Tôi nhận được email của Thầy D Nguyễn văn Ghi kèm theo hình ảnh Chùa Sa Mạc, lồng theo câu chuyện cãm động có thật của một cặp vợ chồng sắp tan rã, rồi nhờ Phật Bà hàn gắn. Tôi xin post ra đây.
Hôm nào tôi qua San Diego thăm cháu ngoại, thế nào tôi cũng đi viếng chùa nầy, Kira sẽ thích lắm, nó sẽ cầu nguyện Phật Bà cho bà ngoại. Cám ơn Ghi ơi. tth
Tượng Phật Bà
Hiện Hào Quang
Cứu Độ Chúng Sinh
(01/29/2010)
Mặt trời vừa lên, đã có người hành hương lên Chùa Sa Mạc
Hôm ấy là chủ nhật 29/11/2009 tại vùng sa mạc Victorville, miền nam tiểu bang California . Hàng chục Phật tử đã chụp hình, đã quay phim được tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hào quang.
Bà con miệt Little Saigon vẫn gọi Thiền Viện Chân Nguyên bằng cái tên “Chùa Sa Mạc” vì Thiền Viện nằm giữa sa mạc mênh mông, như chạm được với vô cùng, nhất là về đêm.
Đêm về ngửa mặt nhìn trời, trùng trùng diệu vợi, triệu triệu sao băng. Băng, băng và băng. Băng, chừng nghe được tiếng rít vèo của gió. Ánh sáng xẹt. Nhưng kìa, sư ông viện trưởng vẫn điềm nhiên hòa mình cùng gió, cùng cái lạnh êm buốt. Băng, băng và băng.
Với sư ông, là băng tuyết buốt giá suốt mùa đông, khi chùa chưa có đủ điện cho máy sưởi nhiệt. A Di Đà Phật, tiếng niệm ngân giữa đêm vắng, giữa sa mạc buốt lạnh.
Ngàn cánh sao băng, băng và băng. Tôi thấy sao băng. Tôi cám cảnh cái lạnh băng buốt của vị sư già bình thản kham chịu, để cố công gầy dựng cho được một thiền viện mang tên “Chân Nguyên”.
Cảnh chùa sa mạc giữa đêm khuya vô cùng, vô tận. Tối thui. Như hòa mình cùng vũ trụ. Như chìm vào giữa khôn cùng của đất trời. Chỉ còn lại những vì sao băng. Tôi chịu, không hiểu tại sao ở giữa chốn hoang vu này lại được nhìn thấy nhiều sao băng đến thế.
Tôi biết được “Chùa Sa Mạc” từ một câu chuyện giữa bác sĩ khoa học gia Mạc Bìa, nữ bác sĩ Theresa Quách và cựu sĩ quan Dù Trần Công Hoàng đến từ Florida .
Chuyện sao băng, sao xẹt, dưới mắt nhìn khoa học ngày nay nào khác gì những truyền thuyết cầu đảo, thay ngôi đổi vị nơi vì sao chủ thể của mỗi người. Như tích Khổng Minh cầu đảo mỗi lần xuất trận hay gặp khó, trong trận Xích Bích chiến chẳng hạn.
Ai từng mỉa mai chuyện Tôn Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh trong Tây Du Ký nhảy 1 cái lên tới thiên đình, có “thiên lý nhãn” mắt thấy ngàn dặm, có “thiên lý nhĩ” tai nghe ngàn miles? Lý giải làm sao khi có trùng hợp các phi thuyền thám hiểm các hành tinh (thiên đình)? Hiện tượng radio không phải thiên lý nhĩ là gì? Còn tivi thấy được ngàn dặm khắp thế giới, giải thích làm sao đây?
Bác sĩ khoa học gia Mạc Bìa, người có phát minh hàng loạt máy chữa bệnh bằng tia Laser được (FDA Hoa Kỳ) công nhận, chữa lành nhiều bệnh lạ cắp mặt địa cầu. Ông mô tả cảnh tượng ban đêm ở “Chùa Sa Mạc” (Thiền Viện Chân Nguyên) hấp dẫn tôi ngay từ đầu... và chờ cơ hội đến thăm.
Hôm 29/11/2009, Chùa Sa Mạc có lễ vía Đức Quán Thế Âm.
Phật tử cả miền Nam California hẹn nhau về lễ, khá đông.
