Trong câu chuyện Những Đàn Chim Thiên Di, tác giả nói tới tinh thần kỹ luật và tình đồng đội của đàn chim. Mỗi cuối Thu, đàn chim tập họp mỗi lần hàng trăm, hàng ngàn, gọi nhau líu lo mừng rỡ, bàn nhau phân công, tổ chức, sắp xếp từng đàn lần lượt bay đi trong trật tự về phương Nam để tránh mùa Đông giá buốt của phương Bắc. Rồi tác giả nảy ra ý tưởng so sánh con chim đầu đàn với cấp chỉ huy của quân đội chúng ta 1975. Sự so sánh nầy làm vết thương lòng rướm máu của tôi trên ba mươi năm qua tưởng đâu đã nguôi ngoai theo thời gian, đột nhiên đau rát trở lại, như bị ai xát muối vào vết thương.
Tôi và anh bạn thân đưa vợ con hai đứa vào văn phòng của anh ẩn náo đã mấy tuần nay. Chiều 28 tháng 4, 1975, hai đứa tôi đưa vợ con lên C130 đi Côn Sơn theo chương trình di tản của KQ Tân Sơn Nhất. Người dễ thương lăng xăng lo cho gia đình binh sĩ lên C130 chiều hôm đó, là ĐT Nguyễn anh Tuấn TMPHQ/SĐ5KQ, nhìn sự di tản trật tự nầy, tôi mến phục cấp chỉ huy SĐ5KQ.
Nhưng sự mến phục đó không được lâu! Sáng ngày 29 tháng 4, 1975, tôi có linh tính sáng nay KQ Tân Sơn Nhất tan hàng. Tôi bàn với anh bạn thân, để ý xếp của hai đứa tôi, nếu xếp lên xe jeep là tôi với anh lên xe jeep, anh bạn thân đồng ý. Đúng 9 giờ sáng, xếp lên xe jeep, tôi và anh bạn thân lật đật lên xe jeep, xếp quay đầu lại chưởi hai đứa tôi: “Địt mẹ đi đâu đó?” (nguyên văn). Hai đứa tôi làm thinh. Rồi anh L. quyền Phi Đoàn Trưởng của tôi, nỗi cơn ôm súng M16 chỉa vào tôi và anh bạn thân hét lớn: “Tụi bây đi, tao bắn”. Anh bạn thân nói với tôi: ” Thằng L. VC Thái ơi! chạy”. Tôi thất lạc anh bạn thân từ đó. Thật ra anh L. không phải là VC, anh Phi Đoàn Trưởng của tôi thì trốn qua Phi Luật Tân trước rồi, ở nhà anh L. làm quyền Phi Đoàn Trưởng, anh là tay nhậu, suốt ngày ôm chai rượu, không biết lo gì cả. Khi có lệnh di tản vợ con ra Côn Sơn thì vợ con anh còn ở nhà và anh không ra cổng được vì có lệnh đóng kín cổng sau khi bị máy bay VC dội bom chiều hôm ấy. Khi tan hàng, vợ con anh còn ở nhà, anh quẩn trí nên nói bậy, anh bị kẹt lại và gỡ mười mấy cuốn lịch trong tù.
Mặc dù thất lạc anh bạn thân, nhưng tôi vẫn bám sát xếp, xếp lái xe ra bến đậu máy bay gần câu lạc bộ Mây Bốn Phương để lấy máy bay chạy. Anh bịnh nhì gác máy bay bắn M16 xuống đường để doạ xếp, đạn xuống đường dội lên trúng đầu gối một anh KQ, anh KQ nằm rên la. Bị anh binh nhì bắn doạ, xếp mất hết oai phong, lính quính quay đầy xe chạy ngược lại để ra bến đậu máy bay phía bên cứu hoả!
Tôi, người Sĩ Quan mà xếp mới chưởi mấy phút trước đó, tôi không sợ anh binh nhì để cắm đầu chạy như xếp, tôi không dùng oai phong, mà tôi dùng tình người ân cần hỏi anh binh nhì tai sao anh bắn. Anh nói anh được lệnh không cho ai lấy máy bay. Tôi cho anh biết xếp của anh chạy hết rồi, tôi bảo anh gọi máy coi có xếp nào trả lời không. Anh gọi máy, không ai trả lời! Tôi nói anh có hai đường chọn lựa, hoặc là lên máy bay đi với chúng tôi, hoặc là bỏ súng đi về nhà, không khéo VC sẽ vô bắt. Anh khóc và bỏ súng đi về nhà. Thế là tôi và một số người vào được bến đậu máy bay, vì anh binh nhì bắn doạ, đa số chạy lối khác, nên tôi nhảy lên chiếc C7 trống trơn, ôi cũng số Trời!
Phi Công của chiếc C7 mà tôi nhảy lên hôm ấy là hai anh trẻ, vì mây rất thấp, anh trưởng phi cơ than với tôi không tìm ra đảo Côn Sơn. Tôi sợ bay lang thang sẽ hết xăng, tôi đề nghị với anh để tôi bay, anh đồng ý. Đứng sau lưng và chòm qua vai anh, tôi lái chiếc C7, bay một lúc thì tôi tìm thấy đảo Côn Sơn, tôi giao cần lái chiếc C7 lại cho anh, anh ôm đầu kêu lên: “tụi mình sống rồi ông Thái ơi!”. Nhìn anh vui mừng, tôi âm thầm cám ơn anh đã tin tưởng giao cần lái cho tôi, để tôi có cơ hội đem niềm vui cho bao nhiêu gia đình, trong đó có vợ con tôi, tôi cũng không quên tạ ơn Trời Phật. Trong khi đó anh bạn thân của tôi, anh chỉ huy phi đoàn C7, anh không lấy được chiếc C7 mà anh nhảy lên chiếc C130, chiếc C130 nầy đi thẳng qua căn cứ Mỹ ở Thái Lan, anh thất lạc vợ con. Tôi gặp vợ con anh bạn thân ở Côn Sơn, may mà vợ con anh chịu đi Thái Lan với chúng tôi. Đêm 28 tháng 4, vợ tôi ngũ ở Côn Sơn và khóc suốt đêm vì nghe trong radio, VC phóng hoả tiền vào phi trường Tân Sơn Nhất như mưa, vơ tôi sơ tôi chết. Nếu tôi không ra Côn Sơn, tôi tin chắc vợ tôi sẽ không đi Thái Lan mà dẫn con về nhà, vì vợ tôi không tin tôi còn sống, nếu còn sống tại sao tôi không ra Côn Sơn, vợ tôi đâu có biết tôi đi máy bay ké, nên đâu có quyền quyết định. Tưởng tượng cảnh vợ tôi dẫn con về lại Saigon, xương sống tôi lạnh buốt, lúc ấy không biết đời tôi đi về đâu!
Nhớ lại lúc xếp lẫn tránh âm thầm chạy một mình, tôi đau xót nghĩ tới câu chuyện chiếc du thuyền Titanic, lúc tàu sắp chìm, vị thuyền trưởng của tàu lo cho du khách và thuộc hạ đi, ông can đảm ở lại chết trên tàu. Đàng nầy xếp không lo cho đàn em, mà xếp còn đủ oai phong chưởi bới đàn em vì sợ đàn em sống sót! Cách cư xử với đàn em không một chút tình người của xếp lúc ấy, tôi không nghĩ xếp sẽ buồn nếu đàn em của xếp chết hết và xếp là người duy nhất sống sót! Chao ôi! trên đời nầy có người như vậy sao?
Hơn ba mươi năm rồi, tôi chưa bao giờ gặp lại xếp, dù tôi có ý tìm kiếm trong các Đại Hội Không Quân mà tôi có dịp tham dự mỗi năm. Có thể lúc ấy xếp nghĩ mình oai phong quá, nên quên hết tình người. Tôi muốn gặp lại xếp, mời xếp một bửa cơm thịnh soạn, tôi muốn nghe lại tiếng nói của xếp trong lúc xếp không còn oai phong, để tôi âm thầm nhận định nhân cách của xếp, để tôi tìm hiểu tại sao con người có thể đối xử với con người như vậy, nhất là người đồng đội với nhau! Mỗi lần gặp anh bạn thân, tôi nhắc lại chuyện nầy, hình như anh cố quên đi hay là anh không thèm nhớ. Có lẽ tôi phải bắt chước anh bạn thân, cầu Trời Phật giúp tôi quên được phiền muộn ngày xưa, để cho vết thương lòng lành hẳn! tth
Sau đây là câu chuyện:
Những Đàn Chim Thiên Di
Cả hai tuần nay, mấy quan chức sở “bảo vệ súc vật” thành phố thường xuyên đến thăm gia đình tôi, để tìm hiểu lý do vì sao, trước mùa đông năm nay những đàn chim trane không còn trở về vùng này nữa. Họ đã cho người dọn dẹp lại khu bờ sông, chăm sóc cánh đồng cỏ và trồng thêm mấy hàng thông phía bên kia để đón những đàn chim, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy bóng dáng một con trane nào trở lại.
Trane là một loài chim sống thành đàn, màu nâu đen, có dáng như con hạc ở quê nhà. Là một giống chim không chịu lạnh, nên hàng năm, cứ trời sắp sang đông là tụ tập từng đàn ở một nơi nào đó rồi chia nhau bay tìm những xứ nóng phương nam. Ở Bắc Âu có nhiều loài chim trốn lạnh, nhưng loại trane này nhiều nhất, có tổ chức khá qui củ, và khi bay đi chúng bay thành từng nhóm theo hình những mũi tên, có khoảng cách đều nhau, rất đẹp.
Định cư ở Nauy hơn ba năm. Lúc kinh tế gia đình và việc học hành của mấy đứa con tạm ổn định, cũng là lúc vợ chồng tôi bắt đầu có thời gian để hồi tưởng về quá khứ, và nhớ quê hương. Chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà dưới thung lũng nhỏ, bên bờ sông Nitelva yên tĩnh, bên kia là cánh đồng cỏ mênh mông tiếp giáp với núi rừng. Cái khung cảnh có mang một chút hình dáng và màu sắc quê nhà giúp tâm hồn tôi yên ả hơn mỗi khi thấy lòng trăn trở, nhung nhớ một điều gì.
Những lúc buồn, tôi ngồi hằng giờ trong bao lơn nhìn ra phía cánh đồng và rừng núi phía xa xa, để ngỡ là quê hương mình như đang ở phía bên kia triền núi đó. Không những vợ chồng tôi mà mấy đứa con đều thích thú ngôi nhà này, vì nó khá rộng rãi đủ để mỗi đứa có một phòng riêng, trang trí, sắp xếp theo sở thích của mình. Trong thung lũng nhỏ này, ngoài chúng tôi, chỉ có ba gia đình láng giềng, một đến từ Thụy Điển, một đến từ Tây Đức, chỉ có một gia đình là dân bản xứ chính tông. Có lẽ sống trong một khu “hợp chủng quốc” bé nhỏ nhất trên lục địa này, nên chúng tôi sớm gần gũi, thân tình.
Dọn đến cuối mùa xuân, nên suốt hè năm ấy, chúng tôi lần lượt là khách mời của mấy người bạn láng giềng. Ông bà người Thụy Điển có chiếc du thuyền lớn với đầy đủ tiện nghi. Cả nhà chúng tôi được cùng họ xuôi ngược cả một tuần trên con sông Nitelva chảy dài qua những rừng thông, đồng cỏ và một vài vùng quê êm ả, lãng mạn. Những ngày còn lại, cùng với gia đình ông bà người Đức vào rừng cắm trại, đi săn, rồi cùng với gia đình ông bà Nauy đi cắm lều bên kia bờ sông, vừa câu cá vừa ngắm những cặp thiên nga tung tăng bơi lội.
Khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi xuống, trời đột nhiên trở lạnh, báo hiệu sắp chấm dứt mùa thu bắc âu thơ mộng, cũng là lúc chúng tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho một mùa đông băng giá kéo dài cả năm, sáu tháng.
Một buổi tối, khi ngồi ở phòng khách đọc mấy tờ báo, tôi nghe tiếng chim kêu, mỗi lúc một nhiều, vang động cả một vùng xưa nay tĩnh mịch. Tiếng chim có cái âm sắc như đang tìm nhau, gọi nhau, mừng rỡ. Hôm sau, hỏi ông láng giềng người Đức, tôi mới biết là chính ngã ba sông ngay trước nhà tôi, từ bao nhiêu năm nay, là nơi nhiều đàn chim trane di xứ chọn làm địa điểm tập trung để bay về phương nam trước khi mùa đông đến.
Cả mấy đêm liền sau đó, cứ vào khoảng chín giờ tối, những đàn chim từ mọi nơi bắt đầu kéo về tụ tập ở bờ sông và cánh đồng cỏ bên kia, kêu gọi nhau cả đêm. Đến mờ sáng, chia nhau từng nhóm chừng hai mươi con, nối tiếp bay đi, theo hình những mũi tên, vẽ lên nền trời mờ hơi sương một bức tranh tuyệt đẹp.
Nhiều đêm, tôi lặng lẽ ra bờ sông, ngồi cả mấy tiếng đồng hồ, nhìn chim từng đàn bay tới, cả trăm, rồi hàng vạn con. Chúng đón nhau gọi nhau líu lo mừng rỡ. Tiếc là loài người đã không hiểu được ngôn ngữ của loài chim, để nghe nó chào nhau, nói với nhau những lời tình tự, và bàn nhau phân công, tổ chức, sắp xếp từng đàn lần lượt bay đi trong trật tự. Tôi miên man hồi tưởng thời gian hơn mười năm trong lính. Rồi bất ngờ nảy ra một ý tưởng so sánh lạ kỳ: Những “đội quân” chim trane này có tinh thần kỷ luật và tình đồng đội. Các “vị chỉ huy” của nó còn tài giỏi hơn nhiều ông quan chỉ huy của bọn tôi ngày trước. Con chim dẫn dầu trong một đội hình mũi tên chắc chắn phải là con chim chỉ huy cấp nhỏ nhất, nhóm trưởng. Con chim “tổng tư lệnh” phải là con chim bay lên ở những nhóm cuối cùng. Phải như thế mới có được một cuộc “hành quân triệt thoái” diễn ra trong trật tự và đẹp đẽ như tôi vừa chứng kiến. Cái may mắn, là chúng có cả một không gian yên bình để sắp xếp những chuyến ra đi, khác với những người lính chúng tôi vào những ngày cuối tháng tư, với bom đạn xe pháo dày đặc của cả một khối liên minh đối phương kéo từ phương Bắc. Trong lúc chúng tôi bị người bạn đồng minh bội phản, và điều đáng buồn hơn, đã có nhiều cấp chỉ huy hèn mạt, xa chạy cao bay trong khi chúng tôi vẫn còn kiên cường chiến đấu.
Những năm sau đó, năm nào cũng thế, khi trời chỉ mới vào thu là tôi đã bắt đầu ngóng chờ những con chim trane trở lại. Tôi chờ chúng như đã từng chờ những chiến hữu của mình. Tôi thấy như mình trẻ lại, lòng rộn rã niềm vui. Cho dù cứ mỗi lần đàn chim tụ tập về đây là tôi có nhiều đêm mất ngủ, trăn trở nghĩ suy về quê hương và thân phận của mình cùng những bạn bè xưa.
Hầu hết bạn bè tôi, nếu còn sống sót sau cuộc chiến tang thương đó, kẻ đã phải ra đi trong loạn lạc, ly tan, người thì được ông bạn đồng minh phản bội năm xưa, can thiệp với kẻ cựu thù cho “ra đi trong vòng trật tự” sau nhiều năm bị đày đọa ngục tù, vợ con nheo nhóc, để giờ này mỗi người trôi dạt một phương, mang theo những vết thương không lành được ở trong lòng. Biết đến khi nào chúng tôi mới đuợc như những con chim trane đang tụ tập ca hót líu lo ngoài kia, trươc giờ bay xuống phương nam?
Có một lần, dường như vào mùa đông thứ năm, khác với mọi năm, khi trời đã sáng hẳn rồi mà đàn chim cuối cùng vẫn chưa rời khỏi địa điểm tập trung, kêu lên những tiếng kêu lạ, buồn và khắc khoải. Tôi tò mò chạy ra xem. Lúc ấy những con chim vội vàng tung cánh bay lên rồi lần lượt xếp lại thành đội hình mũi tên, nhưng vẫn bay vòng lại mấy lần và tiếp tục những tiếng kêu buồn không dứt. Tôi đứng nhìn theo, lòng lắng xuống như muốn nhắn gởi theo từng cánh chim một ít nỗi niềm. Nghe có tiếng sột soạt trong một hốc đá, tôi chạy lại tìm. Một chú chim, chẳng hiểu vì sao bị gẫy đôi chân, nằm sâu trong đó, bên cạnh có khá nhiều hạt lúa mì, thức ăn dành cho nó. Tôi bế con chim vào nhà. Nó nhìn tôi như van lơn, đôi mắt ướt nhè. Tôi có cảm tưởng là nó đang khóc. Tôi lại chợt nhớ tới những đồng đội bất hạnh, bị trọng thương trong những ngày cuối cuộc chiến, đau đớn, cô đơn, rồi lang thang sau khi bị đuổi ra khỏi các quân y viện. Mắt tôi bỗng nhòe đi khi nghĩ đến mấy vị tướng oai hùng, cùng ở lại sống chết với anh em rồi tuẫn tiết trước giờ thứ hai mươi lăm.
Từ ngày có con chim trane thương tích, nhà tôi lại vui hơn, nhất là hai cô con gái nhỏ của tôi, tha hồ nâng niu, chăm sóc và kể cả tâm tình với nó. Cô bé thích sau này làm nghề y tá, thì mang nó ra phòng bác sĩ thú y khám, mua thuốc băng bó cho nó. Riêng tôi, mỗi lần chăm lo cho nó, tôi có cảm giác như đang lo cho một đồng đội bị thương tích của mình. Hơn hai tháng sau, khi đôi chân của nó lành hẳn, cũng là lúc tuyết đang rơi trắng cả khung trời. Được thả ra khỏi lồng, nhưng nó chỉ quanh quẩn trong nhà. Suốt gần một năm nó là một thành viên đặc biệt trong gia đình tôi và là bạn thân của hai cô con gái nhỏ.
Khi mùa thu trở lại, tôi bàn bạc, khuyên mấy đứa con chuẩn bị trả nó lại với đàn, khi những con chim thiên di đầu tiên trở lại. Giải thích và năn nỉ mãi mấy cô mới chịu. Hôm trả nó lại sum họp với đàn, hai cô con gái nâng niu, âu yếm tâm tình rồi chia tay nó. Không khí cảm động không thua gì những cuộc chia ly trên thế gian này.
Một điều làm cả nhà tôi ngạc nhiên và xúc động. Cuối mùa thu năm sau, khi những đàn chim bắt đầu trở lại, một buổi tối khi sửa soạn đi ngủ, mấy cô con gái của tôi bất ngờ thấy con chim trane đậu ngoài cửa sổ. Khi cửa sổ vừa mở, nó bay vào trong phòng, kêu lên rộn rã. Nhờ vết thương cũ còn in dấu trên đôi chân của nó, mấy cô con gái mới biết chắc, nó chính là con chim năm trước. Từ đó, có thể tôi còn biết về loài chim trane này nhiều hơn những nhà nghiên cứu chim muông: trung thành và có trí nhớ.
Không ngờ, những con chim trane lại là những niềm vui, nỗi nhớ cho gia đình tôi trong những ngày lưu lạc ở một vùng bắc âu xa lạ.
Bây giờ mấy cô con gái của tôi đã thành người lớn. Tất cả đã đi học bên Mỹ, bên Anh rồi ở lại làm việc luôn bên ấy, nhưng cứ gần tới cuối mùa thu đều gọi về nhà hỏi thăm đàn chim trane có còn tụ tập trước nhà, và con chim bị thương ngày trước có còn bay về đậu trên khung cửa sổ.
Suốt mùa thu vừa rồi, tôi trông chờ nhưng đàn chim không trở lại. Tôi thấy nhớ tiếc những đêm nghe tiếng chim kêu, và những buổi sáng tinh mơ nhìn từng nhóm lặng lẽ bay theo hình những mũi tên hướng về phương nam, hùng vĩ như một binh đoàn vượt tuyến xuất phát, bắt đầu một cuộc hành quân qui mô dài hạn. Nhiều lúc tôi đã từng ước mơ có thêm đôi cánh, để cùng được bay lên với chúng.
Cơ quan bảo vệ súc vật và sở y tế & vệ sinh thành phố, cũng đã đến đây từ đầu mùa thu, xịt thuốc sát trùng và dọn dẹp bờ sông, đồng cỏ, để đón những đàn chim trane trở lại. Năm nay, họ làm việc nhiều hơn, chuẩn bị mọi điều chu đáo hơn, vì có tin bệnh “cúm gia cầm” ở một vài xứ nóng phía nam. Họ lo lắng những con chim trane bị lây nhiểm vi khuẩn H5N1. Loại vi khuẩn mà cả thế giới đang bàn tán về nguy cơ một cơn đại dịch. Hội Đồng thành phố họp liên miên, bàn bạc về khả năng những con chim trane, có thể sẽ bị giết chết trên một xứ nóng nào đó, để ngăn ngừa mang bệnh vào. Họ liên lạc với cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, gởi thư cho chính phủ của một số nước nhiệt đới phía nam, nhằm bảo vệ cho những đàn chim trane bay sang trốn lạnh. Họ chuẩn bị, lo lắng để đón những đàn chim của họ quay về.
Trời đã vào đông, ngoài kia, bầu trời đã đổi sang màu trắng đục, trên dòng sông Nitelva dày đặc sương mù, báo hiệu những hạt tuyết đầu mùa sắp rơi. Bà Anne-Mari, trưởng Sở bảo vệ súc vật thành phố, cùng một số nhân viên đến nhà tôi từ chiều nay. Họ kiên nhẫn ngồi chờ để hy vọng được đón những đàn chim trane có thể trở lại muộn màng. Họ cùng vợ chồng tôi uống hết mấy bình trà, rồi chia tay lúc nửa đêm. Tuyết bắt đầu rơi. Chắc chắn giờ này những con chim trane không còn đến nữa. Khi đứng lên chia tay, nhìn họ thoáng buồn nhưng không tuyệt vọng. Mỗi người đều nắm chặt tay tôi và nói lời cầu nguyện bằng an cho những con chim trane di xứ, dù nó đang trôi dạt ở nơi đâu cũng mong cuối mùa thu năm sau sẽ kéo nhau trở lại nơi này.
Suốt cả đêm tôi không hề chợp mắt. Không phải tôi nghĩ đến những con chim trane, mà nghĩ đến thân phận của chính mình cùng những người đồng hương đang lưu lạc khắp năm châu. Ngược lại với loài chim trane thiên di, bay về nam tìm nắng ấm, chúng tôi đã phải bỏ quê hương bốn mùa nắng ấm để đi tìm tự do và tình người ở những vùng băng tuyết xa xăm. Những mùa đông kéo dài, trong cái lạnh lẽo mới thấy thấm thía tận cùng nỗi cô đơn xa xứ.
Tự dưng, tôi nghĩ đến một điều: Biết đến khi nào chính quyền ở quê nhà thật lòng xem những người ra đi là “khúc ruột ngàn dặm”, là “một bộ phận không thể tách rời”, để biết yêu thương lo lắng và mong ước đón tiếp họ trở về, như chính quyền của cái thành phố nhỏ ở xứ Bắc Âu xa xôi này - nơi từng cưu mang gia đình tôi - đã lo lắng mong chờ những con chim trane di xứ? Điều đặc biệt hơn, là những người Việt tha phương sẽ mang về cho quê hương biết bao nhiêu tài năng, trí tuệ, và bạc tiền, còn những con chim trane kia có thể sẽ mang về cho họ những con vi khuẩn chết người.
Tôi đắp kín chăn nhưng vẫn thấy lạnh toát, mơ hồ như tuyết đang phủ đầy người, và vết thương cũ trong lòng vừa mới nhói đau trở lại.
phạmtínanninh
Thursday, January 8, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment