng anh vẫn cẩn thận liên lạc nhắc nhở từng người. Mỗi năm có vài ba buổi họp mặt, chúng tôi không quên đâu anh Kim ơi, nhưng dù sao cũng xin cám ơn anh đã quan tâm nhắc nhở.

     Sinh hoạt hội liên tục, một phần nhờ anh thúc đẩy, một phần nhờ có ban chấp hành hiện tại, gồm qúy anh và qúy nàng dâu KQ trẻ với đầy thiện chí và nhiệt thành, lãnh nhận trách nhiệm điều hành.

     Mùa hè San Jose luôn tràn đầy nắng ấm, nắng ấm hâm nóng không gian vừa đủ để muôn loài thụ hưởng. Qua nhiều năm, ban chấp hành đã chọn một công viên khang trang, tiện nghi để làm nơi họp mặt ngoài trời. Có đủ sân cho các môn thể thao, có vườn trẻ để các em bé leo trèo, chạy nhẩy. Trước đây, những buổi picnic chỉ gồm có cha mẹ và đàn con, đến nay lại tăng thêm lũ cháu, thêm tiếng cười nói vui chơi, nhộn nhịp.

     Nhờ không khí ấm áp, buổi picnic hàng năm vẫn thu hút nhiều người hưởng ứng, ra công viên để hưởng không khí mùa hè, để vui chơi trong tình bằng hữu, nhâm nhi ly nước, miếng ăn trong niềm vui qua câu chuyện trao đổi.

     Bước vào khu pinic dành sẵn, người đầu tiên tôi gặp là chị Hồ Kim Hải. Vẫn với lời nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào qua dăm ba câu thăm hỏi, chị ôm lấy tôi như đã từ lâu không gặp, cử chỉ thân thiện, từ tốn thật dễ thương. Thực ra, việc đầu tiên là ai nấy đều phải “trình diện” chị Hải, chị là người tiếp nhận và trông giữ hầu bao cho hội trong những buổi vui họp mặt như hôm nay.

     Nhìn đám đông vui nhộn quanh hai dẫy bàn thực phẩm, ông hội trưởng Nguyễn Mạnh Khang, hội phó Lâm Thành Mộng, tổng thư ký Hồ Kim Hải, trưởng ban tổ chức Trần Bá Kha đều tỏ vẻ thích thú, hài lòng với sự hiện diện hưởng ứng của hội viên và gia đình trong khi các nàng dâu KQ như chị Lệ Mẫn, chị Trần Bá Kha cùng dăm ba chị bạn đứng tiếp thức ăn cho từng thực khách. Chị Liên chạy qua lại xoay vần những bắp ngô trên mấy lò than nóng bỏng. Mùi thơm thịt nướng, mùi cháy lá ngô hợp lại, phảng phất dưới tàn cây tạo thành một hương vị hấp dẫn đánh thức con tì con vị của thực khách tham dự.

     Hàng năm, chị Nguyễn Tấn Phát tặng buổi picnic một con heo quay, góp cho phần ẩm thực thêm dồi dào, đậm đà. Chị còn rủ thêm một số bạn học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ ngày xưa đến chung vui. Qua niềm vui bạn hữu, một chị bạn cũng góp vào một món rất đặc biệt do chính tay chị nấu. Những món ăn ngon và hấp dẫn qúa, bằng chứng là chỉ qua một thời gian ngắn cả con heo quay cùng món đặc biệt của hai chị được mọi người chiếu cố tận tình, không còn dấu vết. Món ăn ngon qúa, không nghe thấy ai đả động đến danh từ y học “cholesterol” thường được hoang mang loan truyền trong câu chuyện về thực phẩm. Xin thành thực cám ơn chị Phát và các bạn của chị. 

     Dưới bóng mát của những hàng cây ngập lá xanh tươi, ai nấy đều thoải mái ngồi thưởng thức bữa trưa đầy hương vị cùng tình bằng hữu qua những câu chuyện, tiếng cười trao đổi. Đôi khi tiếng reo hò, tiếng cười nói nhộn nhịp vọng lại từ mấy sân quần vợt, chứng tỏ cuộc so tài múa vợt, lượm banh của anh Đạt, anh Liệu, anh Khánh, anh Kha, anh Cơ có vẻ đầy vui nhộn, hào hứng.