San Diego , Little Saigon, Los Angeles con Phật hùn mướn xe buýt đi chung nhưng đa số tự lái xe và thường đi cả gia đình.
Lâu lắm tôi mới nhìn thấy cảnh “bụi mịt trời” như ngày nào ở Ban-mê-thuột, cái xứ buồn muôn thuở với bụi mờ khi các đoàn quân xa đi qua. “Chùa Sa Mạc” nằm chênh vênh giữa khoảng đất hoang sơ mênh mông, đường vào chùa vẫn còn là đất nên bụi tung mù mịt.
Chùa vẫn sơ nguyên và dường như công trình trong hơn mười năm tu tạo cũng vẫn chậm rãi, khắc phục từng bước một bởi quy định địa phương và nhân lực phụ giúp chưa đủ nhiều, nếu không muốn nói là chưa có ai, để thiền viện được thành nơi có đầy đủ tiện nghi bình thường, để sinh hoạt, tu tập.
“Chào chị, chị từ đâu đến?”
Tôi đón hỏi một phụ nữ trung niên khi chị dừng xe trong bãi đậu, bụi còn bay.
“Dạ, San Gabriel , gần Los Angeles .”
“Chị thấy xa và lái như thế có mệt không?”
“Không xa lắm. Nhưng dẫu có xa mà được dịp đưa má tôi và các con cùng đi chùa như thế này thì tôi chẳng thấy xa xôi gì...”
Tôi nhìn vào xe. Bà cụ mặc áo dài lam ngồi phía trước cùng tài xế (chắc là chồng chị) và 4 đứa con vào tuổi choai choai.
“Làm sao chị biết về chùa này?”
Chị đưa mắt nhìn ra khu an vị đại tượng đức Quán Thế Âm rồi nói:
“Sự linh ứng của đức Quán Thế Âm tại chùa này đã được loan truyền cả năm nay. Tượng Phật Bà có hào quang. Ai cầu gì được nấy. Nhất là ngài đại sư viện trưởng hết lòng giúp đỡ Phật tử gặp nghịch cảnh, khổ đau...”
Chị kể tiếp: “Thoạt tiên má tôi nghe mấy người bạn nói và rủ tôi cùng đi. Hai má con tôi lên đây ngày thường, khá vắng. Sau khi quỳ lạy cầu nguyện trước tượng đài sen Quán Thế Âm và gặp sư ông viện trưởng, má tôi nói bà cảm thấy bình an ở trong lòng, hết lo sợ và khoảng mươi ngày sau chúng tôi nhận được tin và chị cả của tôi ở Sài Gòn thoát được cơn bệnh ngặt nghèo. Riêng tôi, ông chồng tôi có việc sau một thời gian bị lây-ốp... Tất cả đều do sự cầu nguyện và nhờ Đức Quán Thế Âm hộ trì...”
Hôm nay lễ vía đức Quán Thế Âm đồng thời cũng là đệ nhất chu niên ngày an vị đại tượng Phật Bà Quán Thế Âm nên đa số Phật tử đến dự lễ đều là những người đã từng van cầu và được cứu giúp, đến tạ lễ.
Đến trước các Phật tử, dường như là các vị sư và ni. Khi hành lễ mới thấy thật là đông các vị tu sĩ Phật giáo từ nhiều nơi về. Có vị từ tiểu bang xa.
Gặp một lão huynh hoạt động lâu năm trong Gia Đình Phật Tử, hôm nay phụ trong ban tổ chức. Hỏi dăm điều, được anh cho biết hôm nay vì là ngày lễ chỗ này mới được như vầy. Ngày thường “buồn và vắng lắm anh ơi!”
Trong lúc tôi đang nói chuyện với anh thì có một phụ nữ xin phép được hỏi “Có ai phụ giúp mang thức ăn xuống giùm không?”. Anh huynh trưởng già bỏ tôi để cùng gia đình nọ phụ chuyện mang thức ăn chay vào dãy lều mới dựng.
Được biết anh chị Hoa đã nấu suốt ngày thứ bảy để chuẩn bị các món đặc biệt này mang lên “phụ với Thầy đãi bà con trong ngày lễ hội.” Ba nồi cà-ri. Hai thùng nước lèo (ăn bún) và rất nhiều gỏi cuốn sẵn, có bịt giấy gương 2 cuốn một phần.
Coi bộ anh chị Hoa đã quen với sinh hoạt của Thiền Viện. Tôi đợi sau khi thức ăn đã được mang vào lều, hỏi anh Hoa vài câu.
