Thiếu nữ Việt Nam

Thiếu nữ Việt Nam
quá dễ thương

Tuesday, May 25, 2010

Ý Nghĩa Nghi Lễ Tắm Phật

Tôi vừa nhận được email của Phật Tữ Minh Phước ở chùa Linh Sơn Austin Texas, kèm theo bài nói về Ý Nghĩa Nghi Lễ Tắm Phật. Minh Phước là con của người bạn chơi tennis với tôi, Minh Phước qua Mỹ du học trước 1975 và đỗ tiến sĩ về EE, mỗi lần Thầy Trù Trì làm lễ đám cưới, anh dịch ra tiếng Anh, ai nghe giọng nói tiếng Anh của anh cũng phải mê. Tôi hân hạnh biết Thầy Trù Trì và anh từ 1975.

Thấy bài Ý Nghĩa Nghi Lễ Tắm Phật hay hay, tôi post ra đây với hy vọng có người muốn tìm hiễu. Tôi cám ơn anh Minh Phước. tth

Sau đây là bài Ý Nghĩa Nghi Lễ Tắm Phật:


Ý Nghĩa Nghi Lễ Tắm Phật

Thích-Chân-Tuệ

(Nhân dịp Đại Lễ Phật Đản năm nay 28.5.2010, Phật Học Tịnh Quang Canada cúng dường bài viết.)

Theo truyền thuyết, ngay khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, có hai vị Long vương đến phun hai dòng nước tắm cho Thái tử. Một vị phun dòng nước lạnh và một vị phun dòng nước nóng. Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.
Trong kinh sách, Đức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó là một vị Phật trong tương lai. Đây là ý nghĩa hết sức thâm trầm vi diệu của đạo Phật.
Trong kinh sách, những cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là: bát phong. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới thuận nghịch, đó là: lợi lộc và suy sụp, hủy báng và danh dự, xưng tán và chỉ trích, khốn khổ và lạc thú.
Trên đời này, cảnh khổ quá nhiều: sanh lão bệnh tử là khổ, cầu mong không được, thương yêu phải chịu chia lìa, thù ghét gặp nhau, thân thể ốm đau, tâm loạn động bất an cũng đều khổ. Còn hưởng thụ các lạc thú trên đời cũng không ít việc đưa đến phiền não khổ đau sau đó.
Trong Phật giáo, thường có nhiều hình thức nghi lễ, nhằm mục đích truyền bá giáo lý sâu rộng trong nhân gian, giúp đỡ mọi người xây dựng cuộc sống hiện đời được an lạc và hạnh phúc hơn. Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh nói trên.
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Đây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật và việc tu tập theo đạo Phật vậy.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
Email: cutranlacdao@yahoo.com

No comments:

Post a Comment