     Gặp dịp vui đông đủ bạn hữu thân thiết, đức lang quân nhà tôi hớn hở chạy qua lại thăm hỏi mọi người như không muốn bỏ sót một ai. Nào là anh chị Nguyễn Hồng Tuyền, anh Nguyễn Mạnh Đức, anh chị Nguyễn Phú Chính, anh chị Nguyễn Đình Lộc, anh chị Nguyễn Ngọc Thức, Anh Nguyễn Văn Cử, anh chị Lê Văn Hà. Anh chị Hà cư ngụ vùng Sacramento, cách San Jose khoảng ba giờ lái xe nhưng anh chị luôn hiện diện trong những buổi họp mặt, hội ngộ hàng năm. Dường như đã gặp đủ mọi người, chàng vào bàn ngồi nói chuyện với một vị khách lạ. Trên đường về, chàng cho tôi biết vị khách lạ đó là cựu Tham Mưu Trưởng KQ, Chuẩn tướng Võ Dinh, ông mới dọn về San Jose, lần đầu tiên đến chung vui họp mặt.

     Thấy tôi còn đang lưỡng lự chưa tìm chỗ ngồi, nàng Thanh Huệ kéo tôi ngồi cạnh, nhận ra những người chung bàn là những khuôn mặt quen thuộc như anh chị Nguyễn Công Bắc, anh chị Nguyễn Tiến Xương, anh Đỗ Ngọc Ẩn, anh Đàm Quang Khánh. Ngồi cạnh chị Xương tôi không lo đói vì thỉnh thoảng chị lại đi lấy thêm thực phẩm tiếp tế cho cả bàn. Cám ơn chị Xương, đôi khi tôi thấy chị mải lo giữ phần cho bạn mà quên phần mình đấy.

     Dưới bóng mát của hàng cây, ngồi thưởng thức vị ngọt ngào của dưa hấu sau bữa trưa đậm đà hợp khẩu vị. Lúc này sinh hoạt như bắt đầu nhộn nhịp trở lại, dường như ai nấy cũng muốn đứng dậy vươn vai, tứ chi vận chuyển, bước qua lại giúp mạch máu lưu thông đều hòa

     Chợt giọng nói của ông hội phó ngoại vụ Nguyễn Thanh Sơn từ máy phóng thanh mời qúy nương tuổi trên sáu mươi và qúy chàng tuổi dưới sáu mươi dự cuộc vui kéo giây hai phe nam nữ. Thoạt nghe cũng thấy lạ tai, phải chăng anh Sơn sợ phe mấy ông sẽ thua mấy nàng hay sao mà lại chọn các trai trẻ dưới sáu mươi để tranh sức với các nàng trên sáu mươi?

     Phe nữ, con cháu Trưng, Triệu đâu có sợ ai, lập tức đứng lên nhận lời thách thức. Chị Lộc, chị Bắc, chị Thanh Huệ, chị Xương, chị Cầu, chị Nghiêu, chị Hạnh Khang bước ra sẵn sàng cầm giây thử sức. Thấy vui, tôi cũng nhào theo các chị nhập cuộc.

     Mới đầu bên nữ chúng tôi còn đủ sức giữ vị trí, nhưng rồi sợi giây kéo dần về bên nam. Nhưng đột nhiên sợi giây bắt đầu di chuyển ngược lại phía nữ như có phép lạ giúp sức, tiếng cười nói, la hét inh ỏi của người trong cuộc cùng người đứng ngoài như khích lệ, cổ võ. Khi phe nam không giữ nổi vị trí, trọng tài trao phần thắng cho phe nữ.

     Không có phép lạ nào giúp chúng tôi đâu, một anh bên phe nam thấy phe nữ gần thua, anh quay lưng   thẳng tay kéo phe nam về phía nữ vì vậy mấy chàng trai trẻ bị thua oan! Tôi mừng hụt vì tưởng rằng mấy nàng trên sáu chục còn hung hăng, quyết tâm dành phần thắng. Thắng bại ở đây không có ý nghĩa gì, chỉ là một cách để chấm dứt cuộc vui trong tình bằng hữu.

     Trò chơi kéo giây như anh Sơn bày ra lần này khác lạ so với những lần trước, có lồng một chút khôi hài tế nhị, tạo thêm nụ cười cho niềm vui nhộn ngày hè.              

     Nhưng rồi cuộc vui nào cũng qua đi, ai nấy lại trở về với đời sống riêng tư. Mùa hè gần qua, mùa thu sắp tới, lũ con cháu lại sửa soạn tựu trường.

     Từng người nắm chặt tay nhau nói lời tạm biệt, hẹn gặp nhau những lần họp mặt tới.

     Cầu mong tất cả mọi người bình yên, con cháu học hành tấn tới, thành đạt để rồi lại hẹn gặp nhau trong những lần chung vui, tụ họp kế tiếp.

 

Cuối Hạ 2012

Nhã Dung 

          

No comments:

Post a Comment