Sau vài câu mở đầu làm quen, anh Hoa kể lại cái “DUYÊN” với Thiền Viện Chân Nguyên:
“Bà con truyền tai nhau về “Nước Cam Lồ” ở dưới chân tượng Phật Bà ở đây đã giúp cho nhiều người đến cầu xin. Ban đầu tôi cũng ừ à cho vợ tôi vui nhưng kỳ thực trong lòng vẫn bán tín bán nghi. Có một cuối tuần, khi đang quỳ lễ Phật Bà, tôi nghe một người quỳ gần cầu nguyện “cảm tạ Phật Bà đã độ giúp toàn gia đình nạn khỏi tai qua” và bà quay lại cất giọng ấm áp “Hai con thỉnh lạy Mẹ xin thêm nước cam lồ...”
Câu chuyện của vợ chồng Tuyền sau đó được Tuyền kể lại thật cảm động. Họ hiểu lầm nhau trầm trọng và đang ở vào giai đoạn chót của thủ tục ly dị, chia gia tài, chia con cái. Thật là một bi kịch gia đình.
Tuyền kể: “Trong khi mọi người hăm he đủ mọi cách nhưng chỉ có má chồng tôi là bình tĩnh. Bà lựa dịp gặp riêng hai vợ chồng tôi và nhỏ nhẹ “xin” cả hai đứa chiều bà một lần chót.
Phải nói là bà khẩn khoản cả hai đứa chúng tôi. Không cần biết chúng tôi có đồng ý không, bà bảo ngày mai “Hai con ăn mặc chỉnh tề, cùng mẹ lễ Phật ở Chùa Sa Mạc!”
Tưởng là chuyện gì khó, chuyện cầu nguyện, lễ chùa nào phải là chuyện khó khăn! Thế là ba mẹ con cùng lên “Chùa Sa Mạc”.
Trên suốt đoạn đường dài 2 tiếng đồng hồ, không ai nói với ai một lời nào. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến “Chùa Sa Mạc” nên còn ngỡ ngàng lắm.
Khi tìm được ngỏ rẽ vào chùa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là tượng Phật Bà trắng toát, hiện lên giữa vùng đất hoang vu. Khi bước xuống xe, tôi không rời khỏi Phật tượng. Dường như tôi đã bị cuốn hút bởi khung cảnh của chùa, của tượng. Mà không phải chỉ mình tôi, cả chồng tôi và má của ảnh cũng vậy. Không ai bảo ai, chúng tôi lặng lẽ đến trước Phật Đài.
“Anh thấy đó, hôm ấy, nơi nầy chỉ có ba má con tôi. Mỗi người mỗi cách quỳ cầu. Được một lúc lâu, má chồng tôi cố cho chúng tôi nghe được lời cầu xin của bà:
“Con xin Mẹ hiển linh cứu giúp. Gia đình con xưa nay nối đời giữ nếp gia phong... Nay vì tha phương xứ lạ gặp trắc trở khó khăn... Con xin phó thác vào tay Mẹ, xin cho con trước khi nhắm mắt theo ông bà được nhìn thấy gia đình con vẫn truyền đời giữ được nếp gia phong...” Dường như bà cụ cố nhấn mạnh đến “nếp gia phong” vì có lẽ, chồng tôi là con trai trưởng.
Tôi liếc thấy chồng tôi khóc. Tôi nhìn sững tượng Phật Bà. Bỗng dưng nước mắt tôi trào tuông lúc nào không hay.
Không biết chừng bao lâu má chồng tôi đứng dậy, quay người mà lên tiếng: “Kính bạch Thầy...”
Từ lúc nào không biết, sư ông xuất hiện. Sau này chúng tôi mới biết ngài là sư ông Thích Đăng Pháp, viện chủ Thiền Viện Chân Nguyên.
Vì là lần đầu tiên gặp, Thầy hỏi” “Bà và anh chị ở đâu tới?”
Tôi nghe thanh âm Thầy trầm bổng, nhận ra ông xuất thân từ quê hương miền Trung cố đô. “Bạch Thầy, chúng con từ Santa Ana xuống.”
Là Phật tử thuận thành, má chồng tôi biết cách xưng hô phải phép với sư ông. Trước khi mời chúng tôi vào Niệm Phật Đường, Thầy lấy 3 chai nước lọc tinh khiết dưới chân tượng Phật Bà trao cho chúng tôi mỗi người một chai.
Chị Tuyền chỉ tay vào khu nhà tiền chế đơn sơ cheo leo giữa sa mạc rồi nói: “Đây là Niệm Phật Đường. Nhỏ, chật nhưng với chúng tôi đây là tổ nguồn của yêu thương, ấm áp tình nghĩa và là chỗ giúp chúng tôi giác ngộ nhận biết chân thiện mỹ.”
Sau khi hướng dẫn ba mẹ con chúng tôi lễ Phật ở Niệm Phật Đường, Thầy mời chúng tôi trở lại khu Phật đài, nơi đặt tượng Đức Quán Thế Âm.
Thầy kể trong đời, nhiều Phật tử từng được đức Quán Thế Âm giúp cho trong bao cơn nguy nàn, nhất là trong giai đoạn vượt biên trăm ngàn khổ lụy trên biển cả, trong rừng sâu. Hể cầu là được độ giúp.
Khi lập thiền viện này, tâm nguyện của Thầy là cũng chỉ để tỏ lòng cảm tạ đức Quán Thế Âm. Và dù tượng Mẹ mới dựng chưa đầy năm nhưng cũng đã giúp được cho nhiều Phật tử được bình an, ứng nghiệm trong van cầu độ giúp...
Vừa kể chuyện, Thầy vừa dắt ba chúng tôi ra tận ngoài cùng, nơi có 2 tượng Sư Tử gác cổng. Từ đây nhìn vào, hai bên là tượng Thập Bát La Hán. Thầy hướng về Phật đài “Thầy cũng xin được toàn thành tâm nguyện xây dựng được nơi tu tập, phụng thờ chư Phật.
Mọi Phật tử đều hiệp tâm cầu xin được bình an, tai qua nạn khỏi...”
Chúng tôi nghe thầy lâm râm niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cho đến khi trở lại dưới chân tượng Phật Bà.
Tuyệt nhiên Thầy không một lời khuyên nhủ hay hỏi chuyện gì xảy ra cho gia đình chúng tôi. Nhưng thưa anh, ngay sau đó, trên đường quay về nhà, không khí ngột ngạt lúc ra đi hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện và dần dà vui vẻ trong câu chuyện về “Chùa Sa Mạc”, nhất là cảnh tượng Phật Bà cũng như sư ông mà chúng tôi chưa biết pháp danh.
“Không hiểu vì đâu, thú thật với anh, quả tình tôi không hiểu... nhưng tin... Vài ngày sau vợ chồng chúng tôi có dịp cảm thông và dần dần hiểu ra những sai quấy, hiểu lầm.” Tuyền kể hết sức thành khẩn. Khi nhìn thấy tình cảm giữa chúng tôi ấm lên, má chồng tôi tự ăn chay trường “để cảm tạ Phật Mẫu nương nương”.
Câu chuyện của vợ chồng Tuyền là một trong nhiều câu chuyện linh ứng hiển hiện sau khi cầu xin trước linh tượng Phật Bà Quan Âm nơi “Chùa Sa Mạc”.
Không chỉ một mình vợ chồng anh Hoa kể cho tôi nghe câu chuyện của vợ chồng Tuyền mà dường như suốt buổi lễ, mỗi lần trò chuyện cùng ai, tôi cũng nghe nhiều thật nhiều những mẫu chuyện linh ứng tương tự. Có cả những trường hợp linh ứng cứu khỏi bệnh ma tà hay trạng thái tâm thần bấn loạn, bất an thường xuyên.
Bởi thế cho nên, trước linh tượng, cả khối nước lọc được chất sẵn trong dịp lễ, để mọi người muốn xin bao nhiêu thì cứ lấy thoải mái. Tôi đã thấy tận mắt từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy cũng đều cầm chai nước lọc đưa lên trán, thành khẩn cầu xin trước tượng đức Quán Thế Âm.
Khoảng gần tới giờ Ngọ, lễ vía bắt đầu. Phật tử tề tựu trước Phật đài ngót ngàn người. Tiếng chiêng trống rộn rã vang lên báo cho mọi người cung nghinh chư tôn đức Tăng Ni đến lễ đài.
“Trong đời, nhất là trên đường vượt biển, vượt biên tị nạn, mỗi chúng ta ít nhất cũng một lần đã từng được Đức Quán Thế Âm hộ trì cứu giúp... Chúng ta luôn nhớ ơn và cầu nguyện...” Sư ông Thích Đăng Pháp nói ngắn, đủ, để nhường thời gian lại cho các nghi thức lễ bái, cầu nguyện chính.
Thượng tọa Thích Tâm Thành (Quan Âm Thiền Viện) làm chủ lễ. Bằng giọng trong sang sảng, thầy hướng dẫn Phật tử cùng tụng niệm Mười Hai Đại Nguyện Của Bồ Tát Quán Thế Âm:
Nguyện thứ nhất: Khi thành Bồ Tát
Danh hiệu tôi: Tự Tại Bồ Tát
Mười hai lời nguyện cao thâm
“Nghe tiếng cứu khổ” Quán Âm thề nguyền
Nguyện thứ hai: Không nài gian khổ
Quyết một lòng cứu độ chúng sanh
Luôn luôn thị hiện Biển Đông
Vớt người chìm đắm, khi giông tố về
Nguyện thứ ba: Ta Bà ứng hiện
Chốn U Minh nhiều chuyện khổ đau
Oan oan tương báo hại nhau
Nghe tiếng than thở, mau mau cứu liền
Nguyện thứ bốn: hay trừ yêu quái
Bao nhiêu loài ma quỷ gớm ghê
Độ cho chúng biết u mê
Dứt trừ nguy hiểm, không hề nhiễu nhương
Nguyện thứ năm: tay cầm dương liễu
Nước Cam Lồ rưới mát nhân thiên
Chúng sanh điên đảo, đảo điên
An vui mát mẻ, ưu phiền tiêu tan
Nguyện thứ sáu: thường hành bình đẳng
Lòng Từ Bi thương xót chúng sanh
Hỉ xả tất cả lỗi lầm
Thường hành bình đẳng, chúng sanh mọi loài
Nguyện thứ bảy: dứt ba đường dữ
Chốn ngục hình, ngạ quỷ, súc sanh
Cọp beo... thú dữ vây quanh
Quán Âm thị hiện, chúng sanh thoát nàn
Nguyện thứ tám: gông cùm giải thoát
Nếu tội nhân sắp bị khảo tra
Thành tâm lễ bái thiết tha
Quán Âm phù hộ, thoát ra nhẹ nhàng
Nguyện thứ chín: cứu vớt hàm linh
Trên con thuyền Bát Nhã lênh đênh
Bốn bề biển khổ chông chênh
Quán Âm độ hết, đưa lên Niết Bàn
Nguyện thứ mười: Tây Phương tiếp dẫn
Tràng hoa thơm, kỹ nhạc, lộng tàn
Tràng phang, bảo cái trang hoàng
Quán Âm tiếp dẫn, đưa đàng về Tây
Nguyện mười một: Di Đà thọ ký
Cảnh Tây Phương, tuổi thọ khôn lường
Chúng sanh muốn sống miên trường
Quán Âm nhớ niệm, Tây Phương mau về
Nguyện mười hai: tu hành tu tấn
Dù thân này tan nát cũng đành
Thành tâm nghiêm chỉnh thực hành
Mười hai câu nguyện độ sanh đời đời
Sau phần lễ chính, theo sự hướng dẫn của chư Tăng Ni, Phật tử chia làm hai tốp.
Tốp thứ nhất “thiền hành” quanh khu vực linh tượng Đức Quán Thế Âm, vừa đi vừa tụng “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Tốp thứ hai thực hành “Tam Bộ Nhất Bái” suốt từ đầu lễ đài, hướng 2 sư tử ngoài cổng, qua Thập Bát La Hán, ba bước quỳ lạy một lạy, cho tới khi trở lại dưới chân tượng Phật Bà.
Theo lời giải thích của một Phật tử, nếu người con Phật am tường Phật pháp, sẽ nhận ra con số 108 linh ứng trong kinh điển Phật giáo. Chẳng hạn như các cao tăng thường dùng chuỗi có 108 hột hoặc thiền hành 108 bước. Đó là dựa vào tích 108 vị Phật.
Kiến trúc ở khu linh tượng, nếu bước đúng “thiền hành” 3 vòng quanh tượng Quán Thế Âm, sẽ đúng 108 bước. Cũng thế, thực hiện “Tam Bộ Nhất Bái” từ trước linh đài Quán Thế Âm đủ 108 bái cùng bằng thời gian “thiền hành” 3 vòng quanh linh tượng.
Trong buổi lễ vía Quán Thế Âm ngày 29/11/2009, khi đoàn “thiền hành” dứt 3 vòng tại linh đài thì đoàn “tam bộ nhất bái” cũng lạy đủ 108 lạy và cũng qui về trước linh tượng đức Quán Thế Âm.
Sau lễ, mọi người xúm xít “thọ trai” với nhiều món độc đáo do Phật tử làm từ nhà mang đến.
Trong lúc mọi người ăn uống, chuyện trò cười nói vui vẻ, rất nhiều Phật tử khoe “chụp được hình hào quang nơi tượng Phật Bà”.
Nhiều thật. Hôm ấy tôi được xem gần hai chục chiếc máy hình digital ghi được hào quang sáng rực sau tượng đức Quán Thế Âm.
Câu chuyện hào quang hiện ra ở tượng Phật Bà nơi “Chùa Sa Mạc” là có thật. Không chỉ một vài người chụp được hình hào quang.
Mà có nhiều người cùng chụp được ánh hào quang mầu nhiệm hiện ra nơi tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát đặt tại “Chùa Sa Mạc” tức Thiền Viện Chân Nguyên.
Hình đăng kèm đây là do anh Trương Ngọc Sang, Phật tử Santa An chụp. Anh cho biết, anh còn quay được cả phim và đã sang lại tặng sư ông Thích Đăng Pháp.
Những chuyện linh ứng của tượng Phật Bà ở Chùa Sa Mạc đã thu hút được đông đảo Phật tử thập phương lui tới nhưng liệu giấc mơ tạo lập một Thiền Viện.
Biết đâu chừng, tự trong lòng mỗi người, sẽ sáng lên từ tâm muốn phụ một tay để Thiền Viện Chân Nguyên sớm được hiện thực.
(Tôi muốn thêm một dòng: Sư ông chỉ một mình nên cần tới “nghìn tay” để phụ! Lành thay cho những ai được góp ít công mọn của mình cho ước nguyện chung.)
“Chùa Sa Mạc”
Buddhish Meditation Center
Thiền Viện Chân Nguyên
20635 Hwy 395
P.O. Box 248
Adelando , CA 92301
Tel (714) 656-5004
Fax (760) 530-7254
email: tnchannguyen@ yahoo.com
Hướng dẫn lộ trình:
TỪ LITTLE SAIGON hơn 1 tiếng rưỡi lái xe:
Có 2 chọn lựa để đi. Một cách: đi 22E + 55N+91E + 15N + 395 N (từ đây tới “chùa sa mạc” đúng 16 miles, tượng Đức Quán Thế Âm thật lớn bên tay phải).
Một cách nữa: 22E + 57N +10E (hay 210E)+15N+395N (từ đây tới “chùa sa mạc” đúng 16 miles, tượng Đức Quán Thế Âm thật lớn bên tay phải). Cách này thường ít kẹt xe hơn.
Từ SAN DIEGO :
Lấy 15 North, qua 395 North (Adelanto). Từ 15 và 395 đi khoảng 16 miles, thiền viện bên tay phải.
Từ SAN JOSE , SAN FRANCISCO :
Lấy 5 South (hoặc 101 South), 10 East ( Los Angeles ), 15 North, qua 395 North (Adelanto). Từ 15 và 395 đi khoảng 16 miles, thiền viện bên tay phải.
Từ ARIZONA ( Phoenix , Scottsdale , Mesa , Temple ):
Lấy 10 West ( Los Angeles , CA. ), 15 North, qua 395 North (Adelanto). Từ 15 và 395 đi khoảng 16 miles, thiền viện bên tay phải.
Từ ARIZONA ( Flagstaff ):
Lấy 40 West ( Los Angeles , CA.), 15 South, qua 395 North (Adelanto). Từ 15 và 395 đi khoảng 16 miles, thiền viện bên tay phải.
Từ LAS VEGAS :
Lấy 15 South, qua 395 North (Adelanto). Từ 15 và 395 đi khoảng 16 miles, thiền viện bên tay phải.
(Hình và DVD Tượng Phật Bà Hiện Hào Quang đã có tại Thiền Viện Chân Nguyên, quý bạn nào muốn có, liên lạc với Sư Ông viện chủ Thích Đăng Pháp tại điện thoại
(714) 656-5004)
Tuesday, February 2, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment